Trịnh Y Thư, nỗi hoang mang của gã ôm đàn

Nguyễn Đức Tùng

 

Trịnh Y Thư quan tâm đến sự chính xác, tiết kiệm chữ, nhưng anh cũng để cho khả năng nhạy cảm với mặt trái của xã hội, sự tra tấn, nỗi đau khổ, làm bùng vỡ ngôn ngữ. Anh ý thức về sự hữu hạn của kiếp người, thứ sự thật tương đối, về cái chết, mặt tối đen của số phận, các ảo tưởng. Trịnh Y Thư thuộc những nhà thơ hiện đại, tiến rất xa tới gần các biên giới, trở thành một người lạ, đôi khi.

Gió tây bắc hốt hoảng bữa cơm chiều đạm bạc

như một kẻ dại khờ tìm ánh lửa khoan dung

làn tóc rối che giấu

niềm cảm thông vội vã

rồi vụng trộm khép lại

ước vọng thuở đầu đời

(Phế tích của ảo ảnh [4])

Có những bài thơ của anh như lời độc thoại, như một người đứng trên sân khấu nhưng quay lưng lại với khán giả, tự nói với mình, nhắc đến những kỷ niệm và những ấn tượng mà chỉ mình hiểu được. Khi đó bài thơ của anh đóng kín, sự cảm thông giữa người đọc và tác giả bị tối thiểu hóa. Tuy nhiên, giữa những độc thoại như thế, cảm giác cô quạnh, giận dữ, vốn có thể làm ta ngạc nhiên:

That stupid duplicitous body

I just want to throw away

Cái thân thể trắc nết ngu xuẩn này

Tôi muốn vứt cho xong

Là sự giải thích dịu dàng của anh:

But listen. I also hear the pipes clanking

Nhưng nghe này. Tôi còn nghe tiếng ống sắt

rổn rảng

(Song of The Night)

Như mở một cánh cửa, bạn tưởng đã hoàn toàn đóng kín.

Sự chuyển hóa tâm linh trong thơ Trịnh Y Thư là sự thay đổi của những tình huống bên ngoài, nội tâm hóa chúng. Cảnh vật trong thơ anh không còn là sông núi, phố phường, hàng xóm nhưng chính là chiều sâu của tâm thức, là tâm cảnh. Giọng điệu trong thơ là một thứ giao thoa giữa thế giới riêng tư, bí ẩn và thế giới công cộng, bên ngoài, xã hội.

Họ là ai tôi tự hỏi

những bản văn tự không ấn dấu

xung quanh một bến nước

có tiếng hát phù trầm

quay quắt một đêm mưa

hàng cau đánh sập sân từ đường

vỡ vụn những viên gạch

khép nép nghìn thu.

(Phế tích của ảo ảnh [3])

Đôi khi không phải anh trở lại căn nhà cũ, mà chính tình yêu cũ trở về với anh, trong giấc mộng, bên kia tường, trên chiếc bàn đầu giường, dưới ngọn đèn. Những hình ảnh phát ra tiếng nói của chúng, mạnh mẽ đến nỗi những bày tỏ của anh chính là tự biểu hiện của sự vật, những dàn xếp hóa ra là ngẫu hứng, hiện thực chẳng qua là phản chiếu của chính nó.

Nơi tôi đứng chiều nay

những mái nhà nâu

những chiếc cầu lung linh bóng nước

sẽ tan biến cả và còn lại

chỉ là phế tích của ảo ảnh – rớt rơi

(Phế tích của ảo ảnh [1])

Trịnh Y Thư nói về ảnh hưởng của quá khứ lên hiện thực hôm nay. Anh hoài niệm nhưng không dừng lại ở đó, như một người vừa ra khỏi căn nhà cũ, ngước nhìn bầu trời, lắng nghe tiếng động của cuộc sống, ghi nhớ với một cảm quan sắc bén bất ngờ của người từ xa tới. Mọi vật trở nên sắc sảo, đường nét đậm hơn, mùi vị trở nên mạnh mẽ hơn đối với một người như thế. Đó là sự chú ý vượt ra ngoài ngôn ngữ. Trịnh Y Thư giống nhiều nhà thơ thuộc thế hệ của anh, một nửa Việt Nam, một nửa đời sống xứ người, đôi khi họ tự gọi mình là kẻ lưu vong.

Thốt nhiên tôi quay về hướng mặt trời

một ngày thoát thân – xác quạ lót đường đi

những đám mây tích vô tích sự

(Phế tích của ảo ảnh [2])

Anh tái hiện năng lượng của các chi tiết đời sống, sự cô đơn, lòng thương tiếc, hối hận, những sai lầm. Thơ tự do của anh có nhạc tính. Có lẽ vì anh là người chơi nhạc. Và mặc dù không hay xuất hiện trước công chúng, Trịnh Y Thư đã dùng một ngôn ngữ có yếu tố giao tiếp, đối thoại.

Cơn gió mùa hè thổi qua thành phố

Vắng bóng những đôi tình nhân

(Cơn gió mùa hè)

hoặc:

Tôi là người về từ đại dương trầm tích

(Phế tích của ảo ảnh [10])

Tính phức tạp và đa giá trị của thơ đương đại muốn người đọc không ngừng thiết lập và thiết lập trở lại mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa hiện tại và quá khứ. Sau cuộc chiến tranh Việt Nam, lịch sử bạo động, những dối trá và giết người, thơ ca có thể làm được điều gì? Không nhiều lắm.

Tập thơ Phế tích của ảo ảnh gồm nhiều bài Trịnh Y Thư viết trong những khoảng thời gian khác nhau, nhan đề là tên của phần đầu tiên của tập thơ gồm ba phần: Phế tích của ảo ảnh; Trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau; Con nước vô danh. Có những bài thơ dài, những bài lục bát, thể haiku, thơ có vần và thơ tự do, thơ năm chữ và thơ Tân Hình thức, như vậy trong một cuốn sách khoảng một trăm năm mươi trang, người đọc có thể nhìn thấy gần như tất cả những thể thơ Việt phổ biến trong mấy chục năm nay.

Bao nhiêu năm ở nơi đây

tôi yêu bóng tối phủ đầy quanh tôi

(Con nước vô danh [8])

Trịnh Y Thư cũng có những câu thơ cũ, rõ ràng chịu ảnh hưởng của người khác:

hồn ai rụng giữa giang hà

tình xanh quyến niệm trên tà áo mơ

(Con nước vô danh [26])

Tuy nhiên bài thơ của anh thường có khả năng vượt qua sự lẫn lộn giữa một bên là các yếu tố lịch sử, bằng chứng, và một bên là ký ức, trí tưởng tượng. Công chúng đọc thơ ngày càng nhỏ lại nhưng không chịu biến mất. Sự sống sót của họ, công chúng đọc thơ, là sự sống sót của tác giả, của tâm hồn nhân loại. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ an ủi chúng ta.

Tôi trở về đây vòng quay của đất trời tê tái

thăm hỏi những con người bị lãng quên

nằm chen chúc

dưới đám ruộng

chiêm trũng

lúc giao mùa phất phơ.

(Phế tích của ảo ảnh [3])

Theodor Adorno từng viết rằng, sau thảm kịch Auschwitz mà còn làm thơ thì thật là có tội. Thảm kịch Auschwitz của dân tộc Việt Nam đã đến từ lâu, không phải ai cũng đều nhận ra.

Tôi vừa chia tay một linh hồn

tôi vừa gieo vào một đôi mắt

tôi vừa ôm ấp một mái đầu

tôi vừa giẫm nát một con sâu

tôi vừa dụi mắt giấc mơ nào

(Những phiến lá từ tâm)

Có những giây phút chuyển hóa siêu việt, khi anh đi tìm sự mới mẻ, tìm một tương lai khác và do đó một hoài niệm kiểu khác. Sự giao cảm, đồng cảm của tác giả với người đọc qua những thời gian khó khăn, đã đồng hóa tác giả với số phận của những nhân vật. Tâm lý học của một cộng đồng hay một dân tộc có lẽ chi phối tâm lý một cá nhân ở mức sâu xa đến nỗi trong một số trường hợp chúng chỉ là một.

Tôi nhìn thấy gì trong đôi mắt lá răm

ở nơi có ánh chiều tháng Chạp

và những quả ổi mơn mởn xanh

rầu rầu liếp mía

con giẻ cùi phụ họa

lời ru mái nhà nâu hiu hắt à ơi.

(Phế tích của ảo ảnh [4])

Liệu các nhà thơ có trách nhiệm gì đối với xã hội hay không? Thật khó trả lời. Tôi nghĩ nhà thơ chỉ có trách nhiệm trong chừng mực mà đề tài của một bài thơ cụ thể hướng về các vấn đề xã hội, chính trị hay luân lý. Ngoài ra, anh ta là một kẻ hát rong, một người đi lang thang trên đường, một người viết không thuộc vào một hệ tư tưởng nào, không phục vụ cho một thể chế nào. Việc nhà thơ bầu cho một chính khách hay chính thể trong đời thực không can hệ gì đến tiếng nói của nhà thơ ấy trong tác phẩm. Chính nhờ thế mà văn chương trở nên nhẹ nhõm, và sự an ủi là cái nhìn trong sáng đối với sự thật.

Bóng ma quá khứ không làm cô sợ hãi

miểng bom cắm trên hương thờ trở thành linh

thiêng.

(Phế tích của ảo ảnh [4])

Nơi Trịnh Y Thư, thơ ca đến gần sự kết hợp giữa Tây phương và Đông phương. Anh ít nói về mình, thường không tự bày tỏ, dưới một vẻ ngoài xông xáo là một tâm hồn nhạy cảm, có lúc yếu đuối, có khi mặc cảm, bên dưới sự kiềm chế, một hình thức gần như kỷ luật tinh thần là sự sôi nổi phóng khoáng, mặc dù không hoàn toàn hoang dại. Bên cạnh một cố gắng kết nối với dĩ vãng và truyền thống là tâm thức chia lìa, tự tách rời của một người ngày càng đi xa nguồn cội, không hẳn là hạnh phúc nhưng tự bằng lòng với chọn lựa của mình. Tham vọng của thơ trữ tình là chinh phục tâm hồn của người khác và, do đó, lịch sử kiến tạo nên họ. Trịnh Y Thư không viết về chính trị nhưng sự bày tỏ của anh đều có thể đưa đến những diễn dịch, xa hay gần. Hoài niệm chỉ là hình thức khổ đau mới, câu nói của Charles Baudelaire, mà Trịnh Y Thư ghi trong phần dẫn đề, nói đúng tâm trạng của người đọc và người viết hôm nay, xa xứ hay lưu vong trên chính đất nước mình.

Trăm lần như một tôi không có chọn lựa nào.

(Phế tích của ảo ảnh [2])

Trịnh Y Thư viết ít, các bài thơ không dài lắm, nhưng anh không phải là người quá gọt giũa câu văn. Sự phát triển hay sự trương nở, tôi thiết nghĩ, trong một số trường hợp mang lại nhiều ích lợi hơn cho văn chương. Ở những người viết có tài năng, sự phóng túng, sự buông lỏng mang lại niềm vui thú khó sánh được.

Người con lịch sử khuôn mặt ngươi ở đâu

sau tấm biển quảng cáo nịt vú đàn bà

hay bên kia rừng trảng thâm u

bên dưới những nấm mồ oan khốc

(Phế tích của ảo ảnh [2])

Đó là một bài thơ xuất sắc: nó có thể thở được. Nó chứa đựng trong đó những số phận, những bi kịch, quang cảnh của một đất nước, của một tâm trạng. Hơn thế nữa nó mang lại nhịp điệu, như một làn sóng nước liên tục có thể đi qua những nhát cắt, trong quá khứ, đổ máu, hay trong hiện tại, hệ ý thức. Tôi tin là người nào có dịp đọc thơ Trịnh Y Thư sẽ yêu mến anh hơn, như một nhà thơ, như một người cùng chia sẻ các số phận; và đằng sau vẻ ngoài lặng lẽ và tiết chế là một tâm hồn nồng nhiệt và sự phán xét trong sáng.

Nguyễn Đức Tùng

clip_image002

Tranh: Trịnh Y Thư, nhìn bởi nữ họa sĩ Ái Lan.

 

Tiểu sử TRỊNH Y THƯ

Trịnh Y Thư, tên thật Trịnh Ngọc Minh, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội. Theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Lớn lên ở Sài Gòn. Năm 1970 sang Mỹ du học, và sau khi tốt nghiệp, làm việc trong ngành điện tử viễn thông cho đến khi về hưu năm 2018. Viết văn, làm thơ, dịch. Nguyên chủ bút tạp chí Văn Học (California). Đương chăm sóc cơ sở xuất bản Văn Học Press. Ngoài các sinh hoạt văn chương, Trịnh Y Thư còn là một cầm thủ ghi-ta cổ điển, và sáng tác nhạc gồm những tấu khúc cho piano, ghi-ta, và một ít ca khúc lời Việt.

Tác phẩm dịch đã xuất bản:

Đời nhẹ khôn kham (The Unbearable Lightness of Being), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera; ấn bản I, tạp chí Văn Học (California), 2002; ấn bản II, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn (Hà Nội), 2018.

Căn phòng riêng (A Room of One’s Own), tiểu luận văn học của nữ sĩ Virginia Woolf; ấn bản I, 2009 & ấn bản II, 2016, Tri Thức (Hà Nội); ấn bản III, 2023, Văn Học Press.

Jane Eyre, tiểu thuyết của nữ sĩ Charlotte Brontë, Nhã Nam & NXB Văn Học (Hà Nội), 2016.

Gặp gỡ với định mệnh, tuyển văn dịch nhiều tác giả, Văn Học Press, 2020.

Tập sách cái cười & sự lãng quên (The Book of Laughter and Forgetting), tiểu thuyết của nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera, Văn Học Press, 2021.

Sáng tác đã xuất bản:

Người đàn bà khác, tập truyện; ấn bản I, Song Thúy Bookstore & NXB Thế Giới (Hà Nội), 2010.

Chỉ là đồ chơi, tạp bút; ấn bản I, tạp chí Hợp Lưu, 2012; ấn bản II, Văn Học Press, 2019; ấn bản III, eBook, 2023.

Phế tích của ảo ảnh, thơ, ấn bản I, Văn Học Press, 2017; ấn bản II, eBook, 2023.

Theo dấu thư hương, tạp luận, Văn Học Press, 2022.

THƠ:

1. Phế tích của ảo ảnh

1.

Rêu phong mái ngói ngày tôi trở lại

đốm chiều lập lòe ánh mắt

sâu ký ức mù đồng cỏ nương ngô

âm vang châu thổ

nghe như tiếng thở dài từ nghìn năm

bồi hồi dòng sông cạn.

Sau những bước dài cuộc viễn du

chặng cuối là điểm khởi đầu

nhức nhối những bào ảnh

bóng tối thê lương

ban mai hừng rỡ như mang dấu ấn tội đồ

phát vãng từ thần kỳ huyền sử.

Tôi lắng nghe một tiếng nói cổ xưa

nỉ non bờ giậu ao chuôm duềnh dọc

hay róc rách con trổ vắt ngang.

Tôi cũng thử dầm mình trong hồn nhiên

bông núi bay về lả tả mái hiên nhà

đêm thư trang say sưa cồn tịch

hay ngất ngưởng đi giữa rừng sao.

Nhưng tôi biết đấy chỉ là ảo ảnh

một trận mưa chẳng thể xóa nhòa ký ức

chẳng thể rũ bỏ quá khứ

như ném vào bãi phế thải

một món đồ hư hỏng dư thừa.

Thậm chí tôi đánh mất cả ảo ảnh

như buổi chiều hôm hôn ám này

không nhớ bình minh

làm sao tôi hiểu được hoàng hôn

dù lịch sử trở về từ vĩnh cửu.

Khi dòng sông cất tiếng hát tôi bỏ chạy

bên tai tôi trận bão lá tràn về

đuổi bắt trên một trận đồ khốc liệt

như thứ ngôn ngữ chiến tranh

đóng đinh vào tận thế.

Phía bên kia bờ vực

một đàn chim nhạn bay

đánh lừa tri giác kẻ bội giáo đáng thương.

Ký ức tôi đang rạn vữa

còn lại chỉ là sự lãng quên

dò dẫm bước đường về

trên muôn trùng bến lạ

canh cánh một tín điều mệt mỏi khôn kham.

Chỉ còn sự cô độc

ôi tôi yêu nó xiết bao

vang váng một linh hồn hôn muội

chờ đợi lúc mặt trời ngủ yên.

Nhưng tôi là kẻ bạc tình

ngày mai tôi lại ra đi.

Nơi tôi đứng chiều nay

những mái nhà nâu

những chiếc cầu lung linh bóng nước

sẽ tan biến cả và còn lại

chỉ là phế tích của ảo ảnh – rớt rơi.

10.

Mỗi lần xưng tội là một lần chạy tội

mỗi lần làm tình là một lần thất tình

đôi mắt của người điên

thường có những tia máu đỏ

trạng thái tâm thần phân liệt

thường có những ý thức xanh.

Tôi là người về từ đại dương trầm tích

món vật tùy thân là tấm ảnh cũ nát nhàu

trăng treo cổ độ

thảm đát như một

hồn ma lưởng thưởng

không mồ không lối đầu thai.

Kẻ với ý thức xanh hẳn sẽ bị bỏ rơi

bức tường thô cứng làm sao có

sự nhân nhượng tối thiểu

ánh sáng ở đây chỉ làm mù lòa

những cặp mắt tinh khiết nhất

và âm thanh cuồng nộ là

khúc nhạc nghịch âm quyến rũ.

Ý thức xanh là chiến lược phòng thủ của tôi

để chống lại kẻ thù địch ngoa hiểm trong

thời đại lãng quên này

khi xung quanh tôi

người người nắm tay nhau

nhảy múa theo nhịp tiết bập bùng

của lửa thiêu.

Ý thức xanh là lời mời gọi các linh hồn oan ương

nhưng không hề hối tiếc một thời đã sống

họ về đây bảo tôi

đã qua rồi

tất cả đã qua rồi

nước phù sa vẫn nhóc nhách

chảy ngang con trổ

luồn lách giữa những

chân lúa đang hăm hở đơm bông.

Tất cả đã qua như đêm rồi cũng xuống

trên bãi hoang và bầy gia súc đã về chuồng

những gì từng căm ghét

những gì từng trân trọng

bây giờ đều biến thành trò chơi

cầu vực của yêu thương thù hận

chẳng còn chỗ cho bất cứ

một phán quyết nào.

Dẫu nuối tiếc giấc mơ tiền kiếp thì đấy cũng chỉ là

bào ảnh tường xanh trong ngoài màn sương trắng.

bóng tôi khuất ám tối

nhấc tay khua động

vào thinh không

chờ đợi một tiếng vọng

phá bỏ lời nguyền

nghìn năm nghiệt ngã.

Lần mò lối khuya lầy trơn đi tìm cây cầu bạc

giả dạng bóng ma quá khứ hiến tế Lịch sử

bầy chó tru

dưới vầng trăng máu

chỉ hoài công.

Năm tháng rồi sẽ trôi vào quá khứ đáng thương

ý thức xanh của tôi chỉ là món hàng giả mạo

chỉ đánh lừa được

những bản ngã yếu đuối

chỉ là chuyện thần tiên

cho những kẻ dại khờ

cả tin vào quy luật

và chẳng vũ khí nào có thể

chống lại sự lãng quên.

Chiều nay một mình tôi đứng trên sân ga

chờ con tàu đem tôi ra khỏi bầu trời phế tích

không một kẻ tiễn đưa

cho tôi nói lời từ biệt

hôn ám một kiếp người

cũng chỉ bấy nhiêu thôi

rồi con tàu trôi nhanh trong đêm

chẳng để lại dấu vết gì

dù chỉ là một làn khói mỏng.

2. Trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau

Phủ quanh bóng tối của tình yêu

vết lắng ngẩn ngơ cơn mê

hơn một lần run sợ tiếng gõ của

định mệnh trên nỗi hoang vu ngập đắm.

Hồn lạnh không nhớ đâu bờ bến

tôi đốt cháy tháng ngày còn lại

những bước ngập ngừng

bóng chiều xập xoạng

ngoảnh nhìn vết tích

bao phế hưng hôn ám

trôi dần về bóng thẳm xa xăm.

Trong nỗi hoài nghi tôi yêu người

mãi mãi đấy là điều bí ẩn

giấu trong cơn mê say đắm đuối

nỗi hoang mang của kẻ tội đồ.

Sự thinh lặng của cõi không ùa về

tôi đứng nhìn biển xanh

lòng u hoặc trăm điều không tỏ

chiều u uẩn biển u hoài bưng kín

sóng vỗ dưới chân rầm rì

như tiếng vọng nghìn năm.

Dầm mình trong khói sương thần thoại

bóng tối che ngang

phía bên kia chân trời nào còn lại

mỗi lúc mỗi xa quá lối về.

Bơ vơ tháng ngày mưa nhanh

thu vén những mảnh đời vụn vỡ

ta còn gì cho nhau

ngoài ánh mắt khoan dung

như lần chia tay trên đồi cát.

Hoàng hôn rồi cũng xuống

trong bóng tối ta chẳng tìm thấy nhau

chợt một hôm hóa thân cát bụi

gió tê xao xác cõi ngoài.

3. Những phiến lá từ tâm

1.

Những phiến lá từ tâm dưới bầu trời độ lượng

rưng rưng vũng nắng – ấm mặt tường gạch nâu

hanh hao sân tu viện im nghe tiếng gót giày va khẽ

như nhịp điệu một khúc nhạc thanh xuân.

Chưa hết những điều muốn nói

nhưng ngôn từ sao thừa thãi lạ

sự lặng im của lá canh cánh một âm vang.

Mùa lá nhú mầm xanh vời vợi

lập loè đầu ngọn cỏ ánh biếc xuân sơn

một chú sóc vụt hiện ra

giương đôi mắt trong veo thăm dò

khiến tôi chợt nhớ

Tôi vừa chia tay một linh hồn

tôi vừa gieo vào một đôi mắt

tôi vừa ôm ấp một mái đầu

tôi vừa giẵm nát một con sâu

tôi vừa dụi mắt giấc mơ nào

Lẽo đẽo thời gian như khúc kinh chiều thoi thóp

tất cả đi về dửng dưng chẳng có gì khác lạ

những phiến lá từ tâm

dưới bầu trời độ lượng.

2.

Tung tỏa bụi phấn hoa tình cờ

vòng luân chướng bất diệt –

điều kỳ diệu đơn sơ như số phận đìu hiu.

Ngày nắng xóa dồng dềnh bờ bụi

tôi ngước nhìn trời xanh

những cánh chim tao tác

chiếc cầu bạc lung linh

góc trời ẩn nhẫn nỗi thương nhớ lạnh căm.

Hạn tôi về con đường dốc mỏi

vẫn chưa giữ hẹn được một lần

sông dòng một chảy xuôi

bỏ tôi mỗi lúc mỗi xa thêm lờ lững.

3.

Sân tu viện nỗi hoang lạnh nổi gai

tôi nghe ngóng mãi từ thiên thu

những ước hẹn thưa dần

ngày mai bầu trời vẫn thế

dẫu tôi chẳng bao giờ trở lại.

Tiếng gõ của định mệnh thực ghê gớm

mỗi lúc mỗi nhanh thêm

tôi nào biết sẽ về đâu khi

mặt đất thâm đen

mặt biển thâm đen

mặt trời thâm đen

mặt người thâm đen

mặt định mệnh thâm đen

giao ước biển lận trong trò cười nhạo nhiếu.

Phiên bản của ngày mai

hình như tôi mang sẵn số phận kẻ tội đồ

chờ phát vãng hoá thân một số kiếp.

4.

Tôi chờ đợi gì khi chuyến tàu đã ra đi

trở lại bến bờ nào khi chẳng đâu là chỗ ẩn

buổi chiều sân tu viện

ơi những phiến lá từ tâm

dưới bầu trời độ lượng.

4. Những nghịch âm tháng chạp

1.

Sự thật là đàn cá voi chết cạn

bên bờ đại dương bao la

nhưng có hề chi đâu

bởi cùng muôn triệu điều

không hiểu khác

tôi đánh mất tinh cầu.

Đôi mắt sâu đêm kéo tôi vào bóng tối

hàng cây ngây tạnh chẳng thể tỏ khúc nôi

rồi tôi khờ dại đánh đổi linh hồn

để lấy một câu ước nguyện

làm thân bến lạ

tôi chong đèn chờ đêm qua đi.

2.

Nơi trú ẩn đó có bóng đêm che phủ

cho tôi lắng nghe điệu hát phù trầm

nhưng sự vắng mặt kéo dài thao thiết

phía bên kia màn đen tôi không rõ là gì.

3.

Trận mưa đêm day dứt đêm mất ngủ

tiếng gõ lên mặt kính thoi thót hồi kinh

trong bóng tối sao góc bàn này hoang vắng lạ

và tôi hình dung những giọt nước lăn tròn

chảy xuống con phố nhỏ thâm đen.

Tôi tự hỏi rồi mai người có đến

đất trời vô lượng bóng tối khôn cùng

tiếng côn trùng nỉ non bên bờ cát

cùng tiếng gió thảng thốt âm âm.

4.

Thanh âm tháng Chạp

tôi quên mất từ lâu

chỉ còn tràng cười nhiếu nháo

như trêu chọc những âm hồn lưu cư.

5.

Những người đàn bà khỏa thân mặt nạ hóa trang

bước ra từ bóng tối

tôi bỗng thất vọng

khi nhận ra em đứng ở hàng đầu.

6.

Chẳng hiểu sao tôi vẫn tìm về chốn đó

có gì đâu ngoài những mái nhà nâu cũ

và một mớ ký ức ngổn ngang.

Con đường lở lói thảm thương

như muốn phân trần trong ngày tang chế

điểm hẹn ở đâu khi mưa đổ ngập quan tài.

Tôi vẫn làm những chuyến hành hương bí mật

kiếm tìm những gì định mệnh khước từ tôi

trong muôn một tôi thấy một đốm lửa

từ xa trông như ánh mắt ngọn hải đăng mù.

Sự thật là tôi đã kiệt sức

và chỉ dám tiêu pha thật dè sẻn

những gì còn lại của cái gọi là tình yêu.

Một ngày cửa đóng linh hồn u hiển

nghịch âm tháng Chạp

trôi về những bản nháp thời gian

khi tôi không biết làm gì với chính tôi.

5. Tháng ba, hãy trôi đi

– Viết đêm Cao Xuân Huy trút hơi thở cuối.

Tháng ba đỉnh trời toác máu

lũ kên kên chao chiêng

mùi tử khí trào dâng

tháng ba xác trẻ và người già.

Nằm bên nhau thanh thản nghe gió vi vu

bờ lau Cửa Việt sóng bủa lớn

nuốt chửng –

Thành phố lạ, biển đen không đâu là nhà

tên tuổi lãng quên như râu tóc

bản nháp cuộc đời viết mãi chưa xong.

Đêm trổ mưa, đi về như cơn mộng

rượu đỏ máu bầm cũng thế thôi

ngan ngát hoàng lan chờ bên khung cửa.

Chua xót viên đạn cũ còn sưng vết thương

tháng ba trở về bờ cát đỏ

tháng ba trôi đi như ngàn sương.

Lạ thổ ngơi lạ cả tình

bên kia núi còn nghe đồng vọng

u uất đêm trăng –

Chờ ngày hóa thân

cõi lạ vừa nằm xuống đã thấy biển xưa

cát trắng mái nhà nâu hàng dừa.

Hãy trôi đi tháng ba.

HẾT

Comments are closed.