Tấm thiếp lạ

Trần Đĩnh

Ông già đến ở cái đầm này ít lâu liền được chú ý.

Một lều nhưng không cất vó – chính giữa khoảng đầm hoang vạc khoang làm tổ. Những chiều sương sớm, ở bờ xa nhìn ra, lều ông già nom chẳng khác khung cốt một tượng đài. Mấy đường thẳng vút mảnh khảnh, một bề mặt mong manh trên mặt nước phẳng lặng và lạnh. Nhìn nó tự nhiên lòng ta mung lung một cảm giác lạc vào tiên giới. Nhất là những khi có bóng ông già trên vó bè. Chòm râu im lìm một đọng sáng, một đốm kim loại lặng tờ trắng rực trên nền sương lay động.

Ai tiếp xúc với ông già trước? Không rõ. Nhưng rồi nơi nơi kháo tài ông già. Một chân nhân đạo sĩ? Hay một đại pháp thuật gia? Người ta bàn tán nhiều nhất đến các tấm danh thiếp ông già làm cho những ai lòng thành cất công bơi thuyền lội nước ra xin ông ban riêng cho mình. Mỗi tấm thiếp một cốt cách. Đều khác nhau, đều mới lạ và đều đẹp. Ông già hẳn phải có phép báu.

Thời đó ai cũng phải có danh thiếp trình ra khi giao tiếp. Có thể nói đó là một sơ yếu lý lịch và một khi đã đụng đến lý lịch thì ít nhiều đều có tô vẽ. Thoạt đầu thuần vì xã giao công dụng, Về sau tục dùng danh thiếp hóa thành một dòng xoáy bạo liệt những phù hiệu đề cao quá đáng cho người có tên trên tấm thiếp.

Người ta chăm chút tờ danh thiếp hơn chăm chút cho giá trị thật của người ta vì giá trị giả thường lại có giá trị sử dụng cao hơn giá trị thật cụt lủn.

Cần nói rõ: Thời ấy chỉ trình danh thiếp xong là thu về, không trao đứt nộp đoạn như thời nay.

Một tửu lâu đã công phu đến mức cho nung hẳn một loạt bình sứ với hình tượng Di Lặc mang dòng thư pháp: Mê li chốn ấy ẩn trong. Hãy bật nút bình rượu. Lập tức hương mỹ tửu xộc lên ngào ngạt. Lềnh bềnh ở mặt rượu trong bình là một chiếc móng tay nhỏ xinh của mỹ nhân. Nhưng không, đó là li đong rượu. Đong rượu bằng li này rượu càng thêm ngon thêm đượm.

Một thanh lâu cũng đem trình danh thiếp. Một chiếc nệm gấm – hay gối? – nhỏ như chiếc túi đựng hạt mùi trẻ vẫn thường đeo ở cổ phòng gió máy. Nhón một góc khẽ rũ nhẹ, chiếc nệm gấm liền xoè ra thành một cái hộp hình chữ nhật. Nhìn kỹ thì đó chính là một chiếc mùng lụa soi lên ánh nến thấy hiện ra những cặp đàn ông đàn bà hăm hở nô rỡn.

Đã có người mượn danh thiếp làm thứ hù, chọe. Chức tước đi liền không dứt sau tên tuổi, cái đuôi này càng dài thì cái đầu càng lớn và sức vẫy vùng tung hoành trong xã hội càng khỏe. Kỉểu tinh trùng, vượt nhanh tiến bẫm… Sau để đề phòng nạn giả mạo còn thượng cả triện nổi vào chứng nhận người cầm văn bản này là sao đúng như người thật. Kể ra lập luận của chủ nhân các tấm thiếp này cũng phải: cần thiết thêm tầm vóc pháp lý vào phàm bất cứ thứ gì đã công khai hoá. Những cái trưng lên danh thiếp ngày một kỳ bí. Sinh ra một lớp chuyên diễn giải nội dung danh thiếp.

Đùng một hôm ra mắt một tấm danh thiếp trần, không giống bất cứ một tấm nào từng xuất hiện.

Không tên tuổi, không chức tước, không nghề nhưng cầm lên biết ngay chủ nhân của nó.

Là ai khác ngoài vị trồng hoa giỏi nhất kinh kỳ? Mình ông tạo ra trăm loại hoa chưa từng phô hương khoe sắc dưới gầm trời này. Một trăm loại hoa như một trăm họ kỳ nữ.

Khu vườn ông rộng hàng mẫu là một vùng tiểu khí hậu biệt lập. Giữa trưa nắng gắt, nó dâng lên một vầng hào quang thiên lý nhạt, một ốc đảo dưỡng khí trong lành. Mà lạ! Khi đó láng giềng xung quanh lại đều khẽ lời nhẹ bước tự ý lui xa, lẳng lặng suy tôn vùng hoa lá của ông lên thành thánh cung uy nghiêm, không phải chốn phàm. Lảng xa mà mơ được vào đó để làm người thanh cao.

Ông muốn một tấm danh thiếp và đã tìm ông lão vó bè.

– Hỏi tôi, một người kiếm nơi hiu quạnh, tránh chốn đông vui làm gì? Ông già vó bè hỏi.

– Chính vì cụ ẩn mà hiện, im mà lừng cho nên mới xin xáp tới. Thú thật là mến trọng sự náu núp của cụ cho nên đến xin lĩnh giáo cụ xem có nên xin cụ ban cho một nét bút làm tấm danh thiếp hay không.

– Ông vắng vẫn ngát hương kia mà…, hà cớ? Thôi được, giúp ông cũng chỉ là nương vào chính bàn tay ông thôi.

Sai đem đến các loài hoa lá quý rồi ngồi ngắm và nghĩ. Bản phác thảo đồng thời là tác phẩm hoàn chỉnh lập tức làm người trồng hoa ngạt thở.

– Có ưng không?

– Dạ, có…, thưa… thưa… ưng.

Lưỡi ríu lại. Đẹp quá. Không phải danh thiếp. Một vùng trời xôn xao những rủ gọi thăm thẳm.

Trên mặt giấy làm danh thiếp hiện lên hai nét phác như hai vết xước trên mây trời. Hai nét dính nhau: một mượt mịn đen ánh như sợi tóc người đẹp và một như sợi tơ vàng hất ngược từ cái chân tóc kia lên. Một ánh mi bắt nắng hay một cánh chim sải vỗ chân trời? Sợi tóc là một cánh hoa cúc đen óng ả và sợi tơ vàng là một tia nhụy hoa. Loại hoa cúc đen, cánh mảnh như tóc ông làm vườn tạo nên có đặc điểm: ở chân mỗi cánh đều có một nhụy hoa. Ông già vó bè chỉ việc tùy hứng xếp đặt các cánh hoa đính nhụy lên trên mặt giấy. Cả tờ thiếp liền la đà mấy cánh hoa như mấy gợn sáng trên làn da xúc động.

Một trăm loài hoa hiếm quý trình diện đủ trên những tờ thiếp có một không hai. Hoặc từng cánh hoa hoặc từng nụ, hoặc một bông đầy hoặc một đài còn vương vài hạt phấn. Hoặc chỉ một đoạn cuống ba cạnh sắc với một mẩu gai cong vút móng rồng… Thiên nhiên hiện hình lần thứ hai trong những tư thế, bố cục lạ. Đặc biệt tờ nào cũng thoang thoảng cái mùi hương riêng của loài hoa dùng đến.

*

* *

Tiếng lành đồn xa, một nhà văn cũng tìm vào đầm.

– Tôi không tạo ra hoa nhưng tạo ra lời…, xin vô phép cụ, lời tôi cũng đẹp như hoa, nếu không nói là còn có khi đẹp hơn nữa. Cụ có thể trích dẫn lời tôi như cụ đã trích các hoa các nụ kia được.

– Nhưng ai nhờ tôi đều phải theo ý tôi.

Chắc mẳm ông già vó bè không thể không xài đến văn chương chữ nghĩa mình, nhà văn gật đầu:

– Được lắm, cụ cứ làm cho tôi…

Tấm danh thiếp nhà văn có ba vết chân trần, mỗi vết ba phần tách bạch phân minh: năm ngón toè, phần vành móng ngựa dưới các ngón và phần gót. Ba vết chân màu đất đỏ tự nhiên cho ra một cảm giác tong tả ngược xuôi, cô đơn lữ hành. Cả ba vết chân đều mang những gợn nước lăn tăn. Ánh sáng soi vào làm cho chúng uốn luợn…

– Nhà văn bao giờ cũng là những hành giả lên đường kiếm tìm cho nên ba vết chân trần tang bồng và chân lý là trần trụi. Ông già nhẹ nhàng giải thích.

Không hài lòng nhưng nhà văn vẫn phải chịu ông già nghĩ khác người. Hỏi:

– Thế các gợn nước này?

– Nước chảy thay cho thời gian trôi, văn chương cần thời gian kiểm nghiệm.

– Thế còn tên tôi? Sao không thấy?

– Ta mang hình hài bố mẹ cho thì ta có tên bố mẹ đặt. Còn tên của ta tự đặt thì đó, ba bước chân trần kia sẽ đưa ông tới nó.

Nhận tấm thiếp, nhà văn nghĩ: Văn chương mà chờ thời gian thì lấy gì mà nhá cơ chứ, thầy cổ hủ kia ơi?

…Không lâu sau, một họa sĩ cũng lại đến vó bè.

– Thưa cụ, tôi báo tin mừng để cụ vui. Chúng tôi đang nghiên cứu xem có nên kết nạp cụ vào hội của chúng tôi không đây?

– Xin vô phép, không dám ạ.

– Nghề cụ thật ra thuộc về dòng hoa man hàng mã nhưng thôi, với tay nghề như cụ đã đạt tới thì vào hội chúng tôi cũng được thôi.

– Xin ông cho tôi kiếu. Tôi đã vào hội với lau lách, cò vạc. Người khôn không hai mang, hai mảng.

Họa sĩ chẳng nài thêm. Nói đưa vào hội là để mồi chài phút đầu tiên thôi. Vào hội thì ông già làm được cái gì?

Ông già cúi nhặt một chiếc lá khô rụng. Lặng lẽ gắn nó vào tờ giấy làm danh thiếp: một con mắt liền từ trong giấy nhìn ra. Lại đặt vào chính giữa chiếc lá khô một đài hoa dẹt mỏng: lòng con mắt màu hồ thủy phóng ra ánh lửa lạnh của quặng ngầm. Chính giữa lòng mắt găm một hạt gạo của hoa sen. Rồi những lá măng thật mảnh dẻ viền quanh con mắt. Một cái nhìn trí tuệ, đăm chiêu xét hỏi khiến người cầm tờ thiếp thấy rợn.

– Con mắt này nhìn ra cái khác trong muôn cái giống, ông già đưa tờ thiếp nói. Tôi nghĩ người vẽ là như vậy. Người phàm thì nhìn mọi cái đều như nhau.

Họa sĩ chẳng giấu ngán ngẩm. Về tới nhà, ông quăng luôn tập danh thiếp con mắt nhìn khác người kia vào trong đáy ngăn kéo. Tào lao… Vẽ khác là thế nào? Vẽ quốc trưởng mà sai chỉ một sợi râu của ông ấy là chết mất ngáp đi rồi…

Như rủ nhau, chỉ vài bữa sau họa sĩ, một người mò đến.

Anh này tên là Lém, cái tên bố mẹ đặt từ bé do thích cái lém lỉnh líu lô líu lường của thằng con nhưng lớn lên thằng con đã đem cái lém đó làm môn võ anh kiếm cơm. Anh biết kẻ quyền quý đời này có một hạn chế lớn: Họ thích được tâng bốc nhưng họ lại không tự mình đảm đương lấy cái việc tinh vi ấy. Bởi tâng bốc có dăm bảy đường. Bốc cho, đánh bốc ấy, mà lại là tâng lên mới là bậc tài danh. Thì anh thay họ để điểm phấn tô son cho họ.

Lém đúng là không phỉnh, không tâng bốc theo thói thường. Không cầu cạnh, xun xoe vào đầu. Mà lại làm như gia ân cho người được anh ta chiếu cố ban cho mưa móc của ngôn tài. Tiếp cận bậc quyền thế, Lém thường tưng tửng như pha chút cà rỡn bao lơn:

– Nghe đây có người đang mở mang kinh doanh thì ghé qua coi chơi hè hè… Hừ, thế đất quả cân, tốt, cái lạch nước này là cán cân đây,… hừ… trỏ vào… đây…, bàn cân lại nằm đúng ở cái giếng này…, xem nước thế nào? Nước mạch rồng đây, nổi tăm ngầm… quý địa… xem có phải miếu địa, linh địa hay không thì lại con phái xem người…

Còn anh quái nào cưỡng lại nổi mà không đem cái mặt ra trình Lém. Và Lém nhìn thẳng vào mặt, khe khẽ tán thưởng:

– Thần được,… khí cũng được… hiềm là chưa thấy cái thanh.

Thế là cơm rượu biện ra. Tửu vô ngôn xuất mà lại. Một nhát chuyện trò xôm tụ, vỗ đùi vỗ vế và Lém lập tức đứng đầu các hàng thực khách.

Chẳng hỉểu tại sao Lém lại cần danh thiếp?

Vừa bước lên vó bè, Lém đã cười lớn, chỉ vào mặt ông già:

– Tiên cốt mà rúc vào chốn tục ư?

– Tục tử mà phạm vào tiên cảnh sao?

Ông già đáp. Trước mắt ông hiện lên một cái lưỡi bịp bợm, xoay xoả kiếm miếng vinh thân phì gia.

Lặng một lúc, Lém nhẩn nha nói:

– À, tạt qua xem rồi có ra Khương Tử Nha được không thôi. Cái thần này thì…

– Khương câu được cá rán ăn, tôi thả. Khương hãm sinh để nhập thế, tôi phóng sinh để biệt thế.

– Tướng cụ hiếm đấy… Được, chờ khi nào lòng thanh trí tạnh sẽ xem kỹ cho cụ, xin khất cụ…

– Nhưng tôi không khất việc ông đến hôm nay để có.

– Thế nghĩ là tôi đến có việc ư?

– Thao thao như thế thì tất có dụng tâm! Người thanh tâm đến thường lặng lẽ cùng con chim, tăm nước, cánh bèo…

– Ha… ha… giỏi! Thì huỵch toẹt ra với nhau nhỉ? Tôi nhờ cụ tấm danh thiếp. Vòng vo mãi vừa rồi chính là vì chưa biết chọn nghề gì đưa lên danh thiếp.

– Tôi làm được cho ông ngả nào cũng hài lòng?

Nghĩa là?

– Tôi cho ông thiếp khống. Cần đến nghề gì ông nghĩ thầm trong bụng nó sẽ hiện lên trên danh thiếp.

– Có họa thần linh hay ma quái. Này, ta nói nhé, xưa nay chỉ có ta lỡm người chứ không ai lỡm nổi ta đâu.

– Ông thấy ngay nhỡn tiền đây.

Nói đoạn, ông già thò tay vào mái lều lấy ra một ống quyển dài mở rút một cuộn giấy màu ngà ngả hoa lý rất nhạt ra. Gọi là giấy e sai. Một chất liệu lần đầu tiên xuất hiện trước mắt Lém. Run rẩy, mịn mỏng như lớp tinh bám trong lòng tre. Lúc này gặp không khí nó đang se se cứng lại.

– Đấy, thành tấm thành miếng rồi đây, ông cứ thế đem dùng. Bụng nghĩ gì thì cái ấy hiện lên.

Lém không khỏi nghi ngờ.

– Xin phép cho thử.

Miệng nói tay rút một tờ thiếp quay lưng lại, bụng nghĩ thầm rồi khẽ mở bàn tay nắm tờ thiếp. Hắn vội giấu tờ thiếp, giật mình nhìn ông già. Trên thiếp hiện lên đúng cái hắn nghĩ trong bụng: Quốc vương Đại Lém.

– Lại xin thử lần nữa coi hà…

Lần này hắn dể tờ thiếp ngửa trên bàn tay. Trên đó liền hiện ra hình một con cún vá vẫy đuôi hí hửng.

– Hơn thần! Hắn reo lên Tôi thử lên voi xuống chó thì đúng thật. Nhưng sao không ra chữ. Mà sao lại vá?

– Ra mặt chữ thì đã như Quốc vương Đại Lém đấy. Còn chữ tôi kiêng đi với chó. Còn ra vá thì chẳng phải là ông muốn có nhiều mảng nhiều mặt đó sao?

*

* *

Bây giờ trong nước xênh xang bộ ba Lém, nhà văn và họa sĩ. Tất cả đều đã thành đại quan trong triều. Nhà văn quản lời ăn tiếng nói của dân sao cho hay cho đẹp, tóm lại thuận lòng vua. Họa sĩ quản cung cách, tư thế, bộ điệu của dân sao cho vào khuôn phép hợp mắt vua. Lém thì nhả ngọc phun châu minh họa mồm cho mọi điều nhà vua phán.

Một hôm nhà văn thấy tấm thiếp ba vết chân trần của mình bỗng hoá ra thành ba cái hia đen nhẻm, nặng trịch như ba cái đầu rau. Chỉ ít lâu sau, nhà văn nằm liệt giường vì bại liệt. Chân mềm oặt không sao cử động được.

Họa sĩ hơi hốt cũng mở ngăn kéo tìm tập danh thiếp cũ. Mớ lá măng đã thành gai góc che kín con mắt. Lọc xọc trong mạng lưới gai đó là một hạt sạn bẩn vốn là gạo của hoa sen ngày nào thơm ngát.

Rồi không lâu sau, họa sĩ đại quan lên một cơn thiên đầu thống. Ngự y đến chữa cũng bó tay, họa sĩ mù.

Còn Lém, vinh hoa cực đỉnh một hôm sực nhớ mình còn bà mẹ hàng chục năm chưa gặp mặt. Ngày nay đích đáng là ngày vinh quy bái mẹ đây. Liền hét gia nhân sửa lọng hoa, kiệu gấm cờ giong trống ruổi rước Lém về quê. Trên kiệu Lém nghĩ mãi đến cái tên hắn sẽ cho hiện lên danh thiếp trình mẹ.

Kiệu đã dừng lại ở mảnh sân rêu hẹp. Lém đặt tờ thiếp lên một khay bạc sai quân hầu bưng vào. Bụng hết sức thoả mãn với cái chức khiêm tốn nhất hắn từng chọn cho hắn xưa nay: Đệ nhất thiên hạ chi hiếu tử vinh quy bái tạ đệ nhất thiên hạ chi hiền mẫu.

Một cơn lốc nhỏ chợt xoay tròn trên chiếc khay bạc. Tờ thiếp tung mình lên rồi nhào ra ngoài khay, rơi xuống đất. Rồi co vào duỗi ra, co vào duỗi ra. Rồi biến hình, biến màu. Rồi nhảy chồm chồm giống như một con cóc cụ. Cả tờ thiếp đang hoá dần ra thành một cái lưỡi đỏ bầm. Thoáng nghe thấy nó ngọng nghịu gọi “mẹ, mẹ”…

Lém ôm miệng tụt xuống kiệu đuổi theo chiếc lưỡi.

Trong lúc cuộc săn lùng lưỡi diễn ra huyên náo thì mẹ Lém tắt thở trên chiếc trõng tre bà đã cho Lém ra đời.

Ông già cho phép Lém lừa nhiều người nhưng khi hắn lừa chính mẹ hắn thì hắn sẽ hiện nguyên hình và mất hết. Giàu lòng nhân, ông đã cho mẹ Lém được nghe thằng cu Lém líu la líu lường gọi mẹ.

Ông già có khe hở: không hủy cái lưỡi. Thế nên có người nhặt được nó đã đem cài thêm vào miệng. Tài nhả ngọc phun châu sẽ cao gấp đôi tài Lém.

Hay ông già còn giương bẫy cho khối kẻ sẽ hiện nguyên hình? Ai biết cái đầm hoang vạc khoang làm tổ ấy bây giờ ở đâu nhỉ…

T. Đ.

1991

Comments are closed.