Vụ án văn chương “Rồng đá”: Chuyện bây giờ mới kể

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến

clip_image002

Chân dung nhà văn Vũ Ngọc Tiến do họa sĩ Trịnh Lữ thực hiện 2020.

Vụ án văn chương quanh tập truyện Rồng đá (Nhà Xuất bản Đà Nẵng quý III/2008) xảy ra đến nay đã vừa tròn mười bốn năm. Là người trong cuộc, lâu nay sống theo triết lý buông bỏ, chỉ lưu giữ trong ký ức những điều tốt đẹp, còn mọi chuyện buồn hay sân hận đã qua tôi cố quên đi cho nhẹ lòng, lão giả an chi. Dẫu thế, cách đây một tháng, nhà phê bình trẻ Kiều Mai Sơn gọi cho tôi vào lúc nửa đêm, muốn tác giả viết lại vụ án này vì theo anh nói: “Nhiều người trong cuộc như các nhà văn Lê Mai. Hòa Vang, Đà Linh, Hoàng Ngọc Hiến… hiểu rõ chân tơ kẽ tóc sự việc đều đã thành người thiên cổ, chỉ còn lại duy nhất Vũ Ngọc Tiến”. Gần đây, chị bạn trân quý là nhà thơ Ý Nhi cũng động viên tôi viết lại vụ án đang còn rất mù mờ trên báo chí quốc doanh thời đó. Thôi thì cung kính không bằng tuân lệnh, tôi tường thuật vắn tắt vụ việc theo trí nhớ của mình vậy thôi.

Khoảng nửa đầu tháng 12/2008, có đến mấy chục tờ báo quốc doanh lớn nhỏ (Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Pháp Luật, Lao Động, Vietnamnet…) đồng loạt đưa tin, ngày 4/12/2008 Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông ra quyết định tạm đình chỉ NXB Đà Nẵng ba tháng vì những sai phạm trong cuốn Rồng đá. Theo đó ngày 12/12/2008 ông Nguyễn Kiểm – Cục trưởng Cục Xuất bản – dẫn đầu đoàn công tác của Bộ vào làm việc với chính quyền địa phương và NXB Đà Nẵng triển khai quyết định này với sự có mặt của bà Nông Thị Minh – Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố. Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng ra quyết định tạm đình chỉ công tác chờ xét kỷ luật đối với các ông Nguyễn Hữu Chiến – Giám đốc và Nguyễn Đức Hùng (nhà văn Đà Linh) – Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng.

clip_image004

Bìa tập sách Rồng đá do họa sĩ Văn Sáng trình bày.

Có lẽ trong lịch sử ngành xuất bản của Việt Nam đây là mức phạt nặng nhất đối với một NXB có sai phạm trong in sách văn học. Vậy thực chất sai phạm đó là gì để NXB Đà Nẵng phải lãnh án phạt nặng nề đến vây?

Dường như có một sự chỉ đạo ngầm từ đâu đó nên tất cả các tờ báo quốc doanh đều lờ tịt nguyên nhân chính, chỉ đưa tin khẳng định sai phạm của NXB Đà Nẵng trong việc in ấn, phát hành cuốn Rồng đá rất đơn thuần là, có sự sai lệch giữa bản thảo đã biên tập với nội dung văn bản đã in thành sách.

Tổng cộng bản thảo đã biên tập có 99 chỗ sửa (gồm 27 nội dung, 72 mô-rát), nhưng trong sách in ra chỉ có 43 chỗ sửa, trong đó về nội dung chỉ sửa có 4 chỗ! Có những chỗ đã biên tập cắt bỏ, nhưng bản in vẫn xuất hiện. Phía Công ty Dịch vụ Văn hóa Tràng An thừa nhận: Khâu chế bản, nhân viên công ty đã copy bản thảo trong máy tính của các tác giả “cho nhanh”, chứ không đánh máy theo bản thảo đã biên tập do NXB gửi!” (Trí Quân, BIÊN TẬP MỘT ĐẰNG, IN MỘT NẺO! Tạm đình chỉ NXB Đà Nẵng: Bài học đắt giá về liên kết xuất bản, Tiền Phong 10/12/2008).

Nguyên nhân này là mạch chủ đạo cho tất cả các báo trong nước cùng đưa tin sau đó. Tuy nhiên, có một ý kiến trái chiều duy nhất đáng tham khảo của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên dám mạnh dạn lên tiếng trên đài BBC như sau: “Theo tôi thì chẳng có vấn đề gì cả, đấy là một truyện xuất bản bình thường, nhất là ba truyện của Vũ Ngọc Tiến. Thật ra về mặt nghệ thuật nó bình thường, chứ không hề gì cả. Còn về mặt tư tưởng nội dung cũng chẳng có gì […]. Theo tôi chẳng có gì động chạm cả […] Vụ ‘Rồng đá’ này chỉ là một giọt nước làm tràn ly thôi.”

Để làm rõ ý mình, ông Nguyên nhận xét thêm: “Nhà xuất bản Tổng hợp Đà Nẵng, với tư cách một nhà xuất bản địa phương nhưng lâu nay nổi lên trong ngành xuất bản ở Việt Nam như một nhà xuất bản ‘dám mạnh dạn in được những tác phẩm mà các nhà xuất bản khác ngại in’.

Trước cuốn Rồng đá, một số cuốn sách khác mà NXB Đà Nẵng cho in là các cuốn ‘Trần Dần -Thơ’ của Trần Dần, ‘Ba người khác’ của Tô Hoài và trên mười năm về trước là cuốn ‘Miền hoang tưởng’ của Đào Nguyễn”. (Quốc Phương, NXB Đà Nẵng có thể kháng kiện, BBC, 11/12/2008).

Trước đó, ngày 10/12/2008, ông Phạm Xuân Nguyên khi đó đương nhiệm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội còn viết một bài khá công phu, bênh vực tôi và NXB Đà Nẵng, trong đó có đoạn: “Ba truyện: Âm bản chiến tranh, Vị phồn thực, Chù Mìn Phủ và tôi của Vũ Ngọc Tiến đều viết về chiến tranh. Chiến tranh chống Mỹ và chiến tranh biên giới. Nhưng hiện thực chiến tranh ở đây được nhìn từ bề sau, bề sâu, từ mặt khuất, mặt chìm, hay như tác giả nói trong truyện, đây là “âm bản” chứ không phải “dương bản” của chiến tranh. Chiến tranh có thắng lợi vinh quang. Đó là hiện thực, là sự thật lịch sử. Nhưng chiến tranh còn là đau thương, khổ ải. Đó cũng là hiện thực, là sự thật lịch sử.

Vinh quang hay khổ đau trong chiến tranh đều trôi qua trên các phận người, đều làm bằng các thân phận người. Văn học viết về chiến tranh không hẳn là miêu tả chiến trận, không phải là đưa ra các con số, mà là viết về con người đi qua chiến tranh đã trở thành như thế nào. Nói như nhà văn cựu binh Mỹ Tim O’Brien: “Các truyện về chiến tranh thực chất không phải bao giờ cũng viết về chiến tranh. Chúng không viết về bom đạn và mưu mô quân sự. Chúng không viết về chiến thuật, chúng không viết về các hố cá nhân và lều trại. Truyện chiến tranh, giống như bất kỳ truyện hay nào, rốt cuộc là viết về trái tim con người”. Và chiến tranh, dẫu thế nào đi nữa, cũng luôn là điều không mong muốn có của con người, của nhân loại.

Vũ Ngọc Tiến đã chỉ viết ra những sự thực có thật của chiến tranh, những sự thực mà thời đang chiến chúng ta phải tạm giấu đi, tạm quên đi, cho mục đích cuối cùng là chiến thắng. Nhưng khi thắng lợi giành được rồi thì chúng ta lại không được phép che giấu và quên lãng cái giá của đau thương và mất mát. Sau khi các cuộc chiến tranh kết thúc, và nhất là khi công cuộc đổi mới được phát động, văn học trong trào lưu đổi mới tư duy của cả nước, đã giúp người đọc nhận thức sâu hơn về các cuộc chiến tranh đất nước trải qua bằng cái nhìn điềm tĩnh xoáy sâu và đầy nhân ái nhân nghĩa…”.

Tuy nhiên, không tờ báo quốc doanh nào chịu đăng, ông chỉ có thể gửi bài cho tác giả, NXB Đà Nẵng và cơ quan chủ quản của họ rồi công bố trên mạng xã hội.

Có lẽ chính sự mù mờ vừa nêu đã khiến 14 năm sau, trong đêm khuya khoắc nhà phê bình trẻ Kiều Mai Sơn chuyên về văn bản học đã cố nài tôi viết lại cho rõ thực chất vụ án Rồng đá chăng?

Lúc đầu tôi từ chối, sau vì quý người mến tài và tình của anh bạn trẻ Kiều Mai Sơn, tôi nêu vắn tắt vài dòng diễn biến và bản chất vụ việc cho riêng anh biết. Giờ tôi nhắc lại, bổ sung cho rõ, đầy đủ hơn theo yêu cầu của BBT Văn Việt.

Âu cũng là việc nên làm như lời động viên chân tình của nhà thơ Ý Nhi.

Trước hết cần khẳng định, việc ra đời cuốn Rồng đá hoàn toàn do ngẫu hứng bất chợt của ba gã nhà văn người Hà Nội gốc (Hòa Vang, Lê Mai, Vũ Ngọc Tiến), chẳng có ý đồ chính trị hay “thế lực thù địch” nào kích động.

Vào một ngày đẹp trời cuối thu năm Bính Tuất-2006, ba anh em ngồi uống rượu tẩy trần ở căn hộ của Hòa Vang trong con ngõ nhỏ phố Quang Trung – Hà Nội. Đương lúc cao đàm khoát luận chuyện đời chuyện đạo, Lê Mai – đứa em út của nhóm – bỗng nảy ra ý tưởng đề xuất rằng, ba anh em mình là nhóm “lưỡng cẩu độc xà”. Hai anh anh tuổi Bính Tuất (1946”) “Bính biến vi tù”, khổ như chó; còn em chui ra muộn nên trượt mất tuổi Nhâm Thìn “Nhâm biến vi vương”, ngậm ngùi tuổi rắn (1953), chết hụt mấy lần ở Quảng Nam, chỉ vỡ xương quai hàm, đã xấu trai càng thêm xấu và đời cũng khổ như chó. Thôi thì sắp hết năm con chó 2006, ba anh em mình ba phong cách văn chương khác nhau nhưng chung một số phận kiếp chó, ta cùng in chung một cuốn truyện ngắn làm kỷ niệm cho xôm trò”.

Chúng tôi bàn bạc hồi lâu đi đến quyết định mỗi đứa góp vào bốn truyện ngắn mình ưng nhất ở thời điểm đó và phân công: Hòa Vang chọn những truyện điển hình cho thứ văn đẹp, cầu kỳ chữ nghĩa, dẫn người đọc vào cánh rừng chữ để tự chiêm nghiệm, cảm nhận ra điều tác giả muốn nói. Lê Mai vốn coi cuộc đời này là trường thỉên hý kịch, chọn ra những truyện kể tưng tửng hồn nhiên, đậm chất bi hài cười ra nước mắt. Vũ Ngọc Tiến giữ nguyên cảm hứng vừa đi tìm mộ chú em liệt sĩ hy sinh ở Quế Bình – Hiệp Đức – Quảng Nam, chọn những truyện điển hình cho cách viết lột truồng sự thật, câu chữ trần trụi, nhân vật bị đẩy đến tận cùng số phận.

Bản thảo cuốn sách nhanh chóng hoàn thành, Hòa Vang sai chú út Lê Mai mang đi nhiều NXB ở Hà Nội đều bị từ chối khéo. Thậm chí cô H là biên tập viên một nhà xuất bản lớn còn nói trắng phớ: “Rằng hay thì thật là hay/Đọc xong hãi vãi giấu ngay vào hòm… Bản thảo này chúng em dám in có mà sập tiệm anh Lê Mai ơi!…”.

Một biến cố đau buồn khác là không lâu sau đó, Hòa Vang bỗng mắc bệnh hiểm nghèo rồi qua đời nên vợ anh xin lại mấy truyện của chồng trong bản thảo cuốn sách để chờ dịp đưa vào tuyển tập truyện ngắn Hòa Vang khi có điều kiện. Ngoài ra, cụ Hoàng Công Khanh – nạn nhân vụ Nhân văn Giai phẩm, nguyên mẫu trong truyện Quyền được rên của Lê Mai – biết tin cũng thiết tha đề nghị tác giả tạm gác lại, chờ cụ qua đời rồi hãy công bố.

Lê Mai tiếc hùi hụi, đành bàn với tôi thay Quyền được rên bằng truyện Tìm cha trong gương và mỗi người bổ sung hai truyện ngắn nữa thay suất của Hòa Vang cho đủ con số 12 như dự kiến ban đầu. Cuốn Rồng đá khi in ra chỉ có hai người Lê Mai – Vũ Ngọc Tiến đồng tác giả cũng vì lẽ ấy.

Đi hoài không nơi nào nhận bản thảo, kế hoạch in chung cuốn sách làm kỷ niệm gặp quá nhiều trắc trở ngỡ đã phá sản, thật may Lê Mai nhớ ra một người bạn là giáo viên dạy toán rất nổi tiếng trong giới dạy kèm thi toán tốt nghiệp trung học phổ thông ở Hà Nội. Anh này rất yêu văn chương, lại là bạn thân của nhà văn Đà Linh nên sau khi đọc trắng đêm hết tập bản thảo đã tự nhận trách nhiệm liên hệ và thuyết phục Đà Linh in cuốn sách này.

Bản thảo gửi đi gần nửa năm vẫn thấy Đà Linh im lặng một cách khó hiểu. Thật ra anh đã đọc rất kỹ, cân nhắc nhiều lần, đưa cả bản thảo cho thầy Hoàng Ngọc Hiến đọc và thẩm định, được thầy khen, động viên Đà Linh nên tìm cách xuất bản. Một ngày đầu năm 2008, Đà Linh hồ hởi gọi điện ra cho tôi (VNT), báo tin đã lo được giấy phép, đồng thời tìm được một đơn vị liên kết xuất bản là Công ty Dịch vụ Văn hóa Tràng An của Nguyễn Phúc Hải nên thời gian mới lâu thư thế.

Anh nói: “Quả thực bản thảo là “độc dược bảng A” nhưng hay, em đọc rất thích, nhất là mấy truyện về chiến tranh của Vũ Ngọc Tiến. Các anh yên tâm. Sách sẽ ra trong quý III/2008”. Thật tình lúc đó tôi chưa hề nghe tên Công ty Tràng An, cũng chưa một lần gặp mặt ông Nguyễn Phúc Hải – Giám đốc công ty.

Sách ra, phát hành rộng rãi trên cả nước từ tháng 7/2008, nhận được phản hồi tốt của bạn đọc. Đà Linh ra Hà Nội tổ chức một bữa cơm thân mật tại nhà hàng Lợn Mường Quán trên phố Hoàng Ngân chung vui với hai tác giả Lê Mai, Vũ Ngọc Tiến, mời cả thầy Hoàng Ngọc Hiến cùng tham dự.

Tôi nhớ hôm đó thầy Hoàng Ngọc Hiến cứ nhìn tôi tủm tỉm cười, hồi lâu ông nói: “Tôi nom cậu hiền khô, nói năng điềm tĩnh ôn hòa, cử chỉ lịch duyệt sao viết văn lại dữ dội, trần trụi, ghê gớm thế? Mà cũng phải, viết về chiến tranh vậy mới trung thực, sự thật không cần tỉa tót, làm dáng. Cậu khác Nguyễn Huy Thiệp ở chỗ văn nó lạnh còn văn cậu ấm, nó ngoa ngoắt còn cậu thật thà, nó viết nhiều hơn kể còn cậu thì kể nhiều hơn viết nhưng cả hai đều là cây bút tử tế có chủ kiến riêng”.

Nào ngờ sách ra mới được ba tháng, đến giữa tháng 10/2008 bắt đầu có chuyện lùm xùm và tháng 12 năm đó sự việc diễn ra quá trầm trọng như đã tường thuật ở trên.

Đà Linh nói nhỏ với riêng tôi rằng, có kẻ thối miệng ton hót lên thành ủy, kết tội rất nặng ba truyện ngắn viết về chiến tranh của Vũ Ngọc Tiến, nhất là truyện đánh Tàu, và đã đến tai ông Nguyễn Bá Thanh. Ông ấy nổi đóa, trực tiếp ra lệnh cho bà Nông Thị Minh – Phó Chủ tịch Ủy ban, cùng Ban Tuyên giáo, Sở Công an, Sở Thông tin & Truyền thông… khẩn trương phối hợp với Cục Xuất bản ngoài Hà Nội mạnh tay xử lý vụ việc.

Lời Đà Linh hoàn toàn chính xác, bởi ngày 14/12/2008 có hai cán bộ từ Đà Nẵng (một của Ban Tuyên giáo, một của Sở Công an thành phố) ra tận nhà riêng của tôi và Lê Mai triển khai lệnh thu hồi sách. Họ nói đã nhận lệnh trực tiếp từ Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, động viên chúng tôi giao nộp sách. Thật ra, mỗi tác giả chỉ có 10 cuốn NXB tặng theo tiêu chuẩn, có mua thêm một số cuốn cũng đã tặng bạn bè hết rồi.

Thật lòng hôm đó tôi chẳng sợ, chỉ buồn nỗi cơn bão Chan Chu khủng khiếp năm đó vừa tràn vào Đà Nẵng, NXB đã chịu nhiều thiệt hại vì thiên tai, lại tiếp đến án phạt đình chỉ hoạt động ba tháng trước và sau tết âm lịch khiến đời sống cán bộ công nhân viên vô cùng khó khăn nheo nhóc. Cuốn sách của tôi vô tình là thứ gieo thêm tai ương cho họ.

Tận thẳm sâu tôi thấy thương họ, bứt rứt không yên, chỉ biết bấu víu vào mối quan hệ khá thân thiết với anh Phạm Kim Sơn khi ấy là Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Đà Nẵng, nhờ anh chú ý giải quyết lương và thưởng tết cho họ. Rất mừng vì anh đã giữ lời hứa qua một công văn chỉ thị cho cấp đưới thực hiện…

Họ thực hiện đến đâu tôi không rõ, nhưng ân tình của Sơn tôi xin ghi nhận. Tôi biết Sơn từ khi anh còn là Giám đốc Trung tâm Phần mềm Đà Nẵng, một nhà khoa học giỏi và yêu nghề. Rồi chuyển qua làm quan cấp Sở, anh vẫn nguyên vẹn là người tử tế.

Nhưng thôi, mọi chuyện đã lui vào quá vãng, có lẽ chẳng nên, chẳng cần dông dài, chừng ấy đã là quá đủ…

Lại ngẫm câu: “Ở đời chữ cũng như lời, có tiết kiệm mới quý, càng tiết kiệm càng quý”.

Nên người viết xin dừng ở đây…

Sài Gòn, đêm 02/12/2022

Comments are closed.