Sự ngụy biện của những chiếc mặt nạ

Truyện

Nguyễn Hoàng Anh Thư

Chứng sợ hãi đã lây lan toàn thành phố. Có rất nhiều kẻ gieo rắc, phủ khắp các ngóc ngách từ làng xã lên đến những thành phố hoa lệ. Đã có rất nhiều kẻ bỏ nhà lên núi trốn nhưng cũng không thoát cảm giác ấy. Chúng kiểm soát rất gắt gao. Người ta có thể không sợ chết mà chỉ sợ trước khi chết không nói được lời từ biệt với người thân.

Tôi biết hắn là một kẻ rất sợ, nỗi sợ thường bám trên mười đầu ngón tay hắn, hắn thường run rậy mỗi khi viết, dù đã rất can đảm lựa chọn viết lách làm nghiệp mưu sinh. Bên cạnh hắn có vợ và con gái, có lẽ điều đó đã làm chứng sợ trong hắn nặng hơn. Có vẻ hắn đang tự bào mòn từng lời nói, câu chữ. Tôi có gặp hắn mấy lần. Lần cuối, tôi thấy hắn gỡ bỏ mặt nạ ra và thú nhận, những lời nói bằng máu. Bạn tôi nhận xét: “Nhưng trên mặt hắn vẫn là lớp da khá chắc chắn”.

Đúng rồi, chắc chắn thế. Tôi biết chắc đó là cái mặt nạ mà hắn chưa thể gỡ ra. Hắn tự đày đọa mình với sự giả dối trong đôi mắt. Đôi mắt hắn đang lướt nhanh trên bàn phím và tay thì gõ gõ. Cái vẻ trầm uất mà tôi thường đọc ở những điều hắn viết đang bò như những con rắn độc. Chẳng có một ước nguyện từ bất cứ ai để hắn biện minh cho những lời nói suông ngọt bằng máu mà hắn đang thè lưỡi ra để liếm.

-Có phải con đang phạm sai lầm? – lời người chú thân tình của hắn gọi điện hỏi thăm.
Hắn không trả lời thẳng, hắn nói: “Con đang khóc đây chú ơi” ở đầu dây bên kia. Rồi im bặt, mọi thứ.

Một tuần sau hắn viết thư, một bức thư bằng những cơn mưa máu, bàn tay máu, thân thể máu. Hắn muốn nhuốm những dòng máu của sự giả dối lên tất cả người thân để đổ lỗi cho họ. Hắn muốn có sự an vị trên niềm cảm thông của người khác.

-Thật bất nhân, bạn tôi nói, hắn đổ thừa tất cả điều đó chỉ vì ước nguyện của cha và ông nội, thật là một điều kệch cỡm và thô bỉ hết sức!

Hắn thừa nhận cả nhà hắn bị lừa, và đã mười mấy năm cả nhà hắn mắc chứng thần kinh. Ha ha, đó là một trong những lời ngụy biện thô vụng nhất mà tôi đọc. Hắn đau xót cho cha và ông nội, hắn đau cho chính hắn. Ai làm gì mà hắn đau? Không phải hắn muốn phạm sai lầm để có khoái cảm khi bệt màu lên những bức tranh bị cắt ngang sao. Những bức tranh bị cắt ngang hay bị buộc bằng những sợi chỉ màu đỏ. Hắn treo cổ những bức tranh lủng lẳng giữa phòng rồi ngắm.

Mỗi lần như vậy hắn thấy thứ khoái vị tiết ra ngòn ngọt từ đầu lưỡi. Hắn nuốt ực. Tôi gọi hắn: “Mày là AQ thứ thiệt đó nhá”. AQ bây giờ ở Việt Nam cũng có đẳng cấp, có phân loại hẳn hoi. Và những cái mặt nạ hắn vẫn treo ở đầu giường để thật tiện tay cho những buổi sáng thức dậy. Đều đặn, ngày hai buổi đỗ xe và lấy xe. Đều đặn như bản đánh máy những con chữ đỏ chót lên mặt giấy và tiếng leng keng của tiếng thìa đánh bọt café – loại café gây nghiện sự nhàn rỗi.

Khi những lớp chữ nghĩa không đủ diễn tả hết điều hắn huyễn tưởng về gương mặt của mình, hắn bắt đầu tập dùng cọ màu để vẽ. Những bức tranh, những mảnh ghép của gương mặt, tay, chân… đã bị cắt lìa, bị trói, bị nhuốm màu máu đỏ và chảy dài trên một dòng sông máu hoặc hun hút tong một thung lũng máu. Những nét vẽ thô vụng nghuệch ngoạc, chúng đi xuyên qua đêm cùng với hắn.

Bạn có tin hắn bị mắc chứng tâm thần gì đó không?. Tôi thì ngờ ngợ. Hắn mắc cái thói lập dị ấy với nỗi đau của Théo để lớn dần lên. Giống như khi bạn tin vào một cái gì đó, bạn hành động như thể nó là sự thật, làm cho khó khăn để chứng minh một cái gì khác. Niềm tin mạnh mẽ của bạn sẽ tác động tích cực đến sự diễn giải về các sự kiện đã bất ngờ ập tới trong cuộc đời, chúng là bộ lọc định hướng cho bạn hành động thế nào trong những ngày tới.

Hôm nay hắn bị ai đó gỡ chiếc mặt nạ khi đang ngồi nhâm nhi café. Vị café lúc này đắng nghét, mặc dù thường ngày hắn vẫn thích vị đắng không đường. Hắn còn nhiều chiếc mặt nạ khác đang để trên đầu giường cơ mà, chiếc mặt nạ bằng da người có lẽ là hữu dụng nhất, chúng cũng có cảm xúc, thật đó bạn ạ.

Hắn tiếp tục vẽ xuyên đêm, suốt cả tháng trời. Hắn cảm thấy những bức tranh nhuốm màu đỏ của những dòng máu sung sức của tấm thân mà cha mẹ ban cho hắn. Hắn ngỡ mình như Salvador Dali nổi tiếng với những hình ảnh ấn tượng và kỳ lạ trong các tác phẩm siêu thực. Tôi nhớ người họa sĩ thiên tài này đã chú thích về bức họa lừng danh của mình: “Tình yêu của tôi với tất cả mọi thứ có ánh vàng, sự cực đoan, niềm đam mê của tôi với sự sang trọng và quần áo phương Đông”. Hắn cũng thích đắm mình trong hành vi bất thường và kỳ vĩ. Có khi hắn chụp hình con gái đứng bên bức tranh có hình bàn chân người vượn bấu víu sự sống một cách man dại, có khi hắn mặc chiếc áo khoác đỏ trùm kín đầu vào ban đêm rồi chụp ảnh với cái hình mới vẽ về con chim nhạn bị trúng mảnh gương rồi rơi, có khi hắn úp mặt vào bàn tay để che cả nhân gian. Đó là những avatar của hắn mà tôi thấy.

Hình như hắn không bao giờ cho phép mình xuất hiện trong những buổi hội hè vui chơi như những đám thanh niên trẻ.

Bùm, bùm, xèng…tiếng ghi ta điện, tiếng hò dô, tiếng cười khoái trá…Vô vị! Một lũ vô vị. Hắn nghĩ: “Đám trẻ ấy sinh ra cũng chỉ để chết, quan trọng là những gì khi mình níu kéo được trước sự chết”. Hắn tập vẽ chữ ký của mình rất điêu luyện. Khi thì như dải mây mềm, khi thì như một bông hồng lửa. Chữ kí của hắn thường đặt khiêm tốn ở một góc bức tranh, nhưng hình như tôi thấy từ đó hắn đã ngước nhìn lên và thiêu cháy cả bức tranh vậy, thiêu cháy tất cả, bột màu, mùi vị của từng lớp acrylic và mùi của vải bố, mùi giấy. Chúng đang bốc lên nồng nặc. Hắn cảm nhận được khoái vị của sự cháy, hắn thấy mình đang cháy dữ dội.

Mỗi sáng sớm mai, tôi đã thấy hắn ngồi ở quán café trước cơ quan, rất đúng giờ.

Một ngày, hắn hỏi tôi (hay chính hắn đang muốn chỉ hướng cho tôi) về một truyện có cấu trúc mà hắn hay viết, tôi nghĩ, đó là thứ rập khuôn theo kiểu sáng tạo của nhiều người đi trước, hắn nói rằng lý thuyết luôn phải có trước trong mỗi hư cấu, trong mỗi sự tưởng tượng của con người. Tôi mở link, ấn tượng nhất là một dòng sông đen ngòm trong “Chết”. Khi cái chết cũng có lời hẹn trước thì liệu người ta có thờ ơ với một cái mỉm cười của ai đó thoáng qua? Mọi cái chết như là lời hứa trút ra từ dòng máu ào ạt của những người thân: cha, mẹ, cô, trò, bạn bè… nhường nhau đi trước. Tôi rùng mình, mọi suy nghĩ méo mó. Cảm giác bất an chìm ngập cả dòng sông hiền từ phẳng lặng.

Hắn khiến tôi từng khâm phục, khâm phục bởi tôi đã quá sợ hãi. Tôi đã từng gá nỗi sợ hãi của mình vào những lý thuyết sáo rỗng: “Hãy vượt qua những ranh giới ngầm, hãy là một con kỳ nhông biến màu giữa sa mạc”. Tôi đã viết những dòng đánh lừa cảm xúc như vậy mà không e ngại mảy may. Hắn nói với tôi về sự phản tỉnh, tư tưởng, triết học, phân tâm, ngôn ngữ điện ảnh, nghệ thuật trình diễn đương đại… Chúng ta muốn lột trần hiện thực đau đớn này bằng chính những điều tưởng như không thực, siêu hư cấu làm được điều đó, càng ảo hóa và phi lí thì càng chạm vào tận cùng hiện thực, chứ nếu chỉ mô tả, kể lể thì sẽ trình ra những hiện thực thiếu máu, không sức sống…

Có vài bức họa của hắn làm tôi kinh ngạc, mọi thứ như bị vỡ từ kỷ Tân sinh. Lớp băng hà bỗng tan hoang. Chúng từ từ tan chảy, mọi sự chết bắt đầu ngọ ngoạy. Những cây dương xỉ, những cây rong tảo, hay những loài thằn lằn bỗng nhiên sống lại và lấn chiếm mặt đất. Con người tự hủy hoại mình bởi những cái nhìn quỷ quyệt, man trá. Nhưng tôi tin điều đó thật đúng, có thể hắn đã tiên tri những điều mà chúng ta chưa thấy. Mọi sự sống rồi sẽ bắt đầu từ màu rêu đậm hoen rỉ như bức thành nhà Hồ- màu mà tôi thấy hàng ngày trên những bức tranh của hắn. Chúng kiên cố như những lớp hóa thạch đã chốt lại cái ranh giới của một kỷ đã bị vùi lấp, và lòng tham, sự bạo tàn của con người không thể vượt lên được.

Hôm qua tôi nghe tin hắn đang trạng thái khủng hoảng vì sợ hãi, hắn sợ ở một mình trong phòng. Hắn đã bị người ta lấy mất những chiếc mặt nạ để trên đầu giường. Hắn nghĩ là do lũ trẻ con hiếu kỳ. Hắn hét toáng lên khi nhìn lên trần nhà đầy những con mắt trên mái tôn bị thủng lỗ. Ánh sáng dọi vào, hắn nheo mắt và sau đó nhắm tít lại, rồi hỏi: “Chúng mày muốn gì? Chúng mày muốn biết sự thật ư? Chúng có màu đỏ ấy, đỏ loét, đỏ từng khúc xương, từng lóng tay, biết chưa> Biết rồi thì cút hết cả đi!”. Vợ hắn kinh hoảng, còn đứa con gái khóc thét lên khi về đến nhà.

Giữa trưa trời thật nóng, cái nóng ở trong nhà hắn như lò luyện kim đan. Hắn thấy người ta đang luyện hắn thành một thứ cao gì đấy. Hắn xin một ân huệ là hãy gửi một ít cao ấy về với người thân của hắn. Đêm ấy hắn mơ về cánh đồng có rất nhiều mạ non trên những ô ruộng đầy nước mát, mẹ hắn đang phe phẩy cái nón rách bươm bên gương mặt nhễ nhại mồ hôi. Ông nội và cha đang ngồi uống nước chè xanh với kẹo vừng. Hy vọng người ta sẽ gửi quà của hắn ra trước mùa giáp hạt.

***

Bệnh viện màu trắng lóa, hắn lại bị chói mắt. Vị bác sĩ nói:
-Cậu không phải là xác chết, biết chưa?
Hắn cười, vẻ mặt thản nhiên:
-Vậy thì xác chết có bị chảy máu?
-Tất nhiên là không, với xác chết máu không chảy được- Ông ta từ tốn trả lời.

Hắn lập tức đưa ngón trỏ lên miệng cắn. Hắn nếm được vị ngọt ngọt và mằn mặn.
-Tôi không bị tâm thần, hiểu chưa? Xác chết vẫn chảy máu, ông xem…
Hắn đưa ngón tay đầy máu trước mặt bác sĩ. Vị bác sĩ giật mình, nhiều người từ chung quanh chạy ùa vào, tất cả hoảng loạn.

Hắn khóc:
-Nhưng mà xác chết cũng chảy máu, các người không thấy đó thôi. Tôi đã chết, sự thật là như vậy mà.

Người ta chụp hai cánh tay của hắn và dẫn sang hành lang, về phía khu dành cho bệnh nhân rối loạn tâm thần nặng.

Comments are closed.