Văn Hải ngoại sau 1975 (234): Nguyễn Xuân Thọ – Chuyện một người bạn Đức của tôi

Nguyễn Xuân Thọ là tên thật, sinh tại Quy Nhơn năm 1951, Kỹ sư điện tử, từng làm việc tại đài Truyền hình Việt Nam, hiện định cư tại CHLB Đức.

clip_image002

CHUYỆN MỘT NGƯỜI BẠN ĐỨC CỦA TÔI

(trích “Ký ức nước Đức sau 50 năm”. Đầu đề của Văn Việt)

Hội ngộ

Ngày 3.10 nước Đức thống nhất được 27 năm. Ngày ấy người dân Đông Đức chẳng hề đao to búa lớn, chẳng đòi lật đổ hay đa đảng, họ chỉ hô to: Chúng tôi là nhân dân! (Wir sind das Volk) và lịch sử đã sang trang.

7 năm trước đó, đúng ngày 3.10 năm 1983, người bạn thời niên thiếu của tôi, Michael Verleih, bị mật vụ STASI (1) bắt giam khi hắn đang đạp xe đến cơ quan làm việc.

Trong phần 3 của loạt bài “Ký ức nước Đức 50 năm“, tôi đã kể về quan hệ giữa chúng tôi từ năm 1967.

https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1796475767037155

Cuối tuần rồi, bạn Ho Nga Hue và vợ chồng anh Thông Chiến từ Berlin, những người cùng học ở Königs Wusterhausen đã hẹn Micha đến nhà tôi hội ngộ sau 50 năm. Vì 24.9 là ngày bầu cử nên mọi người đều bầu bằng thư từ trước để rồi hôm đó đáp tàu hỏa từ Frankfurt và Berlin đến Köln. Tôi hẹn đón cả 4 người tại ga vào trưa 23.9. Vì tàu từ Berlin đến muộn, Micha và tôi gặp nhau trước. Hai lão già U 70 nghẹn ngào ôm nhau một lúc, rồi tôi nói:

– Tớ không nghĩ là cậu sống sót nhà tù của STASI nên đã từng bỏ cuộc đi tìm mẹ con cậu. Hãy tha lỗi cho tớ.

– Tớ cũng không ngờ là trong đời mình lại có lúc gặp lại các cậu.

Một lúc sau, nhóm Berlin cũng đến và Micha đã nhận ngay ra anh Thông và Nga. Micha nói: Những giây phút thế này chỉ có một lần trong đời.

Trên xe về nhà, chúng tôi cười nói, tíu tít như trẻ con, tranh nhau kể, như chỉ sợ không còn dịp nào khác nữa. Sau 50 năm Micha chỉ còn nhớ một từ tiếng Việt “lung tung“, là từ bà Helgard, mẹ hắn, thường dùng để trêu lũ học sinh Việt Nam chúng tôi. Phải nói Micha có trí nhớ rất tốt. Khi trao đổi với tôi về thơ ca Việt Nam, hắn có hỏi về cuốn “Ngục Trung Nhật Ký“ mà hồi trẻ hắn đã lờ mờ biết đến.

Về đến nhà, các bạn Trần Văn Thái, Hien Nguyen, Kim Dung ở Việt Nam cũng gọi sang bằng video. Micha nhận ra mọi người qua các bức ảnh 50 năm trước, ai cũng mừng rỡ cảm động.

Thật ra, các bạn Thái, Nga, Hiền và anh Thông gắn bó với bà Helgard hơn tôi, vì bà dạy tiếng Đức lớp họ hơn 1 năm, chỉ thỉnh thoảng bà mới dạy thay cho cô giáo lớp tôi một buổi. Nhưng mỗi khi có lễ hội là bà dẫn Micha đến chơi với chúng tôi. Hắn cùng sinh năm 1951, cùng có sở thích là lịch sử, văn học nên hay nói chuyện với tôi. Tôi có ấn tượng về Micha không chỉ vì những kiến thức sâu rộng, mà còn vì những câu hỏi hắn đặt ra cho những việc mà tôi cho là hiển nhiên: Tại sao cứ phải vào đoàn thanh niên thì mới là người tử tế? Tại sao không được đi thăm bà con ở bên kia bức tường?

Năm 1986, khi từ Praha sang thăm lại trường cũ ở Königs Wusterhausen, biết tin Micha bị bắt và bà Verleih bị cô lập khỏi các đồng nghiệp cũ, tôi sốc lắm. Từ khi sang Đức định cư năm 1991 đến 2006 tôi đã lần lượt tìm ra mọi người tôi cần tìm, ngoài mẹ con bà Verleih và một bạn gái khác. Bạn gái đó đã sang Nam Mỹ theo chồng.

Riêng hai mẹ con bà Verleih thì tôi tìm mãi không ra. Trong tiếng Đức Verleih có nghĩa là “cho thuê“, “mướn“ nên tìm trong các danh mục điện thoại hoặc trên Internet, chỉ thấy hàng trăm hãng cho thuê xe, thuê phim ảnh, thuê máy móc. Rồi tôi bỏ cuộc, một mặt vì nghĩ bà giáo già Helgard chắc đã chết trong sự tủi hổ và cô đơn, còn Micha gầy gò mảnh khảnh thì chắc đã chết trong nhà tù của STASI.

Trong số các thầy cô của tôi có một người từng hợp tác với STASI. Tình cảm của tôi đối với gia đình bà không vì thế mà giảm sút, vì tôi hiểu những định mệnh khắc nghiệt của con người trong thể chế đó. Cuộc nói chuyện với bà ta tháng 7 vừa qua đã đem lại cho tôi một tia hy vọng là Micha còn sống. Cuối cùng tôi đã tìm ra bạn tôi.

(Đọc ở đây: https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/1806334399384625 )

Cuộc đời của gia đình Verleih quả là một bức tranh thu nhỏ của lịch sử nước Đức nên tôi muốn kể ra đây nhân ngày 03.10 năm nay.

Gia đình cách mạng

Bố Micha, ông Heinz Verleih (1910-1965) là một chiến sỹ chống phát xít từ khi Hitler mới lên cầm quyền. Ông cùng nhiều trí thức và sỹ quan cao cấp lập ra nhóm “Dàn nhạc đỏ“ (Rote Kapelle) dưới sự lãnh đạo của Harro Schulze-Boysen để chống lại chế độ quốc xã. Đây là nhóm kháng chiến rộng rãi nhất, hoạt động có tổ chức ở Đức và Áo từ 1933 đến tận tháng 5.1942, khi bị Gestapo phát hiện và bắt giam hàng loạt, trước khi họ kịp tổ chức cuộc nổi dậy chống Hitler. (2)

Vì có vỏ bọc tốt nên ông Heinz không bị tử hình như nhiều đồng chí khác. Tuy nhiên Gestapo tra tấn ông rất dã man. Micha bảo ông mất sớm khi mới 55 tuổi vì những vết thương ở xương sống và phổi mà y học CHDC Đức hồi đó phải bó tay.

Giữa năm 1944, trong lúc cùng quẫn bởi sức tấn công vũ bão của Đồng minh, Hitler đã phải lập các đơn vị lính trẻ em và cả tù nhân người Đức để đưa ra mặt trận phía Đông đỡ đạn. Ông Heinz đã tận dụng cơ hội này móc nối với những người Đức chống phát xít đang ở phía Hồng quân Liên-Xô. Ông vận động được 11 lính tù khác cùng ông vượt mặt trận sang bên kia. Đó là một việc làm nguy hiểm, vì chỉ cần một người tiết lộ là ông sẽ bị xử tử ngay tại chỗ.

Sang được bên kia chiến tuyến, ông Heinz tham gia vào “Ủy ban Quốc gia nước Đức Tự do“ (Nationalkommitee freies Deutschland NKFD). Ủy ban này tập hợp nhiều nhân vật lịch sử như thống chế Paulus, tư lệnh tập đoàn quân số 6 của Đức ở Stalingrad, Wilhelm Pieck, lãnh tụ đầu tiên của CHDC Đức và người kế nhiệm, Walter Ulbricht, hoặc Markus Wolf, trùm tính báo chiến lược CHDC Đức.

Ủy ban này đã giúp Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh trong cuộc chiến giải phóng nước Đức. Sau ngày 8.5.1945 NKFD trở thành bộ khung của nhà nước công nông trên lãnh thổ Đức. Ông Heinz là một khai quốc công thần thầm lặng của CHDC Đức.

Tuy chịu ảnh hưởng của Liên-Xô, nhưng CHDC Đức được xây dựng trên một nền tảng phát triển hơn hẳn nên những người lập quốc muốn tìm ra những lý luận kinh tế XHCN riêng của nước Đức. Học giả Heinrich Rau, nhà kinh tế học nổi tiếng nước Đức đã lập ra “Ủy ban Kinh tế Đức“ để hoạch định cho chính sách kinh tế cho CHDC Đức và ông Heinz được chọn làm phụ tá. Năm 1949 ông cưới bà giáo Helgard, một đảng viên cộng sản và năm 1951, cậu bé Micha chào đời.

Là con một, Micha được hưởng nhiều kinh nghiệm quý báu của cha về đấu tranh sinh tồn, từ cách chống sói trong rừng sâu, đến cách đối mặt với bọn cai ngục hung hãn, cách nhìn nhận bạn bè ai trung ai đểu.

Không phải đứa trẻ nào lớn lên ở CHDC Đức cũng có may mắn được đọc tất cả các loại sách báo bố đặt mua từ phương Tây như Micha. Cả ông Heinz và bà Helgard đều là những người cộng sản coi trọng khai sáng và tự do cá nhân nên họ luôn cổ vũ con trai tự quyết định lối sống, dám bảo vệ chính kiến của mình, không chạy theo đám đông, thậm chí không adua vào đội, vào đoàn.

Một nhân cách lành mạnh hình thành từ tổ ấm đó.

————–
(1)STASI, viết tắt từ Staatssicherheit = cơ quan an ninh CHDC Đức
(2)http://www.mythoselser.de/schulze-boysen.htm
https://de.wikipedia.org/wiki/Rote_Kapelle

Tuổi trẻ không bình thường

Bà Helgard là giáo viên văn học Đức nên Micha được hưởng nhiều kiến thức văn chương. Hắn rất mê thơ Heine, thuộc lòng Erich-Kästner và hiểu triết lý Goethe. Con mọt sách đó không thích các trò quần áo đồng phục, quàng khăn xanh, đánh trống diễu ngoài đường của đội thiếu niên tiền phong JP. Lên trung học, hắn xa lánh và tìm cách thoái thác các hoạt động của đoàn thanh niên tự do Đức FDJ (1). Lối sống đó tất không được xã hội chấp nhận và nếu ở bất cứ nước XHCH nào khác, cậu bé Micha đã thui chột.

Nhưng ở CHDC Đức trước khi xây bức tường 1961, có rất nhiều trí thức cao cấp có thể qua Tây Berlin rồi từ đó bỏ sang Tây Đức để có cuộc sống tốt hơn. Chính phủ CHDC Đức đã ban hành một quy định cho phép các trí thức này được sống như họ muốn, thậm chí con cái không phải vào các tổ chức của đảng SED, miễn là họ ở lại phục vụ chế độ. Tất nhiên các quy định này chỉ dành cho một số nhà khoa học kỹ thuật xuất sắc, không dành cho các văn nghệ sỹ.

Huân tước Manfred von Ardenne, cha đẻ của các loại đèn thu hình TV là một ví dụ (2). Ông “Huân tước Đỏ“ (roter Baron) này vẫn giữ nguyên tòa lâu đài đồ sộ của dòng họ ở Dresden làm labor nghiên cứu cho 500 nhà vật lý hạt nhân, trả lương bằng tiền Intershop (3). Ông vẫn dùng hộ chiếu CHDC Đức đi khắp thế giới giảng dạy.

Dân âm nhạc thế giới vẫn luôn thán phục những chiếc microphon mang tên Georg Neumann. Trong suốt 40 năm bị quốc hữu hóa trong chế độ XHCN, những người con của dòng họ Neumann vẫn âm thầm ở lại Đông Đức nhằm giữ nguyên chất lượng truyền thống của họ, để rồi microphon Neumann được coi là sản phẩm cao cấp duy nhất từ Đông Âu xuất sang phương Tây. Tất nhiên con cháu Von Ardenne và Neumann không cần phải vào Đoàn hay vào Đảng mà vẫn được trọng dụng.

Gia đình Micha không phải là thành phần này. Nhưng những đồng chí của ông Heinz đã bí mật sử dụng chế độ đặc cách đó để bảo vệ cậu bé thông minh và ngang ngạnh sau khi ông qua đời vào lúc cậu 14 tuổi. Dù không tham gia các sinh hoạt chính trị của đoàn, công đoàn hay tự vệ, Micha vẫn được vào trường cấp ba mở rộng, được học đại học Humboldt và ra trường với tấm bằng xuất sắc, vẫn được làm việc trong một viện vật lý chất rắn ở Berlin. Những người này bảo vệ Micha mà không hề kể cho mẹ con hắn biết, vì không muốn bà Helgard phải bận tâm về chuyện đó. Họ giúp mẹ con bà để nhớ đến ông Heinz đã che chở cho họ trong những năm tháng đen tối của chủ nghĩa Quốc xã. Sau khi nước Đức thống nhất, đọc hồ sơ STASI, Micha mới biết đến những bàn tay ân nghĩa che đỡ mình.

Có một thời, đoàn thanh niên FDJ cũng phát động phong trào chống để tóc dài theo mode từ phương tây tràn sang. Nhìn thấy tờ báo tường của lớp 10 (hệ 12 năm) còn trống một chỗ trong mục chống tóc dài, Micha và một cậu bạn đưa ảnh Karl-Marx lên với dòng chữ: “Tóc thì không được dài, nhưng râu thì có thể“. Cả lớp xúm lại cười bò. Thật ra Micha không hề có ý đả kích Marx, một trong những thần tượng của hắn. Đó chỉ là trò nghịch ngợm của tuổi 16.

Hết giờ học, thầy hiệu trưởng vào lớp. Thầy lên án hành động của Micha và nói cả lớp không nên coi đó là trò đùa, phải có tiếng nói chống lại hành động xấu xa. Tất cả lớp lúc nãy cười bò, nay lần lượt đứng dậy đấu tố Micha. Cậu bạn cùng làm bài báo với Micha lại là kẻ nổ kinh nhất. Từ đó trở đi, Micha bị cô lập ở lớp. Hàng ngày cả nhóm 7-8 học sinh đi tàu từ Eichwalde đến Königs Wusterhausen (trường cấp 3 huyện) để học, khi Micha bước vào toa tàu, cả bọn tản đi chỗ khác.

Nhưng đã là mọt sách thì mấy câu chuyện giết thời gian trên tàu đâu có quan trọng. Điều cần nhất trên đời là tình yêu thì Micha luôn được hưởng từ mẹ và người yêu. Bà Verleih tuy là một đảng viên, nhưng từ trước khi ông Heinz qua đời, ông bà đã phê phán nghiêm khắc việc chia cắt nước Đức bằng vũ lực. Bà luôn ủng hộ cậu con trai trong những hành động mà bà không thể làm được vì bị ràng buộc bởi kỷ luật đảng.

Ở CHDC Đức thời đó, nhiều người sau khi gặp khó khăn, bị tù đày, còn bị gia đình, người thân oán trách, xa lánh. Micha có một bạn tù tên là Ralf, bị kết án 4 năm tù chỉ vì tìm cách trốn sang Tây Đức. Ralf đau khổ đến chết đi sống lại vì bị cả cha mẹ, anh em và vợ ruồng bỏ. Bố Ralf là cán bộ STASI thậm chí còn ly dị vợ để tránh bị liên lụy bởi con trai. Sau đó Ralf được “bán“ sang Tây Đức (4) nên sống sót. Sau thống nhất nước Đức, Ralf gọi điện thoại cho bố. Ông ta nhấc máy:

– Fuchs đây, ai đấy?
– Đây là Ralf, con của bố
– Im lặng 3 giây… Biết rồi!
– Sốc 3 giây… Các người thua rồi!
– Biết rồi – dập máy!

Cuộc đối thoại 20 giây này là một điển hình về tình người bị hủy hoại bởi “đấu tranh giai cấp“.

Micha may mắn luôn được hưởng tình yêu và sự cổ vũ của mẹ và vợ trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời. Vợ Micha là Gudrun, một cô bé học dưới Micha một lớp, luôn thầm yêu trộm nhớ chàng thần tượng hom hem của mình.

Hồi đó, cứ dịp giáng sinh là cả trường nghỉ 2-3 tuần liền, chỉ còn 25 chúng tôi ở lại ký túc xá. Nhà trường thương chúng tôi nên liên hệ với các cán bộ địa phương quanh đó, ai có điều kiện, đón một thanh niên Việt về chơi 1-2 ngày cho đỡ buồn. Ông K. bí thư huyện ủy Königs Wusterhausen nhận anh Thông về nhà chơi. Tôi làm phiên dịch cho đội nên có biết về ông, một cán bộ đảng giáo điều, nhưng rất quý Việt Nam. Gudrun là con gái lớn của ông K.

Anh Thông kể lại với Micha: Gudrun biết tớ quen cậu, toàn khoe là thân với cậu và khen cậu hết lời!

Một điều giờ đây anh Thông mới biết là ông K. ghét Micha như hủi. Ông nói là Micha đang làm hại tương lai của Gudrun, đang đầu độc con gái ông. Thực ra cậu Micha 17-18 tuổi đâu đã có ý thức chính trị để thuyết phục ai. Ví dụ khi ông K. vui mừng về việc quân đội khối Warzawa đã cứu cách mạng XHCN ở Tiệp-Khắc mùa hè 1968 thì Micha bị mủi lòng khi xem cảnh xe tăng Liên Xô bắn vào dân Praha. Cậu bé giàu cảm xúc kể lại cho người yêu chuyện đó thì bị ông K mắng cho mất mặt.

Đám cưới của hai con năm 1975, cả gia đình ông K. tẩy chay. Cô em gái thương chị muốn đến dự, cũng bị ông K. cấm.

Số phận sau này của gia đình ông K. cũng là một bi kich lớn mà tôi không thể kể ra đây. Chỉ biết kính phục tình yêu Gudrun đã tặng cho bạn tôi. Cô bé xinh đẹp, con gái vị cán bộ quyền lực nhất huyện, đã bỏ ngoài tai những lời tán tỉnh của bao chàng trai hào nhoáng để theo đuổi một thanh niên gầy gò, khắc khổ, luôn thui thủi với quyển sách trên tay trong giờ giải lao.

Cưỡng lại ý nguyện của cha mẹ, Gudrun biết rằng yêu một kẻ lập dị như Micha là bước vào con đường gian khổ. Qua những lời đe dọa của bố, cô còn tưởng tượng ra cảnh sẽ phải nuôi chồng đi tù. Cô chấp nhận tất. Tình yêu và sự hy sinh của Gudrun phải là một hình ảnh không méo mó về phụ nữ Âu.

Với một người mẹ như bà Helgard, trong tổ ấm với Gudrun và hai con trai, một con gái, với đồng lương của một nhà vật lý thành đạt có vài bằng sáng chế, Micha đáng ra phải được hưởng một cuộc sống yên ấm trong thiên đường XHCN. Đến năm 1983, tám năm sau khi cưới, nhà vật lý trẻ, tuy không chấp nhận khuôn phép về tư tưởng, vẫn mua được hai căn nhà nhỏ ở Berlin (công dân CHDC Đức được quyền sở hữu bất động sản). Còn cuộc đời nào dễ chịu hơn?

Nhưng Micha vẫn mong muốn là làm cho quê hương tốt đẹp hơn. Là người yêu tự do, Micha mong tổ quốc thống nhất, đơn giản chỉ để đi bộ vài trăm mét sang Tây Berlin uống cà phê hoặc khi xem TV hay nghe đài, cùng là của Đức, không phải lén lút đóng chặt cửa sổ khi chuyển sang kênh tây.

—————–
(1) JP = Junge Pioniere, đội thiếu niên tiền phong, các em đeo khăn xanh hòa bình. FDJ = Freie Deutsche Jugend = Đoàn thanh niên tự do Đức.

(2) http://www.nytimes.com/…/manfred-von-ardenne-90-dies-was-ge…

(3) Intershop là các cửa hàng bán đồ cao cấp nhập từ phương tây cho những người có ngoại tệ và ngoại giao đoàn. Ở CHDC Đức, ngọai tệ cứng sẽ phải nộp cho ngân hàng nhà nước và đổi lấy tín phiếu mua hàng ở Intershop. Hàng Intershop mua ra ngoài có thể bán giá cao gấp nhiều lần.

(4) Chương trình mua bán tù chính trị (Häftlingsfreikauf) là một nội dung chính trong quan hệ giữa hai nhà nước Đức trong thời gian chiến tranh lạnh 1962-1989. Từ 1949-1962, hai bên chỉ đổi tù nhân lấy tù nhân. Trong thời gian từ 1962 đến 1989, chính phủ CHLB Đức đã chi hơn 3,44 tỷ DM để đổi lấy tự do cho 33.755 tù chính trị trong các nhà tù Đông Đức. Ngoài ra, để chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức cho phép 250.000 công dân của họ sang Tây Đức định cư, chính phủ CHLB Đức đã phải chi thêm 5 tỷ DM, tổng số là 8,44 tỷ DM.

Cái giá của tự do

Năm 1983 Mỹ và NATO đưa tên lửa Pershing II mang đầu đạn hạt nhân vào Tây Đức để răn đe khối Warzawa (1). Thanh niên Tây Đức ầm ầm xuống đường phản đối. Chính phủ CHDC Đức và Liên Xô quyết đưa tên lửa SS-20 mang đầu đạn hạt nhân vào Đông Đức để trả đũa. Dân Đông Đức tuy lo lắng nhưng không ai dám phản ứng gì. Micha bàn với vợ và một người bạn khác rằng phải đánh động dư luận Đông Đức bằng một bức thư ngỏ gửi chính khách cả hai nước Đức. Nội dung chính là kêu gọi các nhà chính trị hai bên ngồi lại với nhau, bàn về phi hạt nhân hóa nước Đức cũng như đi đến thỏa thuận thống nhất nước Đức vào năm 2000.

Kẻ văn hay chữ tốt nhất bọn là Micha phải chịu trách nhiệm viết một lá thư tâm huyết dài 15 trang, nêu mọi nguyện vọng thống thiết của nhân dân muốn tránh thảm họa hạt nhân cũng như thống nhất giang sơn. Tuy là một bức thư hoàn toàn bình thường của một công dân mang dòng máu Đức, nhưng Micha biết là sẽ rất nguy hiểm. Hắn viết thư bằng máy chữ, thành ba bản. Một bản gửi cho Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức Honecker, một bản gốc giữ ở nhà và bản thứ ba cho tạp chí Tấm Gương (Der Spiegel) ở Hamburg để nhờ họ chuyển cho thủ tướng Helmut Kohl dưới dạng thư ngỏ. Micha cẩn thận chia bức thư đi Tây Đức thành 7 phần, gửi từ nhiều thùng thư khác nhau, hy vọng qua mặt được STASI.

Nhưng hệ thống kiểm duyệt thư tín của STASI đã tóm được cả 7 bức thư gửi từ bảy nơi khác nhau sang Tây Berlin. Họ ghép lại và xác định đây chính là bản đã gửi cho chủ tịch Honecker. Tuy chưa biết lực lượng nào đứng sau 15 trang đánh máy này, nhưng một ban chuyên án hùng hậu mang biệt danh “Mephisto“ được chính bộ trưởng E. Mielke (2) lập ra để “đập tan âm mưu“ (của tay thanh niên hom hem mọt sách kia). Sau khi bị bắt, biết STASI lấy tên quỷ Mephisto trong tác phẩm Faust của Goethe đặt cho mình, Micha cười sằng sặc vì được đánh giá như một con quỷ đe dọa chế độ.

Vụ án Mephisto đã thể hiện trình độ nghiệp vụ có một không hai của cơ quan STASI. Mặc dầu gã vật lý láu cá xóa được hết mọi dấu vết trên các bức thư khiến các chuyên gia kỹ thuật hình sự (forensic) bó tay, nhưng cuộc truy tìm tác giả bức thư của các thám tử STASI có thể dựng thành một phim tình báo đặc sắc. Tôi xin dành kịch bản bộ phim này cho Micha viết.

Người Việt quen thói lệnh mồm và không coi trọng việc dùng sách để làm sử có thể coi nền văn minh Đức với nếp lưu trữ văn bản là một nhược điểm. 42 năm sau chiến tranh, bên cạnh việc tranh cãi ai đã viết lời kêu gọi hạ súng cho tướng Minh trưa 30.4.75 tai Dinh Đôc lập, còn bao nhiêu số phân tình báo viên, tù nhân vĩnh viễn chìm trong quên lãng. Không sao, lịch sử có thể méo mó, nhưng nói mồm không để lại dấu vết và không ai chịu trách nhiệm.

Người Đức thì khác. Sau khi xóa bỏ bức tường Berlin, nhân dân Đông Đức đã kịp giữ lại hàng chục kho lưu trữ tình báo ở tất cả các tỉnh thành, không cho STASI thiêu hủy. Núi hồ sơ xếp dài 111 cây số, gồm 39 triệu thẻ, 1,75 triệu bức ảnh, 2.800 cuộn phim và 28.400 băng ghi âm nghe trộm và cả một hệ thống máy tính băng đục lỗ là sự kế tục của một nền hành chính kỷ cương từ thời các vua Phổ. (3)

Các cơ quan khác của Đức cũng được quản lý chặt chẽ như vậy. Tại một cơ quan trước đây của Micha, lá đơn xin thôi việc của hắn vỏn vẹn vài dòng chữ được đánh bằng chính cái máy chữ của ông Heinz để lại đã làm “vỡ òa niềm vui“ của các cán bộ chuyên án.

Sáng sớm 03.10.1983, Micha vui vẻ ôm hôn vợ con, lên xe đạp đến sở. Hắn bỗng ngạc nhiên vì sự vắng lặng của con đường quen thuộc hàng ngày. Cả hai đầu đường đã bị chặn! Những gì xảy ra sau đó khỏi cần kể nữa.

Nhiều sỹ quan STASI sau khi bắt được Micha, chắc chắn đã thất vọng. Đọc qua hồ sơ chi tiết tiểu sử và cá tính của thủ phạm, trinh sát viên có kinh nghiệm hiểu ngay: Đây chỉ là hành động của một trí thức yêu nước, xuất thân từ một gia đình cách mạng truyền thống. Không hề có tổ chức nào đứng sau 15 trang thư đó để họ có thể tuyên dương ban chuyên án hùng hậu Mephisto.

Bức thư tâm huyết đó cuối cùng chẳng được ai đọc, ngoài các sỹ quan STASI. Bản lưu ở nhà cũng bị tịch thu cùng cái máy chữ, coi như tang vật. Cuốn nhật ký của Micha với những ghi chép hàng ngày, kể cả những ảnh kỷ niệm với đám Việt cộng trẻ chúng tôi cũng vậy. Sau này chẳng ai tìm thấy những tài liệu đó đâu cả. Tôi nói đùa:

– Sự hy sinh này không hiệu quả, giá như hồi đó tung được lên FB, vài trăm ngàn người Đức đọc, vài ngàn likes thì đi tù mấy năm cũng bõ.

Micha cười mếu máo: Nhưng biết làm gì hồi đó? Cứ nghĩ đến chuyện mỗi bên tương vài quả bom hạt nhân sang bên kia thì chỉ có trái tim bằng đá mới ngậm miệng nổi.

Quả vậy, kẻ có tư tưởng tự do lại rất có trách nhiệm với quê hương, trong khi những kẻ chấp nhận nô lệ lại luôn phó thác trách nhiệm cho chủ nô. Tuy không có trái tim đá, nhưng Micha có ý chí sắt thép. Trong tù hắn nhận mọi trách nhiệm về mình, chấp nhận cuộc chơi không cân sức.

Micha bị kết án 4 năm tù giam bởi những điều luật hết sức ngớ ngẩn trong một phiên tòa kín. Chỉ Gudrun được đến dự để xác minh kẻ ngồi trước vành móng ngựa là công dân Michael Verleih, chồng cô. Sau đó Gudrun phải rời phiên tòa. Luật sư Wolfgang Vogel (4) do gia đình thuê chỉ tranh tụng lấy lệ với mấy vị quan tòa dùng án bỏ túi.

Tôi hỏi: Vậy thuê luật sư làm gì cho phí tiền?

Micha nói: Nghề luật sư ở CHDC Đức chỉ có tác dụng tranh biện trong các vụ án dân sự hoặc hình sự, khi sang đến các bản án chính trị nó lại có các tác dụng khác. Đa số các luật sư hồi đó đều phải cam kết hợp tác với STASI, còn hợp tác đến mức nào tùy theo lương tâm họ.

Nhưng luật sư là mối hy vọng duy nhất của gia đình tù chính trị.

Các án chính trị đều bị giữ kín, thế giới bên ngoài không hề biết. Do chính sách mua bán tù nhân đã nói ở bài trước, một số luật sư CHDC Đức trở thành kênh liên lạc không chính thức của hai nhà nước trong các “thương vụ“ này. Luật sư Vogel là người đã khai thông kênh mua bán này từ năm 1960, khi hoàn thành vụ đổi phi công U2 Gary Power lấy đại tá tình báo KGB Rudolf Abel (nhiều vị U70 chắc biết vụ U2 này). Có thể vì ông Vogel bắn tin mà chính phủ Tây Đức mới biết có thằng cha căng chú kiết Micha đang sắp nhừ đòn trong tù và tháng 6.1985 họ bỏ tiền “mua“ hắn ra.

Dư luận cho là luật sư Vogel ăn 3 mang: ăn tiền của STASI, của thân chủ và tiền hỏa hồng của chính phủ Tây Đức. Cả ba bên đều mừng vì có họ. Điều này không ai kiểm chứng, nhưng sau khi thống nhất nước Đức, Vogel phát biểu tại một phiên tòa: Chúng tôi không đen, cũng không trắng, và đó là điều may mắn!

Quả là bạn tôi may mắn. Micha trải qua 5 nhà tù, trong đó có nhà tù khét tiếng Brandenburg, nơi ông Heinz đã mấy lần bị Hitler giam giữ. Tất cả các nhà tù đều là nơi bóc lột tận cùng sức lao động của con người. Ví dụ, để quấn các động cơ điện xuất khẩu sang Tây Đức, người làm bình thường đạt 6 chiếc/ngày. Vậy mà định mức là 8 chiếc. Chỉ có 20% tù nhân đạt định mức đó, 80 % còn lại bị phạt. Nhẹ thì không được nhận quà hàng tháng, nặng thì bị nâng án tù lên. Có người vì thế mà với cái án bốn năm tù mà sáu năm vẫn chưa ra. Phản đối, lại tăng thêm án. Micha bé nhỏ gầy gò nên khi làm các công việc nặng, chẳng bao giờ đạt định mức. Vì vậy trong hai năm tù, chỉ một hai lần hắn được nhận quà hàng tháng của Gudrun gửi vào. Còn án tù bị tăng bao nhiêu thì không biết. Nếu không được chính phủ Tây Đức mua ra, chắc hắn đã chết trong tù.

Ông Heinz ở chín suối không biết rằng các đồng chí của ông muốn dùng đám tử tù hình sự để thủ tiêu con ông. Đó là điều Micha lo nhất vì hắn luôn bị giam cùng với những tên giết người hung bạo. Chúng bị án chung thân hay tử hình nên chẳng còn gì để mất, cai ngục cũng phải nể. Với những người này, chỉ ngôn ngữ bạo lực mới có tác dụng, nhưng đó là sở đoản của gã Micha hom hem! Muốn viết về những cuộc đấu trí để tồn tại trong tù của Micha, về nhà tù CHDC Đức, chắc phải một cuốn sách dày mới hết.

Giữa tháng 7.1985 Micha được đưa đến một nhà tù ở Dresden. Ở đó người ta bắt hắn ký vào bản cam kết: a- không bao giờ quay lại CHDC Đức nữa và b- từ bỏ mọi tài sản và sở hữu cá nhân trên lãnh thổ CHDC Đức. Ngày 31.7.1985 một chiếc xe bịt bùng đưa Micha sang Tây Đức. Khi viên sỹ quan STASI trao lại cho Micha tư trang và chiếc đồng hồ hắn đã đeo từ lúc 16 tuổi, kim chỉ đúng 16 giờ 04 phút chiều. Cái mạng mình ngày đó được bán giá bao nhiêu, Micha không hề biết.

Chỉ vài tuần sau, nhà vật lý trẻ đã được một hãng công nghệ tuyển dụng với mức lương xứng đáng. Micha thuê nhà ở Hanau và cuối năm đó, đón Gudrun cùng 3 con sang đoàn tụ.

Cuối 1987, nhân chuyến sang thăm Micha, bà Helgard vĩnh viễn quay lưng lại với chế độ CHDC Đức.

Trong cả hai chuyến ra đi, bà Helgard và Gudrun bỏ lại toàn bộ cơ nghiệp, nhà cửa. Những tài sản đó lập tức bị tịch thu. Nhưng trong vài cái va-li du lịch của gia đình Verleih, vẫn có quyển album ảnh về 25 đứa Việt chúng tôi mà các bạn đã thấy.

Ngày 25.5.2007 bà Helgard qua đời vào tuổi 83 tại Mannheim, cách nhà tôi 90 phút tàu hỏa.

Trưa 24.9, tiễn Micha về Hanau, tôi nói: Tớ đã đọc blog của cậu, quả là một cây bút có bản lĩnh. Hãy kể lại đời mình để thế hệ sau biết về thời kỳ đen tối của dân tộc!

Micha gật đầu.

Köln 03.10.2017, nghỉ lễ Quốc khánh Đức

clip_image004

Tác giả và nhân vật trong chuyện

Nguồn: FB Nguyễn Thọ: Hội ngộ, Gia đình ách mạng, Tuổi trẻ không bình thường, Cái giá của tự do.

Comments are closed.