Trần Vũ thực hiện
Tranh Carl Gustaf Hellqvist
Trần Vũ: Đọc quyển Văn học Truyện Hậu Hiện đại anh vừa xuất bản, tôi hiểu tinh thần Hậu Hiện đại là thách đố hiện thực, nhưng vẫn lạ lẫm vô cùng là anh xếp truyện ngắn Mùa Mưa Gai Sắc của tôi viết về Nguyễn Huệ với Lê Ngọc Hân vào khuynh hướng ấy, như anh đã xếp Người Chết Trôi Đẹp Nhất Thế Giới của Garcia Marquez vào cùng catalogue. Không lẽ những gì ít hiện thực hoặc siêu hư cấu đều là sản phẩm Hậu Hiện đại? Cá nhân tôi chỉ muốn thoát ra khỏi các định luật vật lý của Newton và Galilée, vì con người là một sinh vật tinh thần mà tinh thần không bị sức hút của trọng lực. Còn các trường phái huyễn ảo, từ Borgès đến Cortázar, Fuèntes là cả một lịch sử văn chương Nam Mỹ khó gộp vào một “chủ nghĩa” duy nhất. Ở đây, chừng như có sự tham lam của những nhà lập thuyết khi gói bánh chưng, gom hết những hạt đậu xanh khác thường vào chung một khuôn bánh!
Nhưng cá nhân Ngu Yên, anh xếp thi ca của anh vào phái nào? Và khi cho rằng văn thơ của ai đó mang tính Hậu Hiện đại thì nó làm sáng tỏ điều gì?
Ngu Yên: Để có thể trả lời minh bạch những câu hỏi nhỏ quấn nhau trong câu hỏi lớn về căn cước của Hậu Hiện Đại, có lẽ, nên cùng nhau nên xác định một số ý tưởng nền tảng, để có thể lược qua tiến trình văn học thế giới. Ví dụ như tiến trình kiến trúc của con người đi từ vay mượn hang động thiên nhiên, rồi biết xây nhà bằng đất và tranh, xây nhà gỗ, xây nhà gạch, tiến đến bê tông cốt sắt, rồi kiến trúc muôn dạng muôn hình như hôm nay. Vật liệu và phương pháp xây cất là chứng minh cấp độ của trí tuệ, của văn minh, của thẩm mỹ mà con người thay phiên nhau khám phá. Tuy nhiên, nhu cầu căn bản đầu tiên: Nơi trú ngụ an toàn; mục đích đầu tiên: bảo vệ sinh tồn cá nhân và tập thể, không thay đổi. Tiến trình văn chương cũng trong mô hình này. Anh Vũ và các bạn thử nghĩ, nhu cầu và mục đích đầu tiên của văn chương là gì? Tự dưng, phần còn lại sẽ hiện thân rõ ràng: 1- Những khám phá liên tục của trí tuệ. 2- Những thực hiện thẩm mỹ bày tỏ những khám phá của trí tuệ. 3- Cảm xúc càng ngày càng sâu sắc và siêu nghiệm hơn để truyền đạt ý tưởng một cách mỹ thuật. Khi đã nhìn ra bản sắc của văn chương, sẽ dễ chia sẻ sự thay đổi của văn học: Vốn chỉ là những khúc quanh tự nhiên và tự động của dòng sông chảy về biển rộng.
“Công việc của chúng tôi không phải cung cấp thực tế, mà để phát minh những ám chỉ có thể hiểu, nhưng không thể trình bày.” (Jean Francois Lyotard.)
Hậu Hiện Đại chỉ là một khúc quanh của dòng văn chương thế giới, nhưng là một khúc quanh lớn, bao chứa nhiều dòng lý thuyết, phong trào văn học khác nhau. Có ba cách nhìn Hậu Hiện Đại: 1- Những sáng tác trong thời hậu Hiện Đại mang khuynh hướng Hậu Hiện Đại. 2- Những sáng tác theo những học thuyết nằm trong phạm vi của phong trào Hậu Hiện Đại. 3- Những sáng tác trong nỗ lực bày tỏ tinh túy của Hậu Hiện Đại như một chủ nghĩa. Không có trường phái Hậu Hiện Đại.
Điểm nên xác định ngay lúc này là tiến trình thành hình của một trào lưu văn chương theo cấu trúc văn học. Trước tiên, phải xác nhận, bất kỳ một trào lưu văn chương nào đều có nguồn gốc kế thừa từ trước đó, có khi rất xa xôi trong nhiều thế kỷ. Từ nguồn gốc này do những nguyên nhân xa gần của môi trường hiện sinh (hiện hữu sinh tồn) nẩy sinh sự thay đổi. Khởi đầu là 1- Khuynh hướng sáng tạo: Sáng tác luôn luôn là sáng tạo theo một khuynh hướng văn chương nào đó. Những tác giả lớn thông thường có khuynh hướng sáng tạo khác lạ hoặc biến dạng những khuynh hướng đã có, để tạo ra nét độc đáo riêng. Khi một khuynh hướng mới được đánh giá cao, được nhiều tác giả và độc giả tham gia, sẽ trở thành phong trào. 2- Phong trào văn chương: Có phong trào dấy lên từ một khuynh hướng quan trọng. Có phong trào góp lại từ những khuynh hướng đồng dạng hoặc tương tựa. Nghĩa là, nhiều tác giả ở nhiều nơi khác nhau, không quen biết, không hẹn hò, nhưng cùng sống trong một thời đại, cùng nảy sinh những ý tưởng giống nhau, cùng sáng tác trong những khuynh hướng tương đồng. 3- Chủ nghĩa văn học: khi phong trào có học thuyết tư tưởng, có luận lý sinh hoạt, có học thuật thực hành, nó trở thành chủ nghĩa. Nếu chủ nghĩa này tinh thuần hơn trong một nhóm tác giả, có quy luật và nguyên tắc, sinh hoạt gần gũi và chặt chẽ, sẽ tạo thành trường phái.
Như vậy, Hậu Hiện Đại cũng phát triển từ khuynh hướng cho đến phong trào và ngập ngừng nơi tranh luận chủ nghĩa. Chính vì thiếu phân định rõ ràng mà các học giả tranh cãi về thời điểm xuất hiện và chấm dứt của Hậu Hiện Đại theo mỗi lập luận khác nhau. Nếu Hậu Hiện Đại bắt đầu từ khuynh hướng thì rất xa, thế kỷ 19. Nếu bắt đầu từ phong trào thì rất gần, 1950. Nếu chấm dứt bằng chủ nghĩa thì cuối thập niên 80. Nếu chấm dứt bằng phong trào thì kéo dài thêm thập niên 90. Nếu chấm dứt bằng khuynh hướng thì không bao giờ. Như Chủ nghĩa và phong trào văn chương Lãng Mạn đã quá cố từ lâu, khuynh hướng lãng mạn vẫn tràn đầy trong thơ văn đương đại.
Hậu Hiện Đại là phong trào văn chương tập hợp nhiều học thuyết văn học, phong trào văn chương, khuynh hướng sáng tạo có đồng cơ sở: Nghi vấn. Tái xét những niềm tin, những ưu điểm của các nền văn học trước đó. Mùa Mưa Gai Sắc, truyện ngắn của Trần Vũ được sáng tác sau giai đoạn văn chương bùng nổ của các học phái thuộc về Hậu Hiện Đại trong thập niên 70. Đặt nghi vấn về lịch sử, tái xét những góc cạnh anh hùng, công danh, tình yêu, thù hận qua tâm lý các nhân vật. Dù tác giả vô tình hay cố ý, quan điểm, ý nghĩa và học thuật của Mùa Mưa Gai Sắc trùng hợp học thuyết và học thuật của một thể loại truyện thịnh hành trong phạm vi Hậu Hiện Đại, gọi là Truyện Lịch Sử Tái Lập (Historiographic Metafiction), một thể loại trong truyện Tự Thức (Metafiction.) Có thể nhận định rằng, Mùa Mưa Gai Sắc là truyện ngắn được sáng tác trong khuynh hướng Historiographic Metafiction, được thành hình trong khí hậu chung của phong trào Hậu Hiện Đại. Không hoàn toàn cưu mang mọi yếu tố đặc thù của học thuật, nhưng đạt được nghi vấn và ý định tái xét lịch sử, chính là căn bản chủ yếu của phong trào này.
Truyện ngắn Người Chết Trôi Đẹp Trai Nhất Thế Giới của Gabriel Garcia Marquez sáng tác năm 1968, dịch sang Anh ngữ năm 1972, trong tuyển tập Leaf Storm and Other Stories. Ông là một trong số tác giả chính thức thuộc về phong trào văn chương Magic Realism của Châu Mỹ Latin, chủ trương hư cấu những tưởng tượng từ thực tế một cách huyền ảo. Cơ sở của phong trào Hóa Ảo Hiện Thực là nghi vấn giá trị mô tả, tường thuật, và ý nghĩa thật sự của thực tế. Căn bản nghi vấn về siêu nhiên, về đời sống, về con người, về giá trị văn chương là tiêu chuẩn để đưa phong trào này vào phạm vị Hậu Hiện Đại. “Hóa ảo” chỉ là nghệ thuật truyền đạt. Truyện ngắn này đưa ra những nghi vấn về sự trung thành, tiêu chuẩn luân lý của phụ nữ đối với chồng và đàn ông trong mơ tưởng của họ. Xuyên qua đó là tái xét ý nghĩa của con người “hóa ảo” Thượng Đế. Tóm lại, văn chương của Marquez thuộc về phong trào Hậu Hiện Đại. Trong khi đó, văn chương của Julio Cortázar có thể giả định thuộc về Hậu Siêu Thực (Postsurrealism).
Không lẽ những gì ít hiện thực hoặc siêu hư cấu đều là sản phẩm của Hậu Hiện đại?
Thơ và truyện là hư cấu. Cho dù tác giả nào nỗ lực mô tả đối tượng thực tế như thực tại, vẫn là một thực tế trong tâm thức (Hiện Tượng Luận). Mỗi văn bản văn chương đều nằm trong công thức: Hiện Thực (HT) + Hư Cấu (HC) = Giá Trị Sáng Tác. Nếu giá trị sáng tác = 100%, hai biến số HT và HC thay đổi nghịch chiều. Nếu HT ít thì HC nhiều. Nếu HT nhiều thì HC ít. Mỗi văn bản văn chương đều hòa hợp HT và HC trong công thức này, tùy vào sự chọn lựa theo mục đích của tác giả và nhu cầu của văn bản. Mỗi học thuyết, mỗi phong trào, mỗi khuynh hướng sáng tác và mỗi tác giả đều được xác định phần trăm của HT và HC. Khuynh hướng chung trong văn chương thế kỷ 18-19 nặng hiện thực, nhẹ hư cấu. Khuynh hướng chung văn chương Hậu Hiện Đại nặng hư cấu, nhẹ hiện thực. Truyện Siêu Hư Cấu (Surfiction) tiếp cận 100% tưởng tượng. Sự chọn lựa nặng nhẹ là nghệ thuật sáng tác của mỗi tác giả và là niềm tin về ý nghĩa sự thật trong mỹ thuật truyền đạt. Đa số thơ truyện Hậu Hiện Đại có hư cấu áp đảo hiện thực, nhưng không phải là yếu tố chính để sắp xếp thể loại. Thơ văn nặng hiện thực với những yếu tố đặc thù của văn chương Hậu Hiện Đại vẫn là thơ văn hậu Hiện Đại.
Tiểu sử tôi sẽ chôn vào đất,
hóa cũ lặng im,
như cá sấu nín thinh không hổ thẹn.
(Soneto. Federico Garcia Lorca.)
Tôi vẫn thường xuyên kiểm soát thơ của tôi trong tinh thần kiểm chứng những giả định và giả thuyết văn học. Tôi không tin vào sự bất tử của văn bản. Khi người đọc còn nhớ ý nghĩa và giá trị của tác phẩm, tác phẩm đó tiếp tục hồi sinh. Khi không còn ai nhớ, tác phẩm đó chỉ là xác ướp trong thư viện, hoặc bia đá trong nghĩa trang văn học. Bất kỳ là tác phẩm văn chương nào sẽ có một ngày không còn ai đọc. Dù kinh Thánh, kinh Phật luôn luôn có người đọc, nhưng họ không phải độc giả, là tín đồ.
Tôi cũng không tin sự hoàn hảo của tác phẩm trong văn chương. Sự hoàn hảo này chỉ mang lại cho người sáng tác càng lúc càng hoang tưởng trầm trọng. Nhưng tôi tin vào văn học, vì văn học tạo cơ hội cho những thế hệ tương lai sáng tác hay hơn, cao hơn, tiếp cận với sự thật hoặc “không sự thật” hơn. Tôi tin vào độc giả tương lai. Chính họ mới là những người xác định khách quan và tiếp cận chính xác giá trị của tác phẩm.
Không đặt niềm tin vào văn chương bất tử và tác phẩm hoàn hảo, sáng tác không còn kỳ vọng bởi ảo tưởng, mà chuyên chú vào phẩm chất. Tập trung vào việc thực hành niềm tin đối với bản sắc văn chương.
Trong tinh thần đó, từ lúc bắt đầu làm thơ, cuối thập niên 1970, cho đến hôm nay, thơ của tôi chỉ là thử nghiệm. Không phải là những sáng tác có mục đích trăm năm. Tôi quan tâm giá trị của bài thơ ít hơn chú trọng giá trị chứng minh của bài thơ đó đối với giả thuyết văn học mà tôi tìm kiếm hoặc thực tập để biến kiến thức thành kinh nghiệm.
Ví dụ, từ lâu, tôi cho rằng bài thơ quan trọng nơi tứ thơ. Tứ thơ quan trọng nơi hình ảnh. Dĩ nhiên là hình ảnh trung thực từ suy tư và cảm xúc, dù chỉ để ẩn dụ. Nếu những hình ảnh này do nỗ lực tạo hình để gây sôi nổi hoặc thuyết phục, tự nhiên sẽ hời hợt, không có gốc rễ, sẽ nhanh chóng bay theo cơn gió nhẹ. Nhưng rồi tôi khám phá ra, cho dù cố gắng cách mấy, những hình ảnh, tứ thơ cũng không thể diễn đạt hết điều muốn nói. Muốn gợi ý hoặc điềm chỉ cho người đọc, cần thêm không khí và bối cảnh hỗ trợ cho hình ảnh và tứ thơ. Tôi đi đến giả định, dùng truyện làm nền để đưa người đọc vào thơ:
Bà làm nghề đổ rác thành phố 45 năm. Mười mấy mùa đổi tuyến một lần, bà đi khắp hang cùng ngõ hẻm.
Rác cũng kỳ thị trắng đen vàng đỏ, sạch dơ thơm thúi, cẩn thận ẩu tả tự trọng. Khốn nạn nhất khi bỏ đinh, kính bể, mảnh cắt không gói bao.
Thực phẩm rác nuôi được quốc gia nghèo. Đồ chơi rác, ông già Noel có thể dùng lại. Đồ phế thải sửa chữa mới toanh đầy chợ trời. Rác xay rồi vẫn cao như núi.
Rác biểu trưng nhu cầu thỏa mãn, tàn tích sung sướng dư thừa, tàn cuộc thông minh trí tuệ, là phản bội ghê tởm của tâm tư.
Mùi rác kinh dị.
Mặt rác buồn vô tả.
Lòng rác ngang ngửa lòng chính trị gia.
Đời rác hơn đời người, vì không hiểu biết.
Sâu rác trắng mập không bằng sâu người.
Sâu rác thành ruồi, sâu người tưởng thành bướm, chỉ là ruồi lớn, hóa trang màu sắc.
Lẽ ra, rác phải cảnh cáo người.
– Đừng khi dể tao, chết rồi mày cũng rác.
Còn mày, sống như vậy, không phải rác sao?
Nhìn thùng rác, đoán gần đúng tính tình dân tộc, ông hàng xóm nói. Bà không tin. Chỉ phân biệt thùng nặng hay nhẹ. Cần nín thở hay không. Hoặc xoay mặt hướng khác.
Lạ thật. Giống dân này ăn thứ gì, thùng rác họ đầy dòi.
(Không Phải Rác Sao?)
Tôi tin rằng những ai sáng tác vì văn học sẽ phải thử nghiệm liên tục cho đến cuối cuộc đời. Vì vậy, tôi tin những độc giả tương lai của tôi, sẽ có người đạp lên những thử nghiệm hôm nay để cống hiến cho văn chương Việt những tác phẩm giá trị sắp vào hàng thế giới. Tôi tin khả năng tài giỏi của thế hệ trẻ, thế hệ mai sau và những tiến bộ văn minh không thể ngờ, sẽ cho họ nhiều cơ hội bay cao bay xa, không mắc kẹt trong thế giới hạn hẹp, tự giam cầm như thế hệ của tôi. Thơ của tôi không có môn phái vì còn thử nghiệm. Hoặc nói một cách văn hoa hơn, là những lời suy tư ngập ngừng của một người thất lạc.
Đi sai đường / sẽ đến nơi ngập tuyết,
đến nơi ngập tuyết,
là bao năm gặm cỏ tha ma.
(Pequeno Poema Infinito. Federico Garcia Lorca.)
Trước đây người ta nói văn là người. Bây giờ, nên nói, văn hay là của người có nhịp sống đương đại và có trí tuệ ngày mai. Hậu Hiện Đại là tên gọi chung cho một thời kỳ thay đổi từ xã hội đến tư tưởng. Có nhịp sống và sắc thái sống khác hẳn thời Hiện Đại. Từ quan điểm siêu nhiên nhất: Thượng Đế ngày xưa toàn năng và quản trị con người. Thượng Đế hậu Hiện Đại hoặc đã chết, hoặc vắng mặt, hoặc chỉ là hình tượng. Dẫn đến sự tái xét giá trị sinh tồn. Thơ văn Hậu Hiện Đại mang ba yếu tính: 1- Ghi nhận lại nhịp sống và bản sắc của hiện sinh. 2- Mở rộng, khám phá tận cùng nỗi hoài nghi để tìm thấy điều gì khác cho ngày mai. 3- Giải trí người đọc như những viên thuốc bổ giảm căn bệnh trống rỗng và nhàm chán. Đọc thơ văn của một người sáng tác hôm nay, có thể thấy ngay họ đang sống ở nhịp sống thuộc thập niên nào. Có thể thấy ngay thái độ văn chương và trình độ thẩm mỹ. Có thể thấy ngay học thuật của họ tinh thông ra sao. Thơ văn đúng nghĩa là phong thái của nhịp sống thời đại. Nếu tác giả vắng mặt trong thời đại họ đang sống, tất nhiên, văn thơ của họ cũng vắng mặt.
Chúng ta đã thông qua thời Hậu Hiện Đại, đang ở thời đương đại, thế kỷ 21. Biết bao nhiêu đổi thay thăng trầm từ khi thơ hiện diện trong hang động cho đến thơ xây nhà trên không gian. Vậy mà nhu cầu và mục đích đầu tiên vẫn không thay đổi. Nhu cầu thốt lên những lời tốt đẹp với mục đích làm cho hôm nay và ngày mai tốt đẹp hơn, vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, dọc theo dòng lịch sử văn chương, biết bao nhiêu người đã “đi sai đường, sẽ đến nơi ngập tuyết. Đến nơi ngập tuyết, là bao năm gặm cỏ tha ma…”
(Còn tiếp)
Thư mục bộ sách Ý thức Sáng tác của Ngu Yên
Trên Kệ Sách Amazon: Amazon.com. Search: Gõ vào tựa đề sách, không dùng dấu. Type in the title.
1. “Ý Thức về Dịch Thuật”. Biên khảo về dịch thuật, dịch thơ.
2. “Độc Quạnh” Thơ. Từ giã dòng thơ cũ.
3. “Tôi Không Biết”. Tập 1 &2. Giới thiệu, nhận định, dịch toàn bộ thơ Wislawa Szymborska. Nobel 1996.
4. “Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 1 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.
5. “Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 2 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.
6. “Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại”. Cuốn 3 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.
7. “Văn Học Truyện Đương Đại”. Cuốn 4 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện. (Chưa phát hành)
8. “Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn Hiện Đại”. Bộ 1.
“Ý Thức Sáng tác Truyện Hậu Hiện Đại và Đương Đại.” Bộ 2. ( Chưa phát hành.)
9. “Tôi Học Được Bí Mật Của U sầu. Tập 1. Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.
“Mộ Phần Tôi Ở Đâu?. Tập 2. Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.