Sống và vẽ là một

Lê Thiết Cương

Triển lãm “Họa sĩ Linh Chi – Sống trong nghệ thuật” trưng bày 42 tác phẩm, kéo dài từ 20/12 đến 29/12/2023, Phòng nghệ thuật, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

“Họa sĩ Linh Chi – Sống trong nghệ thuật” còn là nhan đề một cuốn sách, gồm 300 trang, chọn lọc gần 100 tác phẩm do ông sáng tác từ năm 1954 đến 2004 do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, xuất bản cùng lúc với cuộc triển lãm.

Dưới đây là bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của cuộc triển lãm này.

Văn Việt

Hội họa hiện đại Việt Nam bắt đầu từ thế hệ các họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương. Ngót trăm năm đã qua, những họa sĩ ở thời kỳ đầu tiên này đều trở thành những bậc thầy, những bậc thầy của thầy. Nếu không có trường Mỹ thuật Đông Dương, thành lập năm 1925 thì mỹ thuật Việt Nam sẽ đi về đâu? Tiếp theo là thế hệ thứ 2 của các họa sĩ khóa Tô Ngọc Vân khai giảng năm 1950.

Khoa giáo của các thầy Pháp cùng với không khí cách tân của hội họa Pháp – Châu Âu được họ truyền cho học trò đồng thời và trực tiếp. Sau đó những người trò đặc biệt này lại dạy cho sinh viên của mình. Phương pháp, kỹ thuật và cách nhìn hiện đại của thế hệ họa sĩ Khóa Kháng chiến là sự tiếp nối tự nhiên từ trường Mỹ thuật Đông Dương cũng như từ trào lưu hội họa hiện đại đầu thế kỷ 20 trong đó có Trường phái Paris. Thêm một câu hỏi nữa, nếu không có khóa học này thì mỹ thuật Việt Nam sẽ đi đâu?

Triển lãm Họa sĩ Linh Chi – Sống trong nghệ thuật sẽ giới thiệu đến công chúng hơn 40 tác phẩm được chọn ra trong hơn trăm bức in trong cuốn sách cùng tên của ông, trong đó có những tác phẩm lần đầu trưng bày. Tất cả đều là những tác phẩm tiêu biểu cho các giai đoạn sáng tác trong sự nghiệp của họa sĩ Linh Chi, từ những bức tranh và ký họa thời kháng chiến chống Pháp đến sau này, cũng như đầy đủ các đề tài mà ông quan tâm. Phụ nữ áo dài, sơn nữ, phong cảnh nông thôn, miền núi và các chất liệu sở trường của ông như lụa, bột màu, khắc gỗ… Trong đó lụa là chất liệu ông vẽ nhiều nhất và để lại dấu ấn riêng. Lụa chỉ là một chất liệu để ông vẽ, ông tỏ bày cảm xúc của mình, ông không quá nương vào cái loang nhòe vốn có của lụa mà bất kể họa sĩ nào vẽ lụa cũng khai thác. Ông vẫn diễn khối bằng đậm nhạt nhưng chỉ gợi chứ không vờn tỉa gò gẫm. Cho nên tranh lụa của ông có nhiều mảng phẳng và nghiêng về đồ họa, giữa gợi khối bằng đậm nhạt với mảng phẳng, giữa mảng phẳng và đi nét là mỹ cảm riêng có của ông. Lụa vẫn là lụa nhưng đã mới hơn, hiện đại hơn. Đặc biệt là nét, đành rằng nét là để tạo hình nhưng xem kỹ tranh của Linh Chi thấy nét tạo hình chỉ là một nửa, phần còn lại thì nét chính là để biểu cảm, ông đặt cái tình của mình, tấm lòng của mình vào nét, buồn vui, yêu thương, nhớ nhung, đều lộ ra ở nét. Nét thanh nét đậm, nét buông nét thoáng, nét chạy ra khỏi mảng làm cho hình động hơn, đôi khi nhấn nhá bằng những nét “thô”, chắc khỏe. Tất cả các nét đều là đi một nét kiểu thư pháp Á Đông. Muốn đi được một nét thì đương nhiên phải thuộc hình, giỏi hình. Thế hệ họa sĩ khóa kháng chiến/ Tô Ngọc Vân nhiều người giỏi nét, chỉ vài ba nét cũng đã ra người ra hình. Qua trò thấy thầy, thấy phương pháp dạy. Xem tranh của các họa sĩ Linh Chi, Mai Long, Ngọc Linh, Đào Đức, Trần Lưu Hậu, Ngô Mạnh Lân,… sẽ thấy thầy Tô Ngọc Vân, thấy rõ khoa giáo của Khóa Kháng chiến. Một điểm nữa không thể không nói đến trong tranh lụa của Linh Chi, đó là cách ông nhấn nhá, là cách ông chấm phá, ông điểm thêm phấn màu vào lụa. Hòa âm phấn màu và lụa, cũng là trò chuyện của hai người bạn, nhỏ nhẻ thủ thỉ nhưng đủ hiểu nhau. Phối ghép được chất ướt của lụa với khô của phấn chẳng dễ gì. Cân bằng và hài hòa được hai chất ấy sẽ tạo ra được rung động thẩm mỹ nơi người xem. Có lẽ Linh Chi hiểu lụa nên ông mới có được cái ứng xử đẹp và khác biệt ấy. Lụa, phấn và Linh Chi là ba người bạn, là tam tấu.

Ông vẽ nhiều những cô gái người dân tộc, Thái, Mường, Dao đỏ với những phục trang đặc trưng của từng tộc người. Ông đặc biệt thích đề tài thiếu nữ với áo dài. Xem tranh của ông sẽ thấy lại được không khí Hà Nội một thời, mộc mạc, giản dị, an lành, duy mỹ và thiện tâm. Thời chiến tranh nghèo khó nhưng vẫn toát lên sự thanh bình, an bình, hào hoa sang trọng. Tự nhiên thấy nuối tiếc. Thời đó nào đã xa gì…

Cuộc sống hôm nay dường như no đủ hơn, giàu có hơn nhưng lại nhiều bất an hơn… Có một câu hỏi ngược lại rằng nếu không có cái tâm bình an, một cái nhìn trong sáng như họa sĩ Linh Chi và thế hệ của ông thì liệu có thể vượt qua được cái thời gian khó, chiến tranh sống chết, thiếu đói ấy không? Hội họa của Linh Chi và thế hệ ông chính là tiếng nói, là ánh nhìn đối với một thời đoạn lịch sử dân tộc. Không chỉ là lịch sử hội họa, mà hội họa ở thế hệ này có trong mình nó cả lịch sử.

Hôm nay được xem lại hơn 40 tác phẩm của họa sĩ Linh Chi trong triển lãm và cuốn sách cùng tên Họa sĩ Linh Chi – Sống trong nghệ thuật, người xem sẽ thấy tranh ông như một cuốn nhật ký, mỗi trang là một bức tranh. Ông vẽ bất kể những gì ông thấy, trước mắt, quanh mình. Ông vẽ hàng ngày, ghi chép, những bức tranh to bé khác nhau, những bức ký họa trên một tờ giấy tận dụng chỉ còn một mặt, những tờ bìa rọc vội. Những gương mặt người thân, bạn bè, gia đình, một dãy phố, một con đường quen thuộc, một cơn mưa mùa thu, một hồi chuông của buổi tụng kinh chiều từ chùa Chân Tiên… Tất cả đều tự nhiên, đều vốn là như vậy, giản dị, mộc mạc như bản tính của ông.

Vẽ như hơi thở, cũng là tự nhiên, vẽ như sống, vẽ là sống. Với họa sĩ Linh Chi, vẽ và sống là một.

12.2023

image

img423

img460

image

29

4

27

10

15

6

Comments are closed.