Hoàng Cầm nói về Văn Cao & khẩu hiệu “Phục xuống mà sáng tác”!

Hoàng Hưng ghi

(Từ khẩu hiệu này mà ra đời Cổng tỉnh (Trần Dần), Trường ca quan họ (Hoàng Cầm), Những người trên cửa biển (Văn Cao), thơ Lê Đạt (sau in thành Bóng chữ) và Đặng Đình Hưng bắt đầu làm thơ! Trong một buổi tụ họp ở phòng trà Phúc Châu năm 1956 sau khi “Giai phẩm Mùa Xuân” bị “oánh” nặng vì đăng bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần; Trần Dần bị bắt, tự cứa cổ và được Tướng Nguyễn Chí Thanh giải thoát, về họp với bạn bè)

——————————————————————————

…Lúc bấy giờ anh Văn Cao nói ra một câu mà có thể là ghi vào văn học lịch sử được tức là “Ra Giai phẩm mùa xuân chưa có gì mới một chút gọi là đổi mới thôi, mới hoe hoe lên cái đổi mới mà nó đánh như thế thì liệu mình có chịu không? Chúng mình có chịu để cho họ đánh như thế không? “Tất nhiên chả thằng đéo nào chịu được”! Tôi phải văng ra “Đéo thằng nào chịu chuyện phê phán như thế”! Thế nhưng mà mình không có được một tờ báo nào cả tức là mình không có quyền một tờ báo nào hết, nhưng quyền sáng tác của mình vậy thì phải “phục xuống mà sáng tác”. Sau này phê phán Nhân văn thì thường thường họ đem câu ấy của Văn Cao ra để họ nhấn mạnh cái âm mưu của bọn Nhân văn Giai phẩm nó kiên trì lắm, nó lâu dài lắm, nó phục xuống, phục xuống tức là im lặng, nằm giấu một chỗ gọi là phục xuống để mà sáng tác tức là cái đó là âm mưu dai dẳng của Nhân Văn Giai Phẩm, về sau dựa vào câu nói của Văn Cao như thế họ nêu luôn ở nhiều bài khi phê phán Nhân Văn, họ nêu câu Văn Cao cho nên tôi nghĩ rằng câu nói của Văn Cao ở phong trà Phúc Châu thôi trong cuộc anh em nói chuyện bình thường thôi nó trở thành câu nói ghi vào lịch sử được. “Phục xuống mà sáng tác!”

Câu nói của Văn Cao “Phục xuống mà sáng tác là tất cả đều tán thành, thôi cứ lặng lẽ, thằng nào có đề tài gì, xúc cảm gì, suy nghĩ gì, tư tưởng gì thì cứ lặng lẽ ngồi một xó mà sáng tác chưa biết sẽ in ở đâu cả mà phải biết lấy sáng tác là cái sự sống trong cuộc đời của mình, có sáng tác mới thành văn nghệ sĩ được, có sáng tác có tác phẩm thì công việc của mình muốn đóng góp với xã hội, với loài người thì mới tồn tại được, không sáng tác thì anh đóng góp bằng cái gì, anh không phải nhà lý luận, phê bình thì anh đóng góp bằng sáng tác vào cuộc sống của con người, trong khi chính quyền nghiêm ngặt như vậy thì anh phải phục xuống tức là anh phải im lặng chỉ làm việc thôi không khoe khoang, không có ba hoa, không có gì hết cứ lặng lẽ, khuất đi, khuất cái thân mình đi, ngồi vào một xó nào đấy mà sáng tác.

…Trần Dần bắt đầu viết “Cổng tỉnh” tôi không biết là viết gì mà khi nào xuống cũng thấy làm việc suốt ngày. Lê Đạt cũng thế, lúc này làm thơ nhiều lắm nhưng mà có thể những bài ngắn có thể những bài dài thì tôi chưa đọc của Lê Đạt có nhiều cái tôi chưa đọc cái nào sắp sửa đem in tôi mới đọc. Còn tôi thì tôi bắt đầu viết “Tiếng hát quan họ”, trường ca về quan họ, tập quan họ cũng là tác phẩm của tôi trong thời kỳ Nhân Văn, cái tư tưởng đấu tranh của nó nằm rải rác trong các câu thơ nhưng chủ yếu là đoạn mở đầu và đoạn kết thúc cả trường ca dài khoảng 650 câu…

Còn Văn Cao? Lúc bấy giờ cả 3 người Lê Đạt, Trần Dần và tôi đều thống nhất với nhau một nhận định là thế này: Văn Cao là thằng có tài và nó còn nhiều tiềm năng, lực sáng tác của nó còn mạnh mẽ nhưng riêng về nhạc thì nó hết rồi, cả ca khúc nữa nó cạn rồi, cạn cả đề tài, cạn cả giai điệu, từ kháng chiến về trước thì rõ ràng Văn Cao làm khá nhiều nhất là những bài ca cách mạng thì lúc bấy giờ phải nói nhân dân hát rất nhiều “Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng ôm gươm ra sa trường”, Thăng Long hành khúc, rồi đến cả 3 thứ quân, Thủy quân, Không quân, Bộ binh, cả về đề tài nông thôn như là “Gánh thóc về”, “Làng tôi”, phải nói ca khúc Văn Cao rất đa dạng, bài nào nó đi bài ấy… Nhận định Văn Cao còn nhiều tiềm năng nghệ thuật, riêng về âm nhạc thì nó cạn, thế thì phải đẩy nó sang thơ nhưng bây giờ ông thích vẽ, vẽ tức là một bộ môn nghệ thuật lớn, một ngành nghệ thuật, nếu có tài thì vẽ cũng hay lắm và Văn Cao là một con người ai cũng thấy đa tài thì có thể vào hội họa thì nó có thể làm nên một cái gì đấy chứ không phải là không đâu, còn thơ thì cậu có vẻ lơ là lắm! Trần Dần, Lê Đạt mới thúc tôi bảo rằng chỉ có mày mày mới động viên được nó hoặc thúc đẩy nó thậm chí khi thân mật mày có thể mắng cho nó vài câu cũng được, chỉ có mày mới làm được chứ chúng tao làm sao mà nổi tiếng bằng nó, nó vào nghệ thuật sớm, bậc đàn anh mình thì có cái cớ gì mà thúc đẩy được, cậu thì cậu thúc đẩy được bây giờ cậu thúc đẩy nó làm tập thơ gì đi, làm thơ gì cũng được chữ vẽ thì mênh mông lắm biết thế nào được! Mặc dù ông đa tài nhưng đa tài gì thì đa tài nhưng có chỗ mạnh chỗ yếu chứ không như nhau được. Đấy là quyết định họ phân công tôi bảo việc này giao cho thằng Cầm phải làm thế nào động viên nó có được một tập thơ trong thời gian “phục xuống mà sáng tác” này. Tôi thì tôi được cái hay nghe anh em lắm, anh em bảo cái gì nghe hay thì tôi làm luôn, tôi không bao giờ phản đối hay tự ái gì cả. Lần ấy ở cơ quan làm việc, tôi vẫn làm việc ở cơ quan nhà xuất bản, lúc bấy giờ vẫn là nhà xuất bản văn nghệ, tôi vẫn làm như là phó cho ông Tô Hoài, thì tôi viết “Trường ca quan họ”, đến khi thấy có vẻ là Văn Cao có vẻ nghe mình rồi thì bắt đầu Văn Cao làm trường ca về Hải Phòng là nơi mà Văn Cao sinh ra ở đấy, sinh sống và học ở đấy, thì bao nhiêu xúc cảm, bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu suy nghĩ của Văn Cao, nhân thể viết về vùng quê bé của mình thời thủa bé… Thì Trần Dần ở Nam Định, sống ở Thành phố Nam Định thì Trần Dần mới viết Cổng Tỉnh, tôi chưa đọc nhưng tôi biết viết về Nam Định, con người, cảnh của Nam Định trước năm 1945; Lê Đạt thì làm một số bài thơ lặt vặt, tôi thì có “Trường ca quan họ”, thế thì lúc bấy giờ chưa ai nghĩ đến Đặng Đình Hưng, chưa ai thấy Đặng Đình Hưng có tiềm năng về thơ, chưa xuất hiện thì chưa biết thúc đẩy Hưng làm cái gì bây giờ, lúc bấy giờ Hưng vẫn đam mê bà Liên, sang đến năm 1956 thì Hưng đã bị kỷ luật rồi, kỷ luật vì không cắt đứt với bà Liên. Tối hôm mà Hưng có cuộc tiếp xúc với ông Lành thì chúng tôi ngồi cả ở nhà Hưng, hai người sống ở đấy đường hoàng không có hề vụng trộm giấu giếm gì cả như là khiêu khích với bà Thoa, là vợ cả vợ chính thức của ông Hưng. Bây giờ tôi phải kể chuyện này để về sau có quan hệ về thơ ca thì phải kể chuyện ông Hưng…

image

Comments are closed.