Tản mạn văn hoá văn nghệ và… văn gừng (22): Một góc nhìn về truyền thống văn hoá và Phật giáo Nhật Bản

Nguyễn Thanh Văn

CHỦ NGHĨA DUY MỸ NHẬT BẢN VỚI PHẬT PHÁP VÀ PHẬT GIÁO

Tinh tuý Phật giáo Nhật Bản gồm cả phần triết lý có bao trùm cả nỗ lực làm đẹp Đạo (Chân Lý) bằng quá trình “Zen-hoá” hay không?

Có ít nhất ba câu hỏi đi kèm:

1. Zen có là tinh tuý Phật giáo (bản tiếng Việt thường dịch từ “essence” là cốt tuỷ) hay không?

2. Triết học có là mặt mạnh của người Nhật? Vậy người Nhật tiến hành phản biện công khai và thẳng thắn như thế nào và đã được tiến hành nghiêm túc hay chưa?

3. Cái Đẹp có đồng hoá được với khái niệm Satori – Giải thoát? Nó đã được kiến giải minh bạch và mời gọi đối thoại hay chưa?

Nêu để nhắc lại hơn là để tranh biện. Vả lại, hướng lập luận của người viết đây đó tương đối rõ, nhất là với hai câu hỏi trên. Nhiều đoạn sau đây – cố gắng không quá sính trò trừu tượng hoá – chỉ để làm rõ câu hỏi thứ ba hơn mà thôi.

Một mảnh trời của Phật giáo nhầm thành toàn thể bầu trời và xét cho cùng như tôi cố tình láy lại nhiều lần, dù không nhầm lẫn, nghĩa là Zen hay Thiền Nhật Bản có hiểu với tinh thần Phật giáo đi nữa thì đó là tên của một tông phái và khi chỉ là một tông phái thì dù là 10 Lâm Tế hay 10 fan tài hoa nhiệt tình của ông như Suzuki cũng không đồng nghĩa với Phật giáo, và càng không đồng nghĩa với Phật pháp được.

Bất cứ tông phái nào trong thực nghĩa đại khái là những con kênh khơi ra từ biển Chánh Pháp và đều nằm trong quy luật thành hoại, vơi cạn. Chớ quên lời Giáo Chủ đến biển Chánh Pháp trong thế giới của chấp trước cũng vô thường, cũng không ra ngoài lẽ thành hoại, nói chi một dòng sông hay kênh rãnh! Quan trọng hơn nữa là cần phân biệt một tông phái xuất hiện là sự thường tình, đơn giản vì xét từ bản chất, gốc gác tông phái là sự giải thích (chủ quan) của một đạo sư, luận sư trong truyền thống hay một giáo sư, học giả như ta quan niệm trong hiện nay – có chủ trương triết học tất có các cách giải thích khác nhau – về chính Giáo Pháp do Đức Phật khai mở với tiếng nói cuối cùng về giá trị, bản ý của Ngài. Từ sự bình thường – giới thiệu một cách nhìn, một cách giải thích dưới danh xưng tông phái – tới kết luận cách lý giải của tông phái mình là siêu việt nhất, xác thực nhất là hai cái khác nhau. Chân lý là một, Chánh Pháp từ cửa miệng Giáo Chủ trực tiếp thuyết pháp, may mắn thay, được đọc tụng, ghi chép và gìn giữ được mà đại tông phái và tiểu tông phái thì hàng chục, nếu không nói là hàng trăm; vậy quyết tông phái của tôi, thầy tôi – xin lặp lại cũng có nghĩa là cách hiểu của riêng tôi, cách giải thích riêng của thầy tôi – là mẫu mực đệ nhất, là tối thắng, là duy nhất đúng thì nghe qua đã khó thuyết phục, chủ quan và phi logic.

Lại vụ quốc tịch hoá Chánh Pháp – vốn liên quan xa gần với chuyện bàn ở trên – cũng rất là bất ổn. Ai cũng có quyền đưa ra quan điểm triết học của mình, thậm chí có gan, có trí thì thành lập tôn giáo có mình đứng vị trí giáo chủ. Vấn đề là phải minh bạch. Ngày nay photocopy một chương sách của một tác giả có bản quyền đã có thể bị khởi kiện, không rõ vì sao lại có chuyện cho phép nhóm mình, tập thể chùa ta cứ thế mà khai triển ý riêng này, xoá Giáo Pháp của Bậc Giáo Chủ – Đức Phật lịch sử, ngược bản ý của Đấng Giác Ngộ mà vô tư ngợi ca nhau và vô tư lờ tịt cho nhau những sai trái tày trời, những kết luận ngoài sức tưởng tượng. Không phát triển ý đầy đủ ở đây, tôi mạnh dạn hứa rằng sẽ có trao đổi công khai và mời gọi đối thoại từ các nguồn về những tồn đọng cả thiên kỉ, liên quốc độ liên quan những vấn đề cực lớn, cực hệ trọng của Phật pháp và Phật giáo mà một Tuyên Bố dù minh bạch và sáng suốt của một Đại Hội đã chứng minh là không đủ mạnh và chỉ đơn giản chờ đợi thiện ý tự nguyện của các giáo phái cùng hy vọng vào bùa vạn năng “vô ngại viên dung” là không thực tế. Còn chuyện dấm dúi lấy nhu cầu tín ngưỡng của đại chúng tín đồ bình dân làm đệ nhất tiêu chuẩn và tiêu chí thì – than ôi! – còn gì là Đạo Tuệ và ý nghĩa việc Đản Sinh và Thành Đạo của Đức Thích Ca! Không lẽ phải nói rõ là những dựng đài, tô tượng, thần chú, trai đàn, hội lễ thì ngay trước thời Đức Phật và trong thời Ngài, Ấn Độ đã bày biện không thiếu thứ gì, mà có ngăn được bước Tượng Pháp và Mạt Pháp của tôn giáo này hay vinh danh được tôn giáo nọ hay không!

1. VỀ CÁC NỖ LỰC QUỐC TỊCH HOÁ PHẬT GIÁO

Chỗ cần bàn ngay là các chủ trương công khai việc tôi gọi là quốc tịch hoá Phật giáo. Xin thưa ngay rằng Đức Phật chưa hề đề cao khái niệm dân tộc và trong Phật pháp, Kinh kệ không có chủ đề dân tộc. Một vị Giác Ngộ đau đáu cho vết thương phân biệt giai cấp đang rỉ máu trong xã hội Ấn Độ cổ đại cũng không và càng không tán thán một khẩu hiệu dân tộc nào. Về bản chất, tâm phân biệt dân tộc, quốc gia cũng là phân biệt giai cấp. Đạo Phật là đạo của nhân loại, có tính quốc tế từ bản chất (chưa cần bàn lòng Từ Bi và Chánh Pháp đặc trưng của Phật giáo mở rộng ra thế giới, vũ trụ và muôn triệu chủng loại chúng sanh). Nghiêm túc với khái niệm “dân tộc” là việc của công dân – Phật tử! Nó liên quan tới thế đạo – và có thể tiếp cận, lý giải với tâm nghiêm túc, nhưng không phải là một chủ đề trong Phật pháp, do Phật pháp quyết định (còn chuyện các luận sư hiện đại, thực tế là những nhà hoạt động tôn giáo cộng đồng, đưa mọi chủ đề vào lịch hoằng pháp thì không có chi lạ –, đó là một thủ thuật tuyên truyền hay sư phạm có tính thường thức; mặt khác, có tu sĩ chuyên bàn cả hạnh phúc gia đình, kết bạn một cách say sưa, chuyên nghiệp và chỉ chừa phần hạnh phúc chốn phòng the nữa thôi). Phật giáo không lập đảng phái, cần từ bỏ giấc mơ đạo nhà là Quốc Giáo và một tu sĩ Phật giáo nhất thiết không thể là một chính trị gia chuyên nghiệp, tất cả đều có hại cho không khí chính trị – xã hội lành mạnh và xin thưa cầm chắc có hại cho chính việc tu hành của bản thân. Có dịp xin được cởi mở thảo luận về chủ trương và hiện tượng Việt Nam hoá Phật giáo của một số danh sĩ trong giới trí thức Phật giáo Việt. Những chủ đề Phật giáo và Dân Tộc, Phật giáo và chính trị qua các thời kỳ lịch sử cho tận hôm nay, việc đánh giá vai trò của Phật giáo trong văn hoá Việt Nam, những tiêu chuẩn đánh giá Phật giáo dưới góc nhìn lịch sử và nhãn quan hiện đại, có nên yên tâm với vài giáo án và nối dài thêm giáo án cũ hay ôn tập mọi ý kiến đã có, đưa ra những câu hỏi mới và tra vấn từ vốn liếng và tư liệu hiện đại! Có gì bổ sung và trang bị thêm cho một thế hệ các nhà Phật học tương lai không?

ẤN ĐỘ HOÁ PHẬT GIÁO

Khi các luận sư Bà La Môn tự tín đạo Phật chỉ là một nhánh tư tưởng Bà La Môn giáo, Đức Thích Ca được xếp là một vị thần trong điện Panthéon của họ, thì thực chất đấy là bắt nguồn ý chí Ấn Độ hoá Phật pháp và Phật giáo. Nhưng nỗ lực làm biến dạng bộ mặt Phật pháp và Phật giáo đầu tiên sẽ không đạt được nếu không có bàn tay trong của Phật giáo Ấn Độ. Phật giáo Đại Thừa (Mahayana) trong nỗ lực thoát ra tình hình mà họ cho là trì trệ và sai lạc bản ý của Đức Phật của phái họ gọi có phần khinh thường là Tiểu Thừa (Hinayana) – thật ra bức tranh thật sự của xen chia rẽ này chưa hề được tái dựng minh bạch và trung thực (có vẻ như nó không khốc liệt như chúng ta tưởng và dù dè dặt, có thể nói các ngôn ngữ nặng nề, dứt khoát vào đời sau có thể do các vụ xung đột bản vị có hơi hướm quyền lợi tập đoàn chủ nghĩa – trong trường hợp xấu nhất là muốn giành sự ủng hộ và tài trợ của cánh vua chúa – hơn là thật sự do lý do giáo pháp mà việc các cuốn du ký của các nhà sư Trung Hoa cho biết thời kỳ sau Thiên Chúa giáng sinh nhiều thế kỷ, hai cộng đồng Theravada và Mahayana vẫn tu học chung trong một ngôi chùa hay một khu trung tâm Phật giáo và việc các tu sĩ Đại Thừa vẫn thừa nhận Thánh Điển Nguyên Thuỷ nói lên điều này).

TRUNG QUỐC HOÁ PHẬT GIÁO

Rồi bước ngoặt khi Phật giáo Trung Hoa thời Bồ Đề Đạt Ma chuyển qua Huệ Năng hoá, tiếp tục với slogan “ngoại giáo biệt truyền, bất lập văn tự” một cách quyết liệt hơn với miệng lưỡi của Thân Hội, dù mỗi ngài – Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Năng – hoá ra đều kè kè một tập kinh – không Lăng Già thì Kim Cương – kèm các giáo lý mà ngay những nhà nghiên cứu phương Tây đến với triết học và tôn giáo phương Đông rất muộn vào thời hiện đại cũng ngửi được mùi Lão giáo. Và không đợi lâu, người Trung Hoa công khai và khoái trá cho biết cái lõi của Thiền tông là tư tưởng Lão Đam và người Trung Quốc đã hoàn thành sự nghiệp Trung Quốc hoá Phật giáo. Người Nhật học Phật pháp nhưng thực chất là học giáo lý các tông phái của Trung Hoa, kể cả Thiền tông và nội dung Thiền. Vậy việc họ tự mô tả “Phật giáo Nhật Bản là Phật giáo Tông Phái” là theo gương của Phật giáo Trung Quốc, không phải đặc thù, độc sáng Nhật Bản gì cả.

NHẬT BẢN HOÁ PHẬT GIÁO

Cái độc đáo của Phật giáo Nhật Bản – có thể nói là Nhật Bản hoá Phật giáo cho hợp với ý niệm quốc tịch hoá tôi đang phát triển – là đạo Phật được quốc gia hoá và chính trị hoá ngay từ trứng nước, nghĩa là ngay khi triều Suiko – Shotoku chấp nhận xây dựng Phật giáo thành quốc giáo. Tu sĩ Ấn Độ gặp nghi ngờ của quan lại và chống đối của Nho sĩ khi truyền đạo vào Trung Quốc và tu sĩ Trung Quốc có truyền thống xem chuyện tu tập, hoằng pháp là độc lập với chính quyền. Thái độ của họ – sư sãi Ấn và Hoa – với vua quan cơ bản là e dè, không phản đối, không lân la –, tạm không đề cập các hiện tượng đời sau và các trường hợp cá biệt. Trong khi đó ngay lúc ban sơ, tu sĩ Phật giáo Nhật du học, tu tập, lập chùa gần như nhận lệnh của triều đình và họ thực hiện sứ mạng với tư cách thần dân của Thiên hoàng hơn là người tầm giải thoát. Điều này nói lên nhiều điều. Còn điều người viết muốn kết luận là Đạo Phật không phải là một tôn giáo của slogan dân tộc. Mọi nỗ lực quốc tịch hoá Phật giáo thường được xướng lên để mị dân và đặc biệt để mị… vua, hay nói nhẹ một tí, chỉ là cách hạ bình diện theo kiểu tuyên giáo cho dễ lọt tai và hợp “căn cơ” người nghe. Lịch sử Phật giáo và thực trạng và hệ quả việc quốc gia hoá Phật giáo – mà thực chất là ý chí kềm cặp, nếu không nói là lợi dụng – là điều có thể kiểm chứng. Riêng ở Việt Nam, cái vế cuối “xã hội chủ nghĩa” (Đạo Pháp – Dân Tộc – Xã Hội Chủ Nghĩa) lại thêm sự áp đặt vừa sỗ sàng và hoàn toàn phi-logic. Đã không thể là một dạng dân tộc hoá, phải chỉnh sửa cho hạp nhãn một đấng quân vương cụ thể, Phật giáo càng không thể gắn bó sinh mệnh cho các chủ nghĩa sáng nở tối tàn. Không phải vì ngã mạn hay tranh giành ảnh hưởng với thế quyền, thế đạo, mà đơn giản Phật pháp của Đức Thích Ca không có tư tưởng ta địch, phân biệt tư sản vô sản khi hoằng pháp cho chúng sanh dù là chúng sanh tổng bí thư hay chúng sanh phu khuân vác hay chúng sanh đối lập chính trị. Phật giáo không cần gia nhập khối liên kết với quốc độ, thế lực chính trị nào nếu không tự mình biến chất và chết chùm với đối tác liên kết. Đứng dưới một ngọn cờ chính trị xu thời hay một khẩu hiệu thế đạo nhất thời là con đường tự sát của tôn giáo. Đại khái cũng như một người cầm bút của tự do và sáng tạo tuyên bố hoặc bị ép buộc đứng dưới sự lãnh đạo của bất cứ một đảng chính trị nào – mà tệ hại nhất là độc đảng!

Dù gì thì gì, để còn được công nhận như một chân lý tương đối, phù hợp căn cơ ai đó trong không gian, thời gian nào đó thì một pháp môn phải tìm chỗ dựa hay điểm xuất phát trên nền Chánh Pháp vững chãi, sâu xa của Đức Giáo Chủ, sao lại để hiện tượng còn các bậc trí thức Phật giáo có thể giả lơ với cội nguồn Thánh Điển y như ngại chào hỏi người bà con nghèo! Một thứ tông phái còn giữ tên đạo từ danh xưng Đức Phật và Phật giáo kia mà! Tự giới thiệu và nhận họ tộc nhân danh phát triển Đạo Pháp mà không cần ngoảnh lại gốc gác thì phi logic và không thể xem là sang trọng nổi! Vì phát triển bao giờ cũng là phát triển từ đâu, từ cơ sở nào chứ! Còn sang trọng sao được khi thái độ với cội nguồn chân lý mình nhân danh lại lù mù, nếu không nặng lời là có những luận giải thiếu hẳn tư cách đoan chính!

2. TINH THẦN DUY MỸ HOÁ PHẬT GIÁO – MỘT KHÍA CẠNH ĐỘC ĐÁO CỦA NHẬT BẢN

Tông phái không phải là sáng tạo của Phật giáo Nhật Bản, tưởng không cần phải tranh luận. Nếu biện luận tập quán tân tăng do ngài Shiran chế ra hay viện chuyện không thờ Phật lịch sử và bỏ các kinh, chỉ giữ kinh Pháp Hoa, chủ trương của ngài Nichiren, là sáng tạo của Phật giáo Phù Tang thì xin kết luận chỗ chế tác và sáng tạo phi nguyên tắc này khó thuyết phục một người có tìm hiểu Phật pháp. Nói Phật pháp vào Nhật Bản mới được nâng cao tận một cái đỉnh vòi vọi gọi (một cách mơ hồ về ngữ nguyên, nội dung lẫn gốc gác) là Zen thì tôi đã bàn khá rõ. Nhưng có một khía cạnh đáng gọi là độc sáng à la mode japonaise là nỗ lực không mệt mỏi nhằm mỹ hoá Phật giáo. Chính khía cạnh thẩm mỹ này của Phật giáo Nhật Bản đã hớp hồn phương Tây, fan trung thành của văn minh văn hoá Hy Lạp – mà dần dà có lẽ không phải giá trị triết học, chính trị học mà chính các giá trị những công trình nghệ thuật bậc thầy đã ám ảnh họ.

Các bạn dễ hiểu trong ba câu đã nêu, tôi thử chọn câu hỏi cuối dù lù mù nhất và có khi gay go nhất để thảo luận, đặc biệt sau chừng đó trang phải làm việc quá sít sao với sự kiện và tài liệu. Đấy là một câu hỏi lơ lửng trong tâm giới của văn nghệ sĩ toàn thế giới và đối với Nhật Bản có khi không riêng những người làm nghệ thuật mà toàn tâm thức dân tộc có ý thức và “tập khí” duy mỹ nghìn năm này! Vấn đề là “lơ lửng” đồng nghĩa với vô bằng, bởi không nghe ai nêu rõ vấn đề kết hợp Cái Đẹp “tuyệt đối” hay hình thức “tận mỹ” với và cùng lý tưởng Zen, hiểu như cõi giới Siêu Thoát và Giải Thoát cả! Và tranh luận mà không chắc đang tranh luận với ai hình như lẫn hương vị tào lao, mà may mắn chỉ hợp với tạng người thích “tản mạn” mà thôi.

Không nghi ngờ gì nữa, nhân dân Phù Tang dường như được chọn để chơi canh bạc duy mỹ trên quy mô dân tộc. Hệ quả hay chính xác hơn hậu quả – ở đây hiển nhiên nằm ở “quy mô” văn hoá quốc gia lẫn thân phận cá nhân. Tôi muốn vào ngay chỗ gây sốc lớn nhất trong lịch sử Nhật hiện đại là kết thúc bằng hành động bạo lực đột ngột của ba khuôn mặt tiêu biểu của văn học hiện đại Nhật Bản; dù là phản ứng cá nhân, nhưng không ai không ngửi thấy hơi hướm Harakiri (ở Việt Nam từ này phổ biến hơn từ Seppuku) truyền thống. Cái chết và cách chọn cái chết mà quyết cho là chuyện thẩm mỹ rất dễ bị phản đối. Và tôi đã từng bị “kê” nặng vì vụ tương tự. Một lần nhân cùng mấy người bạn nhắc chuyện cái chết bi thảm của thầy cũ – giáo sư và thi sĩ Ngô Kha – tôi nói chung cục là một cái chết không tồi tí nào cho một tầm cỡ nhân cách như Ngô Kha. Một cái chết “đẹp”! Hầu hết những người có mặt đều hiểu ý và cách dùng từ của tôi vì từng là người “trong cuộc”, từng là dân “thiên tả” và cùng chứng kiến cung cách bọn “trí thức du kích xã hội chủ nghĩa” tiến hành cuộc cách mạng theo mệnh lệnh của chính quyền tân-phong-kiến Hà Nội sau 1975 như thế nào. Nhưng còn một anh bạn tỏ ra sốc nặng vì “thầy mềnh” chết mà gọi là cái chết đẹp là không chấp nhận nổi. Chân phương và chân chất lắm! Lại phải giải thích liệu Ngô Kha phải tồn tại thế nào trong không khí quân quản, cải tạo công thương nghiệp, huỷ diệt văn hoá miền Nam và dưới chế độ lý lịch xã hội chủ nghĩa! Một trí thức tự do, trung thực có cắn răng, im miệng được không? Có cảnh nào bi thương khi một Ngô Kha chọn một trong hai cái chết: một, hoá thành một một thư lại trung cấp, đại loại như Chủ tịch Mặt trận tỉnh, Phó Ban Tuyên giáo; hai, cất cao tiếng gầm phản kháng một thể chế chính trị phản bội lý tưởng dân chủ dân quyền – thi sĩ là thủ khoa khoá 1 Đại học Sư phạm Huế và đỗ đầu khoá cử nhân luật Đại học Luật – và kết thúc là nhận thân phận tù đày và cái chết trong nhà tù xã hội chủ nghĩa. Người thân, thi hữu, học trò và cả những đồng đội đấu tranh dân chủ có thể mỉm cười trước hai cái chết loại này hay không! Cái chết thật – không phải hai cái chết giả tưởng tôi vừa nhắc – tất nhiên cũng không đem lại nụ cười cho người thương tiếc Ngô Kha. “Đẹp” là một cách nói! Tất nhiên còn nhiều “cách chết”. Chết đói, chết dọc đường vượt biên, chết mà chưa nói ra lời, chết vì được đặt lên bàn thờ khi đang còn sống và chết thực và cũng được chưng lên bàn thờ khi chắc chắn không phát ngôn, phản biện, đối lập gì được nữa (trường hợp Ngô Kha là cái bảng liệt sĩ, gợi tứ nhạc bất hủ của người bạn thân, anh Trịnh Công Sơn “người chết hai lần… ”). Nếu nhà đấu tranh dân chủ lãng mạn mà bất khuất của xứ Huế chọn giải pháp tuyệt vọng như Kawabata hay Akutagawa đã chọn – trong cả hai chế độ: trước và sau 1975 – hẳn đều được công nhận là đúng tính cách của những trí thức nghệ sĩ dấn thân của thời đại, thời của engager và choisir. Trong một bài viết, với tư cách là người có thâm tình và còn giữ liên lạc thời gian nhà thơ sắp bị bắt lần cuối, tôi đã kể lại và diễn tả tâm thế biết rõ sự nguy hiểm đang tới của ông và tâm thức chờ “tuẫn đạo” của người tuyệt vọng. Lê Khắc Cầm trong một lần tưởng tiếc Bửu Chỉ, người bạn tri âm của anh, nói – với giọng khô khốc – chuyện Bửu Chỉ từng suýt tự tử sau khi “rời nhà tù nhỏ ra một nhà tù lớn hơn”. Tôi xác định đến lượt anh Lê Khắc Cầm thổ lộ: “Không có chi lạ, một tính cách quyết liệt như Chỉ… Bản thân moi từng có dự định tương tự”. Sẽ có nhiều – không quá nhiều – thân hữu gần gũi hiểu Ngô Kha khi tôi nói thêm rằng người ta đã cướp mất sự sống của thi sĩ trước khi ông tự trải nghiệm một xã hội mới và tự xử trong một tình huống đưa tới nhận xét có một không hai của Bửu Chỉ. Việc một công dân trí thức đấu tranh cho Cái Đẹp và Dân Chủ – Dân Quyền trong một thể chế độc tài đảng trị không chết trong tù ngục mới đáng gọi là sự lạ. Người giúp ông làm trọn cuộc hiến tế là tên học trò vô đạo và là người bị dân Thừa Thiên – Huế căm ghét thứ hai, chỉ sau Ngô Đình Cẩn: Liên Thành. Tôi muốn gửi chút thiện cảm tới nhà quý tộc Huế vì còn sót tí ti lương tri nên không công khai khoe công “giết thầy” trong cuốn hồi ký Biến động miền Trung be bét các chi tiết sai lệch. Cũng chia sẻ tin mừng ông đã cải đạo qua Công Giáo, một tôn giáo có uy tín. Đặc biệt Công giáo rất coi trọng khâu Xưng Tội, sẽ thuận lợi cho kẻ sát nhân cần ăn năn, sám hối. Một lời tham vấn miễn phí nữa: ngài thiếu tá nên dừng ngay màn quảng cáo hàm Chủ tịch Hội gì gì lương tâm đấu tranh cho nạn nhân Tết Mậu Thân thì phải, để đồng hương của ngài giảm bớt ngậm ngùi và người đã khuất được tạm yên nghỉ chờ Ngày Phán Xét Cuối Cùng của Chúa – nay là một tín đồ Thiên Chúa, ông biết Ngày Đó sẽ tới! Gã sĩ quan liên quan vụ Mỹ Lai chỉ mới nhận bản án thế gian và hưởng sự can thiệp của Tổng thống Nixon, nhưng chưa có mặt trong Ngày Phán Xử của Chúa. Những người gây tội ác năm Mậu Thân chớ nghĩ cậy sự che chở của Đảng Cộng sản Việt Nam mà che chắn được tội ác khi được gọi tên. Lưới trời lồng lộng, nhân danh “cuộc chiến tranh Vệ quốc thần thánh” không xoá nổi. Và tới phiên ông – ngài thiếu tá Liên Thành – những hồn oan một thời chiến chết dưới tay ông, riêng trong mùa Phượng Hoàng và chỉ tách riêng dòng máu của Ngô tiên sinh, người đã đem trái tim trong sạch, lương tri trong sáng và chí khí ngời ngời dạy dỗ tôi, dạy dỗ ông, giáo dục bao thế hệ mà ông đã nỡ ra tay (trực tiếp chỉ đạo người) hạ thủ. Tôi như nhìn thấy khuôn mặt Chúa Trời – vốn không xa lạ gì với những trò tội lỗi ghê rợn, xấu xa của con người – nhăn lại và các Thiên Thần vây quanh Ngài xanh xám mặt mày khi nghe ông khai báo tội “trời đất khó dung tha”. Dù thời gian cải đạo chưa lâu, nhưng tôi đoán các linh mục đã cho ông biết không ai giấu được Chúa Trời, dù một điều nhỏ nhặt nhất, nên xin cố gắng bỏ toàn thời gian sám hối, ăn năn chờ Ngày sẽ tới, và nên dừng tay, thôi các trò bạo lực, hăm doạ đồng bào Việt kiều ta tha hương cầu thực kẻo mang tiếng oan cho cộng đồng người Việt đi đâu cũng diễn màn khó dễ, rẻ rúng nhau.Tôi phải có một lời xin lỗi với người đọc vì từ câu hỏi có nên luận về liên quan giữa ý niệm “Đẹp” và Cái Chết đã đánh động vết thương một thời trai trẻ, một kí ức quá đỗi xót xa để người viết đi lòng vòng khá xa. Cái chết theo luật sinh tử có gây cảm xúc thì cũng là chuyện bình thường. Nhưng cái chết tự gây ra, áp đặt cho sinh mạng mình thuộc một đề tài khác. Đó là một phản ứng của ý thức hơn là một cái chết. Nói khác đi, nó có là cái chết thì kèm với nó là triết lý cá nhân về cái chết và là một thông điệp xã hội. Hoặc “Tôi xin phép từ chối xã hội của quý vị”, hay “Do không đủ kiên nhẫn, chúng tôi đi trước các vị đây” (ý nhắn lại của văn hào Stefan Zweig trước khi hai vợ chồng cùng tự tử), hay “Tôi không chia sẻ giấc mơ của quý vị”, hay “Xin báo rõ tôi không phải thành viên của cộng đồng của quý vị”. Đối với một nghệ sĩ chân chính, sống đồng nghĩa với sáng tạo, thì hành động bạo lực bất thường trên thân thể mình là lời di chúc “Xứ sở này không phải là thế giới của sáng tạo”, “Tôi không còn hứng thú sáng tác”, “Không viết được điều tôi muốn nói, cho phép tôi chết”… Vậy Cái Chết dữ dội tự chọn của nghệ sĩ không còn là việc của nhà tang lễ hay các dòng tin tức đơn thuần, nó là một chủ đề triết học và do vậy liên quan cả chủ đề thẩm mỹ.

Theo suy diễn tài tử của tôi, sự chọn lựa “tuyệt vọng” của Kawabata, Mishima hay Akutagawa trước đó về mặt biểu tượng đã giúp cứu rỗi Cái Đẹp – không phải Cái Đẹp cứu rỗi (Dostoievski), đối lại với bản năng thực tế Nhật Bản và trên toàn cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa thực tiễn Phù Tang hiện đại – mà về mặt thẩm mỹ tuyệt đối hay sự thao thức tìm kiếm Lẽ Đẹp mang dấu ấn Nhật Bản, phải gọi là Cái Đẹp của sự tuyệt vọng và thưa rằng chính nó cũng là một dạng tuyệt vọng!

Về mặt xã hội và quy luật tồn sinh, người Nhật đã sống sót nhờ bản năng và bản lĩnh thực tế của mình. Nhưng bài ca vĩnh cửu về Cái Đẹp, lung linh tuyết trắng tô điểm nụ cười anh đào diễm tuyệt không thể cứu vãn tất cả. Nói cách khác, tố chất thực tiễn hết mình khi đi với khát vọng tận mỹ tự nó đã có mùi chết chóc. Trên phương diện nào đó – thể hiện qua tâm thức dằn vặt của những đứa con của Cái Đẹp mà tôi vừa nhắc – đấy là thân phận Nhật Bản. Kim Các Tự bốc cháy thấp thoáng, lung linh một dáng chùa tuyệt mỹ của giấc mộng vĩ đại đang tới, hay bụi lửa cuồng dại chỉ tái tạo hình ảnh cổ tự hấp hối hiện hữu một sát na cuối cùng. Và Cái Đẹp độc sáng mà não nùng có tự nâng thành biểu tượng Vĩnh Cửu chẳng qua nhờ được tắm một lần – chỉ một lần thôi – trong chất liệu nghệ thuật cổ kim hiếm khi được sử dụng mà tôi vừa lặp lại: sự tuyệt vọng! Vâng, ngay cả với cái tên Mishima – có khác với một Kawabata cao khiết, lặng lẽ nung tiểu thuyết thành thi ca và một Akutagawa của thứ văn xuôi dữ dội đi tìm tia chớp của Chân Kinh – mà văn chương còn tơ lòng với dục vọng chính trị, nói rõ còn hơi hướm quân phiệt. Chúng ta đang đi thẳng vào giấc mộng kết hợp lý tưởng tận mỹ và khao khát Chân Lý tột cùng, rốt ráo: Chân Lý Zen.

3. CHỖ CHÔNG CHÊNH TRONG CÁCH ĐẶT QUAN HỆ THẨM MỸ VÀ (TRIẾT HỌC) PHẬT GIÁO

Người Nhật không nói nhiều và mất thời gian với logic triết học. Đấy là chuyện của triết gia Hy Lạp (Platon và Aristotle) và các hậu bối Âu Châu (Kant, Hegel…). Nhưng những đứa con của cội nguồn văn hoá phương Tây với lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ nhận ra người anh em đồng hao da vàng không khó lắm, những người mà xu hướng duy mỹ mang tính bản năng và trực giác hơn. Chỗ tri âm là ở đấy, chỗ vương tơ lòng là ở đây. Nhưng chỗ phiến diện e cũng quanh quanh đó thôi. Trong quan niệm của người tri âm phương xa đã đành, mà chỗ rất có thể lệch pha cũng từ phía vốn được xem là (một trong những) biểu tượng phương Đông huyền bí và mỹ lệ. Ít ai ngờ người tự tín giới thiệu một tôn giáo còn hấp dẫn bên kia bán cầu phần nào do khuynh hướng chuộng exotic lại là người cũng đến với Phật giáo qua bản năng và các xu hướng dân tộc đặc thù của mình. Cả hai có niềm vui, phía này trình bày cách “cảm” – không phải cách “hiểu” (chính học giả Nhật nhận xét tính cách của người Nhật là duy tình chủ nghĩa) – của mình với đối tượng và phía kia hâm mộ cách “cảm” hay cái image trong cảm xúc của người giải thích. Còn cái image đó nói được cái gì chưa, cả hai chưa thuyết phục được.

Cái mô hình hay hình thức của Cái Đẹp và chính bản thân Cái Đẹp không bao giờ đồng hoá với Dhamma – Chánh Pháp vì Dhamma trong liên quan với cõi giới của Cái Đẹp cũng chỉ hiện tượng vật chất, chỉ Tướng hay Hình Thức, tức Form. Nhưng Dhamma – Đạo Pháp và Chánh Pháp không phải là vật chất hoá được bằng hình thức – không một ai để tâm nghiên cứu Phật pháp mà không hiểu điều đó –; nói khác đi, Nghệ thuật gợi được cảm thức về gần như mọi sự (hỉ nộ ái ố, hy vọng và tuyệt vọng, ăn năn và giải thoát, hoả ngục và thiên đường…) nhưng bằng phương tiện vật chất (màu sắc trong hội hoạ, âm thanh trong âm nhạc cũng là dạng vật chất đo được) và do đó không tách biệt với số phận và thân phận của SẮC – Vật Chất. Nghệ thuật là nghệ thuật theo nghĩa xử lý tư liệu, tự do trong xử lý tư liệu, nhưng không tách rời số phận mình với tư liệu. Do đó nghệ thuật gợi Giải Thoát mà không phải bản thân Giải Thoát. Người ta để mắt nhìn mặt trăng thì không còn nhìn ngón tay. Người ta cần phương tiện để đạt Chân Lý, nhưng tất nhiên phương tiện không phải là Chân Lý.

Nói cái đẹp của chân lý là một cách nói không tồi; nói chân lý là cái đẹp là lối nói lãng mạn của nghệ sĩ; nói cái đẹp là chân lý là cách tiếp cận hình thức đối với chân lý. Ta hiểu vì sao Đức Phật không khuyến khích chuyện tranh tượng, văn nghệ (Ngài không trực tiếp bàn về hạn chế của Cái Đẹp, nhưng có thể hiểu được Đức Phật – Người không ngừng nhắc nhở chuỗi đại nạn từ hương sắc, âm thanh và hý luận mà ra – cảnh báo và không thể tán thán những phương tiện cổ vũ, khích động, làm nguồn cho ngũ uẩn nổi dậy); tiện nhắc đạo Hồi thì hạn chế tối đa vài nét, làm biểu tượng cho Allah vì có khi “cái nói ra được, diễn tả được không còn là đạo” (Lão Tử). Nghệ thuật thực sự vĩ đại, là người đẹp và người đẹp trong ước mơ nhưng cuộc hôn phối của Nghệ Thuật và khái niệm Chân Lý – lại phải “Chân Lý Thẩm mỹ” và “Cái Đẹp của Chân Lý” – có khi chỉ làm Nàng Thơ hiện lên như một mỹ nữ đỏng đảnh, tự kỉ tay trái vén váy dạ hội, tay phải cầm diễn văn và cuộc ly dị có khi chưa xảy ra công khai mới là điều đáng lạ, chứ không phải ngược lại.

Tinh thần Nhật Bản và văn hoá Nhật Bản hay Zen đã có những đóng góp rực rỡ, khó đòi hỏi hơn được và nổi lên như một kỳ công so sánh với bất cứ hiện tượng văn hoá – văn minh tầm quốc tế nào. Liệu chu kỳ rực rỡ, độc đáo này đã xoay trọn vòng và cạn kiệt chưa? Nụ cười Mona Lisa có còn bí ẩn? Nguồn và nhiên liệu thu hút, kích hoạt một trong những “kỳ quan” tổng hợp giá trị thiên nhiên – tinh thần – vật chất sừng sững cùng biển trời bao la này đã cạn kiệt, cạn vốn chưa? Hầu hết chúng ta là fan của đất nước Nhật Bản và tiếp tục như thế, nên câu trả lời của hy vọng và thiện ý nên là không, tin rằng những giá trị được thử thách sẽ tồn tại mãi mãi. Nhưng để thêm chuyện, thêm góc độ phân tích e không tới nổi vô ích.

Tôi sẽ tiếp cận mặt (giả sử) có vấn đề của Văn hoá Nhật Bản liên quan tới Phật giáo ở hai bình diện: xã hội học và triết học. Khía cạnh sau tập trung vào câu hỏi tôi đã láy qua không chỉ một lần: việc kết hợp Cái Đẹp hay lý tưởng thẩm mỹ với khái niệm Chân Lý, trong văn cảnh tranh luận là Chân Lý Phật giáo hay Chân Lý Thiền (tôi cố ý không dùng khái niệm Zen hay Chân Lý Zen vì không có từ nào gây nhiễu bằng từ ngắn ba chữ cái này) có khía cạnh thực tiễn, thành tựu gì không hay chỉ là một nỗ lực vô nghĩa!

Tiện xin ghi lại kẻo bỏ sót, và thêm ý cho người đọc tham khảo. Người Nhật có một chủ trương Kata-ni-hairu “theo mẫu”, rồi Kata-ni-jukutatsu suru “hoàn thiện mẫu” và cuối cùng Kata-kara-nukeru “vượt qua mẫu”. Cái ý phát triển, không ngừng tiến lên trong khoa học, kỹ thuật khá minh bạch và có thể kiểm chứng. Tên lửa bay bao xa, máy bay đạt tốc độ bao nhiêu, tàu buôn chở bao nhiêu tấn hàng. Nhưng khi nhảy lĩnh vực thì hãy xem chừng. La Mã diệt Hy Lạp, học hỏi nghệ thuật Hy Lạp và có thành quả. Nhưng chưa ai đánh giá nghệ thuật La Mã vượt mặt nghệ thuật Hy Lạp bất tử. Về tầm tư tưởng và triết học, càng dễ nhận định hơn nữa. Nếu liên tưởng hơi xa về phía phương Đông, ý niệm “Phật giáo phát triển” dù là một khái niệm, tên gọi cũng chứa đựng tí hàm hồ trong ngữ nghĩa: phát triển theo nghĩa nào: thêm yếu tố địa phương để dễ hội nhập, hoằng pháp, giải quyết vấn đề nảy sinh trong tăng chúng hay liên quan (tiểu) giới hay chỉnh lại Giáo Pháp của Phật Tổ. Thậm chí chế tác Kinh “cao xa” hơn Kinh Gốc, bỏ Giới Luật và góp phần “nâng cao” tư tưởng Đức Thích Ca lên một bậc, vài bậc cho đúng tiến độ phát triển (tôi lý luận theo logic, nhưng vẫn lưu ý tên “Phật giáo phát triển” thuộc về thời hiện đại, và những “nỗ lực” canh cải Giáo Pháp chân truyền được tiến hành cả hơn 20 thế kỷ trước).

Câu chuyện ta đang bàn rốt cục đã thành đại sự, đi ngược về cả một thời Hy La, cội nguồn văn minh và triết học Phương Tây mà nổi bật lên là lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ. Chân có dứt khoát phải là Mỹ? Mỹ có thiệt là phải Thiện? Và tất nhiên, liệu Mỹ có dấu bằng với Chân hay không? Chuyện các triết gia xin để các chuyên gia triết học xứ ta và xứ người lên tiếng – tôi cố tình dùng từ “chuyên gia” vì hiện nay có hiện tượng những cây viết amateur (có học vị và không) chỉ thức đêm đọc vài tóm tắt trên facebook đã chuyên giọng giảng giải triết học Tây Đông; thậm chí có vị tiến sĩ – cất giọng gọi “nhà văn Heidegger” (ghi nhận từ bài viết của một tiến sĩ trên báo Quán Văn – chỉ một chi tiết cho thấy bậc trí thức hoàn toàn mù tịt về đối tựng mình nhắc tên) và có vị thạc sĩ thao thao đưa kiến giải về chủ nghĩa hiện sinh mà khi hỏi hoá ra không biết có ông Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Bùi Văn Nam Sơn ở Việt Nam – không cần nói không biết có “nhà văn” Heidegger trên thế giới – tiện xin báo động chuyện không biết bao nhiêu người đã báo động về hiện tượng tiến sĩ thạc sĩ ngay trong ngành ngữ văn không biết tên Sainte Beuve, không đọc W. Faulkner (có lẽ trừ A Rose for Emily), ngần ngừ ngay cả cái tên B. Pasternak, không đọc một tác phẩm nào của Kafka, Nietzsche và Dostoievski mà vẫn dương dương tự đắc kiến giải, trước tác cứu đời.

Vậy cho phép tôi chỉ lưu ý chút sự kiện liên quan lịch sử. Rằng có triết học về Mỹ Học và Cái Thiện không ngăn người La Mã đế quốc hoá thế giới phương Tây, Trung Đông, vùng Byzantine đến độ bậc đại hiền tới cỡ Đức Jesus mà cũng đành vùng lên làm cách mạng. Các lãnh tụ được nâng lên thành Augustus, Caesar, thành Thánh và Á Thánh vẫn tận hưởng mọi thứ xa xỉ trên đầu lê dân, trong những vương quốc công khai thừa nhận chế độ nô lệ là hợp pháp. Khái niệm cộng hoà, dân chủ gắn với văn minh Hy La vĩ đại, nhưng không hề được hiểu như yêu cầu của tinh thần 1789, và đến lượt tinh thần 1789 cũng chưa được hiểu theo định nghĩa của chính trị học hiện đại. Cứ tham khảo ai hưởng quyền được trực tiếp bỏ phiếu vào các thời kỳ này là hiểu. Riêng ở Việt Nam đang ở thời kỳ “dân ngu khu đen”, người cầm quyền tiếp tục thực dân năm xưa đương nhiên tồn tại không cần bầu bán như một thứ siêu quyền lực của số phận thì miễn bàn vì nghe mỉa mai, cay đắng và đặc biệt khôi hài quá. Đã có người chứng minh cách trích dẫn và lý giải câu “Cái Đẹp cứu rỗi thế giới” là không đúng ý trong nguyên bản – đại khái như gán ý “Suốt 49 năm ta không nói lời nào” cho Đức Phật – nhưng cứ hiểu như xưa nay vẫn hiểu, thì không khó gì để chứng minh ngược lại. Nỗi đau của chúng ta có dìu dịu lại nhờ một giai điệu và ca từ của Trịnh Công Sơn và Phạm Duy hay tâm hồn bay bổng theo Serenade quên bẵng được dịch bệnh Corona trước mắt, nhưng Cái Đẹp chưa bao giờ giải quyết được tất cả, có lẽ đôi lần Nàng có giải quyết thành công một đôi việc thiệt – đại khái như giúp cho một chàng hoạ sĩ trẻ còn vô danh thỉnh thoảng hỏi mượn tiền bạn bè, đến từ Tây Ban Nha, trở thành một người hào phóng, xài tiền không cần đếm. Chàng có tên P. Picasso mà thế giới chỉ có một. Không, may ra có thể gọi thêm vài tên: Leonardo da Vinci, Henri Matisse, Van Gogh chẳng hạn, những cái tên thường được xướng trước cả Degas yêu mến và Rubens, Courbet điêu luyện hay Dali ồn ào mà dư thực tài.

Cái Đẹp – tôi dám chắc điều này – không nên đại diện (luôn) cho Cái Thiện và Cái Chân, tợ như khi tỏ lòng tôn kính và ái mộ một vị đại sư với tâm thiền và tầm thiện trong trẻo, sáng láng không nên dùng từ “đẹp”, “hấp dẫn” và “đẹp trai” để tán thán.

Một câu hỏi khác hay khía cạnh nhạy cảm khác: có thể có khái niệm “thẩm mỹ hoá” Phật giáo kiểu Phù Tang như mô đen trong kiến trúc hay cắm hoa hay nói cách khác có thể đạt được sự kết hợp cái tận mỹ và cái tạm gọi là tinh tuý Chánh Pháp như những fan của Zen tin tưởng và tự hào hay không?

Với người viết, bạn đọc có thể theo dõi qua nội dung, câu trả lời là KHÔNG.

Cái Đẹp là kết quả của công phu sắp xếp tư liệu và chất liệu ở hình thức tuyệt mỹ nhất có thể được, và do đó tiếp tục bị chi phối bởi tư liệu / chất liệu đó – không có nghệ thuật và tác phẩm nghệ thuật ngoài tư liệu / chất liệu; Satori hay Giác Ngộ hay lý tưởng Thiền không phải là dạng vật chất và tất nhiên cũng không là phi-vật-chất. Thiền hay Zen hay hàm ý Siêu vượt, Siêu thoát của nó là Vô Tướng không dính líu Tướng hay Hình Thức – tức không dính líu định nghĩa của Nghệ Thuật, của Đẹp. Không dính líu tới Thể, mà là Vô Thể và có thể nói theo tư duy Phật giáo cũng phi-phi-vô-thể.

Tư tưởng Cái Đẹp vượt Hình Thức chỉ là chuyện huyền đàm (dùng khái niệm Trung Hoa) hay là một dạng hý luận (thuật ngữ Phật giáo), tợ như truyền thuyết Lý Bạch gieo xuống mặt nước trong ngần tìm mặt trăng và Hằng Nga. Cuồng thi và cuồng thiền có vẻ như gặp nhau ở đây.

4. MỘT NHẬN XÉT HAY

Vậy cái gọi là “stuck in the Form” (trích dẫn từ Roger J. Davies, Osamu Ikeno (eds.), 2002. The Japanese Mind: Understanding Contemporary Japanese Culture. Tokyo: Tuttle Publishing) theo ý tôi là “stuck in the Mind” (Mind hiểu theo nghĩa Tâm – Citta). Vướng hay mắc kẹt (stuck/get stuck) chính từ cái tư niệm ôm sự tướng, hữu tướng để lẻn vào cõi vô tướng. Ôm hình tướng để mô tả cốt tuỷ của Giải Thoát – Satori là tầm sự bất khả. Các “tác giả” người Nhật (tôi bỏ vào dấu kép vì đó là ý kiến của một tập thể được thu và ghi lại – NTV) của The Japanese Mind đồng chỉ trích cú vượt vũ môn đáng ngờ vực này. Người Nhật đã không đủ triết lý để diễn tả một vấn đề lớn hơn tầm “triết học” của dân tộc mình. Và như tập quán cổ kim mang đặc trưng dân tộc, họ đi tìm thuật ngữ và câu trả lời từ bên ngoài. Ta nghe những “vô ngôn”, “bất nhị”, “bản lai diện mục”, “bất lập văn tự”, “tâm truyền tâm”…, hàng Thiên Trúc và Trung Hoa đã được đóng gói đưa về đất Phù Tang dán nhãn “bất khả tư nghị”. Đụng vào hàng “bất khả tư nghị” của một uy tín sừng sửng, của một dân tộc khổng lồ là chuyện đại bất nhã nên ta gần như không nghe các bậc đại thức giả xứ ta comment bao giờ. Nên dành cho kẻ sơ học điếc không sợ súng, đại khái như người viết này chăng. Vậy cho tôi được phép tiếp tục cà kê để các bạn đọc chơi vui!

Hình thức (Form) là thân phận và bầu khí quyển của Cái Đẹp. Con người ngừng thở khi không khí thôi hiện hữu và sau cú nhảy tưởng tượng vào Vĩnh Cửu là tiếng chuông báo tử dù người vượt rào có tên là Nàng Thơ chăng nữa! Bản chất của Cái Đẹp dựa trên kết cấu tinh tế, thông minh, thiên tài của các bộ phận và yếu tố. Giải thoát không phải là một kết cấu của các yếu tố bởi có kết cấu ắt còn bị chi phối bởi hoại diệt. Và có hoại diệt không có và không phải là Satori và Giải Thoát.

Một lý tưởng Zen – lần này xin dùng theo nghĩa Phật pháp nói chung: Giải Thoát! – khả đắc qua phương thức hay pháp môn thẩm mỹ, như cách nhà nghệ sĩ làm nghệ thuật là sự nhầm lẫn có tính nguyên tắc và bản chất. Đó là mộng (mị), một ảo vọng, có điều cần nói thêm là một đại mộng tuyệt vời, và nếu gọi là thất bại, hẳn đấy là một thất bại vĩ đại mà người thất bại hoàn toàn xứng đáng được ngưỡng mộ!

Thật ra tiếng nói hoài nghi đã từng đến từ nội bộ Nhật Bản. Người viết – xin lỗi trước kẻo hiểu lầm là thiếu chữ khiêm cung – qua nhẫn nại nghiên cứu tự phát hiện hai điểm phù hợp với ý kiến “bản địa” được tuần tự nhắc qua dưới đây.

Sự hoài nghi đầu tiên là cách gọi và diễn giải khái niệm tận mỹ với từ “perfect skill” (tôi đọc và trích qua bản tiếng Anh The Japanese Mind, đã nhắc trong danh sách tham khảo), được người phát biểu giải thích là lặp lại hàng nghìn lần nhằm đạt ACCURACY (độ chính xác), có tính chất ROBOTINIZED (như người máy, máy móc) và SOULESS (vô hồn, vô cảm). Xin bổ sung một thí dụ – kể hơi suồng sã – cho rõ nghĩa. Có dấu hiệu một bộ phận trí thức trẻ Nhật Bản phản ứng lại một số đặc trưng, biểu tượng cho tính cách Nhật Bản. Nhiều cái mà người nước ngoài, nhất là dân phương Tây, bị hấp dẫn với một lớp người Nhật lại là “old-fashioned” – cổ lỗ sĩ), dấu hiệu “culturally exhausted” (cạn kiệt về mặt văn hoá).

Cái Đẹp không phải là đồ hộp để quy định thời hạn quá đát – từ “cổ điển” dùng chỉ những giá trị bất hủ nói rõ ý này. Nhưng nghệ thuật hiện đại châu Âu từng ứng xử không khác với trường phái nghệ thuật “cổ điển”, mặc dù tôi đoán các nghệ sĩ hiện đại chắc cũng hài lòng được xếp hàng cùng các tài năng cổ điển họ hằng hâm mộ trong điện Panthéon của Nghệ Thuật nhân loại. Vậy ngược lại, khẩu vị từ Kado, Kendo, Sado cho tới Waka hay Haiku mà lớp trẻ Nhật Bản có phần lạnh nhạt – ít ra cũng không bằng nhiệt tình của nhà Nhật Bản học Nhật Chiêu – cũng là chuyện giải thích được thôi. Thậm chí nếu níu đỉnh văn hoá của đất Phù Tang xuống, nối kết mãi với Haiku, Sado thì yếu tố sáng tạo, độc sáng vốn là chuyện sinh tử của Nghệ Thuật còn đâu! Nói càng khó nghe chứ anh em nào có chị em gái từng thưởng thức cảnh chị em nhà chụm môi, chổng mông, ngoác miệng, nhăn răng, trợn mắt, bôi kem mặt, xịt phấn trị hôi nách ngày này qua ngày khác ắt không khỏi mỉm cười khi nhìn bộ mặt bạn trai của chị, em gái mình nghệch ra chiêm ngưỡng người đẹp. Người Nhật lớp mới nhìn những “văn hoá phẩm” xinh xắn, tỉ mỉ, tinh xảo, mỹ lệ à la mode Japonaise e cũng thế thôi. Nói “bụt nhà không thiên” không sai, nhắc nhận xét hóm hỉnh của Napoléon “Không ai là anh hùng với gã hầu cận của mình” lại quá đáng, nhưng cầm chắc trong phản ứng ta đang bàn có cái gì giúp liên tưởng chuyện các cụ ta thuở nào ở quê nhà tán tụng khăn đóng áo lãnh và nói âm nhạc phải là Trống Cơm và “con cò bay lả, bay la”.

Sự hoài nghi thứ hai được một công dân Nhật Bản khác nêu ra là chỗ ông gọi hiện tượng người Nhật “stuck in the form and cannot go beyond it” (vướng trong hình thức và không vượt qua được) và “follow the forms blindly and stay at surface levels” (theo đuổi hình thức một cách mù loà và kẹt cứng trên bề mặt). Điều gọi là “stuck in the form” – kẹt hay vướng trong hình thức – là đáng thảo luận.

Nếu chủ đề giới hạn trong lĩnh vực Nghệ Thuật thì không thể nói ý “vướng trong hình thức” được bởi chúng ta đã trao đổi vài lần là hình thức là sinh mệnh, là “habitat” của Nghệ Thuật, và không việc gì phải tưởng tượng ra phần số của Nghệ Thuật bên kia cõi giới hình thức. Vậy “stuck in the form” phải được hiểu – bất kể có nằm trong ý đồ của người nói hay không – là cái vướng trong hình thức và sắc tướng chính là cái ý chí (hay giấc mộng đẹp) kết hợp lý tưởng thẩm mỹ và lý tưởng giải thoát theo nội dung và khái niệm nhà Phật. Lý do “vướng” tôi đã tìm cách diễn tả là xét từ căn bản, sự “đẹp hoá” hay nỗ lực mỹ hoá (tất cả) đã sai lầm về cách nhận thức và bình diện nhận thức, cách hiểu Đạo (Phật), cách hiểu thuật ngữ sử dụng và đồng hoá thuật ngữ. Nói mạnh mẽ và sắc gọn hơn đó là cái lỗi về mặt triết học.

Cảm hứng nghệ sĩ có khi đứng sai vị trí trên đường tầm Sự Thực và thói tục văn nghệ hoá Triết học vốn đã thất bại bao lần ngay trên quê hương của Triết học – Hy Lạp và Đức Quốc của các triết gia vĩ đại. Màu sắc phương Đông thiên về cảm tính và huyền bí nói thực tình càng làm rối rắm thêm, đặc biệt với một “chủ nghĩa phương Đông” mơ hồ, có yếu tố hoang tưởng, thích trò giễu cợt tư duy và lý luận một cách thiếu thực tiễn và thiếu trách nhiệm. Ở bình diện tín ngưỡng nên nằm đúng bình diện của mình. Về mặt nghệ thuật, cái gì đem lại cảm giác và hứng cảm thẩm mỹ, cái đó hiện hữu. Luận về nó có ngành Mỹ Học, Triết Lý Thẩm mỹ và giới phê bình nghệ thuật và toàn thể đại chúng bỏ tiền túi ra mua văn hoá phẩm. Về mặt Phật học (tôi dùng “Phật học” mà không dùng “Triết Lý” chung chung cho sát với chủ đề bài viết), xin vui lòng “Niệm Phật”, “Niệm Pháp” xong rồi bàn luận (dù rất kính ngưỡng các cao tăng đạo hạnh, các luận sư vĩ đại, các nhà Phật học đủ tài năng và công phu, tôi (tạm) không nhắc “Niệm Tăng” ở đây do một thực tế không phủ nhận được hiện nay là có quá nhiều sự mâu thuẫn, chỏi lại nhau trong cách giảng và nội dung hoằng pháp của chư vị tới độ có tên tuổi cao tăng có uy tín, có danh đại sư có bảo hiểm, nhưng khái niệm chư tăng, tăng chúng thì đang ở tình huống mất thiêng). Nói cho rõ nghĩa, hễ dính vào Phật pháp thì phải tỏ rõ cội nguồn, quy chiếu Chân Kinh không thể có chuyện “Đức Phật nói… ”, “Phật Tổ giảng rằng… ” là xong. Hễ ăn một con cá là phải có một kiếp cá, ăn nửa kí tôm thì chịu khó đếm để rõ sẽ có bao nhiêu kiếp tôm mà thác là Lời Phật thì nghe lời thầy và không nghe lời thầy, cái gì đúng đắn hơn!

E bàn quanh quanh chuyện có khí vị trừu tượng, lại mon men hý luận mất thì giờ của các bạn mà quành qua chuyện tôm cá. Ý sát mạch văn là hễ bàn tới cốt tuỷ Đạo Phật hay chỉ bàn “sơ qua” một khía cạnh quan hệ Phật pháp, trong văn cảnh là Cái Đẹp, Giải Thoát có tính lý luận và khoa học – ý tôi nói là có gốc có gác để dẫn và phân tích, so sánh, chiêm nghiệm, khoan vội kết luận (Lời Đức Phật “Đạo Ta là Đạo Phân Tích” – những bậc đạo sư (có vị nổi tiếng toàn thế giới) thường công khai hoằng pháp Đạo do Đức Thích Ca chân truyền không liên quan tư duy và lý luận nên ghi chú Lời Dạy nổi tiếng này chép lên giấy, dán tường ở chỗ toạ thiền kẻo quên, trừ khi các ngài thay Phật Tổ phát hiện một phép “phân tích” không cần tới “tư duy”) – thì tất yếu phải đặt câu hỏi: trong Phật pháp có bàn khái niệm “thẩm mỹ” không? Bàn như thế nào? Đức Thích Ca nói gì về pháp môn kết hợp “Mỹ Đạo” (từ tôi tạm dùng, trong văn cảnh thảo luận không sai lắm) và Phật Đạo hay không? Nếu không thì đây là một pháp môn bổ sung cho Giáo Lý của Đức Phật chăng?

Các bạn đừng nhầm người viết đang hạ thấp khái niệm “Đẹp” và đặc biệt cuộc hành trình văn hoá ngàn năm của một dân tộc anh em vĩ đại được nhân loại ngưỡng mộ – bất đắc dĩ mà xin phép các bạn một lời rằng người viết một đời chú tâm đọc sách, viết văn xuôi, làm thơ, tu tập và nghiên cứu lảm nhảm đôi tí (tóm lại không có cái chi đẻ ra tiền bạc cho tử tế xem sao), nhưng chưa từng hoài nghi cuộc (đời) tầm Cái Đẹp theo model của bản thân; dù các bạn có thể đoán ra, thiếu chi cay đắng. Chủ ý của bài viết là là đặt một loạt câu hỏi quanh các màn “DO” và “SKILL”, “DO” và “Nghệ thuật”, tra vấn khái niệm “Zen” và các xen “Zen hoá” và như đã tự giới thiệu một cách thiếu khiêm tốn rõ rồi, là do chú ý đặc biệt tới Phật pháp – nói “thiếu khiêm tốn” để các bạn nóng tính bỏ qua không la rầy, chứ thiệt tình tôi đã từng gặp hàng ngàn đồng bào của mình xem Phật pháp là việc hệ trọng đệ nhất và tình yêu trong đời mình (nếu các bạn chưa nhìn ra sự thực này, thật đáng tiếc!) – nên tôi thử xoay xở để xem bộ mặt Zen trong cách nhìn của nhiều người và chỗ quan hệ Phật pháp được giải thích hợp lý hay không. Thế thôi! Còn việc bạn đọc dư thời gian phát hiện không thấy tên tác giả trong số người đạt ti tí căn cơ, khuyết tên trong danh sách Phật tử thuần thành thì cầm chắc hắn đang nằm trong số đăng tên vào cuộc hành trình tìm Cái Tận Mỹ từ hứng cảm Japanese đó thôi! Câu thơ Basho vượt qua biển lớn vẫn rung động lòng hắn ta, dặm anh đào phơn phớt tuyết chỉ hiện trong tâm tưởng đã làm buốt tim. Nói chi chợt nghe được tiếng bụi ba tiêu mùa trẻ dại sau hiên nhà ngoại lại xào xạc trong hồn thơ và hồn tranh Nhật Bản. Nhưng thiệt lòng mà nói thêm, dẫu chỉ mơ được chết cùng một đêm trăng vàng cạnh vài thi hữu Phù Tang (nếu còn thi sĩ Viễn Đông nào còn xem cái chết nhẹ như bông tuyết), xa xa thấy lưng núi thiêng mang tên Fujji là thoả nguyện, khi mở mắt người viết không bao giờ khờ khạo thắc mắc “Đây là đâu? Là Xứ Phật? Là Cõi Giải Thoát?”. Lý do ngay trong tiền kiếp, đang giữa cuộc hành trình tầm Cái Đẹp, đã rõ Con Đường của Nghệ Thuật vốn rẽ ngang, từ lâu đã tách rời Đạo Lộ Giải Thoát, đi con đường riêng của mình mất rồi. Trăng dãi ánh sáng trên mọi góc trời, hoa dại không mọc trong vườn riêng, nơi đâu cũng nghe được tiếng lá cành xào xạc và thi sĩ lang thang tìm được chỗ dung thân đêm đêm trong cơn say vĩnh cửu của mình. Trên cao – và quanh đây thôi – Đức Phật vẫn trầm tĩnh, nhẫn nại nhắc đường lớn, phát bản đồ và mỏi mòn chờ các thi sĩ thiền, những sinh vật dễ yêu, không muốn hại ai đang quyết ôm ghì mặt đất luôn đẫm sương và nước mắt và cả những thiền sư không làm thơ quyết nán lại, làm người cuối cùng rời cõi Ta Bà khi toàn chúng sanh đã giác ngộ – một ngày không bao giờ tới!

5. CÁI ĐẸP CHỈ GIÚP GIẢI THOÁT NHỮNG GÌ NÓ GIẢI THOÁT ĐƯỢC

Cái Đẹp giúp giải thoát ở khía cạnh này: Cái Đẹp xem ra là cách thoát khỏi sự dung tục hoá – thiên chức sang trọng của nghệ thuật muôn đời. Nhưng sự dan díu tới mức tuy hai mà một giữa Zen hay Phật giáo và nghệ thuật hay Cái Đẹp – trong trường hợp văn hoá Nhật Bản thậm chí rút gọn thành Zen – có khi hơi hồ đồ chăng? Có chút dễ dãi chăng nữa thì vẫn có lý do giải thích. Bước tiếp nhận Phật pháp của Nhật Bản mang nội dung tiếp nhận văn hoá văn minh lục địa bao gồm nghệ thuật kiến trúc, đúc tượng, thi hoạ…, gắn với hình thức và thẩm mỹ. Đội ngũ sư sãi kết hợp thỉnh kinh, tu học với việc học tập, du nhập bá nghệ, bao biện cả các ngành nghệ thuật. Bản tính người Nhật – như lặp lại không ít lần – thiên về khéo léo, thẩm mỹ và tinh xảo trong kỹ năng. Khuynh hướng này ăn sâu trong tính cách và cốt cách người Nhật, kể cả giới tu hành. Chân lý Thiền ở đây là Chân Lý nhà Phật, và như chúng ta đã bàn thì nói Chân Lý Zen cũng chấp nhận được mà hốt nhiên có chỗ giao lưu với chuyện Cái Đẹp và Lẽ Đẹp hoá ra không tới nổi khó hiểu..

Tâm thức thiên về Cái Đẹp và cứ thử dùng cả từ “tập khí” duy mỹ của dân Phù Tang, biến họ thành ông vua Mida, đụng chỗ mô cũng hoá thành… đẹp! Đền đài, kiến trúc tới nghệ thuật bonsai, cắm hoa, tranh thuỷ mặc, chơi thư pháp hay dù chỉ một thế ngồi pha trà hay tiếp khách. Nét tinh tế, duyên dáng, yêu kiều pha phong thái đường bệ, uy nghi khi giản dị, chơn chất lẫn những cốt cách liên quan đạo đức như thành tín, tận tuỵ, hy sinh, ham giúp đỡ… trong giao tiếp, sinh hoạt đều gợi lên cái thanh thoát, thanh khiết của một dân tộc có ý thức về cái Đẹp và Lẽ Hài Hoà của xã hội và thế giới.

Trong trước tác văn chương không khác, Nhật Bản sớm có tiểu thuyết tâm lý sắc sảo, tế nhị. So với văn chương thế giới, trên nền thơ truyền thống, các thi nhân tìm những cách biểu hiện tinh tế kết hợp nghệ thuật “thi trung hữu hoạ” và triết lý Thiền, với tham vọng của thể thơ Haiku nhắm thể hiện lý tưởng muôn đời của văn nghệ “lấy cái cực tiểu diễn đạt và biểu hiện cái cực đại”. Xét cho cùng thơ Thiền không thể không đóng vai trò mà ta gọi là khu vực giải trí cho giới tăng lữ. Nơi thiền viện sao tránh được phút xao lòng, quạnh quẽ, sao ngăn được cảm xúc và thi hứng. Và đẩy thêm một bước nữa, một bộ phận tu sĩ, nếu không nói là đã thành một truyền thống tôn giáo chính, được phép công khai lấy vợ, lấy chồng thì việc thể hiện tình tự nhớ thương, quyến luyến nam nữ là tất nhiên thôi. Trong dạng thơ của các vị nửa nhà thơ, nửa nhà sư – Nhật Bản và xứ ta vẫn nhắc trong các loạt thơ thiền – cảm xúc của kẻ tình si rất được thưởng thức, y như tình yêu thiên nhiên, mây tuyết. Tôi không nghiên cứu Thiền thi Nhật Bản nhiều nên không dám nhận xét sâu hơn, nhưng trong dạng thơ đu đưa giữa đạo và tình, giữa triết học và điên rồ của vài thế hệ thi sĩ Việt ta thì hiện tượng từ tình tự qua tình tang, tình dục không ai không biết.

Có thể nói Cái Đẹp là một phần vừa nổi vừa chìm, vừa hiển lộ vừa nằm thẳm sâu trong tâm hồn và tâm linh Nhật Bản. Những thành tựu của lý tưởng thẩm mỹ trong hầu hết lĩnh vực không thể không kích thích người Nhật không thử thách thị hiếu mang quy mô dân tộc này trong khu vực có lẽ cuối cùng: Chân lý Zen (Chân lý được diễn tả là Dhamma hay Chánh Pháp trong thuật ngữ Phật giáo). Như trên tôi đã nói, chỗ bộc lộ lòng ngưỡng mộ là ở thí nghiệm vĩ đại, có một không hai này đây: trình bày bộ mặt thẩm mỹ của chân lý như bản lai diện mục của nó, vượt ngăn trở của chữ nghĩa văn tự, bay bằng đôi cánh của một thứ Nghệ Thuật mới, tên tuổi mới (có lẽ trừ quan hệ bà con với Âm nhạc, dạng nghệ thuật còn âm thanh – trong cõi thinh lặng vĩnh hằng e âm thanh nào cũng là tạp âm!).

Zen được trực tiếp và gián tiếp giới thiệu và diễn dịch như linh hồn và tinh tuý của Phật giáo vừa là sự thể hiện mang tính thẩm mỹ của Phật pháp và Chân Lý. Cố vượt qua người Anh Cả Trung Quốc, vị Thầy trực tiếp dạy Thiền tông cho những nhà sư Thiền tông Nhật đầu tiên, Zen cuối cùng – với đại diện nổi bật nhất của mình: ngài Suzuki – dù nặng món nợ khó thanh toán với Thiền tông lục địa, đã dần dà công khai địa vị mới của mình như trung tâm Thiền tông – cũng với nghĩa trung tâm Phật giáo thế giới và cái danh lôi cuốn hơn nhiều: Zen.

Thẩm mỹ hoá Phật giáo (tôi không nói “thẩm mỹ hoá Phật pháp” cho dù các khuynh hướng học thuật tài tử chẳng sợ gì mà không đẻ ra một khuynh hướng tạm gọi là “văn nghệ hoá Phật pháp) đi với nỗ lực vươn lên của Zen như biểu tượng không chỉ của Phật giáo Nhật Bản, nhưng vẫn là với tinh thần “Nhật Bản hoá” Phật giáo. Thành công vĩ đại – đứng về phía văn hoá Nhật Bản – là với không ít người, Zen trở thành đồng nghĩa với Phật giáo thế giới, điểm lệch lạc tôi lưu ý nhiều lần mà người Nhật hẳn không thấy có hại gì cho họ và dĩ nhiên không cần đính chính. Nhưng không nên quên một điều uy tín Zen lên cao hoàn toàn đáng mừng cho tín đồ Phật giáo các nước – ví dụ Phật giáo Việt Nam – như một tín hiệu lạc quan cho sự trỗi dậy của Phật giáo toàn thế giới! Nói khác đi, Phật tử các nước nằm trong số fan của Zen-Buddhism.

Cái gì không đi vào nội dung, bề sâu phải tìm đường đi riêng của mình, phát triển theo hướng tồn tại khác. Phật giáo Nhật du nhập, thực hành không thiếu tông phái nào, nhưng như đã ghi nhận người Nhật không có tính cách tư biện, đào xới kinh sách kiểu Ấn hay Hoa. Họ thiên về nghi lễ, hội hè, xây chùa thật mỹ lệ, đúc tượng thật bề thế. Phần giáo lý tóm tắt, “phụ hoạ” vừa “đủ đô” theo yêu cầu bản địa. Hình như những xung đột tông phái về lý thuyết, triết lý thảng hoặc chỉ mang tính bề mặt, để có lý do biện minh, mà thực chất là những dịp giành ảnh hưởng, ủng hộ từ hoàng gia và các thế gia – vốn không phải là các chuyên gia trong khu vực đòi hỏi tri thức sâu sắc và công phu phức tạp này – của các đại sư và ngược lại. Ngay cả khi thừa nhận việc phản đối cách giải thích kinh kệ không thích hợp hay sai trái là đúng đắn thì cái thiếu hẳn là bề sâu hay phát kiến đáng ghi nhận về mặt triết lý. Đó đây đòi củng cố giới luật, một số sư phê phán phân biệt thiền – giáo, phê phán hiện tượng tu sĩ quanh quẩn “sân tướng phủ” là những ví dụ khá lành mạnh, nhưng hiếm hoi.

Chung cục, hình ảnh Phật giáo là ngôi đền cổ kính, u nhã, là dáng ngồi thẳng lưng nghiêm cẩn, bất động của một tu sĩ có khi với nền là rặng anh đào đang mùa hoa, một tu viện sân vắng ngắt chỉ còn lá vàng khô thì thầm cùng gió hay dáng nhỏ nhắn của một tăng sinh bên một am thất cheo leo lưng đồi. Tất cả như được xếp đặt bởi thiên nhiên và tự nhiên. Tất cả như một dấu lặng và đẹp tới nhói lòng. Và gì nữa? Và không là gì nữa cả!

Vâng, Thiền Nhật Bản đã phô bày tận cùng biểu tượng (thẩm mỹ) của nó. U nhã mà không uỷ mị. Tịch lặng mà không chết chóc. Là cái góc khuất ta hứa sẽ tới nhiều lần, nhưng không… nán lại. Zen như được phô diễn và từng được đón nhận vẫn là thế giới phảng phất phong vị cõi trên mà thực chất mãi mãi là chỗ trú tạm của người cõi giới, bao gồm – xin lỗi, trong các xen văn chương, sân khấu lẫn chính trị và âm mưu cung đình – cả những tín đồ đến thiền viện hay đại tự không chừng chỉ để tự trấn an trước khi thực hiện một âm mưu đẫm máu khi trăng đêm nay sắp tàn mà các kịch bản phim ảnh hiện đại không bỏ qua. Là một địa điểm có hơi hướm giải thoát, nhưng không chắc có người đã giải thoát, kể cả người về ngay sau khi tham quan và người ở lại làm công quả. Cái chất nghiệt ngã, hiếu sát của thế đạo lại ưa dan díu với các biểu tượng có hơi hướm triết học, nơi có khi ý nghĩa tâm linh có thể chỉ là cái áo khoác, trừ khi chính một nét của thứ triết học này giải thích có sự tương dung giữa cái ác và cái đẹp. Đến Heinrich Dumoulin, tác giả công trình A History of Zen Buddhism (New York: Pantheon Books, 1963) có tiếng tăm, tỏ ra say mê một image Nhật Bản lộng lẫy và quyến rũ, và thế giới Zen huyền ảo và uy nghi cũng nhận xét khá mỉa mai trong đoạn liên quan kiếm đạo (Kendo). Trong chương “Zen in the Modern Age” khi nhắc tới việc Zen là một động lực cho sự phát triển tinh thần võ sĩ đạo và nói riêng kiếm đạo, tác giả nhắc tên Yamaga Soko (1622-1685) là người đã chấp bút thảo lại nội dung tinh thần võ sĩ đạo – mà 500 năm trước được người hùng Yoritomo – Nguyên Lại Triều đích thân soạn ra – và tán thán sự nghiệp bảo trợ của một tướng quân, ngài Iemitsu, cho Thiền tông và giới Samurai. Tôi trích đoạn văn ngắn của Heinrich Domoulin (ông này người Đức, tôi trích qua bản dịch tiếng Anh của Paul Peachey): “Obviously, fearlessness in the face of death is not the highest human virtue, as a glance at history makes clear. The play with life and death can degenerate into intolerable cruelty. So Iemitsu, the Shogun and devotee of Bushido, wandered at night through the streets of Edo and tried the edge of his sword on human bodies both living and dead.” (tr. 228). Xin tạm dịch: “Hiển nhiên, chỉ một cái nhìn thoáng qua về mặt lịch sử, có thể thấy rõ sự không khiếp sợ khi đối mặt với chuyện sinh tử không phải là phẩm chất cao cả nhất của con người. Trò chơi tử sinh có thể thoái hoá thành sự tàn nhẫn không thể chấp nhận được. Quả thế, ngài Iemitsu, đại tướng quân và là một tín đồ Võ sĩ đạo, đêm đêm rảo qua các đường phố thành Edo (Tokyo), thử kiếm của mình trên thân thể người ta, CẢ NGƯỜI CÒN SỐNG (tôi nhấn mạnh – NTV) và đã chết”.

Để gần với nội dung tôi đang đề cập, nên lưu ý người thử kiếm cả trên người còn sống (ai có theo dõi lịch sử Nhật đều rõ ngay trong thời Heian được xem là giàu có, huy hoàng và nhiều đời sứ quân tiếp theo, quần chúng lớp dưới đoàn lũ bỏ quê hương đi xin ăn và làm… sơn tặc, đã nhiều phen chết đói, chết rũ dọc đường trong lúc tha phương; và những kẻ bất hạnh là nạn nhân của cơn đam mê Kiếm đạo (Kendo) của các kiếm sĩ quý tộc dù đang co quắp trên đường phố kinh đô, nhưng thực tế đang sống nhăn răng răng không có chi lạ – xin bổ sung một quy định vô pháp trong truyền thống xã hội Nhật cổ: tầng lớp Samurai có thể (vô cớ) giết một thường dân mà không bị bắt tội! Vâng, xin tiếp ý không chỉ là một “devotee” của Bushido mà ngài Iemitsu và đám tuỳ tùng rành kiếm thuật – không nghi ngờ gì nữa – đều là các tín đồ thuần thành của Zen, của Thiền tông! Vậy chi tiết mà tác giả công trình A History of Zen Buddhism – chú ý ông ta tỏ sự ái mộ đặc biệt với văn hoá và lịch sử Nhật Bản – nêu ra gợi lên ý hệ trọng gì không? Chắc chắn có và quá nhiều người bỏ sót, kể cả giới học thuật. Xin nói gọn một lời (do “nóng lòng” mà nói hơi nhiều lần làm nản lòng bạn đọc quý mến): người ta đã để Phật pháp được tuỳ tiện giải thích, bất chấp chuyện gốc ngọn, nhập nhằng tới độ ngay một tay võ biền cũng cho mình quyền hạn nắn nót chỉnh lại Chánh Pháp – nếu quả thật có nghiên cứu qua – và biến nghệ thuật dùng vũ khí thành người anh em tâm đạo, tâm linh với một tôn giáo nói “không” với bạo lực. Sự hiểu không tới nơi tinh thần “phùng Phật sát Phật” có thể dẫn tới tà kiến và diễn dịch u mê kiểu “Dám sát Phật, nói chi chuyện sát nhân! Và các câu chuyện khi thanh kiếm hạ xuống không có người chết, kiếm không cướp mạng người, chỉ xuyên qua “ngũ uẩn” vô thường từng râm ran trong văn chương, giai thoại, truyện thiền xứ Phù Tang (hy vọng là truyện thiền “bình dân” hay được văn nghệ hoá bởi các thiền-thi-sĩ cũng hạng “bình dân”) mà thực tế có gốc gác tận Thiên Trúc xa xôi chỉ là những kiến giải vô minh, phi nhân bản và hoàn toàn xằng bậy! Cách hay nhất là đề nghị thử bảo kiếm ngay trên đống ngũ uẩn vô thường của đám cuồng Zen và cuồng kiếm này!

Cũng là quy luật cả thôi, tập quán tôn giáo có hình thức nhưng Chân Lý và Chánh Pháp không ở trong tập tục, nghi thức, không đo lường bằng nghệ thuật và tiêu chí thẩm mỹ. Mặt khác, Phật pháp có nội dung, thông điệp không “vô ngôn” như bức tranh thuỷ mặc hay cấu tạo thuần bằng “chữ cái” như nghệ thuật thư pháp vẫn thể hiện. Chánh pháp chết vì kẻ lắm mồm, nhưng cũng chết vì kẻ câm – dù bẩm sinh hay tự nguyện. Zen đã câm khi chúng sanh cần sớ giải, nhân danh siêu việt tánh mà ca ngợi cả cái đẹp và thiền tính trong dáng mài kiếm và cả dáng bất động của gã kiếm sĩ chuẩn bị cho pha tắm máu đã lên kế hoạch (có tập trung tư tưởng hay có chú ý, chú tâm, nhưng ai đó nói có Zen, có tu thiền trong tâm sát thủ của đám Samurai là ngoa ngôn và là dân ngoại đạo với Phật pháp!). Một người cần áo quần, và áo quần thể hiện được tính cách, trình độ giáo dục, thị hiếu thẩm mỹ của anh ta, nhưng chỗ nhầm chết người là ngỡ quần áo là mình, là người đó. Đạo không thể nhấn mạnh khía cạnh này, bỏ qua khía cạnh khác mà không biến thái. Nên khái niệm Trung Đạo được chính Đức Phật nhắc ngay trong bài giảng (Chuyển Pháp Luân lần thứ nhất) đầu tiên với nhóm Kiều Trần Như có ý nghĩa tối quan trọng – và đó là bài học tín đồ, tu sĩ và rất tiếc tầng lớp gọi là thiền sư cùng quý môn đồ của các ngài thường bỏ qua nhất. Kiếm sĩ Phù Tang chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Thiền tông, có người cho Võ Sĩ Đạo là con đẻ của Zen, đã thể hiện trên đất thuộc địa những màn diễn mà cha đẻ ra nó – Zen – có khi không phải chỉ nên xem lại con cái, mà xem lại cả chính mình! Và các bạn bỏ qua cho khi nghe trong lời bình của kẻ vốn và vẫn ngưỡng mộ giá trị Nhật Bản chút âm hưởng cay đắng.

6. ĐỪNG QUÊN TÌNH YÊU CÁI ĐẸP LÀ MỘT BẢN NĂNG LỚN

Khía cạnh hệ trọng nữa, khi lối học chẻ sợi tóc làm tư của xu hướng bị phái Đại Thừa công kích là “Tiểu Thừa” đã làm lệch hướng Phật Đạo, mất cái mà ngài Taiken thông thái gọi là đánh mất “sự hoạt bát của Phật giáo”, tiếp là thời kỳ huy hoàng của “triết học Phật giáo” đào xới và đi sâu đủ chủ đề lại có phần lãng quên mặt “tâm linh” và “ tôn giáo” – sảnh đường làm showroom cho triết học Phật giáo rộng lớn tới đâu, cũng đừng quên Phật giáo vẫn là một tôn giáo. Cái mầm huỷ diệt và tự huỷ diệt của Phật giáo Ấn Độ – nghịch lý thay! – nằm một phần trong hoạt động không mệt mỏi của các bậc thông thái này. Và một trong những nhà thông thái, chính xác là nhà thông thái đệ nhất hạng – ngài Vasubandhu (Thế Thân), tác giả Abhidhammakosa (Câu Xá Luận) vĩ đại – trên đỉnh thành công của cả phong trào lẫn cá nhân đã từng ghi cảm giác và cảnh giác của mình về tình hình Phật giáo thời đại chín thế kỷ): “Tôi đã nghe được tiếng thở dài hấp hối của Chánh Pháp!”. Đã bao nhiêu thế kỷ rồi từ ngày vì luận sư vĩ đại hàng đầu của Phật giáo “nghe được tiếng thở dài của Chánh Pháp”!

Sự căn dặn của Đức Phật ngay trong bài thuyết pháp đầu tiên hoá ra sâu xa hơn ta tưởng. Đầy cũng đổ mà nghiêng cũng đổ. Tu không theo Pháp là tu mù quáng, không có chánh phương tiện. Lấy Pháp làm mục đích là nhầm lẫn lớn, lại tự sa đoạ. Lấy chữ bề mặt để tụng niệm càng tệ hại hơn. Và cả những thứ nghe sang cả như Thiền Định, Cái Đẹp, Nghệ Thuật Tuyệt Đối, hay biện chứng, lý luận lấy làm mục đích cuối cùng hay pháp môn duy nhất đều lạc lối cả thôi.

Xa rời Chân Lý không thể sâu xa hơn, cũng không thể dễ hiểu hơn của Phật pháp là rời Trung Đạo. Lạ thay là tài khả năng hùng biện, sư phạm và ngôn ngữ cô đọng của bậc Thầy hai nghìn năm trăm năm xưa, có thể diễn đạt con đường Thánh Đạo trong năm, bảy dòng và có khi trong chín từ. Và lạ thay cho sự việc không biết bao nhiêu lượt tăng tục khua mõ tụng kinh, đời này qua đời khác, thích dừng lại hái hoa dọc đường, rẽ qua một lối đi chưa rõ về đâu hoặc chọn một phần đất dọc đường làm biệt thự… giảng kinh! Và chấm hết!

Riêng bài học sát với đề tài là Chân Lý thì không cần làm đẹp – cũng không cần khoác lên người chiếc măng-tô “Vẻ đẹp của Chân Lý”. Cố làm đẹp cái gọi là chân lý tất sẽ nhận một chân lý “đèm đẹp” mà thôi. Điều này đúng cho cả một ca nguy hiểm khác: cố chứng minh cho được Phật pháp là “khoa học” và say sưa dẫn chuyện một nhà khoa học lớn cho rằng nếu thế giới cần một tôn giáo thì đấy là Phật giáo. Khoan nói có người hoài nghi về gốc tích, văn bản liên quan, việc Albert Einstein có đánh giá cao Phật giáo và việc ông là một nhà khoa học lớn không là một tiêu chí vững chắc để tín đồ Phật giáo tự hào. Người ta có thể dẫn E. Kant vẫn trân trọng một “Kantian God” hay Pavlov dưới chế độ của Lenin và Stalin vẫn đều đặn đi nhà thờ và tham gia rửa tội. Tôi có thể đặt một câu hỏi là ai dám bảo đảm tác giả Thuyết Tương Đối hiểu đúng Phật pháp và Phật giáo mà ngài ca ngợi là “Phật giáo” nào? Có một và chỉ một BUDDHISM viết hoa và có vài cho tới hàng chục buddhism(s) gây bối rối bao đời tín đồ và gây tranh cãi giới học giả đông tây kim cổ kia mà!

Một điểm cần nhớ là có một sự khác biệt giữa hai thế giới khoa học và tôn giáo: khoa học có phần khoa học lý thuyết – chờ chứng minh trong thực tế và bằng thực tiễn hoặc làm nhiệm vụ gợi ý – và phần khoa học ứng dụng và thực nghiệm yếu tố thường được liên tưởng khi nghĩ tới khái niệm “khoa học”. Tính thực nghiệm, có thể quan sát, lặp lại quá trình và tìm kết quả tương tự là những tính chất căn bản đi với khoa học. Có tôn giáo rất đề cao lý trí và lý luận, nhưng tôn giáo nói chung không dựa vào thuần suy lý, kết quả và kết luận không thể thực nghiệm và thí nghiệm theo kiểu khoa học. Phần lớn tôn giáo có yêu cầu đầu tiên là Lòng Tin, tất nhiên nghịch hẳn với khoa học và tinh thần hoài nghi khoa học. Khoa học tin vào sự tiến bộ, sẵn sàng chờ đợi phản biện, thay đổi, vượt qua, điều nói chung mâu thuẫn với niềm tin tuyệt đối vào giáo chủ – không có niềm tin tuyệt đối vào Thượng Đế hay Đạo Sư không có tôn giáo. Vậy tìm cách chứng minh “kiến thức khoa học” của Đức Phật là chuyện không có ý nghĩa hệ trọng – mà ví dụ được nhắc thường xuyên là chuyện Ngài nhìn ra hàng vạn con vi trùng trong chén nước. Chưa nói sao không nhắc nhau là mỗi bộ môn hay ngành khoa học có phương pháp luận của mình. Phương pháp luận của mỗi ngành là triết học của ngành đó và chỉ nên là triết học của ngành đó. Vậy khoan bàn chuyện Phật pháp và triết lý Phật giáo chứa không thiếu thâm áo, sức nặng lẫn phức tạp và rối rắm, dưới cái nhìn của các triết gia ngay thứ gọi là “triết học của ngành” chỉ là một dạng “triết học” thứ cấp, giỏi lắm là làm tư liệu cho Triết Học. Lấy tri thức thường nghiệm mà luận siêu hình học đã là quê mùa thì nỗ lực dùng cái thước đo trong một “trường” có những giới hạn ngặt nghèo của nó – mà khi vượt qua, nó không còn được gọi là khoa học – để đi vào một “trường” khác mang tên triết lý – tôn giáo thì thiếu nghĩa lý quá!

Ngược lại cái Đẹp – như cái nhan đề của tiểu mục – là một bản năng lớn. Cái Đẹp là một nhu cầu không chỉ là tình cảm, tình yêu, có thể dùng cả khái niệm “tâm linh” – như một cõi giới trung tính, không ma mị, không thần linh. Nó là đối tượng si mê, nảy sinh đam mê, nhưng không phải u mê. Cái Đẹp tự nó không đồng hoá với Chân hay lẽ Thiện, nhưng Chân và Thiện có thể sinh ra một cảm xúc mạnh mẽ y như khi hướng và thu hút bởi cái Đẹp. Và cái Đẹp như kinh nghiệm cá nhân ta từng gặp giúp nảy sinh những cảm xúc tràn đầy, thăng hoa và cả cảm giác lương thiện. Với người đẹp hay cái đẹp cũng thế, phải đi tận cùng, không thì không gọi là đam mê, cho dù không ai không biết quan hệ với mỹ nhân hay cái đẹp không thiếu các xen thất vọng và tuyệt vọng. Nhưng đồng hoá cái đẹp và lý tưởng thiền, tìm sự tận mỹ trong khái niệm Zen là chọn chính sự tuyệt vọng để chiêm ngưỡng. Là đồng hoá cái đo đạc, cái được đo đạc và giới hạn có định mức với cái vô định mức và vô hạn. Trong hai cái mà dục vọng nhân loại mong muốn, đặt làm lý tưởng, tôi cho người Nhật có thể xem đã được cái lý thẩm mỹ nhưng chưa bao giờ có cái giác ngộ hay siêu thoát mà họ muốn đo bằng một thứ khí cụ của “ngành” và “bộ môn” khác. Satori cần công phu và siêu công phu (tu học), nhưng không phải là bản thân công phu và ý chí của công phu. Sự quyến rũ và hấp lực của triết lý văn hoá Nhật Bản luôn là cuộc chơi trên sân khấu nghệ thuật, là triết lý thẩm mỹ của hình thức và có thể mô phỏng. Đạo là đạo nên không kèm khái niệm mô phỏng. Đạo là một nên không nhị nguyên, càng không là hàng hoá, sản xuất hàng loạt. Và các phạm trù thẩm mỹ hoàn toàn thất nghiệp trong đạo của vô hình và vô tướng. Chân lý không được nghiệm thu bằng các thiết bị và công thức đo đạc kích cỡ, màu sắc hay âm thanh.

Sự nhập nhằng giữa trò chơi của nghệ thuật và mục đích rốt ráo, minh bạch của Phật pháp là quá rõ, nhưng ngay cuộc hôn phối giữa Zen và triết học của Lão giáo (như có người giải thích) – chỗ khác biệt với quan hệ máu mủ giữa Thiền tông Trung Hoa và đạo Lão – cũng lộ ra chỗ lập cập: đạo của cụ Lão Đam trong Đạo đức kinh không khớp với quan niệm truyền thống về “Tao / Do” (vốn vay mượn của Lão giáo) theo mốt Nhật Bản. Đây là cơ sở cho thấy Zen bộc lộ mình như một triết lý, thậm chí nền triết học – điều mà các thiền sư thường tỏ thái độ không tán đồng – khác biệt với cả Phật giáo lẫn Đạo giáo. Với đạo Lão, e không thành vấn đề, nhưng với Phật giáo dù không tranh biện cũng phải dính líu, dính cái carte de visite “Phật giáo Thiền tông” của Zen Nhật Bản (nói Zen Nhật Bản vì theo nghĩa gốc, người ta vẫn nói và từng dùng khái niệm “Zen Phật giáo” và “Zen Trung Hoa” – nói “Thiền tông Việt Nam” cũng theo cách hiểu này). Nhưng cái gì xảy ra khi người ta quẳng luôn cái danh thiếp về quan hệ tổ tông?

Vấn đề tự nó mở ra: Vậy ai đó (cố tình hay lỡ miệng) nói “Zen and buddhism” (công khai từ bỏ thuật ngữ “Zen buddhism”) – tức ý chí li dị đã công khai – biết đâu đấy là một ý kiến thẳng thắn đáng suy gẫm. Thật ra nhân thân của người nói rất rõ ràng: nhà nghiên cứu Nancy Wilson Ross, mà tôi nhắc ở trên.

Khi một thành viên trong một cuộc hôn nhân lên tiếng mà quyết là không có vấn đề thì e không phải là một cách giải quyết tốt nhất. Cuộc hôn phối giữa Zen Trung Hoa và Zen Nhật Bản, Zen nói chung với lão giáo, Đại thừa và “Tiểu thừa” với truyền thống Nikaya – Agama, Phật giáo và Lão giáo, nếu không ngược về lịch sử với quan hệ giữa Bà La Môn và Phật giáo… từ lâu đã sinh chuyện và đối với các vấn đề nảy sinh, giới tăng lữ không luôn luôn, nhưng thường xuyên chọn phương cách “dĩ bất biến ứng vạn biến”, bình dân gọi là “để đó xem sao”. Im lặng để tránh dạng tranh biện với mùi thánh chiến là khôn ngoan. Xem mọi chuyện diễn biến đều do nhân duyên không phải là một cách giải thích thiếu sáng suốt – nhất là khi đã có những bài học lịch sử. Nhưng như tôi đã phân tích, cái hậu quả nhì nhằng và lù mù trước hết trong di sản Phật pháp và Phật giáo dành cho tín đồ, tu sĩ và người có thiện chí tìm hiểu đã vượt mức báo động từ lâu. Các bậc a la hán và liễu tri Phật pháp thời nào cũng có như lời Đức Phật từng dặn dò, nhưng có vẻ như các ngài không chuộng sự xuất hiện và lên tiếng trong cảnh nhiễu nhương của đạo pháp? Phật tử thế giới đang đứng trước không phải ngã ba đường, mà ngã bảy, ngã tám…, lòng không chắc xử lý thế nào với slogan “đạo là một” mà các tác giả pháp môn và các giảng sư hoằng pháp mỗi người mỗi nội dung, mỗi kiểu có khi, có chỗ chạm nhau chan chát… và nghi vấn không thể không nảy sinh: đi đâu, về đâu, tin ai, tin nội dung giáo pháp nào cho tận ý tận tâm? Câu hỏi chạm tim óc những người đang thiết tha với chân lý Phật pháp. Vấn đề lớn, quá lớn và không nằm trong nội dung bài viết. Nhưng lỡ khơi ra cũng nên thu vén lại cho chỉn chu, ngắn gọn như có thể được: chỉ có một nơi chốn để về là quay lại cội nguồn của bản ý của Đức Giáo Chủ Thích Ca, trước hết với nội dung, tinh thần Kinh Bộ – A Hàm (người viết chợt rung động sâu xa vì lòng biết ơn các bậc ân nhân – hoà thượng Thích Minh Châu, hoà thượng Thích Thiện Siêu (dưới “bút hiệu” Thích Trí Đức), hoà thượng Tuệ Sĩ, hoà thượng Thích Đức Thắng – đã lần lượt mở mắt cho bản thân qua các bản dịch kinh Nikaya – Agama vĩ đại một đạo lộ, một chân trời và một niềm tin son sắt). Các đạo sư, các pháp môn gợi lối đi, soi thêm ánh sáng và thêm tham vấn nhưng các ngả đường quyết chỉ đáng tin cậy khi nhập được vào đạo lộ Đức Thích Ca đã giác ngộ và đích thân truyền dạy. Chúng ta ngưỡng mộ cả lời dạy và phạm hạnh của đức Đạt Lai Lạt Ma nhưng là Phật tử, không phải hay không dừng là Đạt Lai Lạt Ma tử.

Chúng ta không là Suzuki tử dù vẫn bay bổng hay có lúc đắm đuối cùng ngài, vì chúng ta tự hào là Phật tử. Tu học và thuần hoá tâm linh bằng kim ngôn của bậc Giáo chủ, chúng ta chọn lọc, tiếp nhận nội dung hoằng pháp của đức Đạt Lai Lạt Ma, hoà thượng Thích Nhất Hạnh… nhưng không để hình ảnh chư vị che khuất hình ảnh đức Phật vĩ đại, bất khả so sánh của chúng ta. Trong nội dung hoằng pháp của các đạo sư lừng lẫy lấp lánh vàng ròng, kim cương, nhưng nếu có lẫn tạp chất, gợi hoài nghi thì xin hỏi không có nội dung thánh điển, tinh thần A Hàm – Kinh Bộ, không có giáo lý chân truyền của đức Phật thì lấy gì để quán chiếu và ngộ giải và – xin lỗi trước các fan nhiệt huyết của ngài Đạt Lai Lạt Ma và Thích Nhất Hạnh – lấy gì để nhận ra chỗ còn hoài nghi từ các đạo sư! Nếu có ai cho người viết nhiều lần làm nhân viên quảng cáo cho thánh điển A Hàm – Kinh Bộ, thì kẻ hèn này hạnh phúc vô cùng, có thể nói thêm một kệ sách của một Phật tử và người tìm hiểu Phật pháp mà thiếu một trong hai bộ kinh đang đề cập thì thiếu sót không kể xiết và khả năng nhầm đường sẽ tăng tỉ lệ lên một bậc. Phật giáo Trung Hoa – bao gồm những tên tuổi lớn như Đạo Sinh, Đạo An, Tăng Triệu và cả thánh Huyền Trang Đường Tam Tạng – đã trả một giá rất đắt vì xem nhẹ bộ đại kinh mà tiền bối của họ đã dịch sang tiếng Hán và chỗ nhầm nguy hại này đã ảnh hưởng qua Phật giáo một loạt nước Cao Ly, Tây Tạng, Nhật Bản và dĩ nhiên cả Việt Nam.

Trở lại ý trên, với các dấu hiệu của sự xuất hiện khuynh hướng ly hôn giữa Zen như một đạo mới (lộ và ngầm tuyên bố) độc lập với Phật giáo – hoặc chỉ liên kết lỏng lẻo kiểu chính quyền liên bang với Phật giáo đại thừa, phái “tự do chủ nghĩa” – thì vấn đề đã trở thành một ngọn núi sừng sững mà chỉ theo pháp môn “viên dung vô ngại” như một cẩm nang ứng vạn biến kèm pháp môn “mô Phật” truyền thống về thực chất là tránh nhìn thẳng vấn đề và thẳng thắn hơn nữa là chọn lựa sự bất lực. Bất lực không bao giờ là “pháp môn” của những đứa con của đạo của tuệ trí!

Để tránh loanh quanh thêm rối vấn đề, về nguyên uỷ thì có lịch sử hẳn hoi, nhưng ngay trong thời hiện đại mà nói, nội dung hoằng pháp Phật giáo của ngài Suzuki đáng xếp là nguyên nhân chính.

Cuối cùng theo người viết, nếu thăm dò tài tử hay nghiệp dư vừa trình bày qua có chút cơ sở nào đó, thì ấn tượng cuả Zen và đóng góp vô lượng của Zen vẫn đáng tán thán. Dù “Thiên Tài Nhật Bản” có gợi ý niệm “Thiên Tài Mô Phỏng” hay chỉ là một dạng công phu, siêu kỹ năng thì cái ảo tưởng của nỗ lực kết nối Chân Lý và Cái Đẹp hay gợi ý về ý niệm tận mỹ của Chân Lý Zen vẫn là một suy lý bị thúc đẩy của mạch logic khó tránh khỏi, nếu là một thất bại thì tên gọi của nó là thất bại vĩ đại! Việc hiện hữu của một dân tộc trên một quần đảo xa tầm mắt của người từ lục địa và cuộc truy tìm bất khả trên chuỗi hành trình vời vợi, kiên trì bằng ngàn năm, tự nó đã là một công trình kinh điển của Tạo Hoá, nếu Ngải có thực!

Cái hụt hẫng pha hơi hướm vỡ mộng vẫn lãng mạn và đầy hấp lực hơn câu từ chối VỚI “Phương Trời Viễn Mộng” – mượn cách nói của Tuệ Sĩ – để tiếp tục nằm xoài trên những thời kinh đã cũ kỹ đi, không do nội dung kinh pháp và cốt tuỷ của Chánh Pháp, mà do năng lượng và tuệ trí người nghe kinh và đọc kinh đã cạn kiệt. Bản thân những chuyến đi và những giấc mơ, không chỉ những thành tựu, do đó vẫn ấp ủ ý nghĩa và sự quyến rũ của nó.

Và lúc nào, còn nằm trong quá trình tra vấn và truy tìm trong phạm trù thẩm mỹ, mà không nhảy bình diện và phạm trù, thì lý tưởng duy mỹ vẫn còn là một lý tưởng cao cả như truyền thống Hy La vĩ đại hằng ngợi ca, giúp cho nhân loại vượt qua tầm thông tục và dung tục; thứ số phận mà Konstantin Eduardovich Tsiolkovsky – cha đẻ của ngành Vũ trụ học – từng cảnh báo: “Loài người chỉ khác loài heo ở một điểm: trong khi vục mặt vào máng ăn, loài người thỉnh thoảng cất mặt khỏi máng ăn và thấy ngay trên đầu mình còn có cả một bầu trời đầy sao!”. Bầu trời đầy sao là đối tượng “nghề nghiệp” của giới thiên văn là rõ rồi. Vẻ lung linh không chạm tay được, cũng không ăn được như cám rau trong máng, nhưng một chút lung linh của Cái Đẹp có khi cứu vãn được một sản phẩm độc sáng của đấng Tạo Hoá khỏi một cái chết cầm chắc trong máng cỏ và góc bếp.

Tuy nhiên, khi ra khỏi một bình diện, tiến qua một bình diện khác, chúng ta không thể không nhắc lẫn nhau hãy gác lại các khái niệm, thuật ngữ và cả phương pháp luận của ngành và lĩnh vực quen thuộc nếu không muốn đi vào ngõ cụt của nguỵ biện và tình thế lố bịch! Trong đề tài, người viết đang tiếp cận, đấy là tình huống cô thiếu nữ thơ ngây đang nghiêng người tạo dáng, bên cụm hoa nguyệt quế trước sân chùa cho danh hoạ Tô Ngọc Vân ký hoạ và một xen khác cũng do một nhan sắc – có lẽ tuổi tác cao hơn hẳn, nhưng vẫn nhí nhảnh – trên chánh điện vào lúc khuya khoắt được cụ Trần Tế Xương tóm trong một nét “thướt tha dưới án nguýt sư ông”. Cũng là người đẹp khi thơ ngây, khi tha thướt – tuổi tác không chắc quyết được tầm nhan sắc và nét quyến rũ – mà chỗ đáng nhận xét chỉ là chuyện xuất hiện và làm đẹp với đối tượng khác nhau, vào địa điểm và thời khắc khác nhau đó thôi! Cái huy hoàng chỉ phô được giá trị mỹ lệ đáng ca ngợi trong cõi giới của nó. Và Nàng Thơ nên thôi õng ẹo trong Vương Quốc của Dhamma và Triết học, dù vẫn giành được tán thưởng của nhiều triết gia và pháp sư nhân khi các bậc chân triết gia và chân đạo sư bận việc đi vắng đó thôi.

Comments are closed.