Văn hóa và Phát triển (kỳ 12)

Đặng Văn Dũng

TẦNG LỚP TRUNG LƯU

1.

Ở tất cả các nước, tầng lớp trung lưu là tầng lớp không quá giàu, cũng không quá nghèo. Họ có khả năng sống độc lập và tiếp nối dòng dõi, truyền thống gia đình. Họ kiêu hãnh vì truyền thống gia đình, vì kiến thức và hiểu biết cũng như ý thức sống và khả năng suy nghĩ độc lập, có đầu óc phê phán. Họ chính là những người giữ gìn ngọn lửa đạo đức, giữ gìn lương tri của dân tộc. Tầng lớp trí thức trung lưu là những người độc lập với chính quyền, canh giữ lẽ phải trong xã hội mà họ sống và là những người phê phán và đối lập với cường quyền. Ở đâu có tầng lớp trung lưu mạnh ở đó không thể có chế độ độc tài như ở các nước Bắc Âu, Mỹ, Canada, Thụy Sỹ…

Tôi đã có thời gian làm cán bộ ngoại giao và tôi thường để ý quan sát xem cán bộ ngoại giao các nước phương Tây, Nhật Bản (có thể coi là đại diện cho tầng lớp trung lưu nước họ) có gì khác với cán bộ ngoại giao nước ta?! Bình thường nếu nhìn qua thì thấy không có gì khác: cũng complet, cravat, biển xe ngoại giao, cũng chào hỏi lịch thiệp… Tuy nhiên, nếu chịu khó để ý sâu sẽ thấy khác! Họ chuyên nghiệp hơn, nhanh nhạy hơn, làm cái gì cũng đến nơi đến chốn hơn…; tuy quần áo không khác nhưng những trang sức thể hiện đẳng cấp như nhẫn, bút, đồng hồ… thì khác. Đặc biệt, họ, kể cả các phu nhân ngoại giao, biết xài một cách tinh tế, không lòe loẹt, phô trương như những anh chị nhà giàu mới nổi của ta.

Cách đây hơn 20 năm đang làm cán bộ ngoại giao ở nước ngoài, anh bạn đồng nghiệp khoe: Em vừa phải mua cho nhà em bộ váy áo hết 6 trăm! Tôi nghĩ: Mình cũng là thằng đàn ông, cưới vợ gần chục năm nay mà chưa bao giờ mua cho vợ bộ đồ đến 100 dollars?! Tự thấy hèn! Nhân một lần đi công tác ở nước khác tôi bèn nhờ anh em dẫn đi mua đồ cho vợ, tôi tìm mãi mới được bộ đồ 400 usd. Mấy anh em ở nước đó đồn ầm lên: Tay Alex giàu lắm, mua không tiếc tiền!. Xin nhớ lúc đó lương cán bộ ngoại giao chỉ khoảng 150 usd/tháng. Khi về tôi khoe với anh đồng nghiệp: Tớ vừa mua cho vợ bộ đồ 400 usd, chả có bộ nào 600$ như của ông, còn toàn trên 1000$. Anh bạn đồng nghiệp phá lên cười: Em nói mua 600 là 600 ngàn đồng, mua ở trong nước kia! Anh mua một cái váy bằng mấy tháng lương, chịu anh!

Kể chuyện này để thấy rằng ở nước ta, chiến tranh, biến động xã hội, chính sách cào bằng, "Trí, phú, địa, hào/ Đào tận gốc trốc tận rễ!" đã xóa gần hết tầng lớp trung lưu. Mọi người đều bị vô sản hóa thành tầng lớp “vô sản thần dân”, phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước; ho he là mất sổ gạo luôn. Có hồi mọi người phải dấu kín gốc tích xuất thân của mình. Anh họ tôi chỉ vì là cháu ngoại địa chủ (chắc cụ địa chủ cũng chỉ có khoảng 5 mẫu ruộng) thi đỗ vào được đại học mà địa phương giữ lại không cho đi. Hồi tôi làm hồ sơ thi đại học, đến mục "Thành phần gia đình", tôi ghi: "Trung nông". Bố tôi bắt viết lại: "Trung nông lớp dưới" và bảo: không biết “lớp trên", " lớp dưới" là chết đấy con ạ! Nghĩ lại bây giờ vừa buồn cười, vừa đau!

Việc xóa bỏ tầng lớp trung lưu làm cho truyền thống dân tộc bị đứt đoạn ở tầng sâu nhất của xã hội, làm cho hệ giá trị bị đảo lộn, rối loạn. Việc đề cao bần cố nông, đề cao người nghèo như giá trị tự thân làm cho người ta mất phương hướng. Nghèo không có gì là xấu nhưng nghèo là một thử thách phải vượt qua. Nghèo tự nó không có gì đáng đề cao, cái đáng đề cao là biết làm việc để vượt khỏi nghèo khó. Những lý thuyết kiểu đấu tranh giai cấp, giả hiệu, mị dân đã làm tan tành hệ giá trị truyền thống của dân tộc, mở đường cho tầng lớp vô sản lưu manh, "răng đen, mã tấu" thâu tóm quyền lực. Dẫn đến việc họ không cần hiểu biết, không cần đạo đức, lương tri, làm liều, nói bừa, vơ vét thật lực mà không sợ trời, không sợ đất, không sợ người.

Tôi nhớ một lần đọc tài liệu giới thiệu về đất nước Ấn Độ, họ ghi rõ:

"Tầng lớp trung lưu Ấn là nền tảng của xã hội và chính quyền"(!).

Tôi mới ngộ ra rằng: nước ta khác thế giới nhiều quá!

Để khôi phục lại tầng lớp trung lưu VN chắc phải mất đến 5 hoặc 7 thế hệ nữa. Không phải cứ có tiền đã là trung lưu, còn cần hiểu biết và lương tri nữa!

(06/5/2017)

 

2.

Tầng lớp trung lưu là giai tầng không quá giàu, không quá nghèo, họ có thu nhập ổn định, cuộc sống đứng đắn, không phải quá lo lắng cho tương lai nên có điều kiện học tập, trau dồi kiến thức; có hiểu biết về quyền và nghĩa vụ cá nhân, ý thức về vai trò xã hội của mình; có nhận thức sâu sắc hơn về đạo lý, lẽ sống và biết hưởng thụ cuộc sống một cách đàng hoàng…

Tầng lớp trung lưu có nền tảng tri thức để suy nghĩ độc lập, không a dua, có điều kiện khá đầy đủ để không xu phụ quyền thế. Trong thế giới hiện nay, nhiều nước có một tầng lớp trung lưu khá đông đảo, chiếm vị trí áp đảo về số lượng trong xã hội. Ở một số xã hội như Bắc Âu, Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Đức, New Zealand… hầu như không còn người nghèo, người nghèo hầu hết là người nhập cư từ các nước đang phát triển.

Trong phần trước tôi đã nhấn mạnh rằng không phải cứ khá giả, không phải cứ có tiền đã là tầng lớp trung lưu. Vì sao vậy? Vì ở các nước đang phát triển, với điều kiện kinh tế xã hội hiện đại có tốc độ phát triển nhanh một cách tương đối đã làm xuất hiện nhanh chóng một lớp người khá giả nhưng lại chưa có đầy đủ nhận thức về thân phận mình; chưa có đủ tri thức sống để xứng đáng là tầng lớp trung lưu. Điều này thể hiện ở lối sống chơi bời, khoe mẽ, ham muốn tận hưởng các điều kiện vật chất; chưa đủ tri thức và đạo lý để thể hiện một nhân cách độc lập, quy phục vô điều kiện trước quyền thế, a dua và mất phương hướng về lẽ sống. Tầng lớp này chính là mảnh đất nảy sinh các chế độ độc tài, dân tuý…

Cùng với tầng lớp khá giả này, ở các nước đang phát triển còn có sự hiện diện quá đông đảo của người nghèo. Người nghèo ở các nước đang phát triển là nghèo ở mức độ khốn cùng. Với mức sống cùng cực này làm xuất hiện một tầng lớp vô sản lưu manh cũng khá đông đảo. Đây là những người kiếm sống bằng mọi giá, bất chấp tất cả, làm tất cả vì lợi ích của bản thân, họ không hề quan tâm đến các vấn đề như lợi ích cộng đồng, lẽ phải…

Tuy ở hai thái cực khác nhau nhưng giữa tầng lớp khá giả biến chất và tầng lớp vô sản lưu manh có rất nhiều điểm chung. Xét về phương diện nào đó có thể nói họ như anh em sinh đôi. Đặc điểm dễ nhận thấy ở 2 giai tầng này, có nguyên nhân ở sự thiếu hiểu biết, là… thiếu lẽ sống, mê tín, niềm tin mù quáng ở những gì khác thường, siêu nhiên. Họ gán mọi vận may mà họ gặp trong đời cho thần Phật hoặc các thế lực siêu nhiên khác.

Từ trước đến nay, khoa học xã hội ít bàn đến vai trò có tính chất phá hoại của 2 giai tầng này trong xã hội của các nước đang phát triển; làm cho các nước này mất cơ hội vươn lên, xuất hiện các rối loạn xã hội thường xuyên và các chế độ độc tài lặp đi lặp lại.

Tại sao ở các nền dân chủ phát triển, nơi có tầng lớp trung lưu thực sự chiếm số đông lại không thể xuất hiện các chế độ độc tài? Lí do rất đơn giản là các tà thuyết mị dân của các thế lực độc tài không thuyết phục được ai; mọi tham vọng tiếm quyền bị ngăn chặn từ sớm. Thêm nữa, do quá trình phát triển xã hội ở các nước này diễn ra dưới sự lãnh đạo của tầng lớp trung lưu chân chính, có tri thức, sáng suốt, làm cho quá trình phát triển diễn ra tương đối hài hoà, không dẫn đến các trạng thái cực đoan. Do có các giải pháp xã hội đúng đắn và đúng lúc nên các mâu thuẫn xã hội được điều hoà kịp thời; không tạo cơ hội cho những kẻ phiêu lưu mị dân lợi dụng.

Ở đa số các nước đang phát triển các quá trình xã hội đã không diễn ra như vậy. Sức ép nghèo khó tuyệt vọng của những người nghèo và tham vọng bất chấp tất cả của tầng lớp khá giả tha hoá đã làm cho xã hội tin vào mọi lời hứa hão huyền, mọi lý thuyết ngu ngốc (điều này có thể là nực cười đối với tầng lớp trung lưu chân chính). Sự thiếu tri thức, thiếu hiểu biết của họ làm họ trở nên mù quáng trước những lời hứa hẹn bừa bãi về công bằng xã hội và thịnh vượng. Kết quả, họ trở thành nạn nhân của những kẻ phiêu lưu và đẩy đất nước vào vòng xoáy luẩn quẩn trồi lên, tụt xuống của chậm phát triển. Hậu quả lớn nhất của vòng tròn tai hại này là xã hội không đổi mới về nhận thức, không vươn lên về tri thức, tạo ra khoảng trống khổng lồ về tinh thần trong các xã hội ở thế giới thứ ba.

Cá biệt ở một số nước đang phát triển, quyền lãnh đạo xã hội nằn trong tay tầng lớp trung lưu truyền thống, nhiều đời (như Nhật Bản) hoặc tầng lớp tinh hoa chân chính (Singapore, Hàn Quốc) thì có thể đạt được những thành tựu khá ấn tượng, mở ra triển vọng đuổi kịp các nước Âu Mỹ; còn hầu hết rơi vào vòng luẩn quẩn với cái giá phải trả ngày càng cao, trong quá trình phát triển kiểu này, về thời gian, về tài nguyên, môi trường sống và xã hội.

Bài này nói về những trở lực trên phương diện xã hội của phát triển đối với các nước nghèo. Nói chung phát triển không chỉ là sự thay đổi điều kiện vật chất của cuộc sống mà phát triển là sự thay đổi tổng thể phương thức sống, lối sống./.

04/6/17

Đ.V.D

(Còn tiếp)

Comments are closed.