Thi pháp trong dịch thuật và sáng tạo văn học của Marcel Proust

Dương Thắng

clip_image002

1. Với Proust, thi pháp của sáng tác văn học gắn kết chặt chẽ với thi pháp của dịch thuật, mối liên kết chặt chẽ đó được rút ra từ những trải nghiệm dịch thuật của cá nhân ông. Trước khi bắt tay vào sáng tác Đi tìm thời gian đã mất, ông đã bỏ ra ít nhất bảy năm trong cuộc đời mình, từ 1899 đến 1906, để dịch hai tác phẩm của nhà mỹ học người Anh John Ruskin La Bible d’Amiens và Sésame et les Lys, được xuất bản vào năm 1904 và 1906. Proust thường xuyên sử dụng phép ẩn dụ/so sánh của dịch thuật để mô tả quá trình sáng tác văn học. Định nghĩa nổi tiếng nhất của ông được đưa ra trong Đi tìm thời gian đã mất, thông qua tuyên ngôn của nhân vật chính: “Cuốn sách chính yếu, cuốn sách thực sự duy nhất, trái với những ngộ nhận thông thường, đã không hề được các nhà văn lớn sáng tác ra, bởi chúng đã tồn tại trước đó, được cất giấu nơi sâu thẳm bên trong mỗi chúng ta. Các nhà văn chỉ tìm cách để tìm ra, đọc và dịch chúng. Nhiệm vụ và công việc của một nhà văn, vì thế tương đồng với nhiệm vụ và công việc của một dịch giả”.

 

2. Như vậy, nhà văn phải biết cách đọc và dịch ra những suy tưởng của mình. Trong lá thư gửi Antoine Bibesco, lần đầu tiên Proust đã phát biểu ý tưởng xem việc sáng tác như việc dịch những suy tư còn chưa được hiển lộ đang tồn tại trong tâm khảm mỗi người. Ông xem rằng sáng tác văn chương là một quá trình tự-dịch (auto-traduction). “Tất cả những gì tôi đã làm, không hẳn là một công việc, đó chỉ là việc chuẩn bị tài liệu và dịch thuật. Chỉ cần đánh thức và duy trì cơn khao khát thực hiện việc viết ra tác phẩm thay vì khỏa lấp đi hay làm dịu chúng bằng những thú vui khác của cuộc sống. Sau những tháng ngày đờ đẫn sống, giây phút đầu tiên khi tôi quay ngược lại, hướng cái nhìn vào bên trong con người mình để đọc những suy tư đang chìm khuất, tôi bỗng cảm nhận được sự trống rỗng của cuộc đời mình, hàng trăm nhân vật (tiểu thuyết), hàng ngàn ý tưởng đang chen chúc trong tôi cất tiếng khẩn nài đem tới cho họ một hình hài, một thân xác sống, giống như những bóng ma trong L’Odyssée khẩn nài Ulysse cho chúng uống một cốc máu nóng để chúng có thể trở về với cuộc sống”.

 

3. Trong một văn bản khác, Proust giải thích rõ ràng hơn thi pháp sáng tác của ông thông qua phép ẩn dụ/so sánh của dịch thuật. Lần này, tác phẩm văn chương, với tư cách một sản phẩm tự-dịch được xem xét trên quan điểm tiếp nhận. Người đọc được mời gọi giải đoán một tác phẩm “dịch”, bởi thế tác phẩm không phải là một vật thể bất biến, nó không ngừng được hoàn thiện. “Bạn phải luôn gắng sức nhìn xa hơn, xuyên thấu vào những khoảng tối sẫm đằng sau những thứ mà người ta muốn chỉ cho bạn, những thứ đã được dịch hay chí ít là có thể dịch được. Đôi khi, đó là cách thức duy nhất để tìm thấy trong văn bản hoặc thậm chí vượt ra ngoài phạm vi văn bản những gì tác giả đã muốn nhưng không dám hay không đủ khả năng diễn đạt chúng ra [ …], tiếp sau đó với các văn bản […] bạn sẽ phát hiện ra những ngữ nghĩa thực sự mà người ta đã muốn đặt vào ở dưới mỗi từ. Bạn cũng sẽ nắm bắt được cái cách các nhà văn cố gắng tiếp cận ở khoảng cách gần nhất, hay ngược lại cố tình lánh xa những từ ngữ chuẩn xác mà họ cần tới”.

 

4. Với tư cách như là một “bản (diễn) dịch của những suy tưởng”, tác phẩm đòi hỏi ở người đọc, trước hết là các nhà phê bình những cố gắng làm hé lộ ra những chú giải bị che khuất bên dưới bề mặt của văn bản đã in ra, thao tác “chú giải” như thế hoàn toàn tương đồng với những thao tác của các dịch giả muốn giải mã văn bản trong những ý nghĩa bí ẩn nhất, khuất lấp đằng sau sự câm nín hiện diện trong văn bản và phủ kín được những khoảng trống/ thiếu hụt trong văn bản. Proust đã biện minh cho việc viết lại (tác phẩm): “Nó cho phép trình bày lại tác phẩm (đã viết trước đó) bằng cách mang tới cơ hội mới cho những diễn đạt mà tác giả mong muốn có nhưng đôi khi không thể đạt tới được. Những diễn đạt bổ sung/tinh chỉnh của người đọc hay các nhà phê bình luôn là cần thiết với tác phẩm bởi vì mỗi sáng tác văn chương đều là một bản dịch chưa hoàn hảo và luôn có thể hoàn chỉnh thêm”. Với quan niệm như vậy về sáng tác văn học, “từ chuẩn xác đang vắng mặt và cần phải đi tìm” trong văn bản ở ngôn ngữ gốc có nhiều cơ may “trồi lên và phát lộ” trong quá trình dịch tác phẩm đó sang một ngôn ngữ khác. Việc diễn giải lại và tái tạo / viết lại tác phẩm nơi người đọc là một sự cần thiết mang tính chất sống còn với tác phẩm. Với những kinh nghiệm phong phú của một dịch giả và một nhà văn tài năng, Proust đã nhìn xuyên thấu vào bên trong tác phẩm, xuyên qua những mối gắn kết chặt chẽ và phong phú và phức tạp của các sợi tơ mảnh mai dệt nên tác phẩm, ông đã tìm thấy những quy tắc dịch thuật đặc biệt. Tái tạo lại tác phẩm phải giữ lại được những chức năng văn bản của các yếu tố trong bản gốc, việc tái tạo lại tác phẩm cũng không được phép đàn áp và tiêu hủy những quy tắc mà tác giả đã ghi khắc trong tác phẩm gốc.

*****

Tài liệu tham khảo: Marcel Proust, 1993. Về việc đọc (Sur la lecture). Paris: Actes Sud.

Comments are closed.