3. Miền Đông: Washington DC, Virginia, Maryland, Pennsylvania.
Phi trường Dulles của Washington DC quả thật rộng lớn. Rời máy bay đi qua bao nhiêu hành lang, lên xuống mấy cầu thang, lại lên xeshuttle để băng qua khoảng trống dài mới đi vào khu vực để hành lý. Chưa quen đi máy bay nhiều ở các phi trường lớn rất ngại bị lạc dù các bảng chỉ dẫn khá rõ ràng.
Chúng tôi đã được báo người đi đón là bà Trương Anh Thụy. Khu vực lấy hành lý của chuyến bay lúc này cũng đã vắng người vì gần như chúng tôi là những người ra sau cùng. Chúng tôi chỉ có hành lý xách tay nhưng cũng đến khu vực này vì đoán người ta sẽ đón mình ở đây. Một bà tay cầm tờ tạp chí Thế Kỷ 21 đang đứng nhìn quanh quất. Tôi liếc thấy một tựa đề ngoài bìa tờ tạp chí: “Bức thư ngỏ gởi nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, tác giả cuốn tiểu thuyết “Nửa đời nhìn lại”.
Cũng là lúc bà tiến lại phía chúng tôi. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Đó là bà Trương Anh Thụy, tác giả của bài báo viết về tôi cách đây 15 năm khi cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản ở Mỹ. Bà nói ngay: “Tôi chẳng biết nhận diện nhau thế nào nên cầm theo tờ báo này”. Quả thật nó có hiệu lực ngay và cái cách này còn làm cho tôi cảm động vì người ta đã đón và nhớ đến tôi như một người cầm bút.
Hồi đó, năm 1994, khi nhà xuất bản Thế Kỷ in cuốn sách của tôi, việc này đã trở thành một sự kiện văn học và chính trị nho nhỏ. Tại sao Thế Kỷ lại in sách của một cựu đảng viên cộng sản? Cuốn sách là bút ký, hồi ký hay tiểu thuyết? Những sự kiện trong sách là thực hay hư? Tác giả là ai, viết nhằm mục đích gì? Phản kháng hay tìm cách xâm nhập cộng đồng người Việt hải ngoại? Bút pháp của tác phẩm pha trộn nhiều thể loại làm tăng hay giảm giá trị của tác phẩm?… Có gần chục bài giới thiệu, phê bình của các nhà văn, nhà nghiên cứu, người hoạt động chính trị đã viết về cuốn sách này trên các báo, tạp chí hải ngoại. Bà Trương Anh Thụy là người đã dành cho tôi nhiều cảm tình trong bài viết của mình. Bà mở đầu bài viết khá dài bằng một hình ảnh và một tâm trạng, sự đồng cảm giữa người đọc và tác giả, sự nối kết vô hình giữa những người cầm bút cùng một nỗi thao thức trước số phận dân tộc và phận người:
“Tôi đang ngồi đối diện cửa sổ trông ra vườn sau tuyết phủ trắng xóa. Các cành cây trụi lá bao bọc một lớp đá trong vắt như pha lê đang lấp lánh trong ánh nắng ban mai. Tôi mở đọc những trang cuối cùng của cuốn “Nửa Đời Nhìn Lại”. Tôi gấp sách, ngồi lặng trong giây lâu, những cảm giác lạ lùng mâu thuẫn tràn về… Phần như tiếc nuối cuốn sách đã đến hồi kết thúc, phần lại thấy trong tâm tưởng, những nhân vật trong truyện vẫn còn linh động, đang vật lộn với định mệnh của họ, và câu chuyện như vẫn còn đang tiếp diễn chưa thôi.
Ngồi ngẩn ngơ như thế không biết bao lâu trước cuốn sách đã gấp lại. Chợt nhớ câu cuối cùng anh viết: “ Tôi vẫn chưa ra được cơn khủng hoảng và khát vọng tìm kiếm một con đường. Xin các bạn hãy cho tôi những lời tâm sự và những lời khuyên. Điều đó chắc chắn sẽ đem lại cho tôi ngọn lửa, ánh sáng và tình thân, những cái cần thiết vô cùng cho tôi, cho chúng ta, trong lúc này.” Tôi thấy tôi có món nợ đối với anh, món nợ đó ít nhất phải được trả bằng một câu trả lời, đó là “ cho vài lời tâm sự và lời khuyên.”
Chúng tôi trò chuyện làm quen khi đứng bên ngoài đợi chồng bà Thụy chạy xe đến đón. Vì không thể đậu xe lâu ở đây, ông phải chạy một vòng trước khi quay lại. Bà nói vì những người khác hôm nay đều bận nên bà tình nguyện làm người đầu tiên đi đón chúng tôi, đưa về nhà nghỉ ngơi, sau đó sẽ theo chương trình của những người ở đây đã bàn bạc sắp xếp. Không lâu lắm, chồng bà Thụy đã quay xe lại. Ông Nguyễn Huy Long có vẻ đã cao tuổi, người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn và vui vẻ.
Nhà ông bà Long – Thụy ở ngay bên đường, trước và sau nhà có những cây sồi cổ thụ khổng lồ tỏa bóng mát. Nhà ở vùng này có sắc thái khác với nhà cửa vùng Cali, có vẻ cổ kính và vườn tược cây cối lâu năm tươi mát hơn. Ông Long là người cẩn thận và chu đáo. Ông đưa chúng tôi vào phòng dành cho khách, dặn dò kỹ về nơi để các loại khăn tắm trong hộc tủ, các đặc điểm của toa lét. Phòng có rất nhiều sách và tranh treo trên tường.
Nhà chỉ có hai ông bà. Nghe nói có một cậu con trai ở riêng nơi khác. Bà Thụy đã lớn tuổi nhưng mặt còn rất trẻ, da không vết nhăn, nói năng từ tốn. Bà bảo là những người cầm bút ở cách nhau nửa vòng trái đất, đã từng đọc tác phẩm của tôi, bây giờ có dịp gặp nhau cũng là một niềm vui lớn. Sau này tôi mới biết bà viết cũng khá nhiều, đã xuất bản mấy tập truyện ngắn và thơ, đặc biệt là bộ trường thiên tiểu thuyết “Chuyển mùa”, được giải thưởng Văn Học Quốc Tế của tổ chức Y Sĩ Việt Nam Tự Do kỳ 2 năm 2005. Bà còn chủ trương nhà xuất bản Cành Nam, kết hợp với Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, in được khá nhiều tác phẩm giá trị. Ngoài ra bà còn vẽ tranh, say mê chụp ảnh. Tranh của bà nét bút rất điêu luyện, đầy nữ tính. Quả là một phụ nữ tài hoa, năng động và làm việc rất nhiều. Trong nhà ở tất cả các phòng đều có sách và tranh, có loại sách còn rất nhiều bản vì bà chứa sách của nhà xuất bản.
Ông Long thích trò chuyện. Ông nguyên là học viên khóa đầu tiên của trường Sĩ Quan Nam Định, nhưng chỉ ở trong quân đội một thời gian ngắn, sau đó ông xuất ngũ đi du học. Ông tốt nghiệp kỹ sư, lấy bằng tiến sĩ, làm việc trong các công ty Mỹ và đã từng đi làm chuyên gia ở các nước châu Phi. Khi còn là sinh viên, nhờ viết một bài báo được một tổ chức nữ tu chú ý, hỏi thăm về tình hình gia đình. Khi biết ông đã có bạn gái ở quê nhà, các bà xơ đã đồng ý tạo điều kiện cho bạn gái ông qua Mỹ du học luôn. Bạn gái đó chính là bà Thụy. Cuộc đời ông bà quả thật nhiều may mắn. Ông nói vui, khi nghe chúng tôi “là Việt cộng” sắp đến nhà ông sợ lắm, nhưng khi gặp thấy chúng tôi hiền lành tử tế, chẳng có vẻ gì “cộng sản ác ôn” cả. Cả hai ông bà đều là người bắc và đã đi du học từ đầu những năm 1960. Nhà ông bà hiện ở Arlington, Virginia, sát cạnh Washington DC.
Hôm sau chúng tôi có cơ hội được đi thăm ngay Tòa Bạch Ốc – White House và Tòa Nhà Quốc Hội – Capitol ở thủ đô Wasington DC. Đặc biệt việc vào thăm Tòa Bạch Ốc hiện nay rất khó khăn, kiểm tra an ninh nghiêm nhặt, kể từ sau vụ khủng bố 11/9, phải xin phép và được chấp thuận trước. May mắn là trong thời gian này ông Nguyễn Ngọc Bích đang tổ chức một lớp đào tạo ngắn ngày về khả năng lãnh đạo cho một số sinh viên Việt Nam, trong chương trình có việc vào tham quan và nghe nhân viên Tòa Bạch Ốc thuyết trình, đã xin phép và được đồng ý trước. Khi chúng tôi còn ở Texas, ông Bích đã gọi điện thoại hỏi số hộ chiếu của chúng tôi để làm thủ tục, ghép vào cùng đi với đoàn sinh viên.
Đến Tòa Bạch Ốc trước giờ hẹn, chúng tôi đi xem loanh quanh phía ngoài. Khoảng đường phía trước đã bị dựng rào ngăn xe, chỉ được đi bộ. Khách du lịch khá đông và đặc biệt đang có một cuộc biểu tình của một nhóm người Sri Lanca lên án chính quyền của nước họ và kêu gọi tổng thống Obama giúp đỡ cho tổ chức Hổ Tamin đang bị tàn sát. Họ đứng thành hàng dài, giương cao các biểu ngữ, hình ảnh và hô khẩu hiệu. Cùng với nhiều du khách, chúng tôi chụp hình khá khó khăn vì người quá đông và đi lại lộn xộn. Tuy vậy bà Thụy cũng trổ tài ghi cho chúng tôi mấy tấm hình thật đặc biệt.
Thủ tục vào bên trong Tòa Bạch Ốc rất nghiêm nhặt. Ông Bích và nhóm sinh viên được cấp thẻ đặc biệt ngay khi vào. Riêng chúng tôi vì mang hộ chiếu Việt Nam, lại mới đăng ký bổ sung, nên ông Bích phải nhờ một nhân viên bên trong Tòa Bạch Ốc ra bảo lãnh và cũng được cấp thẻ từ, đi qua máy quét. Bên trong hành lang vắng vẻ, các phòng làm việc đều đóng kín cửa. Chúng tôi được hướng dẫn vào một phòng họp có treo quốc huy Hoa Kỳ và hình tổng thống Obama. Hai nữ nhân viên còn trẻ, một người Việt, một người Hoa, được giới thiệu là những nhân viên xuất sắc của Văn phòng thuyết trình cho đoàn về cơ cấu hoạt động của Tòa Bạch Ốc và điều kiện, cơ hội cho những ai muốn vào làm trong cơ quan quyền lực hành pháp cao nhất của nước Mỹ. Sau phần thuyết trình có thảo luận. Chúng tôi chỉ nghe được lõm bõm vì họ nói tiếng Mỹ như gió. Mọi người chỉ được phép chụp hình trong phòng họp chứ không được chụp ở ngoài.
Buổi chiều, đoàn đi qua Tòa Nhà Quốc Hội – Capitol để tiếp xúc với một số dân biểu đã hẹn trước. Vì đi nhiều xe, ông Bích chở bà Thụy và chúng tôi đến phía trước Quốc Hội ngồi đợi để ông đi liên lạc với các người khác trong đoàn. Chúng tôi ngồi ở bậc thềm của một tòa nhà lớn bên kia đường đối diện với cổng vào Quốc Hội. Ngồi ở đây mới cảm nhận được sự sống động và đa sắc của nếp sống Mỹ. Rất nhiều người đi bộ vội vã, mặc complet cà vạt, xách cặp có vẻ là viên chức nhà nước hay doanh nhân xen lẫn khách du lịch nhiều quốc tịch thơ thẩn chụp hình. Lại có những người mặc quần áo thể thao chạy bộ. Có người ngồi bệt xuống thềm nghe điện thoại hay ngắm người qua lại như chúng tôi. Không ai chú ý đến ai. Sự sôi động của đám đông không phá tan hay xâm nhập vào cõi riêng tư của mỗi người. Cảm giác tự do tự tại trong một xã hội biết tôn trọng cá nhân dấy lên nhẹ nhàng mà trước đó tôi chưa hề có.
Thủ tục an ninh vào trong Tòa nhà Quốc Hội tuy không chặt chẽ như ở Tòa Bạch Ốc nhưng cũng rất nghiêm nhặt. BY có mang một cái kéo nhỏ xíu để trong xắc cũng được yêu cầu phải bỏ lại. Một vài em sinh viên mang theo thức ăn trưa chưa kịp ăn cũng không được mang vào. Cả đoàn được hướng dẫn đi qua một phòng rộng có rất nhiều tượng nhưng chưa kịp xem phải đi ngay vào phòng họp, sau khi đi vòng vèo qua rất nhiều hành lang. Ngồi đợi một lát, tôi nảy ra ý rủ chị Thụy và BY đi ra ngoài tham quan Tòa Nhà Quốc Hội vì đây là dịp hiếm có thay vì ngồi nghe các sinh viên tiếp xúc với dân biểu Mỹ, không phải là công việc của chúng tôi. Chị Thụy đồng ý ngay. Chúng tôi cáo lỗi với ông Bích rồi đi ra ngoài.
Tòa nhà rất rộng, vô số hành lang chạy về các hướng, chúng tôi loanh quanh mãi mới trở về được căn phòng có nhiều tượng. Đây là nơi trưng bày tượng của một số tổng thống Hoa Kỳ với kích thước lớn như người thật rất sinh động. Khách vào tham quan khá đông nên phải đợi để chụp hình những nơi ưng ý.
Xem tượng xong, chúng tôi đi ra ngoài, vòng quanh tòa nhà để xem cảnh và chụp hình. Ngoài này khách đi lại tự do và rất đông đảo. Từng đoàn học sinh, công nhân và các đoàn thể nào đó ở các bang khác đến đi thành đoàn có mang đồng phục hay phù hiệu xen lẫn với khách du lịch đi lẻ nhiều màu da và tiếng nói. Tòa nhà quá lớn và cao nên khó lòng chụp được bức hình có cả pho tượng trên nóc dù chúng tôi đã lùi khá xa. Xem chán, chúng tôi ra ngồi ở bãi cỏ dưới các tàng cây lớn gần cổng đợi đoàn làm việc ra.
Tôi có nhiều thời gian để trò chuyện với chị Thụy. Chúng tôi đã xem nhau như bạn bè. Chị cũng có phong cách “nghệ sĩ” như tôi, dĩ nhiên là không “bụi đời” bằng, khi tự nhiên ngồi bên lúc tôi nằm dài trên thảm cỏ (vì mỏi mệt và đau lưng khi phải ngồi lâu do tôi đang bị đau cột sống). Một phụ nữ trí thức sống trên đất Mỹ từ trẻ, không trải qua hoàn cảnh khốn đốn của chiến tranh và cuộc sống mất tự do dưới chế độ độc tài toàn trị như chúng tôi, nhưng với thiên bẩm của một nhà văn, chị thấu hiểu và đồng cảm những gì chúng tôi đã sống trải. Chị cũng xem được gặp nhau nơi đây là niềm vui lớn và là một điều kỳ diệu của cuộc sống. Quan điểm của chị về những vấn đề Việt Nam rất chừng mực, đầy thiện ý như chị đã diễn đạt trong bộ tiểu thuyết “Chuyển mùa” chị tặng tôi mà sau đó khá lâu tôi mới có thời gian đọc hết.
Ngồi nhìn lối vào Tòa Nhà Quốc Hội cũng thấy thêm sự cảnh giác cao của nước Mỹ sau vụ 11/9. Ngoài các bàn chông dựng đứng có thể điều khiển đưa lên hạ xuống trên đường để đối phó với các xe xông thẳng vào, ở cổng còn có một xe cảnh sát thường xuyên túc trực. Bất cứ xe nào vào cũng phải dừng lại để kiểm soát. Cảnh sát mở cửa chiếc xe thùng của mình cho con chó nghiệp vụ ra ngửi quanh xe khách rồi lại đưa nó vào nhốt. Họ kiên nhẫn làm công việc nhàm chán này suốt ngày. Thời đại khủng bố đã đưa nước Mỹ vào một tâm trạng mới, không còn bình an như xưa và cũng làm hạn chế một số quyền tự do thoải mái của người dân.
Kết thúc một ngày tham quan cơ quan quyền lực đầu não của nước Mỹ, ông Bích lái xe trả chúng tôi về nhà của chị Thụy. Nghỉ ngơi xong, chị Thụy lái xe đưa chúng tôi đến nhà ông Đoàn Viết Hoạt. Chị nói đùa chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần để “chuyển trại” ít nhất năm lần trong thời gian mươi ngày ở đây. Có lẽ vì ở lâu một nơi không tiện và một số người cũng muốn đón tiếp chúng tôi tại nhà nên họ đã sắp xếp lên lịch cho chúng tôi ở mỗi nơi một hai hôm. Sự di chuyển này tuy có hơi mệt cho chúng tôi nhưng bù lại chúng tôi được tiếp xúc gần gũi, thân mật với nhiều người. Vả lại đi đâu cũng có người đưa đón nên chúng tôi rất vui lòng được “chuyển trại”.
Nhà ông Hoạt ở thành phố Annaldale, bang Virginia. Nhà có vườn trước, vườn sau với nhiều cây lâu năm như đại bộ phận nhà ở vùng này và một số hoa, cây ăn trái do ông mới trồng. Nghe nói ông chuyển đến đây chưa lâu. Chúng tôi được sắp xếp ở một phòng trên gác, hình như là phòng làm việc của chủ nhà vì thấy có rất nhiều sách, tài liệu, hình ảnh của ông Hoạt. Nhà có phòng khách ở dưới không rộng lắm nhưng tầng hầm lại có một phòng khác rộng hơn có thể ngồi đến vài chục người. Ngoài vườn có bộ bàn ghế được che dù để ngồi uống café nói chuyện, hút thuốc tự do.
Ông Đoàn Viết Hoạt du học Mỹ trước năm 1975. Về nước ông làm Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh. Sau 1975 ông tổ chức nhóm Diễn Đàn Tự Do, ra báo bí mật chống chế độ mới. Cùng với bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ông là một trong hai trí thức nổi tiếng của Miền Nam hoạt động chống cộng sản, bị tù nhiều năm. Khi ra tù ông bị trục xuất thẳng qua Mỹ. Từ khi sang đây ông tiếp tục hoạt động, quan hệ với nhiều nhóm và đến nay lựa chọn một lối đi riêng trong khi vẫn kết hợp với những người đồng quan điểm. Ông viết nhiều sách, tổng kết lý thuyết về đường lối, quan điểm và phương pháp của mình để phổ biến trong cộng đồng, quan trọng là cuốn “Hành trình dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa”. Ông cũng có uy tín đối với các tổ chức của Mỹ và quốc tế trong lãnh vực đấu tranh cho nhân quyền.
Trong các buổi trò chuyện, ông kể nhiều với tôi về thời gian ông ở tù cộng sản, nhất là những phương thức đấu tranh trong tù để giữ gìn chí hướng, phẩm cách của mình và giúp đỡ các bạn tù, kể cả tù hình sự. Tôi thấy quan điểm của ông không cực đoan và ông là người rất kiên trì, có quyết tâm cống hiến cả đời mình cho cuộc tranh đấu. Tuy nhiên trong hoàn cảnh cực kỳ phức tạp và nhiều chia rẽ của cộng đồng hải ngoại, hoạt động của ông cũng không phải dễ dàng. Một người có quá trình như ông mà cũng có lúc, có người vu là “đặc công cộng sản”. Hình như hiện nay ông đang hoạt động một cách lặng lẽ, chú trọng vào hiệu quả chứ không có tính cách phô trương bề nổi.
Bà Trần Thị Thức, vợ ông Hoạt là một phụ nữ giản dị, xởi lởi, đã từng trải qua nhiều khó khăn và căng thẳng khi chồng ở tù nên dễ đồng cảm với hoàn cảnh của chúng tôi. Bà cũng đã biết về chúng tôi từ trước nên trò chuyện rất tự nhiên. Bà hiện đang dạy tiếng Việt cho sinh viên Mỹ. Một số sinh viên của bà đến chơi nói chuyện với chúng tôi để hỏi thăm về tình hình trong nước và thực tập tiếng Việt. Tôi nói đùa sẽ giúp bà kiểm tra trình độ của họ để xem họ có xứng đáng tốt nghiệp không. Họ nói tiếng Việt còn khó khăn nhưng nghe khá hơn. Họ quan tâm và hỏi về nhiều vấn đề, theo cách nghĩ của người Mỹ: Ảnh hưởng của kinh tế suy thoái đối với Việt Nam? Đảng Cộng sản Việt Nam có thể có một Gorbachov không? Việt Nam nên có một hay nhiều đảng? Vai trò của Internet ở Việt nam như thế nào?… Họ cũng hỏi về “nhóm Đà Lạt” và mong muốn sẽ có dịp đến Việt Nam để chứng nghiệm những điều họ đã nghiên cứu, học tập.
Ở đây tôi gặp nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng Bắc cũng là giáo viên dạy tiếng Việt cho sinh viên Mỹ đến chơi. Tôi đã từng viết về Hoàng Bắc: “Một nhà văn nữ ở Cali đã đọc “Nửa đời nhìn lại” với một sự đồng cảm sâu sắc, không phải chỉ trên quan điểm chính trị mà cả trong tâm trạng và những khát vọng, hoài nghi, dằn vặt tế nhị, sâu xa trong tâm hồn người viết, kết thúc bài điểm sách bằng cách “chúc lành” cho tác gỉa. Chỉ cần một người đọc như thế cũng đủ an ủi cho một đời văn.” Ấy là khi cuốn sách “Nửa đời nhìn lại” của tôi được xuất bản, Hoàng Bắc là một trong những người viết giới thiệu sớm nhất đã nồng nhiệt chia sẻ và bênh vực cho tác giả cả về cả nội dung tư tưởng, quan điểm chính trị và bút pháp của cuốn sách. Hoàng Bắc viết trong bài “Chúc lành” đăng trong tạp chí Thế Kỷ 21 từ năm 1994:
“Nửa Đời Nhìn Lại là tiểu thuyết hư cấu hay là bút ký người thật việc thật hay hơn nữa là những bài lý luận mang tính bút chiến của một tác giả tràn đầy tình cảm, thiết tha sôi nổi, đau đớn nhọc nhằn, nhức nhối băn khoăn, nhiệt tình và rực lửa dù có lúc đã chìm sâu xuống tận đáy vực của đau khổ tuyệt vọng và ruồng bỏ? Nửa Đời Nhìn Lại mang tất cả những tính cách đó và hơn thế nó là xương thịt, là máu, là tủy, là tình yêu, là nước mắt, là hạnh phúc, là đớn đau, là nhục tình, là hy sinh, là đóng góp và tất cả là thể nghiệm của một con người đem chính cuộc đời mình ra – chứ không thể là ai khác, cái gì khác, để chứng minh cho những suy tư, khắc khoải, những lý tưởng và ngụy tín, những chân lý và trá ngụy, những điều đáng sống và những mất mát của cuộc đời.”
“Tóm lại là một tiểu thuyết có đủ hỉ nộ ái ố dựa theo quan niệm cổ điển hay tân thời và làm cho người đọc khóc cười theo với nó, là một tiểu thuyết thành công, chứ sao! Nhưng Nửa Đời Nhìn Lại và Bảo Cự không dừng lại ở mức viết một tiểu thuyết và thành công ở một tiểu thuyết. Cái can đảm đi suốt nửa đời mình, sống với những điều mình tưởng, chiến đấu trong cô đơn và đôi khi tuyệt vọng trong một cuộc chiến không cân sức mà vẫn không đầu hàng khuất phục, cái can đảm không mù quáng, chấp nhận phê phán những sai trái trong lý tưởng của mình, nhận trách nhiệm trong riêng tư cũng như trách nhiệm trước lịch sử, đó phải chăng mới là niềm gửi gắm của Bảo Cự vàNửa Đời Nhìn Lại?”
Lúc đó tôi không quen biết chị và không hề biết chị là ai, tưởng lầm chị ở Cali trong khi thực sự chị ở Virginia. Mãi gần đây tôi mới liên lạc với chị qua email. Bây giờ chị và tôi ngồi bên nhau, chụp chung một tấm hình kỷ niệm, cảm thấy gần gũi ấm áp như bạn bè cũ gặp lại. Đúng là nhân duyên trên trái đất tròn.
Buổi chiều và tối, vì ông Hoạt bận nên lại đưa chúng tôi đến nhà bà Thụy chơi rồi sau đó ông Long bà Thụy đưa chúng tôi đến dự buổi tổng kết lớp học về kỹ năng lãnh đạo cho sinh viên. Buổi tổng kết được tổ chức ở một nhà hàng khá lớn, có đến gần trăm người dự. Khóa học này là sáng kiến của nhóm ông Bích, quy tụ sinh viên Việt Nam ở nhiều tiểu bang, khoảng hơn 20 người. Họ là những thanh niên có xu hướng hoạt động chính trị, tham gia vào chính trường Mỹ. Đây là một hoạt động nhằm vào việc gọi là chuẩn bị đi vào “chính dòng”, vừa thực hiện quyền của người công dân Mỹ, đồng thời nâng cao vị thế của người Việt trong xã hội Mỹ. Một vài sinh viên phát biểu cảm tưởng đã bày tỏ công khai tham vọng sẽ trở thành những nhà lãnh đạo trong chính giới Hoa Kỳ. Toàn bộ hoạt động của khóa học được quay phim, chụp hình và phát trên một vài đài phát thanh, truyền hình Mỹ – Việt.
Sau phần tổng kết là bữa ăn khá thịnh soạn, rồi đến phần văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Ông Bích cũng lên sân khấu hát và nhảy với đám sinh viên. Ông có giọng hát trầm, dài hơi, luyến láy không khác gì ca sĩ chuyên nghiệp, lại sáng tác cả nhạc. Ông thật đa tài và có máu nghệ sĩ. Nhìn ông ca hát, nhảy múa, không ai nghĩ ông là một học giả nghiêm túc, một người hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội nổi tiếng trên nhiều lãnh vực. Có lẽ chỉ trong xã hội cởi mở con người mới có thể thể hiện mình tự do và đa dạng như thế.
Trong khi ăn, có một bà đến chào chúng tôi, được giới thiệu là nữ sĩ Vi Khuê, vợ của ông Chữ Bá Anh (đã quá cố), người Huế, trước đây ở Đà Lạt. Bà nghe tin có tôi là “đồng hương” viết văn nên đến thăm hỏi và tặng tôi tập “Thơ trong mưa và hoa”(Poems in rain and flowers) bằng hai thứ tiếng Anh – Việt. Bà lớn tuổi nhưng trang điểm đậm, ăn mặc rất chải chuốt, áo dài, vòng cổ, đúng điệu phụ nữ Huế thời trước. Có người khen cách ăn mặc của bà, bà nói vui vì gặp đồng hương từ trong nước ra nên phải trang phục tề chỉnh, không người ta cười cho. Tình cờ lại có một cô giáo trước đây dạy ở Bảo Lộc nhận ra chúng tôi cũng đến thăm hỏi. Hóa ra đi đâu cũng gặp người quen biết. Sau 1975, người Việt đã tỏa ra khắp thế giới và đã hòa nhập với nhiều xã hội phương tây. Trong nỗi bất hạnh lại cũng có điều may mắn.
Sau buổi tổng kết, đã chuẩn bị mang sẵn hành lý gởi trong xe Ông Long, chúng tôi chuyển sang xe của ông Bích để “chuyển trại” trong đêm. Do đã hẹn trước, Ông Bích lái xe đưa chúng tôi đến nhà người con gái của ông Trương Vũ ở Virginia lúc 10g đêm. Ông Vũ đang đợi chúng tôi ở đây. Ông Trương Vũ (hay Trương Hồng Sơn) trước kia chúng tôi cũng đã biết tiếng. Ông nguyên là giáo sư dạy trung học và đại học ở Nha Trang. Ông vượt biên sang Mỹ, học tiếp lấy bằng tiến sĩ, làm việc ở cơ quan NASA và tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, báo chí, khá nổi tiếng trong cộng đồng. Các con ông đã lớn, đều rất thành đạt trong xã hội Mỹ, ở nhiều tiểu bang khác nhau nên ông bà thường xuyên đi đây đó gặp các con.
Nhà cô con gái ông Vũ mới xây dựng, lớn và hiện đại nhất trong những nhà chúng tôi đã từng ở khi qua đây. Vườn không rộng nhưng nhà thật mênh mông. Tầng trệt có phòng ăn, bếp và đến 4-5 phòng khách, phòng ngồi chơi trang trí khác nhau. Có đến 3 cầu thang dẫn lên tầng trên. Không gian thật quá dư thừa. Đã khuya nhưng ông bà cũng mời chúng tôi uống rượu vang nói chuyện làm quen. Ông Vũ đã nghỉ hưu, hiện chuyên tâm sáng tác hội họa và viết, ít tham gia hoạt động chung như mấy năm trước. Bà An, vợ ông Vũ, từ khi sang đây chỉ ở nhà nội trợ và lo cho các con. Bà có hơi “thiệt thòi” nhưng bù lại đã góp phần lớn cho cả gia đình được thành đạt trên xứ người, đó cũng là hạnh phúc của người phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh ly hương bất đắc dĩ. Tôi hỏi thăm và được ông Vũ xác nhận từ năm 1994, ông đã từng đăng bài “Đọc thơ Đông Trình, suy nghĩ về văn nghệ, chính trị và sám hối” của tôi trên tạp chí Đối Thoại ở đây do ông chủ biên. Ông đã biết và đọc về tôi từ lâu nên chúng tôi trò chuyện rất tương đắc.
Buổi sáng hôm sau, tôi theo ông Vũ đi mua café và đồ ăn sáng ở một khu mua sắm không xa lắm. Cũng phải xếp hàng chờ đợi khá lâu vì khách đông, tất cả đều là khách Mỹ, trừ chúng tôi. Khu vực này có không khí khác hẳn những khu đông đảo người Việt bên Cali. Ăn sáng xong, ông Vũ rủ tôi đi dạo quanh vùng. Tuy tôi đang đau chân nhưng cũng cố gắng đi. Đây là khu vực có nhiều nhà mới xây dựng nhưng vẫn có các cây cũ rợp bóng trên các lối đi, hoàn toàn yên tĩnh. Ở Mỹ người ta không bao giờ chặt phá cây cối bừa bãi. Rừng cây là tài sản quý giá thiên nhiên ban tặng nên họ biết cách giữ gìn từng cây một, bất đắc dĩ lắm mới đốn và muốn đốn cây, kể cả những cây lớn do chính mình trồng trong vườn cũng phải xin phép.
Gần trưa, ông Vũ chở bà An và chúng tôi về một nhà khác ở Rockville, bang Maryland, nơi ông bà ở chung với một người con khác. Bang Maryland giáp giới với Virginia và hai bang này diện tích không lớn, bao quanh Washington DC nên đi lại không xa lắm. Tuy vậy chúng tôi cũng chạy xe khoảng hơn 1 giờ. Ra khỏi khu dân cư, con đường freeway xuyên qua các khu rừng rậm cây cối xanh rì, khác hẳn với những freeway ở Cali thường chạy giữa các thung lũng trống trải hay đồi núi trọc. Miền đông và miền tây nước Mỹ cách nhau 3 múi giờ nên khí hậu khác nhau nhiều. Vào mùa này, miền đông cũng mát mẻ, chỉ lạnh hơn Cali đôi chút.
Nhà con ông Vũ ở Maryland cũng khá rộng. Đặc biệt phòng dành cho chúng tôi nhìn ra vườn sau là cả một rừng phong. Tuy chung quanh có nhiều nhà nhưng nhà nào cũng có vườn rộng và giữa các vườn không có hàng rào. Bãi cỏ dưới tán cây dọc phía sau các nhà dài đến vài trăm mét, được cắt xén cẩn thận, trông vô cùng hấp dẫn. Cất hành lý xong, chúng tôi xin phép chủ nhà ra ngay ngoài bãi cỏ dạo chơi chụp hình. Thật thoải mái khi được nằm dài trên cỏ mượt. Tôi vốn rất ghét những tấm bảng “cấm đi lại trên cỏ” cắm ở các bãi cỏ vốn đã rất hiếm hoi nơi công viên, vườn nhà hàng, khách sạn trong nước. Cỏ không để đi, để ngồi, để nằm thì để làm gì?! Dĩ nhiên là không được “dày xéo” cho nát cỏ. Nhưng mấy ai làm thế.
Ông Vũ đưa chúng tôi đi xem tranh của ông treo ở các phòng. Ông vẽ khá nhiều, điêu luyện như họa sĩ chuyên nghiệp chứ không còn nghiệp dư, đặc biệt những bức tranh chân dung rất có thần.
Buổi tối có một buổi họp mặt đặc biệt. Ông hẹn các con, dâu, rể và mấy bạn trẻ thân của họ, cùng vài người lớn tuổi và hai nhà văn nữNguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thanh Bình. Ông nói chủ yếu là để các bạn trẻ tiếp xúc trao đổi với tôi. Theo yêu cầu, bất đắc dĩ tôi phải làm một “bài thuyết trình” ngắn về tình hình chung, đặc biệt về thái độ của giới trí thức trong nước. Vấn đề họ quan tâm và trao đổi nhiều vì có những suy nghĩ trái chiều ở đây là việc về nước làm từ thiện. Một số bạn trẻ đã thành đạt, phần nhiều trong nghành y, đã từng tổ chức đi về nước làm từ thiện và gặp khó khăn ở cả hai phía, dư luận trong cộng đồng và thái độ của nhà cầm quyền trong nước. Thật nghịch lý khi một công việc tốt đẹp, có ý nghĩa cao quý, có ích lợi thực tế, tốn rất nhiều công sức, tiền bạc, tâm huyết lại gặp khó khăn ngăn trở.
Có người nói lo cho dân là trách nhiệm của nhà nước. Làm từ thiện chỉ góp phần bớt gánh nặng cho nhà nước và các quan chức còn lợi dụng để tham nhũng. Đây lại là nhà nước độc tài, làm như thế chẳng khác gì góp phần củng cố chế độ. Ý kiến ngược lại cho rằng đúng là nhà nước phải có trách nhiệm lo cho dân, lo không tốt người dân sẽ khổ, nhất là đối với những tầng lớp nghèo trong xã hội. Khi nhà nước chưa lo đủ, công việc từ thiện sẽ giúp người dân bớt khổ phần nào, nếu không có, họ càng khổ hơn. Cùng khổ có giúp họ vùng lên chống chế độ độc tài và có chống được không dưới chế độ công an trị với bàn tay sắt? Bắc Triều Tiên và Cuba là những thí dụ có thể nhìn thấy. Công việc từ thiện giúp người nghèo khổ phân biệt rõ ai là người quan tâm đến số phận của mình, từ đó tự nhiên nâng cao nhận thức về chính trị. Mặt khác, trên phương diện nhân đạo, công tác từ thiện mang lại hạnh phúc cho con người, cả người nhận và người cho, chẳng lẽ đó là việc làm sai trái… Những người tham dự trao đổi khá sâu vấn đề. Không ai kết luận nhưng chắc là dịp để mọi người khẳng định lại quan điểm và niềm tin của mình.
Hai nhà văn nữ mang theo sách để tặng tôi. Hoàng Bắc tặng cuốn “Nhện” và Thanh Bình cuốn “Cuối đêm dài”, đều là tập truyện ngắn. Tôi nghe người ta nói về Thanh Bình và khá ngạc nhiên. Đây là một cô ăn mặc rất mốt, trẻ trung, quần jean bó, gót giày rất cao, áo hở rún như thiếu nữ đôi mươi nhưng lại là một thiếu phụ, một bà mẹ đã có bốn con. Cô (phải gọi là cô thôi) chỉ ở nhà nội trợ nhưng lại viết rất nhiều về những vấn đề xã hội khá sâu sắc. Cô có cử chỉ và cách ăn nói mạnh dạn cũng như những vấn đề nói ra có thể làm những vị lớn tuổi đạo mạo bị “sốc”. Cô đúng là một nhà văn nữ cá tính mạnh.
Tôi có nhiều thời gian trò chuyện với Trương Vũ khi ở nhà ông. Ông cho biết đã định về Việt Nam cộng tác với Nguyên Ngọc mở trườngđại học Phan Chu Trinh ở Hội An, tuy nhiên sau khi xem xét kỹ điều kiện, thấy nhà nước can thiệp quá sâu, không thể thực hiện được một đại học với tinh thần tự chủ thực sự như các đại học Mỹ, ông đã từ bỏ ý định. Ông cũng đang chuẩn bị viết một cuốn sách để nhìn nhận lại cuộc chiến Việt Nam qua tâm trạng cá nhân và những bài học lịch sử. Vì công trình này đòi hỏi nhiều nghiên cứu công phu nên thời gian mấy năm gần đây ông giảm bớt mọi quan hệ và hoạt động, gần như ở ẩn để tập trung suy nghĩ và làm việc. Là một nhà khoa học nhưng ông quan tâm, suy nghĩ sâu về các vấn đề xã hội và thường diễn đạt một cách chậm rãi, khúc chiết về các vấn đề trao đổi.
Chiều hôm sau, ông Vũ đưa chúng tôi đến dự một buổi gặp mặt ở nhà ông Đặng Đình Khiết, một người tôi chưa hề nghe tên. Ông Khiết ở Falls Church, Virginia. Ông Khiết sống độc thân, nhà không rộng lắm, khách có khoảng mươi người, tôi không nhớ tên hết vì chỉ được giới thiệu qua, trong đó có anh Ngô Vương Toại tôi đã nghe tên ở trong nước từ thời sinh viên trước 1975. Thời đó, anh Toại là sinh viên, tổ chức Quán Văn ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Trong một cuộc vận động tranh cử Ban Đại Diện Sinh Viên Văn Khoa năm 1967, có phần ca hát của Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, anh đã bị hai thanh niên đặc công của Mặt Trận cướp micro và bắn trọng thương, là một vụ gây chấn động dư luận. Ông Uyên Thao, người chủ trương nhà xuất bản Tiếng Quê Hương mang đến tặng mọi người cuốn sách “Hồi ký của một thằng hèn” của Tô Hải vừa mới “ra lò”. Cuốn sách này đã được công bố một phần trên mạng gây xôn xao dư luận.
Cũng như các cuộc gặp gỡ khác ở Mỹ mà tôi đã tham dự, thường trong hay sau khi ăn uống, người ta đề nghị tôi nói khái quát về tình hình trong nước hay đặt ra những câu hỏi mà nhiều người quan tâm và sau đó cùng nhau trao đổi, đặc biệt là những vấn đề thời sự nóng như vụ khai thác bô xít ở Tây nguyên. Tôi cũng không phải nói nhiều lắm vì mọi người đều có ý kiến. Trong khi cánh đàn ông nói chuyện, BY được mấy bà vợ của các ông tham dự buổi gặp mặt đưa đi chơi, mua sắm gì đó. Các bà hình như cũng không thích nói chuyện chính trị nhiều.
Vào buổi chiều, trước khi cuộc nói chuyện kết thúc, có khách mới đến là vợ chồng Trần Trung Việt. Chúng tôi đã được báo điều này. Nguyên trước đây, khi chuẩn bị cho chuyến đi Miền Đông, Việt đã liên lạc với tôi và hứa sẽ đến gặp và đưa chúng tôi đi New York, Niagara Falls rồi về Pittsburgh, nơi anh ở, chơi mấy hôm. Tuy nhiên sau đó anh báo lại phải hủy chương trình vì anh bận công việc của công ty phải ra nước ngoài trong thời gian này. Chúng tôi đã khá thất vọng vì tôi rất muốn gặp Việt. Tuy chưa từng gặp nhưng Việt là một trong số ít người tôi đã có liên lạc lâu nhất trong số những người quen biết ở Mỹ. Từ năm 2003, khi tôi bắt đầu đăng bài trên Đàn Chim Việt, lúc đó Việt ở trong ban biên tập và là CEO cơ quan chủ quản của trang web này. Chúng tôi đã trao đổi qua mail nhiều và khá thân thiết. Đến lúc chúng tôi sang miền Đông, Việt đã thu xếp được thời gian và báo sẽ đến gặp chúng tôi, tuy không đưa chúng tôi đi các nơi được nhưng sẽ đưa về thăm nhà anh ở Pittsburgh. Vậy là quá vui rồi.
Việt khoảng trên dưới 40, trẻ nhất trong số những người gặp gỡ ở đây. Anh chàng gầy, cao ráo, mặt hơi khắc khổ, cắt tóc ngắn, nói giọng Quảng Trị. Thủy, vợ Việt khoảng cùng tuổi, mập mạp hơn và rất xinh, có nét lai. Việt trò chuyện qua loa với chủ nhà và mấy vị khách còn nán lại rồi xin phép đưa chúng tôi đi vì trời đã về chiều và từ đây đến Pittsburgh, bang Pennsylvania, phải mất đến 4-5 giờ lái xe. Thế là chúng tôi “chuyển trại” tiếp. Đi như thế này thú vị hơn nhiều so với đi du lịch theo tour, chỉ toàn người lạ và đến đâu cũng chỉ “cỡi ngựa xem hoa”. Chúng tôi cũng hơi ái ngại vì thấy Việt vừa lái xe đến, đi đường xa chưa kịp nghỉ ngơi. Việt trấn an chúng tôi là chuyện này rất bình thường, thỉnh thoảng cuối tuần vợ chồng anh vẫn lái xe từ Pittsburgh lên Washington DC uống café rồi về. Ở Mỹ có khác, đi gần 300 dặm để uống café! Dù sao cũng là một cái thú khi thay đổi không khí hay được gặp mặt bạn bè.
Chạy khoảng hơn một giờ, trời bắt đầu tối, Việt vẫn không giảm tốc độ. Freeway ở Mỹ cho phép chạy tốc độ cao vì chạy lane nào ra laneđó, không có cảnh lấn đường, vượt ẩu, lạng lách hay đủ loại xe chạy ngược chiều, đâm ngang dọc như ở Việt Nam. Con đường này cũng băng qua nhiều rừng núi chập chùng và khi vào đến thành phố phải qua mấy đường hầm. Pittsburgh là một thành phố lớn của bang Pennsylvania, lờ mờ trong ánh điện và mưa phùn, có con sông lớn chạy ngang và rất nhiều cầu. Sau này chúng tôi mới biết thêm đây là thành phố có nhiều cầu nhất nước Mỹ, được mệnh danh là “The City of Bridges”, có đến 446 chiếc cầu. Nhà Việt ở khu ngoại ô, trong rừng, đường vào nhỏ, quanh co và dốc như đường đèo, âm u vì trời tối và mưa. Đến nơi, vợ chồng Việt cho chúng tôi ăn cháo trước khi đi ngủ, trong một căn phòng nhỏ đầy đồ chơi trẻ con. Thật cảm động và ấm lòng với tình cảm bè bạn.
Chúng tôi ngạc nhiên khi biết vợ chồng Việt có đến 4 con, 3 trai một gái, cháu lớn nhất đang học cấp 3, cháu bé nhất mới ở tuổi mẫu giáo. Các cháu đều sinh ở Mỹ, rất xinh đẹp, cô bé giống hệt mẹ, còn cậu trai đầu cao hơn bố, có vẻ là một chàng trai Mỹ hơn là người Việt. Các cháu chỉ chào hỏi chúng tôi qua loa vì hình như ít nói tiếng Việt. Gia đình còn có ông bố của Thủy, già nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông nói chuyện với chúng tôi về những khó khăn và nỗi buồn khi ở Mỹ. Ông và các cháu tuy ở cùng một nhà nhưng tâm trạng chắc hoàn toàn khác nhau vì ông không hội nhập được trong khi các cháu hầu như đã là người Mỹ. Ba thế hệ trong gia đình này có lẽ tiêu biểu cho những gia đình người Việt mới nhập cư trên đất Mỹ.
Buổi sáng, trời ngớt mưa, chúng tôi ra sân uống café và BY thích thú khi thấy mấy con nai vào sát vườn sau, vội lấy máy ảnh ra chụp. Nhà Việt nhỏ nhưng có vườn khá lớn, nguyên một phần cánh rừng phía sau, toàn cây cổ thụ, dốc xuống phía suối. Thấp thoáng bên kia, một biệt thự lớn nằm sâu trong rừng. Phía trước là đường, các nhà hàng xóm tương đối gần nhau nhưng phía sau đều là rừng. Đây là khu dân cư biệt lập, yên tĩnh. Cũng khá ngạc nhiên khi một anh chàng năng động, sôi nổi như Trần Trung Việt lại chọn một nơi ẩn cư như thế này. Chắc là để “cân bằng sinh thái” trong cuộc sống.
Việt đưa chúng tôi đi thăm downtown và trường đại học Pittsburgh, nơi Việt đã theo học. Pittsburgh ngày trước nổi tiếng về kỹ nghệ thép với kỹ nghệ gia tên tuổi Andrew Carnegie, còn được gọi “The Steel City”, sản xuất đến một nửa lượng thép của quốc gia nhưng ngày nay đã lụi tàn, lại nổi lên như một thành phố có nhiều trường đại học và cơ sở nghiên cứu y khoa danh tiếng. Việt cho biết trường đại học Pittsburgh hiện quản lý luôn cả chục bệnh viện. Ban đầu trường chỉ có một khoa Y và một bệnh viện trực thuộc nhưng nhờ năng lực quản lý vượt trội, trường đã dần dần thâu tóm các bệnh viện trong vùng, vừa nghiên cứu, vừa chữa trị. Đây là mô hình đại học kết hợp nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, lại vừa kinh doanh để tự nuôi sống và phát triển, đạt được những thành tựu lớn về các mặt. Điều này đòi hỏi ban điều hành phải là người xuất sắc trên nhiều lãnh vực.
Chúng tôi đi dạo trong khuôn viên trường Pittsburgh vắng vẻ vì đây là thời gian nghỉ hè. Những khối nhà nằm yên ắng giữa các lối đi, thảm cỏ và vườn cây rợp bóng, thỉnh thoảng có những tượng đài điêu khắc nghệ thuật điểm xuyết. Việt tỏ ra quá quen thuộc khi mở cửa một ngôi nhà lớn, có dáng dấp như nhà thờ. Bên trong có vẻ ẩm thấp và ánh sáng mờ mờ như trong hầm. Đây là nơi ngồi học của sinh viên với các dãy bàn ghế khô khan, chẳng khác gì trong tu viện cổ. Vào bên trong một ngôi nhà khác lại rất hiện đại, có hội trường lớn, với các máy móc, đèn chiếu tân kỳ, nơi Việt đã cùng bạn bè tổ chức nhiều đêm văn nghệ. Đại học Pittsburgh là một đại học công, thành lập từ năm 1787, thường gọi tắt là “Pitt”, được xếp hạng nằm trong top 100 trường đại học tốt nhất nước Mỹ.
Việt hứa đưa chúng tôi đi xem một vùng đặc biệt, nơi đó cư dân sống hoàn toàn theo tự nhiên, tách khỏi những tiện nghi của thế giới hiện đại nhưng vì vẫn còn bận một số việc của công ty phải đến sở, lại phải đi hơi xa, nên không thực hiện được. Bù lại, Việt đưa chúng tôi, có Thủy và cháu bé cùng đi, đến hồ Moraine, một nơi cắm trại giải trí cuối tuần. Đường đi cũng khá xa. Cảnh không có gì đặc biệt lắm, chỉ là một hồ rộng mênh mông, dọc bờ hồ có những bàn ghế dã chiến và lò nướng để người ta đi chơi, ăn uống như các công viên khác. Cũng có nơi neo đậu ca nô cho những người có phương tiện này.
Khi về, Việt tạt qua downtown cho chúng tôi vào xem một hiệu sách của Mỹ trong một khu mua sắm. Hiệu sách rộng, phân chia sách theo thể loại từng khu vực, lối đi rộng rãi. Không khí yên lặng như tờ, chỉ có một hai người bán hàng gì đó trông coi và khách có thể tha hồ ngồi tham khảo, chọn lọc trước khi mua. Chúng tôi qua quán Caribou Coffee bên cạnh uống café trước khi ra về. Cũng như café Starbucks, một ly khổng lồ tôi phải mang về nhà uống mãi không hết.
Một buổi khác, Việt đưa Thủy cùng cháu nhỏ và chúng tôi đi lên một nơi cao nhất nhìn xuống thành phố. Đây là con đường chạy dọc bờ sông nhưng dốc lên đỉnh núi, nơi có tên là Mount Washington, có một vista point được đánh giá là một trong vài nơi ngắm cảnh thành phố đẹp nhất nước Mỹ. Từ đây có thể nhìn xuống ngả ba sông chia cắt thành phố và toàn cảnh nhà cửa downtown phía đối diện. Ở nhiều thành phố, downtown là nơi tập trung một số nhà cao tầng hình hộp nhìn hao hao giống nhau nếu không quan sát kỹ. Ở đây, con sông làm cho thành phố này trông dịu dàng, bớt khô cứng hơn những nơi chỉ toàn nhà bê tông cốt thép và xa xa các tháp chuông nhà thờ, khuôn viên các trường đại học nhiều cây xanh làm cho bộ mặt thành phố thêm nhiều sắc thái.
Tuy chỉ ở Pittsburgh có mấy hôm, lại bận việc nhưng Việt cũng đã đưa chúng tôi đi xem một số nơi để có cái nhìn bao quát về thành phố. Thời gian còn lại, thường vào sáng sớm hay đêm, Việt và tôi nói chuyện nhiều. Trước nhà, Việt căng võng dưới hai cây lớn có thể nằm chơi thoải mái. Sân sau có một bộ bàn ghế trên bãi cỏ và bên hông nhà có sàn gỗ lộ thiên. Tùy theo thời tiết, chúng tôi ngồi chỗ thích hợp vì mùa này ở đây thỉnh thoảng có mưa. Điều thú vị là ngồi ở đâu cũng cảm thấy thiên nhiên thoáng đãng trầm lặng chung quanh. Phải chăng việc lựa chọn nhà ở khu vực này thể hiện tâm cảnh của chủ nhà.
Có lẽ Trần Trung Việt là người nhiều mâu thuẫn. Từ lâu anh được biết như một người khá cực đoan, với tư duy sắc sảo, lối tranh luận sắc bén và triệt để khi điều hành Đàn Chim Việt. Anh cũng đã từng tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và được đánh giá như một người lãnh đạo đầy tiềm năng kế thừa của tổ chức này. Bất ngờ, anh tuyên bố ra khỏi Tập Hợp sau khi đã gây ra một “màn đấu đá” kịch liệt trong nội bộ. Một thời gian sau anh cũng từ bỏ Đàn Chim Việt rồi “lặn đi” một thời gian dài, không viết lách gì nữa, thậm chí một số bạn bè không biết anh ở đâu, làm gì. Bây giờ anh ngồi đây trò chuyện với tôi về những dự tính cho tương lai. Anh muốn về Việt Nam mở trường học để góp phần đào tạo một thế hệ thanh niên mới qua phương pháp giáo dục tiên tiến. Anh cũng muốn giúp làm một think tankở Việt Nam do “nhóm Đà Lạt” chủ trì. Anh sẵn sàng về nước mở một quán rượu vang chỉ để dành cho khách tham dự think tank bàn về những vấn đề tư tưởng. Anh lại đang nghiên cứu một đề tài lịch sử thời xa xưa “Đi tìm Lộc Tục” để nhận diện lại căn cước quốc gia Lạc Chăm của người Việt Nam thời hiện đại…
Quả là một con người đầy nhiệt huyết, tham vọng và … mơ mộng. Việt đưa chúng tôi xuống thăm nơi làm rượu vang của anh dưới hầm nhà. Chỉ có một thùng thôi và rượu chiết ra uống khá ngon và nặng, còn nặng hơn và ngon không kém so với các loại rượu bán trên thị trường Mỹ. Có hôm Việt và tôi uống hết hai chai và tôi sật sừ không thể ngồi nổi. Việt giải thích cách làm rượu khá cặn kẽ, có vẻ rất chuyên nghiệp và đã thực hiện thành công chứ không phải chỉ “nói dóc”. Việt tưởng tượng ra rất cụ thể cảnh mua nho giống Cali, chuyển về Việt Nam bằng container qua đường thủy, cập bến Sài Gòn, qua hải quan như thế nào. Sau đó đưa lên Đà Lạt và ủ rượu tại nhà tôi ra sao sau khi hỏi kỹ về điều kiện nhà cửa của chúng tôi. Có thể chúng tôi sẽ mở quán lấy tên Phong và bán rượu vang Tiêu Dao tự sản xuất. Thật là một sự mơ mộng dễ thương và tôi cũng đồng tình vẽ vời thêm cảnh trong mộng. Nếu không còn biết mơ mộng, con người sẽ chẳng mấy chốc trở thành gỗ đá.
Việt đúc kết một câu làm tôi suy nghĩ nhiều: “Phải làm hòa với quê hương”. Tại sao lại phải “làm hòa” với quê hương, có lẽ đây cũng sẽ là một câu gây tranh cãi như câu “tổ quốc phải ăn năn” của Nguyễn Gia Kiểng. Thông thường, quê hương, tổ quốc vừa như một thực thể, vừa như một ý niệm trừu tượng, đối với mọi người luôn đẹp đẽ, thân thiết chẳng cần gì phải “làm hòa” hay “ăn năn” cả. Nhưng thực tế chính trị Việt Nam đã làm cho những từ ngữ này thay đổi khái niệm, tác động đến tình cảm, suy nghĩ, trở thành vấn nạn và gây tranh cãi. Ai cũng muốn trở về với quê hương sau những tháng ngày lưu lạc, ai cũng muốn hiến mình cho tổ quốc khi tổ quốc lâm nguy. Nhưng về với quê hương nhiều người không còn cảm nhận được sự êm đềm, ấm áp, thay vào đó là nỗi buồn phiền, tủi hổ, đôi khi lại là sách nhiễu, đe dọa. Tổ quốc không còn thiêng liêng khi thế lực cầm quyền nhân danh tổ quốc lại đày đọa con dân của mình. Vậy phải làm thế nào? Chẳng lẽ cứ mãi phân ly với quê hương và thù hận tổ quốc, mãi tiến hành một cuộc đấu tranh với quê hương và tổ quốc? Bằng cách nào đó phải trở về và “làm hòa với quê hương”.
Việt có nói thêm nếu về Việt Nam, làm bất cứ việc gì anh cũng sẽ làm theo đúng lương tâm và pháp luật, không chấp nhận bất cứ hình thức hối lộ, tham nhũng nào. Nếu làm như thế không được, coi như anh thất bại và chính là cả đất nước cũng thất bại. Đó cũng chính là số phận của dân tộc. Không biết tôi có hiểu đúng ý Việt không, nhưng vào thời điểm này, tôi e rằng Việt sẽ cầm chắc thất bại vì chỉ một việc đơn giản là mở quán rượu tại nhà tôi, chắc cũng sẽ gian nan khó thành, nói chi đến việc mở một trường đại học. Tuy nhiên liệu chúng ta có thể hi vọng đến một lúc nào đó những thiện ý này sẽ được thực hiện mà không cần một cuộc cách mạng đổ máu nào. Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự chuyển đổi của chính quyền. Dù sao, những mong mỏi và thiện ý, hành động như của Việt thật đáng trân trọng và suy nghĩ.
Ngoài những vấn đề chính trị, Việt và tôi còn trò chuyện tâm tình. Có lẽ vì đọc cuốn sách “Mảnh trời xanh…” của tôi, trong đó có nhiều bộc bạch tâm sự và cũng cảm thấy khá thân thiết nên Việt đã chia sẻ một số điều riêng tư, điều người ta ít làm khi sống theo lối Mỹ. Cuộc tình của vợ chồng Việt – Thủy là một chuyện tình cảm động, gian nan và có yếu tố tâm linh. Chính vì thế mà Việt – một con người rất duy lý – đã trở thành tín đồ Thiên Chúa giáo. Hai người quen nhau trên đảo khi đi tị nạn rồi thất lạc nhau lúc đến đất Mỹ. Nhờ một tổ chức Công giáo làm việc thiện nguyện, hai người lại gặp nhau. Cuộc sống chung khởi đầu thật vất vả. Hai người phải làm rất nhiều việc chân tay nặng nhọc để kiếm sống và Việt có điều kiện theo học đại học. Thủy đã chịu phần thiệt thòi khi sau đó sinh đến 4 con, chỉ ở nhà lo nuôi con và nội trợ gia đình. Mãi đến gần đây, khi đứa con út đã khá lớn, Thủy mới bắt đầu đi học một nghề, nghề làm tóc. Hôm chúng tôi đến Thủy vừa nhận chứng chỉ tốt nghiệp và sắp có việc làm. Thủy đã đề nghị cắt tóc cho tôi khi thấy tóc tôi đã khá dài, coi như “mở hàng” và luyện tay nghề. Tôi rất cảm động vì nhã ý này. Chúng tôi đã trở thành bè bạn. Tôi rất tin những người biết yêu thương, hi sinh và chia sẻ. Những con người như thế không thể giả dối khi theo đuổi một điều gì gọi là lý tưởng trong cuộc sống phức tạp và đầy man trá hiện nay.
Sáng ngày thứ ba, Việt đưa chúng tôi ra bến xe bus Greyhound để về Washington DC. Chúng tôi đã đi loại xe này một lần từ Dallas đếnHouston, Texas nên cảm thấy quen thuộc. Lần trước Việt chở chúng tôi đi lúc chiều tối nên không nhìn rõ đường, lần này tha hồ ngắm phong cảnh. Xe bus ghé rất nhiều trạm dọc đường để đón khách nên chạy mất nhiều thời gian hơn. Chúng tôi không sốt ruột vì chẳng có gì để vội vã. Trên xe có một thanh niên Mỹ ăn mặc, tóc tai rất bụi bặm, mang theo một cây đàn ghi ta. Ở mỗi trạm dừng, anh ta xuống xe ngồi bên lề đường lấy đàn ra chơi, không chú ý đến ai và cũng không ai chú ý đến anh. BY rất thú vị với hình ảnh này nên lấy máy hình lén chụp. Tôi nghĩ hình ảnh đó phần nào nói lên cuộc sống tự do của người Mỹ, không phải chỉ tự do trong hành động mà chính là tự do trong tâm hồn. Người ta có quyền làm những gì mình nghĩ, mình thích nếu không vi phạm pháp luật và phiền hà đến người khác.
Đến trạm Greyhound ở Washington DC đợi một lúc, do đã liên lạc trước, chúng tôi được ông Nguyễn Ngọc Bích ra đón đưa về nhà ông ở Springfield, Virginia. Nhà ông nhiều phòng, chỉ có hai ông bà ở nhưng lại rất chật chội. Tất cả các phòng, từ phòng làm việc, phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, nhà hầm đều dùng để chứa sách, kể cả trên lối đi. Đi ra đi vào đều đụng sách. Chắc chắn đây là một thư viện giá trị vì hai ông bà đều là tiến sĩ về ngôn ngữ học, chuyên nghề dạy học, nghiên cứu, viết sách. Từ trước tôi chỉ nghe tiếng ông Bích như một nhà hoạt động chính trị, xã hội. Ông đã từng làm giám đốc đài RFA tiếng Việt trong 7 năm, Quyền Tổng giám đốc Giáo dục Song ngữ trên toàn quốc thời tổng thống George H.R. Bush, hiện là chủ tịch Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ và trong ban giảng huấn Viện Việt Học. Qua đây mới thấy quả thật ông hoạt động trên nhiều lãnh vực, đặc biệt là văn hóa, giáo dục. Ông có sức làm việc thật phi thường. Ông tham gia, chủ trì các hoạt động xã hội phức tạp tốn nhiều thời gian nhưng vẫn có thể nghiên cứu, viết, dịch hàng mấy chục đầu sách, hàng trăm bài báo giá trị về văn học, ngôn ngữ, cả âm nhạc. Ông thông thạo 5-6 ngôn ngữ, hát hay, lại sáng tác cả nhạc. Ông kể trước đây, hai ông bà sau khi du học ở Mỹ thành tài đã về Việt Nam mở một trường đại học (hình như là đại học Cửu Long) nhưng chưa được bao lâu đến năm 75, tất cả đều tan tành. Trở lại Mỹ hai ông bà lại tiếp tục hoài bảo của mình theo cách khác. Bà Đào Thị Hợi, phu nhân của ông, cũng là một học giả uyên bác trong lãnh vực ngôn ngữ. Bà rất giản dị, cởi mở và đối xử với chúng tôi khá thân tình.
Hôm sau, ông Bích lái xe đưa chúng tôi và bà Thụy đi thăm Đài tưởng niệm tổng thống Roosevelt – Franklin Delano Roosevelt Memorial mà theo ông có phong cách đặc sắc và mới mẻ so với các đài tưởng niệm có từ trước. Đây là một khu vực khá rộng, một mặt bao quanh bởi bức tường ghép bằng những phiến đá lớn hình vuông, chữ nhật không đều nhau. Gần lối vào có dòng suối nhân tạo chảy qua 4 bậc đá cao tạo ra âm thanh êm ả và không khí mát mẻ. Tượng tổng thống Roosevelt lớn bằng 3-4 người thường, trong tư thế ngồi mặc áo choàng trùm kín người, khuôn mặt đăm chiêu với đôi mày nhíu lại và những vết nhăn sâu trên trán, bên cạnh là tượng một con chó xồm nhỏ. Còn có tượng của tổng thống phu nhân, một phụ nữ tóc quăn mặc chiếc áo khoác bình dị. Ngoài ra chủ yếu là những câu nói quan trọng được khắc lên các bức tường đá thể hiện tư tưởng của tổng thống về chiến tranh, chính quyền, dân chủ… Khách đến đây sẽ có dịp đọc lại và suy niệm về những gì liên quan đến sinh mệnh của một quốc gia trong thế giới đầy biến động và thế lực của cái ác hoành hành chứ không phải chỉ nhằm tôn vinh một con người, dù đó là một người vĩ đại. Đài tưởng niệm này có một mặt để ngỏ là bờ hồTidal Basin, với lối đi tráng xi măng. Khách xem xong có thể ra đây ngồi nghỉ ngắm hồ và tháp Washington phía xa xa.
Buổi tối ông bà Bích mời ông bà Long – Thụy và chúng tôi đi ăn ở Happy Buffet, hình như trong khu Eden của Virginia. Đây có lẽ là nhã ý đãi khách phương xa của ông bà Bích nhưng chúng tôi ăn buffet chắc “bị lỗ” vì ăn được quá ít và khẩu vị không thích hợp. Sau này được mời đi ăn buffet vài nơi nữa, của các cửa hàng Mỹ, Tàu, Nhật, chúng tôi đều thấy không ngon bằng ăn buffet Việt Nam như ở khu du lịch Bình Quới Sài Gòn. Nói chung ở Mỹ các thức ăn rất nhiều, bảo đảm vệ sinh nhưng không tươi, không nóng, nhất là các món hải sản, lại ngồi trong phòng kín có máy điều hòa nên ăn không ngon và thoải mái. Dĩ nhiên đó chỉ là cảm nhận với kinh nghiệm riêng của chúng tôi thôi. Ở Bình Quới, người ta ngồi ăn ngoài trời, trong không gian thoáng đãng, thức ăn sôi sùng sục bốc khói trên các lò than. Ngoài những món chính, lại có những món ăn chơi dân dã như khoai lang lùi, khoai mì luộc, các món chè mang hương vị quê hương đồng nội. Thức ăn, một loại phạm trù vật chất nhưng có lẽ cũng có phần tương tự với món ăn tinh thần như âm nhạc. Nó gắn kết với sự cảm nhận, rung động, tình cảm, tâm trạng và thói quen chi phối cả một đời người. Người ta có thể thưởng thức những món lạ nhưng rồi vẫn muốn trở về với những gì thân thuộc đã trở thành máu thịt.
Hôm kế tiếp, chị Thụy và chúng tôi đi vào trung tâm Washington DC xem các công trình ở khu National Mall & Memorial Parks. Ông Long lái xe đưa chúng tôi đến rồi về, khi nào xem xong sẽ gọi điện cho ông đến đón. Đây là trái tim, tâm hồn và dấu ấn lịch sử của nước Mỹ. Xem hết khu vực này sẽ hiểu được lịch sử, tinh thần, tình cảm và trí tuệ của những người đã xây dựng nên một hợp chủng quốc hùng mạnh nhất thế giới. Những nhà thiết kế, những người cầm quyền, các kiến trúc sư, nhà khoa học, nhà trí thức, công nhân xây dựng đã góp phần tạo nên khu vực kỳ diệu này trong gần hai thế kỷ. Tất cả đều nằm trong quy hoạch, không có điều gọi là phát triển vô tổ chức, xây dựng hỗn loạn như ở các quốc gia nghèo đang phát triển.
Từ ngoại ô phía tây, vượt qua cầu Arlington Memorial Bridge trên sông Potomac, chúng tôi đến đài tưởng niệm đầu tiên là Lincoln Memorial. Đứng trên nền cao của đài này, nhìn về phía đông, có thể thấy suốt toàn bộ khung cảnh. Vượt qua chiếc hồ hình chữ nhật khá dài, đến đài tưởng niệm Thế chiến thứ 2 – World War II Memorial, vượt lên cao là tượng đài hình tháp bút Washington Monument, tiếp đến là khu vực The Mall với các viện bảo tàng hai bên trong hệ thống viện bảo tàng Smithsonian, tiếp theo là Ulysses S. Grant Memorial, kết thúc với Tòa nhà Quốc Hội US Capitol mái tròn cũng vươn cao. Tất cả nằm trên một đường thẳng tắp theo hướng tây – đông, các đỉnh cao phản chiếu lung linh dưới mặt nước trong xanh của chiếc hồ được gọi là Reflecting Pool. Bên trái sát hồ là Đài tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam – Vietnam Veterans Memorial và Constitution Garden. Xa hơn, bên kia đại lộ Constitution Avenue là khu vực tòa nhà hành chính của các bộ và Tòa Nhà Trắng – The White House, nơi làm việc của tổng thống Mỹ, trên hướng thẳng góc với Washington Monument và nối liền theo cạnh tam giác với US Capitol bằng đại lộ Pennsylvania Avenue. Bên phải hồ có đài tưởng niệm cựu chiến binh Triều Tiên – Korean War Veterans Memorial, công viên West Potomac Park, rồi đến hai đài tưởng niệm các tổng thốngFranklin Delano Roosevelt Memorial và Thomas Jefferson Memorial nằm trên bờ một hồ khác hình khá tròn có tên Tidal Basin. Tiếp theo về phía đông là trụ sở một số bộ khác của liên bang. Nhìn trên bản đồ, quả thực trung tâm thủ đô nước Mỹ được thiết kế một cách hợp lý, khoa học và đầy tính nghệ thuật với trình độ bậc thầy và tầm viễn kiến thế kỷ.
Chúng tôi đứng khá lâu trước tượng Lincoln. Ông mặc áo choàng, dù ngồi trên ghế vẫn thấy vóc người cao lớn, khuôn mặt dài và khắc khổ với bộ râu quai nón, đôi mắt nhìn xa xăm đượm nét ưu tư. Pho tượng khổng lồ sơn trắng toát ngồi trong ngôi đền bằng đá cẩm thạch trắng do hậu thế dựng nên để tôn vinh ông. Rất nhiều du khách chen chúc phía dưới để chụp hình nên mãi khá lâu chúng tôi mới chụp được hình ưng ý. Đứng ở đây thấy mình quá nhỏ bé, vừa trước bức tượng khổng lồ, vừa trước sự nghiệp và nhân cách của con người được dựng tượng. Có lẽ việc xây dựng các tượng đài trong khu vực trái tim của thủ đô nước Mỹ cũng thể hiện sự đánh giá của người Mỹ đối với lịch sử. Cho đến nay, nước Mỹ đã có 44 tổng thống, nhưng vĩ đại nhất vẫn là Washington và Lincoln. Washington là người góp phần quan trọng khai sinh ra nước Mỹ như một hợp chủng quốc, Lincoln là người đã phá bỏ chế độ nô lệ và giữ gìn cho liên bang được thống nhất để trở thành một quốc gia hùng cường. Về phía đông đối diện với đài tưởng niệm Lincoln, qua hồ Reflecting Pool, tượng đàiWashington là ngọn tháp hình bút cao 169,29 mét, cao nhất thế giới vào thời điểm được xây dựng, đâm thẳng lên trời xanh như một niềm kiêu hãnh.
Chúng tôi rời Lincoln Memorial, đi dọc theo bãi cỏ ven hồ để xem các công trình khác. Ngồi nghỉ chân ở các ghế dọc lối đi cũng là một điều thú vị. Các con vịt trời bơi lội yên bình trong hồ trước mặt. Một đàn mẹ con vịt trời đến tận chỗ chúng tôi ngồi đòi thức ăn khi chúng tôi lấy bánh mì mang theo ra ăn. BY và chị Thụy vui thích chơi đùa với chúng một lúc khá lâu. Cả mấy con sóc trên cây cũng không sợ hãi nhảy đến gần nhìn nghiêng ngó với đôi mắt sáng tròn tinh ranh. Sóc vô số kể trong các công viên này. Không ai làm hại nên chúng rất thân thiện và vui vẻ dù người đi lại đông đảo. Chúng đã trở thành những cư dân tự do của thành phố như con người, có lẽ tự do hơn vì chúng chẳng lo lắng gì cả.
Vietnam Veterans Memorial mới được xây dựng sau này nhưng lại rất độc đáo. Tượng đài tưởng niệm hơn 58.000 binh sĩ Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến lâu dài đã làm cho người Mỹ chia rẽ sâu sắc và là một vết thương lâu lành. Tượng đài chỉ là một bức tường bằng đá đen hình chữ V khắc tên những người tử trận, dựng thấp xuống dưới nền đất có gờ cao của công viên. Dọc theo bức tường là lối đi lót bằng những phiến đá lớn, phía trước là bãi cỏ. Giản dị, khiêm nhường như một nỗi đau được che dấu. Cuối bức tường về phía tây có một nhóm tượng gồm 3 người lính Mỹ, một người đội mũ, hai người để đầu trần, người vác súng trên vai, người cầm súng buông thõng, người kia tay không. Họ đứng cạnh nhau, thân thiết, mỏi mệt và buồn bã như sau một trận đánh kinh hoàng. Gần đó có quầy hướng dẫn tra cứu tên họ của những người tử trận. Hôm nay, chúng tôi đi tình cờ đúng vào ngày lễ Memorial Day. Ngoài du khách, rất đông thân nhân, bạn bè của tử sĩ trong đó có vài cựu binh đi xe lăn đến viếng bức tường tưởng niệm. Họ mang theo các bó hoa, vòng hoa để đầy bãi cỏ dọc lối đi. Một vài người làm lễ xếp cờ Mỹ và đặt xuống chân tường. Không ai cười đùa ở chỗ này. Tất cả họ đều chung một niềm thương tiếc thể hiện trên nét mặt. Đây có lẽ là chỗ để học bài học lớn nhất về chiến tranh, có thể về phía nhân dân nhiều hơn về phía nhà cầm quyền.
World War II Memorial lại mang một phong cách hoàn toàn khác. Đây là một cấu trúc hình tròn tạo thành bằng những hàng cột thấp hình chữ nhật, ở giữa là bồn phun nước, trên các cột mặt ngoài có vòng hoa và ghi tên từng tiểu bang của nước Mỹ. Bước vào cổng từ phía nam, chúng tôi thấy ngay một hình ảnh điêu khắc bằng đồng gắn trên nền xi măng ở lối vào. Bức phù điêu vẽ hình một phụ nữ hai tay cầm hai phần của thanh kiếm bị bẻ gãy làm đôi, giữa có đề chữ World War II. Ngoài ra không có tượng gì khác. Đáng chú ý là chiếc cổng đơn giản hình hộp mặt chính có ghi chữ Pacific, có lẽ để chỉ mặt trận Thái Bình Dương là nơi người Mỹ tham gia chính trong cuộc chiến. Một nơi khác bên trong viết vắn tắt về sự kiện Trân Châu Cảng, nguyên nhân trực tiếp buộc Mỹ phải tham chiến. Tất cả khái quát về cuộc thế chiến điên rồ mà Mỹ buộc phải tham dự với sự đóng góp và hi sinh của người dân ở tất cả các tiểu bang cũng như mong ước hòa bình của nhân loại.
Xem ba công trình đã mất hơn một buổi sáng. Trong khi chờ đợi ông Long lái xe đến đón trên đường Constitution Avenue, chúng tôi lại ngồi trên bãi cỏ vui đùa với các con sóc từ trên cây nhảy xuống mon men đến nhìn ngó như thăm hỏi hay xem chúng tôi có cho ăn gì không. Gần đó, một cô gái tóc vàng ngồi một mình trên cỏ đọc sách. Bên ngoài những chiếc xe bus lớn không ngớt đến đậu hoặc rời đi đưa đón khách. Một khu vực tấp nập nhưng cũng yên ả trong không gian rộng lớn với vườn cây xanh và thảm cỏ mênh mông giữa lòng thủ đô nước Mỹ.
Buổi chiều, chị Thụy đề nghị hát karaoke trong nhà. Chị bảo có giàn máy nhưng ít khi sử dụng, nhân có chúng tôi đến, nghe nói cũng thích hát, nên bày ra hát cho vui. Chị cũng có tập mấy bài ruột nhưng chưa có dịp “biểu diễn”. Thế là 4 người thay nhau làm ca sĩ. Ông Long cũng có một bài ruột là bài “Đêm đông” và hát được một vài bài nhạc tiền chiến khác. Chị Thụy khen tôi hát truyền cảm và nói hôm nào sẽ tổ chức một buổi đông người đến hát cho thỏa thích. Đây cũng là một trò giải trí lành mạnh của cư dân Việt ở đây vì nếu cứ hội họp nói chuyện chính trị nhiều cũng căng thẳng quá.
Hôm sau một người khác tiếp đón chúng tôi, ông Nguyễn Mậu Trinh, một người trước đây chúng tôi cũng chưa hề biết. Cách tiếp đón của ông khác với những người kia. Ông không đưa chúng tôi về nhà mà lại đưa đến khách sạn. Đó là khách sạn mang tên Holiday Inn ở vùng Gaithersburg, Maryland, có lẽ gần chỗ ông ở. Ông nói để chúng tôi tự khám phá thêm về nước Mỹ. Ông đùa bảo chúng tôi ở khách sạn Mỹ, tự đi ăn uống, mua sắm tìm hiểu khu phố chung quanh, bị lạc ráng chịu. Hôm sau ông sẽ đến đón chúng tôi đưa đi chơi. Cũng là một ý tưởng hay. Chúng tôi tán thành ngay.
Khách sạn Holiday Inn này nằm trong chuỗi khách sạn cùng thương hiệu mà chúng tôi đã thấy ở các bang khác. Khách sạn không sang trọng lắm nhưng đầy đủ tiện nghi, trong toilet có máy pha café, đồ cạo râu và rất nhiều khăn đủ loại, kể cả khăn dùng để lót chân khi ra khỏi bồn tắm, cũng trắng tinh sạch sẽ mà đối với chúng tôi có hơi xa xỉ. Nhận phòng xong, tôi muốn nghỉ ngơi vì cảm thấy mệt nhưng BY muốn đi “khám phá” theo lời ông Trinh nên tôi cũng chiều theo. Ông Trinh đã chỉ hướng có siêu thị nhưng chúng tôi không chú ý kỹ nên đi theo hướng có nhiều nhà cửa. Trước và bên hông khách sạn là hai đường expressway, xe chạy vùn vụt. Xui cho chúng tôi là vừa băng qua giữa ngã tư thì trời đổ mưa lớn. Đèn tín hiệu cho người đi bộ băng qua đường bị hỏng, chúng tôi bấm mãi nút ở cột điện vẫn chẳng thấy nhúc nhích gì, xe hơi vẫn phóng vun vút, đành đứng chịu trận dưới mưa, may là áo khoác có mũ nên không đến nỗi ướt như chuột lột. Ở đây hầu như không có ai đi bộ. Cuối cùng cũng qua được ngả tư nhưng đi tiếp một hồi vẫn chỉ thấy nhà cửa đóng im ỉm, không có khu mua sắm, chúng tôi đành trở lại khách sạn.
Tôi đã quá mệt và bực mình nhưng BY vẫn chưa chịu thua. Hỏi thăm nhân viên tiếp tân, ông ta tận tình dẫn chúng tôi ra ngoài, chỉ về hướng phía sau khách sạn, nơi có siêu thị không xa lắm, có thể đi bộ được. Tuy vậy chúng tôi cũng phải đi khá lâu mới đến và phải băng qua expressway. Đến nơi, để BY vào trong xem, tôi ngồi ngoài hút thuốc lá và đi lanh quanh. Tôi chẳng có hứng thú gì với siêu thị. Thời gian rồi cũng có mấy lần các bạn dẫn đi siêu thị nhưng tôi chỉ nhìn phớt qua. Đâu cũng đủ mọi thứ hàng hóa và tôi chẳng cần mua sắm gì. BY cũng không mua gì nhưng muốn vào xem cho biết, cuối cùng đi ra với mấy gói bánh ăn chơi thế cho bữa tối. Vì đi nhiều, bị đau lưng và chân dữ dội nên tôi phải ngồi nghỉ mấy lần mới về tới khách sạn. Chuyến “khám phá” theo ý tưởng của ông Trinh này chắc tôi còn nhớ lâu. Kể cũng hay. Cho đủ mọi cảm xúc.
Qua một đêm ngủ mê mệt, sáng hôm sau ông Trinh đến gọi chúng tôi dậy, xuống ăn sáng ở nhà hàng của khách sạn rồi trả phòng đi luôn. Ông nói chở chúng tôi đi xem Đài Đức Mẹ Lộ Đức – National Shrine Grotto of Lourdes, một nơi hành hương nổi tiếng linh thiêng ở đây, sau đó về nhà một người bạn chơi. Đường đến Đài Đức Mẹ khá xa, chạy đến hơn một giờ. Chạy khoảng nửa giờ, ông mới phát hiện xăng sắp hết nên chú ý tìm trạm xăng. Có một bảng của trạm xăng phía đường ngược chiều, ông phải chạy tiếp khá xa mới có chỗ quay đầu quành lại, đến nơi hóa ra trạm xăng đó đã đóng cửa từ lâu, nhà cửa rêu mốc nhưng tấm bảng vẫn chưa được gỡ đi. Rất may ông quay lại đi tiếp, không lâu gặp trạm xăng khác. Hai bên đường trống trải, thỉnh thoảng có một nông trại. Đặc biệt ở đây người ta dựng kho chứa nông sản là những khối hình ống khổng lồ, thật cao nằm cạnh nhà. Ông Trinh giải thích làm như thế để khi lấy ra, người ta rút ở phía dưới là nơi đổ nông sản vào trước, không để quá lâu sẽ bị ẩm mốc. Kể cũng hay, nhưng phải có cách đưa nông sản lên cao để đổ vào. Dĩ nhiên là họ có máy móc để làm việc này chứ không bắc thang leo lên vì các ống này cao có đến hơn chục mét.
Đài Đức Mẹ ở trên núi, phía sau trường đại học công giáo Mount Saint Mary’s University nằm bên đường, có bảng ghi xây dựng từ năm 1808. Ông Trinh quen thuộc nơi này vì ông nói đã mấy lần đến tham dự hội họp ở đây nhưng khi lái xe vào phía sau để lên núi, do mải nói chuyện, ông lại bị lạc đường. Đường núi nhỏ, quanh co, nhiều ngõ rẽ, chạy mãi gần nửa giờ vẫn không thấy đài đâu, máy định vị GPS trên xe ở đây không có tác dụng. May có người chạy bộ phía trước, ông dừng lại hỏi hướng đi ra khỏi khu vực núi trở lại freeway. Ông xin lỗi vì sắp đến giờ hẹn người bạn nên đành trở về, không lên thăm Đài Đức Mẹ được. Ông hứa lần sau chúng tôi đến ông sẽ đưa chúng tôi đi vì biết BY theo Công giáo và rất muốn đến thăm các thánh tích. Nói khơi khơi vậy mà quả nhiên có “lần sau” thật, do cơ duyên khi chúng tôi lại đi Miền Đông lần thứ hai và đến ở nhà ông Trinh. Sau này tôi mới hiểu thêm về ông, còn bây giờ chúng tôi chỉ biết ông nguyên là dược sĩ lúc còn ở Việt Nam, hiện nay đang làm việc trong một bệnh viện Mỹ ở Maryland.
Ông Trinh đưa chúng tôi đến nhà một người bạn tên là Lê Khắc Hiển. Nhà ở trong rừng. Đúng thật là ở trong rừng vì con đường vào quanh co vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có một ngôi nhà thấp thoáng sau hàng cây. Nhà ông Hiển là một ngôi nhà dài hình chữ nhật, dựng trên sườn đồi, chỉ có hai ông bà ở. Từ trên ban công nhìn xuống phía sau, qua bãi cỏ là rừng cây âm u. BY lại thích thú lấy máy hình ra chụp khi mấy con nai mon men lại gần nhà. Có thêm mấy người bạn nữa của ông Hiển đến chơi. Vợ ông Hiển, bà Tố Anh, đã chuẩn bị một nồi bún bò đãi khách.
Ông Hiển bảo có một số bạn đã từng đọc tác phẩm và nghe về tôi, họ muốn biết thái độ của tôi về một số vấn đề chính trị. Khi biết tin tôi sẽ đến nhà ông, họ có gởi qua mail cho ông một số câu hỏi, đề nghị ông hỏi tôi trực tiếp, nếu tôi trả lời, ông sẽ báo lại cho họ. Ông in từ máy tính ra một lô một lốc những câu hỏi của các bạn đưa cho tôi xem. Thật khó trong một lúc có thể trả lời hết những câu hỏi này. Vả lại chúng tôi chỉ đi chơi có tính cách riêng tư, không phải là một người đi hoạt động chính trị để tuyên bố rùm beng. Tôi hiểu họ quan tâm vì có chút tình cảm và cũng có chút hoài nghi đối với tôi, cũng như đối với nhiều người bất đồng chính kiến trong nước. Chúng tôi có phản kháng thật không hay chỉ là cò mồi? Chúng tôi có “chống cộng triệt để” không hay chỉ nửa vời? Thái độ thế nào đối với Hồ Chí Minh?… Hình như hầu hết những người chống cộng ở hải ngoại này đều muốn vạch rõ lằn ranh quốc – cộng. Việc này không đơn giản và không phải lúc nào cũng rõ ràng vì tình hình lịch sử, chính trị phức tạp, vả lại có nhiều từ, nhiều khái niệm được hiểu khác nhau. Chưa kể “hận thù cộng sản” và chống cộng cách nào cho có hiệu quả cũng là vấn đề có những ý kiến khác biệt có thể gây tranh cãi. Thí dụ thế nào là “quốc gia”? “Quốc gia” có phải là Việt Nam Cộng Hòa? Những người yêu nước, không cộng sản, không liên quan đến VNCH có phải là “quốc gia”? Những người bất đồng chính kiến trong nước khi viết về những vấn đề chính trị có thể đồng quan điểm nhưng cách thể hiện của họ khác nhau, tùy theo thế đứng, sự dấn thân, cách che chắn để an toàn của họ, không phải ai đọc cũng hiểu đúng và thông cảm được. Ở Mỹ lại còn có những người muốn kêu gọi “chiêu hồi” như thời trước 75 trong khi VNCH chỉ còn là một tên gọi của quá khứ…
Trong cuộc trò chuyện, tôi chỉ trao đổi những vấn đề chung và vài việc cụ thể liên quan đến chuyến đi của tôi, còn những vấn đề khác, nếu các bạn của ông Hiển thực sự quan tâm, tôi hứa khi có thời gian tôi sẽ trả lời qua mail sau. Dĩ nhiên ông Hiển cũng không đòi hỏi gì hơn vì tôi chỉ là một người khách mới quen biết. Ông Hiển là kỹ sư điện toán, đã từng viết và dịch một số bài báo về các vấn đề chính trị. Ông có thú vui lên mạng tìm kiếm những cuốn sách yêu thích, in ra và đóng lại thành tập để xem và biếu bạn bè. Ông làm rất công phu và khá thẩm mỹ. Ông chỉ cho tôi xem các bộ truyện của Kim Dung ông đã làm để thành một hàng dài trên kệ. Ông cũng tặng tôi cuốn“Đỉnh cao chói lọi” của Dương Thu Hương viết về cuộc đời Hồ Chí Minh, cuốn sách đang gây tranh cãi theo chiều hướng bất lợi cho tác giả trong dư luận người Việt hải ngoại.
Buổi chiều, vì ông Trinh bận việc, ông nhờ ông Hiển đưa chúng tôi đi vào trung tâm Washington DC xem các viện bảo tàng. Ông Trinh lái xe đưa ba chúng tôi đến nơi rồi tạm biệt. Ông Hiển sẽ lo đưa chúng tôi về sau. Ông Hiển giới thiệu sơ qua với chúng tôi về hệ thống nhà bảo tàng The Smithsonian Museums ở đây và chúng tôi cũng đọc thêm các tư liệu rõ ràng qua các tờ giới thiệu được phát miễn phí khi đi vào các nhà bảo tàng này. Cũng thật đặc biệt khi người tài trợ thành lập hệ thống bảo tàng này lại là một nhà khoa học người Anh, ôngJames Smithson, người chưa bao giờ đến Mỹ. Ông này có một gia tài khá lớn và khi mất ông hiến tặng cho chính phủ Mỹ (vào năm 1835, lúc đó trị giá tương đương 500.000 mỹ kim, hiện nay là 12 triệu) để xây dựng một viện nghiên cứu với mục đích “tăng cường và phổ biến kiến thức”. Tám năm sau, Quốc Hội Mỹ thông qua một điều luật thành lập Viện nghiên cứu Smithsonian Institution, một cơ quan bán công lập, do chính phủ điều hành. Hệ thống bảo tàng nằm trong khuôn khổ của Viện này, hiện nay có đến 142 triệu hiện vật trong các bộ sưu tập. Chung quanh National Mall, ngoài The Castle, tòa nhà trụ sở của Viện, còn có 14 công trình gồm các nhà bảo tàng lịch sử tự nhiên, lịch sử nước Mỹ, hàng không không gian, người da đỏ Mỹ châu…, các gallery nghệ thuật, vườn tượng, vườn thú. Quả là kinh khủng!
Đầu tiên chúng tôi vào Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên – National Museum of Natural History, phía trước có bảng ghi mở cửa hàng ngày từ 10g sáng đến 5.30 chiều trong suốt năm, chỉ đóng cửa vào ngày lễ Giáng Sinh. Hôm nay là ngày cuối tuần, khách dày đặc, chen vai thích cánh trong mấy tầng lầu. Vô số mẫu vật, mô hình, hình ảnh, các tài liệu khoa học được trưng bày. Các loại động, thực vật dưới nước, trên cạn từ hàng triệu năm trước; các bộ xương khủng long, voi ma mút, các loại cá, rùa, rắn; các loại cây, con sống trong các môi trường mô phỏng tự nhiên. Ai yêu thích hoặc muốn nghiên cứu có thể ở đây cả tuần để xem. Phần lớn khách cũng như chúng tôi, có lẽ do ít thời gian, chỉ xem lướt qua và chụp vài tấm hình lưu niệm. Kế bên là Bảo Tàng Về Hàng Không, Không gian – National Air and SpaceMuseum. Chúng tôi đề nghị ông Hiển lướt qua nhanh hơn vì chúng tôi đã được xem Trung Tâm Nghiên Cứu Không Gian NASA ởHouston, Texas.
Chúng tôi đi ngang qua trụ sở của The Smithsonian Museums, The Castle, được gọi tên như thế vì hình dáng giống một lâu đài cổ, được xây dựng đầu tiên, hoàn thành từ năm 1855, sau đó vào Bảo tàng nghệ thuật Freer – Freer Gallery of Art/Asian And American Art. Cũng vô vàn các tranh tượng, đồ thủ công mỹ nghệ, vàng bạc đá quý của Trung quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nghệ thuật Phật giáo…, có cả đồ gốm sứ của Việt Nam. Chúng tôi cũng chỉ xem lướt qua vì nếu nấn ná chắc đến giờ đóng cửa cũng chỉ xem được vài phòng. Xem các bảo tàng trên, cảm giác rõ nhất là sự thán phục. Ngoài tiền bạc, công phu sưu tầm, cách tổ chức, trưng bày, bảo quản và phục vụ khách thật không chê vào đâu được. Đây quả thực là những công trình của văn minh và trí tuệ với trình độ bậc thầy.
Lúc ra về, ông Hiển đã nói trước là sẽ đưa chúng tôi đi tàu điện ngầm metro cho biết. Quả thực là dịp may cho chúng tôi. Thật ngạc nhiên là lối xuống metro ở ngay giữa bãi cỏ gần khu bảo tàng, rất tiện lợi cho khách đi lại. Nhìn xa không thấy gì, đến gần mới thấy miệng hầm lộ thiên, không lớn lắm, có cầu thang đi xuống lòng đất nhưng vào bên trong khung cảnh khác hẳn. Đây là một căn hầm khổng lồ, là trạm chính có đường tỏa đi nhiều hướng. Hầm có hai tầng, nhiều đường sắt ngang dọc, các chiếc tàu dài phóng vút qua hay đậu lại đón khách rồi lao đi. Ông Hiển mua vé xong, dẫn chúng tôi đi tìm nơi lên tàu cũng bị nhầm phải đi lên đi xuống. Tuy ông ở gần thủ đô nhưng không mấy khi đi metro vì thường đi xe hơi. Khi tàu dừng, sàn tàu sát khít với bệ đứng chờ của khách nên lên xuống tàu không có gì nguy hiểm, còn dễ hơn lên xuống tàu lửa thông thường nhiều. Hành khách không đông lắm. Toa chúng tôi ngồi còn nhiều ghế trống. Trên tàu có bản đồ hướng dẫn rất rõ ràng cách đi đến các ga, nếu nghiên cứu kỹ và đi lại vài lần chắc cũng không khó lắm. Phần lớn đường tàu chạy ngầm dưới lòng đất nhưng có nơi, ở ngoại ô, do địa hình thuận lợi và bên trên không có công trình gì, tàu cũng nhô lên mặt đất một khoảng không dài lắm. Chúng tôi xuống ga cuối cùng, bên ngoài là trạm xe bus nhưng chúng tôi không đi xe bus vì ông Hiển đã hẹn vợ lái xe ra đón. Ông gọi điện và chúng tôi chỉ phải chờ chừng 15 phút. Nhà ông Hiển không xa địa điểm này.
Về nhà nghỉ ngơi một lát, ông bà Hiển đưa chúng tôi đi ăn tối. Ông bà hỏi chúng tôi muốn ăn món gì, của nước nào, ông bà sẵn sàng đưa đi. Chúng tôi không có yêu cầu gì đặc biệt cả. Mọi người bàn bạc và giao cho hai phụ nữ quyết định, cuối cùng thống nhất đi ăn món Ý, sau khi ghé xem qua hai ba nhà hàng. Nhà hàng Ý này khá sang trọng, toàn khách Mỹ. Món khai vị là xà lách trộn kiểu Ý với bánh mì. Chỉ ăn chơi chúng tôi đã thấy no, tới món chính là spaghetti, phải “cố gắng” để ăn, nhờ chai rượu vang ngồi lai rai nên cuối cùng cũng hết. Bà Hiển rất nghiêm túc, không cho ông lái xe vì ông đã có chút hơi rượu. Bà lái xe đưa chúng tôi về lại nhà ông Đoàn Viết Hoạt khi đã gần khuya. Lái xe ở đây yên chí vì cứ gõ địa chỉ vào máy định vị GPS là thế nào cũng được chỉ đường tới nơi.
Sáng hôm sau, ông Hoạt đưa chúng tôi đi xem Bảo Tàng Người Da Đỏ – National Museum of the American Indian, bảo tàng thứ 18 trong hệ thống The Smithsonian Museums. Bảo tàng này mới được xây dựng sau này, năm 2004, khá vĩ đại với 4 tầng lầu và kiến trúc độc đáo, khác hẳn các bảo tàng kia, do chính các kiến trúc sư người da đỏ thiết kế. Tòa nhà màu vàng trông như một tảng đá khổng lồ với các nếp gấp do nắng gió, mưa bão tạo nên, kết hợp hài hòa vẻ đẹp thô ráp của tự nhiên và sự sáng tạo tinh tế của nghệ thuật kiến trúc hiện đại. Hai cửa ra vào mở ra phía hai con đường lớn, chung quanh có khoảng trống rộng rãi. Mặt hông một phía người ta dựng thêm mô hình mấy căn lều truyền thống của người da đỏ rất mỹ thuật, mặt phía kia kéo dài ra trước lối vào chính là một cảnh quan đặc biệt. Ngoài một số ghế ngồi trên bãi cỏ, người ta tạo ra một hồ nước không lớn lắm, chung quanh là đất ẩm trồng các loại cây cỏ, hoa bản địa, cố tình để mọc có vẻ hoang vu như tự nhiên, với những đóa hoa súng trắng đang nở trong hồ.
Vào trong, khách được hướng dẫn đi thang máy lên tầng cao nhất trước, sau đó sẽ dần dần đi xuống từng tầng. Đầu tiên khách được mời vào một phòng chiếu phim với công nghệ 3D, người điều khiển, thuyết minh là một thanh niên mặc y phục truyền thống của người da đỏ. Phòng chiếu phim hình tròn, vòm nóc kéo dài xuống tường chung quanh chính là màn hình. Khán giả ngồi vòng tròn, xem thấy cảnh tượng ở giữa hiện ra như thật, với bầu trời, cây cối, nhà cửa, người đi lại. Phim giới thiệu khái quát về lịch sử, phong tục tập quán của người da đỏ mà khách sẽ được xem trong các phòng trưng bày. Không chỉ có hiện vật, hình ảnh phong phú được sắp xếp công phu mà còn có màn hình vi tính giới thiệu tỉ mỉ, đây đó có màn hình lớn ở hành lang và ghế cho khách vừa ngồi nghỉ chân vừa xem.
Khó thể mô tả trong vài dòng sự phong phú và tỉ mỉ của các hiện vật được trưng bày theo 4 chủ đề: Our Universes giới thiệu về tín ngưỡng, Our People về lịch sử, Our Lives tập trung vào đời sống hiện đại và Return to a Native Place giới thiệu cư dân ở vùngChesapeake. Có đến hơn 800.000 hiện vật, niên đại lâu nhất là 10.000 năm, tái hiện mọi mặt cuộc sống từ nhà cửa, quần áo, dày dép, mặt nạ, đồ dùng hằng ngày cho đến lễ hội, nghệ thuật, văn hóa, ngôn ngữ, vũ khí.. và lịch sử của người da đỏ qua bao thăng trầm cho đến tận ngày hôm nay. Nhà bảo tàng còn là nơi trình diễn nghệ thuật, chiếu phim, tổ chức sự kiện và các hoạt động giáo dục cho trẻ em.
Một buổi đi xem bảo tàng này là quá sơ sài nhưng cũng thấy được giá trị lớn lao của việc sưu tầm và gìn giữ lưu vết của người bản địa trên đất nước rộng lớn hùng mạnh này. Vấn đề tôi thắc mắc là hiện nay người da đỏ còn được bao nhiêu, sống như thế nào, còn giữ được truyền thống gì hay đã hòa đồng vào hợp chủng quốc. Bảo tàng dù sao cũng là nơi lưu giữ quá khứ. Quan trọng hơn vẫn là cuộc sống hôm nay và tương lai. Hình ảnh những người da đỏ trong các bộ phim cao bồi miền Viễn Tây mấy chục năm trước có phần phản cảm không còn xuất hiện nữa nhưng hình ảnh mới của họ hình như không có gì nổi bật, kể cả so với cộng đồng những sắc dân mới nhập cư từ các quốc gia khác. Tôi không có điều kiện tìm hiểu vấn đề này.
Một việc tuy nhỏ nhưng cũng đáng ghi nhận trong buổi đi thăm nhà bảo tàng này. Lúc mới đến, tôi thấy một cuốn sách để trên cỏ, nghĩ là ai để quên nên không chú ý. Lúc ra về, trên một ghế đá tôi lại thấy một cuốn khác, cũng bọc trong bao ni lông, nhìn kỹ thấy có dán chữ“Take me home” ở bìa. Tôi tò mò lấy lên xem. Hóa ra đây là cuốn sách người ta cố tình “để quên” những nơi công cộng để chuyển cho người khác một cách miễn phí. Một tờ giới thiệu được kẹp bên trong cuốn sách giới thiệu hoạt động gọi là Bookcrossing. Hoạt động này được khởi xướng từ 17 tháng Tư năm 2001 ở Kansas City, Missouri, hiện nay đã lan rộng nhiều nơi như Antarctica, Argentina, Brasil, China, Iceland, Indian, Japan, Malaysia, South Africa và Singapore.
Những người điều hành hoạt động này có trang web
www.bookcrossing.com. Đây là trang web vui, miễn phí, giúp theo dõi đường đi của sách cho những người yêu sách khắp mọi nơi. Phương châm của họ là
“Hãy chia sẻ sách vì sách có thể làm thay đổi con người và con người có thể thay đổi thế giới”. Khi ta đọc một cuốn sách hay làm lay động tâm hồn mình, chắc ta cũng muốn chia sẻ cùng ai đó. Cách đơn giản nhất là chia sẻ sách của bạn với thế giới và theo dõi con đường đi của nó. Khi đọc xong một cuốn sách, thay vì đặt lại trên kệ cho bụi bám, hãy để cho một người khác được đọc nó miễn phí. Hãy để cho sách của bạn “bay theo gió”. Việc thực hiện cũng rất đơn giản. Bạn hãy lấy một, hai cuốn sách hay trên kệ của bạn, đăng ký chúng vào website, viết địa chỉ website và mã số BCID, do người điều hành cung cấp để xác định sách của bạn, vào trong bìa sách. Xong rồi hãy tặng cho bạn bè, các tổ chức từ thiện hay “bỏ quên” đâu đó (như công viên, quán café…) cho người khác có thể nhận được. Thế là xong. Những việc này được gọi tắt là
The “3Rs” of Bookcrossing: Read, Register và Release. Từ đó ta có thể qua trang web theo dõi hành trình của cuốn sách, những bài điểm sách, ý kiến phê bình, thảo luận của người đọc. Quả là một ý tưởng và cách thực hiện tuyệt vời. Ước gì người Việt Nam cũng làm được như thế.
Lúc trở về, chúng tôi gặp một “sự cố bất ngờ”. Vừa lái xe ra khỏi khu vực bảo tàng, trên con đường hướng ra khỏi thủ đô, bỗng dưng xe đâm sầm vào một người đi xe đạp. Tôi ngồi ở ghế trước, thấy rõ sự việc. Con đường lúc này hai bên lề nhiều người đi lại, có đường dành cho xe đạp. Dưới lề có một số xe đậu dọc theo đường. Ông Hoạt lái xe chạy không nhanh lắm. Phía trước tôi thấy một cô gái đi xe đạp, thay vì đi trên đường dành riêng, cô đi trên đường xe hơi. Bỗng dưng cô ngoặt ngang đường, đâm bổ vào trước đầu xe chúng tôi. Bất ngờ nên ông Hoạt quẹo sang trái cố tránh và thắng gấp nhưng không kịp. Xe tông vào cô gái, cô tung lên trước đầu xe rồi rơi xuống.
Chúng tôi vội vàng xuống xe đến xem. Mấy thanh niên đứng bên kia đường cũng chạy tới. Cô gái đội mũ bảo hiểm, lưng đeo ba lô, mặc quần cộc, ống chân trái gẫy ngang lòi cả xương ra. Đáng lý phải để yên chờ nhân viên y tế đến sơ cứu nhưng vì cô bị mắc trong chiếc xe đạp nên mọi người phải cố cẩn thận gỡ cô ra. Một thanh niên có vẻ rành chuyện này nên đã kéo thẳng chân cô lại ngay rồi để cô nằm xuống, tựa đầu vào ba lô. Mặt cô trắng bệch nhưng vẫn còn tỉnh táo. Miệng cô mấp máy “Sorry… Sorry…” rồi nói vắn tắt tại cô mãi nghĩ ngợi nên không chú ý khi qua đường. Chúng tôi cho cô uống nước và hỏi xem cô còn đau ở đâu nữa không. Cô lắc đầu, có lẽ chỉ bị gẫy chân do cấn vào đầu xe hơi. Chiếc mũ bảo hiểm và ba lô đã giúp cô không bị chấn thương nơi khác. Mấy thanh niên Mỹ lại giúp rất tử tế. Họ nói chuyện với cô một cách dịu dàng, trấn an cô là không có gì nguy hiểm lắm, gẫy chân sẽ mau lành thôi.
Ai đó đã gọi điện báo cảnh sát. Khoảng 15 phút sau, xe cảnh sát, xe xứu thương, xe chữa lửa hú còi inh ỏi chạy đến, ngăn khoảng đường lại. Người ta cấp cứu và đưa cô gái lên xe cứu thương trong khi cảnh sát làm biên bản. Hai cảnh sát một trắng một đen, mặt lạnh lùng. Họ hỏi giấy tờ, lấy lời khai của ông Hoạt, hỏi cả chúng tôi và mấy người chứng kiến vụ tai nạn. Hầu như mọi người đều nói giống nhau vì vụ việc xảy ra rất rõ ràng, nhiều người trông thấy. Xong việc cảnh sát để chúng tôi ra về. Chúng tôi thấy ái ngại và thương cảm quá. BY mặt cũng trắng bệch. Tự dưng làm một cô gái trẻ gẫy chân dù đây là tai nạn bất ngờ. Tôi hỏi ông Hoạt tiếp theo việc này sẽ được giải quyết ra sao. Ông nói mình không ngại gì vì mình hoàn toàn không có lỗi. Những chuyện đền bù nếu có sẽ do công ty bảo hiểm giải quyết. Tuy nhiên sau vụ này tiền bảo hiểm xe sẽ tăng lên, có thể phải tìm hãng bảo hiểm khác.
Chúng tôi cũng trao đổi sâu thêm về chuyện này. Tôi hỏi ông ở đây người gây tai nạn có đi thăm viếng hay làm gì khác cho người bị tai nạn không. Ông bảo mọi việc đều do cảnh sát và bảo hiểm giải quyết. Việc gặp người bị nạn sẽ làm phát sinh thêm rắc rối nên ít ai làm. Tuy mình cũng rất ái ngại nhưng mọi việc được làm theo luật và do các cơ quan chức năng có thẩm quyền quyết định, cá nhân không được xen vào. Tôi thấy việc này có hai mặt. Nhà nước và luật pháp sẽ xử lý một cách công minh, không thiên vị, giải quyết mọi vấn đề nhưng nếu người gây tai nạn không có bất cứ liên lạc nào với người bị nạn, đặc biệt trong những trường hợp bị thương nặng, gây tàn phế, có cái gì như quá lạnh lùng, thiếu tình người. Về sau này lúc chúng tôi trở lại Milpitas, nghe nói cô gái bị tai nạn đòi bồi thường và công ty bảo hiểm đã gọi điện thoại để lấy thêm lời khai của chúng tôi. Họ hỏi rất tỉ mỉ, qua một người phiên dịch tiếng Việt và nói rõ có ghi âm lời khai để làm bằng chứng. Chuyến đi Mỹ của chúng tôi quả thật có nhiều sự kiện và cảm xúc.
Buổi chiều ông Hoạt tổ chức một buổi gặp mặt. Khá nhiều người tham dự và có mấy “nhân vật” tiếng tăm. Tôi nghe giới thiệu có ônggiám đốc đài RFA, Duy Ái – phóng viên đài VOA, Hoàng Tứ Duy trong ban lãnh đạo đảng Việt Tân, luật sư Trịnh Hội, một số người hoạt động trong các tổ chức cộng đồng ở đây. Hoàng Tứ Duy còn trẻ, khoảng trên dưới 40, mang đến cuốn sách “Hành trình cuối đông” mà anh nói đã mua từ lâu, hâm mộ tác giả nên gặp tôi ở đây anh xin chữ ký kỷ niệm. Trịnh Hội rất đẹp trai, mới ở Việt nam về. Anh kể chuyện về nước đóng phim, bị làm khó dễ vì cho là liên quan đến vụ Lê Công Định mới bị bắt, ban đầu không cho về Mỹ ngay, sau đó lại bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Ông Hoạt cẩn thận phát biểu mở đầu, đây chỉ là buổi gặp gỡ có tính cách cá nhân để trao đổi và sẽ không đưa tin trên đài báo. Mọi người đều đồng ý. Cũng là những vấn đề mà ở những nơi khác người ta đề cập vì đây là mối quan tâm chung của cộng đồng người Việt hải ngoại. Tôi cũng trả lời một số câu hỏi và theo yêu cầu, đặc biệt nói kỹ về tính chất chuyến đi của tôi, mọi người tỏ ra thông cảm và đồng tình. Trong khi trò chuyện, ông Hoạt nhận điện thoại và đưa cho tôi nghe, nói có người muốn gặp. Tôi nghe một giọng gấp gáp: “Thế nào anh? Có thể làm gì cho Việt Nam anh nói cho tôi tham gia với. Tôi sốt ruột lắm rồi.” Hóa ra đây là một bạn trẻ cũng được mời đến dự cuộc gặp nhưng vì bận không đến được nên đã gọi điện thăm hỏi. Những người như thế này rất nhiệt tình, muốn làm một cái gì thiết thực nhưng có lẽ họ chưa tìm được việc làm thích hợp. Tôi đâu có thể đưa ra được điều gì mới mẻ hơn. Sau khi buổi nói chuyện chung chấm dứt, một vài người ở lại ra vườn uống café nói chuyện tiếp đến đêm mới về. Cũng là những ưu tư đối với tình hình Việt Nam và hình như có phần bế tắc. Có thể nói đây là “ám ảnh không rời” của người Việt thế hệ thứ nhất ở Mỹ, nhất là những người quan tâm đến những vấn đề chính trị.
Hôm sau, ngày cuối cùng chúng tôi ở đây theo chương trình, một anh bạn trẻ đã dự cuộc nói chuyện hôm qua tình nguyện đưa chúng tôi đi thăm thú tiếp. Đó là anh Nguyễn Tự Tín, một nhà báo ảnh chuyên nghiệp. Anh hứa sẽ đưa chúng tôi đi xem phong cảnh hai bên dòngsông Potomac, công viên Great Falls và trường đại học Georgetown. Anh chàng này “độc thân vui tính” và có vẻ “nghệ sĩ bất cần đời”. Chiếc xe của anh chạy là chiếc xe “cà tàng” nhất mà chúng tôi từng được chở đi ở Mỹ. Xe méo mó sứt sẹo nhiều nơi vì va quẹt, máy lạnh hư, cửa cũng hư không kéo kính xuống được nên ngồi trong xe rất nóng vì trời nắng và nhiệt độ bên ngoài khá cao. Bù lại anh rất nhiệt tình, lại là thổ công ở đây nên đi chơi với anh rất thú vị.
Đầu tiên anh chạy dọc theo sông Potomac từ Washington DC hướng về thượng nguồn phía hữu ngạn. Thỉnh thoảng anh dừng lại ở mấyvista point để chúng tôi ngắm cảnh và chụp hình. Đúng là chỉ có “thổ công” mới biết những chỗ này. Dòng sông này phía dưới rộng, nước sâu và trong xanh nhưng càng lên cao, tuy không xa lắm đã bắt đầu có nhiều đá tạo nên ghềnh thác, lập tức chuyển sang nét hoang dã. Khi không còn gì để ngắm phía hữu ngạn, Tín lại quay về Washington DC, vượt cầu qua tả ngạn, lại ngược về phía thượng nguồn để đi thăm Great Falls National Park. Anh giải thích khu vực này là nhà cửa của cư dân làm việc trong thủ đô. Đây là khu nhà rất đẹp, dọc theo bờ sông hoặc trong rừng cây, rất đắt tiền vì chỉ cách thủ đô chừng 15-20 phút lái xe. Ở thủ đô và nhiều thành phố của Mỹ, người ta không ở trong downtown là nơi chỉ có các cơ quan hành chính, văn phòng công ty, nhà hàng mua bán. Họ đều ở trong các khu dân cư lân cận, có khi đi làm phải mất hàng giờ lái xe hay hơn nữa.
Gần một giờ sau chúng tôi mới đến lối vào chính của công viên. Để xe ở bãi đậu, chúng tôi đi bộ vào. Nơi đây có các bảng chỉ dẫn và một nhà bảo tồn nho nhỏ lưu giữ các hiện vật và hình ảnh, mô hình liên quan đến sự tích của khu vực này. Có một ngôi nhà khá lớn, cũ kỹ có tên là Great Falls-Ciroa xây dựng từ năm 1890. Ngay phía trước là dòng sông đào chạy dọc theo sông Potomac. Đây quả một ý tưởng độc đáo và kỳ công nhân tạo trong thời kỳ Mỹ mới lập quốc, phương tiện còn thô sơ. Vì cần chuyên chở hàng hóa đi lại từWashington DC đến các vùng phía thượng nguồn bằng đường thủy nhưng sông Potomac quá hiểm trở, thuyền không đi được nên có người đã nghĩ ra việc đào con sông này, chạy song song với sông Potomac. Sông đào bề ngang khoảng 6 mét, hai bên có đường đất rộng để ngựa kéo thuyền chứ không dùng chèo. Đào con sông dài hàng trăm dặm dĩ nhiên tốn vô vàn công sức, tiền của nhưng còn cần đến sự sáng tạo vì ở những nơi đất dốc, nếu chỉ đào bình thường, thuyền không thể nào đi được. Do đó người ta đã nghĩ ra cách xây dựng nơi để chuyển thuyền từ thấp lên cao hoặc từ cao xuống thấp bằng cách ngăn dòng, bơm nước vào hay rút nước ra để mực nước hai bên bằng nhau rồi đưa thuyền qua. Đại khái như một bể bằng đá dài, hai đầu có thể đóng mở. Thật quá công phu, không biết người ta đã làm bao nhiêu chỗ như thế trên con sông đào này. Ấy thế mà sau này khi các phương tiện giao thông khác phát triển, con sông này không được dùng nữa, trở thành một hiện vật bảo tàng sống động về ý chí của người Mỹ. Con đường hai bên sông được dùng làm nơi đi bộ hay đi xe đạp cho những người luyện tập thể dục mà bây giờ chúng tôi đang đi và qua cầu để vào khu vực sông chính.
Đoạn sông ở đây thật hiểm trở. Cây rừng mọc ra tận mép nước, đá lô xô ngổn ngang từ bờ lan ra khắp lòng sông. Chúng tôi leo trèo qua các tảng đá đủ hình thù. Tín biết rõ chỗ nào có thế đẹp có thể chụp hình và làm đạo diễn chụp cho chúng tôi bằng cái máy chuyên nghiệp anh mang theo. Đúng là một thổ công chính hiệu. Đi xuôi xuống một quãng, bắt đầu có đường trail người ta xây dựng rất công phu để đi tham quan khu vực này. Con đường lát bằng gỗ, bề ngang khoảng hai mét, có lan can chắc chắn chạy suốt có thể đến vài cây số, vòng vèo trong rừng, băng qua các ghềnh thác bằng những chiếc cầu nhỏ. Những nơi dốc, ngoài các bậc cấp còn có phần gỗ xuôi để những người tàn tật dùng xe lăn có thể đi qua. Một người đi xe lăn có người đẩy giúp đã cùng đi với chúng tôi cho đến tận cuối đường.Trên các cầu là nơi ngắm cảnh lý tưởng vì bên dưới là những con suối cạn chảy tràn trề qua đá hay các vực sâu hun hút nước xoáy cuộn tung bọt trắng xóa. Chúng tôi vừa đi vừa nghỉ chụp hình và cuối cùng đến điểm kết thúc. Ở đây người ta mở rộng chỗ ngắm cảnh trên một vùng đá có mấy đỉnh cao. Phía trước mới là dòng chính sông Potomac hùng vĩ, mênh mông, lô xô đá. Bên kia bờ là rừng cây thuộc bangMaryland, nơi hình như người ta cũng làm một khu ngắm cảnh tương tự nhưng không lớn bằng bên này.
Trên đường về chúng tôi ghé thăm trường đại học Georgetown. Chúng tôi muốn đến trường này vì những lần trước ngồi xe chạy dọc bên kia sông, chúng tôi có thể thấy thấp thoáng xa xa ngôi trường có dáng dấp lâu đài cổ rất đẹp in hình trên nền trời, đây còn là nơi chị Trương Anh Thụy lấy làm bối cảnh cho tiểu thuyết “Chuyển mùa” của chị. Trước khi đến trường, Tín cố ý chạy xe vào khu vực phố cổ, nơi có mấy con đường lát đá hộc và đường sắt xe lửa cũ ở giữa người ta vẫn cố tình để nguyên, chạy xe xóc lọc cọc. Muốn cổ phải như thế thôi. Ở Mỹ tìm được những con đường đá kiểu này không phải dễ.
Gần đến nơi, Tín giải thích nhà cửa trên mấy đường phố lân cận đều thuộc trường đại học, làm nhà ở cho sinh viên. Ngôi trường, phải gọi đúng tên là tòa lâu đài bằng đá 5 tầng hình chữ nhật rất dài, trông cổ kính, đồ sộ, phía trên có nhiều đỉnh tháp lớn nhỏ với các cây thập tự. Phía trước có tượng ông John Carroll, người sáng lập trường và hai khẩu súng thần công. Cửa vào chính có 3 vòm trên bậc cấp cao dẫn vào tầng 1. Tín dẫn chúng tôi vào bên trong, tự nhiên đi vào các phòng. Vài phòng học khá đặc biệt, không lớn lắm nhưng có nền dốc như trong rạp hát để người ngồi ghế sau nhìn lên không bị vướng đầu người trước. Hành lang có vòm tròn dài thăm thẳm, vắng vẻ, được bật đèn sáng. Tín muốn chụp hình chúng tôi ở chỗ này vì trông có vẻ rất khác lạ. Anh là tay máy chuyên nghiệp nên đạo diễn bắt chúng tôi phải đi lại, đứng theo kiểu gì. Anh hứa sẽ làm thành đĩa ghi các ảnh chụp trong chuyến đi này và gởi tặng chúng tôi. Theo một lối khác mở ra từ phía sau, chúng tôi lại vòng ra trước. Trên bãi cỏ trước sân có hai cô gái, chắc là sinh viên, mặc váy ngắn lộ đùi, hở lưng nằm phơi nắng nói chuyện. Chúng tôi cũng ngồi nghỉ một lúc và tìm mãi mới được mấy vị trí có thể chụp toàn cảnh ngôi trường – tòa lâu đài vì nó quá lớn và dài.
Trên đường về, Tín muốn đưa chúng tôi vào một nhà hàng ăn ngon nổi tiếng mà anh đã từng vào nhưng không hiểu sao vòng đi vòng lại mấy lần ở khu phố đó vẫn không tìm ra. Lần này thì “thổ công” có lẽ đã không cập nhật thông tin, hình như nhà hàng đó đã dẹp tiệm hoặc chuyển đi nơi khác. Cuối cùng đành vào một tiệm phở. Tiệm phở này của người Việt, thấy quảng cáo có đến gần chục chi nhánh ở mấy tiểu bang. Hầu hết là khách Mỹ đến ăn, phải xếp hàng đứng đợi ở lối vào để chờ có chỗ. Phở Việt Nam cũng đã lừng danh và được ưa chuộng trên đất Mỹ. Ăn xong Tín đưa chúng tôi về lại nhà ông Hoạt.
Buổi tối ông Hoạt chở chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Ngọc Bích lần thứ hai, ngủ lại đêm cuối vì ngày mai ông bà Bích rảnh sẽ đưa chúng tôi ra sân bay. Chúng tôi đã quen thuộc với ngôi nhà đầy sách của ông bà Bích. Trên bàn ăn, lúc ngồi vào cũng phải dọn bớt sách đi. Tuy có bàn làm việc riêng nhưng chỗ nào ông bà cũng có thể đọc sách được. Tôi thấy ông bà làm việc rất khuya và sáng dậy sớm, một lối sinh hoạt mẫu mực của đôi vợ chồng trí thức. Bà Hợi ngỏ ý muốn tặng BY mấy con “heo búp bê” làm kỷ niệm và nói BY muốn chọn con nào cũng được. Trong nhà có vô số búp bê heo đủ mọi hình dáng kích cỡ, làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau. Con mới nhất là một búp bê heo có cánh biết bay treo ngay phía trên bàn ăn. Bà tuổi Hợi nên sưu tầm búp bê heo và bạn bè, người thân biết sở thích của bà nên khi có dịp cũng tặng bà loại này. Đây là một bộ sưu tập thực sự. Ông Bích cũng tặng tôi mấy cuốn sách do ông biên soạn và dịch như Hồ Xuân Hương – Tác phẩm, Nguyễn Ngọc Bích hiệu đính; dịch thơ Trường ca Lời mẹ ru của Trương Anh Thụy…
Hôm sau, hai ông bà dậy sớm lo cho chúng tôi ăn sáng rồi đưa chúng tôi ra sân bay Dulles. Lần này vì phải đem theo nhiều sách do các bạn ở đây tặng, chúng tôi phải xin một cái va ly cũ ở nhà bà Thụy để đựng và phải gởi hành lý. Bà Bích đã nhờ mấy nhân viên của sân bay đứng ngoài ngay chỗ đậu xe làm thủ tục gởi hành lý và lấy thẻ lên tàu luôn, đỡ cho chúng tôi phải vào chờ đợi check in bên trong. Việc này rất tiện cho những người mang hành lý nhiều và nặng. Sau đó bà đưa tiền tip cho họ. Bà còn cố đi vào trong, nơi xa nhất có thể, chỉ cho chúng tôi lối đi vì sợ chúng tôi bị lạc. Những sân bay lớn như sân Dulles này cũng rất dễ bị lạc đối với những người chưa quen đi như chúng tôi. Lần này máy bay của hãng JetBlue bay thẳng chỉ mất 6 giờ về đến Oakland, gần nhà Thái Anh. Chúng tôi đã báo trước nhờ Thái Anh ra đón và đưa về lại nhà anh bạn thân cũ của chúng tôi ở Milpitas, kết thúc chuyến đi hơn nửa tháng đầy ắp sự kiện và cảm xúc ở miền Đông nước Mỹ.
T.D.B.C.
(Xem tiếp kỳ sau)