Bóc hành

Phạm Thị Hoài

clip_image001.jpg

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Nhà văn Đức Günter Grass (1927-2015)

 Tiểu thuyết đầu tay của tôi, Thiên sứ, chịu ơn tác phẩm đầu tay Cái trống sắt của Günter Grass, xuất bản trước khi tôi ra đời. Ở tuổi 30, tôi đã mê Günter Grass cũng của tuổi 30 hơn tất cả các nhà văn viết tiếng Đức khác, kể cả Kafka. Khối ngôn ngữ cuồn cuộn, thô bạo, trữ tình, trào lộng của ông; rừng hình ảnh trùng trùng điệp điệp của ông; núi cảm xúc hừng hực, hoang dại, nhảy nhót của ông; những câu chuyện nhả ra những câu chuyện rồi lại nhả ra những câu chuyện bất tận khác của ông; những ý tưởng lạ lùng, hoạt kê, phạm thượng của ông; những thủ pháp độc đáo, điên rồ, thách đố của ông là một trận đại phong không thổi một lần thứ hai trong văn học. Ông, một nhà văn Đức, đã phá vỡ tất cả những hình dung mà người ta thường có về văn học Đức cho đến khi ấy, không có gì chung với cái sau này được gọi là trường phái hiện thực huyền ảo, để trở thành cha đỡ đầu cho cả Trăm năm cô đơn lẫn Những đứa trẻ sinh đúng nửa đêm, những tác phẩm sẽ in đậm dấu ấn lên diện mạo của văn học thế giới hiện đại. Song trước hết và quan trọng hơn, thành tựu của Günter Grass trong Cái trống sắt và phần nào trong cuốn tiểu thuyết tiếp theo, Những năm chó, cho tôi một niềm tin vào khả năng vô hạn của văn chương, lớn đến mức khi nó đã mất đi gần hết trong ba mươi năm cầm bút thì phần còn lại vẫn đủ để tôi hạnh phúc.

 Vậy mà càng ngày tôi càng ít đọc ông. Có đọc, cũng đọc dở. Sau vài chục trang là bỏ. Nghệ thuật hư cấu và sức tưởng tượng phi thường của ông mà tôi từng ngưỡng mộ vô điều kiện bỗng mất dần vẻ mê hoặc. Thậm chí khiến tôi khó chịu. Quá nhiều phúng dụ và ẩn dụ. Quá nhiều ngụ ngôn, trong đó các loài vật: chó, mèo, chuột, cá bơn, cua, ốc sên, cóc tía… phải miệt mài gánh những biểu tượng nặng trĩu. Toàn những biểu tượng áp đảo, chiếm chỗ trung tâm, cưỡng chế mọi thứ khác. Quá nhiều hình ảnh. Quá nhiều cành lá sum sê. Quá baroque. Cả cái ngôn ngữ trước sau vẫn nhiều chất thơ và giầu nhạc tính, trước sau vẫn tiết lộ một bút lực khác thường của ông, một lúc nào đó cũng không còn thực sự hấp dẫn tôi nữa. Có thể vì tôi là một độc giả thừa cơ hội để thiếu trung thành. Có thể vì tôi đã thôi đọc văn chương hư cấu, trừ khi để giải trí. Hay vì có những sơn hào hải vị mà người ta chỉ nên xơi cho đã một hai lần trong đời, nếu muốn giữ trọn tình cảm dành cho chúng, hoặc để bảo trọng sức khỏe. Những bữa tiệc của Günter Grass ngồn ngộn chất đạm, dầu mỡ, gia vị, mầu sắc, chồng chất các tảng và tầng ẩm thực, hiển nhiên là một đẳng cấp khác hẳn loại thực đơn của người ăn độn hay người ăn kiêng, và có lẽ phần lớn các nhà văn khác chỉ mong cả đời bày được một góc bàn ăn của ông, song nhu cầu nhồi calorie của tôi không còn như cũ.  

Cũng có thể vì cái vai trò Thái sư Quốc gia của ông. Tây Đức hậu chiến đủ sức trỗi dậy làm nên một phép mầu kinh tế, nhưng ngột ngạt trong di sản của Đế chế Quốc xã và đậm đặc mùi khuynh hữu thủ cựu, tìm thấy trong những trí thức cánh tả của thế hệ Günter Grass một đối trọng cần thiết để thực sự chuyển mình. Trong các bài tưởng niệm tràn ngập báo chí Đức những ngày này, sau khi ông qua đời, cả những người ghen hoặc ghét hoặc cả ghen lẫn ghét mọi thứ ở ông, từ bộ râu cố hữu, chiếc tẩu bất ly thân và Giải Nobel may mắn trở đi, cũng phải thừa nhận rằng nước Đức rất có thể đã không trở thành một trong những nền dân chủ vững vàng nhất trên thế giới như ngày hôm nay nếu nó không được tháp tùng bền bỉ, thiết tha và thường xuyên gây tranh cãi đến thế bởi nhà văn dấn thân Günter Grass, người “không cho quá khứ yên nghỉ”, người “rạch toang những vết thương liền sẹo quá nhanh” và “khui ra những xác chết trong các tầng hầm niêm phong kín”, người “xâm nhập những căn phòng cấm” và “ăn thịt những con bò thờ”, người “không coi bất kể điều gì là thiêng liêng”, như quan niệm của ông về nghề văn, phát biểu trong Diễn từ Nobel. Ở thời đại nào, một nhà văn lớn cũng đồng thời là một ăng-ten của dân tộc, có thể đến giọt mực cuối cùng, song những cái job đặc biệt hơn, là lương tri thức tỉnh, là thanh tra đạo đức của dân tộc, thì ngay cả một nhà văn lỗi lạc cũng không nên đảm nhiệm suốt đời. Günter Grass có phần gây ấn tượng là người tự phong cho mình vai thái sư, vai quản giáo tinh thần muôn thuở, Praeceptor Germaniae. Nước Đức bây giờ đã khác xa thời hậu chiến. Những chấn thương tinh thần từ một quá khứ tội lỗi nhường chỗ dần cho những hội chứng khác của quá trình thống nhất Đông Tây mà Günter Grass quyết liệt phản đối, ông gọi đó là sự sáp nhập Đông Đức vào Tây Đức, như Đế chế Quốc xã đã từng sáp nhập các khu vực láng giềng. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) mà ông từng là đảng viên, từng dốc trọn nhiệt huyết để cổ xúy, xây đắp và thậm chí uốn nắn theo hình dung của mình cũng không còn là đáp án tốt hơn cho nhiệm vụ xây dựng một xã hội đáng sống hơn. Một lúc nào đó, tôi đã tắt TV khi ông xuất hiện.

Chín năm trước, cuốn tự truyện Bóc hành (Beim Häuten der Zwiebel) của ông tiết lộ một chi tiết tiểu sử khiến dư luận bùng lên phẫn nộ. Ở tuổi 16 ông đã tự nguyện đầu quân vào Wehrmacht, quân đội Đức Quốc xã, rồi tự hào được nhận vào Waffen-SS, lực lượng tinh nhuệ do Thống chế SS khét tiếng Himmler chỉ huy, và tin tưởng Quốc trưởng đến phút cuối cùng, khi nước Đức ngã gục trên đống tan hoang do chính nó gây ra. Ít ai kết tội chàng trai Günter Grass, một đoàn viên Hitler, một thiếu niên Nazi, về lỗi lầm đó của tuổi trẻ. Chàng cũng không hoặc chưa kịp tham dự vào những tội ác của SS, chỉ kịp bị thương ngay vài tháng sau, rồi trở thành tù binh trong tay người Mỹ. Đó là năm cuối cùng của Thế chiến II ở châu Âu. Song người ta không tha thứ cho nhà văn Günter Grass ở việc đã giữ kín điều bí mật ấy suốt sáu mươi năm. Ông, người thường xuyên khuấy động lương tâm của dân tộc Đức lại cho phép lương tâm mình đi nghỉ dài hạn những sáu thập niên; người liên tục đòi hỏi Vergangenheitsbewältigung, đấu tranh với quá khứ, lại thoái thác trước quá khứ của chính mình; người chọc tay phanh phui những vết thương tập thể lại dán cao che kín vết chàm của bản thân; người rung chuông đạo đức rất to lại ngậm miệng trước khoảng chân không đạo đức của tội lỗi ở chính mình. Ông đã ngậm miệng về sự đồng lõa với tội ác của mình, đã che giấu nỗi hổ thẹn bị Nazi quyến rũ như tất cả những người bị ông lên án. Ông, lương tri thức tỉnh của nước Đức, bỗng bị coi là kẻ to mồm đạo đức giả, thậm chí là kẻ lừa đảo trục lợi: trong tiểu sử chính thức gửi cho Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông chỉ cho biết khá mơ hồ là đã “phục vụ trong quân đội”, giấu hẳn việc mình từng là lính xe tăng của Sư đoàn Thiết giáp số 10 mang tên “Frundsberg” thuộc Waffen SS. Người ta đòi ông trả lại Giải Nobel. Có trường đại học muốn đòi lại bằng Tiến sĩ Danh dự, có thành phố muốn đòi lại danh hiệu Công dân Danh dự đã trao cho ông. Trao nhầm. Có người ác miệng bảo đó là trao huân chương ăn chay cho một tay đồ tể.

 Ẩn dụ bóc hành đã một lần được Günter Grass sử dụng ngoạn mục trong một chương gần cuối cuốn Cái trống sắt. Ông cho giới khá giả ở thành phố Düsseldorf đêm đêm đến một tiệm ở tầng hầm, nơi họ được phát dao, thớt và một củ hành để bóc, để thái, để tràn nước mắt, những giọt nước mắt mà tự họ không biết khóc nếu thiếu chất kích thích. Bóc hành, họ được khóc thả cửa, được xả hết những lời sám hối và thú nhận, những ẩn ức, mặc cảm tội lỗi và những nhát cắn của lương tâm. Nửa thế kỉ xen vào giữa hai lần bóc hành. Lần đầu là nước mắt của các nhân vật tiểu thuyết. Lần sau là nước mắt của chính nhà văn.

 Nhà văn Việt Nam, ai sẽ phải bóc hành để trả lời biết bao nhiêu câu hỏi từ di sản của những cuộc chiến tranh cũng đầy tội lỗi?

 (Bài đã đăng trên báo Trẻ, 23/4/2015)

 

 

 

Comments are closed.