Dẫn nhập cho sách Sự tiến hóa của Tri thức (The Evolution of Knowledge) của Jürgen Renn

Nguyễn Xuân Xanh

 

Khoa học mà tôi muốn nói đến được sinh ra không phải trong cách mạng Copernic, hay trong thời Hy lạp hóa, mà trong giây phút Eva đưa tay hái trái táo. Đó là nhu cầu hiểu biết, phần của bản chất con người.

Francesca Vidotto (1980 – )

Tiếng nói của trí tuệ (intellect) là một tiếng nói nhẹ nhàng, nhưng nó sẽ không ngừng cất lên cho đến khi được lắng nghe. Cuối cùng, sau vô số những lần bị chối bỏ, nó sẽ thành công. Đó là một trong rất ít điều mà ta có thể lạc quan về tương lai nhân loại, nhưng bản thân điều đó có tầm quan trọng không hề nhỏ.

Sigmund Freud

“The Future of an Illusion”, được trích dẫn trong sách, Chương 17

Cuốn sách này bao gồm một khoảng thời gian từ những khởi nguồn của tư duy nhân loại đến những thách thức hiện đại của Thế Nhân sinh (Anthropocene). Thế Nhân sinh ở đây được coi là một kỷ nguyên địa chất mới, được định nghĩa bởi tác động sâu sắc và lâu dài của các hoạt động do con người gây ra trên Trái đất. Thế Nhân sinh do đó là bối cảnh tối hậu cho một lịch sử của tri thức và là điểm hội tụ để nghiên cứu sự tiến hóa văn hóa từ góc nhìn toàn cầu. Từ góc nhìn đó, tôi đã cố gắng kết nối nhiều chân trời lịch sử và địa lý lại với nhau. Cuốn sách này viết về cả hai, những mặt diễn ra dài hạn (longue durée) của sự tiến hóa tri thức và những thay đổi tăng tốc trong sự phát triển của tri thức, những cái đã đưa chúng ta vào Thế Nhân sinh.

Jürgen Renn

Lời nói đầu. Tôi rất mừng Cty PhanBook đã xuất bản quyển sách dày công nghiên cứu này của GS Jürgen Renn, Berlin. Cuốn sách đúc kết nhiều thập niên nghiên cứu của ông và các nhóm nghiên cứu khác có quan hệ với Viện Max Planck về Lịch sử khoa học ở Berlin. Quyển sách có tính chất encyclopedia bao quát và sâu thẳm đến ngọn ngành về sự hình thành và tiến hóa của tri thức nhân loại. Một trong những chương thú vị (12) nói về tại sao sự du nhập khoa học phương Tây vào Trung Hoa đã thất bại. Nó bắt đầu từ thế kỷ XVI với các nhà truyền giáo Dòng Tên, đặc biệt Matteo Ricci. Họ cố gắng đặt quan hệ với giới quan lại-học giả Trung Hoa để truyền bá khoa học, kỹ thuật đồng thời truyền giáo, trùng hợp với sự khủng hoảng của lịch Trung Hoa dựa trên ảnh hưởng của Hồi giáo. Vì thế giới quan lại-học giả cũng rất quan tâm đến khoa học phương Tây. Nhiều tác phẩm phương Tây đã được dịch thuật thành công sang tiếng Trung, và giới tinh hoa Trung Hoa tiếp nhận thuận lợi. Tuy nhiên mọi nỗ lực đã không thành công để dẫn đến một cuộc “cách mạng khoa học” ở Trung Hoa, như từng diễn ra tương tự ở châu Âu.

Cuộc truyền bá lần thứ hai diễn ra trong thời thuộc địa bắt đầu từ giữa thế kỷ XIX, do những nhà truyền giáo Tin Lành thay thế Dòng Tên thực hiện sau những cuộc chiến tranh Nha phiến 1840-1842, và 1856-1860. Đặc biệt, tác phẩm Elements của Euclid mà công việc dịch thuật đã được Matteo Ricci và Từ Quang Khải đã bắt đầu 250 năm trước, nay kết thúc năm 1857. Nhưng triều đình Trung Hoa tập trung vào việc đối phó quân sự nhiều hơn với phương Tây. Xưởng đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải ra đời đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa đất nước áp dụng công nghệ phương Tây. Tình hình ngày càng xấu đi sau cuộc thất trận của nhà Thanh trong trận chiến tranh với Nhật Bản năm 1894-95, sự trấn áp của phương Tây đối với cuộc nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer war) buộc Trung Hoa phải cải cách nhiều hơn, kinh tế trí thức dần dần đạt tới một cấu trúc mới liên kết với khu vực chính trị và xã hội tạo tiền đề thuận lợi cho cuộc công nghiệp hóa. Cuộc cách mạng của Mao Trạch Đông là tai họa, nhưng giới tinh hoa Trung Quốc đã mang dấu ấn của nhận thức từ phong trào Ngũ Tứ, cho nên khi thời cơ đến là bùng dậy. Họ đã thấy tấm gương Nhật Bản cận kề nơi khoa học và công nghệ đã đan chặt vào tấm thảm xã hội và chính trị, tạo nên sức mạnh thần kỳ.

Nếu ở phương Tây, tri thức thực hành, tri thức khoa học, và quan niệm tôn giáo, quyền lực đan xen chặt chẽ với nhau, thì ở Trung Hoa cũng tương tự như thế, khoa học là một bộ phận bị quyền lực, tôn giáo, truyền thống chi phối. Sự thoát ra của khoa học từ bên trong không phải dễ. Sự thành công ở châu Âu là một điều kỳ diệu. Vì thế, ngoài câu hỏi của Needham tại sao không có khoa học ở Trung Hoa, Einstein cho rằng câu hỏi có lẽ còn quan trọng hơn là tại sao phương Tây lại có khoa học. Bao lâu bộ máy quyền lực của vua quan Trung Hoa chưa cảm thấy sự cải cách khoa học là cần thiết, thì mọi sự cải cách du nhập từ bên ngoài, nhất là trong những chiếc áo dòng tu châu Âu, ắt sẽ thất bại, cho đến khi tình hình chín muồi về nhận thức cho một cuộc cải cách từ bên trong.

Cũng như thế ở một số quốc gia khác ở châu Á, sự tiếp xúc phương Tây không gây ra một sự “bước nhảy lượng tử” để tạo cú hích cho sự thay đổi toàn diện và mạnh mẽ. Do cấu trúc chính trị và bản chất của dân tộc, Nhật Bản là một ngoại lệ. Những chiếc tàu của hải quân Mỹ trong thập niên 1850 đã gây sự thức tỉnh toàn diện, kích hoạt một sự thay đổi chính trị và tư tưởng, dẫn tới một cuộc công nghiệp hóa theo mô hình phương Tây làm thay đổi mọi thứ, xã hội, chính trị, kinh tế, giáo dục, thói quen … để biến Nhật Bản nhanh chóng thành “một tay chơi toàn cầu” trong thế kỷ XX. Họ ý thức rằng, an ninh quốc gia mà tự cô lập, không phát triển bứt phá là cực kỳ nguy hiểm cho chính an ninh, là tự sát. Bài học đó cần nhắc đi nhắc lại.

Quyển sách Sự tiến hóa của Tri thức của Jürgen Renn chứa đựng rất nhiều nghiên cứu công phu và tư liệu có giá trị rất đáng tham khảo.

Xin giới thiệu với bạn đọc.

Xem thêm phần Trung Quốc và Việt Nam trong:

Francis Bacon – Fukuzawa Yukichi (Trung Quốc) và Việt Nam

Nguyễn Xuân Xanh

Khoa học ra đời nguyên thủy không có mục đích nào ngoài nhu cầu con người muốn tự khai sáng về thế giới mà mình sống trong đó. Chúng ta hãy xem tấm bảng chữ hình nêm được khắc ở Nineveh vào thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên. Nó ghi lại các quan sát thiên văn được thực hiện một nghìn năm trước đó, dưới triều đại của Ammisaduqa:

Bảng chữ hình nêm tìm thấy ơ Bắc Iraq, bằng đất sét, 17,14 x 9,20 x 2,22 cm (©Bảo tàng Anh). Một trong rất nhiều di chỉ còn lại.

Từ đó khoa học bắt đầu phát triển. Sau Ai cập và Babylon, đến Khai sáng Ionia Hy Lạp thế kỷ thứ 6 TCN được xem là nền tảng ý tưởng của khoa học phương Tây. Những gì người Hy Lạp thừa hưởng từ các dân tộc khác, được phát triển lên cao hơn với dấu ấn của riêng mình. Lịch sử khoa học đã được viết rất nhiều, nhưng Tiến hóa của Tri thức là một tác phẩm đặc biệt, bởi quy mô, các đề tài, phương pháp luận, và số tư liệu được sử dụng, cung cấp một cái nhìn toàn diện về sự hình thành, tiến hóa, và lan tỏa của tri thức trong lịch sử nhân loại, dẫn đến những tiến bộ chưa từng có hôm nay. Nhưng cuối cùng sự tiến bộ khoa học, công nghệ cũng đã dẫn tới Thế Nhân Sinh, Anthropocene, là thời kỳ khi không phải các lực tự nhiên ảnh hưởng quyết định lên con người, mà ngược lại chính ảnh hưởng của con người định đoạt lên số phận của hành tinh xanh. Đó là kỷ nguyên được nhà hóa học Hà Lan Paul Crutzen “khai sinh” năm 2000 khi ông dõng dạc tuyên bố tại một hội nghị quốc tế về địa quyển-sinh quyển rằng “Không! Chúng ta không còn ờ trong thời Holocene nữa, mà trong thời kỳ Anthropocene!” Ông được giải Nobel năm năm trước đó về đồng khám phá các lỗ hổng ozone. Thình lình, con người nhận ra mình đang ở trong một phiên tòa, mà chính mình là bị can.

Cuốn sách bao gồm mười bảy chương được chia thành năm phần, bắt đầu với các định nghĩa về khoa học và kiến thức; tiếp theo là phần về các câu hỏi trừu tượng về sự thay đổi lý thuyết, quá trình tư duy và sự phát triển của khoa học; hai phần nghiên cứu chi tiết hơn về sự phát triển của nền kinh tế tri thức và động lực của toàn cầu hóa và chính trị; và phần cuối cùng về tầm nhìn của tác giả về “khoa học cho Thế Nhân sinh.” Các chương 3 (Bản chất lịch sử của trừu tượng hóa và sự biểu đạt), 7 (Bản chất của các cuộc cách mạng khoa học), 8 (Nền kinh tế tri thức), 9 (Một nền kinh tế của tri thức thực dụng), 10 (Những nền kinh tế tri thức trong lịch sử), 11 (Sự toàn cầu hóa của tri thức trong lịch sử) rất đáng quan tâm đối với người Việt Nam liên quan đến kinh tế, văn hóa. Cũng như chương cuối cùng 17 (Khoa học và Những thách thức của nhân loại) liên quan đến Thế Nhân sinh. Mỗi chương đều dẫn một số lượng tư liệu phong phú, rất tốt cho nghiên cứu.

Thình lình Anthropocene đã đưa chúng ta trở về giao lộ của triết học tự nhiên và và đạo đức, mà chúng đã từ bỏ đã lâu. Einstein cũng từng tiêu biểu cho trách nhiệm đạo đức của nhà khoa học trước viễn cảnh diệt vong của nhân loại bằng bom nguyên tử. Bây giờ, thế giới cũng đang đứng trước nguy cơ tận thế thời Anthropocene. Các bậc hiền triết thường đặt yếu tố đạo đức lên hàng đầu. Nhà kinh tế học Adam Smith cũng đã làm như thế khi tác phẩm đầu tiên của ông là Lý thuyết của các cảm xúc đạo đức. Không có đạo đức, kinh tế dễ dàng tạo ra các xã hội hoang dã. Đưa trái đất vào khoa học và mối liên hệ với con người để tạo ra ý thức, cũng như giải phóng khoa học khỏi áp lực của những lợi ích ngắn hạn, ích kỷ, mới là điều khôn ngoan.

Jürgen Renn là giám đốc Viện Max Planck nghiên cứu lịch sử khoa học ở Berlin. Ông là một nhà bác học. Tôi có may mắn quen ông từ lúc tôi viết quyển Einstein, khi thế giới kỷ niệm một trăm năm Annus Mirabilis (Năm thần kỳ) của Albert Einstein vào năm 2005. Từ đó đến nay, Renn đã cho xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu về Einstein rất có giá trị, trong đó có các quyển Albert Einstein, Chief engineer of the universe; Albert Einstein, Einsteins Leben und Werk im Kontext; chung với GS Hanoch Gutfreund ở Đại học Hewbrew: The Road to Relativity, Einstein on Einstein, The Formative Years of Relativity, The History and Meaning of Einstein’s Princeton Lectures. Những năm 2008-09, khi lúc chúng tôi làm những số kỷ yếu khoa học về Max Planck, người cha đẻ của khái niệm lượng tử, 400 Năm Thiên văn học và Galilei, ông có nhiều bài của ông tham gia.

Mối quan tâm của Jürgen về lịch sử khoa học thật rộng và thật sâu. Ông làm việc với nhiều nhóm nghiên cứu. Tiến hóa của Tri thức là đúc kết một giai đoạn quan trọng trong nghiên cứu của ông sau nhiều thập niên. Ông rất muốn hợp tác với những nhà nghiên cứu lịch sử khoa học của Việt Nam, nhưng việc đó đến nay chưa thành. Hy vọng, đó vẫn còn là một cơ hội trước mặt. Sự Tiến hóa của Tri thức có thể là một nhịp cầu để bắt đầu. Ông có thể sang Việt Nam để diễn thuyết, và đặt mối quan hệ hợp tác, giúp hình thành một Viện nghiên cứu lịch sử khoa học sớm như có thể tại đây. Việt Nam cũng cần một quyển sách về lịch sử tri thức khoa học của chính mình để ý thức về hiện tại và nhìn về tương lai.

Nguyễn Xuân Xanh, tháng 6, 2023

Comments are closed.