Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (4)

Thụy Khuê

4- Khái Hưng và Phong Hóa

Đọc Phong Hóa chúng ta sẽ thấy về mặt bài vở: Phong Hóa từ số 1 (16-6-1932) đến số 13 (8-9-1932) do Khái Hưng phụ trách, từ số 14 (22-9-1932) trở đi, Nhất Linh đổi mới tờ báo, mời thêm những người viết, người vẽ mới và làm Giám đốc.

Theo Những ngày vui của Khái Hưng, sở dĩ có sự cải tiến này là nhờ số tiền 10.000 đồng của ân nhân người Minh hương Nguyễn Văn Tiên Leung-Fat-Fa di tặng. Nói khác đi, số tiền Nhất Linh có để phát triển tờ báo là của một người Minh hương, trước chịu ơn Khái Hưng, cho hoặc cho vay.

Trên Phong Hoá số 14 (22-9-32) có đăng quảng cáo xà phòng thơm Mondia, Đại lý độc quyền là Lune-Fat, 22 Hàng Bạc Hà Nội. Phải chăng đây là cửa hiệu của gia đình Leung-Fat-Fa?

clip_image002
Phong Hóa số 14

Chúng tôi xin tóm tắt lại câu chuyện ra được kể trong Những ngày vui:

Duy [Nguyễn Gia Trí] xoay xở, gạ ông chủ hãng xe hơi bỏ tiền ra in báo để đăng quảng cáo khỏi tốn tiền. Ông chủ cho bọn Phương [Khái Hưng] Duy mỗi tháng 200 đồng để làm báo Tự Động. Tự Động là tờ báo đầu tiên [tức là Phong Hóa từ số 1 đến số 13] do Phương, Điển viết, Duy vẽ. Điển chắc là nhân vật hư cấu vì chẳng thấy bài nào có thể gọi là của Điển trên báo Phong Hóa. Được trợ cấp 200 đồng, cộng thêm tiền Duy làm "áp phe" và vẽ tranh, nên Tự Động ra được, nhưng báo ế, không biết sống chết lúc nào, mặc dù Duy cố hết sức xin quảng cáo các nhà giầu, cũng không ai bỏ tiền ra. Cuối cùng, nhờ di sản của Nguyễn Văn Tiên Leung-Fat-Fa, mới có tờ Con người [tức là Phong Hóa kể từ số 14].

Về cái tên Tự Động

Phương [Khái Hưng] chất vấn Duy [Nguyễn Gia Trí]:

"Phương hỏi:

– Thế báo anh tên là gì?

– Ô tô.

Điển lăn ra cười:

– Trời ơi! Trên báo Ô tô của anh mà chúng tôi gửi đăng văn, đăng truyện dài, truyện ngắn, thì thánh cũng phải tức cười.

– Việc gì mà tức cười? Thế trên báo Nông Lâm người ta đăng toàn truyện văn chương và truyện kiếm hiệp thì sao? Vả lại mai tôi mới nộp đơn xin ra báo. Nếu các anh không thích cái tên Ô tô thì tôi sẽ đổi nó ra "Tự động". Không ai hiểu tự động là cái quái quỷ gì, thế là được rồi. Rồi trong bài phi lộ, ta sẽ nói lờ mờ mấy câu cho độc giả hiểu lầm ra nghiã tự do, tự lập gì đó. Thế là báo chạy như mớ tôm tươi ngay. Các anh tha hồ viết.

Phương và Điển vẫn tưởng đó là một câu chuyện đùa bỡn. Nhưng hai chàng kinh ngạc xiết bao khi, một tuần lễ sau, cùng nhận được giấy gọi ra sở liêm phóng khai căn cước và lý lịch. Đến đây, Phương mới biết mình nghiễm nhiên trở nên chủ bút tờ báo "Tự động". Giá không có cái dấu ngoặc hàng chữ Pháp (Auto Revue), thì có lẽ chàng cũng quên bẵng nghiã chữ "Tự động".

Rồi nhờ về thế lực và sự vận động của chủ hãng xe lớn, hai tháng sau, báo "Tự Động" được phép ra đời để góp tiếng với các bạn đồng nghiệp Nam Trung Bắc"[1]

Đoạn văn này phản ảnh một số việc thực: nhờ thế lực của ông Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai (tên hai người được ghi trên đầu báo Phong Hóa) mà báo Tự Động (tức Phong Hóa) xin được giấy phép ra đời. Khái Hưng là chủ bút. Đây là tờ báo đầu tiên của nhóm Tự Động, cũng là giai đoạn đầu của tờ Phong Hóa, Khái Hưng viết gần hết các bài trên báo với những bút hiệu khác nhau.

Tự Động là tên báo, nhưng sự thực là tên văn đoàn Tự Lực nói trại đi. Vậy "nhóm Tự Động" hay nhóm Tự Lực, lúc đầu chỉ có hai người: Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí.

Đến khi Tự Động trở thành báo Con Người (tức là Phong Hóa từ số 14 trở đi), Nhất Linh mới cải tổ tờ báo, làm Giám đốc, mượn thêm những người mới.

clip_image004 

Tự động xa, tranh Gia Trí, Ngày Nay số 28

clip_image006

Toà soạn Tự Động, tranh Gia Trí, Ngày Nay số 28

Sự vận động cho báo Tự Động (tức Phong Hóa số1) được Khái Hưng mô tả như sau:

"Trên các bức tường ở các nơi ngã ba, ngã tư thành phố Hà Nội, người ta thấy dán những tờ yết thị màu vàng rộng bản có hai chữ lớn "Tự Động".

Lại gần người ta sẽ nhận rõ, vẽ mầu đỏ, hai bàn ty gân guốc nắm chặt cái "volant" và viết đè lên trên những dòng chữ đen sau này:

Tuần báo ra ngày thứ năm

Có đủ các mục về chính trị, xã hội, thương mại, văn chương và phụ nữ, do các nhà văn có chân tài soạn…

Số đầu ra ngày 1/10/19… sẽ có những bài:

1) Mấy lời phi lộ, của Tự động.

2) Mỹ thuật và ô tô của họa sĩ Nguyễn văn Duy.

3) Tôi làm thầu khoán, phóng sự của Trần đình Điển.

4) Nhan sắc của cô Đỗ mộng Nga.

5) Đêm thu mơ màng, truyện ngắn của cô Song Thu.

6) Một đời, truyện dài của Đỗ như Phương.

Và nhiểu bài rất hay rất mới rất vui của toàn các văn sĩ đã có tiếng tăm trong làng báo và làng văn.

Đón xem sẽ biết" (Những ngày vui, trang 103).

Khái Hưng còn đưa vào miệng người đi đường (bình phẩm bức quảng cáo) những lời sau đây:

"Một người láu lỉnh đáp:

– Phải, tự động xa, tự động xa. Nhớ ngày Nam Phong mới ra đời, ông Phạm Quỳnh cũng gọi xe ô tô là tự động xa. Biết đâu tự động đây lại không là tự động xa, và tờ báo Tự Động lại không chỉ là một tờ báo quảng cáo ô tô!

Tiếng cười lại phá lên một lần nữa. Một chàng đeo kính trắng ý chừng muốn khoe rằng ta giỏi chữ nho, giảng nghiã:

– Tự động là tự mình động đậy, tự mình chuyển động, không phải theo ai, không nhờ sức ngoài, không chịu ảnh hưởng ở ngoài sai khiến. Hai chữ "tự động" của người ta hay lắm đấy chứ. Báo Tự động của người ta là một tờ báo tự lập, không sống về phụ cấp của chính phủ hay của một nhà tư bản nào [chúng tôi in đậm] Tự hoạt động để sống một cách vẻ vang" (Những ngày vui, trang 104- 105).

Với giọng nửa đùa nửa thực, Khái Hưng xác định vai trò của Nguyễn Gia Trí trong tờ báo với bài Mỹ thuật và ô tô của họa sĩ Nguyễn văn Duy. Rồi ông lái hai chữ Tự Lực thành Tự Động để chế nhạo Phạm Quỳnh dùng chữ nho, đồng thời khoe Phong Hóa là "tờ báo tự lập, không sống về phụ cấp của chính phủ hay của một nhà tư bản nào" để chứng tỏ hai chữ Tự Lực đã có từ thời kỳ đầu tiên và quyết định tự lập, không xin tiền trợ cấp của chính phủ hay một nhà tư bản nào, cũng vậy.

Khái Hưng lại kể lúc mọi người đang bình phẩm tờ quảng cáo, thì "trong khi ấy ở phố Đường Thành hẻo lánh, các nhân viên toà soạn báo Tự Động làm việc để xuất bản số đầu kịp vào ngày đã định"[2]

Như vậy trụ sở đầu tiên của Phong Hóa ở phố Đường Thành chăng? Hay đây là địa chỉ Khái Hưng đặt ra? Còn căn nhà năm phòng mà Duy (Nguyễn Gia Trí) thuê cho Phương (Khái Hưng) để làm báo, là nhà nào? Nhà Đường Thành hay là nhà số 1, đường Carnot, toà soạn và trị sự báo Phong Hóa từ số 1 đến số 126 (30-11-1934), trước khi dời về 80 Quan Thánh? Nhiều câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp.

Khái Hưng viết: "Thế rồi ngày mồng một tháng mười, như lời "kính cáo" gửi cho các bạn đồng nghiệp. Tự Động ra số đầu "chào quốc dân"[3]

Lời kính cáo chào quốc dân này nhại lại Mấy lời kính cáo quốc dân in trên trang nhất báo Phong Hóa số 1 (16-6-1932), như ta sẽ thấy ở dưới.

Phong Hóa từ số 1 đến số 13, Khái Hưng ngự trị

Hai nhà nghiên cứu nhìn thấy vai trò của Khái Hưng trên Phong Hóa từ số 1 là Phạm Thế Ngũ và Thanh Lãng.

Phạm Thế Ngũ ghi: "Năm 1932, tờ Phong Hóa của mấy đồng nghiệp cùng dạy học ở trong trường [Thăng Long] ra đời, do Phạm Hữu Ninh, người sáng lập trường Thăng Long làm quản lý, Trần Khánh Giư, giáo sư trường Thăng Long làm chủ bút"[4].

Thanh Lãng viết: "Tuần báo Phong Hóa của ông Phạm Hữu Ninh, ngay từ số 1 ra tháng Juin 1932, cũng đã có một nội dung khác hẳn các báo đương thời cả về văn cũng như về ý tưởng. Trần Khánh Giư ( Khái Hưng) là cây bút cốt cán, giữ nhiều mục quan trọng trên Phong Hóa suốt từ số 1 cho đến số 14"[5]

Nhưng hai ông dừng lại ở hai câu này, không tìm hiểu thêm. Còn phần lớn những người viết khác chỉ chép đi chép lại rằng Nhất Linh, giáo sư cử nhân học ở Pháp về, mua lại tờ Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh không có độc giả, sắp chết.

Như trên đã nói, mặc dù Khái Hưng viết: "Duy vẽ tranh. Còn Điển và Phương theo đuổi công việc soạn văn, dịch sách" (trang 99), ta cũng có thể đoán chắc răng Điển là nhân vật tưởng tượng, Khái Hưng đưa ra để làm như có hai người viết chứ không phải mình ông tự biên tự diễn, trên Phong Hóa từ số 1 đến số 13.

Còn một điều quan trọng nữa là cả Khái Hưng lẫn Nhất Linh trong thời kỳ đầu đều chưa ký tên Khái Hưng, Nhất Linh. Trần Khánh Giư chỉ bắt đầu ký tên T. Khái Hưng, trên Phong Hóa số 15 (29-9-1932) dưới truyện ngắn Cái thù ba mươi năm. Nguyễn Tường Tam lần đầu ký tên Nhất Linh dưới bài thơ Điệu thơ cụt trên Phong Hóa số 16 (6-10-1932), còn truyện ngắn vẫn ký Ngô Tâm Tư, rồi Bảo Sơn. Mãi đến Phong Hóa số 91 (30-3-34), lần đầu tiên bút hiệu Nhất Linh mới được ký dưới truyện vừa Thế rồi một buổi chiều.

Cho nên nếu chỉ dựa vào bút hiệu Khái Hưng, Nhất Linh, ta không thể điều tra được những bước đầu xây dựng Tự Lực văn đoàn, ai làm gì. Sự chọn tên của Khái Hưng trong Những ngày vui cũng có ý nghiã: Khái Hưng, Nhất Linh, luôn luôn đi đôi như Phương với Phượng. Khi Khái Hưng lấy tên Nhị Linh cũng trong ý ấy: dù hơn Nhất Linh 10 tuổi, và khai phá tiểu thuyết, truyện ngắn trước Nhất Linh, nhưng ông vẫn ký tên Nhị Linh, để công nhận vai trò chủ soái Tự Lực văn đoàn của Nhất Linh.

Phong Hóa số 1 ra ngày 16-6-1932[6]. Nội dung gồm có các bài:

Mấy lời kính cáo quốc dân, ký tên Phong Hóa Tuần Báo; Phong Tục (bản điện tử thiếu một trang, nên không rõ tên tác giả); Mục Bia Phong Hóa có ba bài: Sở Khanh của Kỳ-Hoa, Năm năm chăn gối của Bi Thời Khách, Chữ tình trong lúc biến của Trần Đỗ; Tân học cựu học chỉ là hai tiếng, của Trần Khánh Giư; Tranh Hai đám rước sư tử không ký tên; Mục Hài văn ký tên Quần Đệ Tử[7]. Và các mục: Văn Đàn; Sử ký và địa dư; Phụ nữ; Tin vắn nước Nam và Thế giới, Khoa học thường thức. Đoản thiên tiểu thuyết Mưu sâu đã dắp [rắp] của Kỳ Hoa; quân sự tiểu thuyết Trận đánh phương nam (không ký tên, có chỗ ký Kỳ Hoa).

Tóm lại, trong số 1 này, ngoài hai bài ký tên thật Trần Khánh Giư, những bài còn đều lại ký tên khác, nhưng nếu tinh ý, ta sẽ thấy giọng văn và tư tưởng vẫn là Khái Hưng.

clip_image008

Bìa Phong Hóa số 1

Trên Phong Hóa số 1, trang đầu, có bài Mấy lời kính cáo quốc dân ký Phong Hóa Tuần Báo, lời lẽ như sau:

"… Xã hội Việt Nam ta đương ở vào buổi giao thời, cái giở [dở] của mình chưa giũ [rũ] sạch, cái hay của mình chưa nhận thấu, đương lúc ấy, tờ "Phong Hóa tuần báo" ra đời tưởng cũng không phải là sinh chẳng gặp thời vậy.

Vườn còn hoang, cỏ còn rậm, muốn sửa sang cho thành một cảnh tráng quan há không phải là bổn phận chung của cả Quốc dân? Phong Hóa Tuần Báo nay tự nhận chút đỉnh trách nhiệm, sửa sang vườn cũ, cây xưa, biết cái hay thì nêu ra để người lấy đấy mà trau rồi [dồi], biết cái giở [dở] cũng nêu ra để người nhớ lấy mà ruồng bỏ, âu cũng là gánh vác việc công ích trong muôn một.

Đã không thiên tín, lại chẳng chấp mê, chọn lọc hai đường tân cựu so sánh cho đúng hoàn cảnh hiện thời, bỏ điều giở, vạch điều hay của lễ nghi phong tục để cùng Quốc-Dân tấn thủ thi hành, đó là tôn chỉ của tờ Phong Hóa Tuần Báo".

Những lời này phù hợp với quan niệm trung dung, hoà hợp cũ mới của Khái Hưng, và "dọn cỏ vườn hoang" sẽ là mục "Hạt đậu dọn" Khái Hưng phụ trách trên Phong Hóa dưới tên Nhát dao cạo, để sửa sai các câu văn trên báo khác. Bài Mấy lời kính cáo quốc dân cùng giọng với bài tiểu luận Tân học cựu học chỉ là hai tiếng viết về Phan Khôi và Phạm Quỳnh, dung hoà ý tưởng của hai nhà văn đối lập tư tưởng tân-cựu, ký tên Trần Khánh Giư.

Tóm lại, ba bài Mấy lời kính cáo quốc dân (giải thích lý do ra báo), Phong tục (giải thích tên Phong Hóa: giáo hóa phong tục) và bài thơ Cùng các bạn Phong Hóa, trong mục Văn Đàn (nói lên mục đích và tôn chỉ tờ báo) ký tên Phong Hóa, đều do Khái Hưng viết; và tôi chắc chắn cái tên Phong Hóa cũng do Khái Hưng đặt, bởi vì ba bài viết này đều đồng quy ở điểm giáo hóa và phong tục.

Mục Văn Đàn còn có bài thơ A une jeune mariée của Victor Hugo, dịch sang tiếng Việt là Lời mẹ khuyên con lúc xuất giá, do Đào Thiện Ngôn dịch; và một số bài thơ ký tên Kỳ Hoa, như Ngu CơChiêu Quân, nhất là bài hát nói Tu là cõi phúc, đã chớm nở tư tưởng thoát tục trong Hồn bướm mơ tiên. Vì vậy, ta có thể đoán chắc rằng: Đào Thiện Ngôn và Kỳ Hoa cũng vẫn là Khái Hưng, bởi vì chỉ mình Khái Hưng mới có kiến thức Đông phương sâu sắc, có tầm triết học Thái Tây, có tư tưởng thấm nhuần Nho Phật, có tài làm thơ và dịch thơ chữ Pháp và chữ Hán, có khuynh hướng lịch sử và cực lực bênh vực nữ quyền.

Mục Sử ký và địa dư có bài Con tiên cháu rồng kể chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ ký tên Kỳ Hoa, chứng tỏ khuynh hướng lịch sử đã bắt đầu. Mục Phụ nữ có bài Làm thân con gái đời thượng cổ của Trần Khánh Giư, mở đầu chiến dịch khôi phục nữ quyền trong tiểu luận. Tiếp đến là đoản thiên tiểu thuyết Mưu sâu đã dắp [rắp] của Kỳ Hoa (truyện một người chồng lập mưu đổ cho vợ tội ngoại tình để đuổi đi) chứng tỏ ông đã bắt đầu dùng tiểu thuyết để bênh vực người phụ nữ, mà đỉnh cao sẽ là Nửa chừng xuân, đăng trên Phong Hóa từ số 36 (1-3-1933).

Sau cùng là quân sự tiểu thuyết Trận đánh phương nam, không ký tên (có lần ký Kỳ Hoa) phóng tác theo tiểu thuyết kiếm hiệp Tây phương, cho ta thấy ông đã tập viết tiểu thuyết lịch sử và đỉnh cao sẽ là Tiêu Sơn tráng sĩ, bắt đầu đăng trên Phong Hóa từ số 129 (21-12-1934).

Kỳ Hoa có lẽ là bút hiệu Khái Hưng định chọn lúc đầu. Kỳ Hoa và Đào Thiện Ngôn sẽ biến mất sau Phong Hóa số 7, thay thế bằng những bút hiệu khác.

Trên Phong Hóa số 1, hầu như những tư tưởng chính xây dựng tờ Phong Hóa của Khái Hưng đã được bộc lộ: cho thấy hầu như toàn bộ tư tưởng ôn hoà và phong cách sáng tác đan cài văn chương, lịch sử và văn hoá Việt của ông. Tóm lại, năm 1932, trên Phong Hóa giai đoạn đầu của Tự Lực văn đoàn, Khái Hưng bao dàn gần hết bài vở, cũng như với hai tờ Việt Nam và Chính Nghiã, ở giai đoạn chót của Tự Lực văn đoàn, năm 1946. Ông đã "luyện văn" trên tờ Phong Hóa từ số 1 đến số 13, bằng nhiều thể loại khác nhau, với những chủ đề khác nhau.

Phong Hóa số 2 (23-6-1932), báo ra ngày thứ năm, bìa có tranh trừu tượng, ký tên chữ Hán, nghiã là Đông Sơn[8]. Nội dung gồm có:

Bài xã luận: Muốn phá hủy hãy kiến thiết đã của Trần Khánh Giư. Mục Bia Phong Hóa có bài Nam vô tửu như kỳ vô phong của Kỳ Hoa. Hý họa không ký tên. Hài văn ký Quần Đệ Tử.

Ý nghiã Bồi thường trong sự hình phạt ở Á Đông của Trần Khánh Giư. Mục Văn đàn: gồm một bài hát nói Mừng Phong Hóa của Thảo Thượng Phong và một bài thơ cổ của Tăng Tử đời Tống vịnh Ngu Cơ, do Kỳ Hoa dịch, rất hay.

Mục Sử ký và địa dư có bài Thần núi thần sông (chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh) của Kỳ Hoa. Sau cùng là đoản thiên tiểu thuyết Mùa hoa gạo của Kỳ Hoa và Trận đánh phương nam, tiểu thuyết quân sự cũng của Kỳ Hoa.

clip_image010

Bìa Phong Hóa số 2

Tranh bìa này chắc Nguyễn Gia Trí vẽ, ký tên Đông Sơn chữ Hán, vì lúc này, trên nguyên tắc, chưa có Nhất Linh.

Lần đầu tiên tờ báo ghi tên tòa soạn và trị sự: Số 1, đường Carnot trên trang bìa. Và cũng lần đầu tiên ghi: Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc và Phạm Hữu Ninh, Quản lý nhà in Thụy Ký (chữ nhỏ ở trang sau chót). Hai ông này sẽ giữ địa vị quan trọng trong một thời gian dài, như ta sẽ thấy ở dưới. Nhưng hầu như ít ai chú ý đến tên Nguyễn Xuân Mai, mà chỉ giữ lại tên Phạm Hữu Ninh vì ông là hiệu trưởng trường Thăng Long.

Trong số 2 này, vẫn gần như chỉ có một mình Khái Hưng tự biên tự diễn, ông ký thêm tên Thảo Thượng Phong dưới bài hát nói và tên này cũng chỉ xuất hiện vài số rồi biến mất. Nhưng đáng chú ý là hai bài:

– Xã luận: Muốn phá hủy hãy kiến thiết đã của Trần Khánh Giư, lời lẽ mạnh bạo, thuyết phục, nêu lên những hủ lậu của lối sống cũ, cần phải đổi mới, nhưng cũng chống lại sự a dua quá đáng của một số người theo mới: "Những cái mới không hẳn đã là hay, những cái cũ không chắc đã là dở, theo mới bỏ cũ vị tất đã là đi không phải đường. Song giá khi nào học những cái mới được tường tận đã, được hoàn toàn đã, thấu hết được tinh thần đã, hãy nên ruồng rẫy những cái cũ thì hợp đạo hơn". Trần Khánh Giư đưa ra thí dụ: xưa kia còn học chữ nho thì đứa trẻ nào trong làng cũng ê a dăm ba chữ của thầy đồ, bây giờ chuyển sang quốc ngữ, mấy làng mới có được một trường học, nạn mù chữ mạnh hơn. Quan điểm này -hoàn toàn khác với khẩu hiệu "theo mới hoàn toàn theo mới" của Hoàng Đạo-Khái Hưng đã dùng làm nền tảng để xây dựng nhân vật Mai trong Nửa chừng xuân, khác hẳn nhân vật Loan trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh.

– Đoản thiên tiểu thuyết Mùa hoa gạo ký Kỳ Hoa, là tự truyện về quãng đời đi học của Khái Hưng: thủa nhỏ học 5 năm chữ Hán (từ 5 tuổi đến 10 tuổi) rồi mới học chữ Tây. Thi bằng Sơ Học năm 14 tuổi, vì đỗ cao nên được vào trường Bảo Hộ (ngoài đời Khái Hưng học trường Albert Sarraut). Mùa hoa gạo sẽ được ông viết lại thành hồi ký Thế giới cũ Mực tầu giấy bản ký tên Nhị Linh, về thời học chữ nho, đăng trên Phong Hóa từ số 24 (2-12-1932).

Phong Hóa số 3 (30-6-1932) ngoài những mục thường thức, còn có:

Xã luận: Một câu hỏi của Trần Khánh Giư, biện hộ cho việc con gái cần phải đi học để có kiến thức, nâng cao giá trị người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Bài Quang cảnh một tiệm hút thuốc phiện ở Hà Nội (đăng hai kỳ, kỳ đầu ký Thảo Thượng Phong, kỳ sau ký Trần Đỗ). Bài này có lẽ là thử nghiệm truyện ngắn hiện đại đầu tiên của Khái Hưng, viết theo lối phóng sự hư cấu về một tiệm hút thuốc phiện. Phương pháp mô tả của ông đã thành hình: tiệm hút ở ngõ Sầm Công được Khái Hưng soi tỏ mọi khía cạnh: người và vật.

Mục Bia Phong Hóa có bài Hoạn Thư của Kỳ Hoa. Mục Hài văn của Quần Đệ Tử, mục Thực hay hư của Nghịch Nhĩ Đào Đình Dù. Mục Gương thể thao của Nguyễn Tuấn Giao. Mục Chuyện Phong Hóa: Vì tình nên phải… của Khúc Giang.

Và trên Phong Hóa số 3 này có tranh hài hước ký tên Đông Sơn quốc ngữ lần đầu. Có thể vẫn là của Nguyễn Gia Trí, vì Nhất Linh chưa "vào", và có quảng cáo Nguyễn Tường Tam dạy trường Thăng Long, giáo sư cử nhân Vật lý. Cũng trong số báo này có thêm bút hiệu Khúc Giang, là tên một bài thơ của Đỗ Phủ.

Phong Hóa số 4 (7-7-1932)

Xã luận: Nghề và tiếng của Trần Khánh Giư. Tuỳ bút Quần trắng áo lam của Nhất Chi Mai (bàn về mốt áo lam quần trắng của các bà các cô đang thịnh hành) đây là bài văn đầu tiên của Nhất Chi Mai tức Thế Lữ được đăng trên Phong Hóa, viết theo thể văn tùy bút khá mới, nhưng không ai để ý. Mọi người chỉ coi như Thế Lữ có mặt, từ lúc truyện ngắn Thây ma xuống gác ký tên Ng. Thế Lữ, được đăng trên Phong Hóa số 27 (23-12-1932).

Mục Bia Phong Hóa có bài Cái ngông cái rởm của người đời của Khúc Giang Đào Thiện Ngôn. Qua bút hiệu này ta biết Khúc Giang chính là Đào Thiện Ngôn, đều là Khái Hưng.

Tiểu luận Một cái khí giới của ông bố An Nam của Trần Khánh Giư, đả phá chế độ phụ quyền. Mục Phụ nữ có bài Hồ Xuân Hương của Kỳ Hoa. Thực hay hư của Nghịch Nhĩ Đào Đình Dù. Bài Quang cảnh một tiệm thuốc phiện ở Hà Nội (tiếp theo), lần này không ký Thảo Thượng Phong mà ký Trần Đỗ. Như vậy Trần Đỗ cũng là bút hiệu của Khái Hưng. Hài văn của Quần Đệ Tử. Có tật giật mình, tranh của Hbat. Mục Văn đàn, có ba bài thơ: Qua thành tỉnh Sơn, Thăm cảnh hồ Gươm, Đêm hè xem sách, không đề tên tác giả và một đoản văn của Chateaubriand do Đào Thiện Ngôn dịch, tất cả đều "của" Khái Hưng. Có tranh hài hước chế nhạo việc đánh bài, không ký tên. Mục Sử ký và điạ dư, có bài Đức Thánh Gióng của Kỳ Hoa.

Phong Hóa từ số 5 (14-7-1932) đến số 10 (18-8-1932)

Phong Hóa số 5 có bài Một buổi diễn kịch làm phúc, tường thuật của Nhất Chi Mai và Phong Hóa số 6, có truyện Bả phồn hoa của Nhất Chi Mai, sau đó không thấy bài của Nhất Chi Mai nữa.

Tóm lại, từ số 1 đến số 10, Khái Hưng bao dàn gần như hết cả tờ báo với những tên khác nhau. Ông đã ký những tên: Trần Khánh Giư, Kỳ Hoa, Đào Thiện Ngôn, Trần Đỗ, Thảo Thượng Phong, Khúc Giang, Hưng Bang, K.G., Ngô Đình Chiên, Bán Than[9], Hứa Do, K.G. Đào Quang Triệu, T. K. Giư, Lão Ôn, Trần Lang, Nhà Nho, Quần Đệ Tử, Nghịch Nhĩ Đào Đình Dù… Những bút hiệu này, hoặc do phá ba chữ Trần Khánh Giư, để lắp lại theo một trật tự khác, hoặc sử dụng hai chữ đầu K.G rồi biến chế thêm, hoặc dùng những sự tích liên quan đến tướng Trần Khánh Dư trong lịch sử, cùng quê với ông, hoặc thầm kín nói lên tính chất nhà nho "người hiền" như Hứa Do của chính mình, hoặc cho thấy Khái Hưng có humour, thích pha trò, tự giễu. Ông chỉ bắt đầu ký tên T. Khái Hưng trên Phong Hóa số 15 (29-9-1932) dưới đoản thiên tiểu thuyết Cái thù ba mươi năm, tác phẩm đầu tiên bộc lộ ngôn ngữ tiểu thuyết của Khái Hưng.

PH11

 

Phong Hóa số 11

PH14

 

Phong Hóa số 14

Phong Hóa số 11 (25-8- 1932), là ngõ quặt, bắt đầu sự cải tiến. Về hình thức, bỏ lối trình bày khổ nhỏ của tập san, chuyển sang khổ lớn của báo hàng ngày (như Phong Hóa số 14). Và có bài quảng cáo trên trang nhất, như sau:

Một sự cải cách lớn của báo Phong Hóa

Phong Hóa tuần báo tạm ra bốn trang giá bán 0p,03 [3 xu] để đủ thời giờ dự định một cuộc hoán cải rất lớn lao.

Vài tuần nữa tờ báo Phong Hóa sẽ được vừa lòng độc giả về hết các phương diện văn chương, mỹ thuật, tư tưởng.

Xin độc giả vững tâm chờ đợi. Phong Hóa tuần báo sẽ không phụ tấm lòng yêu mến của độc giả.

Qua lời quảng cáo này, ta có thể hiểu, kể từ số 11, Phong Hóa đã có số tiền 10.000 đồng của Nguyễn Văn Tiên Leung-Fat-Fa, nên Tự Lực văn đoàn mới quyết định đổi mới tờ Phong Hóa, theo cách tổ chức của Nhất Linh.

Nhưng Tự Lực văn đoàn lúc đó có những ai? Đã là một văn đoàn chưa? Dựa vào Những ngày vui, thì lúc đó "nhóm Tự Động" hay Tự Lực chỉ có Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí và Nhất Linh.

Phong Hóa số 12 (1-9-1932) trình bày giống hệt như Phong Hóa số 11, bài quảng cáo cũng như thế, trên trang nhất.

Phong Hóa số 13 (8-9-1932), đăng bài quảng cáo mới, ở giữa trang nhất, "hoành tráng" và "nhà nghề" hơn, chắc đã có bàn tay Nhất Linh nhúng vào:

"Một cuộc hoán cải lớn lao trong báo Phong Hóa!

Một sự lạ trong làng báo!

Một cái mới!

Đến ngày thứ năm 22 Sept.1932

Báo Phong Hóa sẽ ra số mới 8 hay 12 trang (khổ nhật trình). Mỗi số 0p07 [7 xu]".

Bàn một cách vui vẻ về các vấn đề

cần thiết; xã hội , chính trị, kinh tế

Nói rõ về hiện tượng trong nước.

Có 15 tranh vui, nhiều chuyện vui v.v..

Cần thiết…

Hoạt động…

Vui vẻ…

Mãi… Mãi…

Ai cần xem báo! Ai thích đọc báo!

Nên đọc Phong Hóa

Kính cáo độc giả:

Báo Phong Hóa tạm nghỉ một kỳ (15 Septembre) để có đủ thời giờ sửa soạn số ngày 22 Septembre".

clip_image016

Phong Hóa số 13

Vật ta có thể tóm tắt lại tình hình như sau:

Phong Hóa từ số 1 đến số 10: Khái Hưng viết, báo có khổ nhỏ của tạp chí (24×33).

Phong Hóa số 11, đổi mới hình thức, khổ lớn như báo hàng ngày và đăng quảng cáo: báo Phong Hóa sẽ có cải cách lớn.

Phong Hóa số 12 và 13, rút gọn nội dung bài vở, để chuẩn bị cho số 14.

Phong Hóa số 14: tờ báo đã cải cách, do Tự Lực văn đoàn chủ trương, ra đời.

Từ số 20 trở đi, trở lại khổ tạp chí.

Nhưng vẫn còn câu hỏi: Tự Lực văn đoàn thành lập lúc nào mà "chủ trương" báo Phong Hóa số 14 như lời Nhất Linh và Hoàng Đạo tuyên bố trên Phong Hóa số 154? (Xem Sự thành lập Tự Lực văn đoàn, phần I). Có thể có hai câu trả lời:

1- Từ Phong Hóa số 1 đến Phong Hóa số 13.

2- Từ Phong Hóa số 10 đến Phong Hóa số 13.

Tôi chọn câu trả lời số 2, bởi vì, trên Phong Hóa từ số 1 đến số 10, chỉ có mình Khái Hưng viết. Đến Phong Hóa số 11, sự thay đổi rất rõ ràng. Vậy ta có thể coi là Nhất Linh đã "vào" Phong Hóa, trễ lắm là từ số 11; và nhờ tiền của Leung-Fat-Fa, ông mới có phương tiện tổ chức lại tờ báo, mời Tú Mỡ, gọi các em vào giúp, mượn thêm họa sĩ vẽ hý họa.

Như vậy, ta có thể "chính thức" nhìn nhận rằng:

Nhóm Tự Lực đã thành hình trong khoảng thời gian từ Phong Hóa số 11 (25-8-1932) đến Phong Hóa số 13 (8-9-1932), tức là những ngày cuối tháng tám đầu tháng chín năm 1932.

Nguyễn Xuân Mai và Phạm Hữu Ninh

Đáng lẽ bài này kết thúc ở đây, nhưng chúng tôi vẫn cón muốn tìm hiểu thêm một vấn đề nữa: Nguyễn Xuân Mai là ai?

Cho đến nay, hầu như mọi người đều tin rằng Phong Hóa chỉ bắt đầu từ số 14, khi Nhất Linh làm giám đốc. Nhưng nếu đọc kỹ Phong Hóa từ những số đầu, thì mọi sự không hoàn toàn như thế: Phong Hóa là một tờ báo có sự quản trị liên tục, từ số 1 đến số 13, do Khái Hưng viết với những bút hiệu khác nhau; rồi từ số 14 trở đi, Nhất Linh mở rộng, đổi mới và làm Giám đốc, nhưng Ban quản trị không hề thay đổi: tên hai ông Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai luôn luôn có trên đầu báo, từ số 14 (22-9-1932) đến số 126 (30-11- 1934). Vậy họ là ai?

Nếu Nhất Linh mua lại tờ Phong Hóa của ông Phạm Hữu Ninh, thì tại sao tên ông Ninh và ông Mai vẫn còn tồn tại trên mặt báo, sau số 14? Không những vai trò của Phạm Hữu Ninh không dừng ở Phong Hóa số 13, mà còn kéo dài nhiều năm sau. Vì từ số 14 (22-9-1932) trở đi, trên đầu báo, dưới tên Phong Hóa, luôn luôn có hàng chữ này:

"Fondateur Directeur politique [Sáng lập, Giám đốc chính trị] Nguyễn Xuân Mai, Directeur [Giám đốc] Nguyễn Tường Tam, Administrateur Gérant [Quản lý Trị sự] Phạm Hữu Ninh" Đến số 126 (30-11-1934), khi toà soạn dọn về 80 Quan Thánh, những dòng chữ này mới bỏ hẳn, chỉ giữ lại: Nguyễn Tường Tam Directeur.

Việc này dẫn đến hai câu hỏi:

– Một tờ báo có cần Giám đốc chính trị không?

– Phạm Hữu Ninh là hiệu trưởng trường Thăng Long, còn Nguyễn Xuân Mai là ai?

Trên bià Phong Hóa từ số 1 đến số 13, không thấy ghi tên Phạm Hữu Ninh, Nguyễn Xuân Mai trên đầu báo. Nhưng từ Phong Hóa số 2 (23-6-1932), ở trang cuối ghi hàng chữ nhỏ tiếng Pháp: Le Directeur Nguyễn Xuân Mai – Imprimerie Thụy Ký Hà Nội – Le gérant Phạm Hữu Ninh [Giám đốc Nguyễn Xuân Mai – Nhà in Thụy Ký Hà Nội – Quản lý Phạm Hữu Ninh].

Đây là lần đầu tiên tên hai ông xuất hiện, Nguyễn Xuân Mai được ghi là Giám đốc nhà in Thụy Ký, còn Phạm Hữu Ninh làm quản lý.

Phong Hóa số 11 (25-8-1932), nhà in đổi tên là Moderne, hai ông vẫn làm giám đốc và quản lý. Và đến Phong Hóa số 14, khi Nhất Linh làm Giám đốc, thì Nguyễn Xuân Mai trở thành nhà Sáng LậpGiám đốc chính trị. Tại sao?

Tú Mỡ kể lại chuyện ra báo trong hồi ký như sau:

"Mãi đến khi anh Tam rủ tôi vào báo Tiếng Cười thì cá mới thực gặp nước; tôi mến phục anh Tam có con mắt tinh đời, biết người, biết của, nên vui sướng nhận lời cộng tác với anh. (…)

Chúng tôi đã sáng tác được nhiều cho báo Tiếng Cười. Nhưng vẫn chưa được giấy phép ra báo. Anh Tam có đi thăm dò tin tức, thì ở sở báo chí của phủ Thống sứ người ta bảo rằng: "còn xét! “.Một tháng, hai tháng, ba tháng, vẫn cứ "còn xét". Chúng tôi bảo nhau: cái kiểu kéo dài "còn xét" này, có nghiã là nó không muốn cho phép. Nhưng nó xỏ lá không muốn công khai từ chối vì không có lý do chính đáng"[10]

Câu này sai, vì Nhất Linh viết trong bài Nói truyện cũ trên Phong Hóa số 154 (20-9-1935) rằng: "Tờ "Tiếng Cười" đó đã được giấy phép xuất bản của chính phủ, nhưng không thể ra đời được, vì một lẽ giản dị là không kịp thu xếp xong trước ngày hết hạn giấy phép". Và trong bài tiểu sử Nhất Linh do Nguyễn Ngu Í soạn năm 1966, cho biết thêm: Tiếng Cười không ra được vì không có tiền.

Điều này chứng tỏ Tú Mỡ không biết rõ chuyện báo Tiếng Cười, ông chỉ nghe kể lại, rồi bịa thêm câu: "sở báo chí phủ Thống sứ bảo: còn xét", được rất nhiều người chép lại.

Nhưng đoạn dưới đây, có một điều tin được:

"Anh Tam đâu có chịu bó tay. Anh xoay và đã xoay rất cừ. Bấy giờ, nhân dịp có tờ Phong Hóa của anh Phạm Hữu Ninh, quản trị, anh Nguyễn Xuân Mai, giám đốc chính trị, loại báo vô thưởng vô phạt, đang sống dở chết dở vì không ai buồn đọc, sắp sửa phải đình bản. Anh Tam đề nghị với hai anh nhượng lại tờ báo cho mình làm chủ bút, hai anh vẫn đứng tên quản trị và giám đốc chính trị làm vì, mỗi tháng lĩnh mấy chục bạc lương (tức là tiền cho thuê báo). Tất cả đều hỉ hả: anh Ninh và anh Mai trút được gánh nặng mà báo khỏi đình bản; anh Tam sẵn có tờ báo thay cho tờ Tiếng Cười, chắc là không đươc phép xuất bản"[11]

Điểm có thể tin được ở đây trong lời Tú Mỡ là: Nhất Linh chỉ "thuê" giấy phép làm báo, cho nên hai ông Ninh và Mai vẫn "chính thức" đứng tên. Việc này giải thích lý do tại sao trên đầu Phong Hóa số 14 lại ghi: Nguyễn Xuân Mai là người Sáng lập và Giám đốc chính trị; Nguyễn Tường Tam, Giám đốc và Phạm Hữu Ninh, Quản lý. Chỉ tới số 126, khi toà soạn đã dọn về 80 Quan Thánh, thì trên đầu báo mới bỏ hết tên ba người, nhưng tên Nguyễn Xuân Mai và Phạm Hữu Ninh, lại xuất hiện lại, trên báo thêm một thời gian nữa, đến Phong Hóa số 139 (8-3-1935) mới chấm dứt hẳn[12].

Cũng nên ghi thêm: kể từ Phong Hóa số 136 (15-2-1935) Nguyễn Tường Tam không có tên trên bảng quảng cáo các giáo sư cử nhân trường Thăng Long. Nhưng ông chỉ ngừng dạy một thời gian, vì đến năm 1937, trên báo Ngày Nay số 74 (29-8-1937), lại quảng cáo tên ông trong ban giáo sư nhà trường, như vậy ông còn dạy học trong niên khoá 1937-1938 nữa.

Phong Hóa Ngày Nay bị biển thủ

Nhà in, nhà xuất bản và tờ báo là ba cơ quan khác nhau. Báo Phong Hóa, từ số 1(6-6-1932) đến số 190 (5-6-1936) đã thay đổi tên nhà in nhiều lần, thoạt tiên là Thụy Ký, rồi Imprimerie Moderne (62 Hàng Bạc), Lê Văn Tân, Trung Bắc Tân Văn và Tân Dân[13]. Chắc chỉ đổi tên, chứ vẫn là một nhà in, vì ông Nguyễn Xuân Mai luôn luôn là Giám đốc và ông Phạm Hữu Ninh quản lý. Từ Phong Hóa số 134 (30-1-1935) trở về sau mới chuyển sang Nguyễn Tường Tam quản lý nhà in Tân Dân đến số 190, số chót.

Còn báo Ngày Nay ra sau, lần lượt do Nguyễn Tường Cẩm (anh Nhất Linh), Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Trần Khánh Giư (Khái Hưng) và Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) làm Giám đốc. Tên nhà in báo Ngày Nay cũng thay đổi từ Imprimerie d’Extrême Orient sang TBTV (Trung Bắc Tân Văn) rồi lại trở về với tên Thụy Ký[14], và "những nhà in" này đều do Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Lân và Nguyễn Kim Hoàn (em rể Nhất Linh, chồng bà Nguyễn Thị Thế) thay phiên nhau quản lý.

Qua chuyện nhà in, bật ra mấy câu hỏi có tính cách xác định:

– Tên nhà in hai báo Phong Hóa Ngày Nay, tuy thay đổi nhiều lần, nhưng có phải vẫn chỉ là một nhà in Thụy Ký mà ông giám đốc là Nguyễn Xuân Mai hay không?

– Sau Phạm Hữu Ninh đến Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Kim Hoàn kế tiếp nhau quản lý (các) nhà in. "Các" nhà in này tuy thay đổi tên nhưng cuối cùng vẫn trở về với tên đầu tiên Thụy Ký, trước khi "bán lại" cho Ngày Nay.

– Ngày Nay số 208 quảng cáo: "Ngày Nay ngày nay in nhà in nhà" và từ Ngày Nay số 209, báo đề in ở Imprimerie spéciale de la Revue Ngày Nay. Vậy báo Ngày Nay chỉ có nhà in riêng bắt đầu từ số 208, và nhà in này cũng tên là Ngày Nay.

– Tại sao một tờ báo lớn như Ngày Nay và một nhà xuất bản lớn như Đời Nay lại chỉ có nhà in riêng khá chậm như vậy?

– Bởi vì Tự Lực văn đoàn bị một người biển thủ. Việc này bà Nguyễn Thị Thế có nói đến trong hồi ký: "Các anh mải mê sáng tác, soạn bài vở nên giao việc trông nom ấn loát và quảng cáo cho một người bạn vì quá tin nên không kiểm soát gì cả. Trong hai năm ông ta thụt két mất một số tiền lớn; sau này có người mách các anh soát lại sổ sách mới rõ, thật là chua cay"[15] Nhưng bà không nói rõ ai thụt két và trong thời gian nào. Khi rà lại Phong Hóa và Ngày Nay để tìm dấu vết vụ này, chúng tôi thấy rằng:

Kể từ Phong Hóa số 140 (15-3-1935), ông Nguyễn Văn Thức làm Quản lý báo Phong Hóa và Ngày Nay, tên ông được đề liên tục trên đầu báo, trong hai năm rưỡi.

Bỗng nhiên, đến Ngày Nay số 74 (29-8-1937), dưới bài diễn văn của Nhất Linh Ý nghiã xã hội của Ánh Sáng, trên một cột nhỏ, phải chú ý mới thấy, có in mấy dòng Cùng các độc giả Ngày Nay và những nhà đăng quảng cáo, dưới dạng bố cáo như sau:

"Ông Nguyễn Văn Thức, người thủ khố (Caissier comptable) của báo Ngày Nay bỗng dưng bỏ việc mấy hôm nay không đến tòa báo. Vậy chúng tôi không coi ông ấy là người làm công của chúng tôi nữa. Tiền nong, thư từ về việc quảng cáo, xin các bạn gửi cho ông TRẦN TIÊU, 80 Grand Bouddha, Hà Nội".

Vậy, Trần Tiêu, em ruột Khái Hưng đã thay Nguyễn Văn Thức làm quản lý báo Ngày Nay (Nguyễn Thị Thế ghi Hoàng Đạo) trong một thời gian, sau đó Nguyễn Trọng Trạc lên thay thế, rồi sau báo Ngày Nay không đề tên Giám đốc, Quản lý nữa. Kể từ Ngày Nay số 166 (17-6-1939) ông Nguyễn Kim Hoàn, làm quản lý nhà in Thụy Ký đến số báo chót.

Vì vụ biển thủ này, cho nên báo Ngày Nay không có tiền để lập nhà in riêng và nhà xuất bản Đời Nay cũng bị khó khăn theo, cho nên mãi đến năm 1940, tức là tới lúc các thành viên chính đã phải trốn tránh và Tự Lực văn đoàn bắt đầu tan rã, thì Ngày Nay số 209 (25-5-1940), mới in được ở nhà in riêng, và quảng cáo trên báo câu đối: Ngày Nay ngày nay in nhà in nhà.

Tại sao ông Nguyễn Xuân Mai lại là người sáng lập Phong Hóa?

Câu hỏi: ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Sáng lập và Giám đốc Chính trị tờ Phong Hóa, là ai? Vẫn chưa trả lời được. Đọc lời chia buồn của Phong Hóa khi được tin cụ Thượng Đính mất, tôi được biết một thông tin quý giá giúp tôi giải mã câu hỏi này.

Bản Tin buồn đăng trên Phong Hóa số 183 (17-4-1936), bắt đầu như sau:

"Bản báo được tin cụ Lê Vân Đính, Tuần phủ chí sĩ, thân phụ ông Lê Vân Nham, nhạc phụ ông Thụy Ký và ông Trần Khánh Giư đã mệnh chung ở Dịch Diệp (Nam Định) ngày 7 tháng tư…"

clip_image018

Nhờ mấy dòng này mà ta biết ông Thụy Ký là người anh đồng hao của Khái Hưng.

Vì vậy, chúng tôi tạm đưa ra giả thuyết: tờ Phong Hóa, được ông Thụy Ký (Nguyễn Xuân Mai), không những giúp đỡ Khái Hưng in báo từ số 1, mà khi Nhất Linh mở rộng tờ báo, từ số 14, ông Thụy Ký Nguyễn Xuân Mai còn bao che cả việc chính trị (vì ông có thế lực?), cho nên trên đầu tờ Phong Hóa, từ số 14, luôn luôn đề Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Sáng lập và Giám đốc Chính trị. Như thế, công của ông trong việc xây dựng tờ Phong Hóa thực không nhỏ, và ông quả là người Sáng lập ra tờ báo.

clip_image020
Fondateur Directeur Politique Nguyễn Xuân Mai

Nhà in Thụy Ký, trong suốt 8 năm, do ông Nguyễn Xuân Mai làm chủ, ban đầu mượn ông Phạm Hữu Ninh, tiếp đến anh em Nguyễn Tường làm quản lý và chỉ đến bốn tháng cuối cùng, Tự Lực văn đoàn mới mua được nhà in mới (hay mua lại nhà in Thụy Ký) để có nhà in riêng, tức là nhà in Ngày Nay, in báo Ngày Nay từ số 209 (25-5-1940), đến 224 (7-9-1940) là số chót. Nhưng năm 1940, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí đã tham gia cách mạng rồi.

Tóm lại, sau những khảo sát đầu tiên, chúng tôi xin tạm kết luận:

Báo Phong Hoá (số 1, ra ngày 6-6-1932) do Nguyễn Xuân Mai, giám đốc nhà xuất bản Thụy Ký sáng lập và in ấn; Trần Khánh Giư và Nguyễn Gia Trí chủ trương; Trần Khánh Giư đặt tên là Phong Hoá và viết hầu như toàn diện bài vở từ số 1 đến số 13 (8-9-1932). Tên Tự Lực cũng đã có trong thời kỳ này.

Kể từ Phong Hoá số 11, nhờ số tiền 10.000 đồng của Nguyễn Văn Tiên Leung-Fat-Fa di tặng, mới có quyết định mở rộng và đổi mới theo kế hoạch của Nguyễn Tường Tam.

Tự Lực văn đoàn đã thành hình trong khoảng thời gian từ Phong Hóa số 11 (25-8-32) đến Phong Hóa số 13 (8-9-32), tức là những ngày cuối tháng tám đầu tháng chín năm 1932, để chuẩn bị cho số báo 14 (22-9- 1932) là số báo chính thức của văn đoàn.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1] Những ngày vui, bản Phượng Giang, 1958, trang 101-102.

[2] Những ngày vui, bản Phượng Giang, trang 105.

[3] Những ngày vui, trang 108.

[4] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, Anh Phương Sài Gòn, 1965, Đại Nam Hoa Kỳ, in lại, trang 432.

[5] Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam, quyển hạ, Ba thế hệ của nền văn học mới (1862-1945) NxbTrình Bầy, 1967, trang 609.

[6] Khổ tạp chí, 16 trang, giá 10 xu, chưa có bìa. Khung in Giá báo, đề: Ngân phiếu và thư tín xin gửi: M. Phạm Hữu Ninh, Quản lý Phong Hóa Tuần Báo, số 1 đường Carnot Hà Nội.

[7] Mục Hài văn ký tên Quần Đệ Tử từ số 1 tới số 7; số 8 ký Bán Than; số 9 ký Bi Thời Khách. Từ số 10, đổi tên thành Nụ Cười, vẫn do Khái Hưng viết, ký tên Lão Ôn; số 11 và 12 ký tên Nhà Nho; số 13 ký tên Ba Phải. Đặc biệt số 6, có bài thơ phỏng cổ Chinh Phụ Ngâm: Lời than của chị em dưới sóm [xóm] của Quần Đệ Tử, rất hay.

[8] Bìa này giữ đến số 10. Dưới tranh bìa, đề hàng chữ to: Toà soạn và trị sự số 1, Đường Carnot [nay là Phan Đinh Phùng] Hà Nội. Giá bán 10 xu. Ở tận cùng trang cuối, ghi hàng chữ nhỏ: Le directeur Nguyễn Xuân Mai- Imprimerie Thụy Ký Hà Nội- Le gérant: Phạm Hữu Ninh.

[9] Tướng Trần Khánh Dư ngày trước có lúc bị biếm phải làm nghề bán than.

[10] Trong bếp núc của Tự Lực văn đoàn, hồi ký của Tú Mỡ, Tạp chí Văn Học, Hà Nội, số 5-6 năm 1988 và số 1 năm 1989, in lại trong cuốn Tự Lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Mai Hương tuyển chọn và biên soạn, Nxb Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2000, trang 125-158).

[11] Tú Mỡ, Trong bếp núc của Tự Lực Văn Đoàn, sách dã dẫn.

[12] Kể từ Phong Hóa số 127 (7-12-34) tên Nguyễn Xuân Mai và Phạm Hữu Ninh không còn trên đầu báo, nhưng cuối báo vẫn đề tên ông Phạm Hữu Ninh quản lý nhà in Tân Dân, tới số 134 (30-1-1935). Từ số 135 (8-2-1935) nhà in Tân Dân do Nguyễn Tường Tam quản lý. Đến số 137 (22-2-35) và số 138 (1-3-1935), lại thấy tên ông Nguyễn Xuân Mai xuất hiện trên đầu báo, với danh nghiã: Sáng lập. Tới Phong Hóa số 139 (8-3-1935) mới bỏ hẳn tên hai ông Nguyễn Xuân Mai và Phạm Hữu Ninh.

[13] Nhà in Thụy Ký, do ông Phạm Hữu Ninh quản lý, đổi tên là Imprimerie Moderne 62 Hàng Bạc kể từ Phong Hóa số 11 (25-8-1932). Tiếp đó, sẽ có những tên: Lê Cường, (do Nguyễn Tường Tam quản lý, in Phong Hóa số 14) nhưng từ số 15, lại trở về tên Moderne, rồi trở thành: Lê Văn Tân, Trung Bắc Tân Văn và Tân Dân, đều do ông Phạm Hữu Ninh quản lý. Đến Phong Hóa 134 (30-1-1935), nhà in Tân Dân mới do Nguyễn Tường Tam quản lý.

[14] Ngày Nay số 1 (30-1-1935) in ở Imprimerie d’Extrême-Orient, do Nguyễn Tường Cẩm làm Giám đốc báo và Quản lý cả nhà in. Được năm số thì ông Cẩm nghỉ. Nguyễn Tường Tam thay thế. Ngày Nay số 26 (20-9-1936) nhà in có tên là TBTV (Trung Bắc Tân Văn), số 27 (27-9-1936) lấy lại tên Thụy Ký, rồi từ số 31 (25-10-1936), lại đổi tên TBTV, đến số 38 (13-12-1936), trở về tên Thụy Ký, vẫn do Nguyễn Tường Tam làm Quản lý. Tới Ngày Nay số 68 (18-7-1937), Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam) lên làm Giám đốc tờ báo, đồng thời Quản lý nhà in Thụy Ký cho tới số 165 (10-6-1939). Từ Ngày Nay số 166 (17-6-1939), không đề tên giám đốc tờ báo nữa, chỉ còn tên Nguyễn Kim Hoàn (chồng bà Nguyễn Thị Thế, em gái Nhất Linh) làm quản lý nhà in Thụy Ký cho tới số 208 (18-5-1940). Và từ Ngày Nay số 209, báo đề in ở Imprimerie spéciale de la Revue Ngày Nay, tức là nhà in riêng của Ngày Nay cho tới số cuối cùng 224, vẫn do ông Nguyễn Kim Hoàn quản lý.

[15] Hồi ký Nguyễn Thị Thế, bản Văn Hóa Ngày Nay, 1996, Hoa Kỳ, trang 120.

Comments are closed.