Cuộc đến thăm một người hiền của Sài Gòn (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 135)

Tương Lai

imageTừ lâu, chính xác hơn là từ cách đây ba năm, khi cụ Nguyễn Đình Đầu mừng sinh nhật thứ 100 tôi đã ấp ủ một cuộc đến thăm Cụ – người mà theo tôi – là một trí thức tiêu biểu nhất của Sài Gòn, vì thế tôi rất mực kính trọng. Càng thiết tha hơn khi vị sử gia lão thành đáng kính ấy lại dành cho tôi một tình cảm đặc biệt, không chỉ gửi tặng sách cụ vừa viết, mà còn chia sẻ những ý tưởng thân tình với tư cách là một người bạn vong niên (cụ hơn tôi trên một giáp), như có lần cụ báo cho tôi biết là cuốn sách tâm huyết cụ dành cho học giả Trương Vĩnh Ký bị thu hồi với giọng trầm buồn pha vị đắng cay về thế sự.

Từ lâu, chính xác hơn là từ cách đây ba năm, khi cụ Nguyễn Đình Đầu mừng sinh nhật thứ 100 tôi đã ấp ủ một cuộc đến thăm Cụ – người mà theo tôi – là một trí thức tiêu biểu nhất của Sài Gòn, vì thế tôi rất mực kính trọng. Càng thiết tha hơn khi vị sử gia lão thành đáng kính ấy lại dành cho tôi một tình cảm đặc biệt, không chỉ gửi tặng sách cụ vừa viết, mà còn chia sẻ những ý tưởng thân tình với tư cách là một người bạn vong niên (cụ hơn tôi trên một giáp), như có lần cụ báo cho tôi biết là cuốn sách tâm huyết cụ dành cho học giả Trương Vĩnh Ký bị thu hồi với giọng trầm buồn pha vị đắng cay về thế sự.

Thế mà hôm rồi lại chính cụ nhắn tôi đến chơi. Tuy đang bệnh, đi lại khó khăn, tôi cũng quyết đến thăm vị sử gia hiếm có ấy ngay. May mắn là Tô Lê Sơn, ông bạn quý của tôi vui vẻ nhận lời đem xe đưa tôi đến nhà cụ. Loay hoay mãi hai chúng tôi không mở được cửa mặc dầu đã đứng ngay ở cầu thang gác. Tôi lại phải gọi cho anh Nguyễn Quốc Thái nhờ hướng dẫn cách mở khoá.

Vào nhà, thấy cụ đang ngồi trước một chồng sách, chăm chú đọc một cuốn đang cầm trên tay, nghe tôi cất tiếng chào cụ mới ngẩng lên với ánh mắt vui mừng. Cụ đặt lại cuốn sách lên chồng sách rồi gắng gượng chống tay vào thành ghế đứng dậy hối hả đưa tay mời ngồi. Cái gậy khung chữ U dựng hơi xa tay với của cụ khiến cụ lúng túng, Tô Lê Sơn vội đỡ cụ và tự kéo hai chiếc ghế đặt cạnh để hai chúng tôi ngồi bên cụ. Giọng cụ hơi yếu nhưng vẫn hào hứng biểu lộ sự xúc động về cuộc đến thăm của chúng tôi. Cụ vừa với tay lên chồng sách nhặt lại cuốn sách đang đọc, vừa nói với tôi chuyện hôm vừa rồi HTV đến phỏng vấn cụ.

Trong cuộc phỏng vấn ấy, cụ có nói: “Nếu cụ Hồ sống thêm được 6 tuổi nữa cho đến 1975, thống nhất đất nước, thì tôi tin rằng tình hình sẽ không như bây giờ”. Cụ muốn hỏi ý kiến tôi về phát biểu đó của mình. Chìa ra trước mắt tôi cuốn Cảm nhận & Suy tư mà tôi đã tặng cụ dễ đã gần chục năm, cụ nói: “Tôi vừa đọc kỹ lại những bài ông viết để kiểm chứng lại và suy nghĩ thêm về những thông tin mà tôi cho là mình chưa biết rõ, chưa hiểu kỹ”.image

Tôi nghĩ ngay đến một nhân vật mà Cụ muốn hỏi, còn tôi thì chưa muốn đi ngay vào một chủ đề có nhiều tranh luận vào một cuộc thăm hỏi thân tình trong một quãng thời gian rất vắn. Thế nhưng trong câu chuyện cụ vẫn nhắc đến Lê Duẩn, nhân vật lịch sử có liên quan trực tiếp đến phát biểu của cụ vừa dẫn ra ở trên.

Không thể đưa những thông tin qua loa với một sử gia đã có bề dày gần hai phần ba thế kỷ của công việc sưu tầm nghiên cứu, đã cho ra đời hàng trăm cuốn sách có giá trị, chắc chắn sẽ đòi hỏi sự nghiêm cẩn, trung thực trong tiếp nhận những sự kiện và hiện tượng đã diễn ra đúng là những tư liệu lịch sử chân thực. Vì thế, sau khi nói đôi điều về vấn đề mà nhà sử học đáng kính ấy quan tâm, tôi đành phải khất một dịp khác sẽ trình bày rõ hơn.

Nỗi ưu tư của cụ Nguyễn Đình Đầu khi trả lời phỏng vấn HTV chắc sẽ trĩu nặng ngòi bút trung thực của vị sử gia 103 tuổi đời với một sự nghiệp dài theo hành trình từ những ngày người yêu nước ấy nhận lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Nam Bộ mua gạo để góp phần cứu đói, đồng thời thực hiện giải pháp mềm dẻo, thoả mãn phần nào yêu sách hung hãn của tướng Lư Hán, để tìm cách đẩy bọn chúng ra khỏi nước trong bối cảnh thù trong giặc ngoài cực kỳ phức tạp.

Vị sử gia đáng kính ấy đã từng có mặt tại những sự kiện có ý nghĩa lịch sử như Hội nghị trù bị Đà Lạt và Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt 1946, Hội nghị Fontainebleau vào tháng 7 năm 1946. Cụ cũng đã đến Thụy Sĩ để gặp và vận động ủng hộ Phái đoàn Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang dự Hiệp định Genève năm 1954 rồi vào ngày 29 tháng 4 năm 1975, với tư cách là người của “lực lượng thứ ba” được tướng Dương Văn Minh cử làm thành viên của phái đoàn VNCH đến Trại Davis để đưa đề nghị ngưng chiến…

Có thể nói, nhà sử học đáng kính ấy đồng thời cũng là một chứng nhân lịch sử của một giai đoạn cam go mà dân tộc ta đã trải qua trên hành trình cứu nước, giải phóng dân tộc.

Tiếp tục dấn thân ở tuổi ngoại 90, sử gia Nguyễn Đình Đầu đã dẫn đầu đoàn biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nhân kỷ niệm sự kiện Gạc Ma 14.3.1988. Hình ảnh cụ ngồi xe lăn, được đẩy đi trước đoàn biểu tình là biểu tượng sống động của một người trí thức dấn thân cho một lý tưởng cao cả vì nước vì dân từ thưở thanh niên cho đến lúc ngoại 90. Tôi nhớ như in hôm ấy nhóm chúng tôi gồm Lê Hiếu Đằng, Cao Lập, Hạ Đình Nguyên, Đỗ Trung Quân, Tương Lai… do André Menras cầm biểu ngữ dẫn đầu, hoà cùng dòng người đến “hội sư” với tuyến đi từ đầu đường Lê Duẩn do cụ Đầu ngồi xe lăn vẫy tay chào chúng tôi.

imageMenras rất hung khi bị lực lượng an ninh ngăn cản, định giật tấm panô anh đang cầm, một tay anh giữ chắc tấm panô, tay kia vung lên hét to “Tôi là một công dân Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm lược”, anh thò tay vào túi rút “Giấy chứng minh” ra dứ dứ trước mặt người sĩ quan an ninh. Chúng tôi phải can anh và mềm mỏng giải thích với lực lượng an ninh Anh ấy là một người Pháp từng treo Mặt trận Giải phóng bị chính quyền Sài Gòn bỏ tù năm 1971 đấy”. Viên sĩ quan an ninh dịu mặt bỏ đi.

Thế là nhóm chúng tôi đến gặp nhóm của cụ Nguyễn Đình Đầu, tôi bước nhanh đến ôm lấy vị sử gia đáng kính. Cụ níu tay tôi thật chặt và nói “Thế là tôi và ông đã gặp nhau rồi đó” khiến tôi không ngăn được giọt nước mắt xúc động. Đúng vậy, thưa cụ, chúng ta đã gặp nhau trên con đường cứu nước, cùng dấn thân vì một sự nghiệp cao cả, tiếp nối truyền thống của ông cha ta. Cả hai nhóm hoà vào dòng người biểu tình thành một đoàn đi trên đường Hai Bà Trưng kéo đến Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc.

Cũng bằng tinh thần dấn thân ấy, sử gia Nguyễn Đình Đầu đã kịp thời có mặt trong danh sách những người ký “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992”. Cụ cũng đã ký vào “Thư ngỏ đến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, các đại biểu dự Đại hội lần thứ XII và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19.2.2015” bày tỏ tâm trạng “hết sức trăn trở, lo âu về vận mệnh đất nước”, vì vậy đòi hỏi Đại hội Đảng cần tỏ rõ “Ý chí quyết tâm chuyển đổi thể chế chính trị của Đại hội XII cần được biểu thị bằng những hành động cụ thể”… “quy tụ được lòng người, khơi dậy niềm tin và khí thế đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với công cuộc đổi mới chính trị và kinh tế ở tầm cao hơn[1].

Chính từ sự “trăn trở, lo âu về vận mệnh đất nước của người trí thức dấn thân ấy, tôi thật xúc động khi nghe truyền đạt lại câu trả lời của một nhà sử học vốn thận trọng và kỹ lưỡng về ngòi bút của mình trả lời về lá thư tôi gửi mời ký tên vào Kiến nghị, cụ nói rất chân tình “Cứ Kiến nghị nào mà anh Tương Lai và mấy anh đã ký, thì xin cứ cho tôi biết để tôi ký”. Phải chăng sự dễ dãi ấy là một cử chỉ biểu thị thái độ cảm thông, sẵn sàng sẻ chia gánh nặng cứu nước – “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” 國家興亡,匹夫有責 – của một trí thức đúng nghĩa.

Nỗi ưu tư của cụ Nguyễn Đình Đầu khi trả lời phỏng vấn HTV chắc sẽ trĩu nặng ngòi bút trung thực của vị sử gia 103 tuổi đời với một sự nghiệp dài theo hành trình của người trí thức dấn thân từ những ngày người yêu nước ấy nhận lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Nam Bộ mua gạo năm 1946 trong bối cảnh thù trong giặc ngoài cực kỳ phức tạp cho đên ngày thống nhất đất nước 30.4.1975.

Nhưng rồi, đất nước bị kìm hãm bởi “thể chế độc tài toàn trị với bộ máy cầm quyền hết sức nặng nề, thiên về dùng bạo lực và dối trá, vi phạm nhiều quyền tự do dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo thuận lợi cho tệ tham nhũng, ức hiếp dân và sự thao túng của các nhóm lợi ích bất chính. Đường lối sai lầm theo ý thức hệ cùng với bộ máy cầm quyền nhiều khuyết tật cũng không dựa vào sức mạnh của toàn dân tộc để có đối sách đúng đắn bảo vệ độc lập, chủ quyền chống mưu đồ và hành vi bành trướng của Trung Quốc*

imageChẳng lẽ vì những hành động dấn thân của một nhà trí thức chân chính ấy mà người ta liệt ông vào những người chống đối, rồi “trả đũa” nhà sử học lão thành đáng kính, tác giả của “Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ”, bằng một lệnh miệng bắt thu hồi cuốn sách ấy.

Cuốn sách mà trong lời giới thiệu, cố giáo sư Phan Huy Lê đã trân trọng viết: “Cuốn sách của học giả Nguyễn Đình Đầu không chỉ là một công trình khảo cứu về Trương Vĩnh Ký mà còn là một công trình tổng hợp bao gồm các trước tác tuyển chọn của Trương Vĩnh Ký và hệ thống theo thời gian các sách, báo nghiên cứu, phê bình Trương Vĩnh Ký kể cả khen và chê. Trong sách, tác giả còn sưu tập và công bố một số tư liệu mới về Trương Vĩnh Ký, đóng góp thêm cơ sở tư liệu về nhân vật lịch sử này”…

Sử gia Nguyễn Đinh Đầu thổ lộ: “Đây là một công trình mà đối với tôi, đến tuổi đã cao như thế này, không có thể kiếm tìm thêm hơn được nữa, nhưng với những hiểu biết của tôi, với những tài liệu mà tôi có cho đến bây giờ thì tôi nghĩ là tôi đã có phần đóng góp không những về cá nhân một nhân vật như ông Trương Vĩnh Ký, nó thuộc về lịch sử, mà cả giai đoạn lịch sử biến chuyển khi ông Trương Vĩnh Ký còn sống, làm việc với xã hội và cho đến khi qua đời”. Có lẽ, lệnh ngưng phát hành cuốn sách chắc là liên quan tới khoảng hai chục trang của cuốn sách, nhưng đó chính là những điều mới mẻ có giá trị về phương diện sử học. Theo tác giả, “điều cần thiết nhất để đánh giá lại Trương Vĩnh Ký thì lại thắc mắc. Tôi cho là họ đọc không có kỹ. Cho nên tuy rất là buồn nhưng tôi yên tâm là sẽ được giải quyết.

image

Thật ra, “không đọc kỹ” cũng chỉ là một cách nói lịch sự với một cá nhân nào đó trong một tập hợp những người ngu dốt, dù có đọc kỹ cũng không thể hiểu được ý nghĩa của một cuốn sách tâm huyết của một học giả cặm cụi làm việc bằng bộ não của một người lúc viết xong cuốn sách đã gần 100 tuổi, lại là sách nghiên cứu về cả giai đoạn lịch sử biến chuyển làm “sống lại” những tư liệu quý của dân tộc. Tai hại thay, đó lại là những người có quyền ban phát những phán xét, kể cả những lệnh miệng được xem là bất khả kháng và nếu có sự truy cứu trách nhiệm sẽ là lời nói gió bay.

Nỗi buồn ấy thể hiện rõ trong cuộc điện thoại cụ gọi cho tôi. Và rồi, để chia sẻ với vị sử gia đáng kính ấy về một “tai nạn văn chương” không mấy lạ lẫm trong một chế độ toàn trị phản dân chủ mà vị sử gia ngoại 90, nhà trí thức suốt đời lặng lẽ với ngọn bút hiền hoà và uyên bác, trung thực và tận tuỵ với sự thật lịch sử đang gặp phải, chúng tôi cũng lặng lẽ tổ chức một buổi “Chào mừng sự ra mắt cuốn sách Petrus KýNỗi oanThế kỷ và Lão tác gia Nguyễn Đình Đầu”.

Vị sử gia đáng kính phải đến dự bằng xe lăn với mấy người nhà đi kèm để nâng xe lăn lên bậc thềm vào cầu thang máy. Trong tư thế phải nửa ngồi nửa nằm, vì mấy hôm rồi cụ không được khoẻ, Cụ cảm động lắng nghe từng lời gan ruột của những bạn bè, thân hữu nói về tác phẩm và tác giả. Có người gợi lại hình ảnh cụ ngồi xe lăn dẫn đầu nhóm biểu tình chống Trung Quốc nhân tưởng nhớ đến những liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma 14.3.1988 và những tấm bản đồ quý giá cụ đã đưa ra như một bằng chứng sử liệu khoa học không thể chối cãi về bằng chứng khoa học không thể chối cãi Hoàng Sa từng thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà ông cha ta ngàn đời gìn giữ.

Vọt từ suối phun ra là nước. Chảy từ mạch máu ra đều là máu”, đó là hai câu tôi đã trang trọng ghi lên bìa cuốn sách mà sử gia Nguyễn Đình Đầu cầm trên tay khi nhắn tôi đến thăm. Những sử liệu có giá trị khoa học vững chắc từ ngòi bút của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã hoà cùng máu của những người con yêu dấu của Tổ quốc Việt Nam chảy ra tại cuộc “hải chiến ngày 19.1.1974 tại Hoàng Sa cũng như máu của các liệt sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc trong cuộc chiến Gạc Ma 14.3.1988 đều tan hoà vào nước Biển Đông. Những giọt nước biển không một chút mùi vị ý thức hệ.

image

Nói về những giọt nước trong Biển Đông nghìn năm mênh mông sóng vỗ, lúc dữ dội lúc hiền hoà tràn vào đất liền của tổ quôc, gần năm thế kỷ trước đây, trong bài thơ Cự ngao đới sơn , cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có câu

 

Vạn lý Đông minh quy bả ác

Ức niên Nam cực điện long bình.

Biển Đông vạn dặm đưa về nắm trong bàn tay

Muôn năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình.

Nguyễn Khắc Mai dịch thơ:

Biển Đông vạn dặm dang tay giữ

Đất Việt muôn năm vững trị bình

imageTừ năm Kỷ Sửu, 1496, bản đồ toàn cõi Đại Việt vẽ xong, vua Lê Thánh Tông đã hạ chiếu: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ?… Nếu người nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”.

Ấy thế mà thời nay, giữa thế kỷ XX, có kẻ đã dám hạ lệnh cho hải quân ta ở Gạc Ma không được nổ súng vào tàu chiến của bọn xâm lược Trung Quốc. Lệnh ấy ban ra chỉ vì muốn giữ vững mối quan hệ mờ ám với Trung Quốc để củng cố vị thế quyền lực đã giành được bằng những mưu sâu kế hiểm nhằm ngoi lên vị thế cao nhất. Liệu tội ác ấy phải chịu mấy lần tru di?

Mà đâu chỉ một kẻ hạ cái lệnh tàn ác quỷ quyệt ấy. Cả một bộ máy quyền lực tòng phạm với tội ác ấy đã dùng bộ máy tuyên truyền có trong tay để lu loa nhằm làm mờ tội ác bằng những quỷ biện ngôn từ cho những lập luận “nổ súng trước, nổ súng ngay, nổ súng sau”! Nhưng trò đời “vải thưa không che được mắt thánh”, còn sờ sờ ra đấy những văn kiện, những tuyên bố, những lời ngợi ca “người đồng chí cùng chung ý thức hệ”, rồi “Lý tưởng tương thông. Vận mệnh tương quan”. Đồng chí với ai, vận mệnh gì nếu không phải là đồng chí của Nguyễn Phú Trọng, vận mệnh của Nguyễn Phú Trọng và những người đã đặt Trọng lên cái ngai vàng quyền lực hôm nay.

Một vị thuộc lực lượng an ninh Quận hỏi tôi “Các bác đang làm gì thế?”, tôi cười nhẹ nhàng trả lời: “Chúng tôi chúc mừng một bậc đại hiền của thành phố, nhân việc ra đời của một cuốn sách có giá trị lịch sử lớn, nếu không có gì trở ngại, mời các anh vào cùng dự cho thêm phần long trọng”. Vị khách không mời mà đến lắc đầu từ chối. Mà anh ta từ chối là phải.

Trong cuồn cuộn dòng chảy lịch sử với nhiều biến động bất ngờ, mọi vật cản đều bị xô đi, cuốn phăng những triều đại đã bước vào mạt kỳ với những sự đổ vỡ băng hoại từng phơi ra giữa nhân gian. Xưa đã vậy, nay cũng vậy thôi. Những bục vỡ vô phương cứu chữa đang phơi bày cho dù có sự hà hơi tiếp sức của kẻ thù truyền kiếp mà ông cha ta từng phải liên tục đối phó trong suốt cả chiều dài lịch sử, nay đang khoác cái mặt nạ bịp bợm “người đồng chí cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” như vừa nói.

Lê Duẩn – nhân vật mà sử gia Nguyễn Đình Đầu muốn “kiểm chứng lại và suy nghĩ thêm” như ông đã nói với tôi – chính là người sớm nhận ra bộ mặt của những nhà lãnh đạo Bắc Kinh, những hâu duệ tinh quái hơn, hiểm độc độc hơn những Minh Thành Tổ, những Trương Phụ, Mã Viện xưa kia, hơn cả mưu toan trắng trợn của Mao Trạch Đông mà ông ta đã nói trắng ra trong cuộc tiếp Tổng bí thư Lê Duẩn:

Sau khi ỡm ờ nói ra mưu toan bành trướng xuống Đông Nam Á,

Ông ta hỏi: Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?

Tôi trả lời: Đúng.

Ông ta hỏi tiếp: Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?

Tôi trả lời: Đúng.

Ông ta: Và quân Minh nữa, phải không?

Tôi nhìn thẳng vào mắt ông ta mà nói: Đúng, và cả các ông nữa, nếu các ông đem quân sang xâm lược đất nước tôi, các ông có biết điều đó không?[2]

imageCho nên không lạ, Lê Duẩn, nhân vật mà sử gia muốn có thêm thông tin, chính là người mà Bắc Kinh e ngại và vì thế mà tìm cách bôi xấu nhiều nhất.

Xin chỉ tóm tắt kể lại một sự kiện nhỏ về điều này. Có lần ông Sáu Dân bảo tôi cùng đi về Cần Thơ dự một buổi trao đổi tại sao lại có xu hướng bịa đặt, hạ uy tín cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Giữa giờ giải lao, tôi đưa bài Câu chuyện giữa cầu thang của tôi đã đăng trên Vietnamnet một năm trước cho một nguyên Bí thư tỉnh uỷ là bạn tôi đọc, anh đã nghỉ hưu nên đã cùng đi với tôi trong một cuộc khảo sát xã hội học tại các tỉnh miền Tây Nam bộ nên đã hiểu nhau. Đến trưa, anh gõ cửa phòng, chìa bài viết ấy ra trước mặt tôi thì thầm với giọng quan trọng: “Anh cất bài này đi, nguy hiểm lắm”. Trên đường về tôi kể lại cho ông Sáu Dân nghe chuyện ấy. Ông hỏi: “Anh nghĩ thế nào về chuyện này?”. Tôi trả lời: “Thế là bàn tay của tình báo Hoa Nam đã thò xuống các tỉnh miền Tây rồi, thưa anh”. Anh trầm ngâm. Tôi nói thêm: “Lê Duẩn là kẻ thù số một của Bắc Kinh mà anh”. Tôi cũng định nói thêm, Võ Văn Kiệt là số hai nhưng rồi nghĩ như thế là thiếu tế nhị nên kịp dừng lại. Chuyện này tôi đã đưa kỹ hơn trên “Mênh mông Thế sự”.

Chuyện Võ Văn Kiệt cưỡng lệnh của Trung ương nhất định không cho tàu Trung Quốc ghé cảng Sài Gòn: “Tôi xin chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào nhưng… cho tàu Trung Quốc cập cảng Sài Gòn thì nhất định không. Tôi đã cho rải mìn dày đặc dưới lòng sông rồi. Ngay cả cập cảng Cần Giờ cũng không thể huống hồ cập cảng Sài Gòn[3] chắc sử gia Nguyễn Đình Đầu biết. Có lẽ nên quay lại nhân vật mà vị sử gia 103 tuổi này đang muốn “kiểm chứng” mà tôi đã xin khất vào dịp khác trong cuộc đến thăm theo lời nhắn của cụ.

Tôi nghĩ, có lẽ là tốt nhất là tóm tắt viết ra những nét cô đọng và thật ngắn gọn có thể phần nào giúp cụ “kiểm chứng lại và suy nghĩ thêm về những thông tin mà [cụ] cho là mình chưa biết rõ, chưa hiểu kỹ” để trung thực đưa ra những phán xét nhằm đảm bảo tính công bằng của lịch sử thì chắc là hợp lý hơn.

Cuốn sách cụ vừa đọc kỹ lại Cảm nhận & Suy tư mà nhắn tôi đến để hỏi thêm, là một tập hợp những bài viết, như lời của Người giới thiệu: “đưa lại cho người đọc những thông điệp giàu sức gợi mở, chia sẻ cảm thông về thời cuộc, về khát vọng nhân sinh… về những nhân vật của lịch sử đương đại mà tác giả có dịp tiếp xúc trực tiếp [trừ hai bài đầu mang ý nghĩa đề dẫn cho cả cuốn sách]. Hai bài ấy bàn về “Chủ thuyết phát triển của Việt Nam với tư tưởng Hồ Chí Minh” và “Có hay không cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lenin”. Tiếp theo hai bài ấy là những bài viết về một số nhân vật có một vị thế nhất định trong một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc như Trần Độ, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp mà tôi may mắn có dịp gặp gỡ và có nhiều gắn bó trong công việc của một người nghiên cứu xã hội học. Trong đó có nhân vật mà sử gia Nguyễn Đình Đầu muốn tôi chia sẻ những cảm nhận và suy tư. Đó là ông Lê Duẩn trong bài “Câu chuyện giữa cầu thang và tư duy làm chủ” in trong cuốn sách.

Nhắc lại “Câu chuyện giữa cầu thang” là để thấy sức năng động không ngừng nghỉ của bộ óc Lê Duẩn và nỗi ân hận vì không thực hiện nổi việc mà ông giao phó: “Hôm ấy từ rất sớm, tôi nhận được điện thoại của anh Đống Ngạc “Có việc đột xuất đây”. Ngồi trên xe rồi, tôi hỏi: “Có việc gì mà gấp gáp thế ông?”. Đống Ngạc cười: “Cũng chẳng hiểu nữa. Nhưng chắc cũng như mọi hôm thôi. Ổng lại nghĩ ra điều gì đấy và điện cho mình gọi cậu lên, chắc ổng muốn nói ngay với cậu để cho kịp với dòng suy nghĩ của ổng, mà lịch làm việc ngày hôm nay thì kín cả rồi, để đến mai chắc là ổng không muốn, sợ có điểm bị quên đi”.

Xe đỗ sát vào bậc thềm ngôi nhà trong khu Hồ Tây. Tôi bước vào đã thấy Lê Duẩn đang từ trên cầu thang đi xuống… Đứng ngay ở lưng chừng cầu thang, một tay nắm chắc vào thanh vịn vì ông không được khoẻ khi vừa qua một ca phẫu thuật nhỏ, ông cười và nói: “Chắc là anh chưa ăn sáng, thôi nói xong rồi ta ăn một thể. Tôi muốn nói ngay những điều tôi vừa suy nghĩ tối hôm qua, vấn đề thuộc lĩnh vực của anh đấy. Vấn đề văn hoá, sức mạnh của văn hoá đối với kinh tế và sự nghiệp của chúng ta. Một trong những điều mà tôi nói mãi các anh vẫn chưa thể hiện được, vấn đề làm chủ tập thể. Hướng đi của anh đúng, phải đặt nó trong việc nghiên cứu về con người, về văn hoá, về triết lý của sự phát triển… Đã là một người thì phải có cái riêng của con người, không thể có con người siêu hình, không thể phá đơn vị con người. Không có cái riêng của con người thì xã hội sẽ mất hết ý nghĩa, mất cơ sở”…*

Và rồi cứ thế, ông nói một mạch những điều ông vừa suy nghĩ. Tôi cũng không kịp ghi ở trong tư thế đứng ở lưng chừng cầu thang như vậy. Mà dường như ông cũng không kịp nhớ hoặc không cần biết là mình đang đứng ở đâu. Mạch ý tưởng tuôn trào trong dòng tư duy của ông. Và rồi sau đó, ông cũng quên mất chuyện “rồi ta ăn sáng một thể”, khi theo ông vào phòng khách, ngồi xuống ghế trước bàn ăn, ông vẫn tiếp tục nói… “Đang còn lộn xộn lắm, tôi nghĩ sao nói vậy, nhưng mà nghĩ kỹ, nghĩ lâu rồi đấy. Tối qua mới khái quát lại thôi, cho nên anh phải sắp xếp lược bỏ giúp, không thì rồi nhiều việc tôi quên mất. Mà, các anh phải làm thôi, tôi chỉ nghĩ và nói như thế, việc còn lại là của các anh. Thôi nhé, Đống Ngạc, ta đi thôi, đến giờ rồi”.*

imageTôi hiểu việc của mình thế là đã xong. Bắt tay ông ra về, ông cười: “Cố gắng nhé”. Tôi cũng không biết là sau khi tiễn tôi lên xe, anh Đống Ngạc có kịp nhắc ông về bữa ăn sáng đã dọn sẵn mà ông chưa kịp đụng đũa. Và rồi “câu chuyện giữa cầu thang” kết thúc với câu nói trước bữa ăn sáng bị bỏ quên hôm ấy: “mà các anh phải làm thôi, tôi chỉ nghĩ và nói được như thế, việc còn lại là của các anh” cứ luôn trĩu nặng trong đầu óc tôi.

Đặc biệt là ý tưởng lớn nung nấu trong đầu óc của người chiến sĩ cách mạng mà có lần trong một buổi làm việc giữa hai thầy trò, ông nói với tôi: “Anh còn trẻ không hiểu được rằng những ngày chúng tôi ngồi trong nhà tù Côn Đảo, chúng tôi đã nghĩ về cái đích ấy dù mình không còn sống thì sự nghiệp của mình vẫn được thực hiện. Mà bây giờ thế là ta đã có cả, nhưng lúc này có cả thì lại lắm hư hỏng”*. Cứ nghĩ lại những lời ông nói, tôi lại càng day dứt về những điều ông gửi gắm lại mà chúng tôi – những người được ông gửi gắm, trong đó có anh Việt Phương và tôi – chưa viết ra được một cách thật mạch lạc để gây nên những ngộ nhận, những xuyên tạc do không hiểu được chiều sâu triết lý của Lê Duẩn, cũng có thể do ngu dốt, đồng thời cũng không thiếu những ác ý.

Đặc biệt, điều tôi tâm đắc nhất là Lê Duẩn muốn loại bỏ nguyên lý “chuyên chính vô sản” trong tư duy của Đảng cầm quyền, một ý tưởng lớn cần phải thấy cho được tầm vóc của nó: “…cứ nói chuyên chính vô sản mãi khi mà nhân dân đã làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình rồi thì không hợp nữa. Vô sản lại chuyên chính với nhân dân à? Đâu có. Phải cùng làm chủ cả thôi. Cái lý là như vậy. Cái lẽ phải là như vậy. Nhưng làm được đến đâu thì còn phụ thuộc vào sứ mạnh kinh tế, sức mạnh văn hoá mà chúng ta đang gắng công xây dựng. Nhất là xây dựng con người, đào tạo con người”.*

Ý tưởng ấy hình thành và phát triển trong đầu óc Lê Duẩn từ rất lâu. Ông trăn trở để định hình một tư tưởng, nhằm đưa ra được một quyết sách mới cho giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước khi non sông đã quy vào một mối. Tầm cao của tư tưởng ấy là vượt khỏi cái mô hình “chuyên chính vô sản” từng hằn sâu và đè nặng trong cung cách tư duy của nhiều thế hệ lãnh đạo, gây ra biết bao hệ luỵ hết sức nặng nề, bóp chết mọi tìm tòi sáng tạo, làm thui chột tầng lớp tinh hoa, kéo lùi sự phát triển của đất nước. “Tôi nghĩ, tôi nói là nghĩ và nói với các anh những điều mà tôi thường xuyên lật đi lật lại trong óc mình cái lý cần phải hướng tới. Tôi nói tình thương và lẽ phải cũng trên tinh thần ấy. Cái lẽ phải lớn nhất là giải phóng dân tộc, là làm cho đất nước ta, dân tộc ta phải bứt lên không thua kém với bất cứ nước nào. Bây giờ ta đã có đất nước trong tay, không làm cho dân ta đỡ nghèo đỡ khổ là ta có tội với tổ tiên, với xương máu của biết bao người đã đổ ra. Tôi lạ là nhiều anh bây giờ kể công ghê lắm… Quy công vào mình là có tội với đất nước. Công là công của cả dân tộc…”*

Trong bức thư năm 1972 của Lê Duẩn “Gửi Trung ương Cục miền Nam về những công tác cấp bách ở miền Nam sắp tới” ông nói rõ: “Theo tinh thần hòa hợp dân tộc, cách mạng chủ trương “đại xá” đối với những người đã tham gia các tổ chức chính trị hoặc vũ trang của địch. Tất cả những ai thấy được tội lỗi, đoạn tuyệt với quá khứ, quay về đường ngay lẽ phải, đều có chỗ đứng trong lòng dân tộc… Chính sách của chúng ta lấy nhân nghĩa để cảm hóa, lấy khoan hồng để đối xử, tuyệt đối không báo oán, trả thù”.

imageSau này, khi nhắc lại tư tưởng ấy, Võ Văn Kiệt day dứt với những suy tư: “Sau 30.4, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai”. Sau ba mươi năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó”.* Và rồi cũng chính Lê Duẩn là “người ghi vào Nghị quyết của Bộ Chính trị “Chấp nhận kinh tế nhiều thành phần. Đó là những con chữ tạo đà cho Đại hội VI Đổi mới… Tầm nhìn xa của anh Ba về kinh tế, những viên gạch anh đã lát cho con đường Đổi mới mà không nhiều người biết tới…”*

Tôi nhắc lại điều này để bác bỏ những ý kiến cho rằng chỉ khi Lê Duẩn qua đời mới có thể có Đổi Mới với Đại Hội VI. Đó là một ngộ nhận rất lớn, một định kiến thiếu khách quan và không công bằng với lịch sử. Trong suy nghĩ của tôi, tư duy về Đổi Mới khởi nguồn rất sớm với Lê Duẩn. Chính ông là người tán thành những bước đi của Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, với Bùi Quang Tạo ở Hải Phòng, làm chỗ dựa cho những bứt phá của Võ Văn Kiệt ở Sài Gòn, Chín Cần ở Long An…

Xin chỉ dẫn ra đây một đoạn ngắn trong cuốn sách được đánh giá cao của nhà kinh tế Đặng Phong:

Theo ông Đoàn Duy Thành thì ông Duẩn nghe tới đó [tức là chuyện khoán hộ] liền đứng phắt dậy: Tôi đồng ý! Làm ngay! Làm ngay! Không phải hỏi ai nữa. Cứ làm ngay đi!. Ngày 2-10-1980, Tổng bí thư xuống thăm Hải Phòng, từ Đồ Sơn đến Kiến An, ông thấy quả là trên các thửa ruộng khoán lúa xanh tốt, nông dân phấn khởi, đời sống nhân dân đi lên khác hẳn những nơi còn duy trì lối làm ăn tập thể. Trợ lý tổng bí thư, ông Đậu Ngọc Xuân tháp tùng, gợi ý với Hải Phòng: Nếu anh Ba đã nói cho phép làm thì phải làm thật nhanh, để đến khi ở trên có ai phản ứng thì ở dưới đã có kết quả thực hiện rồi, lúc đó có ai muốn ‘bẻ ghi’ cũng không kịp nữa”. Sau khi Tổng bí thư ra về, Chủ tịch Đoàn Duy Thành lại đi Hà Nội xin gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Thành đã không quên thưa với Thủ tướng rằng Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xuống thăm và “rất ủng hộ khoán”… Thủ tướng Phạm Văn Đồng xót xa: Làm lấy cái để ăn mà cũng còn khó như thế đấy. Trước khi rời Đồ Sơn, Thủ tướng dặn: Các đồng chí phải cố sức thuyết phục anh Năm (tức Chủ tịch nước Trường Chinh) để sớm đi tới thống nhất”. Cuộc tiếp cận với “anh Năm” mất nhiều thời gian hơn, không chỉ vì ông là người đã tuyên ngôn chống khoán thời Kim Ngọc. Trường Chinh là một con người làm việc có nguyên tắc, và nguyên tắc quan trọng nhất của ông là chủ nghĩa Marx-Lenin!”. Nhưng rồi cũng chính Trường Chinh là người chủ trì Đại hội VI Đổi Mới mở ra một bước ngoặt trong hành trình cam go của dân tộc đang đi tới. Với thử thách hai lần làm Tổng bí thư, ông đã có ý thức lắng nghe tiếng nói của cuộc sống, bằng bản lĩnh tự vượt lên chính mình, Trường Chinh đã có một câu nói đi vào lịch sử “Trong lúc này chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết[4]

Cho dù đã có những bứt phá trong tư duy nhưng Lê Duẩn vẫn không thoát khỏi những ràng buộc mà ông không thể vượt qua. Bởi lẽ, những ý tưởng của Lê Duẩn là trái với ý tưởng của nhiều người trong tập thể ban lãnh đạo. Cho nên, Lê Duẩn không thể dễ dàng bày tỏ quan điểm của mình và thuyết phục những lãnh đạo khác nhất trí với quan điểm đó. Nếu cứ cố làm thì sẽ gây chia rẽ trong nội bộ Đảng, mà cần phải làm từ từ để dần thuyết phục những người khác. Cho tới nay, nhiều người vẫn phê phán Lê Duẩn vì việc duy trì nền kinh tế bao cấp quá lâu, nhưng bối cảnh lịch sử lúc đó đã khiến ông không thể làm khác đi được, ông giải thích. Thậm chí có lúc gần như ra khỏi đựợc rồi nhưng lại phải quay vào, muốn là “ta”: mà vẫn cứ vướng vào “người” và lại rơi vào những bất cập. Đúng như suy nghĩ của Võ Văn Kiệt: “Con người từng đòi hỏi sự độc lập sáng tạo trong tư duy, không được sao chép của nước ngoài, từ Hội nghị Trung ương 6 Khoá IV đã cổ vũ những tìm tòi đổi mới, cũng không đột phá nổi độ dày của bảo thủ, giáo điều, xơ cứng”*.

Chỉ dẫn ra một chuyện nhỏ: Trong một bài viết đăng báo, Võ Văn Kiệt có nhắc đến ý tưởng của Lê Duẩn yêu cầu không sử dụng và nói nhiều đến cụm từ chuyên chính vô sản vì nó không còn đúng nữa, hơn thế còn gây nên những hệ luỵ xấu khi mà người dân đã làm chủ đất nước, phải tạo điều kiện về kinh tế, về văn hoá cho mỗi người dân vươn lên làm chủ chính mình. Ngay lập tức, Trần Trọng Tân – người được Nguyễn Văn Linh đưa ra làm Trưởng ban Tư tưởng và Văn hoá Trung ương vừa phải trở về làm Phó bí thư Thành uỷ TPHCM – lập tức có bài phê phán gay gắt đăng trên Sài Gòn Giải phóng. Trần Trọng Tân viết rõ: “Thực chất là ta đang dùng thuật ngữ “chuyên chính nhân dân” làm nhiệm vụ “chuyên chính vô sản”. Khi Võ Văn Kiệt có bài bác bỏ những luận điểm sai trái của ấy thì báo Sài Gòn Giải phóng không đăng. Chuyện này tôi đã nói rõ trong một “Mênh mông thế sự” trong dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Võ Văn Kiệt.

Giáo sư Trần Phương có thuật lại: “Tôi nh có lần, vào một buổi sáng, khi nhóm trợ lý chúng tôi đang họp, anh Ba đi vào “quẳng” xuống bàn chúng tôi một tờ báo và nói: “Các anh đọc đi!”. Rồi anh nhếch mép cười, đi ra… Chúng tôi cầm tờ báo lên: Trên trang nhất là một bài dài phê phán anh Kim Ngọc và quan điểm khoán hộ của anh. Có lần, tôi hỏi Anh Ba: “Tại sao Anh không công khai phản bác lại quan điểm bảo thủ của bài báo…”. Anh nói: “Quan trọng nhất là phải giữ sự đoàn kết trong Đảng”.[5]

Ông Trần Phương cũng cho rằng: “Ai đó đã nói rằng anh Ba không bảo vệ được Kim Ngọc là không đúng. Sau bài báo đó, Kim Ngọc vẫn là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú”. Theo những người trợ lý thân cận nhất của ông kể lại thì thái độ của ông đối với khoán ở Vĩnh Phú (1966-1968) khác với nhiều người lúc đó. Nhưng ông chưa kịp can thiệp thì đã có lệnh đình chỉ, mà đã có lệnh rồi thì không thể đảo ngược lại được. Ông Đậu Ngọc Xuân là trợ lý của ông kể lại: Khi khoán Vĩnh Phú đã bị đình chỉ, ông chỉ còn biết lên thăm Kim Ngọc để bày tỏ sự đồng tình với những tìm tòi của Kim Ngọc, an ủi về việc những sáng kiến quá mới như thế thường không dễ đi ngay vào cuộc sống[6]

Bi kịch của người thiết tha với sứ mệnh xây đắp nền dân chủ để đem lại tự do hạnh phúc cho dân, những người chủ của đất nước lại bị chính cái mô hình mà Lê Duẩn buộc phải chọn và đã chọn, dần dần đưa tới một nhà nước toàn trị phản dân chủ với những tật bệnh mà bình sinh ông đã lên án và tìm cách thoát ra.

Cho dù vậy, những sai lầm thiếu sót của Đảng mà với tư cách là một Tổng bí thư đứng ở cương vị đó lâu nhất qua nhiều thời đoạn với những bước ngoặt lớn, những thách đố gay gắt nhất mà đất nước phải trải qua, thậm chí có lúc đứng bên bờ vực sụp đổ – hệ luỵ của những sai lầm, khuyết điểm trong sự lãnh đạo, chỉ đạo với ông là người đứng mũi chịu sào –, ông không thể không chịu trách nhiệm trước lịch sử.

Và rồi, những người sau ông như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, và tệ hại nhất là thời kỳ những người nhận lãnh trọng trách lại là những kẻ chưa từng được thử thách, chỉ biết dựa vào cái cơ chế toàn trị độc quyền mà khôn khéo ngoi lên bằng sự “ngoan ngoãn dễ bảo” để “lọt được vào mắt” của người đang nắm quyền sinh quyền sát để leo nhanh trên bậc thang quyền lực như loại Nguyễn Phú Trọng. Có lẽ chính Lê Duẩn cũng không sao hình dung nổi sự hư hỏng mà ông từng day dứt “…dù mình không còn sống thì sự nghiệp của mình sẽ vẫn được thực hiện. Mà bây giờ thế là ta đã có cả, nhưng lúc này có cả rồi thì lại lắm hư hỏng”** như hiện nay dưới triều đại Nguyễn Phú Trọng dập theo khuôn mẫu “hoàng đế Tập Cận Bình” của Trung Quốc, kẻ thù mà Lê Duẩn từng sớm vạch mặt không hề khoan nhượng.

Chẳng thế mà kỷ niệm 100 ngày sinh Nguyễn Văn Linh, người bám víu vào Bắc Kinh để khỏi sụp đổ và dẫn đến sự kiện Thành Đô tệ hại “mở đầu cho một thời kỳ Bắc thuộc lần 2”, thì Nguyễn Phú Trọng cho làm rầm rộ ở Thủ đô để đánh tín hiệu gắn bó với Bắc Kinh. Còn kỷ niệm Lê Duẩn, thì Trọng đưa về Quảng Trị để người đọc diễn văn sẽ là một Bí thư tỉnh, chứ không là Tổng Bí thư, để Trọng lấy lòng quan thầy! Ông Lê Kiên Thành, con trai của Tổng Bí thư Lê Duẩn kể lại: “Một lần, khi ghé thăm cửa khẩu Hữu Nghị… tôi đã thấy ở nơi trưng bày những kỷ vật về mối quan hệ hai nước, có tất cả những tấm ảnh lãnh đạo Việt Nam qua nhiều thế hệ, trừ ba tôi. Trong sâu thẳm, tôi tự hào Ba tôi – cố TBT Lê Duẩn – là người đã quyết bảo vệ đến cùng từng tất đất ở đây, không mua bán, không mặc cả với bất cứ giá nào”!

Thì ra xu hướng chống Lê Duẩn mà tôi kể trên đây đã được khắc ghi vào “bia đá” ở ngay ngõ vào “Ải Nam Quan” đổi thành “Hữu Nghị Quan”, khởi đầu cho một “thời kỳ bắc thuộc lần thứ hai”. Xu phụng quỳ gối một cách nhục nhã trước quan thầy Trung Quốc đến cỡ ấy để cố giữ cho bằng được cái ngai vàng quyền lực bằng mọi giá đáng ghi vào lịch sử như một vết nhơ không thể xoá sạch!

Nhưng cái gì đến cũng phải đến, sự mục ruỗng của “triều đại” Trọng đã phơi bày quá rõ trong con mắt của bàn dân thiên hạ. Rõ nhất là nạn tham nhũng càng chống càng tăng, mà những vụ án đang liên tục được phơi ra đã giữ nhịp cho các thông tin nóng hổi mỗi ngày trên hệ thống báo chí và truyền thanh Nhà nước cũng như hệ thống truyền thông cá nhân trên các trang mạng. Những gì đang diễn gây phẫn nộ trong các tầng lớp nhân dân. Người ta hiểu rõ thực chất “cái lò ông Trọng” chỉ nhằm đốt những thanh củi gộc, dù khô, dù tươi cũng chỉ nhằm loại bỏ đối thủ trong cuộc chiến quyền lực. Hoặc nói như blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh ngày 9.6.2022 trên RFA: Nếu không chỉnh sửa được hệ thống vốn đẻ ra những sâu bọ, ung nhọt, thì bắt được kẻ này sẽ đẻ ra kẻ khác thôi. Chưa kể những vụ bắt bớ kiểu này nhiều khi chỉ phục vụ mục tiêu chính trị như đấu tranh phe cánh… Chưa kể những cán bộ vào tù sướng vô cùng, tôi biết nhiều trường hợp họ thật sự nằm ở bệnh viện chứ không phải đi tù, hoặc họ đi tù dạng VIP, có phòng riêng, đầy đủ tiện nghi, được đi đánh tennis....

image

Có lẽ Lê Duẩn không thể hình dung nổi cái “lắm hư hỏng” mà ông lo lắng lại lan tràn rộng khắp như nước bẩn chảy loang khắp nhà vì nhà đã dột từ nóc. Ngôi nhà mà Phạm Văn Đồng trong một bài nói, gần như là cuối cùng của ông: “Cái nhà của chúng ta dơ bẩn quá, phải quét sạch rác rưởi đi”. Chúng tôi, những người đã vượt ngưỡng “cổ lai hy” hơn một giáp nên chỉ còn cây bút trong tay, đành phải mượn ngòi bút để góp phần quét rác nhằm làm sạch ngôi nhà để con cháu được sống sạch sẽ và tử tế.

Tôi nhớ ai đó đã nói “Tất cả sự khôn ngoan của con người được tập hợp lại trong hai từ: chờ đợi và hy vọng”. Ấy vậy mà theo văn hào Lỗ Tấn thì: “Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư, cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi mà thành đường đó thôi”.

Đúng vậy, cuộc đến thăm một người hiền của Sài Gòn đem lại cho tôi một niềm vui lớn về nghị lực sống, nghị lực viết với một bản lĩnh của một nhà nghiên cứu nhẫn nại đi tìm sự thật lịch sử nhằm đem lại sự công bằng lịch sử, để góp phần tìm đường đi cho dân tộc.

 

* Những chỗ đánh dấu * là theo cuốn Cảm nhận & Suy tư, các tr. 69, 71, 75, 77, 82, 85.


[1] Trích nội dung Thư Ngỏ gửi Bộ Chính trị… ngày 19.2.2015.

[2] Theo bài viết của Tô Lan Hương đăng trên Trí thức Trẻ, ghi lại lời kể của Việt Phương – Thư ký của Tổng Bí thư Lê Duẩn và Lê Kiên Thành – con trai của ông. Xem: http://redsvn.net/thai-do-cua-tbt-le-duan-voi-trung-quoc-truoc-trong-va-sau-cuoc-chien-1979/

[3]Thư Hoàng Lại Giang gửi ông Nguyễn Phú Trọng”. Văn Việt 27.8.2017.

[4] Võ Văn Thành, “Đại hội giữa lòng khủng hoảng”, Tuổi Trẻ 19.1.2016.

[5] “VnEconomy – Business & financial news – Tin tức kinh doanh & tài chính”. Vneconomy.vn. Ngày 6 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2010.

[6] Đặng Phong, “Lê Duẩn qua một tài liệu mới tìm được”. Diễn đàn ngày 23.4.2007, cập nhật lần cuối ngày 12.4.2016.

Comments are closed.