Tự Lực văn đoàn – Văn học và cách mạng (42)

Thụy Khuê

Những ngày sóng gió

Từ tháng 9-1940, Tự Lực văn đoàn đi vào bão tố:

Ngày Nay số cuối cùng 224, ra ngày 7-9-1940.

Nhất Linh chạy sang Tàu (vào khoảng cuối tháng 9-1940) do người Nhật giúp đỡ.

Khái Hưng sang Tàu tháng 4-1941, nhưng ít lâu sau, trở về Việt Nam.

Từ tháng 7-1941, Đại Việt Dân Chính và một số đảng phái quốc gia khác bị truy lùng gắt gao.

Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí bị bắt ngày 16-9, Khái Hưng, ngày 31-10- 41, tại Hà Nội.

Ngày 4-10-1941, Trương Tử Anh, đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng bị bắt tại Hà Nội[1].

Thạch Lam qua đời ngày 27-6-1942.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp.

Ngày 17-4-1945, chính phủ Trần Trọng Kim ra đời.

Ngày 5-5-1945, Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới ra số báo đầu tiên.

Chương này tìm hiểu những thăng trầm của Tự Lực văn đoàn trong giai đoạn 1940-1945, thời kỳ tan rã, cho đến khi Việt Minh lên nắm chính quyền, với những tiểu đoạn:

– Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí ở Vụ Bản.

– Tình trạng sáng tác của Nguyễn Gia Trí sau khi ra tù.

– Hoạt động của Nhất Linh ở bên Tàu.

– Báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới.

– Ngày vua Bảo Đại thoái vị.

***

An trí ở Vụ Bản

Theo lời Nguyễn Tường Triệu, khi ông vào thăm cha nuôi ở Sở Liêm phóng gần Đấu xảo, Khái Hưng nói với con: "Chú Long và chú Gia Trí bị [bắt] trước, Tây nó đánh đau lắm, những gì phải khai hai người đã nói hết, papa vào sau cứ theo đó mà khai nên chỉ bị sơ sơ thôi"[2].

Rồi Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí bị đưa đi an trí ở Vụ Bản, châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Nguyễn Tường Triệu kể: "Chừng ba bốn tháng sau papa được chuyển lên trại An Trí tại Vụ Bản" tại trại giam này "chú Long, chú Trí phải đẩy xe nước vào rừng lấy củi, papa may mắn vì yếu đuối được phụ việc ở nhà thương"[3].

Như vậy, cả ba người bị chuyển lên Vụ Bản vào khoảng tháng giêng, tháng hai năm 1942.

Nguyễn Thị Thế viết trong hồi ký:

"Anh Tư tôi [Hoàng Đạo] bị bắt, bị tra tấn bằng điện dữ dội, anh gan lỳ không chịu tiết lộ gì nên họ cho đi an trí ở huyện Vụ Bản, Vĩnh Bình cùng với ông Khái Hưng, suốt trong hai năm, ông Khái Hưng làm y tá vì có biết chút ít về thuốc, anh Tư trông coi về ẩm thực sang chợ mua thức ăn về anh em trong tù thổi nấu lấy ăn nên cũng khá và đầy đủ hơn.

Mỗi tháng chị Tư lại lên thăm, lần nào cũng quà cáp biếu hậu hỹ lão giám đốc nên họ cũng nể. Vì khi chị lên thăm, anh được tự do vào rừng chơi, vẫn mặc âu phục như đi săn. Cũng vì không có chứng cớ rõ rệt, chỉ mới tình nghi thôi, họ thừa biết anh Tam tôi mới là nhân vật quan trọng"[4]

Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến viết: "bị đưa đi đầy tại trại giam Vụ Bản, châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Vùng này cư dân là người Mường, họa sĩ [Nguyễn Gia Trí] ghi lại cảnh trí nơi bị lưu đầy"[5].

Như vậy, tình hình trại giam không đến nỗi khắc nghiệt, cho nên Nguyễn Gia Trí vẫn có điều kiện phác họa tranh và Khái Hưng đã viết những tác phẩm giá trị ở Vụ Bản.

Nguyễn Tường Triệu viết: "Bị an trí một năm, papa được tha về Hà Nội (…) "cậu Hàng Bè" [Nhất Linh] vẫn biệt vô âm tín, chú Long Hoàng Đạo kẹt ở Vụ Bản, bác Thế Lữ quay sang diễn kịch, chú Trí vẫn mải mê với tranh sơn mài trên đường Quần Ngựa"[6].

Tóm lại, theo trí nhớ của Nguyễn Tường Triệu, ta có thể tạm xác định Khái Hưng được tha trước tiên, vào khoảng tháng 3, tháng 4 năm 1943.

Ra tù, Khái Hưng tập hợp những bài viết của Thạch Lam trong loạt phóng sự Hà Nội băm sáu phố phường, viết tựa (bài tựa ghi ngày 20-7-1943) và cho xuất bản, lúc đó Thạch Lam mất đã được một năm.

***

Hoạt động của Nguyễn Gia Trí sau khi ra tù

Nguyễn Gia Trí, theo lời Hoàng Tích Chù, do Hoàng Hưng ghi lại trong bài Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật[7], đã được người Pháp: "bảo lãnh ông ra khỏi nhà tù khi ông bị bắt vì hoạt động chống Tây (Theo HS Hoàng Tích Chù, thì ông Trí bị bắt quả tang chứa vũ khí trong xưởng vẽ, những vũ khí chính ông mua bằng tiền bán tranh cho Tây".

Theo lời Nguyễn Tường Triệu trích dẫn ở trên, Nguyễn Gia Trí ra tù trước Hoàng Đạo, và ông tiếp tục làm tranh sơn mài trên đường Quần Ngựa.

Hoàng Hưng viết:

"Những năm sau đó [sau 1938] là thời kỳ tìm tòi sáng tạo đầy sung mãn của Nguyễn Gia Trí để hoàn thiện kỹ thuật và phong cách của riêng mình. Ông lập xưởng vẽ riêng ở làng Thịnh Hào, Ngã Tư Sở (Một điều thú vị là những thợ sơn mài của Nguyễn Gia Trí lúc ấy sau này đều nổi tiếng trong các ngành nghệ thuật: Kim Lân nhà văn, Nguyễn Trọng Hợp họa sĩ, Nguyễn Đăng Bẩy nhà quay phim).

Những năm 1940 Nguyễn Gia Trí là họa sĩ thành công nhất ở Việt Nam. Tác phẩm của ông được tính giá theo tấc và hầu như chỉ dân Tây thượng lưu có khả năng mua. Họ đặt tranh ngay từ khi mới trông thấy phác thảo. Hai vợ chồng công sứ Cresson xắn quần, nhấc váy, lội nước vào làng Thịnh Hào để lấy tranh. Họ gọi ông là "Génie asiatique" (Thiên tài châu Á)[8].

Có sự sai biệt về điạ chỉ giữa bài của Nguyễn Tường Triệu và bài của Hoàng Hưng:

Xưởng tranh của Nguyễn Gia Trí ở Ngã Tư Sở (theo Hoàng Hưng) hay ở đường Quần Ngựa (theo Nguyễn Tường Triệu)? Chúng tôi nghĩ rằng: lúc đầu Nguyễn Gia Trí có xưởng ở Ngã Tư Sở, sau ông dọn lên Quần Ngựa, gần Hồ Tây.

Theo Hoàng Hưng, những năm 1940 Nguyễn Gia Trí là họa sĩ thành công nhất ở Việt Nam; chắc không sai, nhưng cũng nên biết: kể từ 1938, Nguyễn Gia Trí đã trở thành đảng viên đảng Hưng Việt (buổi họp đầu tiên của đảng ở nhà ông, theo lời Khái Hưng trong Xiềng xích). Vậy, nhờ tiền những bức tranh bán cho Tây, Nguyễn Gia Trí có phương tiện phục vụ cách mạng; có thể nói ông là người "kinh tài" cho đảng từ những ngày đầu và sau này, trong thời gian lưu vong ở Hồng Kông, ông vẫn dùng hội họa để nuôi các đồng chí Quốc Dân Đảng.

Trong lá thư Nguyễn Gia Trí viết cho Phạm Tăng đề ngày 2-8-74, trong tập Những lá thư Nguyễn Gia Trí gửi Phạm Tăng, có đoạn sau đây:

"Số là ở Paris, có ông bà Drouin (77 Bd Suchet, Paris 16e) là những người tôi quen biết từ thủa còn học Trường Bưởi, đã khuyến khích tôi trong sự học hành và tôi cũng còn chịu ơn cứu mạng nữa. Hồi 1942-45 tôi có làm cho ông bà D. một bức tranh lớn (3m10x4m40) gồm 10 tấm sơn mài ghép lại, vẫn để ở 51 Av. Georges Mandel, Paris 16e vì nơi ở hiện tại quá chật hẹp, muốn bán đi (…) Vậy xin anh vì tôi nghĩ cách giúp đỡ ông bà D. giới thiệu và bán bức tranh lớn nói trên thì tôi cảm ơn anh vô cùng. Tôi rất tha thiết với vấn đề này vì muốn bù đáp phần nào mối thịnh tình ân nghĩa ông bà D. (cùng với cụ Y) đã dành cho tôi thủa xưa."[9]

Câu: "ông bà Drouin (…) đã khuyến khích tôi trong sự học hành và tôi cũng còn chịu ơn cứu mạng nữa" chỉ một nghiã cử lớn, không biết trong trường hợp nào, khiến Nguyễn Gia Trí nhớ ơn và đã dành tác phẩm quan trọng nhất của mình cho ông bà Drouin.

Câu "Hồi 1942-45 tôi có làm cho ông bà D. một bức tranh lớn (3m10x4m40) gồm 10 tấm sơn mài ghép lại" chứng tỏ bức tranh này (tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Gia Trí) làm cho ông bà Drouin, đã được phác thảo từ hồi còn ở nhà tù Vụ Bản và đến khi được tha, ông thực hiện trong hai năm từ 1943 đến 1945.

Như Phong Lê Văn Tiến viết về thời kỳ làm tranh 1943-45, của Nguyễn Gia Trí như sau và nói rõ hơn về địa chỉ Quần Ngựa:

"Thời gian này họa sĩ bị đưa từ nơi lưu đầy về quản thúc tại Hà Nội. Không được phép dời khỏi nơi cư trú, họa sĩ lập xưởng vẽ ở chân đê La Thành, khoảng giữa đường từ Núi Nùng (Vườn Bách Thảo) đến trường đua ngựa cũ. Lúc đó chiến tranh thế giới vào hồi kết thúc, Đông Dương bị quân đội Nhật chiếm đóng và bị Đồng Minh phong toả ngặt nghèo, mọi vật dụng đều thiếu hiếm, mặc dầu vậy, hoạ sĩ cũng cố gắng tạo điều kiện để thử nghiệm những chất màu mới và nâng cao kỹ thuật sơn mài. Hồi này những tác phẩm của Nguyễn Gia Trí rất được trân trọng trong giới yêu chuộng hội họa người Âu ở Hà Nội. Sau khi chiến tranh thế giới chấm dứt, nhiều tác phẩm lớn của Nguyễn Gia Trí được đưa sang Pháp và vài nước khác ở châu Âu."[10]

Tóm lại, trong thời gian từ 1943 đến 1945, Nguyễn Gia Trí được tha về, nhưng vẫn bị quản thúc tại Hà Nội. Đó là thời kỳ sáng tác sung mãn, ông thực hiện những bức tranh lớn và bán cho Pháp. Tiền để làm gì? Chắc hẳn ông vẫn tiếp tục "kinh tài" cho đảng của ông.

***

Nguyễn Tường Tam bị giam ở Liễu Châu

Theo Nghiêm Kế Tổ: "Năm 1941, tại Liễu Châu các lãnh tụ Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ, Trần Bảo, Trương Trung Phụng, Nông Kinh Dầu, thành lập Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội"[11].

Nguyễn Hải Thần theo Phan Bội Châu từ thời kỳ Đông du, cùng thế hệ với Lương Ngọc Quyến, được đào tạo ở Nhật; ông được coi là nhà cách mạng tiền bối, thủ lãnh Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (gọi tắt là Việt Cách).

Theo hồi ký của Như Băng, sẽ nói rõ ở dưới, gia đình Nông Kinh Dầu và Nông Quốc Long đã đem cả tài sản ra nuôi quân cách mạng chống Pháp từ hồi quân Nhật tiến vào Lạng Sơn.

Về Nguyễn Tường Tam, như chúng tôi đã trình bày trong chương trước: Nguyễn Tường Tam chạy sang Trung Hoa vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10-1940.

Nhiều thông tin đồng quy cho biết, khoảng 1942-1943, Nguyễn Tường Tam bị giam ở Liễu Châu.

1- Bà Nguyễn Thị Thế viết về việc "anh Tam" bị bắt như sau:

"Sau này tôi được biết anh Tam nhờ người Nhật trốn qua Nhật, ở ít lâu thấy không nhờ gì được, anh sang Tầu. Đến nơi lại bị nghi là gián điệp cho Nhật nên bị giam mất bốn tháng. Sau nhờ cụ Nguyễn Hải Thần biết tin can thiệp cho được thả ra, anh lại tiếp xúc với các anh em đảng phái lưu vong qua bên đó tiếp tục hoạt động"[12].

2- Hoàng Văn Đào viết:

"Trong khi ấy [trong khi thành lập Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội] có tin Nguyễn Tường Tam bị nhà chức trách địa phương Trung Hoa bắt giam ở hang đá Liễu Châu.

Nguyên từ sau ngày quân đội Nhật Bản tiến vào Việt Nam, ĐVDC [Đại Việt Dân Chính] bị Pháp khám phá và đàn áp, anh em ông Nguyễn Tường Tam trốn sang Trung Hoa vào cuối năm 1942. Sang Trung Hoa, ông Tam đổi tên là Nguyễn Tường Dũng [Dũng, nhân vật trong Đoạn Tuyệt] (…) Nhà chức trách địa phương Trung Hoa tình nghi Nguyễn Tường Dũng là gián điệp của Nhật Bản được phái từ Quảng Châu tới, để phá hoại tổ chức VNCMĐMH [Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội].

Vũ Hồng Khanh cùng Nghiêm Kế Tổ xin phép Trương Phát Khuê được phép vào hang đá thăm Nguyễn Tường Tam. Tư lệnh Trương Phát Khuê cho biết còn có một người cách mạng Việt Nam nữa, cũng bị bắt giam, khai tên là Hồ Chí Minh. (…) Hai họ Vũ, Nghiêm cũng đề nghị với ban chấp hành Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội đứng ra can thiệp xin trả tự do cho Nguyễn Tường Tam và Hồ Chí Minh"[13].

3- Nghiêm Kế Tổ là người "trực tiếp tham dự vào việc giải cứu" này; trong cuốn Việt nam máu lửa, in năm 1954, ông ghi lại như sau:

"Khi lãnh tụ Cộng sản là cụ Hồ Chí Minh bị bắt giam tại Trung Hoa (Liễu Châu), hoạt động Việt Minh còn kém cỏi. Nhờ sự can thiệp của một Ủy viên Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội (Nghiêm Kế Tổ) với chính phủ Trùng Khánh để xin tự do cho ông Nguyễn Tường Tam cũng bị giữ, tiện thể và vận động cho cả hai người, nên Cụ Hồ nhờ đó cũng được giải phóng.

Sau khi Cụ Hồ Chí Minh thoát lao tù, cụ được các tướng lĩnh Trung Hoa thân Cộng giúp đỡ tìm cách cho về nước nên Việt Minh càng ngày càng tiến triển hoạt động. (Chú thích của Nghiêm Kế Tổ: Cụ Hồ Chí Minh được tướng Ngô Trạch, Tham mưu trưởng Đệ Tứ Chiến Khu và Tiêu Văn giúp đỡ. Tướng Ngô Trạch đã bị xử tử mới đây [1954] ở Đài Loan, Tiêu Văn hiện nay ở hàng ngũ Trung Cộng)[14].

4- Võ Nguyên Giáp, năm 1974, trong cuốn Những năm tháng không thể nào quên, đưa ra một thoại khác:

"Ba năm về trước [1942] trong một chuyến đi ra ngoài để tìm gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Bác đã bị bọn Quốc dân đảng Trung Hoa bắt giữ. Chúng đã đưa Bác qua hơn ba chục nhà tù. Các đoàn thể chính trị trong nước đã kịp thời đấu tranh, đòi bọn Quốc dân đảng phải thả nhà hoạt động cách mạng Việt Nam. Tuy vậy, Bác vẫn bị chúng giữ tại Liễu Châu. Bác đã tìm ra vì đâu bọn Tưởng không trả lại tự do cho mình. Chính là vì ở Liễu Châu, bọn chúng có một tổ chức chính trị tay sai là Việt Nam cách mệnh đồng minh hội do Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần cầm đầu. Bọn này đã vu cho Bác sang đây để phá tổ chức của chúng.

Sau một thời gian khá lâu, Bác mới được trả lại tự do. Bác đòi trở về nước và đưa theo một vài hội viên của Cách mệnh đồng minh do mình lựa chọn. Trương Phát Khuê đồng ý. Nhưng Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần phản đối. Do đó, khi bác trở về nước, không có người của bọn này đi theo."[15]

5- Những trang hồi ký của bà Nguyễn Thị Như Băng (tên thật là Nguyễn Thị Thủy, khi sang học quân sự bên Tàu mới đổi tên là Như Băng) vợ nhà văn Đỗ Tốn, in trong tập Hoa vông vang, Ả Hẩu, Như Băng hồi ký (Việt tide, 2019, California) cung cấp một số thông tin khác lạ, với lối viết tự nhiên, chân thật:

Năm 1939, gia đình Nguyễn Thị Thủy sống ở Lạng Sơn, cha mất sớm, nhà có hai con trai và ba chị em gái đều rất đẹp. Quân Nhật vào Lạng Sơn, ít lâu sau quân cách mạng nổi dậy,"các anh các chị [cách mạng] ai cũng mặc quần áo đen, mình đeo lựu đạn và dao găm", một chị hô khẩu hiệu "đứng dậy để đòi độc lập tự do cho đất nước". Thủy mới 15 tuổi, thích lắm, xin gia nhập. Cùng lúc đó, thực dân quay trở lại, lùng bắt rất nguy kịch, quân cách mạng phải trốn vào rừng, rồi chạy sang Tàu, trong đó có Thủy và nhóm gia đình ông Nông Quốc Long và Nông Kinh Dầu. Người Tàu cho ở trong làng, nhưng sống rất cực khổ.

"Ít lâu sau, chính phủ Tưởng Giới Thạch đồng ý cho quân cách mạng Việt Nam vào sâu trong đất Tàu và được huấn luyện quân sự.

Trong số 32 phụ nữ, có 10 người được chọn học ngành vô tuyến điện. Thủy là một trong 10 người đó (…) Sau sáu tháng thì họ lại đưa 10 chị em về Liễu Châu, ở đây học chung với nam sinh viên (…) Khi mãn khoá chỉ có hai người là Thủy và Vinh (…) Thuỷ và Vinh được đưa đến làm tại Tổng Tham Mưu, tại dinh Tướng Trương Phát Khuê. Hai người được ưu đãi lắm (…). Lúc đó Vinh và Thủy được gắn lon Trung uý (…).

1943- Độ đó có nghe mấy anh em Việt Nam bị Tàu giam giữ tại trong Bộ. Thủy và Vinh thường hay lại thăm, mấy người này bị giam lỏng, không bị giam trong tù, nhưng chỉ được đi lại trong Bộ Tổng Tham mưu thôi, đôi khi muốn ra ngoài phải xin phép. Lại thăm thì thấy có một ông độ trạc ngoài năm mươi ở một phòng còn bốn người khác thì ở phòng bên kia. Ít lâu sau hỏi ra mới biết ông trạc ngoài 50 đó là Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh), còn mấy anh phòng bên kia là Nguyễn Tường Tam, Tế [Đỗ Tốn], Lữ, Bảng.

Ông Hồ Chí Minh thấy Thủy lại thăm cứ nói là "lại đây bác dạy học"; hồi đó ông cho xem mấy xấp giấy viết chữ ngòng ngoèo như con giun, không hiểu chữ gì nên Thủy cũng không thích học. Nếu độ đó cứ lại học với ông thì chắc nay Thủy đã trở thành cán bộ cao cấp của cộng sản VN rồi"[16]

Vì đi "thăm tù", Thủy và Đỗ Tốn gặp gỡ và yêu nhau. Đỗ Tốn trốn về nước trước. Năm 1944, Thủy cũng đào ngũ trốn về Lạng Sơn. Họ cưới nhau ngày 10-12-1945.

Những dòng hồi ký của Như Băng, vô tình cho chúng ta biết rõ điều kiện giam giữ Hồ Chí Minh, Nguyễn Tường Tam, Đỗ Tốn… ở Liễu Châu. Sự "giam" này có vẻ không nặng nề như nhiều người mô tả: ở trong "hang đá"; mà ở trong Bộ Tổng tham mưu của tướng Trương Phát Khuê, vẫn được tiếp xúc với người ngoài, chỉ khi ra ngoài thì phải xin phép, tất nhiên có thể vẫn hoạt động (ngầm) được. Ông tướng Trương Phát Khuê đối đãi với ông Hồ Chí Minh như một lãnh tụ cách mạng, còn Nguyễn Tường Tam lúc đó chắc chưa có tiếng, nên phải ở chung với những người trẻ.

***

Hoạt động của Nguyễn Tường Tam ở Trung Hoa

Hoạt động đầu tiên của Nguyễn Tường Tam ở Tàu, còn lại dấu vết là việc ông liên kết các chính đảng quốc gia thành một tổ chức hợp nhất, gọi là Đại Việt Quốc Gia Liên Minh (chúng tôi đã trình bày trong chương trước). Ông viết bản Ký trình, với chủ đích: "Thống nhất các đảng phái quốc gia" dưới một chủ nghiã duy nhất: Duy dân (tức chủ nghiã Phan Bội Châu đổi mới) một chỉ huy, một lá cờ, một đảng ca.

Tổ chức này bao gồm các đảng: Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội, Đại Việt Dân chính, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Duy Dân (Lý Đông A), và Đại Việt Quốc Dân Đảng (Trương Tử Anh).

Năm 1943, đệ nhị thế chiến chuyển sang thắng lợi về phe Đồng minh, những nhà cách mạng Việt Nam chủ trương dựa vào Nhật, bắt đầu đổi hướng, quay sang theo Tàu, Nguyễn Tường Bách giải thích:

"Cho đến năm 1943, quân Đồng minh đã thắng lợi một cách rõ rệt. Đức Ý Nhật phải lui ở khắp các mặt trận. Quân Nhật thất bại, đó mà điều mà mọi người cảm thấy không thể dựa vào thế lực Nhật được nữa. Những người chủ trương dựa vào Nhật ngày trước thì nay lại quay đầu sang dựa vào thế lực Đồng minh Anh Mỹ và Trung hoa của Tưởng Giới Thạch. Họ cho rằng quân Trung hoa sẽ đánh bại Nhật và sẽ giúp cho Việt nam dựng lên độc lập. Trong số đó có anh Tam và một số anh em đã chạy sang Trung quốc. Họ dứt bỏ bọn Nhật để lén đến Liễu Châu (Quảng Tây) là nơi có quân đội Trung hoa Quốc dân đảng (…)

Anh Tam sau này lại tìm đến Vân Nam để gặp những phần tử của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở đó, đứng đầu là Vũ Hồng Khanh. Có lẽ vì hâm mộ lịch sử của Việt Nam Quốc Dân Đảng và cũng chủ trương giống nhau trong việc liên kết với Trung quốc để chống Pháp, Nhật, họ đã đồng ý hợp tác với nhau và quyết định mang tổ chức Đại Việt Dân Chính sát nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Quyết định này do một anh em bí mật theo đường Hà Giang về Hà Nội giao cho chúng tôi.

Lúc đó các anh Long, Khái Hưng và Gia Trí cùng nhiều anh em khác mới được tha về. Họ bắt đầu nối lại những mối liên lạc cũ và cũng bắt đầu hoạt động trở lại để chờ những ngày quyết liệt mà ai cũng cảm thấy sắp rồn [dồn] tới"[17]

Như vậy, theo Nguyễn Tường Bách, năm 1943, Nguyễn Tường Tam đã quyết định sáp nhập Đại Việt Dân Chính vào Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhưng đây mới chỉ là quyết định miệng, đến năm 1945, mới ký giấy chính thức.

Theo Hoàng Văn Đào, đầu năm 1944, ở trong nước, một số đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng: Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Hữu Đạt, Ngô Thúc Địch và Nhượng Tống, thành lập Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đảng này liên minh với bốn đảng bạn: Đại Việt Quốc Dân Đảng (của Trương Tử Anh), Đại Việt Quốc Xã (của Nguyễn Xuân Tiếu), Đại Việt Duy Dân (của Lý Đông A) và Đại Việt Dân Chính (của Nguyễn Tường Tam) thành Mặt trận Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, với chủ trương "Thân Nhật để hạ Pháp"[18].

Vẫn theo Hoàng Văn Đào, tháng 5-1945, tại Trùng Khánh, Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh, Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh và Đại Việt Dân Chính của Nguyễn Tường Tam chính thức ký quyết nghị hợp nhất ba đảng. Trung ương đảng bộ được thành lập. Đảng kỳ là lá cờ sao trắng của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Đảng ca là bài Việt Nam minh châu trời đông của Hùng Lân. Trụ sở công khai đặt tại trường tiểu học Đỗ Hữu Vị, Hà Nội, từ ngày 15-12-1945. Đảng bộ tổ chức thành hai bộ phận: bí mật và công khai. Tối cao bí mật chỉ huy bộ gồm có: Trương Tử Anh, Nguyễn Tiến Hỷ, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và Nguyễn Tường Tam. Trương Tử Anh làm chủ tịch, Vũ Hồng Khanh là bí thư trưởng. Lấy danh xưng duy nhất là Quốc Dân Đảng. Còn được gọi là Mặt trận Quốc Dân Đảng. Bắc Việt và Trung Việt được chia làm bảy chiến khu. Ngoài sự đóng góp của các đảng viên, Quốc Dân Đảng không có một nguồn lợi kinh tế nào[19].

***

Báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, trả lại chính quyền cho vua Bảo Đại.

Ngày17-4-1945, chính phủ Trần Trọng Kim ra đời.

Trong nhiều thập kỷ, chính phủ Trần Trọng Kim được coi là "bù nhìn" và đã nhận được bao nhiêu điều phỉ báng, bôi nhọ. Nhưng nếu đọc báo Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, ta thấy hiện ra một bối cảnh khác hẳn.

Đối với nhóm Tự Lực văn đoàn, sau ngày 9-3-45, một "kỷ nguyên mới" vừa được mở ra.

Ngày 5-5-1945, báo Ngày Nay tục bản, khổ nhỏ, mang tên Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới với Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, và cả ê- kíp Ngày Nay cũ: Tú Mỡ, Trần Tiêu, Trọng Lang, Thanh Tịnh, Thế Lữ, Nguyễn Tường Bách, cùng với những cây bút "bên ngoài" như Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hoạt, Vũ Đình Liên, Huyền Kiêu, Đoàn Văn Cừ… tất cả cộng tác với Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, có chung lập trường ủng hộ chính phủ Trần Trọng Kim và tố cáo tội ác của chế độ thực dân.

Tờ báo do Nguyễn Tường Bách (lúc đó đã học xong y khoa) đứng tên chủ nhiệm; Nguyễn Trọng Trạc, trị sự. Trụ sở tòa báo vẫn ở nhà Khái Hưng, 80 Quan Thánh.

Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới có khuynh hướng cực đoan, từ tranh vẽ của Nguyễn Gia Trí đến các bài viết: như thể sau bao nhiêu năm bị gò ép dưới gông cùm, nay thực dân đã bị đuổi, ta tha hồ vạch tội, không sợ bị bắt, bị hành hạ đánh đập như trước nữa.

clip_image002

Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới số 1

Bìa: tranh Nguyễn Gia Trí vẽ Lý Toét nhảy múa mừng "Độc lập, Tự do" và Lý Toét nghĩ lại ngày trước, dưới thời thực dân, mình chỉ có "tự do chết đói".

Nội dung Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới

Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới số 1 (5-5-45) nêu rõ sự vui mừng của mọi người trước cảnh "nước nhà độc lập", xác định lập trường và diện mạo tờ báo.

Trang đầu, bên trái, có bài xã thuyết Ngày Nay sống lại, trình bày lý do hiện diện, sau hơn bốn năm im lặng, bởi vì thời cơ đã đến.

Trang đầu, bên mặt, bài Đại Việt độc lập, ghi lại những sự kiện quan trọng vừa xẩy ra, như muốn chứng minh tại sao có niềm tin mới, tại sao Ngày Nay trở lại văn đàn:

– Ngày 9-3-1945, quân đội Nhật khai chiến với quân đội Pháp.

– Ngày 11, thủ tướng Nhật Koiso tuyên bố trước quốc hội Nhật Bản: "Nước Nhật sẽ hết sức giúp đỡ dân tộc Việt Nam để thực hiện nền độc lập".

– Cũng ngày 11, đức Bảo Đại tuyên bố tại điện Cần Chính bãi bỏ bản hiệp ước Pháp-Nam đặt cuộc bảo hộ Pháp tại nước Nam, và tuyên bố độc lập.

– Ngày 12, nội các Nhật thông cáo: "Chính phủ Nhật không có một tham vọng về đất đai nào đối với Đông Dương (…)".

– Ngày 16, vị tổng tư lệnh quân đội Nhật tự đảm nhận lấy chức Toàn quyền Đông dương (…).

– Ngày 17-3, đức Bảo Đại ban hành đạo dụ số 1 lấy hiệu "Dân vi quý" làm nền tảng cho nước Đại Việt độc lập.

– Ngày 17-4, Nội các Trần Trọng Kim thành lập.

– Ngày 22-4, Hội nghị Đại Đông Á tuyên bố sẽ tận lực giúp đỡ các dân tộc Việt-nam, Cao-mên, Ai-lao thực hiện nền độc lập.

Bài Đại Việt độc lập được đóng khung, trân trọng in trên trang đầu, phiá trái, chỗ quan trọng nhất của tờ báo, vừa là một nhận định về "tình thế độc lập của nước nhà", vừa xác nhận chính phủ Nhật Bản đã có những "cam kết công khai" đối với Việt Nam.

Trang kế tiếp có hai bài của Hoàng Đạo.

Bài đầu Nội các Trần Trọng Kim bắt đầu làm việc là bài chào đón Nội các Trần Trọng Kim, tóm tắt niềm tin chung của mọi người vào nội các độc lập đầu tiên, và trích dẫn những lời tuyên bố của Thủ tướng Trần Trọng Kim về chương trình hành động, Hoàng Đạo viết:

"Tin Nội Các Trần Trọng Kim thành lập lan ra khắp giới một cách rất mau chóng. Quốc dân ai ai cũng cảm thấy như cất hẳn một gánh nặng, vui vẻ loan báo cho người chung quanh biết để cùng nhau mừng cho quốc gia đã có một cột trụ vững vàng chắc chắn.

Ông Trần Trọng Kim là một bậc lão thành, các vị thượng thư mới lại là những người thượng lưu trí thức, có bằng cấp cao, có tài cán nhiều. Nội Các đầu tiên của nước Việt ta có cơ vững lái chèo trong cơn sóng gió.

Trong sự hoan hô của mọi giới, mọi người, Nội Các Trần Trọng Kim bắt đầu làm việc. Thủ Tướng Đại Việt, sau khi nhận chức, tuyên bố hôm 17 tháng tư vừa qua:

"Tôi từ đây về sau, việc thứ nhất là làm cho đạt cái hy vọng của quốc dân Việt Nam, khiến Việt Nam thành một quốc gia độc lập, khôi phục trạng thái từ xưa và lo toan cho ngày càng mạnh mẽ toàn vẹn.

Việc thứ hai là lo giải quyết vần đề gạo ăn, vì trước hai vấn đề chính trị và văn hoá, cốt yếu nhất là vấn đề gạo ăn.

Việc thứ ba là kiến thiết tâm lý dân tộc Việt Nam (…) cải thiện phương châm giáo dục, chấn hưng thanh niên (…).

Công việc to tát, nhiệm vụ nặng nề, nhưng khắp nước Việt, không một người dân Việt nào không đặt hết hy vọng vào Nội Các để Nội Các làm trọn được phận sự thiêng liêng trong thời khắc nghiêm trọng này".

Hoàng Đạo thường kiệm lời khen, những lời trong bài viết này chứng tỏ ông hết sức tin tưởng vào nội các mới.

Trong bài thứ hai Chính phủ Việt Nam cần phải làm những gì? Hoàng Đạo góp ý kiến, nêu ra ba nguyên tắc cốt yếu:

1- Thống nhất nước Việt Nam: Ba kỳ thu lại một mối.

2- Củng cố địa vị quốc tế của nước Việt.

3- Ở trong nước, nhiệm vụ hệ trọng nhất của nội các là thực hành khẩu hiệu "Dân vi quý", sự thực hành đó có nghiã là chiêu tập Đại hội nghị toàn quốc để đi đến một Hiến pháp.

Khái Hưng, trong mục Tiếng vang, dành riêng cho những tiếng vang chính trị, giới thiệu các đảng phái mới lập ra "như nấm" sau ngày 9-3-45. Đặc biệt ông giới thiệu Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống.

Phần thứ hai của tờ báo viết về nạn đói đang hoành hành ở miền Bắc: ngoài những bản điều tra, thống kê, là những bài phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp, đặc biệt bài của kỹ sư canh nông Hoàng Văn Đức, phóng sự của Trọng Lang về người chết đói trên đường phố…

Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan xuất hiện trong bài Căn nguyên lịch sử của tinh thần độc lập Việt Nam, duyệt lại lịch sử ngàn năm cho tới thời Pháp thuộc, để chứng minh không lúc nào người Việt rời bỏ tinh thần độc lập của mình. Và ông kết luận:

"Khởi quốc gia Việt Nam thật là bền vững biết chừng nào. Mà tất cả sự bền chặt mạnh mẽ ấy đều do ở tinh thần độc lập mà ra, cái tinh thần đã chung đúc hàng nghìn năm bằng xương và bằng máu."

Khái Hưng đi đoạn hậu với trường thiên tiểu thuyết Xiềng Xích, đọc tiểu thuyết này, ta mới thấy sự tự do, độc lập, có thật, bởi vì lần đầu tiên, lịch sử một tổ chức cách mạng chống Pháp (một hội kín) được tường thuật chi tiết trên báo, không sợ kiểm duyệt, không sợ bị bắt.

clip_image003

Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới số 2

Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới số 2 (12-5-45), dùng toàn bộ để vạch mặt chế độ thực dân. Trên tờ báo này ta thấy rõ tính cách không nhân nhượng của họ đối với thực dân Pháp:

Tranh bìa Nguyễn Gia Trí vẽ một tay thực dân bự đang ngồi ăn giở đĩa thức ăn là người Viêt Nam, vừa nhai vừa nói: Ta ăn mi là ta giải thoát cho mi, báo hiệu chủ đề của số báo này.

Phần đầu Hoàng Đạo tiếp tục góp ý với chính phủ Trần Trọng Kim trong việc nội trị.

Tiếp đến, dưới tiêu đề: Chính sách thực dân không thể tồn tại trên thế giới được! Hoàng Đạo viết ba bài, chỉ cần nhìn tựa đã hiểu nội dung nói gì: Những mặt nạ của chế độ thực dân, Mẫu quốc âu yếm các con "thuộc địa" Bộ mặt thực của chế độ thực dân. Ngoài ra còn có bài: Thuộc điạ hai chữ phải xoá bỏ trên địa đồ thế giới, ký Ngày Nay chắc cũng của Hoàng Đạo.

Sau đó là loạt bài: "Thực dân, chính sách vô nhân đạo, đã hết thời" của nhiều tác giả.

Vũ Ngọc Phan viết Chính sách khai hoá bằng súng đạn với đề tựa dài, in đậm: "Trong ba năm (từ cuối năm 1929 đến năm 1933) bọn cầm quyền Pháp đã giết bao nhiêu dân quê Việt Nam trong các cuộc biểu tình và đã tuyên bao nhiêu án tử hình và khổ sai đối với các nhà cách mệnh Việt Nam để đàn áp phong trào bài Pháp". Đó là một bài điều tra, nghiên cứu, với những thống kê, con số, rút ra từ các tài liệu của Pháp:

"Trong ba năm: 1100 người Việt Nam bị kết án, những án ấy chia ra như sau:

112 án tử hình; 229 án khổ sai chung thân và cấm cố; 250 án hai mươi năm khổ sai và cấm cố; 130 án từ 5 đến 8 năm khổ sai và cấm cố; 318 án từ 2 tháng đến 4 năm tù".

Về phiá dân quê bị giết oan:

"Trong ba năm ấy, người Pháp lại dùng bom và súng liên thanh để giải tán các cuộc biểu tình, tổng số dân quê Việt Nam bị người Pháp giết trong các cuộc hội họp ấy là 1320 người, [in đậm trong nguyên bản] chưa kể số người chết ở các làng bị triệt hạ bằng phi cơ oanh tạc.

Vì không có chỗ để giam cầm (theo lời khai của viên thiếu tá Pháp khai trước toà án Hà Nội ngày 17-6-1933, thì các ngục thất đông tù phạm quá, Robin [Thống sứ Bắc kỳ] đã dặn miệng rằng: "Giết bớt đi!"), tầu Martinère của Pháp phải đưa 538 chính trị phạm ở miền Bắc Việt Nam sang Inini [Guyane]. Năm 1933, tầu Forbin của Pháp lại phải đưa 1.800 người Việt Nam nữa bị khổ thai chung thân sang Guyane."

Bài viết của Vũ Ngọc Phan ngắn nhưng đầy đủ chi tiết các con số về thực trạng tù nhân chính trị Việt Nam dưới chế độ thực dân Pháp.

Khái Hưng viết bài Bọn thực dân Pháp vô nhân đạo đã diễn một tấn thảm kịch trên sân khấu Cổ Am, tả lại biến cố Cổ Am 1930, trong cuộc khởi nghiã Yên Bái, việc Trần Quang Diệu chỉ huy chiếm hai huyện Phù Dực và Vĩnh Bảo, bắt giết tri huyện Hoàng Gia Mô, và Cổ Am bị Pháp dội bom báo thù như thế nào. Bài của Khái Hưng được viết thành một vở kịch sáu màn, mang tính chất thời sự khốc liệt như một bi kịch Hy Lạp.

Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới số 3 (19-5-45) vẫn tiếp tục đưa ra những góp ý với chính phủ Trần Trọng Kim về việc nội trị, với ba bài: Bước đầu của nội cácVẫn vấn đề cần nhất: Tiền, ký Ngày Nay. Và bài Vài nguyên tắc kiến thiết: Khoa học của Nguyễn Tường Bách.

Đáng chú ý hơn cả là bài: Cái mầm độc lập dưới mắt bọn mật thám Pháp – Việt Nam Quốc Dân Đảng của Huyền Hà. Đây là bản lược dịch tài liệu của Marty, với những phác họa chân dung Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu (Xứ Nhu)… của Tô Ngọc Vân. Huyền Hà viết đoạn mở đầu như sau:

"Trong khi chờ đợi các bậc đàn anh đã tham dự vào công cuộc của "Việt Nam Quốc Dân Đảng" xuất đầu lộ diện để công bố những tài liệu đầy đủ rồi rào [dồi dào] về những trang sử đẫm máu của phong trào cách mệnh hồi năm 1930, chúng tôi may mắn được xem cuốn: Contribution à l’histoire des mouvements politiques de L’Indochine française – Documents. Vol. n II- Le "Việt Nam Quốc Dân Đảng" ou "Parti national annamite" au Tonkin (1927-1932).

Góp vào lịch sử các cuộc chính biến ở Đông Pháp – Tài liệu tập số II – Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Bắc Kỳ (1927-1932)[20] do chính phủ Đông Pháp xuất bản và… giữ bản quyền!

Cuốn sách mỏng này – nói cho đúng là bản in tờ biên bản đệ trình lên thượng ty – của viên quyền giám đốc nha Chính trị và Liêm phóng Louis Marty viết hồi tháng 10 năm 1933. Y không quên lấy tư cách là một kẻ đắc thế mà mạt sát hết thẩy mọi người trong Việt Nam Quốc Dân Đảng. Y cho Nguyễn Thái Học là "một gã trẻ măng, thiếu thông minh, nhưng đầy kiêu ngạo" (un tout jeune homme, dépourvu d’intelligence mais plein de vanité)[21], y bảo rằng những vai chủ động hồi đó chỉ là "một dúm thanh niên, phần đông là đói khát và vô học thức (cette poignée de jeunes gens, pour la plupart faméliques et sans instruction). Và những cuộc tàn sát ở Cổ Am, Yên bái, Nghệ tĩnh, Hốc môn, vân vân, là một dịp cho y phô trương "cái nền cai trị của thuộc địa sẵn sàng những lực lượng binh bị và cảnh sát lẫm liệt mà ai nấy đều biết (l’adminstration coloniale disposant des forces militaires et de police imposantes que l’on sait).

Cái lực lượng ghê gớm ấy, chúng tôi đã biết sau đêm mùng 9 tháng ba dương lịch vừa rồi. Và chúng tôi không quên rằng cách đây ngót hai mươi năm, "một dúm" người Việt Nam đã có can đảm đứng lên cảnh tỉnh đồng bào và đặt một cái mốc trên con đường độc lập, mặc dầu có những cuộc đán áp dã man của "cái nền cai trị ở thuộc địa" ấy" (Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới số 3, 19-5-45)

Những số kế tiếp, Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới tiếp tục con đường tranh đấu, tiếp tay với chính phủ Trần Trọng Kim trong việc quản trị đất nước đang đói và xây dựng một nhà nước pháp quyền, làm luật, viết Hiến pháp…

Nhiều loạt bài phóng sự được tung ra, như phóng sự Sống sót của Trọng Lang, viết về những người "sóng sót" sau ngày 9-3, dưới chế độ mới mà họ không còn là chủ nữa, Lời toà soạn nói rõ nội dung: "Thiên phóng sự này tả tình cảnh của bọn thực dân Pháp sống sót lại sau đêm mùng 9, của tụi Việt gian đã sống sau gót thực dân, của lũ "me" lỡ bước, của những kẻ vong bản đã nhập Pháp tịch" (số 8, 23-6-45).

Loạt phóng sự Chợ đen muôn mặt của Nguyễn Hoạt, từ số 8 (23-6-45) đến số 11(14-7-45), tố cáo sự tham lạm của Mouvoisin, Giám đốc nha Kinh tế Bắc kỳ, và bọn tay sai Pháp, Việt vô lương tâm, làm giầu trên lưng dân nghèo, trong số đó viên Công sứ Gorrec ở Phúc Yên, từ năm 1942 đến 1944, đã "ăn cắp, làm chợ đen và lạm dụng quyền hạn để trục lợi đến như thế nào?" Phóng sự của Nguyễn Hoạt là những bản điều tra có con số, đúng hơn là những bản cáo trạng trước toà án, với bằng cớ và đưa tên thủ phạm rành rành. Tệ hại nhất là sự dung túng nạn đầu cơ, buôn chợ đen, dẫn dến tình trạng thiếu nguyên liệu, thợ không có việc làm, thất nghiệp, đói. Nạn chợ đen thóc gạo và những mánh khoé biển lận của bọn tay sai Gorrec đã dẫn đến nạn dân chết đói trong vùng.

Trần Tiêu đưa ra phóng sự Cải cách trong một làng (số 9, 30-6-45) và (số 10, 7-7-45), về các tệ đoan làng xã và đề nghị cải cách. Bài đầu tiên viết về việc cải cách ở làng Cổ Am, quê hương ông và Khái Hưng.

Nhà thơ Vũ Đình Liên, trong bài Hiến Pháp và hội nghị lập hiến (số 10, 7-7-45), dưới ngòi bút luật gia, ông đề xuất tổ chức Hội nghị Lập hiến. Trong số 11 (14-7-45), Vũ Đình Liên viết bài Quân chủ lập hiến giải thích thế nào là chế dộ quân chủ lập hiến, ông so sánh hiến pháp dân chủ Pháp và hiến pháp quân chủ lập hiến Anh, và đòi hỏi điều kiện cho một chính thể Quân chủ lập hiến Việt Nam. Cũng trong số báo này, Vũ Ngọc Phan viết bài Ảnh hưởng của văn học về đường xã hội và chính trị khảo luận về ảnh hưởng văn học trong đời sống chính trị xã hội xưa và nay.

Hoàng Đạo trong bài Vấn đề kinh tế – Đã đến lúc nước ta cần phải kỹ nghệ hoá (số 12) thúc đẩy việc kỹ nghệ hoá như một chính sách cần thiết để Việt Nam thoát khỏi tình trạng lạc hậu.

Ngày Nay phỏng vấn bộ trưởng Phan Anh, thành viên của Hội đồng Dự Thảo Hiến Pháp (số 12 và 13), về tiến trình của việc lập Hiến Pháp.

Vũ Đình Liên trong bài Nhiệm vụ và địa vị của giới cần lao trong xã hội Việt Nam mới (số 13) đưa ra vai trò quan trọng của giới cần lao. Nguyễn Tường Bách đề nghị việc cải cách giáo dục. Vũ Ngọc Phan bàn việc cải cách nghề nông; bàn về việc bài trừ những tệ đoan trong cách làm văn học.

Đó là những bài viết tâm huyết của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, không chuyên về chính trị, xã hội, nhưng lại có tính chất nền tảng, khởi đầu cho một giai đoạn mới, sửa soạn cho Việt Nam trên đường kiến thiết, đi vào thế giới hiện đại và thành lập chế độ dân chủ.

Ngày 6-8-45, quả bom nguyên tử đầu tiên nổ ở Hiroshima, ngày 9-8-45, quả thứ nhì nổ ở Nagasaki.

Ngày15-8-45, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới đóng cửa sau số 16, ra ngày 18-8-1945.

Ngày 19-8-1845, Việt Minh lên nắm chính quyền.

Chiều ngày 23-8-45, vua Bảo Đại làm lễ thoái vị, trao quyền lại cho chính phủ Việt Minh.

***

Ngày vua Bảo Đại thoái vị

Cách đây hai mươi năm, khi viết về Nguyễn Tiến Lãng, tôi đọc cuốn Les chemins de la révolte (Những nẻo đường nổi dậy, Paris, 1953), một tiểu thuyết tự truyện viết về quãng đời ông từ 1945 đến 1951. Câu chuyện bắt đầu như sau: Lê Văn Nguyên [Nguyễn Tiến Lãng] đang nghỉ hè ở nhà cha vợ là Trần Phạm [Phạm Quỳnh], thượng thư về hưu. Ngày 28-8-1945, có hai người lạ mặt được lệnh đến dẫn hai cha con đi. Ông Trần Phạm lên xe trước, Nguyên lên sau, ông Phạm nói một câu vu vơ như với chính mình: "Các vị này bảo Hoàng đế đã thoái vị". Nguyên hỏi lại: "Thật không thày?". Ông không trả lời.

Đó là câu trao đổi duy nhất giữa hai cha con. Câu nói của ông Phạm đã cho biết một sự thật mà có lẽ khi viết, Nguyễn Tiến Lãng không để ý: Vua Bảo Đại thoái vị trước ngày 28-8-1945, là ngày Phạm Quỳnh bị bắt cùng với Nguyễn Tiến Lãng ở biệt thự Hoa Đường. Hai người công an đã cho ông Phạm biết tin đó. (Xin chú thích: ngày 28-8 do Nguyễn Tiến Lãng ghi lại, có tài liệu viết Phạm Quỳnh bị bắt ngày 23-8-45).

Câu nói của Phạm Quỳnh trong bối cảnh này làm chất bi đát thấm vào lòng người, khiến tôi chú ý đến ngày vua Bảo Đại thoái vị. Và từ đó, cố gắng tìm hiểu, tại sao một ngày quan trọng như thế, mà cho đến nay vẫn chưa được xác định thoả đáng. Bởi vì ngày 30-8-1945, được chính thức công nhận, không ăn khớp với thực tại, và không giống những gì cựu hoàng Bảo Đại ghi trong hồi ký.

Đoàn Thêm ghi trong danh sách Việc từng ngày:

"24-8-45: Lễ thoái vị trước cửa Ngọ Môn, Huế: Vua Bảo Đại trao kiếm vàng cùng ấn ngọc cho đại diện VM là Trần Huy Liệu"[22].

Đoàn Thêm thường dựa vào tin tức trên báo, hoặc vào công báo. Mà trong thời điểm ấy, thông tin khó khăn, lễ thoái vị không đình đám (có khoảng ngàn người tham dự như nhà vua kể lại, ở dưới), nên báo chí đưa tin sai trật một ngày là thường.

Nghiêm Kế Tổ ghi trong Quê hương máu lửa:

"Ngày 25-8-45, không khí bàng bạc buồn tênh muôn thủa của đế đô đã chứng kiến cuộc "bể dâu" tại Ngọ Môn Đài. Vị Hoàng Đế cuối cùng của Triều Nguyễn cũng như của dân tộc Việt Nam nghiêm trang trao Bửu Kiếm và Ngọc Tỷ, biểu hiệu Ngai Vàng cho Đại Diện Cách Mạng: Nguyễn Lương Bằng, đại diện tổng bộ; Trần Huy Liệu, phó chủ tịch Ủy Ban Giải Phóng Lâm Thời và Cù Huy Cận, Uỷ viên."[23]

Nghiêm Kế Tổ không có mặt, ông dựa vào ngày ghi dưới bản chiếu thoái vị mà ông có trong tay và cho in lại trong sách Quê hương máu lửa.

Võ Nguyên Giáp ghi trong Những năm tháng không thể nào quên:

"Tại Huế, ngày 23 tháng Tám, mười lăm vạn đồng bào nội, ngoại thành tuần hành thị uy trên các đường phố.

Uỷ ban khởi nghiã đưa thư đòi Bảo Đại thoái vị. Các lực lượng vũ trang khởi nghiã chiếm các công sở và lùng bắt bọn Việt gian. Trước áp lực to lớn của cách mạng, Bảo Đại tuyên bố sẵn sàng từ giã ngôi vua. (…)

Anh Trần Huy Liệu, anh Nguyễn Lương Bằng và anh Cù Huy Cận được cử vào Huế. Ngày 30 tháng Tám, cửa Ngọ môn tại hoàng thành mở rộng đón phái đoàn của Cách mạng. Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, trao lại ấn, kiếm để trở thành người công dân của một nước tự do. Hàng vạn đồng bào hân hoan chứng kiến những giờ phút cuối cùng của triều Nguyễn"[24].

Võ Nguyên Giáp cũng không ở Huế, ông ghi lại một số chuyện không biết rút ra từ đâu và một số điểm khác theo sách Phạm Khắc Hoè.

Phạm Khắc Hoè tường thuật kỹ những ngày cuối cùng của triều Nguyễn trong cuốn Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, ngày tháng do ông sắp xếp lại. Việc vua thoái vị được ông viết như sau:

"Sáng ngày 29 tháng 8, nhân dân Huế tổ chức mít-tinh trọng thể ở sân vận động để hoan nghênh Phái đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời từ Hà Nội vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại"[25]

"Trưa 30 tháng 8-1945, cờ vàng nhà vua được kéo lên lại trên kỳ đài. Đồng bào bắt đầu tập hợp trước Ngọ Môn, khoảng 2 giờ đã có hàng vạn người. Từ các ngả đường, những đoàn người vẫn tiếp tục kéo đến mỗi lúc một đông, đứng chật ních cả bãi cỏ rất lớn trước Ngọ Môn.

Đúng 4 giờ, xe Phái đoàn Chính phủ cách mạng cắm cờ đỏ sao vàng tiến vào cửa chính giữa của Ngọ Môn, giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của hơn năm vạn nhân dân nội ngoại thành Huế.

Phái đoàn trên xe bước xuống, thì tôi và Hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn đón mời lên lầu Ngũ Phụng của Ngọ Môn. Ở đây, Bảo Đại khăn vàng, áo vàng, quần trắng; giầy dừa thêu rồng ra đón phái đoàn.

Sau câu chuyện xã giao, buổi lễ bắt đầu:

Trước hết, ông Trần Huy Liệu nói cho đồng bào rõ ý nghiã của việc Phái đoàn thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại (…)

Sau đó, Bảo Đại đọc tờ Chiếu thoái vị một cách xúc động có khi tắt cả tiếng. Bảo Đại đọc xong thì trên kỳ dài cờ vàng của nhà vua từ từ hạ xuống và lá cờ nền đỏ thắm tươi long lanh năm cánh sao vàng được kéo lên giữa những tiếng vỗ tay, những tiếng hoan hô như sấm cắt ngang bởi 21 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của tổ quốc hồi sinh."[26]

Phạm Khắc Hoè là người thân cận vua và hoàng hậu, nên những điều ông thuật lại được nhiều người tin, tuy ông tô điểm cho hoành tráng hơn nhiều so với thoại của cựu hoàng Bảo Đại. Ở trang 77, ông viết: Trưa 30 tháng 8-1945, Bảo Đại làm lễ thoái vị, vậy mà sáu trang trước, trang 71, ông lại viết:

"…Khoảng 11 giờ đêm hôm ấy [26-8] anh Tôn Quang Phiệt đến đánh thức tôi dậy nói: "Tối hôm kia, say sưa nói chuyện thơ Tố Hữu, tôi quên hỏi anh cho xem bản chiếu thoái vị. Chiều nay nghe dân chúng đi xem ở Phú Văn Lâu về tấm tắc khen hay và đã làm cho nhiều người rơi nước mắt"[27].

Câu: "Chiều nay nghe dân chúng đi xem ở Phú Văn Lâu về tấm tắc khen hay và đã làm cho nhiều người rơi nước mắt" có nghiã là: chiều hôm 26-8, dân chúng đi xem vua đọc chiếu thoái vị ở Phú Vân Lâu về, khen hay, nhiều người rơi lệ.

Nhưng ở trang trước, trang 70, ông lại viết: "Hai giờ chiều ngày 26, Bảo Đại làm lễ báo cáo việc thoái vị với tổ tiên ở Thế miếu là nơi thờ Gia Long và các vua nối tiếp. Việc này đã được loan báo trước cho "văn võ bá quan" mời tới dự, nhưng đến phút cuối cùng không ai tới cả"[28].

Câu này có nghiã là: Hai giờ chiều ngày 26-8, vua Bảo Đại làm lễ bá cáo thoái vị với tổ tiên ở Thế miếu, có mời văn võ bá quan tới dự, nhưng không ai tới cả.

Vậy, chiều ngày 26-8, vua làm gì? Vua đọc chiếu thoái vị ở Phú Vân Lâu, khiến dân chúng đi xem về tấm tắc khen hay, hay vua làm lễ báo cáo thoái vị với tổ tiên ở Thế miếu, không ai đến dự?

Tóm lại, Phạm Khắc Hoè, có lẽ vì phải sửa ngày vua đọc chiếu thoái vị thành 30-8, cho nên ông loạng quạng khi lắp ghép thứ tự mọi việc đã xẩy ra.

Hồi ký của cựu hoàng Bảo Đại

Hồi ký Le Dragon d’Annam, của cựu hoàng Bảo Đại do Nxb Plon in tại Paris, năm 1980, được Nguyễn Phước Tộc dịch sang tiếng Việt là "Con rồng Việt Nam", xuất bản năm 1990. Cuốn sách này khá phổ biến, được trích dẫn nhiều trong các bài Wikipédia tiếng Việt, viết về vua Bảo Đại hoặc ngày lễ thoái vị. Trừ ngày thoái vị, Wikipédia vẫn viết theo thoại "chính thống" là 30-8-1945.

Về ngày lễ thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại, trong hồi ký Con rồng Việt Nam, kể lại:

Một hôm (ông không nói rõ ngày nào) viên Chủ sự Bưu điện Huế đem vào trình ông một bức điện tín đặc biệt, từ Hà Nội gửi vào, nội dung như sau:

"Trước ý chí đồng nhất của toàn thể dân chúng Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu vãn nền độc lập quốc gia, chúng tôi thành kính xin đức Hoàng đế hãy làm một cử chỉ lịch sử để từ bỏ ngai vàng."

Bức điện này được ký dưới là "Ủy ban Nhân dân Cứu quốc" đại diện cho tất cả mọi đảng phái, và tầng lớp dân chúng.

Chẳng cần biết rõ ai là người thủ xuống, bản điện văn này đã phản ảnh một ý chí vô cùng thành thực. Người thảo ra bức điện văn là những nhà ái quốc y như tôi, đều mong mỏi độc lập và thống nhứt cho tổ quốc Việt Nam (…)

Tôi liền gởi một điện tín vu vơ, y như người ném cái chai xuống biển… Bằng vô tuyến điện, tôi gửi cho "Uỷ ban Nhân dân Cứu quốc" ở Hà Nội:

"Đáp ứng lời kêu gọi của Uỷ ban, tôi sẵn sàng thoái vị. Trước giờ quyết định này của lịch sử quốc gia, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi, để cho sự đoàn kết được thành tựu, và yêu cầu đại diện của Uỷ ban sớm tới Huế, để nhận bàn giao.

Trong đêm ấy, vẫn chỉ có Vĩnh Cẩn bên cạnh, tôi soạn bản tuyên ngôn thoái vị.

Sáng ngày 23 tháng tám, hai phái viên của Việt Minh đến cung điện. Đó là những người đại diện cho Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, do Hà Nội cử vào. Trần Huy Liệu trưởng phái đoàn là phó chủ tịch của Uỷ ban. (…) Kẻ đồng hành là Cù Huy Cận trông thật vô nghiã. Tôi không khỏi thất vọng.

Trần Huy Liệu trình tôi một tờ giấy ủy quyền, tên ký lằng nhằng khó đọc, và tuyên bố một giọng khá trịnh trọng:

– Nhân danh dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh của mặt trận giải phóng đất nước cho chúng tôi vinh dự đến gần Hoàng thượng, để nhận ấn kiếm.

Đó là lần đầu tiên mà tôi nghe thấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi liền đưa bản tuyên ngôn thoái vị. Trần Huy Liệu bàn với người đồng hành, nói nhỏ vài câu, rồi ngoảnh sang tôi và nói:

– Thưa Hoàng thượng, nhân danh dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận bản văn này rất nhẹ nhàng, không câu nệ. Nhưng, chúng tôi kính xin Hoàng thượng cho tổ chức một buổi lễ vắn tắt, trong đó xin Hoàng thượng công khai tuyên bố cho mọi người biết.

Đến chiều, trước hàng nghìn người tụ hội vội vàng trước cửa Ngọ Môn, tôi bận trào phục và đọc bản tuyên ngôn thoái vị, đề ngày 25 tháng 8 năm 1945 dưới đây:

(…)

Bản tuyên ngôn được đọc trong sự yên lặng hoàn toàn. Tôi quan sát các khán giả đứng hàng đầu. Tất cả các vẻ mặt đều tỏ vẻ ngạc nhiên cùng cực. Nam và nữ đều ngẩn ngơ. Bản tuyên ngôn thoái vị của tôi như tiếng sét đánh xuống ngang đầu họ. Họ lặng người đi.

Trong một bầu không khí bực dọc, tôi trao nhanh ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho Trần Huy Liệu, mà chính ông ta cũng có cảm tưởng như tự trên mây mà lại. Trong khi tôi hồi cung, đám đông tan rã, không một tiếng kêu. (…)

Rất ít tin tức lọt đến tai tôi. Không có báo chí, không có đài. Chỉ riêng Việt Minh có những phương tiện truyền tin.

Nhờ một người cán bộ ở Hà Nội cho biết, ngày 29 tháng 8, một chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh cầm đầu đã được thành lập. Đến ngày 2 tháng 9, tuyên ngôn long trọng về nền độc lập của Việt Nam và mở đầu triều đại của nền Dân chủ Cộng hòa"[29].

Qua những dòng trích dẫn trên đây trong sách của cựu hoàng Bảo Đại, một số sự kiện lộ rõ:

Sáng ngày 23 tháng tám, Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận vào yết kiến vua, họ chỉ là đại diện của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, tức Việt Minh. Lúc đó chưa chính thức có Chính phủ Lâm thời.

Theo lời yêu cầu của Trần Huy Liệu, vua cho tổ chức lễ thoái vị ngay chiều hôm đó ở Ngọ Môn, tức là lễ thoái vị được tổ chức chiều ngày 23 tháng 8. Buổi lễ có hàng nghìn người tham dự, chứ không phải hàng vạn người như Phạm Khắc Hoè viết.

Vua đọc bản Tuyên ngôn thoái vị đề ngày 25 tháng 8.

Ngày 29 tháng 8, mới chính thức có Chính phủ Lâm thời.

Cho nên phải sửa ngày thoái vị thành 30 tháng 8, vì Chính phủ Lâm thời mới đủ chính danh để tiếp nhận ấn tín của hoàng triều nhà Nguyễn.

Việc sửa ngày vua thoái vị, thành 30 tháng 8, có lẽ chỉ vì lo lắng sự chính danh của một chính phủ vừa thành lập. Nay đã 76 năm qua, sự chính danh không còn quan trọng nữa, mà sự thực lịch sử quan trọng hơn. Chúng tôi nghĩ các nhà viết sử nên quan tâm đến vấn đề này: Nếu muốn bác bỏ ngày lễ thoái vị là ngày 23 tháng 8, do chính tay vua viết, thì phải đưa ra những chứng cớ thuyết phục.

(Còn tiếp)

Thụy Khuê

thuykhue.free.fr


[1]Theo François Guillemot, Đại Việt, indépendance et révolution au Việt Nam,

L’échec de la troisième voie (1938-1955) (Đại Việt, độc lập và cách mạng ở Việt Nam, Sự thất bại của con đường thứ ba (1938-1955), Nxb Les Indes Savantes, Paris, 2012. t. 87.

Tác phẩm của François Guillemot là một công trình nghiên cứu khoa học, ông đọc nhiều tài liệu Pháp-Việt và phỏng vấn những nhân chứng Đại Việt đã sống trong thời kỳ này, ở Mỹ. Guillemot phối hợp những thông tin về phiá Đại Việt, Việt Minh, và sao lục những tin tình báo của Pháp, tạo ra một tác phẩm công phu, hơn 700 trang khổ lớn, không những về các đảng Đại Việt mà còn soi sáng những điểm quan trọng khác trong thời kỳ lịch sử cận đại này.

[2] Nguyễn Tường Triệu, Papa toà báo, Thế Kỷ 21, số tưởng niệm Khái Hưng (tháng 12-1997), in lại trong Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California, 2004, t. 167.

[3] Nguyễn Tường Triệu, Papa toà báo, in trong Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, t. 167.

[4] Nguyễn Thị Thế, Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Văn Hoá Ngày Nay, tái bản lần thứ ba, 1996, CA, Hoa Kỳ, t. 124.

[5] Như Phong Lê Văn Tiến và bộ sưu tập ký hoạ, phác thảo của Nguyễn Gia Trí, Thế Kỷ 21, số 189-190, tháng 1 và 2, năm 2005.

[6] Nguyễn Tường Triệu, Papa toà báo, Thế Kỷ 21, số tưởng niệm Khái Hưng (tháng 12-1997), in lại trong Nhất Linh người nghệ sĩ, người chiến sĩ, Nxb Thế Kỷ, California, 2004, trang t.168.

[7] Hoàng Hưng, Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật (SG, 5-4-1998, in lại trên vanviet.info, tư liệu, 5-12-2017).

[8] Hoàng Hưng, Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật. Bài đã dẫn.

[9] Trong tập tài liệu: Những lá thư Nguyễn Gia Trí gửi Phạm Tăng, bài 3, Số phận bức tranh lớn nhất của Nguyễn Gia Trí, in trên: thuykhue.free.fr và vanviet.info.

[10] Như Phong Lê Văn Tiến và bộ sưu tập ký hoạ, phác thảo của Nguyễn Gia Trí, Thế Kỷ 21, số 189-190, tháng 1 và 2, năm 2005, t. 45.

[11] Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, Nxb Mai Lĩnh, in tại nhà in Võ Văn Vân, Sài Gòn, 1954, trang 85.

Theo Hoàng Văn Đào, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội được thành lập ngày 10-10-1942; ông ghi thành phần của những người sáng lập: Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Trần Bảo, Trương Trung Phụng (vô đảng phái), Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ (Việt Nam Quốc Dân Đảng), v.v. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 182-183).

[12] Nguyễn Thị Thế, Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường, t. 124.

[13] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, trang 184-185.

[14] Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, Nxb Mai Lĩnh, in tại nhà in Võ Văn Vân, Sài Gòn, 1954, trang 29.

[15] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, lời Võ Nguyên Giáp, Hữu Mai ghi, Nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội 1974, trang 61-62.

[16] Sách Hoa vông vang, Ả Hẩu, Như Băng hồi ký (Việt tide, 2019, California), trang 199-203.

[17] Nguyễn Tường Bách, Việt Nam những ngày lịch sử, Tủ sách nghiên cứu sử địa, Montréal, 1981, trang 38-39.

[18] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, t. 198.

[19] Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, t. 242, 243, 246.

[20] Những chữ in đậm là trong nguyên bản.

[21] Câu này, năm 1967, Long Điền, trong tập san Sử Điạ, dịch là "Nguyễn Thái Học là một người rất trẻ, đần độn nhưng đầy tự kiêu".

[22] Đoàn Thêm, 1945-1965 Việc từng ngày Hai mươi năm qua, Xuân Thu tái bản, không đề năm, trang 12.

[23] Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, trang 38.

[24] Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, Nxb Quân Đội Nhân Dân, Hà Nôi, 1974, trang 21.

[25] Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb Hà Nội, 1983, trang 75.

[26] Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb Hà Nội, 1983, trang 77-78.

[27] Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb Hà Nội, 1983, trang71.

[28] Phạm Khắc Hoè, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb Hà Nội, 1983, trang 70-71.

[29] Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, trích các trang 183, 186, 188 và 190.

Comments are closed.