Sáng bolero với Trần Thị Vĩnh Tường…

(Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc)

Chị đề nghị mọi người đừng gọi chị là nhà nghiên cứu, là diễn giả… nên tôi chỉ gọi chị là chị Trần Thị Vĩnh Tường, người bạn FB đang sống ở Mỹ, cách quê hương Việt Nam tới nửa vòng trái đất mà vẫn thấy rất thân thương gần gũi… Bởi vì những gì chị viết trên trang cá nhân đều vấn vương, đan quyện với một không-thời-gian mà ở đó tuổi thơ và tuổi trẻ của chị đã trải qua, trôi qua, lớn lên và sau đó biền biệt xa như là chị đang xa: Sài Gòn trước 1975…

Bolero là một phần của âm nhạc miền nam trước 1975, và đang “trở lại” trên khắp lãnh thổ Việt Nam, từ những “phong trào tự phát” hoặc “có ý đồ” gì đó chưa thể xác định. Sau khi một số đài truyền hình địa phương của miền nam khởi xướng thì hiện nay bolero đã có mặt trên các đài truyền hình lớn, từ HTV của Sài Gòn đến VTV của Hà Nội.

Cuộc trò chuyện sáng thứ Bảy 20/1/2018 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với đề tài BOLÉRO, DI SẢN ÂM NHẠC TRONG DÒNG CHẢY VĂN HOÁ CỦA CƯ DÂN NAM BỘ khá đông thính giả, gồm cả người trẻ lẫn người không còn trẻ, cả sinh viên và nhà báo lẫn những người làm việc ở các lĩnh vực không phải văn hóa nghệ thuật, đã diễn ra trong một không khí hào hứng và thân tình hết sức đáng quý. Có lẽ những người tới đây đều thật sự muốn biết thêm thông tin về văn hóa miền nam, muốn tìm hiểu tường tận một vấn đề đang nóng. Chỉ tiếc là khán phòng khá nhỏ khiến nhiều người phải đứng ra hành lang, và một số phải ra về.

Câu chuyện được chị Vĩnh Tường dẫn dắt từ những cư dân gốc Ấn lang bạt khắp thế giới với tên gọi Gypsy/Bohémien và âm nhạc đặc trưng của họ đã lan truyền và tự biến đổi cùng văn hóa của những đất nước mà họ định cư… Còn ở Việt Nam, nhạc bolero đã thật sự trở nên thịnh hành khi nhu cầu nhảy đầm tràn lan trong xã hội miền nam, bắt đầu từ các vũ trường và những cuộc khiêu vũ gia đình…

Việc bolero trở lại đang gây ra những tranh luận chẳng biết có cần thiết hay không. Trên các phương tiện truyền thông, những bài viết/nhận định của những người, hoặc từ miền bắc vào sau 1975, hoặc được sinh ra sau 1975, có vẻ đang nói về nhạc-bolero-hiện-nay, chớ không phải thứ bolero chính hiệu của miền nam trước 1975.

Trong những ý kiến “tranh luận” ấy, kẻ khen thì khen hết lời, tưởng chừng bolero là giá trị lớn nhứt thống trị âm nhạc miền nam trước 1975, kẻ chê thì ngược lại, rất tự thị đánh giá bolero là thứ nhạc “sến”, loại văn hóa cấp thấp, loại âm nhạc không-được-học-hành, không-xuất-thân-từ-nhạc-viện…

Âm nhạc, như tất cả những gì thuộc về tâm hồn, phải làm rung động trái tim thì mới tới được với người nghe. Âm nhạc miền nam trước 1975 khá đa dạng, và có vẻ các nhạc sĩ chẳng ai định viết nhạc cho tuyệt đại đa số công chúng, để ai-cũng-hát và cũng đều yêu bài hát của mình. Mỗi nhạc sĩ sẽ chọn dòng nhạc phù hợp với mình, cho một tỉ lệ công chúng yêu nhạc nào đó. Ai thích nhạc tiền chiến của Từ Linh, Đoàn Chuẩn… xin cứ việc. Ai yêu Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hay Vũ Thành An, Từ Công Phụng… cứ tự nhiên. Ai ưa nhạc lính của Lam Phương, Trần Thiện Thanh cứ hát. Ai theo trào lưu Nhạc Trẻ của Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà hay nhạc cộng đồng của Nguyễn Đức Quang, Nghiêm Phú Phát- Nguồn Sống… cũng chẳng sao. Ai biểu tình, hát nhạc tranh đấu của Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập… cũng chẳng ai can…

Và nhạc bolero cứ tự nhiên tồn tại, luân chuyển trong cộng đồng, giữa một xã hội ngập ngụa tâm trạng buồn thương vì đang bị chiến tranh giày xéo. Ca từ của bolero giản dị, thường có một “câu chuyện” gì đó lồng trong một một giai điệu không quá đánh đố người hát, nhờ đó được đa số công chúng ưa thích. Chuyện tình Lan và Điệp không triết lý như Một cõi đi về nhưng ai thích Một cõi đi về cứ thích, ai hát Lan và Điệp cũng cứ hát. Chẳng ai dè bỉu, chê bai người khác vì đã chọn cái mà mình không thích.

Thói quen của người dân miền nam trước đây là, ai cũng có quyền làm những gì mình thích nếu điều đó không bị cấm, không gây ảnh hưởng tới người khác. Không ai đem mình ra làm bản vị để miệt thị, xúc phạm người khác. Cũng không nhạc sĩ/ca sĩ nào tự định vị mình ở thứ bậc cao hơn người khác, vì đó là điều quá lố bịch, điên rồ. Ấy là việc/là quyền của công chúng, không phải của chính nghệ sĩ.

Thái Thanh không tự xưng là danh ca. Từ danh ca do báo chí và công chúng dành tặng cho bà, và hình như chỉ duy nhứt một mình bà. Các ca sĩ nổi tiếng khác như Khánh Ly, Lệ Thu cũng hiếm khi được gọi với từ này. Người miền nam không quá nệ vào các danh xưng/danh hiệu, không bị bịnh háo danh đầu độc lý trí và lòng tự trọng.

Tôi nghĩ, nhạc bolero đang được lăng xê và tổ chức thi rầm rộ ở khắp các đài truyền hình lớn nhỏ, rồi cũng sẽ tới lúc xẹp xuống. Cái gì đã lên đến đỉnh điểm rồi cũng phải tới lúc tuột dốc. Chẳng việc gì phải nóng ruột để phát biểu ngông nghênh ngờ nghệch…

Trước 1975, chính Chế Linh từng bị cấm hát một số bản nhạc lính vì giọng khóc than áo não của ông bị cho là “làm ảnh hưởng tới tinh thần các chiến sĩ”. Và tuy cùng một bài Thành phố buồn nhưng Duy Quang hát nghe sẽ rất khác Chế Linh, điều mà ai cũng thấy nhưng chẳng ai nói ra làm gì…

Cho nên, buổi sáng này, khi chị Vĩnh Tường cứ nhắc đi nhắc lại cụm từ “Thương nhau đi, thôi đừng cãi nhau nữa”, tôi vừa vui lại vừa buồn. Vui vì chị, người Việt Nam xa quê mấy chục năm, vẫn canh cánh với những điều lớn nhỏ đang xảy ra trên quê hương xa vời. Còn điều trái ngược là, trong khi Việt Nam đang có những vấn đề cực kỳ hệ trọng liên quan tới toàn xã hội thì nhiều người cứ tìm cách né tránh như không hề biết tới. Trong khi đó, những sự việc rất bình thường mà cuộc sống sẽ tự tìm ra cách cân bằng hợp lý thì mọi người lại cứ xúm vào làm um sùm, cãi nhau như thể mổ bò …

Bolero là một trong những thứ như vậy…

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang đứng và trong nhà

Trong hình ảnh có thể có: 5 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Comments are closed.