Về nghệ sĩ và nghệ thuật đích thực*

Hoan Doan

362691350_9699697943435293_8089374173468024415_n

Hoan Doan trong một trình diễn “dịch chuyển nội tâm tương tác ngẫu hứng” ở triển lãm Cái Đầu của họa sĩ

Nguyễn Ngọc Phương, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra hôm 25/07/2023

Nhiều người hỏi tôi, đời sống cá nhân có ổn không? Sao video art Cái Nô mới quay và trình diễn dịch chuyển nội tâm nào cũng tức tưởi, đau đớn, ám ảnh, dữ dội, lạc thần thế? Sao không làm cái gì đẹp, tươi vui, năng lượng tích cực? Làm những cái bi kịch năng lượng tiêu cực lắm…

Câu hỏi ấy khiến tôi liên tưởng tới những cô gái mới lớn cứ mải miết hỏi người yêu “Tại sao anh yêu em? Anh có yêu em mãi mãi không”?

Tôi chẳng thấy cái sự trang điểm chỉn chu cho hơn hớn rồi cười cười không có lí do trên sân khấu hay tạo hình đèm đẹp khiến mình xúc động.

Có gì mà cười, khi ngoài kia bao nhiêu sự bất công, khi tính mạng con người đương nhiên là quý giá và cần được bảo vệ nhất lại bị coi thường, chà đạp đến man rợ, khi kẻ hành pháp lại bẻ cong cán cân công lý và hành xử luật rừng, khi sự sống của bao người vô tội chỉ đang tồn tại phập phồng trong sự lưỡng lự của họ?!

Có gì mà cười? Khi hàng triệu người li tán tức tưởi, người ở lại thì vô gia cư trên chính tổ quốc mình?

Có gì mà cười? Khi những nhu yếu tối thiểu cho con người là không khí, nước và thức ăn đều bị nhiễm độc! Nói chi tới tự do xa xỉ, xa vời!

Có gì mà cười? Khi đất đai màu mỡ, thiên nhiên trù phú, khoáng sản và lao động dư thừa mà đồng bào tôi lũ lượt sang Nhật sang Hàn làm giúp việc, làm thợ hồ?

Khi những cô gái trẻ măng lơ ngơ đứng xếp hàng cho những lão già bên Trung cộng tuyển chọn về làm vợ…

Thành ra cái sự xinh đẹp, vui tươi mà bạn nhắc tới nó khiến tôi thấy giả tạo, phản cảm. Tôi thậm chí còn đặt câu hỏi về nhân tính và sự chính trực của người làm nghệ thuật, của giới trí thức ngủ gật khi họ chạy trốn hiện thực cuộc sống, tung hô ca ngợi nhóm lợi ích và ngậm miệng ăn tiền nên không thấy hổ thẹn khi đánh tráo khái niệm, tô vẽ đẩy thuyền những thứ sến sẩm hợp nhãn đám đông đói đa chiều lên thành văn hóa, thanh truyền thống, thành giá trị cần được bảo tồn…

Ừ thì, ai cũng cần cơm áo gạo tiền, lựa chọn làm nghệ thuật decor như một cái nghề mưu sinh cũng không sao, decor tới đỉnh cao cũng đáng được công nhận… nhưng, đừng đứng đó rao giảng đạo đức hay vỗ ngực tự mãn và coi mình là nghệ sỹ thành danh chỉ dựa trên số tranh, số show, số phim bán nhiều, chiếu nhiều và số tiền ting ting vào tài khoản. Bạn có thể rất thành công là người buôn nghệ thuật nhưng bạn chưa bao giờ và không bao giờ là nghệ sỹ!

Lại bàn tới quan niệm của nhiều người cho rằng nghệ thuật cứ phải vui, phải đẹp (theo cách hiểu là đối tượng được sáng tác phải kiểu gái xinh, hoa nở, chim hót, biển an, nhạc du dương, phim lãng mạn…) mới mang năng lượng tích cực ?

Thế lại phải bàn thế nào là năng lượng tích cực và cái gì làm ra năng lượng tích cực?

Ở đây tôi đề cập tới một ví dụ về danh họa Francis Bacon. Ngay từ thời điểm ông bắt đầu tổ chức triển lãm thường xuyên, vào năm 1945, đối tượng trong tranh ông là hình ảnh khuôn miệng la hét, mắt căng phồng bị bóp méo hay hiện tượng sưng vù trên cơ thể nhân vật.

Các tác phẩm ấy được Elena Crippa (giám tuyển triển lãm “All Too Human: Bacon, Freud and a Century of Painting Life”) mô tả như dấu hiệu của bạo hành, kèm theo đó là kết quả của sự thôi thúc không thể kiểm soát hay cảm giác bất an.

363318964_10163052169889968_3638685480992657561_n

Bức  tranh Cái Đầu, họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương trong triển lãm cùng tên

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, là thời gian xã hội Anh suy sụp cả về chính trị, văn hóa, xã hội. Những gia đình nghèo bế tắc, tan vỡ vì bệnh tật, khoảng cách và sự phân biệt giàu nghèo rõ rệt, nghiện ngập, bạo lực trong gia đình trở nên phổ biến, trộm cắp hoành hành, ẩu đả, tội phạm phát triển, thanh thiếu niên tự kỉ hoặc nổi loạn bỏ nhà đi bụi đời.

Nếu phong trào nhạc Punk ra đời ở Anh vào những năm 1970 trần thuật những mặt tồi tệ, xấu xa của con người và sự vật, thì tác phẩm của Bacon tương đồng với văn hóa ấy. Đó là thời gian xã hội Anh suy sụp cả về chính trị, văn hóa, xã hội sau chiến tranh thế giới thứ 2. Những gia đình nghèo hèn tan vỡ vì bệnh tật, sự phân biệt giàu nghèo gia tăng báo động, rượu chè bạo lực trong gia đình trở nên phổ biến, hiện tượng ăn cắp, phạm tội hỗn loạn, thanh thiếu niên từ bao gia đình bất hạnh bỏ nhà đi bụi đời. Punk nhanh và sắc bén hơn Rock’n Roll, và như tác phẩm của Bacon, toàn bộ đã chiếu ánh sáng vào thực tế đen tối của một tập thể gần như tan vỡ.

Vậy phong trào nhạc Punk hay những bức vẽ của Fancis Bacon đề cập tới những đen tối của văn hóa, xã hội, nó có đen tối u ám?

Năng lượng có tiêu cực ?

Câu trả lời là không! Chỉ những người đau đáu về nhân tính, giá trị sống và sự sáng tạo mới mang theo những ám ảnh ấy vào tác phẩm. Họ đương nhiên là người dũng cảm và dám đối diện, chắc chắn cũng là một tâm hồn nhạy cảm, đau trước cái đau nhân thế. Người nghệ sỹ như vậy lẽ nào lại mang trong mình năng lượng u ám và tiêu cực? Không! Đó nhất định là một tâm hồn đẹp đẽ và ngập tràn yêu thương, ở đâu có yêu thương ở đó mới có ánh sáng và năng lượng tích cực.

Quay lại cái hơn hớn đẹp đẽ vui tươi mà bạn đề cập với tôi. Nếu một người quay lưng lại với sự thật, bàng quan trước bi kịch của giống loài, liệu có đốm lửa nào thắp sáng nơi trái tim và khối óc anh ta hơn là sự lanh minh của kẻ cơ hội?

Vậy năng lượng và tinh thần anh ta gửi gắm qua nghệ thuật của mình là gì nếu không phải những thứ li ti vụn vặt, những năng lượng yếu ớt, u ám phát ra từ tâm thức của kẻ khôn lỏi?

Thành ra, muốn đọc năng lượng của tác phẩm nghệ thuật phải đọc tâm thức, tâm thế của người sáng tạo, hay nói một cách dân dã “người làm sao, của hao hao làm vậy”, chứ không phải nhìn những thứ hời hợt bề mặt, nó chẳng khác nào chuyện thầy bói xem voi.

Viết tới đây tôi lại nhớ tới việc nhiều thầy bà rỉ tai con chiên đệ tử “treo tranh là mang phong thủy về nhà, phải chọn sen, chọn hoa, chọn thiên nhiên yên bình thì mới có năng lượng tốt".

Vầng, cũng như rước tượng về nhà, cần biết đâu là tượng Phật do nghệ nhân có đủ hạnh và nhẫn tạc ra chứ không phải tượng được nhân bản hàng loạt bởi những con buôn, những ông thợ mà tay tạc tượng miệng niệm tiền.

Cẩn thận kẻo:

Tranh có năng lượng từ vũ trụ không treo lại treo mấy cái bùa chú chiêu tà.

Tượng Phật không thỉnh lại thỉnh tượng thằng thái giám ỡm ờ sáng tối.

Nhạc tâm linh mở ra bao miền năng lượng không nghe lại nghe nhạc mô nô tôn mà các vị gọi là êm ái, là thiền nhưng kì thật lại đưa người ta vào trạng thái hôn trầm chứ không tỉnh thức.

15 năm thực hành nghệ thuật, từng ngộ nhận về nghệ thuật và nghệ sỹ… thất vọng, trả giá và khao khát được làm nghệ thuật chân chính…, tôi nhận ra ở Việt Nam vô cùng hiếm hoi “nghệ sỹ đích thực”. Đó không chỉ là người có tài năng trời phú, tâm thức vượt ra khỏi những manh mún hẹp hòi, họ ý thức sâu sắc về vai trò với xã hội, cộng đồng, họ có nguồn năng lượng khổng lồ đủ để dắt đám đông khán giả bay tới những miền trải nghiệm khác mà tự thân khán giả không đủ sức để bay thông qua nghệ thuật, họ phá tan các gông cùm, khái niệm, định kiến trói buộc tâm thức con người. Nghệ sỹ đích thực là kẻ sáng tạo. “Chỉ có chúa mới có quyền năng sáng tạo".

Viết tới đây, tôi nghĩ đã trả lời đầy đủ cho câu hỏi của bạn.

Vâng, tôi chẳng thể cười cười không có lí do và làm nghệ thuật mua vui khi sâu thẳm trong tim mình, tôi khát khao đi tìm và mơ ước một ngày chạm được gót chân” nghệ sỹ đích thực" .

06/ 08/2023

Nguồn: FB Hoan Doan

* Tiêu đề do Văn Việt tạm đặt

Comments are closed.