Lỗi kỹ thuật hay cài cắm lợi ích*

Trịnh Minh Tuấn

Về mặt câu từ ở mục g, Điều 3 Nghị quyết 88 thì cần xem lại do lỗi kỹ thuật hay cài cắm lợi ích, nhưng Quốc hội nhận thức về vai trò của SGK như này thì lạc hậu quá.

367738321_1397995094089967_7827530095319385745_n

 

Trong vấn đề Bộ Giáo dục có trực tiếp biên soạn, xuất bản sách giáo khoa (SGK) hay không thì quan điểm của Quốc hội không chỉ lạc hậu, thiếu logic mà cách giải thích pháp luật chưa tính đến mục đích của nhà làm luật và thiếu tính hệ thống.

1/ Thế nào là lạc hậu? Chủ tịch Quốc hội hiểu chưa chính xác về chương trình khung, về nội dung giáo dục và học liệu trong mối quan hệ với SGK. Về ba điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã giải thích khá thuyết phục nên tôi không bình luận thêm.

2/ Thế nào là thiếu logic. Chủ tịch Quốc hội khá hài hước khi ví von: "Ngày xưa, cả nước chỉ dùng một bộ sách giáo khoa. Ngay Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngồi đây chỉ học một bộ sách giáo khoa nhưng nay là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".

Là người đứng đầu cơ quan lập pháp mà chủ tịch Quốc hội đã mắc lỗi ngụy biện lợi dụng quyền lực để bảo vệ cho lập luận của mình. Nếu chủ tịch ngồi trong giảng đường luật, e rằng sẽ bị giảng viên cho làm lại bài tập về lỗi ngụy biện lợi dụng quyền lực ^^^

Tuy nhiên, chủ tịch cũng rất khéo khi mở ra hướng khác: “Nếu thấy cần điều chỉnh Nghị quyết 88 thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội”.

Mình ủng hộ hướng này. Và hy vọng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ trình Quốc hội để điều chỉnh Nghị quyết 88.

3/ Về giải thích pháp luật. Quốc hội đang thực hiện đúng chức năng giám sát chính phủ thực hiện Nghị quyết 88 (NQ), nhưng cách giải thích NQ 88 theo từng câu, từng từ thì lại không ổn.

Nguyên văn mục g Điều 3 NQ 88 như sau: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông (Câu 1). Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ SGK (Câu 2). Bộ SGK này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn” (Câu 3).

Câu 1 khẳng định chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK”. Diễn giải câu này như sau: thừa nhận xã hội hóa SGK; thừa nhận sự cạnh tranh giữa các bộ SGK và giữa các nhà xuất bản SGK (6 nhà xuất bản).

Nhưng Câu 2 thì lại vả Câu 1: “Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGD) tổ chức việc biên soạn một bộ SGK” vì lý do “để chủ động”. Ai cũng biết rằng, 6 Nxb biên soạn, xuất bản SGK đều là con ruột, cháu ruột của BGD thì tại sao BGD lại không chủ động? Và nếu BGD biên soạn, xuất bản SGK thì lại cạnh tranh với chính mình?

Ở Câu 3 cho ta biết rằng: BGD cũng chính là cơ quan xây dựng chương trình, cơ quan thẩm định, phê duyệt SGK. Nghĩa là Bộ GD sẽ lại thẩm định, phê duyệt chính bộ SGK do mình biên soạn, xuất bản (?)

Cả Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục và Chủ tịch Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật của Ủy ban Mặt trận tổ quốc (UBMTTQ) chỉ bám vào Câu 2 để giám sát, yêu cầu Bộ GD phải biên soạn SGK theo NQ 88.

Nếu giải thích pháp luật mà chỉ căn cứ vào câu từ có thể bị cài cắm lợi ích như vậy thì không ổn.

Cần giải thích pháp luật theo mục đích của nhà làm luật và giải thích pháp luật theo hệ thống.

Nghĩa là, cần căn cứ NQ 88, NQ 122, Luật giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 về chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK.

Trong tất cả các văn bản kể trên, nhà lập pháp đều minh thị rằng: Bộ Giáo dục là cơ quan xây dựng chương trình, thẩm định và phê duyệt SGK. Còn biên soạn, xuất bản SGK là xã hội hóa.

Có lẽ vấn đề ở đây là 16 triệu đô vay của Ngân hàng thế giới, nếu không dùng vào mục đích biên soạn, xuất bản SGK thì để làm gì?

Theo tôi, nếu phải giải ngân 16 triệu đô đó, thì BGD dùng tiền đó mua SGK phát miễn phí cho học sinh như các nước đã, đang làm; hoặc dùng số tiền đó để truyền thông, tập huấn để các đại biểu Quốc hội; lãnh đạo, quản lý giáo dục; giáo viên; phụ huynh và nhân dân hiểu cơ chế, lợi ích của chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK.

Nguồn: FB Trịnh Minh Tuấn

* Tiêu đề do Văn Việt tạm đặt

Comments are closed.