Giả Chương Kha và Liên hoan Phim Độc lập Bình Dao

Nguyễn Hoàng Giao

Giả Chương Kha

Giả Chương Kha (Jia Zhangke – sinh ngày 24 tháng Năm năm 1970) thường được xem là đại biểu xuất sắc nhất của Thế hệ Thứ Sáu điện ảnh Trung Quốc, bên cạnh Vương Tiểu Soái (Wang Xiaoshuai), Lâu Diệp (Lou Ye), Vương Toàn An (Wang Quan’an) hay Trương Nguyên (Zhang Yuan). Hiện ông là Trưởng khoa Điện ảnh trường Đại học Truyền thông Sơn Tây và Hiệu trưởng Học viện Điện ảnh Vancouver thuộc Đại học Thượng Hải. Giả Chương Kha thường được các tạp chí và các nhà phê bình điện ảnh đánh giá là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới trong thế kỷ 21.

image

Niềm đam mê điện ảnh của Giả Chương Kha bắt đầu khi ông đang là một sinh viên chuyên ngành nghệ thuật tại Đại học Sơn Tây đầu những năm 90 và tác phẩm gây ấn tượng nhất với ông là bộ phim Hoàng Thổ Địa (黃土地, Yellow Earth) của Trần Khải Ca, năm 1984 (quay phim: Trương Nghệ Mưu). Vẻ đẹp của Hoàng Thổ Địa đã khiến Giả Chương Kha nhanh chóng xác định rằng điện ảnh sẽ là cuộc đời ông. Năm 1993 Giả Chương Kha nhập học Học viện Điện ảnh Bắc Kinh danh giá – nơi ông được tiếp cận những tác phẩm cổ điển của cả phương Đông và phương Tây. Cũng cần chú thích thêm rằng việc tiếp cận với điện ảnh thế giới của giảng viên và sinh viên Học viện Điện ảnh Bắc Kinh giai đoạn này không chỉ dựa vào kho tư liệu của trường mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn cung cấp… DVD lậu bán quanh trường. Trong một tuyển tập các bài viết xuất bản năm 2009, Giả Chương Kha nhắc tới thời sinh viên khi ông cùng Vương Hồng Vĩ (Wang Hongwei), bạn học và diễn viên ruột của Giả Chương Kha, mua đĩa lậu các tác phẩm như Breathless của Goddard hay The Mirror của Tarkovsky. Trong một phân cảnh của Lạc thú chưa từng biết (任逍遥 / Nhậm tiêu dao “Thảnh thơi” / Unknown Pleasures), Giả Chương Kha và Vương Hồng Vĩ đã làm khán giả thích thú khi Vĩ hỏi một anh chàng bán DVD lậu có bán phim Tiểu Vũ (小武, Xiao Wu) – bộ phim mà chính Vĩ đóng vai Tiểu Vũ trong bộ phim cùng tên của Giả Chương Kha.

Tác phẩm đầu tiên của Giả Chương Kha ra đời năm 1994 khi ông theo học tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh là một phóng sự 10 phút mang tên Một ngày ở Bắc Kinh (有一天,在北京 / Hữu nhất thiên, tại Bắc Kinh / One Day in Beijing) nói về các du khách trên quảng trường Thiên An Môn. Mặc dù Giả Chương Kha đánh giá tác phẩm đầu tay này là non nớt và không đáng kể, ông vẫn thường nhắc tới cảm giác của một ngày rưỡi quay phim là “phấn khích… khó diễn tả bằng lời”. Tác phẩm thứ hai của Giả Chương Kha, năm 1995 là phim ngắn Tiểu Sơn về nhà (小山回家 / Tiểu Sơn hồi gia / Xiao Shan Going Home), thực sự là màn ra mắt ấn tượng của ông với thế giới điện ảnh. Mặc dù thành công của Tiểu Sơn về nhà không quá nổi trội, bộ phim chính là cầu nối Giả Chương Kha với một loạt các nhân vật như nhà quay phim Dư Lực Vi (Yu Lik-wai), nhà sản xuất phim Lý Kiệt Minh (Li Kit Ming), hay nhà sản xuất kiêm biên tập phim Châu Cường (Chow Keung), những người sẽ cộng tác lâu dài với Giả Chương Kha trong những tác phẩm sau.

Tác phẩm thứ ba và cũng là phim truyện đầu tiên của Giả Chương Kha, Tiểu Vũ (còn được biết dưới tên khác Tên móc túi), ra đời năm 1997, thành công vang dội trên trường quốc tế. Lấy bối cảnh ở Phần Dương, quê nhà của Giả Chương Kha, qua nhân vật chính là tên móc túi Tiểu Vũ (do Vương Hồng Vĩ đóng), Giả Chương Kha mô tả cuộc sống và những biến động to lớn ở Phần Dương trong những năm 90. Bộ phim thường được đánh giá như một sự phản kháng của Giả Chương Kha đối với các nhà làm phim Thế hệ Thứ Năm với khuynh hướng né tránh các chủ đề về thực trạng xã hội Trung Quốc hiện đại. Tính hiện thực trong các bộ phim của Giả Chương Kha mạnh tới mức nhiều người nhận định phim của ông rất gần với phim tài liệu. Khi được hỏi về chất “tài liệu” trong các bộ phim của ông, Giả Chương Kha trả lời rằng tuy ông làm cả phim truyện và phim tài liệu, ông cho rằng phim truyện phản ánh một số vấn đề thực tế tốt hơn, hay dễ dàng hơn so với phim tài liệu. Giả Chương Kha ví dụ: “…nếu tôi muốn làm một bộ phim về quan hệ của tôi với các bạn mình…, rất khó để phản ánh chính xác các mối quan hệ đó. Chúng lẩn tránh máy quay bởi con người không ai muốn bộc bạch trên màn ảnh.” Trong khi đó “phim truyện phù hợp hơn với những lĩnh vực nhất định, phản ánh chúng chính xác hơn, đặc biệt là những khía cạnh mà tôi muốn thể hiện”. Lập luận của Giả Chương Kha mới nghe có vẻ khá ngược đời khi cho rằng phim truyện phản ánh sự thật “thật” hơn phim tài liệu nhưng với những ai đã từng xem phim Giả Chương Kha sẽ dễ dàng thấu hiểu điều nghịch lý này.

Trung thành với nét “tư liệu” trong phong cách của mình, Giả Chương Kha có thể được coi là một bậc thầy trong việc sử dụng những diễn viên nghiệp dư, những người có khả năng phản ánh tốt nhất cái hiện thực mà ông muốn phản ánh trong phim của mình. Khán giả ấn tượng với anh chàng thợ mỏ Hàn Tam Minh (Han Sanming) đi tìm vợ trong Người tốt đập Tam Hiệp (三峡好人 / Tam Hiệp hảo nhân / Still Life năm 2006) sẽ còn ấn tượng hơn nữa khi biết tên thật của anh chính là Hàn Tam Minh, một thợ mỏ thực sự và là anh em họ của Giả Chương Kha. Hay Triệu Đào (Zhao Tao), vợ và nàng thơ của Giả Chương Kha trong hàng loạt tác phẩm xuất sắc, được ông chọn cho bộ phim Sàn diễn (站台 / Trạm đài / Platform năm 2000) khi bà chỉ là một cô giáo dạy múa ở một nhà văn hóa thị xã. Tuy nhiên, cũng phải nhắc rằng, không phả bất cứ anh chàng thợ mỏ nào ở Sơn Tây cũng có thể đóng Hàn Tam Minh. Thực tế danh tiếng của Triệu Đào trên trường quốc tế có lẽ không thua kém mấy bản thân Giả Chương Kha. Năm 2020 Thời báo New York đánh giá Triệu Đào đứng thứ 8 trong 25 diễn viên xuất sắc nhất thế kỷ 21. Một khía cạnh khác minh chứng cho tính “thực” trong các bộ phim của Giả Chương Kha là cách ông sử dụng đa dạng các giọng địa phương. Giả Chương Kha từng nói ông không sao hiểu nổi vì sao sau năm 1949 nhân vật trong tất cả các bộ phim của Trung Quốc đều phải nói giọng Bắc Kinh. Giả Chương Kha cho rằng: “Khi diễn viên nói tiếng mẹ đẻ, họ rất tự nhiên. Như Triệu Đào nói giọng Sơn Tây hay Vương Hồng Vĩ nói giọng Hồ Nam.” image

Phim của Giả Chương Kha thường chỉ tập trung vào cuộc đời những người Trung Quốc bình thường nhất, từ một gã móc túi trên xe buýt tới một người thợ mỏ xa quê, một ca sĩ trong một ban nhạc vô danh tới những cô gái nghèo khổ kiếm sống trong một khu giải trí cao cấp. Khi được hỏi vì sao ông chỉ tập trung vào những con người cùng khổ, những con người bên lề xã hội, những con người không được hưởng chút gì từ quá trình “hóa rồng” của Trung Quốc, ông trả lời hết sức giản dị: “Không phải tôi không biết tới giới nhà giàu mới nổi, nhưng tôi không hứng thú làm phim về họ. Điều làm tôi thực sự xúc động và muốn làm một điều gì đó chính là cuộc sống của những người bình thường. Người Trung Quốc cảm nhận được sự bất công hết mức trong cuộc sống hàng ngày. Họ biết rõ về sự bất bình đẳng, đó không phải là bí mật gì. Ai cũng biết rõ. Vào thời đại này [cuộc phỏng vấn năm 2005] nguồn gốc lớn nhất của những bất mãn trong xã hội chính là sự phân hóa giàu nghèo.” Một cách nào đó, Giả Chương Kha đã tự nhận vai trò của mình là một nhà viết sử, qua công cụ điện ảnh, ghi nhận lại cuộc sống những người lao động Trung Quốc trong giai đoạn từ hậu Cách mạng Văn hóa tới thời kỳ đổi mới. Cần biết rằng, đó cũng chính là những trải nghiệm thực của Giả Chương Kha, người sinh năm 1970, giai đoạn cuối của Cách mạng Văn hóa. Và hiển nhiên, chính phủ Trung Quốc không quá mặn mà với những “sử gia” như Giả Chương Kha khi ông mô tả quá chính xác, quá tài tình cuộc vật lộn của người dân lao động Trung Quốc trong quá trình đổi mới. Những phim đầu tay của Giả Chương Kha, Tiểu Vũ (1997), Sàn diễn (2000), và Lạc thú chưa từng biết (2002), mặc dù thành công vang dội và mang lại tiếng tăm lớn cho Giả Chương Kha trên trường quốc tế, đều bị cấm ở Trung Quốc và chỉ có thể đến tay khán giả Trung Quốc dưới hình thức… đĩa lậu. Khi được hỏi ông cảm thấy gì khi phim của mình được khán giả quốc tế biết đến nhiều hơn là với khán giả trong nước, Giả Chương Kha, một lần nữa trả lời hết sức giản dị: “Việc phim của tôi được quan tâm ở nước ngoài không hề ảnh hưởng gì đến việc làm phim của tôi. Việc của tôi là làm phim – và việc khán giả xem phim tôi là người nước ngoài hay người Trung Quốc thực sự không quan trọng.” Không phải tự nhiên mà cha của Giả Chương Kha, một bác sĩ phẫu thuật từng bị đi cải tạo trong Cách mạng Văn hóa, cho tới ngày mất vẫn không có một đêm ngủ ngon vì lo sợ chính quyền sẽ đến bắt con ông bất cứ lúc nào.

 

imagePhim truyện thứ tư của Giả Chương Kha, Thế giới (世界 / The World) năm 2004 đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình làm phim của ông, ít nhất là trên bề mặt. Bộ phim được nhà nước cấp phép chính thức biến Giả Chương Kha, cùng một số đạo diễn độc lập khác, trở thành “hợp pháp”. Tuy nhiên, việc chuyển biến này, theo các nhà phê bình, không hề làm “cùn” đi sự sắc sảo hay thay đổi phong cách nghệ thuật của Giả Chương Kha. Thế giới lấy bối cảnh Công viên Giải trí Thế giới ở Bắc Kinh (lần đầu tiên bước ra khỏi bối cảnh Sơn Tây – quê Giả Chương Kha – trong các phim trước) phản ánh cuộc đời cơ cực buồn thảm của những người lao động trong cái khu vui chơi hào nhoáng – tượng trưng cho quá trình toàn cầu hóa ở Trung Quốc. Bộ phim được tán thưởng nhiệt liệt ở nước ngoài và không chỉ có vậy, gây ngạc nhiên lớn khi được nhà cầm quyền Trung Quốc đánh giá khá tốt. Giả Chương Kha giải thích về quá trình thay đổi cách nhìn của chính phủ Trung Quốc trong quản lý phim ảnh là kết quả của việc thị trường hóa phim ảnh và cuộc đấu tranh không mệt mỏi của các nhà làm phim Trung Quốc cho quyền tự do sáng tạo. Cũng có thể vào giai đoạn này chính quyền Trung Quốc đã đủ sự tự tin để không cần quan tâm đến những cái “lặt vặt” trong phim ảnh. Dù sao đi nữa, sự cởi mở của kiểm duyệt phim ảnh Trung Quốc cũng ít nhiều giúp Giả Chương Kha thuận lợi hơn trong những bộ phim tiếp theo như Người tốt đập Tam Hiệp (Still Life, 2006), Thành phố 24 (二十四城记 / Nhị thập tứ thành ký / 24 City 2008), Chạm vào tội ác (天注定 / Thiên chú định / A Touch of Sin, 2013), Sơn hà cố nhân (山河故人, Mountains May Depart 2015), hay Giang hồ nhi nữ (江湖儿女 / Ash is the Purest White 2018).[*] Những bộ phim này đều được chào đón nồng nhiệt ở Trung Quốc và quốc tế, đặc biệt Người tốt đập Tam Hiệp thắng giải Sư tử Vàng tại Liên hoan Phim Quốc tế Venice năm 2006 cùng hàng loạt giải thưởng quốc tế danh giá khác. Điểm quan trọng là các bộ phim của Giả Chương Kha duy trì chất lượng nghệ thuật hết sức ổn định cũng như phong cách mang đậm dấu ấn cá nhân của Giả Chương Kha, người được đánh giá là nhà làm phim xuất sắc nhất thế hệ thứ Sáu của điện ảnh Trung Quốc.

Chính uy tín quốc tế đã giúp Giả Chương Kha hoàn thành một trong những dự án lớn nhất của ông: Liên hoan Phim Quốc tế Bình Dao.

Liên hoan Phim Quốc tế Bình Dao

Liên hoan Phim Quốc tế Bình Dao có tên gọi chính thức là Liên hoan Phim Quốc tế Ngọa hổ tàng long Bình Dao (Pingyao Crouching Tiger, Hidden Dragon International Film Festival) ra đời vào tháng Mười năm 2017 với sự hợp tác của Giả Chương Kha và Marco Muller, nhà sản xuất, phê bình phim nổi tiếng người Ý, người từng đảm nhiệm cương vị giám đốc nghệ thuật của Liên hoan Phim Quốc tế Venice và Liên hoan Phim Quốc tế Rome, tổng cố vấn và nhà tuyển lựa cho Liên hoan Phim Quốc tế Bắc Kinh. Tên gốc của Liên hoan Phim Bình Dao đã nhận được sự cho phép của đạo diễn lừng danh Lý An của Đài Loan, đạo diễn bộ phim cùng tên Ngọa hổ tàng long năm 2000 với sự tham gia của Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh, và Chương Tử Di. Ý nghĩa tên liên hoan phim cũng khá rõ ràng, Giả Chương Kha muốn đưa ra ánh sáng những đạo diễn, biên kịch, nhà làm phim độc lập – cả Trung Quốc và nước ngoài, những người còn trẻ và chưa có tiếng tăm gì nhưng thật sự là những tài năng nghệ thuật. Giả Chương Kha quan niệm những người này như “ngọa hổ tàng long” và là những viên ngọc quý có thể bị mai một nếu không được chăm chút. Mặt khác, tuy không công khai, dường như Giả Chương Kha muốn có một hệ thống đánh giá và vinh danh những đạo diễn, những nhà làm phim độc lập khó có cửa trong một hệ thống đánh giá khen thưởng của nhà nước, nơi chỉ vinh danh những tác phẩm nặng tính tuyên truyền (mà Chiến lang (战 狼 / Wolf Warrior) năm 2015 của đạo diễn/ ngôi sao võ thuật Ngô Kinh (Wu Jing) là một điển hình).

image

Liên hoan Phim Bình Dao được tổ chức tại Thành cổ Bình Dao, một địa danh văn hóa nổi tiếng tại Sơn Tây, bối cảnh cho bộ phim Sàn diễn của Giả Chương Kha. Mục tiêu của Giả Chương Kha là biến Liên hoan Phim Bình Dao thành một Sundance, liên hoan phim độc lập lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên ở Trung Quốc khái niệm liên hoan phim độc lập cũng phải có một yếu tố đi kèm, đó là độc lập “kiểu Trung Quốc”. Tôn Lương (Sun Liang), một đạo diễn trẻ có phim tham dự tại Liên hoan Phim Bình Dao cho biết: “Có những giới hạn. Bạn không muốn làm cái gì đó quá bạo lực, quá không phù hợp, hay vượt qua giới hạn đó”. Đặt Bình Dao bên cạnh Sundance, Giả Chương Kha hay Muller không bao giờ nghĩ đến việc văn phòng thủ hiến bang Utah (thủ phủ Liên hoan Phim Sundance) sẽ kiểm duyệt nội dung các phim tham dự liên hoan. Tuy nhiên điều này diễn ra ở Bình Dao như một sự tất yếu: nhà chức trách ở Sơn Tây kiểm duyệt nội dung toàn bộ các bộ phim tham dự liên hoan.

Bộ phim đầu tiên được chuẩn bị ra mắt tại Liên hoan Bình Dao là Tuổi Trẻ (芳华 Phương Hoa / Youth), một bộ phim của đạo diễn Phùng Tiểu Cương (Feng Xiaogang). Điều này khá kỳ quặc vì trái với tôn chỉ của liên hoan phim nhằm khám phá các đạo diễn trẻ tài năng nhưng vô danh, khó có thể coi Phùng Tiểu Cương là đạo diễn trẻ khi ông đã 59 tuổi và cũng không hề vô danh khi ông rất nổi tiếng trong lĩnh vực phim thương mại ở Trung Quốc. Có thể hiểu rằng đây là một bước đi khôn khéo của Giả Chương Kha cũng như Muller khi chọn một đạo diễn “an toàn”. Tuy nhiên cuối cùng bộ phim Tuổi Trẻ không được chiếu tại Bình Dao. Nhiều nhà phê bình cho rằng lý do chính Tuổi Trẻ bị rút khỏi liên hoan phim vì bộ phim lấy bối cảnh chiến tranh biên giới Việt Nam năm 1979, một cuộc chiến thất bại của Trung Quốc, và mâu thuẫn với tinh thần thượng tôn dân tộc trong Đại hội Đảng một tuần trước đó. Muller và các nhà tổ chức Liên hoan Phim Bình Dao kêu gọi các nhà làm phim cũng như giới phê bình và truyền thông chỉ nên quan tâm đến “khía cạnh nghệ thuật” của các bộ phim dự liên hoan. Tuy nhiên những biện pháp cẩn tắc này cũng không mang lại nhiều kết quả thiết thực. Tháng Mười năm 2019, ngay sau Liên hoan lần thứ Tư, Giả Chương Kha tuyên bố rút khỏi Liên hoan Phim Bình Dao mà không nêu lý do. Liên hoan Phim Bình Dao được bàn giao cho chính quyền tỉnh Sơn Tây. Marco Muller cũng rút về vai trò cố vấn và tuyển chọn phim nước ngoài. Một năm sau đó, Liên hoan Phim Độc lập Trung Quốc được thành lập vào năm 2003 tại Nam Kinh cũng “đóng cửa vô thời hạn”. Trương Hiến Dân (Zhang Xianmin), một giáo sư Học viện Điện ảnh Bắc Kinh và một trong những nhà tổ chức nòng cốt của Liên hoan Phim Độc lập Trung Quốc cho biết: “Chúng ta đã trở lại sự quản lý bình thường của Đảng. Chúng ta đã quay ngược về 20 năm trước khi không có một chỗ đứng và cơ hội nào cho phim độc lập. Nếu chúng ta đã thương mại hóa liên hoan phim này có lẽ nó đã an toàn hơn và có thể tiếp tục hoạt động”.

Năm 2021, Giả Chương Kha tuyên bố trở lại Liên hoan Phim Bình Dao với vai trò phụ trách trải nghiệm (Chief Experience Officer), một vị trí thiên về khán giả hơn là tổ chức. Không ai rõ lý do thực đằng sau việc Giả Chương Kha trở lại Liên hoan Phim Bình Dao với vai trò khá mờ nhạt như vậy. Có lẽ chính quyền nhận thấy Liên hoan Phim Bình Dao sẽ không còn là chính nó và liên hoan phim sẽ mất đáng kể sức hấp dẫn khi Giả Chương Kha, đạo diễn độc lập ưu tú nhất của Trung Quốc và người cha tinh thần của liên hoan phim không còn song hành cùng nó nữa? Hay Giả Chương Kha chấp nhận thỏa hiệp để tránh đứa con tinh thần của mình bị thương mại hóa như một sản phẩm thị trường? Không ai trả lời cho chúng ta câu hỏi này nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, có lẽ Giả Chương Kha và các nhà làm phim độc lập Trung Quốc còn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa, khi mà rõ ràng chính quyền Trung Quốc hiện nay không có nhiều hứng thú với “độc lập” hay “ngọa hổ tàng long”.

Canberra, 8/2023


[*] Một số tựa phim lấy từ các bản tiếng Việt có sẵn và một số do tác giả dịch.

Comments are closed.