Đêm chạy trốn (kỳ 5)

Tiểu thuyết Thái Sinh

TS (1)

Nhà văn Thái Sinh

Nàng Ban vùng đứng dậy lao vụt ra ngoài, đuổi theo nàng là đất đá, dao, cuốc…, tất cả những gì có thể ném được.

Nàng Ban trốn ra rừng ngay đêm ấy, nàng đến ở trong cái lều nương của mình. Mẹ nàng mất lâu rồi, nếu mẹ nàng còn sống bà cũng chẳng giúp được cho nàng.

Bà nhặt được nàng trong cánh hoa ban giữa cánh rừng hoang dã, người ta không thừa nhận nàng trong cộng đồng của mình. Nàng là tai ương, là mối hiểm hoạ của mọi người ở đây. Không thể khác được, nàng phải trở về với cánh rừng nơi mẹ nàng đã nhặt được nàng. Rừng sẽ mở rộng vòng tay đón nàng, che chở cho nàng.

Nàng nuôi ngọn lửa trong một gốc cây một đầu vùi trong tro nóng. Ngày ngày nàng lên rừng phát cây, đào củ, nhặt những hạt thóc còn vương lại trên sàn lều nương gieo trên mảnh đất nàng vừa phát. Đêm đêm nàng ngồi lặng lẽ trong căn lều trống hoang nhìn về bản, mong đợi một ngày nào đó chàng trai người yêu của nàng sẽ đến tìm nàng và hai người dắt nhau vượt qua dãy Ta Khao tới cái nơi chưa có dấu chân ngươi.

Nàng mong đợi chàng, bởi cái thai trong bụng nàng mỗi ngày một lớn. Nàng thường đặt tay lên bụng mình và nàng nghe rõ tiếng bàn chân con đạp lên thành bụng.

Một hôm vừa từ trên rừng trở về, nàng thấy quanh chiếc lều nương có dăm sáu người từ dưới bản kéo lên, mặt người nào cũng hầm hầm tức giận. Họ đập phá rồi châm lửa đốt chiếc lều nương của nàng.

Từ xa, nàng nhận ra trong đám người kia có mặt người yêu của nàng, chàng nhận ngọn lửa từ tay của một ai đó, châm lên mái lều của nàng. Ngọn lửa hung bạo đã thiêu cháy tất cả từ váy, áo đến con dao, cái cuốc, những hạt lúa giống nàng chắt chiu gom góp trong mùa nương qua… đều biến thành tro than.

Hình như ở dưới bản lại có thêm một số người bị ốm đau, bệnh tật, và thế là họ đi tìm nàng để xua đuổi kẻ gieo chết chóc xuống đầu họ.

Tối một lúc lâu nàng mới trở về, căn lều đã cháy trụi. Buồn bã và cay đắng, nàng khóc nức nở, nước mắt nàng nhỏ xuống đống than đỏ nghe xèo xèo.

Không thể ở đây được nữa, người ta đã tìm ra chỗ ở của nàng. Chỉ ít ngày nữa nàng sẽ sinh con và mùa đông đã cận kề… Nàng cúi xuống nhặt một mẩu củi còn lồng lộng than và bước sâu vào cánh rừng trước mặt.

Rừng tối tăm và huyền bí. Từ mấy tháng nay chui lủi trong rừng, mắt nàng đã quen nhìn trong bóng tối, khu rừng này nàng thuộc làu làu, nhắm mắt cũng có thể đi lại được.

Lại một lần nữa, rừng giang rộng cánh tay nhân từ đón nhận và chở che nàng.

“Ngày xưa mẹ nhặt được ta trong bông hoa nhỏ xíu của người trai bên kia núi trong đêm hội hái hoa tặng mẹ, mẹ nuôi giấu ta trong ngực áo mình. Con thân yêu ơi, mẹ cũng sẽ nuôi con trong ngực áo của mẹ đây, núi rừng rộng lắm họ sẽ chẳng tìm thấy mẹ con mình đâu…”.

Nàng Ban đi mãi, đi mãi cho tới một hôm, nàng gặp một gốc cây sến già có rất nhiều bạnh, gốc của nó to gấp mấy ngôi nhà sàn của Tạo bản. Mệt và đói, nàng ngồi xuống tựa vào gốc cây và thiếp đi.

Trong giấc mơ nàng thấy mình lạc vào hang một đàn khỉ đông tới mấy trăm con. Con khỉ đầu đàn lấy nàng làm vợ, chúng tôn nàng là bà chúa của chúng, hàng ngày chúng đi kiếm hoa quả về nuôi nàng. Nàng sinh được một đàn con, những đứa con của nàng chân tay và khắp người chúng đều có lông, chúng leo trèo và kiếm hoa quả giỏi như bọn khỉ kia. Chỉ một điều chúng cãi nhau chí choé suốt ngày, có lẽ đó là dị biệt của dòng máu người trong chúng, nàng Ban không tài nào bảo nổi chúng.

Bọn khỉ rừng đâm ghét chúng, chúng đuổi đám con của nàng ra khỏi hang đá. Mưa gió và cái lạnh của mùa đông trên núi quật ngã lần lượt từng đứa con nàng. Nàng ủ chúng trong lòng mình, nhưng hơi ấm của nàng không đủ giúp cho các con của nàng khỏi chết rét.

Lúc đó nàng mới nghĩ tới lửa, ngọn lửa nàng mang từ Ta Khao đã lụi tàn từ lâu. Đau đớn đến cuồng dại, nàng xé tất cả váy áo trên người, đi lang thang trong rừng, qua một đêm người nàng mọc đầy lông lá như bầy khỉ.

Một hôm những người thợ săn ở Ta Khao bao vây hang đá, họ bắt được nàng trói mang về bản. Chàng trai yêu nàng ngày xưa trông thấy nàng vội hét lên kinh hãi: “Ôi, ma cà rồng!”. Nàng gào to: “Ta không phải là ma cà rồng. Hỡi mọi người hãy giết ta đi, giết ta như một con thú, đừng buộc tội và đổ oan cho ta là ma cà rồng…”.

Người ta chất củi quanh người nàng rồi châm lửa đốt.

Nàng dứt đứt các sợi dây trói vùng chạy, người nàng rực cháy như một bó đuốc lớn.

Bước chân nàng đặt tới đâu là lửa cháy tới đó.

Lửa bén vào rừng, rừng bốc cháy, núi bốc cháy, cả vùng núi Ta Khao ngùn ngụt lửa khói.

Nàng Ban bừng tỉnh dậy. Đêm sập xuống từ lâu, quanh người nàng tối đen, nàng tìm bọc than nàng ủ trong gốc cây, chỉ còn một đốm sáng. Nàng vội vã lấy lá khô gây lại ngọn lửa. Đã mấy đêm ngày rời khỏi cái lều nương ở Ta Khao rồi nhỉ, nàng không nhớ, chỉ biết bây giờ chân nàng đã mỏi rã rời, không thể nào đi được nữa, người nàng gầy xác xơ.

Ôi, nàng sẽ chết rũ ở nơi này mất thôi. Lửa ơi, trong giấc mơ ta thấy con ta chết vì thiếu ngọn lửa sưởi ấm, còn bây giờ ta chết bên ngọn lửa vì đói khát. Nước mắt nàng chảy đầm đìa trên má, bây giờ nàng không sợ con người nữa, họ không thể nào tìm thấy nàng được, nhưng nàng sẽ chết rũ ở nơi này vì đói khát.

Mấy hôm nay nàng ăn toàn lá cây, củ rừng ruột gan cồn cào rát bỏng như có lửa đốt.

Cái thai trong bụng nàng đạp dữ dội hơn.

Con ơi hãy ngủ đi con, con cũng đang đói phải không? Tội nghiệp con tôi, nhịn đói từ khi còn nằm trong bụng mẹ.

Ngủ đi con, sớm mai mẹ sẽ đi tìm cái ăn cho con. Thế, ngủ đi con ngoan của mẹ ơi. Con là trai hay gái? Biết đặt tên con là gì nhỉ?…

Bố con đã chết rồi, bởi người ấy đã cùng dân bản ruồng đuổi mẹ và con…

Nàng Ban lại thiếp đi trong đói khát và mỏi mệt, cho đến lúc tiếng khèng khẹc của lũ khỉ trên ngọn cây khiến nàng tỉnh giấc.

Không biết là mơ hay là thực, nàng mở mắt và nhìn thấy một đàn khỉ mấy chục con đang chuyền từ cành nọ sang cành kia về phía Ta Khao.

Chờ cho chúng đi hết, nàng mới nhỏm dậy gây lại ngọn lửa. Tiếng củi nổ lép bép và mùi khói cay nồng đã đánh thức cơn đói trong nàng.

Nàng ngơ ngẩn nhìn lên ngọn cây, quanh đây không có cây quả gì ăn được. Ừ, nàng đang ở ngang sườn núi, vượt qua khu rừng này thì tới thung lũng Hua Lanh, từ đây tới đó còn xa lắm, đứng dưới Ta Khao nhìn lên, thung lũng xanh mờ luôn chìm ngập trong màn sương khói. Làm sao nàng đủ sức để tới đó được?

Lũ khỉ đột ngột quay lại rồi kéo nhau đi về hướng khác cắt đứt mạch suy nghĩ của nàng. Nàng tự nhủ: Hang của lũ khỉ chắc ở quanh quẩn đâu đây. Lũ khỉ cũng biết dự trữ thức ăn như người. Giấc mơ mách bảo nàng một điều gì đó không rành mạch. Chần chừ một lát nàng đứng dậy đi về phía buổi sớm lũ khỉ kéo ra. Thật may mắn, nàng đã tìm thấy hang của chúng, cách cây sến không xa lắm.

Nàng quan sát kỹ lối vào hang, rồi mới bám vào các dây rợ, gờ đá leo vào như một tên ăn cắp. Trong hang tối mờ mờ, mùi ẩm mốc và mùi nước tiểu khai nồng nặc xộc vào mũi nàng đến lợm mửa. Nàng dừng lại, thấy mặt mày xây xẩm khiến cho đôi chân không thể bước tiếp được nữa.

Nàng dựa vào vách đá nghỉ, vừa để lấy lại sức vừa để làm quen với cái mùi khó chịu ấy. Lũ chuột trong hang cắn đuổi nhau chí choé. Một vật gì rơi bộp dưới chân, nàng cúi xuống và nhận ra đó là một bắp ngô lũ chuột đánh rơi. Mắt nàng sáng rực lên, chộp lấy bắp ngô như sợ kẻ nào cướp mất.

Nàng ngước nhìn về phía trái hang…

Trời ơi nàng không còn tin vào mắt nàng nữa… Đầy ắp một ngách hang là ngô, bí đao, khoai lang và lúa… Chân nàng rủn xuống, nước mắt sung sướng chan hoà trên gương mặt hốc hác bởi bao nhiêu ngày nhịn đói, nhịn khát…

Sống rồi, ta không thể chết được con ơi.

Nàng lẩm bẩm và nhao về phía cái kho dự trữ của lũ khỉ.

Tiếng rú rít, tiếng khèng khẹc từ bốn phía trong bóng tối phát ra, nàng sững lại, quanh nàng là những gương mặt nhăn nhúm, những đôi mắt đỏ dọc và giận dữ.

Lũ khỉ giữ nhà đã phát hiện ra nàng, chúng nhe đôi hàm răng trắng nhởn ra doạ. Nàng Ban lùi lại vì sợ hãi, nhưng không rõ sức mạnh nào đó bùng nổ trong lồng ngực, nàng nhào tới giật lấy một túm ngô. Lũ khỉ giạt ra, tới tấp ném đất đá vào người nàng.

Nàng né tránh: “Chúng mày định đánh nhau với tao à?”. Nàng cúi xuống nhặt một hòn đá ném trả, vừa ném vừa thét to làm lũ khỉ sợ hãi lùi sâu vào trong.

Trong chốc lát chúng lại xông ra, vừa ném đất đá chúng vừa giằng giật, không cho nàng lấy thức ăn của chúng. Bất thình lình nàng tóm được một con, bóp chẹt lấy cổ. Con khỉ kêu thét lên khiến lũ khỉ chạy rạt cả vào trong. Nàng vội giật lấy một túm ngô, chạy vọt ra ngoài. Tay chân và váy áo nàng bị lũ khỉ cào cắn xây xước.

Nàng cời than nướng ngô, vừa nhấm nháp những hạt ngô nướng thơm ròn, nàng ngửa mặt nhìn lên vòm cây lá với một niềm sung sướng không thể nào tả hết.

Chiều tối, lũ khỉ đi kiếm ăn trở về, quanh thân mỗi con đều đeo những túm lúa, trái cây… Vừa đi chúng vừa cắn cấu nhau chí choé. Tới cửa hang, chúng im lặng lần lượt từng con đi vào, con khỉ đầu đàn vào sau cùng.

Bóng tối ập xuống, phủ nhoà mặt đất, núi rừng lại trở về cái vẻ hoang vắng của nó.

Nàng Ban chất củi đốt một đống lửa rồi vơ lá khô làm ổ, đêm nay là đêm thứ hai nàng ngủ ở đây.

Sớm tinh mơ, lũ khỉ đã khèng khẹc vượt qua đầu nàng đi kiếm ăn. Chờ cho chúng đi một lúc lâu, nàng mới rón rén đi về phía hang đá. Hôm nay lũ khỉ giữ nhà dường như đông hơn, chúng ngồi ngay ngoài cửa hang tới tấp ném đá, phóng nước tiểu lên đầu nàng, khiến nàng không thể nào vào được bên trong.

Ngày hôm đó nàng phải nhịn đói. Nàng tự nhủ: “ Phải chờ cho tới đêm, khi lũ khỉ đi ngủ hết mới có thể lẻn vào…”.

Đêm ấy, khi nghe trong hang không còn động tĩnh gì, nàng mới leo vào. Trong hang tối quá, nàng phải dò dẫm từng bước, có lúc mặt nàng vập vào cả vách đá, nhưng nàng vẫn cứ đi, lần tới từng bước chậm chạp. Cuối cùng tay nàng đã chạm vào một trái bí, nàng khẽ bê xuống đặt dưới chân. Tay nàng lại đặt vào một trái khác cùng với một túm ngô. Vừa một chuyến, nàng lần theo vách hang quay ra.

Mỗi đêm, nàng vào hang lấy được vài ba chuyến thì trời hửng sáng, lũ khỉ lục tục trở dậy kéo nhau đi kiếm ăn. Cứ thế, đêm đêm nàng leo vào hang lấy cắp lương thực của lũ khỉ chất vào hốc cây.

Rồi một đêm, nàng thấy bụng mình rất đau… Biết mình sắp đẻ, nàng cố làm tất cả những gì mà bản năng mách bảo. Dựng một chiếc lều nhỏ, trải một lớp lá khô, lấy củi về chất quanh lều, lấy nước vào các ống bương, tẽ ngô ra một hũm đá, tước vỏ cây bện thành một tấm chăn…

Nàng day vú cho sữa về, con trai rốn để bàng đầu gối, con gái rốn để chấm kheo, nhau phải chôn thật kín kẻo ma cà rồng tìm đến hút máu, con sẽ yếu.

Sau một đêm đau đớn dữ dội, nàng Ban sinh ra một đứa con trai tuyệt đẹp tuy chỉ nhỉnh hơn bắp ngô một chút.

Nàng bọc nó trong chiếc khăn piêu rồi ủ vào trong lòng. Bất chợt nàng cất giọng hát, tiếng hát của nàng ngọt ngào đằm thắm như dòng suối Na Ngò chảy qua các triền núi Ta Khao.

“Núi rừng Ta Khao ơi

Xin đón lấy đứa con của ta

Nó chính là đứa con của núi

Con hãy ấp miệng vào ngực mẹ như ấp vào ngực đá

Uống dòng sữa ngọt ngào từ trái tim mẹ chảy ra

Con lớn lên nhận sức vóc của núi

Làm ra những mùa màng…”.

Đứa con của nàng Ban nghe tiếng hát ru, nó mở đôi mắt nhỏ xinh nhìn nàng… Ngày qua ngày, nó lớn lên trên cánh tay nàng, uống những lời ru của nàng. Nàng gọi nó là Cốn – con người, để mai này lớn lên, dù giữa chốn rừng hoang lạnh, nó vẫn biết rằng cha mẹ nó là người, những con người.

Nàng Ban địu con trên lưng vào rừng kiếm rau măng, hoa quả, nhặt những bông lúa lũ khỉ đánh rơi, phát rừng tra hạt, hai mẹ con nàng bám vào núi rừng để sinh sống.

Năm thằng Cốn lên năm lên sáu gì đó, bất ngờ lũ người đi săn ở Ta Khao lại kéo tới. Họ đốt lều của mẹ con nàng rồi cướp ngô, lúa… mà mẹ con nàng dự trữ trong hốc cây.

Nàng đoán rằng dưới Ta Khao lại có dịch, có người chết.

Lũ khỉ đã cứu mẹ con nàng. Chúng rú rít, ném cây cối vào đám người đi săn, họ mải đuổi theo lũ khỉ nên quên mẹ con nàng.

Hai mẹ con nàng lại bồng bế, dắt díu nhau chạy mải miết vào rừng. Cốn hỏi:

– Mẹ ơi, họ là ai mà đến đây săn đuổi chúng ta thế?

– Họ là những con người….

– Con người?

– Đúng! Con người ác lắm, con người không những làm hại lẫn nhau mà còn làm hại và tiêu diệt cả những loài khác nữa…

Hai mẹ con tới một rông núi khác, Cốn lại hỏi:

– Mẹ con ta có phải là người không?

– Chúng ta cũng là con người, nhưng bị con người ruồng đuổi…

– Chúng ta cũng ác như con người hả mẹ?

Nàng không đáp.

Từ hôm ấy nàng bắt đầu kể cho Cốn nghe chuyện của đời nàng ở Ta Khao với bao nỗi niềm cay đắng. Rằng cứ vài ba năm, khi dân bản Ta Khao có dịch, họ cho rằng nàng Ban về làm hại, lại huy động thợ săn và trai tráng bản đi lùng giết mẹ con nàng. Bao nhiêu lần như thế mẹ con nàng đều thoát chết và lại phải chuyển tới một rông núi khác, xa hơn, hẻo lánh hơn…

Trong lòng thằng Cốn chất chứa nỗi hận thù con người. Năm thằng Cốn mười sáu tuổi thì nàng Ban chết. Nàng bị người Ta Khao rượt đuổi, trượt chân rơi xuống vực, đầu đập vào đá vỡ nát.

Thằng Cốn càng căm thù con người hơn. Mỗi năm một lần, nó xuống núi xéo đạp các nương lúa và đốt bản Ta Khao. Nó ẩn hiện như ma, người dân Ta Khao gọi nó là ma rừng. Mỗi lần nó xuất hiện, dù là đàn ông hay đàn bà đều rú lên khiếp đảm, thợ săn giỏi nhất ở Ta Khao thấy bóng nó là vội vứt súng tháo chạy.

Nó trở nên ghê khiếp hơn cả mẹ nó, dù người ta không biết nó là con nàng Ban. Họ bảo nàng Ban đã hoá hổ, đã thành người rừng… Họ lần lượt bỏ đất Ta Khao khi những cánh rừng đã bị đốt trụi.

Câu chuyện nàng Ban ma cà rồng, nàng Ban hoá hổ, nàng Ban thành người rừng trở thành huyền thoại ở vùng núi Ta Khao.

Năm người ta về đây thành lập lâm trường, chuyện nàng Ban trở thành chuyện ngày xửa ngày xưa. Cốn năm ấy tóc đã lốm đốm bạc, râu dài ngang ngực, không còn nhanh nhẹn để xuống Ta Khao phá phách nữa, nó lên tận mãi thung lũng Hua Lanh sinh sống, từ đó hễ thấy bóng người là nó lại lẩn rừng.

Rồi một đêm…

Sao ngừng kể khi con tàu đang từ từ vào ga, cô gái vội níu lấy tay chị.

– Thật là hoang đường, khó mà tin được chuyện ấy là thật. Nhưng rồi sao nữa hả cô?

Im lặng một lát, Sao nhìn cô gái gật đầu.

– Và cô đã gặp được người rừng ấy trong căn lều của ông ta.

– Trời ơi! Cô gái kêu lên thảng thốt- Người rừng ấy có làm hại cô không?

– Không! – Sao lắc đầu, chị nhìn ra ngoài, chép miệng thở dài- Sắp sáng rồi cháu ạ, có lẽ cháu ngủ đi một chút cho đỡ mệt.

Là ga xép, tàu chỉ đỗ dăm mười phút rồi lại tiếp tục lăn bánh. Sao ngả người ra thành ghế, mặt ngửa nhìn lên trần toa, khó ai đoán nổi lúc này chị buồn hay vui, chợt chị bật cười với giọng đầy chua xót.

– Thằng Núi con cô đã hy sinh rồi. Nó được phong danh hiệu anh hùng. Có ai biết rằng người anh hùng ấy đã được một người rừng góp công nuôi dưỡng… Nghe vô lý quá phải không cháu? Nhưng đó là sự thật. Phải, suốt đời cô biết ơn ông ta…

Những người soát vé đi tới hàng ghế của họ. Đến lúc này Sao mới nhớ mình lên tàu không có vé, chị lúng túng đứng lên khi người soát vé chìa bàn tay về phía chị.

– Bà cho xem vé.

– Dạ! – Sao cúi xuống, chị chẳng mang gì để lục tìm cả.

Người soát vé gắt:

– Bà có vé chứ?

– Thưa chú, không! Chú làm ơn cho tôi đi nhờ.

Người soát vé giơ cây đèn bão sát vào mặt Sao. Anh ta còn trẻ lắm, mặt sắt lại, dường như bởi đã làm quen với đủ hạng hành khách trốn vé. Họ toàn là kẻ gan lỳ cóc tía, phải cứng rắn và kiên quyết mới có thể moi được tiền trong túi họ.

– Bà không có vé hả? Mời bà xuống. Nhanh lên, hành lý của bà đâu?

– Tôi không có hành lý…

Người soát vé gầm lên.

– Bà đi đâu? Xuống ga nào?

– Tôi xuống ga cuối cùng. Vâng, ga Rừng đấy…

Tóm lấy cánh tay Sao, người soát vé kéo chị ngã sõng soài lên đầu những khách đang ngủ gà ngủ gật làm họ choàng tỉnh dậy, đấm lục bục vào người Sao.

– Đi với đứng, xéo cả lên đầu lên mặt người ta…

– Nào, nhanh lên! Nhanh lên!

Cô gái đứng dậy nắm lấy tay người soát vé, van nài.

– Xin anh, cô ấy đang ốm…

Người soát vé trừng mắt.

– Chẳng xin xỏ gì sất. Bà này với cô là thế nào?

– Dạ… cô ấy là mẹ của anh hùng liệt sĩ…

Bàn tay của người soát vé hơi lỏng ra, giọng bớt gay gắt hơn.

– Bà cho xem Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

– Tôi không đem theo đây.

Người soát vé thứ hai đi bên cạnh gắt.

– Tống cổ mụ ta xuống, tin làm sao được mồm mụ ta. Đất nước ra ngõ gặp anh hùng, nếu tất cả đều miễn vé thì xoá mẹ cái ngành đường sắt đi. Nào, nhanh lên, lôi mụ ta ra đây tao kéo giúp…

Cô gái ấn vội mấy tờ bạc màu xám vào tay người soát vé.

– Các anh thông cảm, cô ấy đang ốm, cũng sắp đến ga Rừng rồi.

– Còn lâu! Người soát vé nhét vội mấy tờ bạc vào chiếc sắc cốt màu đen, giơ ngọn đèn sang phía người bên cạnh, lầu bầu.

– Mình lạ đếch gì mụ ta nữa…

Sao ngồi xuống, chị gục mặt giữa hai đầu gối, hai bờ vai rung lên, chị khóc không thành tiếng, chỉ ức ức trong cổ họng.

Con tàu chợt dừng lại ở quãng giữa hai quả đồi bị xẻ làm đôi, tiếng hành khách nhao nhác hỏi.

– Đây là ga nào nhỉ?

– Chả ga nào cả, dừng cho con buôn lên đấy…

Người con trai tỉnh dậy, anh ta vừa vuốt mặt vừa ngáp, giọng chán chường.

– Ôi, lâu quá. Có hơn trăm cây số mà chạy suốt đêm vẫn chưa tới. Họ cứ đỗ vô tội vạ. Bên Tây làm gì có chuyện dừng lung tung như thế này.

-Vậy ông sang bên ấy mà sống, về cái đất nước nghèo khổ này làm gì. Một người nào đó đế vào.

– Chú mới ở bên Tây về à?

– Vâng, sao hả bác?

  Người đàn ông đứng tuổi vừa hỏi bật cười.

– Vậy là chú lạc hậu hơn chúng tớ rồi. Bên ấy chắc chú chưa nghe ai nói “đổi mới tư duy”, “chế độ quan liêu bao cấp” phải không? Tư duy là cái mả mẹ gì? Hôm rồi ông cán bộ tuyên huấn của huyện về, ba ngày liền rà rã nói về đổi mới tư duy, xoá bỏ chế độ quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Bao nhiêu là từ ngữ rối rắm chả hiểu ra làm sao cả. Nản quá, vậy là tại hôm qua làm sai, để đất nước trì trệ thế này. Bữa cơm tối nhà mình chỉ có cà kho, hỏi bà xã, mặt bà lạnh như tiền đáp: “Ba hôm nay các ông đi học tập, mà đến giờ ông vẫn chưa hiểu thế nào là “đổi mới tư duy”, “xoá bỏ chế độ quan liêu bao cấp” à? Bữa nay tôi đổi món cá kho sang món cà kho, tức là tôi đổi mới tư duy, xoá bỏ chế độ bao cấp đối với ông rồi đấy. Ha ha! Gớm, cứ tưởng làm anh cán bộ là ghê lắm, nói câu nào là phun châu nhả ngọc, coi thiên hạ bằng nửa con mắt. Vậy mà ba ngày học tập, cuối cùng phải để con mẹ răng đen suốt ngày hì hục trong xó bếp dạy cho mới biết thế nào là đổi mới tư duy…. Thế đấy chú mày ạ… Còn cái sự tàu dừng ở đây hả? Chuyển sang hạch toán kinh doanh rồi, đừng coi đây là chuyện lạ …

Người bán nước rong từ cuối toa đi tới, giọng khê nồng.

– Nước đơi, nước nóng ròn đơi. Ai có tiền thì hút thuốc bao, ai ít tiền thì hút thuốc lào thơm ngon.

– Ông cho xin một chén. Chè Thái hay chè gì đó?

– Chè Hảo Tâm, nước xanh vị đượm chẳng thua gì chè Thái đâu ạ.

Người khách nhấp chén nước, miệng chẹp chẹp rồi nói:

– Cũng được, chè khá đấy. Này tôi hỏi ông thật nhá, mỗi đêm ông đi bán nước được bao nhiêu tiền?

– Chả được bao nhiêu đâu bác, may lắm thì đủ tiền đong cân gạo nuôi các cháu ăn học…

– Trước đây ông làm nghề gì?

– Lính! Cái nghề đánh nhau ấy mà! Bị thương, nhà nước cho nghỉ, về nhà chẳng biết làm nghề gì, túng quá tôi chuyển sang làm cái công việc này. Mới đầu người ta ỉ eo, phải đi bán trộm kẻo chi bộ họ kiểm điểm. Sau rồi chẳng còn cách nào khác và họ cũng lơ đi. Thôi, làm cái việc này cũng kiếm được dăm ba cân gạo mỗi ngày nuôi các cháu, còn hơn là đi ăn xin, ăn cắp. Bác uống nữa?

– Chè ngon quá, tôi đủ rồi – Người khách chợt như nhớ ra người đang nói chuyện với mình, ông đột ngột hỏi – Ông có phải tên là Quế không?

– Sao ạ? – Người bán nước chợt ngẩng lên, hoảng hốt – Không, ông nhầm rồi, tôi không phải là Quế…

Ông ta vội vã xách ấm nước và khay chén đứng lên bỏ đi, quên cả lấy tiền.

– Quế! Tôi trả anh tiền này…

Người khách thọc tay vào túi lôi ra một nắm tiền, dúi tất cả vào tay người bán nước.

– Không, ông đừng làm thế. Có lẽ ông nhầm, tôi không phải tên là Quế…

Người khách trở về chỗ của mình, khoanh tay vào ngực, mắt đăm đăm nhìn lên trần toa, mái tóc bạc xoã xuống hai vai, mặt buồn rười rượi. Người thanh niên ngồi cạnh hỏi.

– Ông già bán nước là người quen của bác à?

– Có lẽ đúng hắn…Trước đây tôi cùng trung đội với hắn, sau chiến thắng Điện Biên tôi bị thương giải ngũ, còn hắn tiếp tục vào Nam chiến đấu. Tôi nghe phong thanh hắn được phong dũng sĩ hay anh hùng gì đó – Người khách thở dài – Dẫu đã hơn ba mươi mấy năm rồi cái vết sẹo bên má hắn làm sao tôi quên được? Buồn quá! Cả thời trai trẻ đi cứu nước, nay về già thì lại đi “bán nước”, gặp người quen chẳng dám nhận vì sợ mang tiếng… Nếu bán được cái danh hiệu ấy thì bán quách đi cho rồi, chứ cứ phải mang nó trên người tội lắm…

Con tàu lại rùng rùng chuyển bánh, ngoài trời mưa đã tạnh, bầu trời trong suốt như nhìn thấu tận đáy của vũ trụ, Trong cái thăm thẳm không cùng ấy còn chứa bao nhiêu điều bí ẩn mà con người đang tiếp tục khám phá.

Sao chẳng tìm kiếm gì trên cái vòm trời cao xanh kia, chị nhìn vào đáy lòng mình.

8.

Sao nhớ lại hôm ấy, cô rụt rè bước vào phòng Thân. Thân đang nằm quay mặt vào vách, nghe tiếng bước chân vội quay ra và không giấu được đôi mắt đỏ hoe. Chị chỉ ghế cho Sao ngồi, ra hiệu cho cô yên lặng. Chị lại quay mặt vào vách, một lúc lâu mới ngồi dậy, nét mặt phờ phạc đượm một nỗi buồn đầy lo âu.

Kể từ sau cái đêm nhìn thấy chị Thân và Bảo trên tảng đá, Sao cảm thấy giữa mình và chị Thân có một khoảng cách nào đó, cô lảng tránh không muốn nói chuyện với chị.

Bữa nay trông chị khác quá, như người vừa ốm dậy. Chị mệt mỏi đặt tay lên vai Sao.

– Chị biết chuyện của em rồi. Biết làm sao được, chị cũng đã lên tiếng phản đối mấy vị lãnh đạo lâm trường. Kể ra họ cũng có lý. Nếu cử em đi học đợt này sẽ có người thắc mắc, dẫu sao em cũng là công nhân mới. Các vị ấy có ý đưa em lên đó vài năm, sau mới cử em đi học lớp trung cấp kỹ thuật, chắc chắn khi ấy chẳng có ai ghen tỵ với em.

Sao cúi xuống miết miết những ngón tay lên mép bàn, một lát sau cô mới ngẩng lên nhìn Thân..

– Chị đang mệt phải không?

– Chị bị cúm em ạ, khí hậu ở đây khắc nghiệt quá! Vài hôm nữa chị xin nghỉ phép. Đang vào mùa đưa thông lên đồi, lại mất hai tháng đội văn nghệ đi biểu diễn phục vụ lâm trường, chị lo lắm, không biết năm nay có hoàn thành kế hoạch không. Nhưng mấy năm rồi chị chưa đi phép, các cụ ở ở quê cứ trách hoài…

– Bao giờ chị đi?

– Có thể cuối tuần này, nếu ngày mai bàn giao xong thì ngày kia chị đi.

Mãi sau này Sao mới biết “cái sự” đi phép hồi ấy của chị Thân…

Hưng được cử làm người đi dẫn đường cho Sao. Thung lũng Hua Lanh dài và hẹp nơi khởi thuỷ của dòng Hua Lanh và Nặm Pung, lâm trường đặt trại chăn nuôi ở đấy để tạo ra nguồn thực phẩm cung cấp cho lâm trường. Đàn bò của họ không đông lắm, chỉ vài chục con, hai năm nay đang bị teo dần. Những chú bê non một phần chết vì rét, một phần làm mồi cho lũ chó sói. Tuy nhiên họ vẫn phải để đàn bò ở trên đó, cả vùng núi Ta Khao không có chỗ nào tốt hơn thung lũng Hua Lanh.

Bắt đầu vào mùa mưa, cỏ lên xanh biếc trên các triền núi. Hưng khoác ba lô đi trước, họ vượt qua dốc Huổi Mèn, Pa Cheo đã tới Ngam Kha, phía bên kia là thung lũng Hua Lanh. Dòng suối bắt nắng chiều, sáng như bạc tuôn ra từ trong hốc núi. Họ dừng lại trên đỉnh đèo, Hưng buồn bã trao ba lô cho Sao, giọng anh hơi lạc đi.

– Sao đi nhé, ở dưới kia một mình chắc là buồn lắm Sao ơi.

– Em sẽ cố gắng chịu đựng, hôm nào rỗi anh nhớ đến thăm Sao nhé…

Hưng gật đầu, anh đứng lặng trên đỉnh đèo nhìn hút theo bóng Sao khuất dần vào con đường men theo sườn núi lô nhô những tảng đá mồ côi…

Anh gào lên:

– Đi nhé, đừng buồn Sao ơi…

Gần tối Sao mới tới lều của những người trong trại chăn nuôi. Họ chỉ có hai người, một nam và một nữ. Người đàn bà tuổi ngoài ba mươi, thân mình đậm chắc, cằm hơi lẹm, da sạm bã chè, gương mặt buồn. Chị gật đầu chào Sao vừa vung vung cái roi tiến lên mở choang cổng trại.

Còn người đàn ông thật khó đoán tuổi, mặt gãy hơi bạnh ra ở dưới, da đen bóng, còn đôi mắt nâu vừa hoang dã vừa dữ tợn. Anh ta mặc bộ quần áo bảo hộ lao động, nhựa cây bết vào thâm xịt dày cộp như mo nang, chiếc mũ cọ bị mất vành, lá toè ra lủa thùa xuống hai vai chắc nịch.

Vừa huơ chiếc gậy bằng song có bịt đồng ở hai đầu nện côm cốp xuống lưng và mông lũ bò, miệng anh ta vừa thét ầm ĩ. Đàn bò chen chúc nhau len qua chiếc cổng hẹp.

– Một, hai, ba… Con quỉ này, sao lũ sói không lôi cổ mày đi?

Chiếc gậy tới tấp giáng xuống lưng con bò khoang trắng đang bị kẹt giữa lũ bò đang ùn ùn len qua.

– Mười lăm, mười sáu… Vào đi, vào đi, còn đủng đỉnh gì nữa hả thằng què!

Con bò đen đang tập tễnh bị một cú vụt nhảy cẫng lên rúc đầu vào mông những con đi trước, rống lên thảm thiết.

– Năm chín, sáu ba… Còn thiếu một con nữa, lại thằng cụt đuôi, vẫn quen thói ăn mảnh. Được rồi! Lần này thì hết thói ăn mảnh.

Người đàn ông gầm gừ đi quanh hai dãy chuồng một lượt rồi gọi hai con chó đang rũ nước trên bộ lông ướt rượt bên cửa lều quay lại con đường ban nãy anh ta vừa lùa bò về. Người đàn bà hất hàm ra hiệu cho Sao vào lều, chị lóc cóc chạy theo người đàn ông. Sao đẩy cửa bước vào lều, trong lều tối mờ mờ, giữa là bếp lửa, một làn khói vàng đục ngút lên từ gốc cây củi đang cháy dở một đầu vùi vào đống tro. Xung quanh bếp lửa ngổn ngang xoong nồi, bát đũa… Hai bên là hai cái sạp ken bằng đủ loại cây, trên trải một lớp cỏ khô. Chiếc chiếu nào cũng tã nát, khắp giường bừa bộn chăn màn, quần áo. Mùi khói, mùi ẩm mốc, mùi mồ hôi xông lên sặc sụa.

Sao đặt ba lô lên chiếc giường xem có vẻ gọn gàng hơn, cô thở dài ngán ngẩm: “Đêm nay mình sẽ ngủ trong túp lều này đây”. Sao không thể ngờ nhà cửa ở đây lại tồi tệ hơn ở đội ươm cây, mọi thứ trông đều vá víu, tạm bợ.

Mệt mỏi và chán chường, cô có cảm giác nếu không ngửi thấy mùi khói thì túp này tưởng như đã bị bỏ quên từ lâu. Sao ngồi thờ thẫn một lúc lâu rồi mới đứng lên thu dọn mọi thứ bừa bộn trong lều.

Sẫm tối người đàn ông kéo lê chiếc gậy trở về, dựa nó vào xó cửa rồi ngồi xuống cạnh bếp, cời lửa rít liền hai ba điếu thuốc. Khói thuốc um lên càng làm cho căn lều ngột ngạt. Chờ cho tan khói thuốc, anh ta quay về phía Sao giọng dấm dẳng:

– Người ta điều một mình cô lên đây à?

Sao lúng túng.

– Cháu không rõ… Trong quyết định điều động chỉ có một mình tên em thôi…

Anh ta bật cười, hàm răng hô phô ra trông cáu bẩn.

– Lần đầu tiên có người gọi mình là chú. Ô hô… Trông tao gớm ghiếc quá phải không? Cô bé ơi, cứ gọi tao là Kham xi ca vâu, Kham gàn, Kham đầu bò… Bởi tao là thằng bất phục nên chúng nó mới tống tao lên đây… Kham lắc đầu, chửi đổng – Mẹ kiếp! Tháng trước chúng điều hai thằng lên, ở chưa được dăm ngày chúng đã tếch cả… Còn cô, bị vụ gì, quan hệ nhăng nhít hay cãi nhau với lãnh đạo?

Mặt Sao tái đi, quá bất ngờ trước câu hỏi của Kham. Giọng cô lạc đi.

– Không, em có bị gì đâu…

– Những ai bị đẩy lên đây đều là những người bị kỷ luật, hoặc có chuyện nọ chuyện kia. Nhưng điều ấy có can hệ đếch gì với tớ… Hay có thể cô bạn sắp sửa kết nạp đảng nên mới được đưa lên đây thử thách….? Rất tốt! Tên cô là gì nhỉ? Sao hả? Cái tên nghe cũng được đấy,… Bây giờ thì đi nấu cơm đi, mụ Tơn vào rừng kiếm rau, măng lát mới về…

Sao nhóm lửa bắc nồi cơm, Kham vẫn ngồi lặng lẽ hút thuốc. Khi cơm cạn Tơn mới trở về, chị ném ra giữa lều mấy cái măng. Sao nhặt măng lên bóc vỏ. Tơn lôi từ trên gác bếp một xâu thịt bò khô, họ hì hục làm cơm, chẳng ai nói với ai một lời.

Sau bữa cơm tối, Kham lại hút vội vàng mấy điếu thuốc rồi xách súng đi ra, tới cửa lều anh ta quay lại:

– Tôi đi tìm con bò cụt đuôi. Có thể hắn lẻn sang khe Trám. Mọi người cứ gài chặt cửa, đêm nay tôi không về . Dạo này lũ sói lại lùng sục ghê lắm. Mấy đêm nay tôi ngủ ở ngoài rừng, ngủ ở ngoài trời còn khoái hơn ngủ trong nhà…

Kham đi rồi còn lại hai người, họ lặng lẽ bên đống lửa đang tàn. Ngọn lửa xanh lét hắt ra thứ ánh sáng yếu ớt. Sao nhìn Tơn. Chị ngồi bó gối tóc xoã xuống che gần kín mặt, trông chập chờn vừa kỳ dị vừa ma quái. Bỏ thêm một cành củi vào đống lửa, cô gợi chuyện.

– Chị Tơn ơi, chị lên đây được bao lâu rồi?

– Sắp được hai năm – Tơn trả lời cộc lốc.

– Trước khi lên đây chị ở đội mấy?

– Đội hai.

– Ở đây chỉ có hai người, chắc buồn lắm chị nhỉ? Sao thở dài.

– Chứ sao nữa – Tơn cười gằn – Mà sao cô có vẻ thơ ngây thế nhỉ? Không chỉ buồn mà còn nhục nhã nữa. Cho đáng kiếp những gì mình gây ra…

Sao im lặng. Cô lờ mờ cảm thấy những người bị điều lên đây đều đã làm những việc sai phạm gì đó, cô thở dài không biết mình sai phạm điều gì.

Đêm ấy Sao thao thức mãi, cô nằm nghe tiếng chó tru ngoài rừng, còn đàn bò chốc chốc lại xô vào gióng chuồng. Sao nghĩ miên man, cô nhớ lại buổi sớm dân làng ra tiễn đoàn cô lên đường… Có lẽ suốt đời cô không thể quên được giây phút cuối cùng chia tay, bố mẹ cô lách mọi người đến bên cô, Sao xúc động nắm lấy tay hai người.

– Bố mẹ cứ tin ở con… Chẳng bao giờ con làm điều gì khiến bố mẹ phải xấu hổ.

Xe đã chuyển bánh mà mọi người cứ tiếp tục chạy theo, ném vào cửa xe bao nhiêu là bánh trái, hoa quả, khăn tay… Sao và các bạn cứ nhoài người ra nắm tay từng người, không nói được nên lời, chỉ gật gật đầu, nước mắt đầm đìa trên má.

Cái Nhài thì đọc vang bài thơ Lên miền Tây của nhà thơ nào đó: “Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi – Lên miền Tây vời vợi ngàn trùng…”. Bài thơ đọc lúc ấy nghe sao hay quá, Sao đã chép nó vào sổ tay của mình.

Sáng tinh mơ họ thấy Kham trở về, quần áo ướt rượt, nét mặt bơ phờ đầy vẻ tức giận. Con bò cụt đuôi ngủng ngoẳng đi sau như muốn dứt ra khỏi sợi dây trên tay Kham. Buộc con bò vào gốc cây, Kham lẳng lặng chôn bốn cái cột ở trước cửa lều. Chôn xong Kham lay thử từng cái xem có chắc không rồi dắt bò vào khoảng giữa bốn cái cọc ấy. Con bò nghênh nghếch cái đầu định lồng lên nhưng không kịp, Kham đã lồng được sợi dây da ghì cổ nó vào chiếc cột phía trước, sau đó anh ta trói hai chân trước vào hai cái cột áp cạnh. Kham trói tiếp một chân sau vào cái cột còn lại. Lúc này con bò mới biết mình bị hành tội. Nó rướn người lên làm các thớ thịt trên thân nổi lên cuồn cuộn, cái chân còn lại đạp liên hồi làm đất đá bắn tung toé. Kham xoa hai bàn tay vào nhau cười gằn.

– Chỉ lát nữa là mày hết rửng mỡ.

Ra phía sau lều, Kham lấy hai đoạn cây buộc đầu vào nhau, choãng ra như chiếc kẹp, rồi gã luồn cái kẹp vào chân con bò kẹp lại. Vừa chống đầu buộc đó xuống đất Kham hất hàm nói với hai người.

– Các bà giữ cái chân này lại, kéo cho rộng háng nó ra.

– Anh làm cái trò gì thế, hả? Tơn hỏi lại giọng gay gắt.

– Rồi khắc biết…

Kham vào lều lấy con dao thép trắng nhỏ xíu như dao bổ cau và cuộn chỉ khâu. Lúc này thì Sao đã hiểu, người cô gai lên một cảm giác ghê lợm khiến mặt mày xây xẩm, mồ hôi túa ra đầm đìa… Đôi tay Sao cố ghìm đầu cây lại nhưng nó cứ chuội đi.

Con bò bị kẹp cái chân còn lại lồng lên dữ tợn làm những chiếc cột kêu răng rắc. Tơn nghiến răng ghì hai đoạn cây vào bụng, mắt cô bạc đi vì tức giận.

Kham quì xuống tay vuốt hạt cà của con bò rồi kéo nó ra khỏi háng, bóp cho đôi hạt cà nổi bóng lên, cười nhăn nhở:

– Chỗ này của cu cậu nóng lắm, như vậy cu cậu mới rửng mỡ chứ.

Lẽ ra Kham phải buộc nốt cái chân còn lại của con bò vào chiếc cột thứ tư nhưng anh ta không làm vậy, anh ta muốn hai người phải chứng kiến việc làm của mình.

Kham thổi phù phù vào đôi hạt cà của con vật. Con bò chúc đầu xuống, mõm sục vào đất, bọt phèo ra hai bên mép, toàn thân căng lên khiến các dây trói xiết vào thân cột kêu ken két như sắp đứt tung.

Hai người phụ nữ như đánh đu trên cây kẹp, mặt họ sạm đen câm lặng như sắp hoá đá. Kham liếc lưỡi dao lên mái tóc rồi khẽ cứa vào khoảng giữa hai múi thịt, một dòng máu đỏ tươi trào ra. Sao rùng mình, cô vội quay mặt đi kinh tởm. Tơn thét lên.

– Đồ khốn! Mày hành tội nó rồi….

– Mụ câm mồm đi!

Hàm răng Kham xít lại, lưỡi dao trên tay Kham miết mạnh, một cục trăng trắng bật ra. Con bò rúm người lại rồi bất chợt toàn thân bùng ra làm cây kẹp bật khỏi tay hai người phụ nữ, hất Kham ngã ngửa.

Kham vùng dậy vớ cây gậy bịt đồng quật liên hồi lên đầu, lên thân thể con bò một cách tàn bạo. Tơn nhổ nước bọt toan quay đi thì vừa lúc Kham luồn lại cây kẹp vào chân con bò.

– Tao sẽ nhét đầy cát vào cái bị kia để lũ bò cái phải khốn nạn vì mày.

– Không được làm thế! Tơn gầm gừ. Mày ác vừa thôi chứ. Liệu hồn đấy…

Kham cười nhăn nhở, làm nốt công việc còn lại, lầu bầu.

– Mụ doạ tôi à? Được rồi, để xem.

Tơn ném cây kẹp xuống đất quay đi, Sao bước theo. Tới cửa lều Tơn dừng lại.

– Con giống tốt nhất đàn… Thế là từ nay nó sẽ thành một con vật hiền lành ngu ngốc.

Lát sau Kham xách đùm thịt bước vào lều. Vừa giơ đùm thịt ngang mặt, Kham nói trống không.

– Dễ chừng nửa cân chứ ít đâu. Hừ, không có rượu thì ra quái gì nhỉ?

Sau bữa cơm sáng Kham vẫn nhìn Sao bằng con mắt hằn học.

– Đồng chí đoàn viên thanh niên cộng sản ạ, bắt đầu từ hôm nay nhiệm vụ của đồng chí là dọn phân trong các chuồng bò, cuối tháng về lâm trường vác gạo lên đây. Đấy, công việc chỉ có thế thôi, không hoàn thành đây sẽ cắt lương…

Tơn lôi từ trong gậm giường ra đôi ủng rách, bụi và phân bò bám két lại đưa cho Sao.

– Khâu cái này lại mà dùng tạm. Kêu mãi rồi người ta cứ lờ đi chẳng thèm phát ủng và đồ bảo hộ lao động. Quá đáng!

Loay hoay gần buổi sáng Sao mới khâu xong hai cái ủng vừa rách vừa rộng. Bàn chân cô cứ lọt thõm, bước đi ỗng ễnh, ngả nghiêng như đi cà kheo.

Chuồng bò ngập ngụa trong phân, có chỗ lội tới nửa ống chân, mùi nước đái nồng nặc khiến cô xây xẩm mặt mày, ruột gan lộn hết cả lên. Cô vịn vội vào gióng chuồng nôn thốc nôn tháo.

Buổi sáng ấy dù cố gắng đến mấy Sao cũng không thể bước vào chuồng bò lần thứ hai. Buổi chiều cô phải dùng khăn bịt kín mặt mũi chỉ chừa đôi mắt, lội vào đám phân với cảm giác ghê lợm và nhẫn nhục. Nước phân thấm vào ủng rách khiến mỗi bước đi lại nghe tiếng òng ọc. Bỗng dưng, Sao gào lên uất ức:

– Mẹ ơi, sao thân con lại khổ thế này?

Sao ném chiếc cuốc sang bên, toan quay ra, nhưng gương mặt và cái nhìn hằn hộc của Kham chợt hiện lên… “Đồng chí đoàn viên thanh niên cộng sản ạ, chỉ vài ngày nữa là đồng chí từ bỏ nơi này thôi…”. Vừa tự ái vừa tức giận bởi sự xúc phạm ấy, Sao cúi xuống nhặt chiếc cuốc lên cuốc như điên, cho đến lúc đôi tay rã rời cô mới lê đôi ủng thối đi về phía suối Hua Lanh.

Dòng suối chảy ra từ trong một hốc núi, nước trong vắt nhìn thấu tận đáy, những hòn cuội trắng muốt nằm rải rác trong lòng suối. Mệt mỏi và chán chường, Sao ngồi xuống một phiến đá thả đôi chân đã nhợt đi xuống nước. Vài con bống hoa tới đớp vào các ngón chân cô nhấp nháy, buồn buồn.

Nắng chiều vàng hoe còn rớt lại trên đỉnh núi Ta Khao, còn thung lũng Hua Lanh sẫm lại, mặt đất ngời ngời gió. Những tàu chuối mọc hai bên bờ suối được gió thổi tung tẩy, và từ trên sườn thung lũng Hua Lanh vỡ ra tiếng bò rống…

Sao lặng lẽ cởi quần áo vắt lên cành cây, bước xuống suối. Nước mát lạnh và tinh khiết dâng ngang ngực lập tức làm tan biến nỗi mệt nhọc chán chường. Cô choài người ra rồi từ từ ngụp xuống, lặn vào sát tảng đá bờ bên kia, đôi cánh tay trần trắng trẻo nhẹ nhàng khoác nước…

Đã lâu lắm rồi Sao mới được bơi lội thoả thích thế này. Cô lặn xuống nhặt những hòn sỏi trắng phau dưới đáy nước đặt lên phiến đá ven bờ, rồi cứ tồng ngồng cô chạy dọc bờ suối nhặt những hòn sỏi nằm rải rác trên bãi cát, chán chê cô lại vốc cát xoa lên người lên cổ, cho cát chảy qua các kẽ tay xuống bộ ngực tràn trề tuổi thanh xuân. Cứ thế cô nô giỡn một mình cho đến khi tối sẫm cô mới trở về, miệng khe khẽ hát một bài dân ca quen thuộc.

Trong lều. Tơn đang lúi húi nhóm lửa thổi cơm, Sao rối rít khoe:

– Nước suối Hua Lanh trong và mát lắm chị ơi.

Tơn không đáp, nét mặt càu cạu, chỉ nói trống không.

– Chỉ xách hai thùng nước thôi mà tới giờ vẫn chưa về…

Sao đang vui nên không để ý câu nói của chị Tơn. Lúc sau Kham mới xách nước về, anh đặt thùng nước bên góc lều, thẫn thờ ngồi hút thuốc.

Tối ấy sau khi cơm nước xong Sao lên giường trước chị Tơn, lúc này cô mới thấm mệt, các khớp chân tay mỏi rã rời. Cô thiếp đi lúc nào không biết.

Tiếng chó sủa rộ làm Sao tỉnh giấc. Trong lều không còn ai, chị Tơn và Kham đi đâu rồi. Đống lửa giữa lều đang lụi dần. Chừng đã khuya, có lẽ thế.

Chó sói về quanh trại, tiếng chúng tru nghe rờn rợn. Sao nằm im, mắt mở to nhìn lên mái lều, lòng ngổn ngang bao nhiêu ý nghĩ. Nỗi cô đơn bây giờ mới thấm trong cô.

Sao rùng mình tự hỏi: “Họ sẽ buộc mình ở đây bao lâu ?…”.

Lúc lâu sau Sao mới nghe tiếng bước chân của hai người trở về, dừng trước cửa lều. Giọng Tơn rin rít:

– Con bé ấy nó trẻ hơn tôi… Ừ, đừng có mà giở mặt, con này chẳng tha đâu…

Kham chỉ ử hự trong cổ. Sao không hiểu họ nói với nhau chuyện gì. Tơn nhẹ nhàng trèo lên giường, khẽ lay vai Sao.

– Sao ơi, ngủ chưa em?

Sao vờ ngủ say không đáp. Cô lật người quay mặt vào vách, lần này giấc ngủ đến chậm hơn. Chị Tơn vừa đặt lưng xuống là ngáy pho pho. Đàn bà ngủ mà ngáy là người vô tâm, thẳng thắn và cũng hay mủi lòng.

Công việc của Sao ngày nào cũng giống ngày nào, cứ ngập ngụa trong phân bò. Hậu quả là đôi chân cô bị nước ăn lở loét, máu và nước vàng tứa ra nhây nhớp các kẽ ngón chân.

Bị nhiễm trùng, chân cô sưng to như chân voi, nứt da, hạch nổi thành chuỗi ở háng.

Sao sốt cao hầm hập.

Nửa đêm Tơn trở dậy soi đèn nhìn chân Sao, lắc đầu:

– Chân mày bị nhiễm trùng nặng rồi, chết thật! Tìm đâu ra thuốc bây giờ? Gắng tới sáng tao tìm lá cây về sắc thuốc rửa cho…

Sớm hôm sau, vừa lăn từ trên giường xuống Kham bảo Tơn.

– Hôm nay lùa bò sang khe Trám. Đường xa không thổi cơm ở nhà nữa mà mang gạo lên đó thổi.

– Con bé Sao đang ốm, bỏ nó một mình ở nhà à? Tơn hỏi lại.

– Tôi phải cõng nó đi chắc? Nếu cô thấy cần phải ở nhà với nó thì cô cứ ở, đây sẽ cho cô ở luôn một thể.

Tơn bắc quàng lên bếp cho Sao nồi cháo, chị ra bờ suối lấy vài nắm lá cây vò nát để vào chậu nước muối rồi lay Sao đang sốt li bì.

– Sao ơi, lát nữa đỡ sốt cố dậy ăn lưng cháo rồi ngâm chân vào chậu nước chị đặt bên bếp kia. Thật khốn nạn đời!

Tơn vội vàng đóng cửa, hớt hải chạy theo đàn bò đang khuất dần vào màn sương đục mờ trước mặt.

Dẫu có cố gắng đến mấy Sao cũng không tài nào nhấc đầu lên nổi. Toàn thân cô đau ê ẩm, da mặt nóng hầm hập, đầu nhức nhối quay cuồng như có ai dùng chày gõ vào hai bên thái dương, các mạch máu như sắp sửa vỡ tung…

Trước mắt cô có hàng trăm, hàng nghìn con đom đóm bay loạn xạ… Mà sao cô lại khát nước như thế này… Họng bỏng rát chỉ ước có một con sông để cô nhao đầu xuống uống một hơi thoả thích.

“Sông ơi, về đây với ta! Về đây với ta sông ơi…”. Sao lẩm bẩm…, và con sông quê hương bỗng hiện ra trước mắt. Cô không cởi quần áo, cứ thế nhảy ùm xuống nước, uống ừng ực no nê.. Dòng sông đưa cô đi, cô ngụp xuống đáy mò những con trai trai rồi ném thia lia trên mặt nước làm bầy chim le le bơi dạt ra xa. Cứ thế cô đuổi đàn chim với sự hả hê thích thú.

Đang bơi cô thấy hụt dưới chân, vội gập mình lại xoãi tay ra để đổi hướng. Trong nắng chiều loang loáng còn rớt lại trên mặt sông, cô nhận ra bức thành cao tám mét ở cống Xích Phông xám lạnh hiện ra sừng sững. Cô chỉ kịp kêu lên “Trời ơi!” là dòng nước hút cô vào giữa luồng xoáy… Đôi tay như bị trói ép vào sườn không thể nào giang ra được, cô tưởng chừng đang đứng trên bàn quay ly tâm với tốc độ khủng khiếp…

Nước ồng ộc chảy vào dạ dày, vào phổi, dòng xoáy từ từ hẹp lại, người cô mất dần trọng lượng rơi vào khoảng không vô tận, rồi bất thần người cô phồng lên như một cái bong bóng, vỡ tan trên mặt nước…

Bàn tay người nào đó khẽ lay vai Sao. Cô nghe như có một tiếng gọi mơ hồ ở đâu đó rất xa.

– Sao ơi!…

Sao cố mở mắt để xem người gọi đó là ai, nhưng hai mí mắt nặng trĩu như hai cánh cửa sắt khiến cô không tài nào mở nổi.

Trước mặt cô là một màu đùng đục, không thể biết đang là đêm hay là ngày.

Cô lại lịm đi, rơi vào một mớ những cơn mơ dài khủng khiếp.

(Còn tiếp)

Comments are closed.