Bằng hữu đến với ra mắt sách “40 năm Thơ Việt Hải ngoại”: KIỀU CHINH

FB Nguyễn Đức Tùng

NỮ TÀI TỬ KIỀU CHINH

Phiêu Dao

21371092_681781775359587_2000871475027671685_n

Chân dung Kiều Chinh

Nữ tài tử Kiều Chinh tên thật là Nguyễn Thị Chinh, là một nữ minh tinh nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975, và sau này bà từng tham gia trong một số phim truyện hay phim nhiều tập của Hollywood.

Kiều Chinh xuất thân là nữ diễn viên chính trong cuốn phim đầu tiên của bà, Hồi chuông Thiên Mụ (1957). Sau đó, Kiều Chinh mau chóng trở thành một trong những người nổi tiếng nhất miền Nam.

Trong thập niên 1960, bà cũng xuất hiện trong các cuốn phim của Hoa Kỳ như A Yank in Vietnam (1964) và Operation C.I.A (1965) (diễn chung với Burt Reynolds). Kiều Chinh là diễn viên chính và cũng là người sản xuất bộ phim về chiến tranh “Người tình không chân dung” (Hãng Giao Chỉ sản xuất năm 1972, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc; tài tử : Kiều Chinh, Trần Quang, Tâm Phan, Hà Huyền Chi v.v…), cuốn phim sau này đã được tái bản và trình chiếu trong Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (Vietnamese International Film Festival) tại Hoa Kỳ năm 2003.

Năm 1975, khi Kiều Chinh đang thực hiện cuốn phim Full House ở Singapore thì xảy ra biến cố 30/4/1975. Vì thế Kiều Chinh ở lại luôn Hoa Kỳ, nơi bà tiếp tục sự nghiệp diễn xuất trong bộ phim M*A*S*H (1977), bộ phim gần như dựa trên câu chuyện về cuộc đời của bà.

Nữ tài tử Kiều Chinh cũng xuất hiện trên các bộ phim truyền hình như The Children of An Lac (1980), The Letter (1982), The Girl Who Spelled Freedom (1986), cũng như trong các phim truyện khác như Hamburger Hill (1987), Gleaming the Cube (1988), Catfish in Black Bean Sauce (1999), What’s Cooking (2000), Face (2002), Returning Lyly (2002).

Năm 1993, Kiều Chinh vào vai Suyuan, một phụ nữ trong cuốn phim The Joy Luck Club của Wayne Wang. Năm 2005, Kiều Chinh vào vai một người bà với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu trong cuốn phim Vượt sóng, có tên tiếng Anh là Journey from the Fall của đạo diễn Trần Hàm. Vượt Sóng là cuốn phim đầu tiên và có ngân sách lớn nhất nói về người tỵ nạn Việt Nam, cuốn phim theo dấu các gia đình Việt Nam sau khi chiến tranh kết thúc, về các trại cải tạo, về kinh nghiệm của các thuyền nhân và những khó khăn ban đầu khi họ được định cư tại Hoa Kỳ.

Năm 1996, Viện Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Mỹ (Academy of Television Arts and Sciences) đã trao giải Emmy cho phim tài liệu Kieu Chinh : A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez / KTTV. Năm 2003, tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (Vietnamese International Film Festival), Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu Suốt đời (Lifetime Achievement Award). Cũng trong năm 2003, tại Liên hoan phim Phụ nữ (Women’s Film Festival) ở Turin, Ý, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất Đặc biệt (Special Acting Award).

Những phim tham gia :

Bão tình – Chờ Sáng – Chiếc Bóng Bên Đường – Chuyện Năm Dần (Year Of The Tiger) – Destination Việt Nam – Inside Out – Hè Muộn – Hồi Chuông Thiên Mụ – Hồng Yến – MASH – Mưa Rừng – Ngàn Năm Mây Bay – Operation CIA – Từ Sài Gòn Đến Điện Biên Phủ – The Joy Luck Club

50 NĂM ĐIỆN ẢNH

21427329_681781838692914_4123336214107984062_o

Kiều Chinh trong buổi ra mắt sách “40 năm…”, thứ hai từ phảisang (giữa nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc và nhà thơ Cung Trầm Tưởng).

Từ Ni Cô Của ‘Hồi Chuông Thiên Mụ’ đến ‘Người nghệ sĩ huyền thoại của VN và Á Châu’

Sự nghiệp 50 điện ảnh của nữ tài tử Kiều Chinh, một sự nghiệp mà nửa thế kỷ qua chưa có một diễn viên điện ảnh người Việt nào có thể so sánh được. Bắt đầu từ năm 1957, khi ấy, vừa tròn 20 tuổi, bà được mời đóng vai đầu tiên là ni cô trong phim ‘ Hồi chuông Thiên Mụ’ mà nhà sản xuất là cựu đại sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Hoa Kỳ, ông Bùi Diễm.

Có thể nói, bà là một trong những người có mặt đầu tiên trong ngành điện ảnh Nam VN. Từ lúc phôi thai ở giữa thế kỷ 20, đến năm 1975, đã đóng góp vào điện ảnh Nam VN đến 22 cuốn phim. Từ những phim đóng với các nhà sản xuất, đạo diễn VN đến các nhà đạo diễn và sản xuất Á châu như Ấn Độ, Phi Luật Tân, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, cho đến một số phim Hoa kỳ quay tại Á Châu như Operation CIA, A Yank in Vietnam, Devil Within, Destination Vietnam. Hai phim VN cuối cùng là ‘Người Tình Không Chân Dung’ của Đạo Diễn Hoàng Vĩnh Lộc và ‘Hè Muộn’ của đạo diễn Đặng Trần Thức, bà đóng vai chính, sản xuất bởi hãng phim ‘Giao Chỉ’, hãng phim do chính bà thành lập và điều hành. Có thể nói, phim Devil Within với vai công chúa Ấn độ năm 1971 là phim đưa sự nghiệp của bà lên đến tột đỉnh vào thời kỳ này.

Con đường Hollywood gian nan

Nếu trước năm 1975 điện ảnh đã tìm đến chị như một sự tình cờ, chị đã gặt hái hết thành công này tới thành công khác từ những ngày đầu, thì khi đến Hoa Kỳ lúc đã 38 tuổi, người diễn viên đệ nhất của Nam VN đã quyết định ở lại với điện ảnh dù phải bắt đầu lại từ số không với Hollywood, nơi mà hàng ngàn nghệ sĩ trẻ Hoa Kỳ cũng như từ khắp nơi trên thế giới ước mong được len chân vào. Nhưng, cũng đã có biết bao giấc mơ bị dang dở với thất bại chua cay.

Từ những vai nhỏ chỉ có đôi ba giòng đối thoại trong phim, hai năm sau, bà đã được thủ vai chính bên cạnh tài tử bậc nhất Alan Alda trong chương trình truyền hình M*A*S*H. Sau khi đóng phim với Kiều Chinh, Alan Alda đã nói về Kiều Chinh trên Johnny Carson Show và trên báo TV Guide : “Tài ba như cô ấy, nhất định Hollywood phải có chỗ cho cô”

Tính đến hôm nay, bà đã có mặt trong trên 100 phim và chương trình truyền hình. Trong đó có những phim thật nổi tiếng như The Letter (1986), Welcome Home (1989), Vietnam-Texas (1989), The Joy Luck Cub (1993), Riot (1997), Catfish in Black Bean Sauce (1999), What Cooking (2000), Face (2001), Tempted (2003), Journey from The Fall (2004). Có thể nói phim Joy luck Club xác nhận vị trí hàng đầu của bà trong thế giới Hollywood.

Năm 1996, Hàn Lâm Viện Khoa Học và Truyền Hình đã vinh danh Kiều Chinh và trao giải Emy Award, một giải cao quý nhất của Truyền Hình Hoa Kỳ cho phim tài liệu ‘Kiều Chinh A Journey Home’, do Patrick Perez, Fox Telievision thực hiện. Bà còn lãnh nhận nhiều giải thưởng khác trong các đại hội điện ảnh từ Âu Châu, Á Châu, đến Mỹ châu như Life Time Achievement Award của Đại Hội Điện Ảnh Á Châu tại San Diego 2006, The 10th Festival Internazionale Cinema Delle Donne, tại Ý, 2003.

Từ Diễn Viên Đến Diễn Giả

Sự thành công của bà được nhiều giới ái mộ. Nhờ cách nói chuyện thật truyền cảm, thu hút đám đông, được mời làm diễn giả chuyên nghiệp (professional lecturer) của tổ chức The Greater Talent Network, Inc., một tổ chức chuyên cung cấp những diễn giả nhà nghề cho các trường đại học và các tổ chức văn hoá trên toàn nước Mỹ.

Trên 13 năm qua, từ 1994, Kiều Chinh đã đứng trên hàng trăm diễn đàn cuả Hoa kỳ đề nói lên những điều khó khăn cũng như những đóng góp tích cực cuả người Mỹ gốc Việt, về kinh nghiệm của một nghệ sĩ VN lưu vong cũng như chia xẻ cái nhân sinh quan đầy nhân bản của một phụ nữ VN trước mọi nghịch cảnh của cuộc sống.

Kiều Chinh đã được Quốc hội Hoa Kỳ vinh danh là ‘Người Tị Nạn Năm 1990’. 1986 được tổ chức Asian Pacific Woman Network tặng giải ‘Woman Warrior Arward’, và nhiều giải thưởng cao quý khác.

HƠN 70 NĂM CUỘC ĐỜI

Kiều Chinh sinh ngày 3/9/1937, tuổi Đinh Sửu, tại Hà Nội. Là con gái út của ông Nguyễn Cửu, một viên chức tài chánh cao cấp trong chính phủ Bảo hộ Pháp, và bà Nguyễn thị An.

Năm 6 tuổi, chiến tranh đã cướp mất người mẹ và người em chưa chào đời cuả bà. Sau đó, bà sống được ít năm hạnh phúc với cha, với chị và người anh trong khung cảnh nhung lụa của giới thượng lưu Hà Nội lúc bấy giờ.

Kiều Chinh bị ảnh hưởng người cha về học thức, về nhân cách, về sự yêu thương con cái và gia đình đến hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình, quý mến bạn bè và nhất là lòng say mê điện ảnh không có gì thay thế được. Cha bà, ông Nguyễn Cửu, người con trai duy nhất của điền chủ họ Nguyễn, chủ nhân khách sạn Đồng Xuân, Hà Nội. Ông Cửu theo Tây học nhưng mang lý tưởng quốc gia và có tâm hồn nghệ sĩ. Trong phòng khách văn chương của gia đình họ Nguyễn thường lui tới những nhân vật thời danh của Hà Nội như ông Dương Đồ Cổ Hàng Trống, ông An hàng Đào, ông Phúc chủ nhân đồn điền Cam Bố Ha, ông Hùng tay đua xe hơi hạng nhất đường Hà Nội – Hải Phòng, cùng những nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Ngọc Giao, Vũ Hoàng Chương, Lê văn Trương, Đinh Hùng…

Là con út mồ côi mẹ từ nhỏ, Kiều Chinh được Bố thương đi đâu cũng mang theo, không cuộc họp mặt nào của bố mà thiếu vắng. Vì thế, bà đã thấm nhuần tư tưởng của Bố và những bằng hữu của ông. Ngay từ thời thơ ấu, Bố còn luôn đưa cô ‘công chúa của bố’ đi xem xi nê tại rạp Majestic hay rạp Philhamonique. Khi ngồi bên bố, không những xem phim lại còn được bố giảng giải cho từ truyện phim cho tới các tài tử. Phim ảnh do đó, đã ăn sâu vào tim óc bà từ thuở thơ ấu. Kiều Chinh từng tâm sự : ‘Người đàn ông quan trọng nhất trong đời của tôi là bố tôi…’

Năm 1954, cuộc chiến tranh chống Pháp kết thúc bằng hiệp định Genève, chia cắt hai miền Nam Bắc và cũng cắt đứt cuộc đời ấu thơ tươi đẹp, hạnh phúc nhưng ngắn ngủi của bà. Người chị của Kiều Chinh lập gia đình và theo chồng sang Pháp. Đêm trước ngày cả gia đình di cư vào Nam, người anh theo tiếng gọi thanh niên bỏ nhà tham gia kháng chiến. Sau hai ngày chờ đợi tại phi trường Bạch Mai, phút chót người cha đẩy cô con lên máy bay nói “Con vào Nam trước, Bố ở lại tìm anh rồi sẽ vào sau.”

Đây là lần sau cùng Kiều Chinh trông thấy Bố.

Năm ấy bà mới 17 tuổi, một thân, một mình nơi xứ lạ, trông ngóng ngày gặp Bố, nhưng ngày ấy không bao giờ tới nữa. Kiều Chinh đã khóc hết nước mắt, khi thời hạn 300 ngày tiếp thu miền Bắc chấm dứt, làm tan vỡ ước mơ cha con xum họp. Chiến tranh đã cướp mất tất cả những người thân yêu của bà.

Tại miền Nam Việt Nam, Kiều Chinh được gia đình một người bạn của Bố là ông bà Nguyễn Đại Độ giúp đỡ và sau này chị trở thành con dâu của gia đình. Kiều Chinh kết hôn với thứ nam của cụ Độ là anh Nguyễn Năng Tế, một sĩ quan nhẩy dù VNCH. Lúc đó, bà mới 18 tuổi. Cuộc hôn nhân mang lại ba người con, một gái hai trai.

Năm 1957, hai năm sau ngày di cư, Kiều Chinh được mời đóng vai ni cô trong cuốn phim đầu tiên ‘Hồi chuông Thiên Mụ’ và nhiều phim sau đó. Dù là một diễn viên, khi ra ngoài được gọi là ‘minh tinh màn bạc’ nhưng sau cánh cổng của gia đình, bà vẫn chu toàn mọi bổn phận làm dâu, làm vợ và làm mẹ trong một gia đình nền nếp kiểu Bắc.

Chuyến bay vòng quanh thế giới

Trung tuần tháng 4 năm 1975, chưa đủ một tuần sau khi trở về VN sau khi hoàn tất phim ‘Full House’ tại Singapore, Kiều Chinh lại phải đáp chuyến máy bay thương mại cuối cùng rời khỏi VN. Niềm hy vọng được gặp ngưòi cha yêu dấu sau 22 năm xa cách đã bị dập tắt vì ‘nước mắt chảy xuôi’, chị phải tìm cách sang Canada, nơi cả ba người con của chị đang du học. Tới Singapore, bà bị bắt vào nhà giam vì thông hành ngoại giao mà bà được chính phủ VNCH trao cho sau khi được tặng tước hiệu ‘Sứ giả của Nghệ Thuật và Thiện Chí của VN’, với phim ‘Devil Within’ tại Ấn độ năm 1971, không còn giá trị. May sao lúc đó tạp chí Female tại Singapore có đăng bài về phim ‘Full House’ và hình bà tại trang bìa. Tờ báo đã giúp bà ra khỏi nhà giam và được lệnh rời Singapore trong vòng 48 tiếng đồng hồ.

Sau khi Sài Gòn không còn tên gọi, nhiều người đã trải qua một hành trình đi tìm tự do khó quên. Hành trình tìm tự do của Kiều Chinh cũng thật đặc biệt. Chiều ngày 25/4/1975, bà bay chuyến bay vòng quanh thế giới trong lúc Sàigòn hấp hối, và bà không được phép nhập cảnh bất cứ một quốc gia nào vì, Nam VN đối với quốc tế lúc bấy giờ là đang trong tình trạng vô chính phủ. Chờ cho tới khi miền Nam mất, lúc ấy bà mới có quyền xin tị nạn.

Sau 100 giờ bay, với những giờ phút đau khổ, lo sợ, nôn nóng đến tột cùng của cảnh ‘nước mất, nhà tan’, với bộ quần áo, và chiếc sắc tay duy nhất trên người, Kiều Chinh đã đáp xuống không biết bao nhiêu là phi trường trên quả địa cầu. Đúng 6 giờ chiều ngày 30/4/1975, khi chuyến bay của bà đáp xuống Torronto, Canada. Kiều Chinh mừng tủi ôm được ba người con trong tay, nước mắt trào ra khi nghe tin tên Saigon đã không còn.

Khi thành người tị nạn tại Canada, công việc đầu tiên Kiều Chinh là quét dọn, hốt phân gà, với số lương tối thiểu. Anh Tế lúc này cũng đã tới đảo Guam rồi sau đó sang Canada đoàn tụ với gia đình. Hiểu rằng đây không phải là đời sống của mình và tương lai các con, Kiều Chinh quyết định tìm mọi cách vào Mỹ. Tháng 7 năm 1975, nhờ sự bảo lãnh của người bạn cũ là tài tử Tippi Hedren, Kiều Chinh và gia đình sang định cư tại California.

Lời nguyện cầu đoàn tụ

Khi Kiều Chinh bắt đầu tìm được một chỗ đứng tương đối thì được tin bố mất sau những ngày lao tù. Ông đã chết trong cô đơn và thiếu thốn. Niềm hy vọng được gặp bố băng xương bằng thịt cũng tiêu tan. Cuộc hôn nhân kéo dài 25 năm, đã chính thức chấm dứt (Nguyễn Năng tế). Và khi hỏi về người chồng cũ bây giờ đã có gia đinh mới, bà luôn nhẹ nhàng nói : ‘Anh Tế, đúng như cái tên mà các cụ đã đặt, anh ấy là một người rất tử tế. Chỉ tiếc duyên phận của mình chỉ có vậy. Bây giờ mình vẫn coi anh ấy như người anh, người bạn, thường gặp nhau trong những sinh hoạt chung của gia đình.”

Trong chuyến trở về VN lần đầu tiên năm 1995, sau 20 năm xa Sài gòn và 41 năm xa Hà Nội trong chuyến công tác cho Viêt Nam Children’s Fund, tổ chức xây trường cho trẻ em VN, Kiều Chinh đã ôm lấy mộ của bố, nỗi đớn đau cuả 41 năm xa cách, nhớ thương bật thành tiếng khóc : ‘Bố ơi, con đã về ! Chị đã khóc lặng người trước mộ phần của bố.

Nỗi đau khi nghĩ về những đày ải bố phải gánh chịu trong những ngày tù đày và những khốn khổ thiếu thốn cả miếng ăn, mọi người đều xa lánh khiến bố đã chết trong cô đơn và đói lạnh đã cắt từng tế bào của người nghệ sĩ VN tị nạn.

Và trong những giờ vinh quang nhất của sự nghiệp, buổi lễ nhận giải Emy Arward cho phim tài liệu “Kieu Chinh, A Journey Home” của nhà sản xuất Patrick Perez; phim nói về chuyến thăm quê hương của Kiều Chinh. Bà đã tuyên bố trước hàng ngàn khán giả tại chỗ và hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới qua những cuộc trực tiếp truyền hình : “Xin nguyện cầu cho sự đoàn tụ đưọc đến với tất cả các gia đình bị chia lìa vì chiến tranh trên toàn thế giới”

Sống như năm đời sống

Đã có rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà làm phim nổi tiếng Việt Nam cũng như ngoại quốc viết và nhận định về cuộc đời, và con người của Kiều Chinh. Mỗi người nhìn một cách khác nhau nhưng, người viết thích nhất là nhận xét của hai nhân vật, đó là nhà văn nữ Alison Leslie Gold, và nữ tài tử nổi tiếng Tippi Hedren.

Bà Alison Leslie Gold, người viết cuốn ‘Nhật ký của Ann Frank’, một trong những ‘best seller’ đã được dịch ra 16 thứ tiếng và được làm thành phim đoạt giải Emy Award năm 1994, phim ‘The Attic’, Bà Gold đã viết về Kiều Chinh như sau : ‘Kiều Chinh là một phụ nữ phi thường. Bà đã sống như năm đời sống. Kiều Chinh đã sống như một nhân chứng chua cay và từng trải qua cơn lốc thời cuộc mang nhiều tính tranh cãi nhất cuả thời đại chúng ta. Tôi xin ngả mũ chào Kiều Chinh, một phụ nữ có sắc đẹp cao quý của viện bảo tàng, một nghệ sĩ với tài năng hiếm có, và với tôi, Kiều Chinh là người bạn trung thực và cao quý.’

Nhận xét về con người của chị Kiều Chinh, Tippi Hedren, một trong những tài tử hàng đầu của Hollywood, người đã bảo trợ Kiều Chinh vào Mỹ, đã nhận xét như sau : ‘Kiều Chinh thực sự là một trong những phụ nữ can đảm nhất, mạnh mẽ nhất, và dịu dàng nhất mà tôi được quen biết trong suốt cuộc đời của tôi’ ever met in my life.)

Cuộc đời của Kiều Chinh là một định mệnh khắc nghiệt, một thân phận nổi trôi với vận nước thăng trầm. Có thể nói, đời bà hạnh phúc, đắng cay, thành công, thất bại đã đến mức tận cùng của nó. Nhưng bà đã vượt lên tất cả bằng nghị lực, sự quả cảm, lòng vị tha, một nhân cách đặc biệt, và bằng một sức làm việc kiên trì, bền bỉ hiếm có.

Sống giữa ánh sáng chói loà của kinh đô điện ảnh, thế giới của bà là thế giới của vật chất xa hoa với phấn son, áo quần, trang sức, xe cộ… nhất nhất phải là đệ nhất, nhưng bà sống rất nội tâm. Ngoài những giờ đi đóng phim và học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, đã dành thì giờ và những gì bà có để yêu thương gia đình, yêu quý bạn bè, dành một phần đời không nhỏ cho các hoạt động xã hội từ những ngày còn ở VN với các thương bệnh binh và cô nhi quả phụ. Đến việc chia xẻ với người VN tị nan trong những ngày tháng bơ vơ tại xứ lạ, quê người. Và cho tới nay, hội VCF do bà là Chủ tịch sáng lập đã xây cất xong 42 trường tiểu học cho nhiều chục ngàn trẻ em Việt Nam tại các vùng quê từng bị tàn phá bởi chiến tranh.

Bí quyết nào giúp chị bảo đảm được những giá trị tinh thần kể trên nhưng vẫn tạo cho mình một bề ngoài với vẻ đẹp, với phong thái hàng đầu tại Hollywood ? Chính là Kiều Chinh đã không chạy đua với hào nhoáng, xa xỉ, và bà đã chọn cái đẹp cuả sự đơn gỉản nhưng thanh nhã và trang trọng, một sự giản đơn có chọn lọc nên không tầm thường. Bà là biểu trưng cho cái đẹp tự nhiên, kín đáo cổ điển luôn vững bền và đứng trên những cái đẹp rực rỡ, chói chang mau tàn, mau chán.

(https://cafevannghe.wordpress.com/…/n%e1%bb%af-tai-t%e1%bb…/)

https://www.facebook.com/ductungducnguyen/posts/681782012026230

Comments are closed.