Một bức thư “kêu cứu” của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Đó là bức thư của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường năm 1991 gửi ông Lưu Văn Hân, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Bộ Văn hoá, kêu cứu cho tạp chí “Cửa Việt” (CV) mà ông là Tổng biên tập. CV là tờ tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Trị sau khi tỉnh Bình Trị Thiên được tách lại thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế năm 1989. Sau khi tách tỉnh theo chủ trương người tỉnh nào về tỉnh đó, ông Tường về quê Quảng Trị, rủ cả nhà văn Nguyễn Quang Lập (quê Quảng Bình) về cùng, nhận trách nhiệm ra tờ tạp chí văn nghệ của địa phương.

CV ra đời số 1 vào tháng 1/1990 do Hoàng Phủ Ngọc Tường Tổng biên tập, Nguyễn Quang Lập Phó Tổng biên tập. Khát vọng của những người làm CV được ghi ở bìa 4: “Lịch sử không thuộc về dĩ vãng, lịch sử vẫn tồn tại với sức năng động của nó trong mỗi khoảnh khắc của hiện tại và tương lai chúng ta, với bất cứ ai còn giữ lòng biết ơn Nhân Dân. CỬA VIỆT ra đời, trước hết mong được làm chứng ngôn về lòng biết ơn của con người trước lịch sử, mà nếu quên đi, chúng ta sẽ không còn sức mạnh để đi tới đích phía trước. Đổi mới không phải là lời hô muôn năm, mà thực sự là một cuộc chiến đấu đòi hỏi sự dấn thân của văn học nghệ thuật. CỬA VIỆT ra đời, từ một mảnh đất sâu dày khát vọng của nhân dân, mong mỏi đóng góp bằng tất cả tâm huyết công dân của văn nghệ sĩ. CỬA VIỆT là một cửa biển, và cửa biển nào cũng nhìn ra đường chan trời…” Với tinh thần làm báo dấn thân đó, lập tức CV được đón đọc và theo mỗi số xuất bản nó đã thực sự thổi một luồng sinh khí mới cho đời sống văn học cả nước trong không khí tưng bừng dân chủ hoá của hồi đầu thời kỳ đổi mới với những sáng tác thơ văn, những bài nghiên cứu phê bình mạnh bạo, sắc sảo. Hồi ấy mỗi số CV ra đều được bạn đọc đón chờ và tìm đọc thích thú.

Nhưng cũng chính vì tinh thần đổi mới cấp tiến đó mà CV cũng nhanh chóng trở thành “cái gai” trong mắt các cấp quản lý và giới bảo thủ. Gần như không số nào CV không bị nhắc nhở về bài vở, có khi còn bị kiểm điểm nặng nề. Bức thư này phản ánh quá trình CV chống đỡ những “đòn đánh” mình đã đến mức không chịu nổi đó. Thư là thư riêng nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nói rõ cho ông Vụ trưởng Vụ báo chí biết tình trạng thực của CV với những tên người sự việc cụ thể. Có thể cảm nhận được sự uất ức, phẫn nộ của Hoàng Phủ Ngọc Tường trước những đòn đánh vào CV. Ông muốn kêu cứu ông Vụ trưởng ở Trung ương cho tờ tạp chí của mình, và rộng ra cho cả những người làm báo tâm huyết khác muốn làm báo tử tế như mình. Tuy vậy, tiếng kêu cứu của ông Tường vẫn không cứu được CV. Tờ tạp chí của một hội văn nghệ địa phương nhưng tầm vóc cả nước này đã bị đóng cửa sau số 17 (11/1992. Về sau có lần nói chuyện, ông Tường đã tổng kết ngậm ngùi: CV ra được 17 số ứng với vĩ tuyến 17, với 17 năm cảm tình đảng của miềng, và sau 17 năm kết thúc chiến tranh.

Bức thư nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tay và nhờ tôi cầm từ Quảng Trị ra Hà Nội đưa cho ông Lưu Văn Hân. Ông Tường đã cho tôi đọc thư. Thư không dán, nên trước khi chuyển đi tôi đã sao lại một bản (tôi đang tìm lại bản sao đó để chụp lại đưa lên nhưng chưa thấy). Tưởng nhớ ông Tường vừa nằm xuống, tôi nghĩ bức thư là một tài liệu cần thiết để chúng ta hiểu thêm về số phận của nhà văn, chắc ông sẽ vui lòng khi tôi đưa ra cho mọi người đọc. Tôi giữ nguyên cách viết của ông Tường trong thư. Chữ “accident” ông viết ở đầu thư có nghĩa là “tai nạn”. Có những chỗ ông nhấn mạnh thì vì đưa lên fb không in nghiêng được tôi đánh chữ hoa. Xuân Đức ông nhắc trong thư là nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức (1947-2020), người ở trong Ban biên tập của CV suốt 17 số.

Phạm Xuân Nguyên

*

Tạp chí Cửa Việt

Đường Quang Trung – Thị xã Quảng Trị

ĐT: 314

Ngày 14 tháng 9 năm 1991

Kính gửi: A. Lưu Văn Hân

Vụ trưởng Vụ Báo Chí, Hà Nội.

Anh Hân thương mến,

CV. đang in số 10, chắc anh đã đọc kỹ. Số 7 vừa qua lại bị accident rồi qua. Tôi mong anh đọc kỹ CV, để có sự nhận thức riêng theo suy nghĩ của anh. Tôi hy vọng như thế thì CV. đỡ khổ hơn nhiều.

Với CV. số 7 vừa qua đã hiện ra một dạng tai nạn của tôi khác với số 2 là TW không có ý kiến gì (không rõ có ý kiến riêng bằng điện thoại không), nhưng địa phương thì ác liệt quá. Thường Vụ Tỉnh Ủy cũng không có ý gì nặng nề. Nhưng: -Tuyên huấn tỉnh ủy (cả trưởng lẫn phó ban) 2 người này rất muốn hại tôi

-Các cụ về hưu – rất “cứng rắn”

-Một số cán bộ ở văn phòng Tỉnh ủy, mỗi vị là một bộ mặt cơ hội, ai cũng biết.

-Ông Xuân Đức ở Sở Văn Hóa

-Ông Hồ Pờn, bí thư người PàKo.

Ở các hội nghị trước đại hội 7, họ viết bài, phát biểu xỉ vả CV. và bản thân tôi thật là ghê rợn. Từ đó, TÔI CÓ MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ VIỆC QUẢN LÝ BÁO CHÍ:

-Một tờ báo địa phương như CV., vẫn được cấp (hoặc rút) giấy phép từ Bộ. Sự đánh giá về đúng, sai của TỜ báo này (hoặc BÀI) phải căn bản từ ý kiến của Bộ, hoặc Ban VHTT Trung Ương. Ý kiến của LÃNH ĐẠO địa phương (tôi không nói tới những người vừa kể, vì họ o/ phải là lãnh đạo) thì với chúng tôi (Tổng biên tập) vẫn phải lắng nghe, tham khảo – chứ nhất thiết không thể là một quyền lực trực tiếp bắt chúng tôi phải cúi, ngửa theo ý muốn. Tôi chỉ buộc phải tôn trọng Luật Báo Chí và làm việc trực tiếp với cơ quan quản lý Nhà nước ở TW.

-Sự “khoanh vùng” cho địa phương tưởng là “nhẹ nhàng hơn”. Nhưng thực ra lại làm khổ gấp 10 lần so với sự trừng phạt từ TW. Bởi vì ở địa phương CÓ QUÁ NHIỀU NGƯỜI TỰ CHO MÌNH LÀ CÓ QUYỀN trên sinh mệnh và danh dự của tờ báo. Trong khi đó, trình độ của họ còn phải học tôi rất nhiều, để biết cách làm báo. Không học gì cả (họ học ở đâu?) sao lại được quyền LÀM THẦY những thằng đã học hết chữ trong nghề nghiệp. Tôi không chịu đựng nổi sự xúc phạm của những người như thế, nhất là sự thiếu văn hóa và âm mưu quyền lực của họ. Tại sao các anh lại bắt tôi phải chịu đựng cái khổ nạn ấy, trong khi các anh là người cầm cân nẩy mực về đời sống báo chí trong cả nước? Thà là anh Trần Hoàn, anh Lưu Văn Hân chửi tôi, còn những típ như Dương Tử Anh viết bố láo như vậy, tôi không chấp nhận được. Tôi mong anh Hoàn can thiệp từ Bộ, để chấm dứt cái trò chơi dân chủ kiểu này; nó chỉ đáng có trong thời cải cách ruộng đất, hoặc trong Cách mạng văn hóa ở bên Tàu.

Luật Báo Chí là một thành quả của một xã hội sống văn minh; đừng nên vì giản tiện trong công tác quản lý mà đẩy lùi xã hội trở lại cái tình trạng văn hóa Prolecult thuở xa xưa!

Anh Hân thân mến!

CV. không tránh khỏi những cái sai; cái sai của nghề nghiệp mà già đời vẫn không sửa cho hết. Nhưng nó phải làm được một cái gì đó, thì chỉ mới 10 số, nó đã có 1 đời sống xã hội đích thực như thế. Nghe người ta nói quá, tôi đã tập trung trí nhớ nhiều ngày để xem ở nơi tôi (là Tổng biên tập) có 1 cái gì đó giống với một tên phản động hay không? Tôi không thấy được điều đó, kể cả những giấc mơ của tôi, tôi chưa từng mơ thấy 1 điều gì có tính chất “phản động” cả. Tôi quyết khắc phục những sai sót nghề nghiệp, không làm gì trái luật và trái Nghị Quyết – nhưng các khát vọng Dân Chủ – Đổi Mới là ngọn lửa không bao giờ tắt được trong nhân cách công dân của tôi. Tôi vẫn bám Thành Cổ Quảng Trị, ở đó mỗi nhát xẻng đào lên để xây nhà đều vẫn vấp phải những hài cốt liệt sĩ. Còn có rất nhiều vụ “hộ lên”, tức là một người sống nào đó tự nhiên lăn lộn, quay quắt khai rõ địa chỉ là: họ, tên, địa chỉ ở miền Bắc (Ủy ban Thị điện hỏi thì quả đúng như vậy). Tôi chỉ sợ 1 điều trong khi làm báo CV: sợ tôi sống hèn nhát, đồng loã về tội phản bội lại những người đã chết.

Anh hãy thông cảm cho lòng tôi bây giờ, cứ 1 tấc lòng son nóng bừng bừng như lửa lò luyện đan! Nếu có vì thế mà sai sót trên báo thì mong anh thông cảm và nhắc nhở cho tôi. Còn tôi không bao giờ thèm bỏ một phút đồng hồ để làm một tờ báo mua vui cho mọi người! Có dịp nào anh nói với các nhà lãnh đạo ở Quảng Trị hiểu điều đó hộ tôi, và nếu họ không kham nổi tôi thì chỉ cần nói nhẹ nhàng 1 tiếng, tôi và NQLập sẽ cất cánh bay đi một sân bãi khác để hành đạo như 1 người cầm bút.

Cám ơn anh đã theo dõi cái thư quá lộn xộn này của tôi, lâu quá không gặp anh để tâm sự nên bây giờ xả xú páp cho đỡ đau dạ dày.

Thương mến chào anh!

Hoàng Phủ Ngọc Tường

-Anh làm gấp cho cái giấy phép 6 số/năm, tôi đã hết phép rồi. Chẳng lẽ đến đây thì đóng cửa CV.?

image

image

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng nhà văn Hồng Nhu, Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch đón đoàn Viện Văn học đưa giáo sư Niculin (Liên Xô) vào thăm Quảng Trị (1989). Đứng cạnh anh Tường là Gs Phong Lê, Viện trưởng Viện Văn học khi đó. Tôi ngồi ở hàng đầu bên phải. Sau chuyến đi này về ông Niculin đã viết bài "Quảng Trị thời thu nhặt đá" tôi đã dịch và đăng CV số 2 (1990). Ảnh: Nguyễn Văn Kự.

Comments are closed.