Chặng đường đi tiếp của cô bé 13 tuổi

Nguyn Th Hin

Đó là năm học cuối cùng. chúng tôi làm bài thi tốt nghiệp. Thời gian này trường học của chúng tôi sơ tán ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), qua con sông là đến tỉnh Thái Nguyên.

Một buổi chiều tôi đang ngồi đọc sách, có người đến tìm tôi. Nói tôi ra cầu Vát nhà bác Phạm Văn Đôn, cô Kim, có người cần gặp ngay.

Vội chạy ra. Đến nơi nhìn vào trong nhà thấy bố Kim Lân của tôi đang ngồi ở đấy. Tôi vừa kịp chào hai bác, bố tôi đứng dậy ngay nói với hai bác:

– Tôi xin phép anh chị, tôi đưa cháu về.

Hai bố con tôi đi ra ngoài. Tôi cùng bố đi trên cánh đồng. Hai bên là ruộng lúa. Hai bố con im lặng đi bên nhau. Rồi bỗng bố tôi đứng dừng lại nói với tôi:

– Hiền ạ. Thầy lên tìm con để nói với con một chuyện để con bình tĩnh và không bị sốc. Đó là bài thi tốt nghiệp của con. Nhà trường sẽ cho con đỗ bét lớp. Tất cả các bạn trong lớp của con sẽ được vào đoàn. Riêng con thì không.

Các bạn con sẽ được lên cao học, được đi nước ngoài học dù họ học kém hơn con. Riêng con thì không. Thầy biết con là một học sinh giỏi. Suốt 7 năm học, con toàn điểm cao nhất. Con chăm chỉ, ngoan ngoãn. Nhưng nhà trường luôn có định kiến với con vì biết con ngoài học ở trường con còn đến học các bác Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Văn Cao…

Nhà trường định kiến với con ngay từ lớp học đầu tiên khi con 13 tuổi… Nên thầy biết con bị trù dập và chịu nhiều uất ức.

Nhưng thầy chỉ muốn nói với con là thầy hiểu con. và không sao. "Học tài thi phận", con ạ

Con vẫn là một học sinh giỏi nhất nhì trong suốt những năm học. Và con còn tương lai rất dài phía trước. Thầy tin con. con không việc gì buồn hay thất vọng, con nhé.

Ông đứng dừng lại nhìn tôi chăm chăm. Tôi nhìn ông, không dám khóc và nghẹn ngào nói với bố:

– Thầy yên tâm. Con không sao đâu. Con hiểu rồi.

Ông đứng lặng nhìn tôi rồi nói:

– Thôi, bây giờ thầy về nhé.

Trời đã về chiều. ông lên xe đạp cắm cúi đạp xe đi. Lưng ông còng xuống. Tôi đứng lặng nhìn theo ông đi. Ông đã đạp xe gần 100 km lên gặp tôi. Rồi lại đạp xe gần 100 km trở về.

Ông đến gặp tôi để chia sẻ với tôi sự bất công tôi sẽ phải gánh chịu sắp tới.

Ông cũng đến gặp tôi để nói cho tôi biết rằng ông vẫn tin tôi. Rằng tôi là một học sinh rất giỏi. Rằng tôi còn cả một tương lai rất dài chờ đợi tôi phía trước.

Tôi biết ông muốn nói với tôi: "Hãy dũng cảm là chính mình, con ạ”.

Cuộc đời tôi không biết đã bao nhiêu lần nhìn dáng người gầy gò của ông lặng lẽ chia sẻ với tôi bao nhiêu bất công mà tôi gánh chịu.

Ngày hôm sau tuyên bố điểm thi. Tôi ngồi ở nhà. Bỗng Báu cô bạn học cùng lớp chạy sang ôm lấy tôi nói.

Hiền ơi. Mày bị cho đỗ bét rồi. Tao học kém hơn mày rất nhiều mà điểm thi của tao còn cao hơn mày.

Tôi nói với Báu tao biết rồi. Bố tao đã nói cho tao biết hôm qua rồi.

Báu ôm tôi khóc nức nở. Riêng tôi bình thản khi nghe tin này. Lòng thầm cám ơn bố đã cho tôi biết trước. Để tôi có thể bình thản. Không bị sốc và không thất vọng.

Dù sao tôi mới 20 tuổi với muôn vàn tin yêu vào cuộc đời. Nếu không có bố báo trước và ông nói với tôi ông tin tôi, chắc tôi không thể bình thản đón nhận bất công với lòng đầy kiêu hãnh như tôi lúc đó.

clip_image001

NHÌN. Sơn mài

 

Chúng tôi làm bài thi tốt nghiệp xong. Nhà trường cho triển lãm tất cả các bài thi của học sinh. sinh viên của các khoa trong trường.

Hôm đó tôi vào trường như thường lệ. vừa vào đến sân trường bỗng nghe tiếng gọi lớn:

– Hiền vào đây bác nói chuyện.

Quay nhìn sang. thấy bác Trần Văn Lắm, hiệu phó, bí thư đảng đoàn trường gọi tôi. Tôi dạ một tiếng và tiến về phía bác.

Bác Lắm đang ngồi ở sân vườn trước cửa nhà bác. Bác chỉ một cái ghế nói tôi ngồi xuống. Vừa ngồi xuống bác nói luôn với tôi.

– Thế nào? Đã biết thân chưa? Suốt 7 năm là học sinh giỏi mà lại bị cho đỗ bét lớp, cháu có biết vì sao không?

Là vì bác biết mặc dù cháu học ở trường nhưng cháu vẫn lén lút học các ông Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Văn Cao…, toàn là dân Nhân văn – Giai phẩm.

Các bạn trong lớp ai cũng gọi bác là Ba xưng con. Riêng cháu thì không. Cháu lúc nào cũng lễ phép nhưng bác biết thừa cháu không phục bác, đúng không?

Tôi ngồi im nghe bác nói một tràng dài, xong bác nói bây giờ cháu trả lời bác đi.

Tôi rất ngoan ngoãn trả lời bác rằng bác đã hỏi cháu xin trả lời:

– Thứ nhất bác nói cháu biết thân chưa, cháu là học sinh giỏi mà lại bị cho đỗ bét!

Thì bố cháu đã nói với cháu: – "Học tài thi phận". Con còn cả một tương lai rất dài. không thể vì một bài thi mà đầu hàng!

Và cháu tin lời bố cháu! Cháu biết cháu còn cả một tương lai phía trước rất dài.

Cháu cũng xin báo cáo với bác trong đợt trình bày bài thi lần này của toàn thể các khoa của nhà trường. Riêng bức tranh đỗ bét của cháu và một bức tượng của khoa điêu khắc đã được đăng lên rất nhiều báo chí khen ngợi.

Vì vậy cháu nghĩ ngoài các bác còn có rất nhiều sự đánh giá khác nhau nữa.

– Bác lại nói ngoài học trong trường cháu còn lén lút học các bác Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Văn Cao, Sỹ Ngọc… Cháu xin trả lời bác cháu không lén lút. Cháu kính phục và trân trọng các bác ấy. và cháu may mắn được các bác ấy chỉ dạy.

– Bác nói bác biết cháu tuy ngoan ngoãn, trông thấy các bác chào hỏi lễ phép nhưng bác biết thừa là cháu không phục bác!

Cháu xin trả lời bác. Các bác bằng tuổi hoặc hơn tuổi bố cháu thì cháu phải lễ phép chào hỏi

Nhưng phục lại là lĩnh vực hoàn toàn khác. Phục là phục người có nhân cách và tài năng bác ạ.

Bác cũng khó chịu với cháu vì các bạn đều gọi bác là Ba xưng con. riêng cháu thì không.

Cháu đã nhiều lần trả lời bác. Cháu chỉ duy nhất có một người bố để cháu xưng là con. Đó là bố Kim Lân của cháu. Ngoài ra không một ai có thể để cháu gọi là Ba và xưng là con! Mong bác hiểu.

Bác Lắm có vẻ cáu lắm rồi. bác nói với tôi:

– Cháu biết chưa cả lớp ai cũng được vào Đoàn Thanh niên. Duy nhất một mình cháu sẽ không được vào Đoàn. Và như vậy cháu sẽ không được học tiếp lên cao đẳng nữa.

Bác lại bảo tôi: Bây giờ các bài học của cháu phải nộp trả lại nhà trường ngay!

Tôi quay sang bác – có lẽ khi đó tôi đã rất tự kiêu khi trả lời bác:

– Thưa bác cháu không còn một bài nào trong tay bởi vì tất cả các bài của cháu toàn được điểm cao nhất nên nhà trường đã giữ lại làm giáo cụ cho các lớp sau rồi nên cháu không còn bài nào ạ.

Tôi khi đó còn quá trẻ. lại cũng không biết sợ là gì. trong lòng lại có nhiều phần tự kiêu và liều mạng.

Tin rằng mình còn có cả một tương lai đón chờ mà không biết rằng tôi sẽ còn đón nhận rất nhiều chông gai đang dành sẵn đợi tôi phía trước

clip_image003

NHÌN. Sơn mài

Sau khi tốt nghiệp. các bạn trong lớp tôi người được lên học cao đẳng, người được phân đi làm việc ở các tỉnh thành, có bạn xung phong đi bộ đội, đi B.

Riêng tôi được phân công về huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) làm việc.

Lần đầu tiên đến huyện làm việc. Trưởng phòng là anh Ninh sắp xếp cho tôi ở cùng một bạn gái tên Thuận cũng dân Hà Nội như tôi.

Lần đầu tiên đến một nơi xa lạ, tôi phải tự lo cho mình chuyện ăn uống, vô cùng lúng túng vì từ bé cho đến khi đi học tôi không hề biết đi chợ hay nấu nướng. Thật may có Thuận nhanh nhẹn lo cho tôi việc này nên cũng ổn.

Bây giờ đến chuyện xếp mức lương cho tôi. Cả phòng văn hóa của một huyện nhỏ ở quê không biết xếp mức lương cho tôi thế nào. Vì nếu đúng với trình độ học của tôi đã có mức lương định sẵn của Bộ Văn hóa thì lương của tôi cao hơn lương của anh Ninh trưởng phòng to nhất ở đây.

Loay hoay mãi họ không biết xếp mức lương của tôi thế nào. Tôi đành phải dùng tiền của mình; do nghỉ hè tôi nhận vẽ cho bệnh viện của tỉnh nên ngoài tiền đưa cho mẹ. tôi còn một ít để tự lo cho mình.

Tôi đã ở lại huyện làm việc trong ba tháng không có lương.

Trong ba tháng này tôi đã nói với anh Ninh cho tôi đi vẽ tranh cổ động và cho Thuận đi bưng màu phụ cho tôi. Được sự đồng ý, tôi bắt đầu đi vẽ một loạt tranh cổ động.

Cứ có bất kỳ bức tường nào hở ra là tôi vẽ. Có nhà cao tôi bắc thang leo trèo lên vẽ. Không hiểu sao tường cao, tôi không sợ, trèo lên thang đứng vẽ. Ở trên thang cao, tôi cứ nhấc thang sang bên phải, rồi nhấc thang sang bên trái vẽ không sợ ngã. Cần thêm màu Thuận lại đưa cho tôi. Cứ thế tôi đã vẽ một loạt tranh cổ động kéo dài từ huyện Hiệp Hòa về đến cầu Vát nhà bác Phạm Văn Đôn nơi trường của tôi sơ tán đóng ở đấy.

Sau khi vẽ xong một loạt tranh tường cổ động cho huyện, tôi nói với anh Ninh tôi đã giúp huyện vẽ một loạt tranh cổ động nhưng suốt ba tháng đi làm tôi không có lương vì các anh không thể xếp chế độ lương cho tôi do tôi đã bị xếp công việc sai. Vì vậy bây giờ tôi xin phép các anh tôi đi về nhà.

Về đến nhà tôi viết thư cho hiệu trưởng nhà trường là họa sỹ Trần Đình Thọ và ông Vũ Hiền thay bí thư Đảng ủy trường Trần Văn Lắm. Trong thư tôi nói với các bác: Trường do Bộ Văn hóa quản lý, vì vậy đúng nguyên tắc Bộ chỉ có thể phân công cán bộ đi làm về tỉnh. Tỉnh có thể phân cán bộ đi làm về huyện. Các bác đã làm sai khi phân công cháu thuộc quản lý của Bộ đi làm ở huyện, là sai không đúng ngạch. Vì vậy cháu đã đi làm suốt ba tháng mà huyện không có chế độ lương cho cháu. Cháu đã vẽ một loạt tranh cổ động từ huyện về đến cổng trường, tặng lại cho huyện. Bây giờ cháu chào huyện, chào các bác cháu về Hà Nội. Cháu đề nghị huyện cho cháu lấy lại học bạ của cháu. Nhưng huyện nói các bác đã cho người lên thu về rồi.

Kể từ đó các bác đã cho thủ tiêu học bạ của cháu vì trong học bạ suốt 7 năm học cháu toàn điểm cao. Và cháu không làm điều gì vô kỷ luật. Nhưng vì các bác biết rất rõ việc các bác phân công cháu về huyện là sai và không đúng nguyên tắc. Nên các bác sợ và đã cho thủ tiêu học bạ suốt 7 năm học của cháu!

Kể từ đó không bao giờ tôi nhìn thấy học bạ của mình.

Gửi thư cho các bác xong. Ngay sau đó tôi về Hà Nội

Môt thời gian sau bác Mộ Thanh bạn của bố tôi đã xin cho tôi vào làm ở tạp chí Thanh niên, tờ báo của Trung ương đoàn.

Kể từ ngày đó, sau bức thư tôi viết cho hiệu trưởng trường mỹ thuật Trần Đình Thọ và bí thư Đảng trường ông Vũ Hiền, nếu trên đường đi hai ông nhìn thấy tôi, lập tức hai ông rẽ ngoặt ngay sang hướng khác và không bao giờ nhìn mặt tôi nữa.

clip_image005

NHÌN. Sơn dầu

Sau khi rời huyện Hiệp Hòa về Hà Nội. chưa có việc làm, tôi dành thời gian ngồi sáng tác tranh, nhận làm minh họa cho các báo, các nhà xuất bản. Tôi minh họa cho báo Văn nghệ, báo Tiền phong, Ngựa Gióng, báo Thiếu niên, nhà xuất bản Văn học, nhà xuất bản Kim Đồng, báo Chữ thập đỏ, báo Hà Đông, báo Lạng Sơn, báo Thanh hóa, báo Quảng Bình; vẽ cho xưởng phim hoạt họa, v.v. Tôi đã làm minh họa cho báo chí, nhà xuất bản khắp Hà Nội đến các tỉnh thành trong nước.

Rồi tôi làm thiết kế sân khấu và làm tượng những con rối cho nhà hát múa rối.

Tuy chưa có việc làm ở cơ quan nhà nước nhưng tôi dành thời gian để sáng tác tranh và bận rộn vô cùng vì được giao vẽ rất nhiều minh họa.

Cứ mỗi lần ngồi vẽ minh họa thì Mẹ tôi ngồi một bên rồi nấu ăn cho tôi. Bố tôi ngồi một bên xem tôi vẽ không rời.

Lần đầu tiên tôi gửi tranh đi dự triển lãm ở Hội Văn nghệ Hà Nội. Bức tranh đó tôi đã được trao giải nhất.

Khi đó có đoàn nhà báo Ba Lan đã hỏi mua. Nhưng bố tôi không cho bán. Ông luôn muốn giữ tranh của tôi không rời.

Sau báo Ba Lan đã cho in bức tranh đó của tôi vào tờ báo của họ. Anh Đặng Nhân làm ở Hội Mỹ thuật đã cho tôi xem tờ báo. Họ in màu to và rất trang trọng.

Do bức tranh và một số sáng tác của tôi, Hội Văn nghệ Hà Nội đã kết nạp tôi vào hội. Và tôi là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội ngay từ khi đó.

Tôi cũng tham gia các cuộc triển lãm do hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức. Lần nào tôi cũng nộp mấy bức tôi vừa mới vẽ xong, trong lòng vô cùng háo hức, tin tưởng.

Một thời gian sau bác Mộ Thanh xin cho tôi vào làm ở tạp chí Thanh Niên thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên. Tôi phụ trách mảng thiết kế, in ấn, mỹ thuật.

Các anh nói tôi làm ở Trung ương Đoàn thì phải vào Đoàn. Tôi khi đó đã mang vết thương ở trường Mỹ thuật khi cả lớp được vào Đoàn, riêng tôi thì không. Nên tôi hờn dỗi nói với Ban Biên tập ai muốn tôi vào Đoàn thì cứ viết đơn cho tôi!

Vậy mà các anh viết đơn cho tôi ký và kết nạp tôi vào Đoàn của Trung ương Đoàn ngay.

Khi đó Trung ương Đoàn tổ chức thi vẽ tranh cổ động và mời các họa sỹ toàn quốc cùng tham gia. Đợt triển lãm tranh cổ động này tôi lại được giải nhất.

Lần này thì không đơn giản như lần ở Hội Văn nghệ Hà Nội. Một làn sóng phản đối từ Hội Mỹ thuật và hàng loạt phản ứng ở những đâu ồ ạt gửi đến Trung ương Đoàn, không đồng ý cho tôi được nhận giải nhất này.

Các anh trong Ban Biên tập nói với tôi có tới cả trăm bức thư từ công khai đến nặc danh không có tên gửi đến phản đối việc tôi được giải nhất.

Vì vậy Trung ương Đoàn sẽ cho toàn bộ tranh đi triển lãm ở tất cả các trường đại học để lấy ý kiến nhận xét của sinh viên.

Sau khi đi vòng một loạt các trường đại học để lấy ý kiến. Cuối cùng tranh của tôi vẫn được 100% sinh viên thích nhất.

Cuối cùng không biết những thế lực phản đối ở những đâu nhưng rồi họ vẫn buộc phải chấp nhận để trao giải nhất cho tôi.

Các anh trong Ban Biên tập đã hỏi tôi:

– Hiền, em có muốn xem hay muốn nghe các anh nói lại cho em biết họ đã nói em thế nào không?

Tôi đã hỏi lại các anh tại sao tôi phải xem. Tôi không cần xem. Với tôi được giải hay không không quan trọng.

Nhưng tôi cũng rất vui và cám ơn vì đã được hàng loạt sinh viên của các trường đại học ủng hộ.

Tôi không muốn biết, không cần xem. Tôi không muốn biết họ đã nói gì về tôi. Bởi tôi biết rất rõ tôi là ai, một ngày tôi đã làm gì và tôi đã sống ra sao.

Tôi không muốn cuộc sống mất đi cái nhìn tử tế để mang lòng oán giận hay sợ hãi trước những dư luận do lòng đố kỵ ganh tỵ mà họ muốn dội vào cuộc sống của mình như vậy.

Suốt cuộc đời của tôi, tôi đã nhiều lần luôn từ chối không để mình can dự vào tất cả mọi dư luận họ nói về tôi thế nào. Để mình vẫn yêu thương cuộc sống mà mình đã được ban tặng trong kiếp này. Mãi mãi.

clip_image007

NHÌN. Sơn dầu

Năm 1968 tôi bắt đầu về làm báo ở tạp chí Thanh niên, thuộc Trung ương Đoàn.

Câu chuyện làm báo là cả một câu chuyện dài.

Nhưng tôi muốn đi theo tiếp chặng đường của cô bé 13 tuổi.

Trong mấy năm đó, tôi tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin, sáng tác không ngừng và tham gia tất cả các cuộc triển lãm của Hội Mỹ thuật tổ chức.

Tôi bao giờ cũng nộp những tranh vừa mới sáng tác và không bao giờ nộp tranh cũ.

Tiền làm minh họa của tôi, bố tôi nói con phải trích ra một phần để mua toan, sơn, bút, v.v.

Nhiều lúc sơn dầu để vẽ rất hiếm, tôi học cách nghiền màu của chú Dung khi tôi còn học ở trong trường, tự nghiền màu sơn dầu để vẽ.

Toan vẽ cũng rất hiếm. Tôi đã dùng bao tải bột mỳ của Liên Xô, giặt sạch rồi tự căng lên khung rồi dùng sơn vừa tự nghiền để hoàn thành việc sơn lót để chuẩn bị vẽ.

Sau bốn năm, từ khi ra trường, năm nào tôi cũng nhiệt tình tham gia tất cả các cuộc triển lãm.

Đến năm 1969, sau khi tham dự triển lãm ở số 10 phố Hàng Đào, tôi nhận được giấy triệu tập. đúng 6 giờ chiều phải có mặt ở phòng triển lãm.

Khi tôi đến nơi đã thấy rất đông người có mặt ở đó rồi.

Tất cả ban lãnh đạo Hội Mỹ thuật có mặt.

Chủ tịch hội Huỳnh Văn Gấm.

Phó chủ tịch Mai Văn Hiến.

Cô Giáng Hương.

Ông Trần Đình Thọ.

Thầy giáo và rất đông người tôi không thể nhớ hết.

Nhưng không bao giờ tôi quên được hôm đó đã có mặt:

Bí thư thành ủy Hà Nội ông Nguyễn Văn Trân.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa ông Cù Huy Cận.

Tất cả mọi người ngồi kín vòng quanh cái bàn dài.

Tôi bé tí gầy nhom chưa đến 40 kg ngồi lọt thỏm trong đám người và không hiểu họ triệu tập tôi đến làm gì.

Cuộc họp bắt đầu lúc 6 giờ chiều và đến hơn 12 giờ đêm vẫn chưa kết thúc.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Cù Huy Cận bắt đầu ngủ ngáy ầm ầm.

Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Trân cũng cố gắng cưỡng lại cơn buồn ngủ, chỉ thi thoảng gật xuống một cái rồi lại cố bừng tỉnh.

Tôi ngồi giữa mọi người. Mãi mới hiểu ra là họ triệu tập tôi đến đây là để phê bình chỉnh huấn tư tưởng và những sáng tác của tôi.

Các ý kiến nhao nhao phê bình tôi. Mới đầu tôi còn nghe một tý. Nhưng sau chẳng hiểu mọi người nói gì mà hăng lắm.

Tôi chỉ còn nhớ đúng một câu họ phê bình tôi mà nó đã gây ấn tượng cho tôi đến tận bây giờ!

Đó là họ nói tôi là con gái, không nên vẽ sơn dầu. Chỉ nên vẽ lụa và khắc gỗ thôi.

Gần cuối buổi chỉnh huấn tôi, bác Mai Văn Hiến tiến đến chỗ tôi ngồi. Ông cúi xuống nói khẽ vào tai tôi:

– Hiền, cháu đừng nghe nữa. Nhưng bác phải nói với cháu câu này: – Tranh của cháu vẽ vẫn đẹp.

Tôi đã trả lời ông:

– Cháu cám ơn bác. Nhưng thực ra cháu không nghe đâu. Vì dù ngồi ở đây nhưng tâm trí cháu đã đi ra chỗ khác từ lâu rồi.

Xem ra họ đã theo tôi ráo riết và quyết triệt tận gốc tôi từ năm học đầu tiên khi tôi còn là cô bé mới 13 tuổi.

Nhưng càng ngày tôi càng hiểu rõ: Nếu mình có niềm tin, lòng đam mê, sự tử tế và lao động hết mình thì tất cả những điều họ đã đối xử với tôi như vậy đều trở nên vô nghĩa.

Và tâm trí tôi luôn bay về một phương mơ ước của riêng mình.

clip_image009

NHÌN. Sơn dầu

Sau đêm tôi bị triệu tập để nghe ban lãnh đạo phê bình, kiểm điểm, ngày hôm sau các bác họa sỹ: Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm,. Nguyễn Sáng, Văn Cao đã gọi tôi đến quán café của ông Lâm toét.

Tôi lại có một cuộc triệu tập thứ hai.

Nhưng lần này thì khác hẳn cuộc triệu tập tôi lần trước.

Các bác nói với tôi là các bác đã biết tôi vừa bị triệu tập để bị phê bình kiểm điểm, một cuộc triệu tập rất quy mô và có phần nguy hiểm cho tôi.

Nên hôm nay các bác muốn gặp tôi ở đây để nói với tôi là các bác đã biết tôi từ khi tôi còn bé tý, thường xuyên được bố tôi dắt đến ngồi xem các bác vẽ hàng giờ và những tranh tôi vẽ bao giờ cũng được bố Kim Lân mang đến để các bác góp ý. Các bác biết tôi rất đam mê và chăm chỉ làm việc. Các bác khen tôi vẽ đẹp, có tiếng nói riêng – điều này rất quan trọng cho một người nghệ sỹ.

Vì vậy hôm nay các bác muốn tôi phải vào Hội Mỹ thuật Việt Nam!

Các bác nói tất cả các bác sẽ ký vào đơn cho cháu. Vì cháu xứng đáng phải được Hội Mỹ thuật chấp nhận.

Khi tôi ngồi trong buổi triệu tập ở số 10 Hàng Đào suốt 6 tiếng đêm hôm đó, cả buổi triệu tập tôi không nghe gì chỉ nhớ mỗi hai điều:

– Họ nói: Tôi là con gái thì chỉ nên vẽ lụa hay làm khắc gỗ.

Và bác Mai Văn Hiến đã đến, cúi xuống nói nhỏ với tôi:

– Hiền, cháu đừng nghe nữa. Bác muốn nói với cháu là cháu vẽ vẫn rất đẹp!

Tôi đã cám ơn bác và nói với bác tuy cháu ngồi đây nhưng cháu không nghe họ nói gì. Và tâm trí của cháu đã đi ra chỗ khác từ lâu rồi.

Và quả thực tôi không nhớ họ đã nói những gì.

Nhưng khi ngồi nghe các bác nói, tôi đã rưng rưng nước mắt, cảm thấy mình khi đó thật yếu đuối, nhỏ bé. Tôi muốn được khóc trước các bác. Muốn được nói với các bác rằng quả thật cháu đã buồn lắm, cô đơn lắm. Rằng tại sao họ lại cư xử với cháu như vậy.

Các bác đã an ủi tôi, khích lệ tôi và nói với tôi là các bác hiểu tôi, rất thương và quý tôi. Và quan trọng là các bác nói các bác tin tưởng tôi.

Các bác nói cháu về viết đơn rồi mang đến các bác ký.

Trên đường về, tôi vừa đi vừa khóc, bỗng cảm thấy mình thật yếu đuối, muốn mình vẫn được là cô bé 13 tuổi năm nào. Ngây thơ, trong sáng và tin vào mọi điều tốt đẹp của con người.

Và lá đơn xin vào Hội Mỹ thuật Việt Nam của tôi đã được các bác họa sỹ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên,Nguyễn Sáng, Văn Cao ký đồng ý.

Tôi muốn đăng lại một ít tranh mà tôi đã vẽ và tham gia các cuộc triển lãm của Hội Mỹ thuật trong mấy năm đó cho đến ngày tôi bị triệu tập lên nhà triển lãm số 10 Hàng Đào năm 1970 để nghe mọi người phê bình kiểm điểm tôi.

clip_image011

SƯỞI LỬA MÙA ĐÔNG. Sơn dầu

clip_image013

GIỜ NGHỈ CỦA THANH NIÊN XUNG PHONG. Sơn dầu
clip_image015

SÔNG TAM BẠC HẢI PHÒNG. Sơn dầu
clip_image017
CÂN THÓC CHO HỢP TÁC XÃ. Sơn dầu

clip_image019

CÔNG NHÂN MỎ ĐÈO NAI. Sơn dầu

clip_image021

EM TUẤN. Sơn dầu

clip_image023

EM TUẤN. Sơn dầu

clip_image025

CHA TÔI – NHÀ VĂN KIM LÂN. Sơn dầu

clip_image027

HAI CHỊ EM LIÊN VÀ LAN. Sơn dầu

clip_image029

CÔ NHIÊN. Sơn dầu

clip_image031

CÔ LÊ. Sơn dầu

clip_image033

NHÌN. Sơn dầu

clip_image035

CÔ THANH NIÊN XUNG PHONG CẦU HÀM RỒNG. Sơn dầu

clip_image037

TÌNH YÊU. Sơn dầu (Bức này vẽ để ở nhà không gửi triển lãm)

clip_image039

MẦM SỐNG. Sơn dầu (Bức này để ở nhà không gửi triển lãm)

Comments are closed.