Chuyện học thuật: cầu lông và một thứ… cầu khác

Nguyễn Hoàng Văn

Năm 2007 ông Nguyễn Tường Thiết về Hà Nội dự buổi hội thảo về thân phụ mình, nhà văn Nhất Linh, đến khi về lại Mỹ ông viết thư cho nhà văn Võ Phiến, thổ lộ: “giữa mùa hè mà thấy rét vì hãi, chưa từng thấy ở đâu quanh mình đông đảo tiến sĩ đến thế”. [1]

Bây giờ lại là lượt nhiều tiến sĩ – dĩ nhiên không phải là những tiến sĩ trong buổi hội thảo về Nhất Linh – phát rét khi ông “tiến sĩ cầu lông” ở Sơn La bị đả kích, bị đàm tiếu, bị cười cợt và tôi sẽ không dễ dàng a tòng với đám đông này. Bệnh sính hình thức đã đẻ ra hàng loạt những ông nghè bị cười. Mà cũng chính bệnh sính hình thức đã làm đám đông cười cợt một cách không điều kiện. [2]

Nếu ai đó thực hiện một công trình khảo cứu nghiêm túc để giải quyết nỗi nhục của nền khoa học – công nghệ Việt Nam khi các hãng Samsung hay Apple chỉ có thể bóc lột mồ hôi của người Việt chứ không thể khai thác trí tuệ Việt, đến cả cái đinh vít mà cũng phải nhập từ ngoại quốc vào, có lẽ người này cũng bị cười cợt như là “tiến sĩ ốc vít” với cái lối cười nhạo chỉ nhìn vào cái bìa bên ngoài chứ không chịu nhìn vào ruột cuốn sách!

Đại học Quốc gia Úc (Australian National Univerity: ANU) là một trong những đại học hàng đầu của Úc, nổi bật với thành tích nghiên cứu và thường xuyên có tên trong danh sách 50 đại học hàng đầu thế giới. Nếu tiếp tục cái lối cười cợt nhắm vào các mô tả giản lược bề ngoài nói trên thì đại học này cũng không thoát khỏi số phận bởi năm 2010 đã bảo trợ luận án tiến sĩ triết học của Adele Louise Morey để “lý giải” tại sao tài tử Tom Cruise lại ly dị cô đào Nicole Kidman.

Thực ra thì luận án này, như có thể thấy ở cái tên, “Celebrity stories under the gaze: understanding women’s consumption and the representation of romance”, lại hướng tới một vấn đề sâu rộng hơn trong cách thức mà nữ giới hấp thụ và xây dựng hình ảnh về ái tình lãng mạn thông qua các nhân vật nổi tiếng, trong đó câu chuyện tan vỡ của mối tình đẹp như mơ của cặp đôi tài tử từ những áp lực sự nổi tiếng, như một thí dụ. [3]

Năm 1978 nhà phân tâm học Pháp Dominique Laporte xuất bản cuốn Histoire de la merde, sau được Đại học MIT lừng danh tại Mỹ xuất bản bản tiếng Anh, History of Shit. [4] Trong công trình khảo cứu về Lịch sử của cứt này Laporte đã nhìn lại lịch sử văn minh qua cách thức mà nhân loại thể hiện trách nhiệm với cặn bã mà mình bài tiết ra: theo từng thời kỳ, những thế cách ấy đã tăng tiến một cách phù hợp với những tiến trình văn minh khác, trong đó có tiến trình hình thành ý thức cái tôi, ý thức về con người cá nhân, đặc biệt là cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng. Nói nôm na thì đây là sự phát triển của “văn hoá bài tiết”: nhân cách càng hình thành, con người càng ý thức về những tác động từ sự “bài tiết” của mình, do đó đã trở nên kín đáo hơn trong thao tác bài tiết và ứng xử trách nhiệm hơn trước những đống bài tiết của mình.

Chúng ta có thể thấy gì qua hai công trình nghiên cứu trên?

Thứ nhất đối tượng nghiên cứu có thể bình thường hay tầm thường, nhưng phương pháp nghiên cứu không hề như vậy. Thứ hai là tính độc sáng, là cách đặt vấn đề và cách phân tích kiến giải hoàn toàn mới mẻ. Thứ ba là sự đóng góp, là đưa ra một cái nhìn mới hay thêm cái gì đó mới mẻ vào kho tri thức của nhân loại.

Trở lại với ông nghè cầu lông. Luận án thì mang danh “tiến sĩ giáo dục học” nhưng lại thực hiện tại “Viện Khoa học Thể dục, Thể thao” trong khi đối tượng nghiên cứu thì hoàn toàn nằm ngoài môi trường học đường: “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La”.

Ba lần lộn sòng nhưng cái chính là nó hoàn toàn nằm ngoài vấn đề học thuật. Nó không phân tích thực trạng để đưa ra những kiến giải mang tính học thuật để từ đó có những đề nghị nào đó để áp dụng trong thực tế. Đó chỉ là một “kiến nghị” không hơn không kém, cũng như “Luận án Tiến sĩ Lịch sử” mang tên “Chuyển biến kinh tế, xã hội huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từ năm 1986 đến năm 2010” chỉ là một thứ diễn văn “tổng kết” hay “đánh giá tình hình chung”, không hơn không kém. [5]

Không nên đánh giá một cuốn sách thông qua cái bìa và, nhìn bên ngoài, tôi cũng có phần bất công vì chỉ xem xét cực kỳ giản lược dựa vào cái nhan đề. Nhưng biết làm sao được bởi thông tin chỉ có chừng đó khi những nhà “hàn lâm” này cũng như những “học viện” của họ hoàn toàn bí mật, hoàn toàn giấu kín những luận án, không để lộ là họ đã phân tích và kiến giải những vấn đề quan tâm như thế nào!

Sự kín đáo của nhà “học thuật cầu lông” này làm tôi nghĩ đến một thứ “cầu” khác.

Đó là cái nhà cầu mà Laporte đã nêu ra trong công trình khảo cứu History of Shit nói trên, như là công cụ để “kín đáo hóa” thao tác bài tiết của con người cũng như để giấu kín, để thủ tiêu những đống chất thải mà họ bài tiết ra.

Phải chăng những nhà hàn lâm thuộc loại “kiến nghị” hay “đánh giá tình hình chung” của chúng ta giấu kín, không chịu công khai hóa những luận án của mình là do họ cũng ý thức được rằng đó chẳng qua chỉ là một thứ sản phẩm bài tiết, do đó phải giấu kín, không nên phơi bày ra trước mắt công chúng?

Tham khảo:

[1] Thư Võ Phiến, Nguyễn Hưng Quốc biên tập, Người Việt Books (2015), trang 357.

[2] https://laodong.vn/y-kien-ban-doc/tien-si-cau-long-va-thoi-hu-danh-1043061.ldo

[3] https://openresearch-repository.anu.edu.au/handle/1885/150208

[4] Dominique Laporte, (2001), History of Shit. Cambridge: The Massachusetts Institutes of Technology Press. [Nguyên tác: Histoire de la merde, bản Anh ngữ của Nadia Benabid và Rodolphe el-Khoury.]

[5] https://tailieu.vn/doc/luan-an-tien-si-lich-su-chuyen-bien-kinh-te-xa-hoi-huyen-vi-xuyen-tinh-ha-giang-tu-nam-1986-den-n-1928866.html

Comments are closed.