Chuyện về một bác phó xẻ

Lương Đào

Vũ Thư Hiên: Người bạn tù cùng trại Phong Quang của tôi có ghi lại kỷ niệm những ngày chúng tôi cùng làm việc trong một đội xẻ. Anh gửi cho tôi những dòng này bằng e-mail và bảo tôi đưa lên fb giùm, may chăng qua đây chúng tôi còn tìm được thêm những bạn tù cũ.

Thế là đã 10 năm tôi lại mới có dịp về lại Hà Nội.

Ngoài công việc chính, tôi dành 3 ngày để đến thăm các bạn đã cùng ở với mình nơi tận cùng cuộc sống – trại tù Phong Quang.

Tôi hẹn gặp Vũ Sơn. Sơn bảo tôi chờ anh ở bến xe, rồi anh đến đón về nhà anh chứ không ở khách sạn như lần trước nữa.

Hà Nội những ngày cuối năm, thời tiết thay đổi thất thường. Mây bay là là trên đầu, gió bấc, mưa phùn, nhiệt độ ngoài trời được báo là 17 độ C. Hà Nội 10 năm trở lại đây thay đổi nhiều, nhưng chỉ ở mức cơ sở, tức là mới phát triển cầu, đường và thiết bị ánh sáng công cộng. Còn dân cư, ngoài mấy khu địa ốc cao tầng, mọi thứ còn kém Sài Gòn nhiều lắm.

Qua anh Sơn, tôi tìm được thêm vài bạn cũ. Mấy anh em hẹn gặp nhau ở quán Lộc Vàng trên đường Thanh niên.

Tôi nhớ cái cậu thanh niên da trắng, mặt bầu, giọng nhẹ nhàng ẻo lả lắm. Thế mà khi ra gặp chúng tôi lại là một người đàn ông để râu, rất nam tính, có vợ và 3 đứa con lớn tướng. Lộc tặng tôi, Sơn, Tuyển và Quế mấy đĩa của một hãng truyền thông Nhật; “Giọng hát bị 10 năm tù”.

– Anh em mình sau 40 năm mới gặp lại, tất cả đều thay đổi quá nhiều, nếu giờ gặp nhau ở ngoài đường không thể nào nhận ra – tôi chỉ sang Đỗ Tuyển

– Khi làm toán trưởng toán 3, da trắng, mình tròn, cơ bắp tròn, lẳn, giờ thì cũng không cao được chút nào, nhưng tóc bạc, râu dài thế kia thì ai mà nhận ra Đỗ Tuyển nữa? – Lộc Vàng cười khì.

Chúng tôi nhắc tên những người trước đây đã từng ở với nhau.

– Anh Huê biết anh Dũng mất chưa? – Lộc Vàng hỏi tôi.

– Biết rồi. Từ khi Dũng mổ khối u trực tràng, mình điện thoại động viên luôn. Anh Dũng cũng rất lạc quan, gia đình chở đi kiếm thầy ở đâu, anh ấy cũng điện cho mình Anh em mình giờ quỹ thời gian còn ít quá, nên chung tay làm một cuốn sách kỷ niệm đi. Anh Nguyễn Chí Thiện ở Mỹ cũng điện về thăm hỏi, chí tình lắm.

Mọi người đều bùi ngùi nhắc tới những bạn tù nay không còn. Lộc Vàng nhắc:

– Anh Huê vẫn còn nhớ anh Hiên chứ?

– Anh Vũ Thư Hiên hả, làm sao quên được/ Mình với anh Hiên, trước đây cùng một cặp xẻ mà.

Vũ Sơn nói:

– Anh Vũ Thư Hiên giờ ở Pháp, mình có thấy hình trên mạng, còn phong độ lắm. Qua mấy anh có liên lạc, anh ấy gửi lời thăm hỏi đến tất cả anh em chúng mình đấy.

Tôi nhớ lại: sáng hôm ấy trực trại công bố một số người chuyển toán, anh Lưu Nghĩa Lương chuyển sang toán 3 rau xanh, anh Vũ Thư Hiên về toán xẻ.

Thế là sáng hôm đó mình phải nhận một lính mới.

Nhìn dáng vẻ cao, gầy có vẻ ốm yếu của anh tù vửa đến, mình khinh khỉnh:

– Trông anh có vẻ cán bộ, sao lại phải vào toán quản chế này?

Anh ta cười, cằm hơi nhô ra, nụ cười vì thế mà có duyên:

– Đã tù rồi mà còn bị quản chế nữa hả?

– Vâng, anh nhìn đi: một cửa vào, xung quanh là rào, người ta sợ mình trốn

Anh im lặng, nhìn mình với ánh mắt thông cảm, không phải là ánh mắt gần gụi.

– Tôi cũng nói để anh biết; tôi không phải là dạng cải tạo tốt đâu – tôi nói – Mới tháng này được ăn tiêu chuẩn 13, 5kg đấy, còn trước giờ là 9kg.

Anh chắc đã thừa biết cách dằn mặt của tù cũ với tù mới bằng những doạ nạt bóng gió, cho nên có vẻ dửng dưng. Tôi đưa anh đến chỗ làm và nói cho anh biết các thao tác cơ bản của nghề xẻ. Anh nghe chăm chú. Trước cách xử sự điềm đạm của anh, tôi thấy mình cần dè dặt, không dám lên mặt dạy dỗ:

– Kéo xẻ là việc nặng nhọc, tốn sức, người làm công việc này phải tạo thế đứng vững vàng, chân trước đạp trên miếng gỗ cứng, cao hơn chân sau, lưỡi cưa bao giờ cũng vừa tầm tay, nếu cao thì hạ ván đứng xuống, nếu thấp thì kê cao lên, không cao, cũng không thấp. Khi tôi kéo mái cưa về phía tôi, anh giữ lưỡi cưa cho bằng, khom người du theo cưa, đẩy nhẹ cưa qua bên tôi. xong anh lại kéo cưa về phía anh, đạp chân trước xuống điểm tựa, ngả người từ từ kéo cưa về phần mình. Không được kéo với, không được kéo gắng, tay luôn luôn giữ cho lưỡi cưa bằng và đúng mạch chỉ đã bật, cứ như vậy thong thả, nhịp nhàng. Nếu cưa bị gằn bị xóc, đường cưa sẽ làm xước mặt ván, gồ ghề xấu mặt ván, thì tôi phải xem lại mũi cưa để phù hợp.

Anh gật gù, không nói gì.

– Công việc tuy nặng nhọc thật, nhưng biết làm thì cũng quen thôi, anh ạ.

Tôi đề nghị tạm quay lưỡi cưa lại kéo đàng sống cho quen cái đã thì anh nói: “Không cần đâu“.

– A, tay này có bản lĩnh đây – tôi thầm nghĩ.

Chúng tôi quắc cưa vào làm luôn. vì trước khi về ngày trước bao giờ mình cũng để lại dở mạch để ngày sau ra khỏi phài bắt mạch mới, vì bắt mạch mới thì khó.

Là lính mới của tôi, từ những mái cưa đầu tiên, tôi thấy anh là người ý tứ. Tuy có vấp váp ít mái lúc đầu, nhưng anh xử lý như một người từng biết làm, ngay buổi sáng hôm đó tôi và anh đã kéo được hơn một mạch kia mà. Vậy là ngay buổi đầu ra mắt, mình đã có được bác phó xẻ hợp ý.

Hàng ngày tôi và anh ấy kéo thong thả như biểu diễn, vậy mà số mét vẫn bằng trước đây làm với Lưu Nghĩa Lương kia đấy. Mỗi lần muốn nghỉ, mình đem cưa ra rửa, anh cũng cầm chổi quét quét làm vệ sinh chỗ làm, bộ đội cũng như quản giáo không có cớ giục chúng tôi, mỗi khi ngồi nghỉ, anh thường lấy tay vốc mạt cưa rồi từ từ thả xuống, quan sát, thư giãn. Bỗng anh hỏi tôi:

– Tại sao mạt cưa có cây bột nhỏ, có cây bột to, có cây bột xơ?

Mình nghĩ bụng anh này mới thật là người rỗi việc, nhưng mình cũng trả lời thật lòng:

– Bột cưa nhỏ mịn là loại gỗ cứng, quý như lim, trắc, gụ, sến, táu, gỗ nhóm 1. Còn loại bột cưa to là loại gỗ thường như dầu, chò, nói tóm lại là gỗ nhóm 4. Còn loại bột xơ là loại gỗ dai như gỗ dẻ, ngát.

Anh lại hỏi tiếp:

– Vậy thì mũi cưa phải rửa thế nào cho hợp?

Tôi bắt đầu thích người cùng cặp với mình. Thì ra bác phó mới vào nghề này cũng có óc quan sát.

– Loại gỗ cứng thì phải rửa me cho sắc nhọn, nhưng me ngắn, đồng thời phải lại dũa sao cho mũi me hơi cong, cưa mới không bị xốc – tôi nói – Còn loại gỗ dai thì để me cưa dài, và mở răng theo kiểu 1 2 3, tức là một cái giữa, một cái nghiêng sang trái, một cái nghiêng sang phải.

Anh ngồi nghe, suy nghĩ một lát rồi đòi ứng dụng ngay. Hôm đó hai anh em đang phải xẻ một cây dẻ, quá dai. Thế là bất chấp thời gian, hai anh em rửa cưa theo phác đồ vừa vẽ, mũi me dài, hơi khoằm và dùng rũa tròn ở cuống hầu để mạt cưa dễ thoát ra.

Quả thật, khi chúng tôi đưa cưa vào xẻ, lưỡi cưa đi ngọt, phoi ra ào ào, hai anh em rất vui.

Tôi thầm phục bạn xẻ trời cho.

Ngay việc bật mực anh cũng đưa ra cách khác mà các thợ thường không chú ý. Anh áp dụng hình học: ba điểm tạo thành một mặt phẳng. Khi bật mực tạo hai đường thẳng trên thân cây người ta thường vô tình bật hai đường ấy không nằm cùng trên một mặt phẳng, lưỡi cưa phải đi trong mặt phẳng vênh tạo ra ma sát vô ích, làm mệt người. Mình phải dùng ni-vô mà bật mực.

Tôi đến trạm xá kiếm một vỏ ống tiêm, thế là chúng tôi có ni-vô.

Với mọi cải tiến liên tục, năng suất cặp chúng tôi tăng vèo vèo, làm anh em phải can: “Vừa vừa thôi, chúng nó nâng định mức lên thì chết”. Thế là chúng tôi làm một lát lại nghỉ, ngồi bày trò rửa cưa.

Những lúc nghỉ anh thường kể tôi nghe những truyện nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa ví như: sức khỏe là tài sản quý nhất của người, chính mình phải tập luyện và giữ gìn nó, việc ấy chẳng ai làm thay cho mình được. Rồi anh bày cho tôi bảy động tác dưỡng sinh, chống đau lưng. Những thuật ngữ như khai mở luân xa, nối mạch Nhâm mạch Đốc. Tôi lúc ấy không hiểu rằng, đó là một cơ duyên, sau này hơn 20 năm gắn bó với trung tâm nghiên cứu và ứng dụng năng lượng sinh học ở Sài Gòn tôi lại có dịp dùng tới những điều học được trong tù.

Anh còn kể: “Mình có một bà cô lớn tuổi, không lập gia đình, bà thường kể những truyện, có tính giáo dục con cháu. Bà nói: “Những cái gì mà quý giá thì hay bị người đời làm giả lắm đấy. Phải tỉnh mắt mà nhìn”. Ấy là anh muốn mình tỉnh táo để không nghe những lời ba hoa của cán bộ trại về xã hội chủ nghĩa ưu việt.

Mình sống chung với anh cả năm, rất quý nhau. Sau này về xã hội, đi làm càng nhớ câu anh nói: “Ngày xưa các cụ dạy: ‘Người quân tử phải biết cách biến họa thành phúc’. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, các cụ dạy không sai đâu. Ta đang ở trong hoạ, nhưng nghề mình đang phải làm cũng là một nghề, dù cuộc sống sau này không phải dùng tới nó thì những gì mình học được trong cái nghề đó vẫn là tài sản của mình”.

Sau này về nhà, nhờ có nghề phó mộc, phó xẻ tôi đi được nhiều nơi, càng có nhiều người khen nghề mình, thì mình lại càng nhớ anh.

Sáng hôm sau, anh em lại rủ nhau đi Hải Dương, thăm bạn cũ, những anh em đã ở tù với nhau, giờ gặp lại nhau vui mừng khôn xiết. Cuộc gặp gỡ nào cũng nhắc tên những người đã từng quen biết và điểm lại xem ai còn, ai mất. Khi cùng ở trong tù với nhau thì không ai dám tin ai, nhưng giờ gặp lại thì tâm sự hết ý. Nhờ sự tiến bộ của khoa học, mạng thông tin toàn cầu, ai quan tâm đều có được tư liệu mong muốn.

Trong cuốn hồi ký của anh, tác giả có nhắc đến vài cán bộ công an dù trong khi phải thi hành phận sự vẫn giữ được tư cách làm người. Đó hoàn toàn là sự thật Tôi thích cái nhìn công bằng của anh.

Lộc Vàng là người liên lạc được với anh Vũ Thư Hiên sớm nhất:

– Đây là số điện thoại của anh Hiên – Lộc ghi cho tôi và sổ tay – Anh gọi theo số này nhé!

Tôi nắm chặt tay Lộc Vàng. Nửa thế kỷ trôi qua rồi, giờ mà được gặp lại bạn xẻ cùng cặp với tôi ngày nào thì sướng biết mấy. Gặp lại nhau chắc anh cũng mừng lắm.

Mấy dòng này là lời nhắn gửi của mấy thằng già còn sống sót sau những năm ở trại tù Phong Quang (Lao Cai), trại tồi tệ thứ hai sau Cổng Trời, gửi đến những anh em đang ở tù vì đấu tranh vì dân chủ, tự do, quyền sống, quyền làm người ở nước ta cũng như ở mọi nơi trên trái đất này, với lời chào và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Nguồn: https://www.facebook.com/thuhienvu222222/posts/10209431290923007

Comments are closed.