Khi thơ hay trở thành có tội

(Rút từ facebook của Hà Thủy Nguyên)

Người sáng tác bài thơ này là một bạn trong Book Hunter, bạn ấy sáng tác không nhiều, viết không nhiều, nhưng bài nào cũng hoàn hảo và tràn ngập cảm xúc, dù tuổi còn rất trẻ, trẻ nhất trong nhóm. Bạn ấy là cháu của một ông Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, người nhà chủ yếu làm trong Ban tuyên giáo và Văn phòng Quốc Hội, vì thế, cả nhà bạn ấy đều muốn bạn ấy đi làm chính thống, xin vào nhà nước, rồi sớm thăng tiến như ông bác “thần thánh” của bạn ấy.

Nhưng bạn ấy không bao giờ muốn đi con đường ấy, sẵn sàng làm việc không công, sát cánh cùng Book Hunter, tiếp tục đeo đuổi con đường chữ nghĩa. Bạn ấy nhiều lần chối từ mọi cơ hội công việc mà cả dòng họ muốn bạn ấy đi, thậm chí có lần còn bị cả ông bác “thần thánh” cùng cả họ đấu tố. Mặc dù từ chối, nhưng bạn ấy vẫn giữ trọn vẹn đạo làm con, ngoan ngoãn giúp mọi việc gia đình, cũng chẳng bao giờ đi chơi về khuya, không bao giờ cãi lời hay nói câu hỗn hào. Nhưng ông bác Phó chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương kia suốt ngày miệt thị bạn ấy là dốt nát, là hỗn hào, là lười biếng.

Biết bạn ấy làm thơ, ông bác khuyên: “Mày làm thơ hay thì không ra tiền được đâu, bây giờ phải đi viết bài lăng xê cho mấy thằng nhiều tiền không biết làm thơ ấy. Có thế mới ra tiền được. Chứ làm thơ được có mà chết đói!”. Thế đấy, và ông bác này vận động bố mẹ bạn ấy đủ kiểu để bạn ấy vào làm cho Truyền hình Quốc Hội hoặc VOV, những công việc mà bao nhiêu người mơ chẳng được. Như thế là hết đời làm thơ, hết đời chữ nghĩa, cũng không có thời gian để qua lại với Book Hunter.

Ông bác của bạn ấy là một điển hình khá rõ nét cho những người quản lý văn hóa và tư tưởng ở Việt Nam. Họ có thể khôn ranh để thăng tiến, nhưng họ lại chọn dốt nát trong nhận thức. Họ biết cái gì là hay, nhưng họ chọn điều tệ hại. Bởi vì chỉ khi tất cả xã hội đều tệ hại như họ thì họ còn kiếm được tiền, còn có danh, có quyền. Bởi thế, họ vùi dập, mài mòn mọi tài năng. Thấy một người làm thơ hay, hoặc làm bất cứ cái gì xuất sắc, với họ đều có thể là có tội, bởi vì như thế là vật cản trở con đường thăng tiến của họ. Họ đã tạo nên một thể chế chỉ có lũ bất tài ngồi xâu xé nhau và xâu xé tiền mà thôi.

Ông bác nhân danh gia tộc, nhân danh sự quan tâm để thúc ép người cháu của mình đi theo con đường xấu xa mà ông ta và con cháu ông ta đã bước đi. Trên thực tế, ông ta không hề yêu thương cũng như quan tâm đến bạn ấy. Nếu thực sự quan tâm, ông ấy phải sử dụng các nguồn lực của mình để giúp bạn ấy có công việc như bạn ấy muốn, giúp bạn ấy in sách, in thơ, chứ không phải gây áp lực về tâm lý và đưa ra những lời khuyên khốn nạn, bại hoại nhân tính.

Nhưng thôi, đó là quyền tự do của ông bác. Quyền tự do của bạn ấy là bất tuân ông bác, để tiếp tục làm việc với Book Hunter, tiếp tục làm thơ hay, tiếp tục viết bài và tiếp tục dịch các tác phẩm hay của nước ngoài ra tiếng Việt với hi vọng một ngày nào đó sẽ quét sạch đám người như ông bác kia. Cho dù có không quét sạch chúng cũng không để mình tạp nhiễm những điều ô uế của ông bác.

Trong bài thơ, bạn ấy đã viết thế này:
“Tôi thèm mưa rào đầu ngõ
Nỗi buồn con thú trúng tên
Vết thương bầm chân trời vụn
Họng khô thét vọng sấm rền”
Đó là chuỗi cảm xúc và biểu tượng đẹp mà có lẽ những kẻ như ông bác kia không thể hiểu, không thể cảm. Chỉ những ai đã và đang cố vùng vẫy thoát khỏi vòng quay của tiền – quyền – danh để hướng tới tự do mới thấy sự đồng cảm.

————-
Đọc thêm các bài khác của bạn ấy tại đây: http://bookhunterclub.com/author/minhhung/

Comments are closed.