Bao giờ mình được là mình?

Đào Tiến Thi

Bộ Giáo dục vừa đưa Dự thảo Chương trình bộ môn lên mạng lấy ý kiến thì đồng thời NXB Giáo dục của mình cũng mở hội nghị tập huấn cho biên tập viên. Thực ra những điều này chúng tôi cũng đã được nghe các chuyên gia (cả Tây, cả ta) trình bày trong các chuyên đề từ nhiều năm rồi, cho nên biết bao điều đã nghe đi nghe lại trở thành “Khổ lắm, biết rồi, nói mãi”. Nhưng có một điều nghe mãi vẫn sướng cái lỗ tai, ấy là “Bốn trụ cột giáo dục” (The four pillars of learning) do UNESCO khuyến cáo:

1. Học để biết (Learning to know)

2. Học để làm (Learning to do)

3. Học để trở thành chính mình (Learning to be)

4. Học để chung sống với mọi người (Learning to live together)

Thú vị nhất là cái thứ ba – “Học để trở thành chính mình”. Các giáo sư tranh luận mãi “Learning to be” dịch như thế nào mới chính xác.

Học để trở thành chính mình! Chao ôi, nghe nó sang làm sao, nhưng cũng xa xỉ làm sao ở cái xứ này. Chưa nói liệu đã có ai đã trở thành chính mình hay chưa, hãy hỏi xem liệu đã có mấy ai có nhu cầu để trở thành chính mình hay chưa, đã hiếm lắm thay.

Riêng tôi, giữa những ngày chật hẹp và tầm thường của mình, cũng có lúc tôi có khát vọng trở thành chính mình, nhưng may mắn lắm thì cũng chỉ được thành hiện thực trong vài khoảnh khắc mà thôi. Ví dụ như lúc đi biểu tình, giơ nắm tay lên hô vang “Đả đảo Trung Cộng xâm lược!”. Ấy, nó không chỉ thể hiện cái quyền biểu tình ghi trong Hiến pháp, mà quan trọng hơn, nó thể hiện cái dòng máu Đại Việt vẫn rừng rực chảy trong huyết quản của mình, cái điều khiến cho chủ nghĩa Đại Hán phương Bắc suốt mấy nghìn năm vẫn không sao thôn tính nổi dân tộc này. Ấy thế nhưng vào chính lúc mình được là mình ấy thì lại bị nhiều người bảo là cái đồ “dở hơi”. Có người còn quy kết thế là “suy thoái tư tưởng, chính trị”, thậm chí có người còn bảo “bọn phản động, thù địch”! Thôi thì bảo cái việc biểu tình chống Trung Cộng vướng vào vấn đề nhạy cảm “môi răng” đã đành, nhưng ngay cả những điều hoàn toàn “dân sự” nhiều khi cũng không xong. Như sự việc vừa đây thôi, tôi tổ chức cưới vợ cho con trai, thấy cái trò hai cặp bố mẹ ăn mặc sao cho thật sang để đứng đón khách bên cạnh cái thùng đựng tiền có cái miệng giống hệt cái hòm phiếu để thả vào đó những cái phong bì thì nó chướng lắm nên tôi định không nhận tiền của bất cứ ai. Ý tưởng được vợ con nhất trí, nhưng bàn cách thực thi thì khó lắm thay. Bạn bè tôi có nhiều người tốt, hiểu mình, cũng cố tìm kế sao cho không nhận phong bì mà đám cưới vẫn thành công! Người bảo in sẵn vào thiếp mời dòng chữ “Không nhận tiền mừng”, nhưng người khác lại tham gia như thế người ta lại mua quà thì làm thế nào. Người bảo dẫu không đặt “hòm phiếu” thì người ta sẽ để vào mâm, hay cứ nhét vào túi áo túi quần, rồi xảy ra đùn đi đẩy lại, không khéo “vỡ trận”! Suy đi tính lại cả tháng trời, tôi đành hủy phương án này. Cuối cùng lại trở về “vòng quay cổ điển”. Nhưng rồi tôi nghĩ cách mời thật ít khách và làm sao dùng số tiền “mừng” (thực ra là tiền “lo”) này vào việc gì đó có ý nghĩa nhất, để cho lương tâm được thanh thản. Mà đối với tôi, việc có ý nghĩa nhất chính là làm gì đó có ích cho quốc gia, xã hội. Nhưng vừa mới chỉ tiết lộ ý định này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía anh em bà con, cho rằng như thế là coi rẻ đồng tiền của họ! (Ô hay, tiền này là tiền của tôi chứ, chẳng qua cũng là sự vay trả, trả vay chứ tôi có được cho không đâu).

Ôi thôi, thế là cuối cùng lại cũng lại bỏ nốt phương án này. Tôi trở lại là tôi mà thực ra chẳng phải là tôi. “Học để trở thành chính mình”! Chao ôi, nghe nó sang làm sao, nhưng cũng xa xỉ làm sao ở cái xứ này. Và có lẽ mãi mãi là khoa học viễn tưởng mà thôi.

Comments are closed.