Dáng đứng Việt Nam?

Hà Nhật

Trước mùa xuân năm 1968, tôi sống và dạy học ở Quảng Bình. Đó là những ngày vừa lo dạy học, vừa lo chống đói, vừa phải lo hầm hào tránh bom. Thế nhưng, thỉnh thoảng vớ được một tờ báo, một tạp chí Văn nghệ, khoái vô cùng. Rồi tôi bắt đầu đọc được thơ của một nhà thơ trẻ có bút danh nghe khá lạ tai: Ca Lê Hiến (thân phụ anh là ông Ca Văn Thỉnh, chắc mẹ anh họ Lê?).

Rồi sau mùa Xuân 1968, có dịp ra Hà Nội, tôi đến Hội Văn nghệ, được đọc một bài thơ tuy ngắn nhưng lúc đó với tôi quả thật bất ngờ: bài thơ DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM, mà tên tác giả được ghi là LÊ ANH XUÂN. Đó là một tác phẩm từ Miền Nam gửi ra. Rồi một người bạn cho tôi biết đó chính là bút danh của Ca Lê Hiến.

Đọc tác phẩm gửi ra từ chiến trường, thích thật.

Một lần, ngoại khoá cho học trò, tôi đọc đi đọc lại bài thơ, đầy sức diễn cảm.

Đúng là nếu không ở chiến trường, không từ chiến trường, thì không thể có những câu thơ như thế này:

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt 
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng 
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn 
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng. 
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng 
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn 
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm 
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công

Đọc những câu thơ này cho học trò, giọng tôi cứ rung vang lên đầy cảm xúc: khâm phục, tự hào.

Đặc biệt nhất, tôi đọc đến những dòng thơ này:

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ 
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường 
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ

Cái dáng đứng Việt Nam, từ cái cá thể, đi đến cái khái quát, một biện pháp nghệ thuật rất chính xác, một luận suy hoàn toàn hợp lý và đẹp đẽ. Biết bao lần tôi ca ngợi cái dáng đứng này, dáng đứng Việt Nam.

Và Anh chết trong khi đang đứng bắn 
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Đọc bài thơ đã xúc động, tôi biết một điều còn xúc động hơn như thế rất nhiều: chính Lê Anh Xuân, chính Ca Lê Hiến, đã ngã xuống ở Sài Gòn, trong cuộc tiến công ấy!

Một sự tình cờ thú vị: hồi mới chính thức về Sài Gòn, ở nhờ nhà vợ tại quận Tân Bình, mỗi lần có việc ra phố, tôi thường đi qua một con đường mang tên Lê Anh Xuân.

Cảm động và cũng hơi có chút tự hào: một nhà thơ mà mình biết, một nhà thơ cùng thế hệ làm thơ với mình.

Ôi đẹp quá, Lê Anh Xuân đã phát hiện ra một dáng đứng, dáng đứng Việt Nam!

Bây giờ là năm 2023, hơn 55 năm đã trôi qua kể từ lúc anh giải phóng quân tạc nên tượng đài dáng đứng Việt Nam, tự hào cho cả một thế hệ.

Quá khứ đã làm xong nhiệm vụ của mình. Anh giải phóng quân đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Bây giờ là ai nhỉ? Tượng đài mới sẽ là con người nào nhỉ? Con người đẹp nhất Việt Nam, biểu tượng cho con người Việt Nam là con người như thế nào nhỉ?

Nghĩ mãi mà không ra. Có ai biết không?

Mấy hôm nay, đọc các thứ tin trên báo mà thêm đau.

Những dáng đứng co ro trước  vành móng ngựa, để cho ta căm hận.

Toàn những tai to mặt lớn cả đấy, toàn những kẻ từng rao giảng đạo lý cả đấy!

Comments are closed.