Một xã hội nhiều người ốm dở

Vương Trí Nhàn

 

Dăm bảy năm nay, nhiều tờ báo chính trị kinh tế cũng có thêm mục bác sĩ trò chuyện với bệnh nhân.Và thường tôi tìm đọc những loại bài của Nguyễn Chấn Hùng, Lương Lễ Hoàng … một cách hào hứng vì các bác sĩ đó có cách đặt vấn đề cách viết rất hiện đại, vượt lên trên trình độ chung của báo chí chính trị xã hội hiện nay.

Từ chuyện nhỏ này tôi muốn nói một khía cạnh khác.

Các bệnh viện luôn luôn xúm xít những người là người. Đến với bệnh viện đôi khi là cả một cái tội. Một anh bạn tôi nói đùa giờ phải khỏe lắm người ta mới đi khám bệnh được.

Cùng với việc chữa bệnh là vấn đề bán thuốc. Có dịp đi du lịch bụi ở vài nước tôi không thấy đâu lắm hiệu thuốc như nước mình. Thời nay có vốn mà làm nghề xuất nhập khẩu thuốc chắc rất trúng. Không bao giờ sợ ế cả.

Ở phố Bồ Đề bên quận Long Biên của tôi, chỉ trong phạm vi khoảng hai trăm mét, đã thấy cả chục hiệu thuốc.

Vậy là các vấn đề sức khỏe con người nổi lên như một vấn đề xã hội có ý nghĩa hàng đầu.

Nói nôm na là ta đang có một cộng đồng rất nhiều người sống trong tình trạng bệnh tật. Các cơ sở y tế chỉ chữa những người ốm nặng thành ốm vừa vừa, và sự khỏe mạnh luôn luôn là phồn vinh giả tạo.

Sự suy thoái mọi mặt trong trong chiến tranh, nay mới thật bộc lộ với chiều sâu của nó. Tiếp đó mấy chục năm hậu chiến người người lao đầu vào cuộc làm ăn kiếm sống, sức khỏe lại bị phá hoại theo kiểu khác.

***

Sức khỏe thể chất của con người trong xã hội ra sao thì sức khỏe tinh thần là vậy!

Ở chỗ riêng tư, một anh bạn tôi đọc nhiều về sử còn mạnh mồm mà bảo rằng có lẽ chưa con người ham sống một cách hèn hạ (!) như thời nay.

Tôi cảm thấy nói thế hơi quá lời. Nhưng trong bụng vẫn lảng vảng cái ý nghĩ nay là thời tỷ lệ những người lười biếng nịnh nọt giả dối nói chung là thiếu tư cách trong cả dân thường lẫn quan chức vượt cao hơn hẳn so với thời cũ.

Trong một bài phiếm luận đã viết tôi đã nói thật ra những Chí Phèo hay Xuân tóc đỏ … còn có tư cách hơn nhiều người đang sống sờ sờ, kể cả những người được xã hội trọng vọng. Vậy mà chưa thấy ai nói khác. Thấy mình có vẻ được đồng tình, tôi lại thêm buồn.

Lúc rỗi rãi, tôi chỉ ước ao có ai đó đứng ra tổng kết về con người đương thời, nhất là xét con người ở tầm cao của ý chí, dục vọng, lòng tự trọng và thể hiện ra ở chiều rộng và chiều cao của trí tuệ. Ta chỉ hay so sánh người mình với người nước ngoài về trình độ hưởng thụ, chứ chưa ai đi vào căt nghĩa tại sao họ lại đạt được mức sống như vậy.

Ngay cả việc đi vào khảo cứu so sánh con người đương thời với người Việt trong các thời cũ về mặt tinh thần cũng chưa thấy ai bắt tay vào cả. Trong khi đó thì tôi luôn luôn thấy người Việt đương thời có phần hợm hĩnh khi nghĩ về các thế hệ tiền bối song đó chỉ là bề ngoài, bề trong chúng ta ngày nay đuối hơn rất nhiều so với các cụ.

Nguồn: https://www.facebook.com/profile.php?id=100007958417043

Comments are closed.