Mê tín cũng là quyền con người

Trịnh Hữu Long

 

 

Hoạt động cúng xá lị tóc của Đức Phật ở chùa Ba Vàng đang bị nhiều người cho là mê tín. [1] Lý do vì người ta đi cúng một sợi tóc “tự chuyển động” và tin rằng đó là phép nhiệm màu của Đức Phật. Từ đó, một số ý kiến cho rằng nên cấm những hoạt động mê tín này, thậm chí đóng cửa luôn chùa Ba Vàng.

Chuyện cúng bái này có phải là hoạt động mê tín hay không xin miễn bàn ở đây, bởi từ “mê tín” ở ta hiện nay đang bị hiểu theo nghĩa hoàn toàn xấu. Nhưng kể cả đó có là hoạt động mê tín đi chăng nữa thì nó thực ra vẫn là một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người và được thực hành có lẽ là thuộc loại sớm nhất trong lịch sử.

Gần như ai cũng có nhu cầu tin vào một thực thể siêu nhiên hay thậm chí là hoang đường nào đó không thể chứng minh được bằng các phương pháp thông thường. Bởi vậy mới gọi là “niềm tin” chứ không phải lý lẽ.

Nói vậy để thấy rằng dù có ghét chùa Ba Vàng và ghét mê tín dị đoan cỡ nào đi chăng nữa thì họ cũng có quyền tổ chức những hoạt động như “cúng xá lị tóc của Đức Phật”, miễn là không làm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của ai.

Cái đáng nói ở ta là tại sao rất nhiều cơ sở tôn giáo, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khác không được tự do hoạt động như Ba Vàng, mà lại bị cấm đoán, bắt bớ, tù đày? [2] Tại sao Ba Vàng lại được biệt đãi? Ngân sách nhà nước có chi đồng nào cho Ba Vàng hay không?

Lấy ví dụ chẳng hạn như Làng Mai của thiền sư Thích Nhất Hạnh không được phép hoạt động ở Việt Nam, các cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được thừa nhận về mặt pháp lý, hoạt động hành lễ của một số thánh thất của đạo Cao Đài bị ngăn trở, hoạt động cầu nguyện và truyền giáo của một số nhóm Tin Lành bị đàn áp dã man, v.v. [3] [4] [5] [6] Nhiều hòa thượng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như Thích Quảng Độ, Thích Tuệ Sỹ đã phải chịu những án tù dài đằng đẵng chỉ vì hoạt động tôn giáo của mình. [7]

Gom chung hoạt động “cúng sợi tóc” của Ba Vàng với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng khác xem chừng có thể gây tranh cãi về mặt tâm linh, nhưng xét về mặt pháp lý thì họ đều như nhau: chính quyền không được can thiệp một cách bất hợp lý, bất kể là can thiệp theo hướng đàn áp hay biệt đãi. Đó là ý niệm cốt lõi của tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Trong một nền pháp luật tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng, chính quyền sẽ không cấm đoán những hoạt động như hầu đồng, gọi hồn, cúng bái; cũng không ngăn cản những hoạt động hành lễ, cầu nguyện, truyền giáo của người dân.

Về mặt pháp lý, một chính quyền chỉ có thể can thiệp vào tự do của người dân khi hoạt động của người dân ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, trật tự – an toàn xã hội. Việc can thiệp, về nguyên tắc, phải được ghi rõ trong luật và thỏa mãn yếu tố “cần thiết”. Điều này không những được ghi rõ trong luật nhân quyền quốc tế mà còn trong cả Hiến pháp 2013 của Việt Nam. [8] [9]

Ta lấy ví dụ hoạt động cúng xá lị tóc do chùa Ba Vàng tổ chức.

Bản thân hoạt động cúng bái này thuộc về phạm vi tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Chùa Ba Vàng có quyền tổ chức, người dân có quyền hành hương tới cúng bái, cúng dường. Không cần phải xin phép hay đăng ký với chính quyền. Đó là hoạt động thuần túy dân sự như mọi hoạt động cúng bái nào khác. Cùng lắm thì chùa chỉ có nghĩa vụ thông báo với chính quyền chứ không phải xin phép hay đăng ký.

Và vì đây là quyền của người dân, chính quyền thậm chí còn có nghĩa vụ đảm bảo cho người dân được thực thi quyền của mình, trong đó có việc tổ chức phân luồng giao thông, cắt cử các lực lượng công an tới khu vực bên ngoài chùa để bảo vệ an ninh – trật tự, v.v.

Chính quyền chỉ có thể can thiệp yêu cầu hủy hoặc hoãn sự kiện nếu có đủ căn cứ cho rằng địa điểm tổ chức có thể có khủng bố tấn công, hoặc thời điểm tổ chức trùng với thời kỳ dịch bệnh lây lan, hoặc đoạn đường dẫn tới chùa có dấu hiệu sụt lún nghiêm trọng có thể dẫn tới tai nạn chết người, v.v.

Để tránh việc chính quyền lạm quyền, pháp luật thậm chí còn phải yêu cầu chính quyền xin tòa phê chuẩn lệnh yêu cầu hủy hoặc hoãn, trừ trường hợp khẩn cấp.

Còn chuyện sợi tóc đó ngọ nguậy hay không, pháp luật không cần quan tâm.

Một xã hội tự do đòi hỏi ta phải chấp nhận chung sống hòa bình với những hành vi khó ưa với bản thân mình. Bởi suy cho cùng, xã hội cũng phải chấp nhận chung sống hòa bình với những hành vi khó ưa của chính bản thân ta. Xin chớ vì thấy khó ưa mà đòi cấm đoán người khác, bởi vì đó chính là tâm tính độc tài. [10]

Chú thích

1. Tr.Đức. (2023, December 28). Xôn xao thông tin xá lợi tóc Đức Phật 2.600 năm trưng bày ở chùa Ba Vàng. Báo Người Lao Động. https://nld.com.vn/xon-xao-thong-tin-xa-loi-toc-duc-phat-2600-nam-trung-bay-o-chua-ba-vang-196231228095020704.htm

2. Văn Tâm. (2023, May 29). Vì sao chính quyền Việt Nam luôn khắc nghiệt với tôn giáo? Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/05/vi-sao-chinh-quyen-viet-nam-luon-khac-nghiet-voi-ton-giao

3. Thanh, T. (2022, March 29). Làng Mai và ba rắc rối khi hoạt động tại Việt Nam. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2022/03/lang-mai-va-ba-rac-roi-khi-hoat-dong-tai-viet-nam

4. Trần Phương. (2023, November 29). Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ: Tù nhân ngoài nhà lao. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/11/hoa-thuong-thich-tue-sy-tu-nhan-ngoai-nha-lao

5. Trần Phương. (2020, October 10). Tôn giáo tháng 9/2020: Số phận của những Thánh thất Cao Đài độc lập. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2020/10/ton-giao-thang-chin-so-phan-cua-nhung-thanh-that-cao-dai-doc-lap

6. Văn Tâm. (2023, August 17). 70 năm đàn áp đạo Tin Lành sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/08/70-nam-dan-ap-dao-tin-lanh-sau-chien-thang-dien-bien-phu

7. Trần Phương. (2020, March). Hòa thượng Thích Quảng Độ: Một đời tranh đấu. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2020/03/hoa-thuong-thich-quang-do-mot-doi-tranh-dau

8. Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx

9. Hiến pháp 2013. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

10. Vi Yên. (2018, May 6). Nhân cách độc tài nuôi dưỡng chế độ độc tài như thế nào. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2018/05/nhan-cach-doc-tai-nuoi-duong-che-do-doc-tai-nhu-the-nao

Nguồn: https://www.luatkhoa.com/2023/12/me-tin-cung-la-quyen-con-nguoi/

Comments are closed.