Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 83) – Vũ Hoàng Thư

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 83) – Vũ Hoàng Thư

clip_image002

Tên thật: Võ Anh Tuấn.
Sinh năm 1949 tại Huế, lớn lên ở Nha Trang. Năm mươi năm sau mới bắt đầu viết và làm thơ lai rai.

Sáng tác góp mặt trên tạp chí Quê Mẹ ở Paris, Văn học, Khởi Hành, và trang mạng văn học Gió O (http://www.gio-o.com) ở Hoa Kỳ.

Chủ biên “Văn nghệ Biển Khơi” (www.bienkhoi.com) từ năm 1999.
Sĩ Quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.
Hiện là kỹ sư điện tử tại Jet Propulsion Laboratory (JPL), Pasadena, California, Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản: Bắt Nắng, tản mạn – Quê Mẹ, Paris 2009.

Bắt nắng

lẳng giò hoa

em cười lúm

mùa nắng (*)

Nắng vỡ xuống chòm lá trải vàng một màu xoài chín lịm. Chất ngất mật ngọt hạ. Say nồng nung bốc không gian thành một màu trắng lập lòa thị giác. Bây giờ trắng là kết tinh quang phổ, của những xanh hy vọng biển khơi khấp khởi, những tím chiều đợi chờ hoàng hôn, và của vàng rực rỡ lên dòng sông cuối ngày. Rồi sông trôi đi mang theo thơ dại hồng hoang. Lung linh trắng của hoa nắng vẽ bâng quơ dưới hàng cây theo âm điệu kèn nghẹn vút cao rồi trầm đục. Tiếng kèn lùa ngập không gian xới vòng luống nhớ. Nhạc sĩ gọi nắng về pha lên áo, cho áo thôi là áo, cho người con gái loãng tan vào nắng. Đâu là nắng, đâu là áo ? Chỉ còn một niệm tình trên vùng lân hư bay về vòng gáy trắng.

Tôi đứng đó một ngày tháng sáu nhớ về một ngày tháng sáu nắng đứng ở quê nhà. Nắng đứng vì mặt trời chiếu thẳng vào đỉnh đầu, không chếch, mười hướng nắng chang, mọi sự như ngừng. Khi đó ta gọi là ngọ, còn gọi là trùng bóng vì người và bóng nhập làm một giữa trưa. Tuổi nhỏ mẹ cấm đi chơi giờ ngọ vì giờ đó người đi sẽ không có bóng giống như ma quỷ, chúng sẽ tưởng là đồng loại và hớp lấy thần hồn. Thì ra thế, người khác ma quỷ ở một chiếc bóng. Có ai ngờ với chiếc bóng con người còn ranh mãnh hơn cả quỷ ma. Người ôm lấy cái bóng mình, mặc cho nó những chiếc áo giống như mình đang mặc. Chiếc áo lãnh tụ, chiếc áo khoa bảng, chiếc áo tu hành, đôi khi chỉ là những chiếc áo thuê, chiếc áo đóng tuồng. Dầu những chiếc áo rách nát tả tơi theo luật đào thải của thời gian nhưng cái bóng vẫn bám lấy áo xưa. Người và bóng say sưa sống trong vai tuồng quá khứ đã mất, khó biết được đâu là người, đâu là bóng. Như thế hàng ngày họ lên đồng, quên mất vào giờ ngọ họ sẽ đi đứng múa may quay cuồng như những con ma thiếu bóng.

người nhìn xuống

bóng bỏ đi

giờ ngọ (*)

Hãy gọi nắng về để xóa hết những bóng ma, cho người con gái loãng tan vào nắng. Nàng sẽ vẽ màu lên thành quách đen đúa của hoàng thành. Phía đó Thành Nội nung nóng trên bờ tường rêu. Hồ sen đứng gió mặt phẳng lì. Trong im ắng nhiệt đới, những nụ sen non vừa nhú, mơn mởn hồng. Từ rong rêu buồn bã, sen chồi lên hít thở lấy không gian xanh ở trên. Nhớ một nụ hoa đưa lên và nụ cười chạy dài suốt mười phương thế giới – niêm hoa vi tiếu. Sen đẹp như bóng ngồi thiền định. Một phương thế tự tại mà từ ngàn xưa lối ngồi kiết già bắt nguồn từ hình ảnh một nụ sen, padmasana, đã được Phật giáo áp dụng trong khi tham thiền nhập định. Từ dáng ngồi ấy, trí tuệ đứng dậy đi vào đời bằng những bước thong dong vô trú. Như sen. Mùa nước khô hay mưa ngập nước, sen sống thích nghi theo triều lên xuống của mặt nước mà không mất rể. Chính nơi vô trú, tự do tuyệt đối mới thể hiện, bởi tự do chỉ xuất phát từ sự tự vượt thoát khỏi mọi kiềm tỏa của chính mình. Cứ thế sen nở và thả hương bay từ tốn. Như nhiên trong cái đương-là. Lâng lâng hương, có ai chịu khó dừng chân ướm lấy vào lòng? Một ngày nắng tháng sáu bên hoàng thành ở Huế, sen kể tôi nghe về nhất thể trong hàm hỗn nhị nguyên.

trong gió đưa

hương sen nở

tịnh tâm (*)

Không có phượng sẽ không có hè và lớp học. Hối hả chạy ùa khỏi cổng trường giờ tan lớp, tuổi thơ đi bắt nắng. Bắt cánh chuồn chuồn và bắt thinh không khi chuồn chuồn lách cánh bay đi. Bàn tay nhỏ dại ôm đầy vũng nắng. Vốc nắng vào tóc nuôi lãng mạn lớn. Bỏ lại ngôi trường, bỏ lại những con đường cũ. Còn hay mất, đời là cuộc bắt nắng dài. Một vài điểm mốc cho ta ngừng lại ngắm nhớ. Nhớ ngút trong ngày ắp nắng nghe Huế tỉ tê trên hàng phượng đỏ ngập góc phố. Liên tưởng đến hàng phượng tím Jacaranda thơm ngát mùa hè cách nơi này một nửa vòng trái đất. Jacaranda có dần dà thay thế được phượng đỏ trong lòng người lưu vong? Tiếc nuối hay không tiếc nuối về một sắc màu đã không tìm lại được muôn đời vẫn là câu hỏi không có câu trả lời.

tím thẳm Jacaranda

lao lung nhớ

mùa phượng (*)

Tôi bước trên đường Trần Hưng Đạo, con phố chính của Huế tuổi thơ ngày nào nhìn lính hiến binh Pháp đầu đội kê-pi chạy xe mô tô có rờ mọt ở một bên. Cả khu phố đóng vội cửa khi bọn lính lê dương rạch mặt say rượu nghiêng ngửa mang giày bốt-đờ-xô, đế có đinh, dộng lộp cộp trên mặt đường. Từ cửa hàng ở phố nhìn ra, sông Hương mang hai màu dưới mắt tôi lúc đó, xanh mát mùa hè và đục vàng tháng mưa lụt lội. Rồi xa Huế lúc quá nhỏ, chẳng còn nhớ gì nhiều. Chiến tranh đưa đẩy mang tôi về lại Huế trong vài lần ngắn ngủi nghỉ phép từ nơi đóng quân gần Huế. Những cuộc đưa đẩy, như chuyện chiến tranh, như chuyện chém giết. Thản nhiên và tàn nhẫn. Huế sót lại trong ký ức thời đó là những chiều mưa buồn thâm thiết. Mưa thối đất, thối đai và không kém phần thối ruột. Mấy chục năm sau, Hương giang xanh trong ngày nắng đem tôi về những rung động li ti xưa cũ. Dòng sông như tấm gương chao động vẽ vòng sáng lên má lên môi loáng thoáng ngày nào, hắt vào vũng mắt một hồ quang. Ánh mắt lấp lánh thủy tinh trong suốt khung trời. Bây giờ sông trôi thầm thì lời Heraclitus, trôi thật xa, mất khuất như cánh chuồn vụt khỏi vòng tay. Tôi đứng đó như cậu bé mấy mươi năm trước, bắt nắng trong một ngày mùa tháng sáu ở quê nhà. Vẫn vũng nắng đọng vào lòng bàn tay, vàng thơm như hoàng lan, nhìn lại bây giờ có ngón đã nhăn. Như thế trong nắng. Có mây trôi.

tay thập thò

cánh chuồn bay

bắt nắng (*)

Vũ Hoàng Thư

Hạ 2008

(*) Thơ 8-chữ Vũ Hoàng Thư

Comments are closed.