Đi dự lễ tốt nghiệp của cháu

Nguyễn Minh Kính

(Ký sự của lão già nhà quê)

Hầu như mỗi chúng ta ai cũng thế, hễ có dịp đi đâu đó, nhất là đi chơi xa về đều có đề tài, có chuyện để kể ra cho vui.

Mình tuổi ngoài tám mươi, sống ở Mỹ, đất nước rộng mênh mông với diện tích gần mười triệu ki-lô mét vuông, rộng gần ba mươi lần Việt Nam, chẳng đi được đâu xa cũng giống như “gà què ăn quẩn cối xay”; nay được dịp đi dự lễ tốt nghiệp đại học của cháu bên Canada, cũng gọi là du lịch ra nước thì mừng lắm, háo hức lắm, nao nức lắm, hí ha hí hửng như con nít.

Lịch trình là thứ Năm, ngày 19.10.2023 khởi hành, ngày thứ Sáu dự lễ tốt nghiệp, ngày thứ Bảy đi chơi tham quan thành phố Toronto và Niagara Falls, thác nước nổi tiếng thế giới chảy từ Mỹ sang Canada trong vùng Ngũ Đại Hồ, và ngày Chủ Nhật về để ngày thứ Hai con cháu đi làm.

Con cháu tổ chức chuyến đi như vầy: Lái xe nhà ra sân bay quốc tế Houston, tiểu bang Texas gửi lại đó rồi mọi người bay chuyến nội địa đến sân bay quốc tế Detroit, tiểu bang Michigan. Tiểu bang Michigan giáp biên giới Canada nằm ở vùng Ngũ Đại Hồ giữa Mỹ và Canada. Thời gian bay mất khoảng ba giờ.

Xuống sân bay, cả nhà sẽ thuê chiếc xe bảy chỗ lái đến thành phố Waterloo, bang Ontario, Canada là nơi tọa lạc của trường đại học Waterloo mà cháu đã theo học bảy năm.

Quãng đường dài 183 dặm, tương đương 2.630 km. Khi qua cửa khẩu biên giới Mỹ và Canada, mọi người chỉ ngồi trong xe xuất trình giấy tờ cá nhân qua cửa sổ bốt gác. Cô nhân viên hải quan nhỏ người xinh xinh, da ngăm ngăm từa tựa người châu Á, trông sắc sảo thông minh lịch sự hỏi vài câu như lý do đến Canada, địa chỉ nơi ở lại Canada, thời gian lưu trú rồi vui vẻ gật đầu ô-kê cho đi.

Có lẽ Mỹ và Canada là hai nước núi liền núi, không phải sông liền sông mà là Ngũ Đại Hồ liền Ngũ Đại Hồ, cũng không phải anh em đồng chí “môi hở răng lạnh, máu chảy ruột mềm” mà là bạn đồng minh với nhau, bình đẳng tôn trọng nhau nên mới dễ dàng thoải mái như thế.

Con cháu đã thuê trước một căn nhà giá sáu trăm đô-la dành cho khách du lịch ở thành phố Waterloo thay vì đặt phòng ở khách sạn. Căn nhà dành riêng cho khách du lịch thuê như một căn hộ gia đình riêng đầy đủ tiện nghi và sạch đẹp không chê vào đâu được, lại có cả hồ bơi nữa.

Sân nhỏ cạnh hồ bơi có mái che, có bàn ghế ngồi thư giãn để uống trà, cà phê và rượu bia tùy thích. Con cháu hỏi mình, bố có muốn xuống hồ để bơi không, ông có muốn xuống hồ bơi để bơi không. Mình không trả lời. Hỏi cho vui thôi, rồi chúng nó nhăn răng cười. Mùa Thu Canada mát mẻ và có phần lạnh lẽo, cây cối đổi màu đỏ và vàng, màu sắc rực rỡ đẹp mê hồn làm du khách ngắm nhìn ngây ngất.

Cháu chưa làm lễ tốt nghiệp nhưng đã ký hợp đồng làm việc cho một bệnh viện ở thành phố Kingston, Ontario cách địa điểm gia đình thuê ở khoảng 380 cây số. Quãng đường này cháu phải đi xe lửa đến thành phố Toronto rồi đi tiếp xe bus nữa mới về nơi ở của gia đình thuê. Có cháu về nữa nên gia đình đầy đủ sáu người để chuẩn bị ngày mai đi dự lễ tốt nghiêp.

VÀI NÉT VỀ ĐẠI HOC WATERLOO

Theo thông tin phổ biến trên mạng, Đại học Waterloo đón nhận hơn 36.000 sinh viên trong nước và từ 120 quốc gia trên thế giới đến học tập và nghiên cứu. Trường đào tạo văn bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ trong các lĩnh vực Nghệ thuật, Kinh doanh, Kỹ thuật, Môi trường, Sức khỏe, Toán và Khoa học.

Đại học Waterloo ở vào top 50 trường đại học tốt nhất thế giới về đào tạo kỹ thuật và 25 năm liền được xếp hạng “Sáng tạo bậc nhất” của Canada. Đội ngũ giáo sư của đại học Waterloo đặc biệt có bà Donna Strickland, một nhà khoa học vật lý người Canada đã nhận được một phần giải thưởng Nobel cao quý về Vật lý năm 2018 nên tiếng tăm và thương hiệu của trường vốn đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng thêm.

Trường kết hợp việc học và chương trình thực tập có trả lương. Sau mỗi đợt học xong một tín chỉ, sinh viên phải tự xoay xở nộp đơn và qua phỏng vấn để đi thực tập có lương. Sự kết hợp này chỉ ở đại học Waterloo mới có. Nó giúp cho sinh viên có thêm kinh nghiệm khi tốt nghiệp ra trường và các nhà tuyển dụng cũng rất hài lòng khi tiếp nhận.

Đại học Waterloo được xây dựng trong vùng đất xưa kia thuộc tổ tiên của thổ dân da đỏ, một cộng đồng được tạo nên bởi cả trăm sắc tộc khác nhau và luôn hướng tới giáo dục trong một không gian văn hóa sôi động và rộng mở. Sinh viên thuộc các sắc tộc thổ dân da đỏ đều được miễn học phí ở đại học Waterloo.

KHỞI HÀNH ĐẾN TRƯỜNG DỰ LỄ

Lễ tốt nghiệp tổ chức từ 2 giờ chiều ngày 20.10.2023 nhưng phải đến sớm để cháu đăng ký mượn áo choàng, trang phục mặc trong buổi lễ.

Thân nhân của các sinh viên tốt nghiệp đại học đều phải đăng ký trước để ban tổ chức sắp xếp chỗ ngồi trong hội trường. Hội trường của trường đại học được thiết kế hình lòng chảo bốn mặt với những hàng ghế ngồi từ thấp lên cao, càng lên cao không gian càng được mở rộng hơn. Riêng mặt dành cho khán đài thì cao ở mức vừa phải để khán thính giả ngồi trên những dãy ghế ở ba mặt kia và tầng trệt có thể quan sát được dễ dàng.

Hai bên khán đài ở trên cao còn được gắn hai màn ảnh rộng để chiếu trực tiếp quang cảnh buổi lễ cho những người ngồi xa có thể thấy được rõ ràng. Trong hội trường, bất cứ người ngồi ở vị trí nào xa hay gần cũng có thể quan sát và thấy được quang cảnh buổi lễ một cách thoải mái nhờ hai màn ảnh rộng.

Đúng giờ khai mạc, phụ huynh và thân nhân của sinh viên tốt nghiệp ngồi hết các dãy ghế từ thấp lên cao của ba mặt hội trường và một phần của tầng trệt. Tầng trệt có khu vực riêng biệt dành cho các sinh viên tốt nghiệp.

Một thành viên ban tổ chức tuyên bố lý do buổi lễ và giới thiệu các thành phần tham dự, đồng thời một đoàn các quan khách và chức sắc từ sau hội trường tiến dần về khán đài. Người đi đầu không phải hiệu trưởng hay quan chức chính quyền, mà là một đại diện thổ dân da đỏ với trang phục truyền thống.

Người da đỏ bản địa may quần áo từ da và lông động vật, vỏ cây, và các vật liệu mà họ săn bắt hái lượm được. Trang phục của họ màu sắc sặc sỡ, có hình móng vuốt, răng thú và lông một số loài chim vừa lạ mắt vừa lộng lẫy một cách hoang dã.

Sau khi quốc ca Canada kết thúc, vị đại diện thổ dân da đỏ bản địa lại là người mở lời trước tiên và tiếp theo cùng một tốp ca của dân da đỏ với nhạc đệm rộn ràng một âm hưởng hoang dã của thời sơ khai mà tổ tiên họ là giống người duy nhất làm chủ vùng đất Bắc Mỹ này.

clip_image002

Đại diện của thổ dân da đỏ tại lễ tốt nghiệp của trường ĐH. Waterloo, Ontario, Canada, chụp qua màn ảnh rộng.

Có lẽ thổ dân da đỏ chiếm một vị trí rất quan trọng trong sinh hoạt văn hóa vùng Bắc Mỹ mà người da trắng đi chinh phục đã rút ra nhiều bài học có cả xương máu nên họ không những luôn luôn tôn trọng mà còn bảo vệ, khuyến khích để xã hội phát triển hài hòa trong văn minh bền vững.

Kế tiếp là những phát biểu ngắn gọn của đại diện từng khoa đào tạo. Họ nói rất gãy gọn, rõ ràng, hấp dẫn chứ không máy móc, dài dòng lê thê.

Tiếp theo, một vị đại diện ban tổ chức xướng danh các loại bằng cấp, học vị của từng ngành học mà các sinh viên và nghiên cứu sinh chuẩn bị lên nhận khi được gọi đích danh từng người một.

Học vị tiến sĩ được xướng danh đầu tiên. Có bảy nghiên cứu sinh lên nhận bằng tiến sĩ khoa học. Khi nhận bằng tiến sĩ, chiếc khăn choàng họ chỉ cầm nơi tay. Sau khi nhận bằng xong, họ đi qua vị giáo sư hướng dẫn hay vị giáo sư chuyên ngành đang ngồi sẵn trên chiếc ghế của khán đài, để các vị này khoác khăn choàng vào cổ cho các tân tiến sĩ.

Nghi thức này chỉ dành cho các nghiên cứu sinh và sinh viên đạt học vị cao sau tám năm đại học Waterloo. Các sinh viên lấy bằng cử nhân sau bốn năm học thì không có nghi thức này. Họ chỉ nhận bằng cử nhân rồi đi qua khán đài xuống vị trí có chuyên viên chụp ảnh kỷ niệm rồi tuần tự trở về vị trí.

Mỗi khi một sinh viên hay nghiên cứu sinh được xướng danh, dưới hội trường vang lên tiếng hò reo cỗ vũ, cả tiếng huýt sáo, làm không khí thật sôi nổi. Càng có nhiều tiếng vỗ tay hơn khi một chị người da màu bế theo con nhỏ lên nhận bằng Thạc sĩ (Master) về chăm sóc sức khỏe.

Cháu ngoại của mình sau bảy năm học thay vì tám năm học (cháu đã học vượt một năm trong những năm đầu khoa học đại cương) và cháu đã nhận bằng Doctor of Pharmacy (Bác sĩ dược khoa).

Buổi lễ trao bằng tốt nghiệp của đại học Waterloo kéo dài hai giờ ba mươi phút và kết thúc vào lúc bốn giờ rưỡi chiều. Khi kết thúc buổi lễ, cũng vị đại diện thổ dân da đỏ xuất hiện. Tốp ca của họ lại đồng ca bản nhạc rộn ràng sôi nổi một cách hoang dã của thời buổi sơ khai trên vùng đất phía Bắc châu Mỹ.

Trên đường về xe chạy chầm chậm, nhìn những hàng cây đang đổi màu trong tiết thu của xứ Canada cộng với hình ảnh vị đại diện thổ dân da đỏ trên sân khấu buổi lễ làm mình lại nhớ hình ảnh những bà con Tây Nguyên quê nhà đang chồng chất biết bao nhiêu gian khó, đắng cay và mất mát…

                                                                                                               27.10.2023

                                                                                                                N. M. K

Comments are closed.