Hoàng Phủ Ngọc Tường và Ngọn núi ảo ảnh*

Lê Hồng Lâm

Mấy buổi sáng nay, mang cuốn tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường đi cà phê đọc lại, như một cách bày tỏ sự tri ân và tưởng niệm đến nhà văn mà tôi yêu quý.

Hồi học đại học, tôi rất mê bút ký của ông, đặc biệt là những trang bút ký viết về Huế. Và trong những trang bút ký viết về Huế ấy, tôi yêu nhất những trang viết về thiên nhiên, với những thứ đã trở thành biểu tượng của đất thần kinh như sông Hương, núi Bạch Mã, nhưng đôi khi chỉ đơn giản là hoa hèn cỏ nội trong vườn. Những trang văn viết về thiên nhiên, về Huế của ông bao giờ cũng nhuốm một màu hư ảo lộng lẫy hoặc bình dị mà thanh tao, như một chàng thư sinh mơ mộng dạo bước trong vườn Huế hoặc ngồi ngắm sông ngắm núi rồi dệt nên những trang bút ký đẹp như thi ca ấy.

Ba trích đoạn dưới đây, nằm trong ba bài bút ký xuất sắc nhất của ông mà tôi đọc đi đọc lại bao lần không chán, vì vẻ đẹp và cả chiều sâu văn hóa Huế thấm đẫm hương vị của thơ và nhịp điệu của nhạc.

"Mây thưa dần, và đám mây ngay trước mặt tôi phản ánh mặt trời, chói lên màu cầu vồng rực rỡ. Ngọn núi này quả là xứ sở của mây. Những người già vùng Cầu Hai nói rằng ngày xưa khi đi rừng, người ta thường gặp tiên ngồi đánh cờ. Ngựa của tiên mải đi ăn ở đồng cỏ xa, khi trở lại thì tiên đã bay về trời. Ngựa nhớ chủ lang thang đi tìm, hóa thành mây trắng. Núi mang tên Bạch Mã là do vậy. Hình như khi tôi hôn Nàng, mây đã nhiễm vào tới đan điền, nên tôi mang mể suốt đời. Cảm ơn mây trắng, đã ban cho tôi món quà tặng quá đẹp của Vô Thường.

(…)

Sách kể chuyện thần tiên xưa nói rằng ba mươi năm một lần, biển xanh hóa thành ruộng dâu. Biển dâu tôi sống kéo tới dồn dập kinh hoàng. Biển dâu trên thời đại, trên đời dân, trên phận người, trên cây hoa anh đào. Biển dâu đến cả hoa kia cỏ này. Bạch Mã như một thành phố ảo ảnh trong sa mạc, huy hoàng phút chốc rồi tan biến, chỉ còn lại một bóng núi lau mờ…"

                                                                                                              (Ngọn núi ảo ảnh)

363767516_10224626935686254_8205539712169310952_n

 

"Mùa Thu, tôi ngồi đọc Kiều dưới mái rêu phong của chiếc cổng vòm quay mặt ra sông, ăn những trái hồng ngọt và thanh đến độ tưởng như mỗi miếng vừa ngậm vào nửa chừng đã tan thành dư vang của một tiếng chim. Tôi đọc sách trong trạng thái vừa thích thú, vừa lơ đãng, miên man trong vẻ đẹp của dòng sông đang đổi sắc không ngừng dưới ánh nắng và trong mùi hương trốn tìm của hoa trái trong vườn. Chính trong những giờ phút bồng bềnh giữa cõi thực và cõi thơ ấy, tôi đã cảm nhận ra cái âm hưởng sâu thẳm của Huế trên mỗi trang truyện Kiều: dòng sông đáy nước in trời và những cỏ nội thơm, nắng vàng khói biếc, nỗi u hoài của dương liễu và sắc đẹp nồng nàn của hoa trà mi, những mùa thu quan san, những vầng trăng thắm thiết… Một trăm năm mươi năm (rồi nửa ba trăm năm sau), nhà thơ đã qua đời, mà vẫn trời ấy, vẫn đất ấy, cỏ hoa vẫn y nguyên quanh chỗ tôi ngồi. Thiên nhiên của mảnh đất kinh xưa đã để lại một cái bóng mông lung nhưng rất dễ nhận ra trong thơ Nguyễn Du. Ngược lại chính sông Hương và thành phố của nó vẫn gợi cho tôi, như một vang bóng trong thời gian, hình tượng của cặp tình nhân lý tưởng của truyện Kiều: tìm kiếm và đuổi bắt, hào hoa và đam mê, thi ca và âm nhạc, và cả hai cùng gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thuở."

                                                                                        (Ai đã đặt tên cho dòng sông)

"Có lẽ ít có một thành phố nào như nơi đây, giữa tạo vật và con người luôn luôn gắn bó một tình bạn thân thiết và tươi xanh đến như vậy. Cho đến nay, người Huế vẫn duy trì một phong tục cổ xưa về tình bạn cao quý đó. Khi người chủ vườn qua đời, thì những người già đem buộc khăn tang vào những cây quý trong vườn để cây khỏi tàn lụi theo, vì người ta tin rằng, cây cũng vui buồn cùng với con người. Không nên nhầm lẫn mối thâm tình này với điều vẫn gọi là “tình bạn” mà người phương Tây, như người Anh chẳng hạn, thường cảm thấy đối với loài vật. Ở đây, quan hệ “con người – cây cỏ” xuất phát từ một truyền thống triết lý sâu xa của phương Đông rất được nhấn mạnh trong tâm thức của người Huế, rằng con người vốn là kẻ cư ngụ trong căn nhà lớn của vũ trụ, từ đó, trong cố gắng vươn tới niềm hạnh phúc về tinh thần, con người luôn luôn biểu hiện niềm khát khao tìm về nơi ăn chốn ở nguyên khởi của nó, nơi thực sự nó đã sinh ra."

                                                                                        (Hoa trái quanh tôi)

Ông đã sống qua một thời đại nhiều biển dâu, như ông viết trong đoạn cuối của Ngọn núi ảo ảnh: "Biển dâu tôi sống kéo tới dồn dập kinh hoàng. Biển dâu trên thời đại, trên đời dân, trên phận người, trên cây hoa anh đào. Biển dâu đến cả hoa kia cỏ này."

Nhưng giờ đây, hồn ông có lẽ đã tìm về nơi ăn chốn ở nguyên khởi của mình, nơi ông thực sự sinh ra, để được hòa mình vào sông Hương, núi Bạch Mã, vào cây cỏ, hoa trái quanh ông…

Nguồn: FB Lê Hồng Lâm

* Tên bài do Văn Việt tạm đặt

Comments are closed.