Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 12)

Đỗ Duy Ngọc

lockdown

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BA MƯƠI SÁU NHỮNG ĐỨA TRẺ TRONG MÙA ĐẠI DỊCH

Mùa đại dịch, ai cũng có thể là nạn nhân, gia đình nào cũng có thể dính bệnh. Người già là một nỗi lo âu, nhưng bất hạnh nhất vẫn là những đứa trẻ. Nhiều cháu mới đôi ba tuổi, chưa ý thức được những gì đang xảy ra nhưng bị cách chia cha mẹ, ông bà. Chúng ngơ ngác với bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, chúng lạc lõng trong những khu cách ly và buồn bã vì không được gần cha mẹ. Những hình ảnh các cháu được đăng trên báo chí làm người xem xót lòng, rơi nước mắt.

Hôm kia, trên mạng có một đoạn clip ghi lại cảnh một gia đình phải chia ly vì dương tính với virus Vũ Hán. Người quay clip là một nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên đón các F0 mặc đồ bảo hộ xanh đến khu cách ly. Trong cảnh chộn rộn đưa người đi cách ly, người ta nhìn thấy một thanh niên đứng nhìn theo trên tay ẵm một đứa bé còn nhỏ xíu mới 3 tháng tuổi. Bố mẹ là F0 phải đi cách ly, bé 3 tháng tuổi đành gửi lại cho hàng xóm vì chẳng có ai là người thân. Anh hàng xóm không biết đã có gia đình hay chưa, có kinh nghiệm chăm sóc trẻ em hay không, vì nhìn anh có vẻ hoang mang lắm và ngơ ngác lắm. Có lẽ anh không ngờ phải chấp nhận tình cảnh này. Anh chỉ nhận vì tình làng nghĩa xóm. Anh cũng có thể nhiễm bệnh vì tiếp xúc như thế này. Nhân viên y tế bảo với anh: “Ôm nó chạy về đi, chứ để nó ở đây chi tội nó”, và động viên cha mẹ em bé: “Mới bây lớn như này, để nó ở nhà đi, chứ ẵm vô cách ly còn không chịu nổi nữa”

Người này cũng nhiệt tình hướng dẫn anh hàng xóm cách pha sữa bột để cho em bé ăn trong những ngày xa mẹ. Người thanh niên vẫn lóng ngóng trước cảnh ly biệt này. Người mẹ chuẩn bị lên xe nhưng vẫn nấn ná không nỡ xa con, muốn cho con bú cho no trước khi đi. Biết đâu đó là cữ bú cuối cùng vì dịch bệnh chẳng ai biết trước sẽ xảy đến kết cục như thế nào? Người mẹ cầm theo chai cồn, đón con từ anh hàng xóm rồi ẵm bé đi ra khu vực xa xa để cho con bú. Giao con cho người mẹ, người thanh niên cũng xịt cồn trên tay mình, tuân thủ yêu cầu của y tế quy định. Cảnh trao nhận của mẹ con làm ai cũng xót xa và sợ mẹ sẽ lây cho người khác. Tuy vậy, nhân viên y tế cũng căn dặn người thanh niên: “Anh về nhà cũng cẩn thận, né mấy người xung quanh đi nha”. Không biết những ngày tới, cháu bé sẽ sống thế nào khi đã xa bầu sữa mẹ. Anh thanh niên kia sẽ xoay xở thế nào khi chẳng có chút kinh nghiệm nuôi trẻ? Mong tất cả sẽ bình an, người mẹ sẽ được trở về nhà với đứa con thơ. Nghĩ dại, lỡ như người mẹ có mệnh hệ gì, đời của bé sẽ ra sao?

Cũng một gia đình khác, bố mẹ đều nhiễm virus, đi cách ly để lại một đứa con nhỏ ở nhà. Nhờ bà nội trông nom, bà nhiễm bệnh qua đời. Bà ngoại thế chỗ, bà ngoại cũng dính bệnh mà mất. Ông nội đành đến nuôi cháu. Kết cuộc như thế nào chẳng biết. Không biết bố mẹ có an toàn trong bệnh viện hay chăng? Đúng là bi kịch chỉ có trong mùa đại dịch. Nhưng hũ tro xếp hàng lần lượt trên bàn thờ và nước mắt của những đứa trẻ trong phút chốc thành kẻ bơ vơ.

Cũng nhói lòng khi nhìn những cháu bé phải bị đi cách ly. Một clip trên báo ghi lại cảnh một gia đình thuộc F1 gồm người mẹ và những đứa con trùm kín những bộ đồ chống dịch và được lực lượng hỗ trợ đưa đi cách ly y tế vào lúc nửa đêm đăng trên báo Người Lao Động. Đoạn video ghi vào thời điểm khoảng gần 24 giờ tại hẻm Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4. Con hẻm này với hàng trăm hộ dân đã được phong tỏa nghiêm ngặt sau khi ngành y tế phát hiện nơi đây có đến 50 ca nhiễm. Một gia đình thuộc F1 gồm người mẹ và những đứa con nhỏ trùm kín những bộ đồ chống dịch rời nhà để được lực lượng hỗ trợ đưa đi cách ly y tế vào lúc nửa đêm. Chứng kiến hình ảnh những đứa bé ôm đồ dùng cá nhân, gối mền lỉnh khỉnh leo lên xe cộng thêm tiếng quấy của bé nhỏ tuổi nhất do sợ hãi lạ lẫm khiến không ít người nhói tim, xé lòng.

Người ta vẫn chưa quên hình ảnh cháu bé mới 5 tuổi trong trang phục bảo hộ rộng thùng thình, tự giác leo lên xe cấp cứu đi điều trị dịch bệnh tại huyện Bình Chánh đã khiến mọi người rất xúc động. Hình dáng nhỏ bé trong trang phục phòng hộ cá nhân rộng hơn thân thể, một mình leo lên chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện huyện Bình Chánh để đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị thật sự khiến mọi người phải rưng rưng nước mắt. Trước đó, ba của bé có kết quả dương tính với virus Vũ Hán và đã được đưa đi điều trị tại một cơ sở y tế. Mẹ bé là F1 được đưa đi cách ly tập trung. Sau khi đánh giá nguy cơ, bé được cách ly ở nhà với bà ngoại và dì. Tuy nhiên, sau đó bà ngoại của bé cũng có kết quả dương tính nên được chuyển đi điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Sau đó, bé có triệu chứng và được làm xét nghiệm cũng có kết quả dương tính nên được các cô chú nhân viên y tế đưa đi điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương cùng với bà ngoại.

Một bộ ảnh với các cháu nhỏ mặc đồ bảo hộ đi cách ly ở Phú Yên cũng là hình ảnh đau lòng. Lãnh đạo địa phương cho biết:” Có 17 cháu cùng ở với cha mẹ tại khu cách ly tập trung của H.Sơn Hòa và 4 cháu khác theo ba mẹ cách ly tại Bệnh viện (BV) dã chiến Đông Hòa (Phú Yên). Do không có người thân chăm sóc các cháu nên bất đắc dĩ cha mẹ đem các cháu đi cùng vào khu cách ly”. Một vị bác sĩ cũng cho biết trong bức ảnh chụp có 6 cháu, lớn nhất 5 tuổi và nhỏ nhất 15 tháng tuổi. Trong hình có thể thấy 4 cháu mặc đồ bảo hộ, trong đó 1 cháu là F0, còn lại 3 cháu là F1. Các cháu đi theo bố mẹ vì trong gia đình chỉ có những người đó thôi. Đây là vùng nông thôn nên không ai chăm sóc các cháu. Nhiều người cũng nghi ngại khi các cháu chưa nhiễm bệnh mà đưa vào khu cách ly, nguy cơ dính bệnh rất cao. Nhưng cũng khó, để ở nhà thì không có người trông giữ, vào đây sẽ dính bệnh cả chùm.

Người ta cũng chưa quên câu chuyện của một bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân trong một bệnh viện dã chiến ở Sài Gòn. Cả gia đình hai vợ chồng và đứa con bị dương tính. Người chồng nặng không qua khỏi. Khi bàn chuyện hậu sự với người vợ, cô ta khẩn thiết xin bác sĩ cứu cho con gái của cô cũng đang ở trong tình trạng nặng. Bác sĩ không tìm ra chỗ để chuyển đi. Người mẹ xin bác sĩ cho con được chuyển lên chiếc giường mà chồng cô vừa mất, có lẽ xác chưa chuyển đi và chưa có người chuyển đến. Chỉ cần có một cái giường thôi, chỉ cần có một hơi thở đưa vào đúng lúc thôi, một mạng người sẽ được cứu, bi đát quá. Xót xa quá nhưng đành bất lực thôi.

Một hình ảnh khác ghi lại một em bé 7 tuổi trong trang phục phòng hộ cá nhân ở thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) cùng mẹ và anh trai lên xe y tế đi cách ly cũng gây xúc động cho cộng đồng mạng. Cha em là tài xế lái xe chở hàng chạy tuyến Quảng Ngãi-Quảng Ninh, khi đến cổng Bệnh viện Minh An, tỉnh Nghệ Anh, sau khi test nhanh, kết quả dương tính 2 lần. Sau đó, mẹ em, anh trai cùng em bé 7 tuổi trên thuộc trường hợp F1 nên đã theo xe y tế chở đi cách ly tập trung trong bộ đồ bảo hộ.

Những ngày qua, hình ảnh bé trai khoảng 5 tuổi lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình, ôm đồ đạc, hồn nhiên thả bước dọc hành lang rời khỏi khu cách ly cũng gây chú ý ở mọi người. Được biết, đây là khoảnh khắc bé trai cùng mẹ thu dọn đồ đạc, rời khu cách ly Quận Gò Vấp lên đường đến một bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố để điều trị virus Vũ Hán. Bé trai nói trên sinh năm 2016 đang sinh sống cùng cha mẹ tại khu nhà trọ trên địa bàn phường 9, Quận Gò Vấp. Ngày 14.6, bố của bé có kết quả dương tính với virus do tiếp xúc với F0 cùng khu trọ và được đưa đi cách ly. Ngay sau đó, bé trai và mẹ được đưa vào cách ly tập trung tại Khu cách ly Quận Gò Vấp. Sáng 18.6, kết quả xét nghiệm của bé trai dương tính. Do vậy, bé được chuyển đến một bệnh viện trên địa bàn thành phố để cách ly, điều trị. Chứng kiến hình ảnh dù cơ thể bị trùm kín bởi bộ đồ bảo hộ, bé trai vẫn hồn nhiên, bình tĩnh khi rời khu cách ly, nhiều người đã gọi vui bé là “chiến binh” 5 tuổi.

“Trông cách thả bước, ôm đồ đi trên hành lang khu cách ly thật hồn nhiên, bình tĩnh. Bé không tỏ vẻ sợ hãi, buồn bã. Bé sẽ là “chiến binh” 5 tuổi trong hành trình chống lại bệnh tật sắp tới. Chúc 2 mẹ con sớm bình phục”, một tài khoản mạng xã hội chia sẻ.

Và hình ảnh người mẹ ôm mặt khóc nức nở, kêu gào khi nhìn đứa con nhỏ của mình sốt 39 độ đang nằm dưới sàn nhà lạnh lẽo không người quan tâm, không có được viên thuốc ở trong khu cách ly là một trường học ở quận 8 dành cho những người bị nghi nhiễm ở chợ Bình Điền cứ ảm ảnh mãi trong lòng người xem.

Còn nhiều, nhiều lắm không kể hết được những đưa trẻ bị cách ly trong mùa dịch. Nhưng bất hạnh nhất là những đứa trẻ bị mồ côi khi cha mẹ đã bị tử vong vì dịch bệnh. Các cháu chưa ý thức được chuyện sống chết nhưng khi nhận hũ cốt của cha mẹ, các cháu cũng đã thoáng biết rằng từ nay tất cả đã cách chia. Nỗi đau này sẽ theo suốt cả cuộc đời các cháu. Một gia đình đang đoàn tụ, ấm êm, bỗng chốc dịch bệnh ào tới mang theo nỗi bất hạnh. Tổ ấm chia lìa, tan tác, còn nỗi đau nào hơn nữa.

Có ý kiến cho rằng, cách ly như thế này là biện pháp không hiệu quả. Trong một chương trình giao lưu trực tuyến, ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục Trẻ em xác nhận trên tờ Tuổi Trẻ rằng có đến hơn bốn ngàn trẻ em chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh phải đi cách ly tập trung, không có gia đình cạnh nên có thể gặp phải rất nhiều sang chấn về mặt tâm lý. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết nêu ý kiến của ông: “Tôi thấy rằng chủ trương cách ly hiện nay là để ngăn chặn những đối tượng lây nhiễm. Có hai hình thức cách ly: tại nhà và tại nơi tập trung. Khi ban hành chủ trương như thế thì rất nhiều người đồng tình. Theo tôi, cách ly tại nhà nếu có điều kiện thì vẫn hay hơn vì sử dụng riêng những vật dụng, nhà vệ sinh…không chung đụng như khu cách ly tập trung. Những ai có điều kiện thì nên cho họ cách ly tại nhà, Nhà nước cần cho họ cơ chế để họ thực hiện thì tình hình dịch bệnh sẽ giảm trong khi chờ vaccine”.

Tình trạng tách những đứa trẻ còn quá nhỏ để đi cách ly gây nhiều phản ứng trong dư luận. Nhiều người cho rằng đây là qui định mất nhân tính, dã man và không thuyết phục vì nếu các bé là F1 thì đương nhiên cả nhà (ba mẹ và các thành viên khác là F2) thì tại sao không áp dụng cách ly cả gia đình tại chỗ.

Theo Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch được Bộ Y tế ban hành hôm 12 tháng ba năm 2020, đối tượng bị cách ly là người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch. Người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc virus trong trường hợp vượt khả năng tiếp nhận của cơ sở y tế. Như vậy, nếu trẻ em có bố mẹ được xác định mắc virus thì những đứa trẻ trong nhà thuộc diện cách ly tập trung, không phân biệt tuổi tác. Nhà nước đã quy định như thế, dù ta thấy cảnh các bé còn quá nhỏ mà phải cách ly thì cũng phải chấp hành thôi dù rất bất nhẫn và nguy hiểm.

Cảnh các em bé bị trùm kín trong bộ đồ bảo hộ kín mít, được bố trí ở những nơi thiếu nhiều phương tiện sinh hoạt, ăn uống không đạt tiêu chuẩn, không được chăm sóc đúng mức sẽ khiến cho sức đề kháng yếu, đồng thời ở trong môi trường cách ly, tình trạng lây nhiễm chéo rất dễ xảy ra. Cho đến nay, chưa có thống kê nào ở Việt Nam cho biết có bao nhiêu trẻ em bị nhiễm bệnh và tử vong. Tuy nhiên, những đứa trẻ bị cách ly, những cháu bị mất cha mẹ, ông bà trong cơn đại dịch này sẽ bị sang chấn tâm lý rất nặng nề.

* * *

Ngày hôm nay, 13.8, một số điểm tiêm chủng ở thành phố đã gặp phản ứng của người dân khi biết được chích Sinopharm, một loại thuốc của Tàu.

“Trên mạng xã hội lan truyền clip được cho là điểm tiêm phòng Covid-19 tại sân Tao Đàn, Quận 1, một số người dân phản ứng và bỏ về khi nghe thông báo là chuẩn bị tiêm vaccine Sinopharm.

Sau khi video được lan truyền trên mạng và truyền tải, lãnh đạo Quận 1 xác định có xảy ra sự việc trên tại điểm tiêm phòng Covid-19 số 1 Huyền Trân Công Chúa. Sáng 13/8, UBND Quận 1 tổ chức tiêm vaccine AstraZeneca cho người dân, nhưng đến 9 giờ thì hết vaccine này và Quận có tổ chức tuyên truyền người dân tiêm vaccine Sinopharm thì có một số người phản ứng và bỏ về như clip. Tuy nhiên, Quận vẫn tiếp tục tổ chức tiêm Sinopharm cho 52 người dân tại điểm này và trong chiều 13/8 Quận vẫn tiếp tục tiêm vaccine Sinopharm cho người dân tại đây”(trích Thông tin Đảng bộ Thành phố).

Phần lớn người dân không chấp nhận chích thuốc này dù báo chí, truyền thông và nhiều chỉ thị của nhà nước khuyến khích sử dụng thuốc này khi tình hình thiếu vaccine đang diễn ra ở thành phố. Người dân có quyền chọn lựa và họ đã lựa chọn bằng cách thà không chích chứ không chích thuốc Tàu.

Việc này cũng khiến cho thành phố lâm vào tình thế khó xử. Không tiêm chủng đủ cho dân thì không thể ngăn chận được dịch. Mà chích thì dân không đồng tình với thuốc. Tình hình này, giãn cách chắc còn phải kéo dài và thành phố lại lâm vào bế tắc trong các phương án giảm dịch. Con số người nhiễm ở thành phố đang nằm ngang, con số tử vong vẫn còn tăng cao, không biết sắp tới, lãnh đạo thành phố và trung ương có biện pháp nào mới không? Chứ như thế này, xin nói thật, người dân đã ngán lắm rồi, đã hết chịu nổi rồi.

Nhất là những người nghèo và nhân dân lao động. Hôm nay 13, thứ sáu, tháng bảy Âm hồn, mùa dịch thứ tư, không biết cuối ngày, có những báo hiệu gì khả quan không chứ lòng tin đã bắt đầu giảm và nỗi đau về một thành phố trong cơn đại dịch đã trở thành vết thương khá lớn trong lòng của mỗi người rồi.

13.8.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BA MƯƠI BẢY

Từ hôm qua đến giờ, người Sài Gòn lại chộn rộn cái vụ chích ngừa vaccine. Trên mạng đưa nhiều hình ảnh dân không đồng tình chích thuốc Sinopharm của Tàu. Có hình nói ở quận 7, có cái ở quận 12 và một clip quay ở quận 1. Báo chí đưa tin hình ảnh với những hàng ghế trống không ở quận 7 và 12 là tin giả. Clip ở quận 1 thì rõ ràng khó phủ nhận được nên thông tin cho biết đó là cảnh tiêm chủng ở số 1 đường Huyền Trân Công Chúa. Theo báo đăng ngày 13/8, TP tổ chức tiêm 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm, tuy nhiên đã có một số người dân phản ứng bằng việc bỏ về không tiêm, trong khi không ít người dân đã đồng ý tiêm. Cũng theo lời giải thích của lãnh đạo Quận 1 xác định có xảy ra sự việc trên tại điểm tiêm phòng virus. Theo đó, UBND Quận 1 tổ chức tiêm vaccine AstraZeneca cho người dân, nhưng đến 9 giờ thì hết vaccine này và quận có tổ chức tuyên truyền người dân tiêm vaccine Sinopharm nhưng có một số người phản ứng và bỏ về như clip đã ghi nhận. Tuy nhiên, Quận vẫn tiếp tục tổ chức tiêm Sinopharm cho 52 người dân tại điểm này và trong chiều 13.8 Quận vẫn tiếp tục tiêm vaccine Sinopharm cho người dân tại đây.

Việc xuất hiện thuốc Sinopharm ở các điểm tiêm chủng ngày 13.8 làm cho nhiều người dân được có tên trong danh sách tiêm chủng bất ngờ và phản ứng. Bởi trước đó, thành phố chỉ chích Moderna cho người trên 65 tuổi và Astra Zeneca cho thành phần còn lại. Đồng thời xuất hiện trên mạng một Bảng cấp vaccine cho các quận huyện ký ngày 12.8. Trong đó có 44.000 liều vaccine Sinopharm chia đều cho tất cả quận huyện trong thành phố ngoại trừ quận Phú Nhuận, quận 5 và quận 11. Nhiều người thắc mắc về việc vắng mặt 3 quận này. Có người còn suy diễn tại sao vaccine của Tàu mà lại không phân phối chích cho quận 5 và 11, nơi có nhiều người Hoa sinh sống nhất? Và họ cho rằng vaccine của TQ có vấn đề nên không chích cho người Hoa là đồng bào của họ. Thực chất là quận 11 đã hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng hơn 75%, là đơn vị đầu tiên đạt chỉ tiêu tiêm chích vaccine. Quận Phú Nhuận đạt 85% và quận 5 cũng gần 75%, đã đạt yêu cầu cho nên không được phân bổ vaccine nữa chứ chẳng hề có chuyện ưu tiên hay phân biệt gì ở đây cả.

Theo báo cáo của thành phố, hiện nay lượng vaccine đang thiếu mà việc ngăn chận cơn đại dịch đang gần như đang ở điểm quan trọng và chỉ có vaccine mới là biện pháp hữu hiệu nhất. Và vì lý do đó vaccine Sinopharm được đem ra sử dụng dù trước đây thành phố còn chưa quyết và đợi sự thẩm định của Bộ Y tế.

Hôm nay, Thêm một triệu liều vaccine Vero Cell về đến TP.HCM. Lô vaccine này nằm trong 5 triệu liều được Công ty Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu với sự cấp phép của Bộ Y tế. Trước đó, ngày 31.7, khoảng 1 triệu vaccine Vero Cell cũng đã về đến TP.HCM. Ngày 10.8, Bộ Y tế có văn bản đồng ý cho thành phố sử dụng một triệu liều vaccine này.

Theo đó tính đến thời điểm này đã có 2 triệu liều vaccine Vero Cell trong tổng số 5 triệu liều trên về đến Việt Nam.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 13.8, thành phố đã tiêm vaccine cho 93.993 người. Trong đó, 17.916 liều vaccine Vero Cell của Sinopharm đã được tiêm.

Như vậy, để có độ bao phủ vaccine và có miễn dịch cộng đồng, thành phố chấp nhận sử dụng số vaccine này. Tuy nhiên, theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, người dân có quyền chọn lựa vaccine để tiêm. Ông cho rằng: ”Việc này cần phải rút kinh nghiệm và cần thông tin trước loại vaccine, nếu người dân đồng ý thì đến tiêm”. Ông cũng nhấn mạnh: ”Thời gian qua, TP đã tiêm nhiều loại vaccine nhưng đó là từ nguồn hỗ trợ, phân bổ bao nhiêu TP tiêm bấy nhiêu chứ TP không lựa chọn. TP không có nhiều sự lựa chọn trong lúc này, khi tìm mua và đã tiếp cận rất nhiều nguồn, nhưng nguồn cung hiện nay rất hạn chế.”

Người dân rất mong được tiêm chủng, nhưng người dân cũng rất đắn đo và băn khoăn trước vaccine Sinopharm. Dân Việt vốn không tin hàng Tàu, dân Việt cũng mang trong lòng ác cảm với Tàu, dịch virus Vũ Hán lại xuất phát từ Tàu cộng thêm những tư liệu khoa học về vaccine này còn quá tù mù nên dân chưa tin tưởng. Lại thêm, trước đây báo chí chính thống Việt Nam có quá nhiều bài viết về vaccine Sinopharm không hiệu quả bằng các bằng chứng ở các nước quanh ta như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và nhiều nước khác. Chính những yếu tố đó khiến cho dân hoài nghi và ngại ngần khi tiêm chủng thuốc Sinopharm. Việc nghi ngờ và quyền chọn lựa là quyền của mọi người. Vì đó gắn liền với sinh mạng của họ. Tuy nhiên, trong thời điểm này, theo như nội dung cái gọi là Phiếu đăng ký tham gia tiêm chủng gởi đến cho mọi nhà thì có ghi câu: Sau khi đã đọc các thông tin nêu trên, tôi đã hiểu về các nguy cơ và: Đồng ý tiêm chủng vaccine Sinopharm. Và mục thứ hai là: Không đồng ý tiêm chủng. Như thế nếu muốn tiêm thì chỉ có Sinopharm, còn không tức là không đồng ý tiêm chủng nói chung, không cụ thể loại vaccine nào. Gài chữ nghĩa như thế thì chỉ có chọn lựa có chích Sinopharm hoặc không tiêm chích gì nữa cả. Trong hoàn cảnh như thế, để giữ tính mạng khi cơn dịch đang cướp đi bao nhiêu sinh mạng thì đành chích thôi. Cho nên bảo chọn lựa nhưng thực chất chỉ có một con đường. Có lẽ sai lầm đầu tiên là thành phố chấp nhận Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tài trợ lô hàng này. Đây là tập đoàn có gắn bó mật thiết làm ăn với Trung Quốc, họ lại vốn là người gốc Hoa đương nhiên họ mua hàng Tàu là phải rồi. Họ mua nhưng họ không cho nhân viên xài mà sử dụng Astra Zeneca. Đúng ra thành phố ghi nhận sự hỗ trợ của họ nhưng đề nghị không sử dụng thuốc Tàu ngay từ đầu, được thế giờ đã êm rồi.

Giữa lúc còn băn khoăn giữa hai dòng nước, người ta lại đọc được tin trên tờ Thể Thao & Văn Hóa ngày 13.8: MỘT DOANH NGHIỆP TỰ MUA 5 TRIỆU LIỀU VACCINE MODERNA TIÊM CHO NHÂN VIÊN VÀ HỖ TRỢ TP.HCM. Theo báo này, số vaccine Moderna sẽ được doanh nghiệp tiêm cho nhân viên của mình trước, sau đó sẽ hỗ trợ TP.HCM tiêm chủng cho các đối tượng khác thuộc diện ưu tiên.

Cũng theo Vietnamnet, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM ngày 13.8, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết, một doanh nghiệp trên địa bàn đã đứng ra đàm phán nhập khẩu 5 triệu liều vaccine Moderna để tiêm cho nhân viên.

Ông Đức nhận định đây là mô hình phi lợi nhuận, hợp tác công tư với sự đóng góp của doanh nghiệp để đảm bảo đủ vaccine cho nhân viên của mình trước. Sau khi hoàn thành, phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêm cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn.

Tất cả những người đăng kí tiêm vaccine sẽ được miễn hoàn toàn chi phí. Nếu đóng góp của doanh nghiệp vượt quá số kinh phí gồm giá mua, chi phí vận hành, tổ chức tiêm…thì số dư ra sẽ được tích lũy vào quỹ vaccine của thành phố để tiếp tục mua vaccine cho mọi người.

Nếu số vaccine này được về thành phố sớm, dân sẽ bớt âu lo khi phải chọn lựa vaccine để tiêm. Cũng mong điều này sẽ đến để việc chủng ngừa sớm đạt chỉ tiêu ở thành phố và cơn đại dịch sớm qua đi chứ giờ đã oải quá rồi.

Trước tình hình xuất hiện vaccine Sinopharm và trong tương lai còn mấy triệu liều nữa sắp về tới nơi. Phong phanh có tin sẽ chích dịch vụ. Tức là người dân được chọn lựa đơn vị, loại thuốc để tiêm chủng theo yêu cầu và sẽ trả tiền. Đó cũng là một giải pháp tốt. Những người có điều kiện nhưng không muốn chích thuốc mà mình không ưa, họ có thể tốn tiền để đạt yêu cầu của mình. Được như thế, chỉ tiêu tiêm chủng sớm hoàn thành và cũng bớt được phần nào bức xúc của dân. Chỉ có điều tội cho người nghèo, không tiền đành chấp nhận có gì xài đó, cho gì ăn nấy, có thuốc gì đành xài thuốc đấy, khỏi phải chọn lựa. Đời thế thôi, làm người nghèo thì phải chấp nhận thế rồi. Sài Gòn vẫn là những ngày buồn. Trên face càng ngày càng nhiều avatar là một khung đen báo tang. Mỗi ngày gần 300 mạng người, những người quen và không quen đều trở về trong hũ cốt. Đã vào tháng bảy, tháng xá tội vong nhân, Vu Lan năm nay có thêm nhiều người cài hoa trắng.

14.8.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BA MƯƠI TÁM

Ngày hôm qua, Sài Gòn có nhiều biến động. Trước hết là tình trạng ùn tắc diễn ra ở nhiều đường trong thành phố. Xuất phát từ việc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã đưa vào thí điểm việc sử dụng ứng dụng khai báo y tế, quản lý di biến động công dân vùng dịch và quản lý tiêm vaccine trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Được gọi tên là DI BIẾN ĐỘNG DÂN CƯ. Theo chương trình này, người dân sẽ khai báo quá trình di chuyển của mình qua một hệ thống có mã code. Hệ thống sẽ lưu lại thông tin và tiến hành xác thực thông tin công dân qua kết nối với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hàng ngày, cán bộ công an được giao trách nhiệm thực hiện thống kê, báo cáo tình hình công dân ra/vào vùng dịch; truy vết đối với người nghi vấn F0, F1, F2 khi cần thiết. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch trên cả nước, việc quản lý di biến động, khai báo y tế của người dân và quản lý tiêm chủng vaccine đặt ra rất cấp bách. Tuy nhiên khi thực hiện lại gặp nhiều trở ngại. Trước hết là gây ùn tắc ở các giao lộ và tình trạng đó đã diễn ra từ hôm qua và tiếp tục sáng hôm nay. Có cần phải thực hiện gấp rút việc này không khi con số tử vong còn cao vùn vụt, khi tình trạng lây nhiễm lúc nào cũng dính vào người, khi cái chết luẩn quẩn khắp nơi?

Giá như thành phố yêu cầu từng địa phương phát giấy khai báo hoặc hướng dẫn cho mọi người thực hiện tại nhà cách đấy vài hôm, chắc là việc ùn ứ sẽ bớt đi nhiều vừa khổ cho dân mà cũng tội cho những lực lượng thi hành. Để có mã code, người dân sẽ phải qua 5 bước thực hiện, không phải ai cũng đủ kiến thức để tự thực hiện và cũng không phải ai cũng có điện thoại để làm cho mình một cái mã code. Mã QR code lại chỉ có giá trị sử dụng trong 72 giờ. Như vậy muốn di chuyển có lý do người ta phải cập nhật liên tục để có mã mới. Từ đó sinh ra nhiều rối rắm. Trong thời giãn cách, số người nhiễm bệnh chưa giảm được bao nhiêu, con virus biến thể Delta gây nhiễm rất lẹ mà tập trung kiểu này thì thua mất. Thiết nghĩ trong tình hình dàu sôi lửa bỏng thế này, càng đơn giản thủ tục thì càng tốt và có lợi cho việc kềm chế dịch bệnh.

Sáng 15.8, khoảng 8 giờ 10 phút, người dân tập trung quá đông trước chốt nội thành TP.HCM chờ khai báo ‘di biến động dân cư’ nên chốt Gò Vấp tạm xả để các xe qua lại. Ngay sau đó, chốt kiểm tra lại bình thường. Hầu hết người dân đều tỏ ra lúng túng trước việc khai báo theo hình thức mới dẫn đến ùn ứ, tập trung đông tại các chốt kiểm soát.

Theo lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch, hiện nay thành phố vẫn đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội nhưng không hiểu sao người dân vẫn ra đường quá nhiều.

Hầu hết người dân qua chốt đều có các lý do như vận chuyển hàng hoá, đi khám bệnh, đi tiêm vaccine, đi mua nhu yếu phẩm… Ngoài ra, còn có những người đi giao nước, giao gas khiến lưu lượng xe trên đường vẫn còn quá đông đúc.

Việc tập trung thế này quá nguy hiểm. Ngày hôm qua đã diễn ra, hôm nay lại tái diễn. Hi vọng thành phố sẽ có phương cách khác hơn chứ cứ như thế này thì những nỗ lực mấy tháng nay để ngăn chận dịch sẽ dễ thành công cốc.

Nhiều người hỏi tôi về nghĩa của cái cụm từ mới này, tôi cũng chịu vì cụm từ này không có trong ngôn ngữ sử dụng hàng ngày từ trước đến nay, cũng chẳng tìm thấy trong từ điển. Nó là một nhóm từ chắp vá gây khó hiểu cho người nghe và toàn chữ Hán. Sao không gọi là “Theo dõi sự di chuyển dân cư” mà phải dùng cái tên hắc búa thế nhỉ? Một cụm từ rất Tàu. Hay là cái app này của anh Hai môi hở răng lạnh?

Ngay khi thành phố thông báo chủ trương tiếp tục giãn cách cho đến 15.9, đã tái xuất hiện nhiều người dân mang theo hành lý chạy xe máy về quê. Khi qua các chốt, lực lượng chức năng đều yêu cầu người dân quay lại. Họ tụ tập cầu vượt Sóng Thần, ở quốc lộ 1 đoạn ở phường An Bình, TP Dĩ An (Bình Dương). Còn tại chân cầu vượt Linh Xuân, cả trăm người dân mang theo hành lý đứng thành đoàn. Lý do trước đây họ chưa quyết định về quê vì hi vọng tình hình sẽ khá hơn, giãn cách sẽ được bãi bỏ, họ sẽ tiếp tục có công ăn việc làm. Giờ đây hi vọng đó đã tiêu tan khi thành phố tiếp tục giãn cách. Cái đói đã xuất hiện, chút tiền tiết kiệm cũng không còn, không tiền đóng tiền trọ, họ sẽ phải ra lề đường, vỉa hè để sống. Họ sợ không được tiêm chủng, sợ lây bệnh, sợ không có bệnh viện nào nhận, họ sợ trở thành tro khi chết, họ sợ đủ thứ nên họ đành quay về nhà. Không còn cách chọn lựa nào khác là đành phải quy hương dù họ biết đường trở về nhà còn nhiều gian nan và bế tắc đang chực chờ phía trước. Nhà nước bắt quay đầu xe cũng có cái lý của họ, nhưng nhà nước lại không cho thấy một chính sách hỗ trợ cụ thể để họ có thể tin tưởng mà nằm lại chờ đợi. Đi không được, ở không xong, chẳng biết tương lai của họ sẽ thế nào. Không lẽ cứ mãi hàng ngày xếp hàng chờ những hộp cơm từ thiện?

Thành phố bắt đầu giãn cách nghiêm ngặt từ 9.7. Đã gần hai tháng trôi qua rồi, số người bệnh không giảm bao nhiêu, số tử vong vẫn còn cao. Bộ Y tế lần đầu tiên nhận định rằng số ca nhiễm tại thành phố có thể cao hơn mức ghi nhận gấp 4-5 lần. Và như thế con số tử vong cũng có thể cao hơn con số đã công bố hàng ngày. Mở facebook, người ta sẽ thấy nhiều khung avatar đen, nhiều lời chia buồn, nhiều hũ cốt xếp hàng. Sáng nay vừa được tin một giảng viên thanh nhạc, một ca sĩ lão thành vừa ra đi sau những ngày chiến đấu với virus. Hôm qua là một nhà báo mới 28 tuổi. Trước nữa là một bác sĩ tình nguyện viên và chàng ca sĩ trẻ. Cũng theo báo, đã có 900 nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm virus. Toàn những hình ảnh, tin tức và con số buồn lo.

Và như thế chứng tỏ biện pháp giãn cách, hạn chế lưu thông hình như không hiệu quả mà lại gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Mong nhà nước và lãnh đạo thành phố sớm tìm ra một giải pháp thiết thực và có tác dụng hơn trong việc kềm chế dịch bệnh đồng thời giúp người dân có sinh hoạt tiện lợi hơn. Mọi người tin vào vaccine, trông chờ vaccine. Thành phố đã nỗ lực hết sức và đã có 3 quận hoàn thành chỉ tiêu là Phú Nhuận 94%, Quận 11 được 92% và Quận 5 cũng được 91% trên dân số. Nhưng bây giờ lại thiếu vaccine, chỉ còn Sinopharm của Tàu. Nhiều người dù cũng còn băn khoăn và nghi ngại nhưng đành chấp nhận tiêm chủng hi vọng thoát được con virus này. Chìa tay chích mà lòng cũng bất an.

Trong cuộc chiến đấu với con virus độc ác này, đã có nhiều cán bộ y tế hi sinh. Họ chiến đấu trong thầm lặng và ra đi trong thầm lặng. Lãnh đạo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, trường hợp y, bác sĩ tham gia các hoạt động phòng, chống dịch mà bị nhiễm bệnh dẫn tới hy sinh có thể được xem xét công nhận là liệt sĩ. Sao lại là có thể mà phải là đương nhiên được công nhận là liệt sĩ. Bởi họ cũng là chiến sĩ. Tại sao một chiến sĩ công an chết khi đang truy đuổi một người vi phạm giãn cách liền được phong ngay liệt sĩ mà y, bác sĩ tử vong vì ở tuyến đầu lại chỉ là có thể. Không hợp lý, hợp tình chút nào. Làm ơn bỏ chữ có thể trong văn bản đấy đi.

Những cảnh bi thương vẫn còn đó, những bệnh viện nghẹt người vẫn còn đó, những người bệnh cũng vẫn còn mong có được một hơi thở và những con số vẫn còn đầy ám ảnh. Hiện thành phố chưa công bố số liệu về tổng số ca tử vong kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, qua tổng hợp số liệu được công bố mỗi ngày cho thấy hôm 11.8 có 225 ca, đến 12.8 ghi nhận 223 ca, sang ngày 13.8 là 285 ca. Dù các bệnh viện, Trung tâm Hồi sức đang nỗ lực điều trị nhưng thực tế bệnh nhân tử vong vẫn tăng và duy trì ở mức cao.

Đôi khi tìm xem anh chàng đi phát bánh, tặng khẩu trang cho người ở vỉa hè với lối nói hoạt kê, với nụ cười niềm nở, với tấm lòng rất đẹp của anh để tạm quên những nỗi đau của một Sài Gòn trong cơn bệnh nặng.

Trong khi cả nước đang nỗ lực chống dịch và toàn dân đang khổ nạn vì dịch thì ngoài khơi hàng trăm tàu cá Trung Quốc chuẩn bị kéo xuống Biển Đông, vùng nước mà Bắc Kinh đơn phương thừa nhận chủ quyền trái phép. Nhiều tờ báo của nhà nước ta dẫn nguồn từ Nhật báo Tam Á đưa tin ngày 13.8 nhiều tàu cá của Tàu đang ồ ạt kéo xuống biển Đông và cho biết thêm, có hơn 400 tàu cá đã neo đậu ở phía nam thành phố Tam Á của đảo Hải Nam để chờ hết lệnh cấm đánh bắt kéo dài 3 tháng rưỡi. Dịch chưa yên biển cũng đang bị đe doạ, tham vọng của lũ cướp không bao giờ chấm dứt.

Lại thêm một tháng nữa đợi chờ và hi vọng. Thêm một tháng nữa tiếp tục chứng kiến nhiều sinh mạng ra đi. Thêm một tháng nữa bị trừ đi trong quãng đời ngắn ngủi còn lại của tuổi già. Con virus vẫn còn đó, nó tồn tại trong đời sống của chúng ta dù có thể trong tương lai, mọi người có thể ngăn chận được đại dịch. Con người vẫn tiếp tục sống trong âu lo. Người lạc quan cách mấy cũng khó mà không lo lắng. Thế giới vẫn hỗn loạn với những tin tức, những quan điểm khoa học trái ngược nhau về virus, về vaccine. Sau đại dịch người ta sẽ có cách sống khác, suy nghĩ khác. Và có lẽ định nghĩa hạnh phúc chắc cũng phải thay đổi.

15.8.2021

(Còn tiếp)

Comments are closed.