Dâm tà và hậu hiện đại

Thụy Khuê

Hai bài viết mới đây của Đặng Thơ ThơTrần Thị NgH trên Da màu làm tôi chợt tỉnh, sau cơn mơ dài lao mình vào biên khảo, quần thảo với sự ngụy biện của các thừa sai, học giả, và thực dân, đã độc quyền thao túng lịch sử cận đại Pháp-Việt, trong hơn một trăm năm nay.

Sự lai tỉnh mang tính cách đớn đau và khâm phục, đặc biệt năm người phụ nữ mà NgH mô tả với hình ảnh đi kèm. Tôi thấy họ có nét giống chị tôi, người chị 16 tuổi, chạy loạn, tay dắt đứa em trai 7 tuổi, vai gánh bé gái 5 tuổi, là tôi. Một bên đòn là gánh gạo, bên kia là đứa nhỏ. Người con gái vị thành niên đi đất, mỗi bước năm ngón chân như năm gọng kìm quặp xuống bờ ruộng trơn như mỡ vì trời mưa và đêm tối, trăng đi vắng nên không có bom. Không hiểu chúng tôi đã đi trong bao đêm như thế từ vùng quê Nam Định lên Hà Nội. Chị tôi cũng không nhớ.

Đã 75 năm trôi qua, đứa nhỏ không bao giờ quên ơn cứu tử, nhưng chị mình thì không phải cám ơn, bởi là lẽ tự nhiên. Có một điều chắc chắn: kẻ nào xúc phạm đến chị nó: Liệu hồn! Đó là lời tâm niệm của con bé 5 tuổi, và từ những ngày đó, đứa nhỏ chưa hề gặp kẻ mà nó dọa liệu hồn, trong 75 năm sống đã qua.

Một thế giới mới được mở ra với những lời đối thoại lạ lùng của Nguyễn Viện:

"Lão xài em như con vật" (Mưa nước bọt)

"Má mì nói làm cho đàn ông sướng cũng là một thành công" (Mưa nước bọt)

"Cô cúi đầu nhẹ nhàng bảo em còn trinh" (Sinh ra từ trứng)

"Trong mỗi người đàn bà đều tiềm tàng một con đĩ" (Kẻ vắng mặt)

Chẳng cần nói, ai cũng biết người viết có trọn quyền hư cấu, nghiã là muốn nhét vào miệng nhân vật lời gì mà mình muốn: Nhưng những lời đã viết ra, luôn luôn biểu hiệu một cái gì.

Những câu trích trên đây, đầy rẫy trong truyện của Nguyễn Viện, có thể coi là tuyên ngôn tư tưởng của tác giả, bởi nó ẩn hiện trong các tác phẩm của ông như điều kiện xác định phẩm cách người phụ nữ.

Tất nhiên, một tác giả có quyền viết những lời thô tục nhất, phi lý nhất. Nhưng phải chịu trách nhiệm về những điều mình viết.

Đôi khi, chỉ một chữ hoặc một câu, có thể xoá hết những gì mà tác giả xây dựng trong suốt cuộc đời chữ nghiã của mình.

"Lão xài em như con vật", lời người đàn bà là vợ lão, thể hiện sự chấp nhận làm con vật của kẻ nói ra câu này.

"Má mì nói làm cho đàn ông sướng cũng là một thành công", người phụ nữ nói câu này nhìn nhận việc làm cho đàn ông sướng là một thành công.

Cô cúi đầu nhẹ nhàng bảo em còn trinh, là một hành động quy phục, hạ thấp nhân phẩm. Bởi không ai có quyền hỏi ai câu đó, trinh tiết thuộc điạ hạt thiêng liêng của con người, mà người ngoài không có quyền nhòm ngó.

Trong mỗi người đàn bà đều tiềm tàng một con đĩ là một nhận định sâu xa, rộng lớn và ngu xuẩn, phỉ báng toàn bộ phụ nữ, trong đó có cả mẹ người đã viết ra câu này.

Như vậy, chữ nghiã phản bội tác giả trong chiều sâu xa nhất, mà đôi khi tác giả không ngờ.

Sự hạ nhục người phụ nữ không mới mà cũng không hậu hiện đại. Nó cũ như trái đất, như Thánh kinh. Trong Thánh kinh, người Do Thái đã bịa ra câu chuyện đàn bà là cái xương sườn của đàn ông và "sự thật" ấy vẫn còn được truyền giảng đến tận bây giờ. Bằng chứng là những người đàn bà trong truyện của Nguyễn Viện còn tệ hơn nữa: họ nhận họ là con vật, lấy việc làm cho đàn ông sướng là… một thành công. Tóm lại, tất cả đều là… đĩ. Tại sao?

Bởi vì, người đàn bà, đến thế kỷ XIX, mới bắt đầu được đi học. Ở Việt Nam, muộn hơn, phải tới đầu thế kỷ XX.

Trong hai mươi thế kỷ, thế giới đã mất đi một nửa tiềm năng kiến tạo văn minh.

Sự tiến bộ, rất chậm, hay nói thẳng ra là sự giật lùi, của quần chúng nam giới Việt Nam, là hậu quả của của việc đi học muộn màng này. Quả vậy, một số thiên tài văn chương nam giới nước ta, vì không được mẹ dạy dỗ đến nơi đến chốn, nên họ khinh bỉ luật pháp, không thèm biết rằng những bạo hành, hãm hiếp, ấu dâm, loạn luân… ở các nước như Pháp, Việt, đều bị kết tội tù giam. Vì thế, họ, tức là người viết, đã dùng những bạo hành, bạo lực, ấu dâm, loạn luân như một "nghệ thuật" và họ, người đọc, người phê bình, đã hả hê sung sướng, hồ hởi ca tụng là mới lạ, là hậu hiện đại, là phản kháng… Còn người đọc bình thường, vì "tự do, dân chủ", không dám dùng đạo đức để lên án.

Tôi có người chị thứ nhì, vụng về, chậm chạp. Khi còn ở nhà, chị rất lười, thường trốn việc. Lấy chồng, chị sinh được bốn đứa con trai. Khi chồng đi cải tạo, chị xốc vác mọi việc, vừa làm mẹ vừa làm cha, sáng dậy từ 5 giờ sáng ra chợ bán hàng, nuôi bốn thằng con đang tuổi lớn, chạy tiền cho chúng đi di tản. Bốn thằng con trai vượt biển thành công. Chị đợi chồng ra khỏi trại cải tạo, đi cùng. Anh chị tôi chết trên biển, không biết vì bão hay cướp biển. Tôi không biết phải căm thù ai? Bọn cướp biển Thái Lan hay cộng sản? Hai thứ này đều vô hình. Các cháu tôi ở ngoài Bắc đều là cộng sản. Cô gái Bắc Ninh hát quan họ mê hồn trong quán nước bên đường cũng là cộng sản. Chắc phải lựa kỹ mới kiếm ra được kẻ thù.

Hiện giờ, dòng chữ: Trong mỗi người đàn bà đều tiềm tàng một con đĩ hiện ra trước mắt tôi, đi lại thách thức, như kẻ thù đã đại thắng. Đúng hơn, như sự phỉ báng sâu xa trước linh hồn chị tôi. Chị vụng về, hay bị thầy tôi mắng, vậy mà đã xả thân nuôi bốn con trong 10 năm, đợi chồng về. Đời chị không có đá vọng phu. Đời chị có nhiều hạnh phúc, hy sinh và oan trái. Tôi sẽ giấu đến tận cùng không bao giờ cho chị đọc "câu văn" trên đây. Và tôi mong bốn thằng cháu trai của tôi, không bao giờ đọc những "câu văn" như thế. Mà có phải là văn chăng? hay chỉ là sự phạm thượng thô thiển.

Có những dòng tác giả viết khơi khơi: "Bỗng nhiên tôi muốn bóp cổ cô ấy… Tôi muốn văng tục chửi thề…" chữ muốn ở đây không có nghiã muốn mà có nghiã là đã, vì vậy Đặng Thơ Thơ mới có cảm tưởng ngộp thở như bị bóp cổ.

Ở đây, mọi hình thức tội ác đều được thể hiện tự nhiên như ăn và thở, bởi vì Nguyễn Viện đã đồng hóa tội ác với luật pháp: "bất cứ tội ác nào cũng thô bạo dơ dáy như cái nhìn vô cảm của luật pháp", nên ông không mảy may lo lắng bị kết án, ở tù. Chính hình thức tung hoành tội ác một cách tự do đã làm cho Thơ Thơ ngộp thở.

Ở đây, ấu dâm trá hình dưới dạng văn chương:

"Giống như con gà con tìm được đôi cánh của mẹ, nó vui sướng ẩn nấp trong cánh tay người đàn ông xa lạ. Rồi trong cơn mưa của trời đất có một cơn mưa khác ấm áp hơn và nồng nhiệt hơn đã rơi xuống trên cánh đồng ngô, rơi xuống trong tử cung của cô bé."

Những dòng chữ thơ mộng này không giấu được hành động ấu dâm của người đàn ông xa lạ. Tồi tệ hơn, người viết đổ cho đứa bé "vui sướng" trong cánh tay thủ phạm, nó tiếp nhận tội ác như ơn mưa móc rơi xuống từ trời!

Sự pha trộn loạn luân truyền kiếp với tội ác sát nhân trong cuộc (làm) tình tay ba: tôi, Bội và cô ấy (mẹ Bội). "Bội nói: em muốn có con với anh. Tôi cười. Cô ấy cũng cười, anh liệu mà chiều nó" (Happy birthday). Bội có thể là con của cô ấytôi. Và cuối cùng, tôi muốn hay tôi đã bóp cổ cô ấy. Những nhẹ nhàng trong lời văn không lấp liếm được những ẩn ý vô luân nấp sau câu chữ.

Nhân danh tranh đấu cho tự do, dân chủ, người ta có thể đem cả tuyệt tác của tiền nhân ra hãm hiếp, như tạo ra nhân vật Mã Kiều Nhi trong Đĩ thúi:

"Khi lính Tây xông vào nhà, Mã Kiều Nhi đang ngồi đan áo, nàng vội vàng đứng lên định cởi quần hiến dâng ngay". Nàng "kéo đầu từng người ép vào hĩm nàng". "Và đến khi bước vào thế kỷ 21, Mã Kiều Nhi đã trở thành đĩ quốc tế".

Đối với Nguyễn Viện, trên thế gian này, một nửa nhân gian là đĩ, cho nên nguồn cảm hứng có thể dồi dào đến vô tận, khiến các nhà phê bình mặc sức mà viện dẫn mọi lý thuyết tân kỳ, để làm sáng tỏ chân lý chống cộng, tự do.

Nhưng họ không biết rằng, tình yêu là thực chứng rõ nhất của tự do và bình đẳng, từ thủa hồng hoang. Khi người nam coi người nữ là dục vật, họ đã phá vỡ quan hệ bình đẳng đó, nên nghệ thuật và tư tưởng bị tiêu diệt. Tình yêu không còn. Nhân loại sụp đổ.

Paris ngày 11-6-2023

Comments are closed.