Xứ tưởng

Truyện Ngô Nguyên Dũng

image

Từ phi cơ bước xuống, trời đã chập choạng tối. Mới nãy, lúc phi cơ giảm vận tốc và độ cao, qua ô cửa, nắng hoàng hôn còn rưới vàng gương biển. Dưới kia xa xa, phi đạo thẳng tắp một đường cạnh chân núi, nằm sát đại dương. Sườn núi chơ vơ vách đá, chênh vênh những mái ngói đỏ và luống nho bậc thềm. Thoáng chốc, tâm tư ông se thắt, quay quắt những hồi tưởng. Và nghi hoặc.

Ông ngẩng nhìn. Tay gió chờn vờn vuốt mặt. Tháng tám, đầu đêm Địa Trung Hải xanh nõn, trong vắt. Một vành trăng khuyết treo mỏng đỉnh trời. Đó đây lấp lánh tinh tú, lẻ loi từng chấm. Nơi cổng ra, vài người cầm bảng ghi nguệch ngoạc tên hãng du lịch, tươi cười đón khách.

Ông cầm xắc hành lý, bước lại chỗ anh nhân viên trẻ, khựng chân giây lát. Gương mặt anh gợn lên đôi ba nét thân quen còn sắc nét trong trí nhớ ông…

“Ông Hoàng?”, anh thanh niên hỏi.

“Vâng. Chào anh”, ông nhoẻn cười, giơ tay bắt, lòng không ngớt ngờ vực.

“Marco. Chào ông. Mời ông theo tôi ra xe về nhà trọ”, anh nhân viên vồn vã.

“Xin lỗi đã bắt anh chờ, máy bay tới trễ hơn nửa tiếng”, ông khách sáo.

“Không sao, không sao”, Marco khoát tay. “Tôi đã được hãng du lịch thông báo trước. Ông là du khách cuối cùng trong ngày”.

Ông không còn nhớ rõ đoạn đường từ phi trường tới nhà trọ, nhưng khung cảnh tại một vài nơi chừng như không thay đổi. Phố chính Funchal vừa lên đèn. Vẫn những công viên nghiêng dốc thoai thoải, cây cảnh tỉa cắt tươm tất. Vẫn hàng quán nhộn nhịp đại lộ giờ ăn tối, ghế bàn bày ra vỉa hè, trông ra đại dương. Vẫn chuỗi nhà hàng nổi giăng đèn loè loẹt. Vẫn quanh co đường đèo ôm lấy vách đá. Vẫn dãy đèn đường ngọn vàng tù mù. Và ngoài kia, tiếng sóng vẫn từng đợt, từng đợt mải miết.

Không, từ đó đến giờ đã vô vàn biến đổi. Biển núi cùng không gian đã già hơn mười năm. Chia ly thoắt đã mười năm qua. Và tha hương, đằng đẵng gần bốn mươi lăm năm.

Marco gợi chuyện:

“Ông tới đây lần đầu?”.

“Không, lần thứ nhì”, giọng ông bạt theo gió. “Lần thứ nhất cách đây hơn mười năm, vào cuối xuân”.

“Lâu vậy ư?”, anh thanh niên kêu nhỏ. “Ông thấy Madeira có gì thay đổi không?”.

“Lẽ đương nhiên, có”, ông ngần ngừ, “nhưng dường như không nhiều”.

“Đúng vậy”, Marco gật gù. “Người Bồ Đào Nha chúng tôi tương đối bảo thủ, không thích những thay đổi. Lần trước ông trọ ở đâu?”.

“Cũng chỗ này”.

“Ông cũng là người bảo thủ”, Marco bật cười.

Giọng cười bám theo vào giấc ngủ tôi khuya ấy. Phòng đôi, một chiếc giường để trống. “May quá, căn phòng ấy chưa có người mướn. Lần này ông đi một mình, sao không mướn phòng đơn?”, bà chủ nhà trọ hỏi qua điện thoại, trước đó. “Xin bà giữ căn phòng ấy cho tôi. Không chừng bạn tôi sẽ qua sau”. Tôi không biết phải giải thích sao. Ngay chính tôi cũng không rõ. Chỉ biết, tôi muốn ngoảnh nhìn. Những hành trình thời gian đã vút xa, bỏ lại tôi ngơ ngác tìm nhặt những vụn vặt ký ức. Một gương mặt, một hơi ấm, hương da thịt, và những xúc cảm chưa liền da. Đêm trở lại căn phòng cũ, cánh cửa mở ra ban-công khép hờ. Tiếng sóng địa trung hải dìm tôi vào giấc chiêm bao hoài niệm. Văng vẳng đâu đây nhiều tiếng cười nói. Những hình bóng quá khứ âm ỉ suốt nửa thế kỷ từ tiềm thức ngoi dậy. “Danh, dậy đi học con!”. Giọng cha gọi thức mỗi sáng của nhiều thập niên trước. Tôi hé mắt ngái ngủ. Đồng hồ gõ bảy tiếng, trời Sài Gòn còn xám ngoét khuôn mặt chưa trang điểm. Những mùa nắng mùa mưa trong thành phố thời chiến. Những con đường đi về mỗi sáng trưa. Vài thập niên sau chiến tranh, tôi trở lại, nhiều đường phố đã đổi tên. Tôi vào chùa thắp nhang cúng tro cốt ba má. Tôi ghé qua ngôi nhà tuổi ấu thơ, giờ đã đổi chủ. Không còn tàng trứng cá xoã bóng mát bên cổng sắt. Không còn vườn cây cảnh được cha tôi tâng tiu bón quén thuở nào. Cũng bặt tăm tiếng chó sủa khách bấm chuông. Tất cả đều dửng dưng, câm nín như lạ mặt. Chỉ riêng thời tiết chừng như vẫn vậy. Nắng trưa biểu dương bạo lực, và đôi khi, mưa chiều chùng lòng u uất. Như những nghịch lý muôn thuở của đời sống. Nhưng không hiểu sao, giờ đây nội tâm tôi dưng không lãnh cảm trước nắng mưa ngoại giới. Chợt tôi hiểu ra, thời gian là một đơn vị chiều dọc. Mỗi khi ngoảnh mặt, thấy bủa kín những khoảnh khắc, léo réo nhiều tiếng động. Khứu giác ngập ngụa mùi phố xá bàn chân qua. Tiếng động của nhịp sống bon chen chói tai. Bụi bặm. Rác rưới. Vai thời gian chồng chất những nỗi niềm quá khứ mỗi lúc mỗi nặng.

Phố biển rực nắng sáng. Ông thức dậy muộn, là khách điểm tâm sau cùng. Ông chọn chỗ ngồi ngoài hiên, dưới táng dù sọc xanh trắng, bên mấy bụi dâm bụp hoa vàng. Hình như, dạo đó, là những cội trúc đào? Ông phân vân hồi tưởng. Bàn điểm tâm bày hai lát bánh mì nướng, một thỏi bơ, một ít mứt, dĩa trứng chiên xúc xích xắt hạt lựu, một chén ngũ cốc trộn trái cây khô và sữa chua, một tách cà-phê sữa đường, một ly nước cam vắt, và viên thuốc chống huyết áp cao. Dăm ba cánh én biển liệng ngang trời, mất hút sau vòm lá. Biển lặng, sóng thầm thì vỗ bờ, kể lể cùng sỏi đá. Bãi cát xám nham thạch những ngàn năm, hẹp như chéo vải vụn, lô nhô đá núi. Tâm tư ông cũng chật chội tù ngục và già nua như cát.

Xong bữa điểm tâm, bà chủ nhà trọ bước ra, chào hỏi. Người đàn bà trông đẫy đà hơn xưa. Giọng phát âm những vần ch và sch ngôn ngữ Đức của bà nghe vẫn ngộ nghĩnh như thuở nào.

“Khuya qua ông ngủ ngon không?”.

“Cám ơn bà, tôi say giấc như trẻ con no sữa”, ông so sánh văn vẻ, nhoẻn cười lấp liếm lời nói dối.

Khuya qua ông thao thức, mãi gần sáng mới chợp mắt, thiếp vào cơn mộng mị lắt lay những bóng ảnh ngày cũ. Hồi ức ông trầy trụa hội chứng mất trí nhớ. Biển khuya dậy gió. Sỏi đá vụn vãi cựa mình lào rào theo sóng rút. Màn cửa hé rãnh, trăng địa trung hải lẳng lơ lách vào. Đôi khi, bất chợt, ông hé mắt ngó qua mặt giường phơi trống bên cạnh, thấy lờ mờ luồng trăng loã lồ, hớ hênh. Vệt sáng di động chậm. Càng về sáng càng xích gần. Vừa lúc ông mơ thấy mặt người kề xuống và vòng tay ấm khép lại, thì chiếc bóng đã trườn sang nằm kề. Đêm ngoài khua gió, chập chờn ma ảnh. Ông xoay người ôm lấy. Dục cảm hụt hẫng rớt xuống vực sâu hoang tưởng. Thịt da nấc tiếng hoang mang. Bóng tối nhú ra những bàn tay, sờ soạng trơ trẽn. Ông phân vân giữa thực tại và mơ tưởng. Rồi thiếp vào đoản phim quá khứ nhạt màu thuốc rửa, ẩn hiện rời rạc những khuôn mặt thân quen.

“Người bạn của ông lần trước bận rộn chuyện gì, sao không thấy đi cùng?”, người đàn bà hỏi không ngần ngại.

“Chúng tôi chia tay nhau đã hơn ba năm”, ông đáp vội.

Người đàn bà buông tiếng bối rối:

“Xin lỗi ông, tôi vô ý quá. Tôi hỏi, vì trong lần điện đàm đặt phòng, ông nói, không chừng bạn ông sẽ qua sau”.

Ông lặng thinh, ra mặt thản nhiên.

“Tôi nhớ hình như lần trước ông nhắc chuyện, sẽ viết sách”, người đàn bà đổi đề tài.

“Bà có một trí nhớ hiếm ai có”.

“Đâu có gì khó. Ông là một trong ít những du khách Á Đông tới trọ nơi đây, và đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp. Tôi thích đọc sách và quí trọng những người cầm bút. Quyển sách ông định viết tới đâu rồi?”, tia nhìn người đàn bà soi vào mắt ông, không chớp.

Câu chuyện bắt đầu thú vị đây, ông nhủ thầm, rồi đáp:

“Xong rồi! Mọi nhân vật, mọi tình tiết đều nằm sẵn trong này”, ông giơ tay trỏ đầu. “Văn chương là một chuỗi phản ứng sinh hoá bất tận. Mỗi phân tử chữ sẽ bật ra ý, khi gặp thời điểm và không gian thuận lợi làm chất xúc tác. Khổ nỗi, người viết không biết, lúc nào và ở đâu”, ông văn vẻ so sánh, kèm tiếng cười khẽ.

Từ nhà trong, chuông điện thoại reo tiếng. Người đàn bà xô ghế, đứng lên, hấp tấp lời xin lỗi.

Tôi mải miết tìm cách giao hoan cùng những khoảnh khắc, những không gian, để thai nghén quyển sách đời mình. Hành trang theo tôi ăm ắp những di sản quá khứ. Đôi khi, khoảnh khắc là lúc tôi xa nhà, tuổi chưa đầy đôi mươi. Đôi khi, không gian là phòng trọ trong nhiều năm tôi tới học tại một thành phố miền Trung Đức, nằm dưới mái nhà, nhỏ như chuồng thú. Trần nghiêng một bên, khoét ô cửa hẹp lắp kính. Căn phòng hao hụt ánh sáng, thứ ánh sáng ôn đới lao phổi tái ngoét. Có những sáng, soi mặt trong gương, tôi không nhìn ra tôi, tưởng như lỡ bôi mất bóng mình khi nào không hay. Bữa nọ, một cánh bồ câu ghé lại, cào nhẹ móng sắc lên mặt kính, thản nhiên sổ toẹt một bãi, rồi bay mất. Hồi ức tôi về thời điểm này ngập ngụa bóng tối. Của những sáng mùa đông, những đêm về muộn, những khuya trăn trở mọc gai những bất an. Tôi tự ru ngủ bằng những hoài niệm hoa niên. Tôi phân vân đối diện bản sắc mình qua những lần tiếp xúc với bạn đồng môn khác phái. Tấm thiệp sinh nhật của Vấn gói ghém đôi lời thầm kín. Những quyển tiểu thuyết, những cuốn băng nhạc tôi cho Vấn mượn. Nhiều tối ăn cơm chung, chuyện trò bâng quơ. Ánh mắt Vấn long lanh. Tôi hiểu, nhưng cảm xúc tôi lạnh băng như gã thái giám phải đoạn lìa sắc dục. Tín hiệu Vấn rơi lạc vào mênh mông. Tâm tình tôi dấn bước ngơ ngẩn vào những ngõ ngách tha hương. Vài năm sau một chín bảy lăm, tôi dọn sang thành phố khác, xoá sạch những kỷ niệm những hình bóng những dằn vặt, dò dẫm lại từ đầu đoạn đường khoa bảng. Và sáng tác trở lại. Trong đoản văn tha hương đầu tiên, tôi hồi tưởng những trải nghiệm trong lần về quê nội đưa đám bà tôi. Quê cha là vùng nước lợ cách biển đất bồi không xa, rách nát thời chiến tranh, lẩn khuất giữa những mạch sông của dòng Cửu Long xuất huyết, chằng chịt đầm lầy sốt rét. Nghèo như một chén cháo trắng. Ốm như một con muỗi đói. Rạch Miễu, Mỏ Cày, Giồng Luông, Ba Tri… Những địa danh chưa quên trong ký ức, mở ra trong tôi từng trang cổ tích quê hương. Tuổi thơ tôi và quê nội bạc bẽo như lời hứa đãi bôi. Rồi đứt lìa đành đoạn khi chiến cuộc lan rộng. “Ban đêm không ai dám ở trỏng”, cô tôi, con nuôi của ông bà nội, rủ rỉ bên bếp lửa. Hai mắt cô đỏ hoe, vì khói bếp hay vì xúc động, tôi không rõ”. “Trỏng” là miếng đất và ngôi từ đường của ông bà nội để lại, nằm bên con sông ốm, um tùm dừa nước, cách chợ Cầu mống vài cây số. “Đêm nào họ cũng kéo về, tản sáng mới rút đi”. Mới trưa qua, quan tài ông tôi được đem vô “trỏng”, lấp đất vội vã. Khuya, nằm trong căn nhà của cô ngoài chợ, nghe gió đêm thảng thốt ngoài tịch mịch lẫn tiếng đại pháo từ mịt mù vọng lại, tôi bỗng nhớ da diết gương mặt và giọng nói một người bạn. Mùi mồ hôi bạn ngọt đằm ám lấy khứu giác, dắt tôi vào giấc ngủ âm ỉ những biến động. Mộng mị quê nam rách rưới những hình ảnh trừu tượng. Sáng thức giấc, trời còn ẩm tối. Ánh đèn dầu bàn thờ mòn mỏi. Bếp lửa sau nhà leo lét. Giọng đàn bà thầm thì kể lể. Tôi quay mặt vào vách, cảm tính mới lớn trong tôi dấy động. Nỗi khát khao phực lên những đám cháy. Tôi thấy mình bén lửa theo bản năng vô thức.

Sáng hôm sau, như đã hẹn trước, Marco tới đón ông đi xem thắng cảnh hải đảo. Ông ngỏ ý nhờ Marco hướng dẫn thăm lại phố cổ Funchal và hoa viên Monte. Nắng đầu ngày in bóng tối sáng lên ngõ hẹp lát đá xanh còn giăng hoa giấy lễ hội mừng xuân tháng tư. Đó đây trong tán lá còn sót lại những chùm phượng tím. Những tường nhà tô vôi màu, những khung cửa và ban-công chấn song sắt, uốn lượn hoa văn, những mái ngói đỏ loé nắng. Mùa hè, tiệm ăn quán rượu nhộn nhịp khách. Không gian thoảng mùi cá nướng. Marco huyên thiên thuật chuyện tập quán ẩm thực địa phương và một vài biến cố lịch sử về hòn đảo địa trung hải. Đôi khi cao hứng, anh dừng chân, níu lấy tay ông, chỉ trỏ. Tâm tư ông nhen nhúm những niềm vui. Ở cuối phố, ông thấy lại mười tám bậc đá dẫn lên quãng trường thánh đường cổ. Một nhóm du khách đang vây quanh sạp bán vật lưu niệm trong bóng mát tàn cổ thụ. Nơi đây, bạn ông đã chạy lại ôm chầm cội cây, ríu rít nhờ ông chụp một tấm ảnh. Vòng tay bạn chỉ khép nổi một phần chu vi vạm vỡ, sần sượng những di tích hằng trăm năm. “Nếu như cây biết kể chuyện, có lẽ tôi đã ngồi xuống, lắng tai nghe cây thủ thỉ”, ông kêu thầm.

Lần tái ngộ cội cổ thụ trưa này, chỉ thấy người đàn bà trong bộ váy áo Madeira truyền thống sặc sỡ tươi cười chào mời du khách. Ông ngước mặt. Gió lùa lao xao tán lá, tưởng như tiếng thì thầm những niềm riêng.

“Cội sồi này đã hơn bốn trăm năm tuổi”, Marco thuật chuyện, “là một trong vài biểu tượng của Funchal. Mùa thu năm hai ngàn lẻ chín, một trận bão lớn xô cây lệch mười lăm độ, nhưng không đổ, như một phép lạ”.

Ông đề nghị với Marco tới ngồi nghỉ chân và ăn trưa trong một quán nhỏ kê bàn ghế lộ thiên. Cũng tại nơi này, nhiều năm trước, ông và bạn ghé lại đôi lần. Vẫn món gà nướng sốt ớt piri-piri ăn kèm rau trộn. Marco không đói, chỉ gọi một chén xúp khoai tây caldo verde với vài lát bánh mì bột bắp. Và hai ly rượu vang Madeira trắng. Đôi khi ông hoang mang tưởng ra hình bóng bạn cũ tái hiện qua diện mạo Marco. Cũng mái tóc nâu nhạt cắt ngắn. Cũng tia mắt xanh lục rực sáng. Và giọng cười sảng khoái đầy lạc quan.

“Anh làm nghề này lâu chưa?”, ông gợi chuyện.

“Chỉ mới vài năm thôi, nhưng có lẽ cũng không còn lâu…”, Marco cười mỉm.

“Là sao?”.

“Việc làm này tuy thú vị, vì cho tôi cơ hội được quen biết nhiều sắc dân, nhưng không bảo đảm, vì chỉ kéo dài năm, sáu tháng mỗi năm”, nét mặt Marco đượm vẻ đăm chiêu. “Hết hè, Madeira vắng ngắt, thê lương như một đảo chết. Những kẻ làm trong ngành du lịch như tôi phải tạm thời nghỉ việc”.

“Những lúc đó anh làm gì để sống?”.

“Việc này việc nọ tạm bợ, chờ thời tiết sang xuân”.

“Nơi đây không phải là đất tiến thân cho giới trẻ bản xứ. Đa số đều bỏ đi lập nghiệp tại các thành phố lớn, hoặc di cư sang các nước Bắc Âu có đời sống kinh tế khả quan hơn. Cũng vì lẽ đó mà tôi siêng năng học thêm ngoại ngữ. Nghề hướng dẫn viên du lịch này cũng là cách để tôi trau giồi khả năng ngoại ngữ của mình, đồng thời dành dụm một ít vốn”, Marco tâm sự.

“Trước kia tôi cũng canh cánh tâm trạng giống như anh. Tôi thèm khát được đi xa, được đặt chân tới những địa danh, mà trước đó chỉ được chiêm ngưỡng trong phim ảnh. Paris, London, New York, San Francisco. Những địa danh, mỗi khi thốt ra, lại vang lên một giai điệu”, ông sôi nổi.

“Xin lỗi ông Hoàng, chúng ta phải đi thôi. Hoa viên Jardim Tropical Monte Palace chỉ mở cửa tới sáu giờ chiều”, Marco kêu khẽ.

Khi hai người đứng lên, tàng cổ thụ trước thánh đường đã nghiêng bóng chênh chếch.

Lá thư của một người tên Trung nhờ toà soạn chuyển được kèm giữa những trang báo biếu. “Trung thích văn của anh từ lúc còn ở trại tạm cư Palawan. Nhiều lúc nhớ nhà nhớ bạn bè, Trung lại ra thư viện, tìm đọc những truyện ngắn anh viết. Có một truyện, Trung quên mất tựa, cứ ám ảnh Trung mãi. Truyện kể lại một nhân vật tên Toàn đã có gia đình, nhưng vẫn chưa quên mối quan hệ luyến ái thời hoa niên với người bạn cùng phái. Truyện làm Trung phân vân dò xét lại tâm tình mình. Thú thật với anh, trước khi vượt biển, Trung cũng đã trải qua vài cuộc tình, cả nam lẫn nữ. Với ai, Trung đều có những ham muốn như nhau. Hiện giờ Trung đã được sang đây định cư. Đời sống đã tương đối vào nếp. Trung đang lo giấy tờ xin bố mẹ và đứa em gái sang đây đoàn tụ. Anh ơi, viết đến đây, Trung sực nhớ ra cái tựa truyện có cái người tên Toàn: Giờ Vui Đời Có Vậy. Có phải được trích từ bài thơ Đi Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp không anh?”… Đúng rồi. “Giờ vui đời có vậy, thoảng ngày vui qua rồi”, tôi nhẩm lại. Tôi hình dung ra khuôn mặt, vóc dáng, giọng nói và tiếng cười của Trung trong một lần qua thăm tôi. Tháng giêng, cao điểm mùa đông, đêm dài hơn ngày. Chúng tôi đắp chăn nằm sóng đôi trên nệm bông trải dưới đất, kể nhau nghe những buồn vui tha hương. Có khuya, trời trở gió, reo réo vườn ngoài. Tôi và Trung quấn chăn, ra đứng bên cửa kính, trông ra. Đêm như toả sáng. Tuyết vật vã chới với. Vòng tay Trung khép quanh bụng tôi. Những bông tuyết va vào khung kính, nhoè lệ từng dòng lăn xuống mặt gương. Hơi thở Trung khoả ấm gáy, úp mặt xuống vai tôi, nghiến nhẹ. Tôi khép mắt, tưởng ra những ngày vui ngắn ngủi của Toàn, một vai trò hư cấu trong trò chơi chữ nghĩa. Nhưng Trung, một nhân vật có thật, với thân xác hâm hấp dục cảm, đang lần tay xuống đáy bụng tôi, siết lại. Tôi thở hắt, cảm nhận dương tính Trung luồn vào, thôi thúc. Tôi áp mặt vào khung kính. Cái lạnh se se bật run da thịt, rờn rợn chạm phải lưỡi dao tội lỗi. Không, không phải, mà là thứ cảm xúc bất chấp của dục vọng, của ham muốn độ lượng cho và nhận. Trong bóng tối phóng dậc không mặc cảm. Giữa cuồng nộ mưa tuyết ngoài đêm. Trong giây lát rúng động của khoái lạc, loé ra trong tôi những ảo tưởng, như bóng ảnh trong chiêm bao chỉ hiện hữu qua đêm. Bùng lên ngắn ngủi ngọn pháo bông dục vọng. Rồi tắt ngúm… Vài năm sau, tôi nhận được hỷ tín. Của Trung. Lễ thành hôn sẽ cử hành vào ngày… tháng… năm… Tôi gấp thiệp lại, lặng lẽ, không cảm xúc. Và nhận ra những hiện mất của “thoảng ngày vui qua rồi”. Dửng dưng như thời tiết. Mong manh như mây trời. Khép lại những khoảnh khắc một kiếp người.

Dòng chữ đầu tiên mở đầu quyển tiểu thuyết bằng tiếng bản xứ được ông ghi xuống vào một sáng sớm, khi nghe tiếng động bất thần gọi thức, như có vật gì lao vào cửa kính. Ông dáo dác ngó quanh. Bóng nhá nhem bao trùm. Vọng lại tiếng sóng lùa lào rào đá sỏi. Ông xỏ dép, tới mở cửa, bước ra ban-công, nhác thấy vài chiếc lông chim rớt bên ngưỡng cửa. Ông nhặt lên, ngước nhìn phân vân. Nơi chân trời, ánh bình minh hé mở một viền loe loé. Ông tần ngần cầm chiếc lông, bước vào, ngồi xuống bàn viết, bật đèn. Cảm hứng dâng nước lớn.

“Tôi rời quê hương vào một trưa tháng mười hai, một chín bảy mươi. Má tiễn chân tôi, lệ trào khoé mắt. Tôi vào ngồi trong phi cơ, nhìn ra. Nắng lấm bụi loé mắt. Dưng không hai hàng nước mắt lăn dài…”.

Ông cắm cúi. Viết. Dập xoá. Viết tiếp. Thêm thắt. Lâu lâu lại ngẩng mặt trông ra cảnh ban mai rực dần sắc ngày. Trong tường vách bưng bít, ngũ quan ông mở ra vùng tư tưởng mênh mông. Ý tình chợt bật chợt tắt. Ngữ cảnh chen lấn, rối rắm. Vết tích quá khứ hơn bốn thập niên ngoi lên mặt nước sáng tạo. Hình ảnh cùng thanh âm xô lấn ký ức. Biến động ngoại giới lem luốc ẩn ức nội tâm. Và tính dục. Đầu bút ông thốc tháo ra giấy, dòng nối dòng, chật kín. Từ ngữ quấn quýt hoan dâm cùng tư tưởng. Chương đầu tiên mở ra từng trang hồi ký. Dòng thời cuộc sôi sục, kéo dài nhiều thập niên ngoi dậy, từ quê nhà ra tới xứ người. Một thời giới trẻ phương tây make love not war phản chiến. Đại lộ kinh hoàng tổng công kích lần hai. Hiệp định đình chiến rác rưởi. Cái chết không người vuốt mặt của đất nước, buộc ông chọn kiếp lưu vong. Thảm kịch thuyền nhân trên biển đông. Cuống rún quê nhà đứt lìa. Những cánh cửa quá khứ khép lại. Khi quyết định làm lại từ đầu, bất giác ông nhận ra, tuổi đã xấp xỉ ba mươi. Sau lưng là mười chín năm mưa nắng hai mùa, trước mặt là những ngả rẽ mù câm. Ông đắn đo tìm cách định nghĩa lại hai chữ quê hương.

Cho tới khi nghe tiếng gõ cửa rụt rè. Ông ngưng viết, ngẩng lên. Nắng đầu trưa đã chan hoà gian phòng. Khuôn mặt thoáng âu lo của bà chủ nhà khách hiện ra sau rãnh cửa hé.

“Chào ông Hoàng. Sáng nay không thấy ông xuống nhà dùng điểm tâm như mọi hôm, tôi đâm lo. Tôi đoán chừng ông ngủ quên, nên lên đây, mời ông xuống ăn sáng”, người đàn bà nhỏ nhẹ. Ánh mắt bà dáo dác, dò xét.

“Khuya qua tôi khó ngủ, gần sáng mới chợp mắt”, ông thối thoát.

“Ông khoẻ chứ?”.

“Cám ơn bà, tôi vẫn vậy”, ông nhoẻn cười.

“Xin lỗi đã làm phiền ông. Tôi có để dành phần điểm tâm cho ông. Mời ông xuống dùng”, bà chủ nói nhanh, rồi quày quả lui bước như sợ nghe lời từ chối.

Lúc ông vào phòng tắm, soi gương, chợt thấy ra vài đổi thay. Sờ sờ như gã hát tuồng vừa bôi lớp hoá trang đắp mặt, sau khi màn nhung khép lại. Vài nếp gấp giữa hai chân mày, trên trán, cuối khoé mắt. Râu chưa cạo, lún phún sợi bạc. Thần sắc ông, chỉ sau vài trang thảo bút ngược dòng quá khứ ngập ngụa chấn động, rạn nứt ngoằn ngoèo những biến dạng. Vết chém chủ nghĩa bứng lìa ông khỏi đất quê hương. Những hoang mang dục tính nhiều năm dài. Nhiều lúc ông tưởng mình đeo mặt nạ. Khi nhìn lại, mới nhận ra đã phí phạm gần nửa kiếp người.

Chụp đèn trần toả ấm căn phòng kéo màn kín. Hai kệ sách đầy ắp. Trong lúc chờ, tôi đọc thấy nhiều tựa sách tâm sinh lý học. Người cố vấn tâm lý trở lại, ly nước suối trên tay. Ông thản nhiên ngồi xuống cạnh tôi, thân mật hỏi han. Một chút về lai lịch, học vấn và sở thích. Khá cặn kẽ về chuyện tình cảm riêng tư. Kinh nghiệm xác thịt đầu đời. “Tương đối muộn”, tôi đáp, “với một ả buôn hương”. “Anh thấy sao?”, ông hỏi. “Không thích lắm”, tôi đỏ mặt, cảm thấy mồ hôi rịn lấm tấm chân tóc. “Sao vậy?”. “Không biết…”, tôi ngập ngừng, “có lẽ vì thiếu tình cảm”. “Có lần nào với người cùng phái chưa?”. “Có, trong chiêm bao…”, tôi ngần ngừ, “và trong văn chương”. “Một vài nhân vật hư cấu loé trong tâm tưởng tôi”. “Vậy ra anh là văn sĩ?”, ánh mắt người đàn ông thoáng ngạc nhiên. “Viết lan man vậy thôi, cho vơi bớt tâm tư”. “Tôi cũng là người viết, về những đề tài chuyên môn và tiểu thuyết giả tưởng”, ông cười nhẹ, thản nhiên đặt tay lên đùi tôi. Người đàn ông hỏi han, giải thích thêm đôi ba chuyện, rồi hỏi tôi có muốn trở lại lần nữa không? Tôi gật đầu. Buổi cố vấn tâm lý lần ấy là bước ngoặt ghi dấu mối quan hệ tình dục sôi nổi giữa tôi với ông và người bạn đời cùng phái. Với nhiều hăm hở trong những chuyến xe lửa chiều thứ sáu sau một tuần cặm cụi trong giảng đường, trong phòng thí nghiệm, căng thẳng trước những kỳ thi. Và suy tư đắn đo lúc trở lại phòng trọ mỗi trưa chủ nhật, ôm lấy nỗi trống rỗng cùng cô quạnh lớn. Nhưng, những thoả mãn thân xác không san bằng nổi nhiều khác biệt. Tôi vẫn chưa đủ tự tin để chấp nhận cá tính mình. Tôi như người đeo mặt nạ, e dè tham dự cuộc vui hoá trang. Cái diện mạo và bản sắc thứ hai hiện khuất thường xuyên trong tôi. Giữa những dòng văn chương. Trong những phương trình hoá học. Níu lấy giấc ngủ đầy mộng mị phóng đãng. Để cuối cùng, chỉ còn lại những lần điện đàm thăm hỏi vô vị. Tôi trở lại với thường nhật hai màu đen trắng. Tâm tư tôi mọc lên những mặc cảm vị kỷ trước thảm cảnh người tị nạn ở biển đông. Thấy ra những trăn trở riêng mình vô cùng nhỏ bé trước vô vàn biến động thời sự. Điều này tôi đã từng tỏ lộ cùng người cố vấn tâm lý. “Anh đừng quên, mỗi người chúng ta chỉ có một đời để sống”, ông an ủi.

Đúng vậy! Và tôi ngỡ ngàng nhận ra, trong lần sống duy nhất này, mình đã phí phạm trọn vẹn thời thanh xuân, để đi tìm một thứ bản sắc luyến ái đồng dạng cùng số đông. Mọi cố gắng chỉ hoài công. Điều còn lại, cuối cùng, toàn những mất mát. Mãi mãi.

Marco lưỡng lự khi nghe ông hỏi về ý nghĩa hai chữ quê hương.

“Thú thật, chưa bao giờ tôi suy ngẫm về chuyện đó”, anh đáp.

“Vùng đất này có phải là quê hương anh?”, ông hỏi thẳng.

Marco ngần ngừ: “Phải, … cho tới bây giờ. Bởi vì tôi được sinh ra tại đây, và tôi chưa có kinh nghiệm sống tại một nơi nào khác. Còn ông?”.

“Quê hương cũng như tổ quốc đối với tôi chỉ là một ảo tưởng, một danh từ đã gây ra nhiều xung khắc đẫm máu, không thua những hiềm khích vì tôn giáo hoặc chủ nghĩa. Tôi nghĩ rằng, quê hương không phải là một biên giới địa lý, mà là một trạng thái nội tâm”, ông cười khẽ. Tiếng cười ngắn, gọn, nghe như thách đố.

“Không phải ai cũng nghĩ giống ông”, Marco nhỏ nhẹ. “Cá nhân tôi cảm thấy gần gũi với mảnh đất này. Tại sao? Vì tại nơi đây tôi có họ hàng thân thuộc, tôi nghe được ngôn ngữ Bồ Đào Nha, tôi ăn được những món đặc sản địa phương tự tay mẹ, tay bà nấu nướng. Lẽ đó, quê hương là một thực thể, mà con người có thể cảm nhận được”.

“Vậy ra, theo anh, quê hương là một sản phẩm của ý thức?”, ông nhìn Marco đăm đăm.

“Chắc vậy”.

“Có lẽ tôi nên nói như thế này, quê hương là trạng thái nội tâm tuỳ thuộc vào ngoại cảnh. Hoàn cảnh sinh sống của tôi và của anh không giống nhau. Tôi là người lưu vong từ nhiều thập niên nay. Quê cha đất tổ tôi hiện nay không còn giống trước. Họ hàng thân nhân tôi tứ tán viễn phương. Tôi xa nhà lúc tuổi vừa mười chín. Trong lần trở lại, khi tuổi đời ngấp nghé sáu mươi, tôi mới thấy ra, tâm tình mình không còn như trước. Ngôn ngữ, món ăn, lẫn thời tiết cùng đất đai vẫn còn đó, nhưng không hiểu sao lòng tôi cứ quay quắt nhớ. Chuyện gì, ai, tôi không biết. Chỉ biết, cõi lòng tôi cứ canh cánh những khắc khoải, như thể mình đi lầm nơi, tới sai địa chỉ. Vậy mà, có dịp, tôi vẫn quay lại, để thấy mình là một tha nhân, một sinh vật vô tổ quốc”.

Ông nói một hơi, thơi thả. Như loài thú nhơi lại miếng ăn của ngày hôm qua. Như một mái nhà không bếp lửa. Như một ngoái nhìn. Quá khứ đã lạnh màu, phai hương trong tâm tưởng.

Nhiều giây lặng im.

“Tôi nghĩ, tôi có thể hiểu những gì ông vừa nói”, Marco cất tiếng. “Mỗi năm, sau mùa du lịch, Madeira trở lại yên vắng. Mãn hợp đồng, tôi lang thang trong thành phố, tìm việc khác. Những khi đó, tôi mới thấy ra bộ mặt cằn cỗi, suy dinh dưỡng của phố biển. Đa số người trẻ đã lần lượt bỏ vào đất liền, tìm tới những thành phố lớn, tạo sự nghiệp. Chính những khi đó, tôi thật sự thèm khát đi xa. Tôi thấy ra giới hạn của đất, của cả tâm tư mình”, trong giọng nói Marco đượm chút băn khoăn.

Ông tìm tay người con trai, úp lên. Marco để yên. Nhịp tim ông lắng đọng những đầu ngón tay, rộn ràng siết lại, chia sẻ. Marco quay nhìn, hai vòm mắt long lanh.

“Bấy giờ tôi mới thấy ra, quê hương trong tôi chật chội như lòng tay mình”. Marco rút tay về, xoè ra.

Ông nhẩn nha kể tiếp cho Marco nghe những vụn vỡ luyến ái trong cuộc sống. Bắt đầu từ đấy, ông một mình trong những chuyến đi xa. Đi như để kiếm tìm, để nhận diện bản sắc mình.

Trưa cuối cùng, ông cầm khăn tắm ra biển. Trong tuần, bãi vắng người. Ông chọn một góc khuất bên vách đá, trải khăn lên bờ cát xám, nằm xuống, gắn kính mát lên mắt. Trên cao là một vùng thiên thanh sâu thẳm, không một vẩy mây. Vài vệt khói phản lực xiên xéo dọc ngang, trông như những đường rách, từ từ nhoè ra, rồi tan biến. Đối diện trước mênh mông trời biển, thêm lần nữa, ông ý thức ra tường vách chật hẹp của bản ngã. Đôi khi ông nghĩ mình thấu hiểu lý do tại sao có những trường hợp khủng hoảng tâm lý. Không gian và thời gian hiện hữu đó, nhưng dường như không thật. Tất cả chỉ là những đất đai tròng tréo những mắc xích khứ lai.

Trước mắt ông, cảnh vật nhập nhoè một xứ tưởng vô biên.

(Đức, tháng 11. 2015 – Nhuận sắc, 11.2017)

Comments are closed.