Cuộc sống này có đáng để ta nghiêm túc hay không?

Phan Thị Hà Dương

image

 

Mười bốn năm trước tôi đã đọc Những mối tình nực cười[1], tôi đã viết về Edouard và Chúa, tôi còn định viết về “Chơi trò xin đi nhờ xe”, nhưng chỉ giờ đây khi tôi nghĩ về ẩn dụ “Nhà chinh phục” của Kundera thì bỗng nhiên như nở bừng ra trước mắt tôi những trang sách tôi đã đọc, mà ngày xưa sao tôi không nhận ra.

Tất cả các truyện ngắn trong tập truyện (tôi có thể lắm quên vài truyện, ai mà nhớ cho hết được) đều nói cùng về một điều thôi, và đều cũng là các dạng thức khác nhau của cùng một cốt truyện đó thôi. Tất cả những suy ngẫm, những lý giải về cuộc sống này đều thông qua cách diễn giải những cuộc tình (chẳng phải tình yêu là ngôn ngữ ta thể hiện cuộc sống hay sao).

Mỗi truyện ngắn là một hoặc nhiều cuộc tình. Và mỗi truyện ngắn đều đặt ra cái câu hỏi thiết yếu: “Cuộc sống này có đáng để ta nghiêm túc hay không?”.

*

* *

CHƠI TRÒ XIN ĐI NHỜ XE

Đây là một tuyệt tác, và nó thảm khốc vô cùng (nếu tôi dùng từ trớ trêu hay chua xót thì nhẹ quá). Chàng trai yêu nâng niu một cô gái, với tất cả vẻ thẹn thùng thanh tân của nàng, và anh đưa nàng đi một kỳ nghỉ hai tuần.

Chỉ là tình cờ thôi, xe dừng, và họ sẽ chơi cái trò vô hại: cô gái sẽ giả vờ xin đi nhờ xe của anh khi xe nổ máy. Chỉ là một trò chơi thôi.

Ôi những trò chơi, nó có thể hủy diệt con người hơn chính bản thân cuộc sống.

Cô gái vào vai một cô nàng lẳng lơ, còn anh vào vai một tay chơi. Rồi cuộc chơi cứ tiếp diễn với các đối thoại đưa đẩy, cô sẽ nói những lời lả lơi cô chưa từng nói, anh sẽ trả lời với thái độ bỡn cợt anh chưa từng làm với người thiếu nữ anh nâng niu. Nhưng làm sao đây có thể dừng cuộc chơi, nỗi bẽ bàng nào còn lại sau cuộc chơi? Bởi vì ngay cả khi cô đã khóc nức lên, đã đầu hàng, đã kêu lên “em là em, em là em” thì dư vị của nó vẫn còn nguyên đấy, thì 13 ngày còn lại của cuộc hành trình đã mất hết đi rồi sự nghiêm túc của cuộc đời.

Chính ở đây, người đàn ông, anh cũng đã mất, anh là kẻ thắng cuộc, anh là kẻ làm tổn thương cô gái, nhưng anh mất trắng. Trò chơi này mạnh quá, mạnh hơn chính cuộc đời. Bao lâu nay anh đã nghiêm túc, nhưng có đáng không? Toàn bộ sự nghiêm túc của tình yêu và cùng với đó của cuộc sống đã bị phá vỡ bởi một trò chơi.

Vậy cuộc sống có đáng để anh nghiêm túc vậy không?

*

* *

SẼ KHÔNG AI CƯỜI

Truyện kể về một nhà khoa học trẻ yêu một cô gái, tình yêu đẹp làm sao và vui nữa. Thế rồi có một nhà khoa học già (vợ ông ấy có quyền to lắm) viết một bài báo và cần có lời nhận xét của chàng trai trẻ kia. Bài báo chán chết, và anh không muốn viết. Cô gái tha thiết mong anh viết để họ được yên ổn, cô còn nói rằng chẳng phải anh đã luôn nói dối lia lịa thì nói dối thêm một lần nữa có sao đâu. Và anh trả lời:

Em biết không, em cứ nghĩ lời nói dối nào cũng giống nhau, nhưng em nhầm lẫn đấy. Anh có thể bịa đủ thứ trên đời, chơi xấu người khác, dựng lên đủ mọi thứ huyền thoại, làm đủ loại trò đùa, anh không hề có cảm giác mình là kẻ nói dối; những lời nói dối đó, nếu em cứ nhất định gọi chúng là những lời nói dối, chính là anh, là con người của anh; với những lời nói đó, anh không che giấu điều gì hết, khi nói những lời nói dối đó thực ra là anh đang nói thật. Nhưng có những điều mà anh không thể nói dối được. Có những điều mà anh biết đến tận chân tơ kẽ tóc, nên anh hiểu được ý nghĩa, và anh yêu quý. Anh không đùa với những điều đó. Nói dối về chúng sẽ hạ thấp chính bản thân anh, và anh không thể làm được, đừng đòi anh phải làm điều đó, anh sẽ không làm đâu.

Thế đấy, cuối cùng thì anh đã chê bài báo đó. Cuối cùng khi anh đến bên cô gái thì cô chua chát nói rằng anh đã không hy sinh, dù một điều nhỏ nhất, cho cô; và kết quả là chính anh sẽ bị đuổi việc; và cô cũng sẽ bỏ anh đi: “Nếu tôi muốn cho anh một lời khuyên, thì trong tương lai, anh nên chân thành hơn và đừng nói dối nữa, bởi phụ nữ không thể nào coi trọng một người đàn ông nói dối.

Khi đó, anh ngồi đấy, thấy quanh mình trống không băng giá. Ô hóa ra nó có thể diễn ra thật, cái bi kịch của đời anh. Nhưng trong phút chốc anh nhận ra rằng nó không thuộc loại bi kịch, mà đúng hơn là hài kịch. Và điều đó an ủi anh phần nào.

Chính là thế, Hài kịch hơn là Bi kịch. Ở nơi mà cái bi kịch của một đời người hóa ra là hài kịch, thì ở đó không có sự nghiêm túc.

Cuộc sống chẳng nghiêm túc chút nào khi anh, một nhà khoa học trẻ trung thực đến tận đáy với lòng mình, và đã tha thiết giải thích cho người con gái anh yêu chân thực đến đáy, mà vẫn không được hiểu, và vẫn không được chính người mình yêu nhìn nhận, thì thật ra cái nhìn ấy có đáng không? Và như vậy tình yêu ấy có đáng không? Và rút cục lại là cuộc sống này có đáng không?

*

* *

NGƯỜI CHINH PHỤC VÀ KẺ SƯU TẦM

Kundera viết về một bác sĩ, thời tuổi trẻ anh rất quyến rũ. Anh thông minh, và chắc là đẹp trai (có mấy ai thông minh mà không đẹp trai) và hài hước, hình như lạnh lùng chi đó nữa. Tuy anh có nhiều người tình, nhưng anh không dễ dãi trong chuyện đó. Mỗi cuộc tình với anh là một trải nghiệm mới, anh chinh phục họ bằng vẻ duyên dáng hài hước của mình, họ yêu anh phát cuồng lên và anh cũng vậy, anh cũng thấy sung sướng và say mê không kém. Chỉ có điều khác họ là anh nhanh chán thôi. Anh không chỉ muốn người tình mới mà muốn cuộc yêu phải hoàn toàn mới, những cảm xúc mới. Nhưng dù sao trước khi chán thì mỗi cuộc tình vẫn mang lại cho anh hạnh phúc, anh học về cuộc sống, anh khám phá chính bản thân mình qua cách anh làm mới những cuộc tình.

Vị bác sĩ ấy, xuất hiện trong một truyện ngắn khác, buồn thay khi đã già. Thực ra là anh cảm thấy mình già đi thôi, chứ ở tuổi trung niên anh vẫn còn hấp dẫn lắm. Nhưng là phụ nữ thấy anh hấp dẫn thôi, còn bản thân anh, thì anh thấy mình không còn là nhà chinh phục, người tìm những miền đất mới như trước kia nữa rồi. Giờ đây anh nghĩ về những kẻ sưu tầm như người ta sưu tầm tem. Sưu tầm tem thì không khó, không mất nhiều năng lượng lắm, chỉ cần lặp đi lặp lại một vài kỹ thuật quen thuộc. Số người tình có thể tăng lên, những người tình có thể khác nhau về màu tóc, thậm chí màu da, và tất nhiên cả tuổi tác tính cách nữa, nhưng bản thân cảm xúc mà người đàn ông có thì không khác: vẫn là sự cố gắng khôn ngoan ấy khi bắt đầu, sự khoái chí ấy khi thành công và sự chán nản ấy khi kết thúc.

Vị bác sĩ (chưa) già cảm thấy chán, cảm thấy tuổi trẻ của mình đã qua rồi. Còn đâu năng lượng lòng hân hoan niềm cảm hứng của nhà chinh phục khi xưa, mỗi ngày lại là một bước đi trong tâm hồn mình?

Còn đâu một bông hồng chờ chú bé hoàng tử đến chăm nom, trái đất phủ đầy những cây bao báp mất rồi. Có đáng để ta nghiêm túc nữa hay không?

*

* *

EDOUARD VÀ CHÚA

Đây là truyện cuối cùng, và đây là truyện duy nhất Kundera nói trắng ra cái ý nghiêm túc hay không nghiêm túc. Đây là nhát chém căng nhất và xót nhất.

Edouard là giảng viên bị đuổi việc khỏi trường đại học vì một lý do nực cười nào đó.

Edouard yêu một cô gái và nàng cũng yêu anh. Anh muốn được yêu nàng trọn vẹn cả tâm hồn và thể xác, nhưng nàng theo đạo, và vì nàng rất đoan trang nên nàng từ chối. Anh đã làm những điều kỳ diệu nhất, chân thành nhất để nàng đồng ý, nhưng nàng vẫn luôn từ chối.

Vậy nên Edoaurd nghĩ ra mẹo, anh giả vờ yêu Chúa. Nhưng không chỉ là yêu Chúa theo cách những kẻ thông thường sẽ thầm cầu khấn tên người, mà Edouard yêu Chúa đến độ lời anh im bặt trước cõi lòng anh run rẩy vì cảm xúc. Cô gái trong trắng ngây thơ đã bị anh lừa, nàng tin vào tất cả những lời nói dối của anh, nàng cảm động khôn xiết và nàng đã đồng ý với lời đề nghị tha thiết của anh – một kẻ vì nàng mà giờ đây đã yêu Chúa hơn cả nàng yêu Chúa.

Nhưng hỡi ôi điều bao năm qua Edoaurd ao ước và giờ đây đã có được, trong phút chốc làm anh thấy phát lộ ra toàn bộ sự không nghiêm túc của Cuộc sống này. Tình yêu chân thành đến đáy của anh, lòng khao khát thờ phụng nàng của anh đã không được đền đáp, trong khi một trò đùa bỡn cợt Đức Chúa trời của anh lại mang đến kết quả.

Edouard không thấy cuộc đời này đáng để nghiêm túc, và điều đó đã được Kundera nói trắng ra như sau.

Edouard nói với anh mình:

Em biết anh vẫn luôn là người ngay thẳng và anh tự hào về điều đó. Nhưng anh cứ tự đặt cho mình một câu hỏi đi: Tại sao lại phải nói sự thật? Điều gì buộc chúng ta làm vậy? Và tại sao lại phải coi sự thành thực như một đức hạnh? Cứ thử tưởng tượng anh gặp một kẻ điên cứ tự nhận mình là cá và rằng tất cả chúng ta đều là cá hết. Anh có cãi nhau với hắn không? Anh có tụt quần áo ra trước mặt hắn để cho hắn thấy là anh không có vây không? Anh có nói thẳng vào mặt hắn những gì anh nghĩ không? Nào, nói cho em biết đi!

Anh trai anh im lặng, và Edouard nói tiếp: “Nếu anh chỉ nói với hắn sự thật, chỉ những gì anh thực sự nghĩ về hắn, thì điều đó cũng đã nói lên rằng anh đồng ý thực hiện một cuộc tranh luận nghiêm túc với một thằng điên và bản thân anh cũng điên. Cũng y hệt như vậy với thế giới xung quanh chúng ta. Nếu anh cứ khăng khăng nói sự thật thẳng vào mặt nó, thì điều đó cũng có nghĩa là anh coi nó là nghiêm túc. Và coi một thứ ít nghiêm túc như thế là một cái gì đó thực sự nghiêm túc, thì tự bản thân anh cũng mất đi toàn bộ sự nghiêm túc của mình. Còn em, em phải nói dối để khỏi phải coi những kẻ điên là nghiêm túc để rồi chính em cũng phát điên luôn.

*

* *

CHÚNG TA THẤY GÌ KHI EDOUARD KHÔNG NGHIÊM TÚC?
Chúng ta buồn, điều đó rõ như ánh mặt trời. Nhưng chúng ta vẫn cười, vì tất cả những câu nói dối của Edouard đều rất tinh tế và thậm chí đáng yêu. Và chính vì thế mà ta khó chịu vô cùng khi đọc Kundera.

Nhưng chúng ta sẽ không nói về sự khó chịu ấy nữa. Chúng ta nói về nỗi buồn. Nỗi buồn này xuất phát từ một xót xa vô tận cho Edouard, như một thiếu niên, và cho cuộc sống, như một thiếu nữ.[2]

Edouard sống ở một xã hội khi những ánh mắt soi mói cú vọ rình rập người ta ở khắp nơi, kể cả những phút riêng tư bên người yêu, khi một người nghiêm túc có thể bị tống cổ khỏi trường đại học vì bị gán cho tội cười vào sự tôn thờ chủ nghĩa (một cách nực cười) của kẻ khác, khi con người tử tế nào cũng có thể phải trình diện trước một tòa án to hay nhỏ (như hội đồng trường chẳng hạn), và thay vì trình bày lẽ phải để chứng minh mình vô tội thì người ta đã cúi đầu nhận tội như một con cừu non, và xin hưởng lượng khoan hồng.
Có thể sự nhận tội ấy rất nực cười, có thể Edouard đã khoái trá cười trong lòng. Nhưng cũng hoàn toàn có thể là nỗi lo sợ âm thầm của xã hội đã đè nặng lên tâm trí anh. Và dù nực cười hay không thì ta vẫn chua chát nhận ra rằng lựa chọn sự không nghiêm túc là cách mà nhiều trí thức đã phải làm.

Vâng, chắc chắn rằng Edouard đã có những giây phút vô cùng khoái trá. Nhưng ta thấy đời Edouard là một cuộc đời bỏ đi. Và ta tiếc.

Ừ thì ta tiếc, nhưng suy cho cùng cũng chẳng nên tiếc nhiều vì Edouard tự chọn đời mình, và Edouard cũng chẳng khiến ta tiếc thay cho Edouard.

Nuối tiếc to lớn hơn ta dành cho cuộc sống. Ta tin chắc rằng có những con người thông minh, và hẳn là cũng vô cùng nhạy cảm (vì họ hài hước), nhưng họ đã ra đi, hoặc sẽ ra đi. Như cánh chim vụt bay qua bầu trời[3], không để lại dấu vết. Vì xã hội mà họ rơi vào đã không mang đến cảm hứng cho họ để họ nghiêm túc (hay không cho phép họ sống nghiêm túc). Họ đã đến với cuộc sống này với dáng vẻ không nghiêm túc của mình. Và họ chẳng bao giờ tỏa sáng.

Và vậy đó, cuộc sống đã để vuột mất một ánh sáng mà đáng ra có thể có[4].


[1] Những mối tình nực cười – tập 7 truyện ngắn của Milan Kundera. Cao Việt Dũng dịch. Nhã Nam & NXB Văn học, 2009.

[2] Nhớ một câu trong Bác sĩ Zhivago:
“Anh xót xa vô hạn cho mình, một thiếu niên, và cho em, một thiếu nữ”

[3] Nhớ một câu hát:
“Như cánh chim bay qua bầu trời, mong gì còn gặp lại nữa đâu”

[4] “Anh đã mất em

Lẽ ra là được

Anh chẳng có em

Lẽ ra có được”

(Phạm Đức)

Comments are closed.