Nhật ký Sài Gòn lockdown (kỳ 3)

Đỗ Duy Ngọc

395505594_10159909216238635_1681292513706451678_n

 

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ TÁM TOÀN CHUYỆN KHÔNG VUI

Sáng vừa thức dậy đọc tin bạn Nguyễn Thanh Hương tức Hoạ sĩ Lê Thánh Thư vừa mới qua đời lúc 2:00 hôm nay 16.7.2021 vì vướng virus Vũ Hán. Lại biết cậu em nhà báo dính virus vẫn phải tiếp tục thở máy tại phòng chăm sóc đặc biệt BV Chợ Rẫy. Còn thở máy là còn lo. Tin trên báo thành phố số người nhiễm bệnh vẫn tăng cao, không thấy dấu hiệu giảm. Phó chủ tịch thành phố lại tuyên bố trong tuần tới con số nhiễm sẽ lên đến 9.000 người. Chỗ nào chứa hết đây? Rồi máy thở, bác sĩ, y tá đâu mà phục vụ, chăm sóc và điều trị. Hôm trước nghe tin thành phố cho phép chuyển đổi khu nội trú BV Ung Bướu vừa mới xây xong thành trung tâm chữa trị bệnh nhân virus Vũ Hán với 1.000 giường. Chưa kịp mừng đã thấy như muối bỏ biển. Hai, ba ngàn ca một ngày rồi sẽ đến con số chục ngàn như ước đoán sẽ đưa đến tình trạng quá tải, đáng lo chứ! Cũng hôm qua, báo chí đưa tin số ca tử vong ở thành phố lên đến 140 người, lâu nay chỉ quanh quẩn ba, bốn chục. Đùng một phát lên đến 140. Hoá ra lâu nay là con số giả. Con số tử vong mới nói lên thực trạng. Con số người nhiễm dù tăng cao cũng đáng lo nhưng không lo bằng con số tử vong. Chính con số tử vong cho thấy tình trạng dịch bệnh của thành phố như thế nào. Đồng thời cũng qua con số đó, người ta có thể hình dung sự bế tắc, thiếu trang thiết bị y tế của thành phố ra làm sao? Khi người bệnh trở nặng, máy thở là một trong những máy móc cần thiết để duy trì và giúp sự sống của bệnh nhân được kéo dài và thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Bệnh nhân người Anh ngày trước đã nhờ nó mà thoát chết. Giờ đây, số người mắc bệnh đông như thế, chắc chắn sẽ không có đủ máy cho mọi người. Và sẽ xảy ra tình trạng như đã từng xảy ra ở Mỹ, ở Châu Âu trước đây và Ấn Độ gần đây. Là buộc bác sĩ phải chọn lựa đành cho ai ra đi và dành máy thở cho ai để được sống? Hôm qua cũng theo tin trên báo, tình trạng khan hiếm và tăng giá thực phẩm đã xuất hiện tại nhiều nơi. Nhiều gia đình có bà con, cha mẹ, anh em ở các vùng dịch chưa căng thẳng đã cố gắng đóng gói hàng hoá gởi cho người thân ở Sài Gòn cầm cự. Thế nhưng xe không được vào thành phố, hàng hoá bị dở xuống phơi nắng mưa.

Một cô em là MC của đài truyền hình được người nhà từ Ninh Thuận gởi vào 6 thùng thực phẩm cũng bị cùng chung số phận. Hôm nay cô ấy đi lãnh thì thấy hàng chất đống giữa trời, mưa ướt nhem, thùng giấy rách tơi tả, trứng bị bể tung toé. Người nhận hàng tự đi tìm hàng của mình mà chở về, chẳng có ai đứng ra chịu trách nhiệm cả. Cũng hôm nay qua tin nhắn của nhiều người bạn, khu vực của các bạn ấy đã bị giăng dây, quăng dây thép. Trước đây thành phố đã có gần 800 khu bị phong toả, giờ là bao nhiêu? Sài Gòn đầy lô cốt. Sài Gòn giống như thời Tết Mậu Thân, chỉ thiếu tiếng súng nổ và lửa cháy. Cũng lại vừa nhận được thông báo của chính quyền Bình Thuận ra lệnh tuyệt đối không cho phép người đến, người về từ các thành phố bị giãn cách vào thành phố kể từ 0:00 ngày 16.7.2021. Y chang xứ Huế thời gian trước vậy. Dịch bệnh cũng đáng sợ nhưng cách xử sự giữa người với người trong mùa dịch bệnh đôi lúc lại đáng sợ hơn nhiều.

Cũng sáng nay được tin quận đang lên danh sách những người trên 65 tuổi để chích ngừa, phường 8 của tui chẳng thấy động tĩnh gì. Lại lo không biết sẽ chích loại nào đây. Nga, Tàu, Mỹ hay Nhật? Thôi thì cứ chờ thôi, chẳng đi đâu mà vội. Lại cũng tin từ báo, ACV và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tổ chức xét nghiệm ngay tại khu vực nhà ga đi quốc nội cho các hành khách và nhân viên hàng không. Giá xét nghiệm tại sân bay Tân Sơn Nhất: test nhanh (bộ KIT của ABBOTT – Mỹ): 540.000 đồng/mẫu/người; Realtime RT-PCR: 1,69 triệu đồng/mẫu/ người; Realtime RT-PCR mẫu gộp 5 người: 3,95 triệu đồng/ mẫu gộp 5 người. Chi phí này bao gồm lấy mẫu và trả kết quả tại sân bay. Đây là công ty tư nhân kết hợp với cơ sở nhà nước nhé! Hoá ra người ta bảo làm giàu không khó có lẽ đúng đấy chứ!

Sẽ còn giãn cách bao nhiêu ngày nữa, sẽ còn bao thông tư, thông báo, chỉ thị nữa. Sẽ còn bao khu phố phong toả giăng dây nữa?

Sẽ có bao nhiêu người chết nữa? Một buổi sáng mở đầu một ngày mà chẳng có tin nào vui. Sài Gòn lockdown ngày thứ tám.

16.7.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ CHÍN NHỮNG TẤM LÒNG

Đã qua ngày thứ chín, Sài Gòn trong tình trạng phong toả. Biết bao chuyện bi hài kịch diễn ra, biết bao nước mắt nhưng cũng không thiếu niềm vui từ những tấm lòng của người đến với người trong cơn hoạn nạn. Sáng nay nhận được một tấm ảnh ghi lại những xác chết vì dịch được bó kín lại trước khi đem thiêu. Tấm ảnh gợi lại cảnh bi thảm ở Ấn Độ, ở Indonesia, ở Philipines… một bức ảnh đầy ám ảnh mà tôi cố quên đi như cố quên những con số người nhiễm bệnh và tử vong ở Sài Gòn trong tuần lễ vừa qua. Tôi tìm đọc những tấm lòng thiện nguyện, những nhà hảo tâm đang miệt mài tìm kiếm nguồn thực phẩm cho dân nghèo. Họ gặp không biết bao khó khăn và trở ngại, họ đụng rất nhiều cản trở nhưng họ vẫn thực hiện công việc bằng tấm lòng vì đồng bào.

Một cô gái tôi thường xem như con gái của mình xông pha, điều động, liên hệ mọi nơi để có gạo, có rau cho người thiếu thốn. Thức đêm, dậy sớm, quên ăn quên ngủ để có nguồn thực phẩm. Thấy thương lắm mà tôi không nhắn tin, không điện thoại cho cô ấy vì để cho cô không bị phân tán công việc. Chú viết mấy dòng ở đây như lời tán dương con và mong con giữ sức khoẻ. Hết dịch rồi chú cháu mình lại đi ăn Phở Dậu nha con Uyen Phung.

Một chị tourguide thất nghiệp đã lâu vì dịch, giờ đứng ra hô hào mọi người chung tay mua quạt máy, xe đẩy, vitamine C, dầu gió, bình nấu nước, lọc nước, ghế ngồi cho những người đang bị cách ly tập trung thiếu thốn mọi phương tiện sinh hoạt. Cảm động lắm, cả nhà chung tay vào, nhiều bạn bè góp sức vào, quên cả giờ cơm, lúc cần là có mặt. Cám ơn cô hướng dẫn viên du lịch thất nghiệp nhưng đầy lòng nhân ái.

Một anh đã từng là nhà thơ, thường xưng là kẻ chăn bò, cũng làm nghề mua bán online để sống. Khi được tin có một chiếc xe tải chạy không đang trên đường từ Bảo Lộc về Sài Gòn đã liên lạc với người quen, bạn bè chuyển về được hàng tấn rau củ ủng hộ cho bà con.

Cũng không quên anh chàng Minh râu xăm trổ đầy người, ăn nói bặm trợn hàng ngày đổ hàng đống rau, củ với tấm bảng viết nguệch ngoạc: ”Bầu miễn phí, mỗi người 1-2 trái, trái to thì lấy 1 trái. Trái bự thì lấy 2 trái đủ ăn” hay: ”Lấy đủ ăn, mai có tiếp, trừ không say hoặc mệt”. “Bó rau 5000 đồng, ai mua thì bán, ai sin thì cho” cái lỗi chính tả của chữ sin sao mà đáng yêu đến thế! Những dòng chữ không hoa hoè, hoa sói, không khẩu hiệu, quyết tâm mà đọc thấy thương lạ lùng. Khi nhiều người bảo anh đây là dịp kiếm tiền, anh khẳng khái bảo: ”Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này”. Đúng cái giọng, cái chất của anh Hai Sài Gòn.

Hay tấm bìa với dòng chữ viết vội bằng bút bi: “Cần cứ lấy, mỗi người một túi. Gạo, một túi 5kg”. Những dòng chữ đầy tình người. Và còn biết bao hình ảnh đẹp nữa không kể hết ra đây.

Một cặp vợ chồng ở Gò Vấp mỗi ngày nấu cả ngàn hộp cháo thịt mang đến những khu cách ly, phong tỏa sau hàng kẽm gai cho các em bé. Anh bảo người lớn cần cơm nhưng trẻ còn nhỏ cần cháo, sữa. Chu đáo, tận tuỵ đến thế mà không hoan hô, không cảm động sao được.

Mấy ngày phong toả, vì tuổi đã lớn, tôi không dám đi đâu. Nằm nhà tôi đọc nhiều báo, ghi nhận nhiều tin từ facebook, từ những trang mạng xã hội, từ youtube và thấy rằng có nhiều tấm lòng của người Sài Gòn đã rộng mở đến với người nghèo. Họ âm thầm làm,họ lặng lẽ làm, không dao to búa lớn, không kể lể, ban ơn. Họ chia sẻ thầm lặng.

Sài Gòn nhiều cao ốc, nhiều biệt thự, nhiều đại gia với hột xoàn cả ký, đất đai mênh mông, xe hơi hàng chục tỷ. Sài Gòn là nơi khoe thời trang, khoe vàng bạc, khoe giàu sang và lắm kẻ tự hào về gia thế của mình. Nhưng Sài Gòn còn có những con hẻm lầy lội, những mái nhà xơ xác, những dãy nhà trọ nóng như lò bánh mì, những mái lều tranh trong ngõ cụt và ở đó có rất nhiều người lao động, người nhập cư đi thu gom phế liệu, người bán vé số, người thợ hồ tay làm hàm nhai, người công nhân tha hương kiếm sống, người buôn gánh bán bưng kiếm từng đồng bạc lẻ. Ở đó cũng có những người già yếu, bệnh tật nằm chờ con cháu đem về miếng cơm, tấm bánh. Ở đó cũng có những em bé mới lớn, những chàng trai cô gái mồ côi sống bám vỉa hè, gầm cầu…. Giờ đây, tất cả không được ra đường, thành phố phong toả. Tiền hết, gạo hết, rau hết. Tiền trợ cấp của chính phủ chưa tới tay, nếu không có những tấm lòng nhân ái đó, chắc con số người chết vì đói cũng không kém người tử vong vì dịch. Nhiều, rất nhiều tổ chức, những nhà hảo tâm đã đến với họ dù gặp rất nhiều trở ngại. Và họ có được hộp cơm, bó rau, quả trứng, gói mì qua bữa. Những tấm lòng biết chia sẻ đó thật đáng trân trọng biết bao và nhiều không kể hết ở thành phố này. Nhà nước cấm mua bán và nhà nước cũng rất quyết liệt đến độ hùng hổ bạo lực với những người mua bán nhỏ lẻ từ căn nhà, góc phố của mình. Nếu họ đã dư của ăn, họ sẽ không phải lấm lét, lén lút như thế. Ta có lệnh, vi phạm xử theo lệnh, nhưng giữa cơn hoạn nạn thế này, cái lý, cái tình đôi khi phải cùng đi với nhau, được thế dẹp lòng cả đôi bên thay vì nguyên tắc quá, mạnh bạo quá và tìm đủ mọi cách để phạt tiền. Nhà nước giao chuyện mua bán trong thời phong toả cho các siêu thị và luôn luôn cho rằng giá cả bình ổn và hàng không thiếu. Xin đề nghị lãnh đạo hãy đến các siêu thị, nhất là các cửa hàng Bách hoá xanh với tư cách là người đi mua hàng chứ không phải lãnh đạo đi thị sát. Quý vị sẽ biết sự thật và biết rõ hàng hoá đã bị tăng giá như thế nào. Ngày 14.7. báo Tuổi Trẻ ghi nhận giá của Bách hóa xanh là rau muống hạt baby tươi bán ra hơn 50.000 đồng/kg; xà lách búp mỡ 40.000 đồng/kg, bông cải xanh 60.000 đồng/kg… Trong khi đó Big C chủ là người Thái Lan, bán bí 17.900 đồng/kg. Bách hóa xanh chủ là người Việt bán cho người Việt 55.000 đồng/ kg. Khốn nạn chưa?

Một anh bán rau xăm trổ, một cô gái yếu đuối, một chị nhân viên công ty du lịch, một nhà thơ cá tính và hàng trăm, hàng nghìn người ở đất Sài Gòn đang tìm mọi cách đến với dân nghèo. Trong khi đó, một siêu thị lớn, một chuỗi Bách hoá xanh của một đại gia bán lẻ chắc hẳn là giàu, rất giàu nữa là khác, làm chủ cả một chuỗi siêu thị kia mà, lại thừa cơ bóp họng, vét những đồng bạc cuối cùng trong túi dân. Làm người ai lại làm thế!

Rồi ông chủ lên báo phân bua, càng nói người ta càng giận. Rồi thành phố cử đoàn xuống thanh tra, đoàn vào lượn một vòng rồi đưa ra kết luận là không thấy tăng giá. Trò hề cả. Người mua hàng còn hoá đơn đây, các vị cứ xem cho rõ, so sánh cho kỹ rồi kết luận nhé. Có lời nói riêng với ông chủ siêu thị đó, thu vào những đồng tiền nâng giá, đầu cơ đó có thể ông sẽ giàu thêm một chút nhờ lợi dụng thời cơ. Nhưng rồi ông có sống mãi trên thế gian này không? Khi ra đi ông có mang được những đồng tiền tanh hôi đầy nguyền rủa đó qua bên kia thế giới chăng? Con vật còn xót xa trước hoàn cảnh của đồng loại, sao con người lại tàn nhẫn thế? Hôm nay, khớp cổ tay lại sưng, đau lắm, lại là tay phải. Viết theo kiểu mổ cò bằng ngón tay trái, chậm rì. Định chỉ viết vài dòng để tri ân, để cám ơn những tấm lòng. Ai dè lại nhiều chuyện quá.

17.7.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ MƯỜI

Hôm nay là ngày thứ 10 Sài Gòn bị phong toả. Ngày nay tui làm được một chuyện thấy khoái trong bụng quá chừng là hoàn tất được một truyện ngắn đã viết dang dở mấy năm nay. Đó là truyện NGƯỜI ĐI TRÊN TRỜI. Nhà có sâm banh mà thời dịch vật bạn bè đâu mà cho nổ, đành uống nước sả chanh gừng vậy. Chuyện dịch cúm Tàu thì còn nhiều mà hôm nay mổ cò nhiều quá, đầu hết chữ, tay mỏi rồi. Xin hẹn ngày mai vậy.

18.7.2021

SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ MƯỜI MỘT

Đã mười một ngày và với tình hình này, số ngày phong toả chắc sẽ còn dài dài. Những con số nhiễm bệnh và tử vong vẫn nhảy múa theo chiều hướng đi lên. Nỗi lo lớn nhất bây giờ có lẽ là nhân lực và thiết bị y tế. Thời gian đã quá dài với sức chịu đựng của đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng và các tình nguyện viên. Họ đã kiệt sức nhưng con virus thì càng lúc càng mạnh, người nhiễm bệnh càng ngày càng đông, số người tử vong càng ngày càng nhiều. Lại thêm thiết bị bảo hộ cũng như phương tiện chữa bệnh thiếu trầm trọng. Đã có nhiều bác sĩ lên tiếng kêu gọi xã hội góp tay hỗ trợ, đã có tin nhiều bác sĩ chỉ có một bộ áo quần, mỗi ngày phải giặt, mặc lại có lúc áo quần ẩm ướt chưa khô. Đã có tin bác sĩ, y tá thiếu khẩu trang y tế, thiếu cồn sát trùng, găng tay, khăn, nước muối súc miệng, thực phẩm, dung dịch chùi sàn nhà, bàn cầu, quạt máy, máy đo oxy cá nhân, nước uống điện giải và đã liệt kê xin cung cấp. Đội ngũ y tế không thể tay không bắt giặc.

Thành phố cũng đã tìm cách để có được đủ lượng oxy khi cần thiết. Máy thở cũng bắt đầu báo động khan hiếm. Thiết nghĩ đây là lúc các đại gia, các doanh nhân, các vị lâu nay khoe của, khoe xe, khoe nhà, khoe hột soàn, đô la, vàng ký, đất đai chứng tỏ mình thuộc tầng lớp tinh hoa, quý tộc trong xã hội hãy mở lòng ra giúp cho các bệnh viện, các đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế có thêm điều kiện và phương tiện để làm việc. Quý vị có người đã hỗ trợ cho quỹ vaccine của chính phủ, cũng mong quý vị thêm một lần nữa chung tay để chống dịch hiệu quả hơn. Hành động tốt hơn, quý hơn, thiết thực hơn là lời nói. Miếng cơm, hạt muối hàng ngày cho người nghèo đã có rất nhiều người không phải là giàu có ở đất Sài Gòn đã làm liên tục mấy tháng nay. Giờ những thiết bị y tế để cứu người nằm trong tay quý vị. Hãy mở tấm lòng để chúng ta cùng hi vọng.

Sài Gòn thực ra không thể thiếu thực phẩm, đó là một sự thật. Dù mấy chợ đầu mối phải đóng cửa vì dịch, hàng hoá cũng sẽ cung cấp đủ cho thành phố chứ không có hiện tượng khan hiếm như hiện nay. Sở dĩ có hiện tượng này vì ta chưa thông tuyến, chưa tạo điều kiện để các phương tiện cung cấp, chuyên chở hàng hoá đến với Sài Gòn. Thực phẩm, rau củ ở các tỉnh lân cận lâu nay cung cấp cho Sài Gòn vẫn có đủ để đến nơi cần. Nhưng với kiểu ngăn sông cấm chợ bởi những nguyên tắc cứng nhắc, chủ quan khiến cho chuỗi cung ứng ấy bị kẹt cứng. Chợ truyền thống vẫn có thể mở được khi ta có biện pháp tổ chức hợp lý và khoa học. Mỗi tổ dân phố, mỗi phường sẽ cấp phiếu đi chợ cho dân theo ngày chẵn lẻ dựa trên số nhà để hạn chế người đi chợ quá đông không kiểm soát được và dễ lan truyền dịch. Ở chợ không bố trí nhiều gian hàng như bình thường mà chỉ dành cho những mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt, cá. Người bán và người mua được cách ngăn bằng tấm nhựa trong. Hàng hoá được cân đong đo đếm sẵn trong túi có đề giá. Người mua cần mua thứ gì chỉ việc chọn túi tương ứng, trả tiền và đi, tránh tiếp xúc trực tiếp người mua và người bán. Nếu các gian hàng ở trong không gian quá hẹp, nhà nước có thể biến một vài con đường thành chợ để có không khí thoáng đãng hơn. Kẻ vạch cho từng gian hàng, từng khu vực thực phẩm thiết yếu và cách thức mua hàng cũng giống như trong chợ đã nêu. Người mua trình phiếu ghi đúng ngày, cho phép vào khu chợ với số lượng người nhất định, không chen lấn và giành giật. Nếu tổ chức được như thế dân sẽ không phải chen lấn, chờ đợi để vào các siêu thị bít bùng đầy nguy cơ nhiễm bệnh và tránh được kiểu đầu cơ, tăng giá của một số siêu thị lâu nay. Như vậy, thông tuyến, bớt thủ tục rườm rà không cần thiết và tổ chức phân phối hàng hoá hợp lý thì Sài Gòn không thiếu hàng. Không có gì phi lý bằng việc đề xuất chở rau củ từ miền Bắc vào Sài Gòn bằng máy bay để cứu dân Sài Gòn. Không những phi lý mà còn là một đề nghị của người không não. Thật sự kiểu này chỉ để cứu Vietnam Airlines có chuyến bay để có thu nhập. Thử hỏi với chi phí chuyên chở bằng máy bay như thế, giá cả sẽ tăng lên và người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu, đã trong cơn ngặt nghèo lại phải mua hàng cao giá không xứng với giá trị của nó. Đây cũng là lúc các doanh nhân mua bán thực phẩm và hàng hoá thiết yếu của cuộc sống nên có suy nghĩ bớt tính chuyện lời lỗ đi. Đừng lợi dụng cơ hội này để thu thêm lợi nhuận, để làm đầy thêm hầu bao vốn đã đầy rồi. Hãy nghe anh Minh râu, một người bán rau chân chất của đất Sài Gòn trả lời khi có người bảo anh đây là thời cơ hốt bạc: ”Kiếm tiền cả đời chứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này”. Câu nói của anh chàng xăm trổ, hầm hố viết những dòng chữ dễ thương ở gian hàng bán rau của mình thiết nghĩ cũng là điều mà các đại gia, doanh nhân, doanh nghiệp cần suy nghĩ.

Sau những biện pháp không đưa đến thành công trong việc ngăn ngừa và chống dịch, các lãnh đạo thành phố đã tìm cách sửa sai, đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ, góp ý của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đó là một tín hiệu tích cực cho thấy bước tiến trong tư duy của những người lãnh đạo. Họ đã cần đến những kiến thức khoa học, những tri thức và kinh nghiệm của các nhà chuyên môn. Không thể chống dịch bằng các biện pháp duy ý chí, nghị quyết và khẩu hiệu. Cũng không thể chống dịch bằng các hình thức thi đua. Hành động rất tích cực này của lãnh đạo thành phố khiến dân chúng có thêm lòng tin và cũng mong các nhà khoa học mạnh dạn đề xuất, góp ý thẳng thắn và hợp lý, cũng tin lãnh đạo sẽ hết sức cầu thị, lắng nghe và thực hiện để sài Gòn và cả nước mau thoát ra khỏi cơn đại dịch này.

Chúng ta đang sống trong thời đại của khoa học và tiến bộ, thời kỳ thế giới phẳng. Nhưng trong thời đại này con người cũng bị tác động rất nhiều thông tin, thật, giả lẫn lộn. Khi dịch virus Vũ Hán nổ ra trên toàn thế giới, hàng ngày người ta nhận không biết bao là tin tức về dịch bệnh. Nào là thuốc chữa, nào là cách chữa tại nhà không dùng thuốc, nào là chất này, lá kia chữa được bệnh, biết bao lời khuyên, biết bao lời dạy, biết bao bài thuốc được gởi qua nhiều phương tiện truyền thông đến với mọi người. Lại tin thuốc này hại, thuốc kia không nên dùng. Vaccine thì bảo gây hậu quả lâu dài về Gen, ADN??? Giờ mà còn nhiều người không tin có con virus và cho đó chỉ là trò chính trị nên không khẩu trang, không chích vaccine. Thua luôn! Tôi không phải là người có chuyên môn, cũng phải là nhà khoa học hay nghiên cứu nên không thể khẳng định cái tin nào sai, cái bài nào đúng. Thế nhưng điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta phải bình tĩnh phán xét, không cứ nhận được cái gì cũng tin, cũng làm theo và gởi đi khắp nơi như bản thân là một người trong cuộc gây thành một cơn bão tin, không biết đúng sai, thật giả. Bệnh thì phải chữa và chữa đúng bài bản khoa học. Khi dịch thì phải ngăn ngừa và muốn ngăn ngừa cũng phải theo đúng những hướng dẫn. Thời bùa chú, cây lá đã qua rồi. Thế nên đừng vội tin những bài thuốc, cách chữa lung tung đầy ắp trên mạng. Nhiều khi ta tự giết mình mà không biết đấy.

Nước Pháp mấy hôm rày biểu tình rầm rộ phản ứng khi chính phủ yêu cầu người dân chích ngừa dịch để có một cái giấy gọi là Pass Sanitaire, nôm na có thể gọi là giấy thông hành dịch tễ cấp cho người đã chích ngừa. Khi có giấy này người ta có thể tham gia hội hè, tụ tập, những lễ hội đông người. Những người biểu tình hô vang Liberté tức đòi tự do trong việc chọn lựa chích hay không chích. Xứ Pháp người dân khoái biểu tình, chuyện gì cũng biểu tình. Nhưng thấy người ta biểu tình vì chống chích ngừa làm dân mình cũng có đôi chút tủi thân. Trong khi dân ta mong có sớm, có đủ vaccine để sớm chấm dứt dịch bệnh thì dân Tây lại nhiều người đòi không chích. Phong toả nước người thì tiền hỗ trợ gởi đến từng nhà, ai cũng được cấp. Ta thì làm đơn mà chẳng mấy người được duyệt. Bên quá thừa, bên lại thiếu. Làm con dân nước nghèo thì luôn thiệt. Mà thôi so sánh Tây ta làm chi cho mệt óc. Cứ nghỉ ngơi chờ hết dịch, ta lại tung tăng.

19.7.2021

(Còn tiếp)

Comments are closed.