KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết

Đặng Văn Sinh

DVS 1Nằm bên bên hữu ngạn sông Lăng, làng Cùa qua mấy phen tao loạn đã sinh ra những con người đầy tính cách. Một làng quê êm đềm, hiền hoà ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nhưng trong tiến trình lịch sử nó lại là trung tâm của những biến động chính trị dữ dội. Làng Cùa là điểm xuất phát, đồng thời cũng là nơi trở về, kể cả những linh hồn, của hầu hết các nhân vật như Chánh Đàm, Khúc Kiệt, Lý Quỳnh, Lê Văn Vận, Mạc Thị Lánh, Lê Văn Khải, Lê Văn Nghiên… Lặn ngụp phù sinh, tìm kiếm vinh quang và bao trùm là… cay đắng.

Ký ức làng Cùa là thứ hiện thực cắt lớp, được tác giả phản ánh dưới nhiều góc độ khác nhau thông qua bi kịch của gia đình họ Khúc, mà nhân vật tiêu biểu là Chánh Đàm, một chức sắc nổi tiếng vùng hữu ngạn sông Lăng, từng vượt trùng dương sang Pháp tham gia Thế chiến thứ nhất, được tặng Anh dũng bội tinh.

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp máu lửa, sự kiện Cải cách ruộng đất như một cơn địa chấn quét qua làng Cùa khiến gia đình họ Lê tan nát. Chủ tịch huyện Nam Thành Lê Văn Vận bị tử hình, còn Lê Văn Khải và Lê Văn Nghiên lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thành kẻ tha hương, làm đủ mọi nghề kiến sống, thậm chí có mấy lần đã bị tống giam. Anh em họ Lê, đó là thân phận của những trí thức lạc loài, những kẻ sĩ bị chính quyền công nông nghi kỵ, ghẻ lạnh chỉ vì có một ông bố là “tay sai Quốc dân đảng” và đã “trót” được hưởng thụ nền giáo dục thực dân đế quốc.

Tuy cùng xuất thân trong một gia đình, nhưng số phận lại đưa đẩy mỗi người vào một hoàn cảnh khác nhau. Lê Văn Khải, sau mấy chục năm hành nghề bác sĩ thú y, có lúc phải đi chăn bò, từ khi nghỉ hưu, trở thành “chuyên gia” thiến lợn nổi danh. Còn người em, Lê Văn Nghiên, thật không ngờ, lại “áo gấm về làng” với chức danh Thứ trưởng một bộ bởi những sự tích Thanh niên xung phong đầy chất bi hài, chẳng khác gì câu chuyện dân gian “Trạng Lợn”…

Ký ức làng Cùa là kết cấu mở, đan xen nhiều sự kiện lịch sử bằng một cảm quan thẩm mỹ đầy ngẫu hứng mà âm hưởng chủ đạo là hiện thực bi tráng. Mạch văn thông thoáng, đan xen nhiều tầng, nhiều vỉa sinh động trong một tổng thể đa chiều, như biên niên sử của một vùng quê tao loạn, điển hình. Tính cách nhân vật được đẩy lên đến tận cùng của hoàn cảnh để bộc lộ bản chất. Phẩm chất của nhân vật phần lớn phụ thuộc vào hoàn cảnh, tuy nhiên, kẻ chiến thắng không phải lúc nào cũng là kẻ có bản lĩnh hơn người…

Dưới đây, Văn Việt xin trân trọng giới thiệu 4 chương trong bộ tiểu thuyết trường thiên Ký ức làng Cùa của nhà văn Đặng Văn Sinh mà nếu xuất bản được, sách dày dễ đến tám trăm trang in.

———————————————

Vào một đêm mùa hè năm Mậu Ngọ, có ngôi sao băng từ dải Ngân Hà rơi xuống phía đông nam làng Cùa, kéo thành một vệt sáng chói, cong như lưỡi kiếm, kèm theo tiếng nổ rùng rùng như sấm động. Sáng ra dân làng vô cùng kinh ngạc khi thấy dải đất trồng dâu đồng Bìm Bịp bị khối thiên thạch khoét thành một cái đầm lớn, nước đục ngầu, vẫn còn sôi sùng sục… Cái đầm ấy giờ gọi là đầm Ma.

Ký ức làng Cùa

Chương bảy

1

Tháng tám năm bốn nhăm. Bầu trời vùng Ba Tổng xanh màu nõn chuối. Nắng nhạt. Một con diều hâu xám, xoè cánh rộng, lượn đi lượn lại trên dải đồng vàn dõi mắt tìm những chú chuột đất ngờ nghệch đang thập thò dưới đám bìm bìm tía. Bầy sáo đen bay rào rào tìm bắt châu chấu cơm ngoài bãi tha ma đồng Chó Đá. Lũ sẻ bạc má gọi nhau lích tích, cứ bay một đoạn lại cụp cánh rơi xuống gần mặt ruộng rồi bất chợt vọt lên như những nghệ sĩ nhào lộn thực thụ.

Đoàn người rùng rùng trên đường quan. Đấy là một đám đông hỗn tạp gồm đủ mọi tầng lớp của mấy làng vùng hữu ngạn sông Lăng kéo nhau lên huyện Nam Thành cướp chính quyền. Cuộc biểu tình có vẻ như hoàn toàn tự phát, không theo bất cứ trật tự nào. Dân nhà quê, kẻ giáo mác, người gậy tre hăm hở gia nhập vào đội quân chân đất mỗi lúc một đông, khí thế xung thiên, sẵn sàng đập tan bất cứ trở lực nào trên đường đi để giành quyền độc lập tự do.

Lê Văn Vận thuộc tốp đi đầu. Anh ta xuất hiện trước cổng huyện đường với tư cách là người chỉ huy cao nhất. Tiếng hô “đả đảo” rầm trời. Hàng trăm cố nông, tá điền xô đổ hai cánh cổng sắt ùa vào lỵ sở như nước vỡ bờ. Không có bất cứ sự chống cự nào. Mấy chục lính ở trại Lệ, trại Cơ đã nhanh chân chuồn từ lúc đoàn biểu tình còn ở chợ Cháy. Tri huyện Cáp Văn Tòng bỏ cả ấn tín chạy ra phía chuồng ngựa, đang loay hoay trèo tường thì bị dân đinh làng Yên tóm được. Viên thừa phái sợ quá, quỳ xuống vái như bổ củi xin tha mạng. Lê Văn Vận đóng bộ bà ba nâu, vai mang túi dết, tay vung vẩy khẩu súng lục Nhật nòng to bằng ống điếu, dõng dạc hô:

– Các đồng chí, giải tên tri huyện ra chợ Cháy cho nhân dân xử tội.

Vận vừa dứt lời, mấy tuần đinh làng Cọi lăm lăm cây mác trong tay, đẩy Cáp Văn Tòng ngã sấp xuống, luồn đòn tre vào hai tay hai chân khiêng đi như khiêng lợn. Nơi xử án là một gò đất cao trước đây vẫn dùng làm khán đài mỗi khi có quan Công sứ về hiểu dụ. Viên tri huyện bị trói vào cột. Chiếc áo the thâm rách toạc một đường sát nách rủ lòng thòng. Đám người hiếu kỳ chen lấn nhau. Ai cũng muốn nhìn thật rõ bộ mặt thiết bì với cặp mắt sâu hoắm và bộ râu dê lúc nào cũng vểnh lên như là được vuốt sáp của quan phụ mẫu. Vòng tròn chẳng mấy chốc bị khép lại. Người chen người chật như nêm cối. Áp lực phía ngoài càng mạnh thì đám đông càng hỗn độn. Phụ nữ, trẻ em và người già yếu là những nạn nhân đầu tiên. Họ vừa ngã xuống lập tức có hàng ngàn bàn chân dẫm lên, hết lớp này đến lớp khác như những đợt sóng nối tiếp nhau, chồng lên nhau vào lúc biển động. Nhìn thấy đám đông đang dồn ép dữ dội cùng với những tiếng gào thét long trời lở đất, Lê Văn Vận tái mặt. Anh ta vội chĩa súng lên trời nổ liền mấy phát. Tiếng súng làm cho những kẻ đang say máu càng bị kích động. Họ bất chấp những tiếng quát tháo đã khản đặc của người chỉ huy vẫn ào ào lấn tới theo quy luật của dòng nước lũ không một sức mạnh nào cản nổi. Lúc này mà còn nấn ná ở đây là chết bẹp. Vận thoáng nghĩ như vậy thì lập tức bị hút vào đám người chân đất nhanh đến mức giống hệt chiếc lá rụng cuốn theo chiều gió chẳng còn biết số phận Cáp Văn Tòng ra sao nữa.

Giữa biển người mênh mông là một rừng cờ đỏ. Đủ các loại cờ nhưng nhiều nhất vẫn là cờ giấy với ngôi sao vàng năm cánh cắt vội chỉ nhỉnh hơn quyển vở học trò một chút. Thật hú vía. Vừa thoát ra khỏi chợ Cháy, Lê Văn Vận định vòng lại phía sau chợt nhìn thấy Khúc Kiệt cùng một đám dân binh giong viên đội khố xanh. Tên này mặt xám ngoét, bước lập cập, thỉnh thoảng lại vấp một cái. Khúc Kiệt sững người khi chạm mặt anh cháu rể. Ông ta không thể tin được, một gã giang hồ chuyên nghề sông nước đầy thành tích bất hảo như hắn bỗng chốc trở thành người chỉ huy Việt Minh cao nhất vùng Ba Tổng.

– Chú ở đâu về? -Lê Văn Vận hỏi.

– Ở trại Cổ Bi bên kia sông.

– Đã vào chợ Cháy chưa?

– Tôi vừa ở trong ấy ra. Họ chen lấn khiếp quá. Tri huyện Cáp Văn Tòng chết rồi. Người hắn nát bét như quả dưa bở.

Nghe xong, Lê Văn Vận lắc đầu, chép miệng:

– Thằng đểu, cách mạng chưa kịp xử tội nó đã chết.

Sáng hôm hai mốt, Ủy ban khởi nghĩa họp phiên đầu tiên sau khi giành chính quyền, cử Lê Văn Vận làm Chủ tịch lâm thời. Anh ta lập tức trưng dụng chiếc xe “đít vịt” của Cáp Văn Tòng làm phương tiện đi lại. Lái xe cũ trốn biệt, tìm mãi không thấy, Vận đành cử Phan Phê trước đây đã võ vẽ chút ít nghề cơ khí, mới theo Việt Minh mấy tháng, tập lái. Phan Phê là tay có máu liều, lao bạt mạng có lần đưa cả xe lẫn người xuống ao làm Vận suýt chết. Từ đấy ông Chủ tịch đâm ra thù các loại phương tiện có động cơ, chuyển sang cưỡi ngựa.

Khúc Kiệt được bổ nhiệm làm Trưởng ban an ninh huyện kiêm Chủ tịch ủy ban hành chính xã Đoàn Kết gồm mười hai làng vùng Ba Tổng. Trụ sở đóng tại làng Cùa. Ông ta lập tức tổ chức đội quân bán vũ trang chuyên trấn áp những kẻ gây rối trật tự xã hội hoặc âm mưu chống đối cách mạng. Đội quân này được một sỹ quan Nhật đào ngũ tên là Kogo huấn luyện võ thuật và cách bắn súng.

Làng Cùa sau khi Việt Minh giành chính quyền xem ra cũng chưa có thay đổi gì rõ rệt ngoài việc nhà nào cũng treo cờ đỏ sao vàng và thỉnh thoảng lại đổ về sân đình Cả mít tinh hô các khẩu hiệu cách mạng khản cả giọng. Chủ tịch Khúc ngày nào cũng xuống các làng đăng đàn diễn thuyết về chính sách đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh và vận động các nhà giàu quyên thóc gạo, quần áo, chăn màn ủng hộ người nghèo. Cánh địa chủ phú nông tất nhiên chẳng mặn mà gì với cái chính sách nửa vận động nửa cưỡng bức này nhưng cũng phải bấm bụng nhả ra vài thứ đồ tàng tàng để đỡ bị các đội viên an ninh đến nhà làm khó dễ. Những vật dụng trưng tập được, Khúc Kiệt cho mang về đình Cả để phân phát tận tay bà con cố nông đang nóng lòng chờ đợi hưởng ân huệ của cách mạng.

Hôm ấy, dân làng Cùa dồn hết ra đình đứng vòng trong vòng ngoài giống hệt những dịp trước đây chen chúc nhau ngoài chợ Rồng đợi nhà chức trách phát chẩn. Khúc Kiệt trong bộ đồ kaki, lưng đeo khẩu súng nặng trịch kéo trễ xuống một bên hông, đứng trên bậc tam cấp dõng dạc thông báo:

– Hôm nay, chính quyền nhân dân xã Đoàn Kết, nhân danh cách mạng cấp phát quần áo chăn màn cho những gia đình nghèo. Đề nghị bà con trật tự nghe chúng tôi đọc tên, đến ai thì người ấy vào nhận, không được chen lấn nhau. Trước hết xin mời ông mõ Khính:

Có tiếng người phía sau, giọng nhỏ thôi nhưng nghe rất rõ:

– Bà con chớ có dại mà tin giọng lưỡi khoá Kiệt.

Thường Rỗ nghển cái cổ ngẳng ngoái lại nhìn, hoá ra là đồ Sách. Anh ta bảo:

– Bác nên giữ mồm giữ miệng. Họ mà nghe thấy là tù mọt gông.

– Cậu quên cái đận năm Mùi vì đội quân Áo đen mà làng mình chết oan bẩy tám chục mạng rồi à? – Đồ Sách gườm gườm nhìn anh bắt ếch – Cuộc cờ bây giờ mới bắt đầu nhưng tôi đã đoán được kết cục ra sao rồi.

– Bác định làm gì? – Phó hội Bảng cũng xán đến ghé tai đồ Sách thì thầm.

Đồ Sách thản nhiên bảo:

– Cái “Chính quyền nhân dân” này xem ra chẳng thọ được lâu đâu. Tôi mà nói sai xin làm con chó giữ nhà cho các ông.

– Bác chỉ nói càn. – Thường Rỗ vặn lại. – Họ có đảng Cộng sản lãnh đạo lại được khối quần chúng công nông hậu thuẫn, đổ làm sao được.

Đồ Sách cười nửa miệng:

– Các ông nhìn xem. Một chính quyền cách mạng được tuyên truyền với đủ thứ tốt đẹp từ trước đến nay chưa bao giờ thấy mà lại để một gã vô học, chuyên nghề hạ bạc làm Chủ tịch và lão khoá Kiệt gàn bát sách giữ chân Trưởng ban An ninh thì còn ra thể thống gì nữa. Tôi đồ rằng, chẳng chóng thì chày, bọn họ sẽ tịch thu hết ruộng đất của cánh nhà giàu chia cho lũ khố rách áo ôm cũng nên.

– Nói khẽ chứ! – Phó hội Bảng bảo. – Hình như bác cũng có tên trong danh sách chẩn cấp đấy.

-Tôi tuy nghèo thật nhưng cóc cần cái thứ của phi nghĩa ấy. – Đồ Sách phẩy tay – Hôm nay ăn mồ hôi nước mắt của người ta ngày mai lại phải nhả ra thôi.

Phó hội Bảng khẽ huých đồ Sách châm chọc:

– Bác chẳng hiểu thế nào là thành quả đấu tranh cách mạng cả. Đấy là lộc trời cho, không lấy là dại.

– Thế thì ông chen vào mà lấy.

– Ông xỏ tôi đấy à? – Phó hội Bảng vặc lại – Mấy hôm trước bà vợ tôi phải nộp cho chính quyền hai bộ quần áo gụ và một cái mền bông.

– Thảo nào mặt ông vênh như bánh đa nướng.

– Này, ông đừng có cạnh khoé.

– Thôi các ông đừng cãi nhau nữa. -Thường Rỗ kéo cánh tay đồ Sách bảo – Hình như lão Mõ già không nhận quần áo thì phải.

– Lạ nhỉ…

Đúng thật, ngay trước cửa Đình, lão Khính dõng dạc bảo Khúc Kiệt:

– Cảm ơn các ông cách mạng đã giải thoát cho lão cái nghề đầu chày đít thớt nhưng lão không vợ con, không ruộng vườn nhà cửa, sau này biết lấy gì mà sống? Còn quần áo lão không dám nhận đâu. Lão kinh cái năm Nhật kéo về tàn sát dân làng Cùa lắm rồi. Nay mai ông khoá với chính quyền tếch vào rừng, bọn nhà giàu lại kéo đến đòi, mà những thứ này mặc mãi rồi cũng rách lấy gì trả người ta thế là lão mắc nợ, chả dại…

Nghe mõ Khính con cà con kê, khoá Kiệt tức lắm, chỉ muốn cho lão già dở hơi mấy cái bạt tai nhưng vẫn cố gượng cười để làm yên lòng đám tá điền:

– Cụ ơi, cụ lẩm cẩm rồi. Cách mạng đã thành công. Từ nay chính quyền xóa bỏ vĩnh viễn mọi hình thức bóc lột, mọi công dân được tự do làm ăn, cụ cứ nhận đồ cứu trợ đi, không ai đòi đâu mà sợ.

– Nếu đã thế thì cách mạng bán ngay cho lão mấy sào ruộng, bây giờ thì lão chịu nhưng sau này nhất định sẽ thanh toán cả gốc lẫn lãi.

– Cụ Khính nghe đây! – Khoá Kiệt dằn giọng – Uỷ ban hiện thời chưa có ruộng đất nhưng nhất định sau này sẽ có để chia cho dân nghèo. Tôi lấy danh dự hứa với bà con làng Cùa. Nào, cụ nhận đi rồi về cho người khác vào.

Mõ Khính vẫn lắc đầu:

– Lão không dám đâu. Hay là ông Khoá cho lão gia nhập đội An ninh để khỏi phải … cởi truồng đánh giậm.

Lúc này Khúc Kiệt không thể cười được nữa. Ông ta quắc mắt quát khẽ :

– Đứa nào xui cụ đến đây phá đám? Cụ định đùa với nhà chức trách đấy hả?

Kết quả là, hôm ấy không một kẻ cùng đinh nào lên nhận đồ cứu trợ xã hội. Chập tối Khúc Kiệt cử các đội viên mang quần áo, chăn mền, yếm, váy đụp và các tã lót trẻ sơ sinh đến quăng vào các nhà bần cố nông. Chó sủa râm ran suốt từ đầu làng đến cuối làng. Sáng hôm sau, người đầu tiên phát hiện ra sự lạ lại chính là ông Chủ tịch xã. Khúc Kiệt dậy sớm đi đái, chợt thấy dưới ao đình có những vật nổi lều phều đủ loại đen đỏ nâu sẫm, cháo lòng. Ông ta sinh nghi liền xuống hẳn cầu đá, lấy chân khoắng lên, hoá ra đó chính là thứ hàng chẩn cấp mà tối hôm trước anh em An ninh đã mang cho dân nghèo.

– Thế này thì loạn thật! – Khúc Kiệt nghiến răng trèo trẹo. – Chắc chắn là có bàn tay chánh tổng Lê Bang với con mẹ Cả Huê nhúng vào. Được, ta sẽ cho chúng biết thế nào là cách mạng. Lũ chấy rận ấy mà lại dám vuốt râu hùm à?

Ngay chiều hôm ấy, Khúc Kiệt cho gọi viên cựu chánh tổng và cánh chức dịch cũ gồm Chánh Bang, Lý Quỳnh, Phó hội Bảng, đồ Sách, và cả Huê ra trình diện. Bà cả Huê từ trước đến nay vốn không coi khoá Kiệt ra gì cất giọng châm chọc:

– Ông Chủ tịch cho đòi chúng tôi ra đình chắc là để phát quần áo cũ?

Khúc Kiệt nghiêm giọng:

– Trước hết, yêu cầu bà cả Huê không được xúc phạm đến chính quyền cách mạng, nếu không chúng tôi bắt buộc tạm giam vào hậu cung như hồi tháng tám năm Mùi. Còn bây giờ có việc cần nói với các vị đây. Chế độ thực dân phong kiến đã sụp đổ. Chính quyền nhân dân vừa được thành lập trên khắp đất nước do những đại biểu ưu tú của giai cấp vô sản, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản Đông Dương. Các người đã từng làm chức sắc cho chế độ cũ, hành vi tội lỗi trong quá khứ đều tạm thời bỏ qua, từ nay phải yên phận làm ăn, không được túm năm tụm ba, bàn tán, kích động bà con nông dân chống phá chính quyền. Ai cố tình vi phạm chúng tôi buộc phải xử lý, lúc ấy đừng có trách.

Bà cả Huê bĩu môi cười nhạt:

– Tức là xử bắn chúng tôi phải không?

Khúc Kiệt gật đầu:

– Cái đó còn tuỳ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của tội trạng. Chẳng hạn việc bà xúi tá điền không nhận quần áo cứu trợ cũng như kích động ông Sách nói năng bừa bãi là đã đủ điều kiện lãnh án tử hình.

Bà cả Huê nhảy thách lên như bị ong châm:

– Nhà ông đừng có gắp lửa bỏ tay người nhá. Bọn tá điền không nhận của bố thí là việc của họ, can hệ gì đến tôi. Đừng có lên mặt dạy đời. Con Nhân nhà ông kia kìa, chửa hoang với Lý Quỳnh rồi bỏ làng đi biệt tăm, sao không đưa hắn ra mà tùng xẻo.

Khúc Kiệt bị khiêu khích, không kìm được rút ngay khẩu súng pạc hoọc nòng dài ngoẵng, lên đạn rốp rốp chĩa vào vợ goá Chánh Đàm. Một đội viên An ninh nhanh tay giữ lại hướng nòng súng lên trời. Tiếng nổ chói tai. Viên đạn xuyên mái ngói âm dương, mảnh vỡ rơi xuống sàn đình rào rào làm cánh Lê Bang được một phen hoảng hồn.

Khoá Kiệt mặt lạnh như tiền bảo người Thư ký:

– Tạm thời đưa bà cả Huê với ông đồ Sách vào hậu cung, nhớ canh giữ cẩn thận, họ mà trốn mất là các anh phải ngồi thay đấy. Các vị đây có thể về nhưng không được ra khỏi làng. Ông Quỳnh ở lại tôi có việc cần hỏi.

Lê Bang ra tới sân rỉ tai Phó lý Kiền:

– Chuyến này Lý Quỳnh gay rồi…

Chánh hội Bường cũng thì thầm:

– Bà cả Huê cậy thế chị dâu, quá lăng loàn phen này đi tù là cái chắc.

Trong đình, Khúc Kiệt hỏi Ngô Quỳnh:

– Tôi có nghe chuyện về con Nhân với tay Lãng nhưng không ngờ sự việc lại kết cục như thế. Ông đã thương thì thương cho trót vậy mà lại để nó đi khỏi làng.

Ngô Quỳnh đã hơi yên tâm vì Khúc Kiệt không biết cái việc ông ta cho người đi báo quan vội thanh minh:

– Cô nhà tính tình khác người lắm, khuyên nhủ mấy cũng không chuyển. Vào đúng dịp tôi phải hộ đê bên Trung Hà thì cô ấy bỏ nhà đi.

– Những ai đưa ra hình phạt đóng bè trôi sông?

– Bà cả Huê và cánh Phó lý Kiền.

– Được, tôi sẽ cho con mẹ địa chủ này biết tay. – Khúc Kiệt giáng mạnh nắm đấm xuống án thư – Về phần ông, từ nay tôi đề nghị đảm nhiệm chức Chủ tịch Liên Việt xã. Đó là việc tập hợp các tầng lớp xã hội, giúp chính quyền củng cố khối đoàn kết, trấn áp bọn Việt gian phản động chống phá cách mạng.

Lý Quỳnh ngập ngừng hỏi:

– Vậy tôi có được ra khỏi làng không?

– Ông đã là cán bộ Việt Minh đi đâu là quyền ông.

– Thế thì tốt quá. Tôi không ngờ ông Chủ tịch lại chiếu cố.

– Chuyện nhỏ nói làm gì. – Khúc Kiệt phẩy tay – Đầu tháng, ông đến đây nhận con dấu. Giờ ông có thể về. Tôi còn phải làm việc với anh em bên Đậu Khê thành lập đội tự vệ.

Việc bà cả Huê bị giam sáng hôm sau được một viên An ninh báo lên huyện. Chủ tịch Lê Văn Vận vội cưỡi ngựa về làng Cùa. Dân xóm Trại Cá không thể nhận ra anh con rể Chánh Đàm sau mười năm lang bạt kỳ hồ. Tuy mới ba chục tuổi nhưng vị Chủ tịch huyện Nam Thành đã có tác phong chững chạc của một cán bộ từng trải. Anh ta ngồi thẳng đuỗn trên con ngựa lang cao lớn, dáng dấp y hệt ông nhạc ngày trước mỗi khi xuống các làng công cán hoặc lừa mấy bà vợ đến với ả nhân tình. Quả thật Vận cũng hơi ngại vì cái án giết lão chánh tổng hồi trước, nhưng nỗi sợ hãi lập tức nhường chỗ cho niềm kiêu hãnh của một kẻ đang đắc thế.

– Hãy quên chuyện cũ đi. – Anh ta tự bảo mình – Ta bây giờ đường đường là một ông Chủ tịch huyện về địa phương công cán, bên cạnh lại có anh em An ninh bảo vệ, sợ quái gì. Kẻ nắm quyền lực trong tay là kẻ thống trị xã hội. Hơn nữa, cách mạng có nghĩa là phá bỏ cái cũ, xây dựng cái mới theo một trật tự khác hẳn. Lúc này cần phải quyết đoán.

Về đến đình Cả, Lê Văn Vận vừa xuống ngựa, lập tức cho gọi Khúc Kiệt đến quở trách về tội lạm dụng quyền hành bắt người vô cớ rồi ra lệnh thả đồ Sách và bà cả Huê. Chị em Khúc Thị Huệ và Khúc Luận thập thò ở ngoài cổng nhìn vào. Chúng không biết và cũng không tin đấy là “anh rể” mặc dù từ mấy hôm trước dân làng Cùa đã bàn tán khá nhiều về sự kiện này. Khúc Luận vừa thấy và bà cả cắp nón bước ra đã hỏi:

– Ông Chủ tịch huyện có phải là anh Vận không mẹ?

Bà Chánh quắc mắt:

– Câm mồm! Không được nói xằng. Thằng Vận chết mất xác ở rừng Đà Bắc từ lâu rồi.

– Sao con nghe ông Phó lý bảo…

– Về nhà ngay! Chuyện người lớn chúng mày biết gì mà bép xép.

Chủ tịch huyện về làng làm dân chúng xôn xao. Người ta nô nức rủ nhau ra đình nghe vị đại diện cách mạng nói về nhà nước dân chủ mới và chủ trương người cày có ruộng của Mặt trận Việt Minh. Sân đình lúc này trở lên quá chật với khối quần chúng đông đảo đang chen vai thích cánh nhau, ai cũng muốn nhìn thật rõ mặt người lãnh đạo cao nhất của địa phương. Thường Rỗ, Trịnh Doãng xuýt xảy ra ẩu đả chỉ vì tranh nhau đứng trên chiếc cối đá thủng vẫn dùng đập lúa kê góc sân. Bọn trẻ con nhiều đứa tinh ranh, leo tót lên chạc cây nhãn nhòm vào. Chỉ đàn bà con gái chân yếu tay mềm là thiệt. Họ bị đẩy ra tận phía bờ ao. Ở vị trí ấy, chị em chẳng nhìn thấy gì ngoài những cái đầu lô nhô cao thấp với đủ thứ mùi hôi hám rất khó ngửi của đám lực điền bị gió tây nam nóng hầm hập phả tới.

Khúc Luận năm ấy đã vào tuổi mười bốn, người phổng phao, leo trèo rất giỏi. Cậu ta cùng với thằng Đậu, con Phó lý Kiền, ngồi vắt vẻo trên cây xoan đào ngay đầu hồi dãy nhà ngang. Ở chỗ ấy, chúng bao quát được toàn bộ quang cảnh cuộc mít tinh mà chẳng cần phải chen lấn, chỉ có điều là không thoải mái lắm, do phải bám vào cành cây, chân tay bị tê. Mục đích của Khúc Luận đến đây không phải chỉ nghe ông Chủ tịch diễn thuyết mà để xác minh xem, nhân vật quan trọng này có phải là Lê Văn Vận, kẻ đã giết bố mình không. Khúc Luận căm thù anh ta đến tận xương tuỷ, chính vì vậy, đã nhiều lần nói với bà cả Huê, hễ có dịp là phải thanh toán sòng phẳng để vong linh ông chánh được thanh thản. Năm Quý Mùi, Khúc Kiệt đánh nhau với quân Nhật, Khúc Luận lấy được khẩu súng Joffre cùng bao đạn của một đội viên Áo đen bị tử thương bên cạnh gò Me. Trong cơn hoả hoạn, làng Cùa nháo nhào, ai cũng lo thoát thân, mấy người để ý đến chuyện súng ống. Khẩu súng được cậu ta bôi một lớp mỡ bò, quấn giẻ tẩm dầu luyn, giấu trong căn hầm dưới tầng trệt ngôi nhà gác. Nếu quả thật hắn là Lê Văn Vận thì mình phải nhanh chóng ra tay. – Khúc Luận thầm nghĩ – Trước hết cần lau súng cho sạch sẽ, sau đó vào rừng Hóp bắn thử đã. Chỉ sợ lúc hành sự, đạn thối hoặc culasse bị kẹt thì khốn. Hắn sẽ chẳng nể nang gì mà không treo mình lên cành đa xử tử như Khúc Kiệt đã bắn chánh tổng Cao Lộng.

Cậu công tử bột đang hình dung kẻ thù bị luồng đạn xé toang lồng ngực, thì từ chiếc bục cao trên sân đình, ông Chủ tịch cất giọng sang sảng:

– Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của toàn dân. Chúng ta đã giành được độc lập từ tay phát xít Nhật nhưng trước mắt còn gặp nhiều khó khăn. – Vận ngừng lại, đưa mắt lướt qua đám quần chúng đông đảo rồi chém tay vào khoảng không nhấn mạnh – Đó là nạn đói, nạn dịch và nhất là kẻ thù dân tộc đang rình rập, hễ có thời cơ là chúng ngóc đầu dậy, chống phá nhà nước dân chủ cộng hoà. Cụ Hồ dạy, phải nâng cao cảnh giác cách mạng đoàn kết dân tộc, xoá bỏ áp bức bóc lột.

– Hồ Chủ tịch vạn tuế! Cách mạng vạn tuế! Chính quyền dân chủ cộng hoà vạn tuế!

Một đội viên An ninh bỗng hét to vào chiếc loa sắt tây. Anh ta ngoáy loa một vòng, đẩy những âm thanh nhát gừng ra tứ phía, thế là khối quần chúng lập tức hưởng ứng bằng hàng ngàn tiếng hô dõng dạc với đủ mọi cung bậc đồng loạt dậy lên như sấm tháng ba rùng rùng chuyển động một góc trời:

– Hồ Chủ tịch vạn tuế! Cách mạng vạn tuế! Chính quyền dân chủ cộng hoà vạn tuế!

– Vậy mà ở ngay làng Cùa của bà con ta vẫn còn những kẻ cố tình chống phá cách mạng. – Vận bỗng khoát tay ra hiệu cho đám dân chúng trật tự rồi lên giọng răn đe – Thời thế đã chuyển đổi. Tây thua. Nhật bại. Giai cấp cần lao Việt Nam đã giành được chính quyền. Đó là thực tế hiển nhiên không ai có thể phủ nhận. Từ giờ phút này, chỉ có những kẻ vô lương tâm, những kẻ luôn nuôi trong lòng mối hận thù giai cấp mới thờ ơ với thành quả vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám. Nhân danh chính quyền cách mạng, tôi kêu gọi bà con hết sức cảnh giác, hãy đoàn kết thành một khối thống nhất, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu đen tối của bọn phản động.

Người đội viên An ninh lại chõ loa ra tứ phía gào lên:

– Đả đảo bọn phản động tay sai thực dân đế quốc chống phá cách mạng!

Lại hàng ngàn tiếng hô đồng thanh đả đảo. Ai cũng muốn hét thật to để tỏ rõ uy lực của quần chúng cần lao nên buổi mít tinh lúc này biến thành một cuộc thi gào thét có một không hai ở vùng Ba Tổng, đến nỗi, mãi ba hôm sau bọn Thường Rỗ, Bảy Ngạnh và lũ thanh niên choai choai vẫn còn khản cổ. Luận chợt thấy lạnh sống lưng. Cậu ta không còn đủ sức bám mãi trên chạc cây bởi làn sóng đả đảo rùng rùng đập vào cân não, nếu không tụt xuống mau có khi ngã vỡ đầu.

Sau cuộc mít tinh, Lê Văn Vận bảo Khúc Kiệt:

– Chú đừng gây căng thẳng với bà con dân làng. Tình hình chung bây giờ không tốt lắm đâu. Phải cân nhắc thật kỹ trước khi hành động để còn có lực lượng quần chúng làm chỗ dựa sau này.

Khúc Kiệt có vẻ bất bình:

– Thế là tư tưởng hữu khuynh đấy ông Chủ tịch ạ! Theo tôi, bọn Lê Bang, Ngô Quỳnh, đồ Sách và cả con mẹ Cả Huê nữa là cứ phải xử bắn tuốt để làm gương cho những kẻ đang nuôi ý đồ phản loạn.

– Tôi lạ gì bản chất bọn này. -Vận cười gằn bảo. – Nhưng xử lý chúng ngay bây giờ là đám chức dịch vùng Ba Tổng ra mặt chống đối ngay. Chú nên nhớ, bọn Tàu Tưởng lấy danh nghĩa Đồng Minh giải giáp quân Nhật đang làm hậu thuẫn cho các đảng phái phản động hoành hành khắp nơi. Chúng mà nổi lên kích động dân nghèo chống phá chính quyền thì chú toi mạng.

– Anh không nhớ Ông Lý Ninh nói cách mạng là phải dùng bạo lực à?

– Cái đó phải vận dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể, không phải lúc nào cũng bắn giết bừa bãi được. Vừa rồi chú nhắc đến bà cả Huê, chiều nay bảo bà ấy ra đây tôi muốn gặp trước khi về huyện.

Khúc Kiệt ngập ngừng:

– Không nên. Con mẹ này là loại đàn bà thù dai. Cái vụ anh ngộ sát lão chánh bà ta chưa quên đâu.

– Chú yên tâm, tôi đã có cách.

– Lại còn thằng Khúc Luận nữa. Cái thói khệnh khạng, hách dịch thì giống hệt bố. Ranh con chưa ráo máu đầu mà đã dám sang chòng ghẹo con Nhân. Lúc ấy tôi mà ở nhà thì sẽ cho nó viên đạn vào đầu.

– Trẻ con, chấp nó làm gì?

– Đừng coi thường thằng mất dạy ấy. Bà cả Huê toàn nhồi nhét vào đầu nó tư tưởng phản động. Chưa biết chừng nó xuyên dao găm vào lưng anh lúc nào không hay.

Nghe Khúc Kiệt, Vận thoáng rùng mình, thầm nghĩ, thì ra bà cả Huê ghê gớm hơn anh ta vẫn tưởng. Thôi được, ta sẽ tuỳ cơ ứng biến, nếu cần thì cho giam lại.

Mấy đội viên An ninh thấy bà cả Huê liền dẫn vào trong đình. Bà ta có vẻ không ngạc nhiên khi nhận ra anh con rể trong bộ quần áo gụ cắt theo kiểu thành thị ngồi sau chiếc án thư sơn son:

– Xin có lời chào ông Chủ tịch huyện. – Vợ Chánh Đàm hơi nghiêng người cất giọng the thé như đang diễn tuồng. – Chúng tôi đến trình diện theo lệnh đòi…

Lê Văn Vận chỉ tay vào chiếc ghế ngựa mới được chuyển từ nhà Bảy Ngạnh ra, bảo:

– Mời bà ngồi xuống đây.

Bà cả Huê nhìn trước nhìn sau thấy không có ai liền hỏi nhỏ:

– Cậu là cậu Vận thật đấy à?

– Chả nhẽ bà Chánh không nhận ra tôi?

– Trước đây mặt cậu làm gì có vết sẹo dài thế kia?

– À, bị thằng Tây lai đánh trong tù.

– Cậu bỏ làng đi những đâu mà giờ mới về?

– Chuyện dài lắm kể một lúc không hết được.

– Dì lánh đâu?

– Cô ấy bị ngã nước chết trên rừng Phiềng Sa từ năm Hợi.

Bà cả Huê chép miệng :

– Vậy là cũng xong một kiếp người.

Vận lưỡng lự một lát rồi hỏi:

– Con bé… dạo này?

– Cậu hỏi con bé nào?

– Tôi nghe ông Khoá Kiệt bảo năm ấy… chị đẻ con gái.

– Cái lão thủ lĩnh Áo đen toàn đơm đặt chuyện.

– Tôi hỏi nghiêm chỉnh đấy. Nó là con gái thật à?

Bà cả Huê lắc đầu:

– Mọi chuyện đã qua rồi đừng nhắc lại nữa. Lão khoá Kiệt chẳng tử tế gì đâu. Cậu phải dè chừng hắn. Vì hắn mà làng Cùa bị quân Nhật triệt hạ.

– Làm cách mạng như là trò đánh bạc ấy, nhiều lúc phải chịu tổn thất. – Lê Văn Vận chậm rãi phân tích – Bà thử nghĩ xem, gia đình ông ấy giờ còn những ai? Không có những người dám xả thân như khoá Kiệt thì làm gì có nền độc lập. Nhân đây tôi cũng nói cho bà rõ, thái độ hằn học với cách mạng là rất không có lợi cho bản thân và gia đình. Sau này nếu xảy ra chuyện gì tôi cũng đành chịu.

Bà cả cúi đầu ra vẻ ngẫm nghĩ, bất chợt ngẩng lên hỏi:

– Cậu có về thăm nhà một lúc không?

– Bà đuổi mẹ con người ta sang sông rồi còn hỏi tôi làm gì?

– Còn con Huệ? – Bà Chánh hạ giọng – Cậu cũng phải nhìn qua xem mặt mũi nó thế nào chứ.

– Thôi được. – Vận bảo bà cả Huê. – Chị cứ về đi. Ngày mai tôi vào nhà ông khoá Kiệt rồi nhân tiện rẽ sang, như thế bà con làng Cùa không nói vào đâu được.

Vậy là kế hoạch thay đổi. Vào lúc chập tối, mấy anh em trong đội công tác tập hát cùng các cô thôn nữ xóm Đình. Đám trẻ con vắt mũi chưa sạch vây quanh lẩm nhẩm bài Cùng nhau đi hồng binh theo cái giọng kim uốn éo như giọng cung văn của người đội trưởng. Mấy ngọn đuốc cháy đùng đùng, tàn bay như sao sa, thỉnh thoảng lại nổ lép bép toả thứ ánh sáng chập chờn làm bóng người vặn vẹo trên nền gạch Bát Tràng. Vận lững thững thả bộ quanh bờ giếng. Anh ta lưỡng lự một lát rồi bước qua đầu đình. Đường đi lối lại làng Cùa, Vận thuộc như lòng bàn tay. Từ đây đến nhà Chánh Đàm chỉ qua vài ngõ. Kia rồi, đi hết con đường hẻm này là đến bờ rào nhà ông khoá. Đang bước Vận chợt thấy lạnh toát ở bả vai, tiếp đến là tiếng nổ giống như pháo đùng ngày tết ở phía cây duối nhà ba Vếnh cách đấy hơn chục bước chân. Phải đến mấy giây ông Chủ tịch mới có cảm giác đau. Nó giống như mũi khoan thép, nóng bỏng xoáy vào tận xương làm Vận không thể đứng vững.

Nghe tiếng nổ, mọi người từ các ngõ đổ xô đến. Lê Văn Vận được đưa ngay về đình sơ cứu. Khúc Kiệt cùng đội tự vệ khẩn cấp truy tìm thủ phạm. Lúc ấy mới đầu canh hai. Đêm cuối tháng tối sẫm. Bầu trời u ám không một vì sao. Từ trên cao thỉnh thoảng vọng xuống tiếng sấm lục bục báo hiệu sắp có mưa. Khắp các ngõ ngách làng Cùa, đèn đuốc thắp sáng như hội hoa đăng. Chiêng trống cùng với tiếng loa sắt tây chốc chốc lại rộ lên chẳng khác gì đám rước thần. Lê Bang, Phó lý Kiền, Chánh hội Bường, đồ Sách và bà cả Huê lại bị điệu ra đình. Toàn bộ thanh niên nam nữ bần cố nông xách giáo mác, gậy tày, tay thước lập thành tổ xung kích toả đi khắp các xóm giúp đội tự vệ giữ gìn trật tự. Đến cuối canh tư thì họ tóm được Khúc Luận đang ngồi thu lu trong thùng trấu nhà ông cả Duệch tận xóm Cầu Đá. Mới bị tay đội trưởng tự vệ quất cho ba roi cậu ta đã ngoan ngoãn nhận tội, khai ra chỗ vứt khẩu súng Joffre. Thường Rỗ lập tức lội xuống ao nhà ba Vếnh mò tang vật. Lúc ấy trời đã rạng sáng. Cánh lý dịch được thả về còn Khúc Luận bị giải lên huyện.

Viên đạn bắn từ phía sau, xuyên qua phần mềm bả vai phá ra ngoài nên không nguy hiểm đến tính mạng. Người y tá trong khi rửa vết thương bảo Lê Văn Vận :

– Số ông may đấy. Viên đạn chệch xuống dưới một chút vào tim thì không cứu được.

– Tôi phải nằm đây bao lâu?

– Nhanh nhất cũng là một tuần.

– Không được! – Vận giẫy nảy lên – ngày kia tôi có cuộc họp quan trọng trên tỉnh không thể vắng mặt. Nhà thương cứ cho tôi ít thuốc là được.

– Thưa ông Chủ tịch, vết thương đã nhiễm trùng, cần phải tiêm thuốc để chống hoại thư, ông không nghe lời docteur sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

– Anh yên tâm. – Vận thản nhiên bảo – Họp xong tôi sẽ trở lại ngay.

Thực ra Vận không có cuộc họp nào mà anh ta lo cho Khúc Luận. Chậm lại một chút bên công an đưa cậu ta lên tỉnh thì sự việc càng thêm rắc rối. Hành vi ám sát Chủ tịch huyện chắc chắn là sẽ bị xử bắn. Vận thầm nghĩ, Lánh chết rồi, trên đời này nó chẳng còn ai thân thiết ngoài bà cả Huê. Có điều mình và bà ta lúc này đều không thể cho nó biết rõ thân phận. Sau này sẽ hay, còn bây giờ phải tìm cách cứu thằng bé đã. Cũng may, Trưởng ban An ninh là Khúc Kiệt.

Tầm nửa chiều Khúc Kiệt có mặt tại nhà thương. Thấy Vận đã ngồi dậy được, ông khoá có vẻ phấn khởi bảo:

– Ngày mai phải đưa thằng ôn con lên công an tỉnh để người ta nói chuyện với nó.

Vận lắc đầu:

– Thằng bé còn đang tuổi vị thành niên, nhất thời hành động thiếu suy nghĩ, nên tha cho nó. Hơn nữa trước đây tôi cũng có lỗi…

Khúc Kiệt vỗ vỗ vào khẩu súng ngắn lúc nào cũng kè kè bên sườn, nghiêm giọng:

– Đối với bọn phản động ta phải thẳng tay trừng trị, nương nhẹ với chúng là mất chính quyền như bỡn. Vụ án này tất có kẻ đứng đằng sau xúi giục chứ một mình thằng nhãi ranh ấy không dám làm. Theo tôi, cứ tóm cổ con mẹ Cả Huê tẩn cho một trận là phải khai ra hết.

Vận cúi đầu ngẫm nghĩ một lúc rồi làm ra vẻ tán thành:

– Có lẽ chú nói đúng. Tình hình bây giờ đang rối ren, phải áp dụng biện pháp mạnh để răn đe bọn phản động.

– Việc này anh cứ để tôi. – Khúc Kiệt đảo mắt nhìn quanh rồi khẽ bảo – Mà cũng không nên giải đối tượng về tỉnh nữa. Ta làm trong phạm vi địa phương cho gọn.

– Đúng lắm. – Vận tán dương ông chú vợ – Ở huyện có được một Trưởng ban An ninh như đồng chí chúng tôi rất yên tâm. Ngay tối nay đồng chí về làng Cùa ổn định tình hình, trấn an nhân dân địa phương và điều tra xem những kẻ nào đứng đằng sau thằng bé, nhưng phải nhớ, chưa có lệnh của huyện không được tự tiện bắt bà cả Huê.

Khúc Kiệt đang hăm hở chợt ngớ người ra:

– Sao thế? Tôi nghĩ ta cần tóm ngay con mụ ấy.

– Phải tập hợp đủ chứng cớ đã. Chú cứ bắt lấy được khác gì rút dây động rừng.

– Thôi được, tôi nghe anh.

Đêm hôm ấy Vận lẻn về huyện cùng người Thư ký thân tín vào nhà giam trước đây là Trại Lệ của tri huyện Cáp Văn Tòng. Khúc Luận ngồi thu lu một góc, mặt sưng húp, có lẽ trước đấy nó đã bị đánh đau. Nhìn thấy Lê Văn Vận thấp thoáng dưới ánh đèn dầu tù mù, thằng bé vênh mặt cười gằn:

– Chắc ông Chủ tịch đến đem tôi đi xử bắn?

Vận nhìn thằng bé rất lâu. Anh ta không thể ngờ nó lớn nhanh đến thế. Tâm trạng Vận lúc này khó có thể diễn đạt bằng lời. Đó là sự pha trộn giữa tình cảm cha con với nỗi căm hận lão chánh tổng, những trận đòn thừa sống thiếu chết của gã Tây lai trong nhà tù Sơn La cùng với đôi mắt thảng thốt của Mạc Thị Lánh trước lúc về thế giới bên kia. Thằng bé đã bị bà cả Huê biến thành kẻ thù với chính người đã từng sinh ra nó mặc dù từ dáng dấp đến cách ăn nói giống mẹ như đúc. Còn cái phẩm chất ngang tàng, phóng túng như con ngựa bất kham không chịu tiết chế theo quy tắc ứng xử của xã hội lại giống hệt mình. Lúc này không thể nói cho nó hiểu được. Hơn nữa, nói ra những điều hệ trọng ấy là mất chức ngay, thậm chí có thể còn bị tống giam. Chính quyền mới thành lập, phải đối mặt với đủ loại kẻ thù, thậm chí kẻ thù ẩn náu ngay trong hàng ngũ cách mạng, sẵn sàng hạ gục anh một khi mất cảnh giác. Loại cũng không kém phần nguy hiểm nữa là bọn cực đoan, quá khích, nhân danh cách mạng để thanh toán lẫn nhau vì ân oán trong quá khứ. Khúc Kiệt chỉ là một trong những trường hợp điển hình. Phải giải thoát cho thằng bé trước khi khoá Kiệt trở về. Ông ta vốn rất gàn, ít khi chịu nghe lời người khác góp ý. Vụ này để cho Trưởng ban An ninh giải quyết, Khúc Luận khó thoát khỏi án tử hình. Nghĩ vậy, Lê Văn Vận bảo:

– Cậu có biết tội cố ý giết người bị xử thế nào không ?

– Chết là cùng chứ gì? – Khúc Luận tỏ ra chẳng có gì sợ hãi, giọng khiêu khích.

– Cậu đoán đúng đấy. – Vận gật đầu – Nhưng tôi biết, việc rình bắn tôi không phải tại cậu mà là cậu nghe người ta xui dại. Là đấng nam nhi đừng bao giờ làm chuyện khuất tất mà phải hành động danh chính ngôn thuận người ta mới phục. Cậu nấp một chỗ rồi bắn lén như thế là không quân tử.

– Vậy ông cầm cán cuốc đập vào đầu bố tôi có phải quân tử không?

Vận cười khẽ:

– Ông chánh dùng mác đâm, tôi tự vệ là chính đáng. Việc này mẹ con bà hai biết rất rõ.

– Hừ! Bây giờ ông là Chủ tịch huyện nói gì mà chả đúng. – Thằng bé nhấm nhẳng nói – Vậy mẹ tôi đâu ?

– Việc ấy sẽ nói với cậu sau. Giờ hãy nghe đây. Tôi sẽ thả cậu ra nhưng không được về làng Cùa. – Vận ngập ngừng một lúc rồi nói – Về đấy là bị khoá Kiệt bắt ngay. Mà cậu biết đấy, một kẻ có âm mưu sát hại cán bộ cách mạng rơi vào tay Trưởng ban An ninh thì số phận như thế nào rồi.

Nói xong Vận ra ngoài ghé tai người Thư ký và một đội viên An ninh vẫn đứng canh chừng:

– Các anh đưa cậu ta sang bên kia sông Lăng, hỏi nhà ông Lái Lự ở kẻ Bòng rồi về báo cho tôi biết.

Khi khoá Kiệt biết tin Khúc Luận trốn chạy thì cậu ta đã vượt sông Lăng ở bến Cự Tân. Đội quân An ninh toả ra khắp nơi truy tìm nhưng ba ngày sau vẫn chẳng có tin tức gì. Ông ta bực mình cáu với cả Chủ tịch huyện:

– Giá anh đừng bảo tôi về Ba Tổng thì thằng ranh con ấy không biến mất. Tôi đã bảo, thằng này giống địa chủ cường hào, lắm mánh khoé chứ không như anh nghĩ đâu.

Vận giả bộ lúng túng như người mắc lỗi:

– Tôi thật không ngờ thằng này lại ma ranh đến thế. Chú cứ cho anh em tiếp tục truy lùng. Phen này mà tóm được phải đưa ra toà xử công khai trước toàn thể nhân dân.

– Tôi đề nghị phải tống giam và kỷ luật thật nặng mấy tay đội viên canh gác.

Vận xua tay bảo :

– Lỗi ấy là tại tôi, không phải do anh em canh gác. Chả là tầm nửa đêm, vết thương sưng tấy lên đau quá, tôi bị choáng, thế là các cậu ấy xúm vào đưa vào nhà thương, không ngờ…

Khúc Kiệt vẫn còn hậm hực, giọng bực bội:

– Anh chủ quan quá.

*

* *

Sang đến làng Bòng, Khúc Luận vẫn không hiểu vì sao Lê Văn Vận tha mình. Hơn nữa, anh ta còn cử người thân tín đang đêm dẫn cậu bí mật sang sông. Còn nhớ, lúc đến bãi chuối xóm chài Cự Tân, nhìn cảnh đồng ruộng xác xơ, ba người vật vờ như những bóng ma dưới bầu trời mông lung, cậu ta bỗng khóc nấc lên bởi nỗi sợ hãi bị thủ tiêu:

– Các ông định mang tôi ra sông dìm chết phải không?

Người đội viên An ninh có đôi mắt lác trông như mắt thuỷ tinh bực mình gắt:

– Cậu mà hét lên nữa là tôi cho mấy cái bạt tai.

Người Thư ký trẻ hơn, có cái mũi vẹo, giọng khê nồng như người nghiện thuốc lào, mỗi khi bực mình anh ta hay văng tục:

– Mẹ kiếp, có câm mồm không thì bảo.

Người lái đò bị dựng dậy bất chợt, ngái ngủ càu nhàu:

– Có việc gì để đến sáng, giờ này đếch sang sông đâu.

Đó là một lão già tầm thước, không nhìn rõ mặt nhưng ước đoán cũng phải ngũ tuần. Lão nằm co ro trên chiếc ổ rơm trong căn lều tùm hum như lều chăn vịt thỉnh thoảng lại khậm khoạc ho. Gió đông nam bất chợt rồ lên. Lá chuối đập phành phạch làm lũ chim đêm bay nháo nhác. Một đàn đom đóm chập chờn lúc gần lúc xa, phát ra thứ ánh sáng lạnh lẽo, xanh lét làm căn lều cứ nhập nhoà như âm cung.

– Dậy! Ông lão. – Người có cái mũi vẹo quát khẽ – Có công văn khẩn.

– Thượng khẩn cũng để đến sáng mai. – Lão lái đò xem ra không phải loại dễ dàng cho người khác sai bảo, ngáp liền mấy cái rồi lại tiếp tục ngáy.

– Có dậy không? – Vẫn người Thư ký mũi vẹo vừa quát vừa lên đạn khẩu trường mas[1] làm lão lái đò hoảng hồn:

– Ấy! Đừng bắn! Tôi sang ngay đây.

Đêm đen thẫm. Trời ong ong. Những ngọn gió hiếm hoi lúc này không còn lang thang trên sông. Mặt nước lặng như tờ, thỉnh thoảng mới có gợn nhẹ không đủ cho sóng lao xao. Con thuyền lần mò trong đêm như một kẻ mù loà phải dùng gậy dò đường nhưng vẫn vào đúng bến chứng tỏ tài nghệ không thể phủ nhận của lão lái Quých. Bên này cũng là một bãi chuối. Dịch vào phía trong một chút là dẫy chuồng trâu bỏ hoang của Lái Lự. Người Thư ký và anh đội viên An ninh có vẻ khá thông thạo đường đi lối lại. Ba người về phía đầm Vực, khoảng canh tư thì đến làng Bòng. Anh mũi vẹo gõ vào cánh cổng một ngôi nhà giữa xóm. Các loại chó hình như đợi đến đúng lúc ấy mới nhất loạt sủa lên bằng đủ thứ giọng tạo thành dàn hợp xướng khủng khiếp, dai dẳng, đinh tai nhức óc. Lái Lự mắt nhắm mắt mở ra cổng. Lão đã bị nhiều vố mất của, thậm chí xuýt bị toi mạng nên không vội rút then ngay mà khẽ hỏi:

– Ai đấy?

Người Thư ký nói chõ vào:

– Ông Chủ tịch Nam Thành gửi bác cái thư.

– Chủ tịch nào? – Lái Lự cảnh giác hỏi lại.

– Ông Vận.

– Thư gì mà phải đưa ban đêm? – Lái Lự quát khẽ. – Các người đừng có giở trò. Ta mà hô lên một tiếng, anh em tự vệ thôn đến thì có chạy đằng trời.

– Đất nước độc lập rồi làm gì còn trộm cướp mà ông lái cứ sợ bóng sợ vía. Người đội viên an ninh bảo. – Ông Chủ tịch muốn gửi thằng bé con cô Lánh. Mọi việc ông Vận đã nói rõ trong thư. Cậu ta đang chờ ngoài này. Chúng tôi đi đây.

Phải một lúc lâu sau Lái Lự mới dám mở cổng. Khúc Luận ngồi ngủ gật, tay vẫn cầm phong thư. Ông lái trâu vội đưa thằng bé vào nhà nhưng trong thâm tâm vẫn không dám chắc nó là cháu ngoại mình, bởi vì mười năm nay, từ khi con gái trốn khỏi làng, lão ngại không muốn đặt chân đến vùng Ba Tổng. Mọi sự liên hệ Lái Lự đều thông qua Khúc Kiệt hoặc vài người bà con ở kẻ Bòng. Cũng chính vì thời gian đứt đoạn quá lâu như thế, Khúc Luận gần như chẳng còn nhớ chút nào về ông ngoại. Thường ngày ông ta còn bị bà cả Huê đơm đặt cho đủ điều xấu xa, nhằm nuôi dưỡng lòng căm ghét và thái độ khinh bỉ cho thằng cháu, đến nỗi khi nhìn thấy người đẻ ra mẹ mình, nó vẫn lạnh lùng, dửng dưng như từ trước đến nay chưa hề quen biết.

Đọc thư xong, Lái Lự mới hiểu sự tình. Ông bảo Khúc Luận:

– Cháu đã hiểu lầm anh Vận. Sự việc không đến nỗi ghê gớm như bà cả vẫn nói. Bây giờ cứ ở đây với ông, mấy hôm nữa sẽ vào Lang Khê.

– Lại phải đi nữa? – Thằng bé hỏi cộc lốc.

– Chỗ này không được an toàn. Ông sợ dân làng có người thóc mách.

– Còn mẹ cả tôi? Họ có xử bắn bà ấy không?

– Cậu cả đừng nói dại.

– Tôi nghe ông khoá Kiệt bảo thế.

– Ông ấy doạ cháu đấy.

– Vì sao ông Vận lại thả tôi khỏi nhà giam?

– Việt Minh họ không giết trẻ con. – Lái Lự buột miệng bảo.

– Khóa Kiệt cũng là Việt Minh, lại cùng họ nữa vậy mà ông ấy vẫn muốn xử bắn tôi.

Lái Lự gật đầu:

– Kể ra thì ông khoá cũng hơi cố chấp, nhưng hoàn cảnh gia đình ông ấy như thế nên cũng phải thông cảm.

– Ai bảo ông ta đem quân Áo đen về làng Cùa.

– Thôi, chuyện qua rồi, đừng nhắc lại nữa, sau này cháu sẽ hiểu.

2

Khúc Văn đột nhiên về làng sau mấy năm biệt xứ. Anh ta không ở ngôi nhà tranh của gia đình họ Khúc mới được dựng lại mà đến tá túc trong chùa Từ Vân do sư Tuệ Văn trụ trì.

Chùa Từ Vân giống như một trang trại nằm giữa cánh đồng Vạn, từ xa chỉ thấy thấp thoáng những ngọn tháp rêu phong ẩn hiện giữa những lùm tre. Vì cách biệt hẳn với khu dân cư, lại được luỹ tre dày bao quanh nên quang cảnh ở đây lúc nào cũng thâm u, tĩnh mịch. Lúc hoàng hôn, khi sư thầy vào khoá lễ, chú tiểu leo lên gác tam quan gióng chuông. Tiếng chuông chậm rãi thả vào đồng quê yên tĩnh những âm thanh trầm trầm, buồn tẻ. Những ngày này, Khúc Kiệt đã lên hẳn trên huyện đảm nhiệm chức Trưởng công an kiêm Trưởng ban an ninh. Chức Chủ tịch uỷ ban xã Đoàn Kết được giao cho Đỗ Kim là người tổng Cao Đôi. Anh này trước vốn là tay chân của trùm cướp Ba Ngạc, bị tri huyện Cáp Văn Tòng tóm được tống vào trại La Tỉnh. Hồi tháng tám, Nhật đầu hàng Đồng Minh, Đỗ Kim cùng với một số chính trị phạm phá ngục thoát ra ngoài. Tay này có máu cờ bạc, ban ngày làm việc hàng tổng tối lại rủ cánh đàn em sát phạt nhau đến quá nửa đêm. Sáng ra, mắt anh nào cũng díp lại ngáp lấy ngáp để như con nghiện lúc lên cơn thèm thuốc. Làm Chủ tịch mới có nửa tháng, Đỗ Kim đã được kết nạp đảng. Sự kiện này rất có ý nghĩa đối với con đường thăng tiến của các cán bộ Việt Minh mới tham gia phong trào. Việt Minh lãnh đạo nhân dân cướp chính quyền nhưng đảng cộng sản lại lãnh đạo Việt Minh. Thời kỳ này, ở vùng Ba Tổng, ai không là người của tổ chức nếu tham gia hoạt động xã hội thì được gọi là nhân sĩ yêu nước nằm trong mặt trận Việt Minh nhưng thường chỉ là cơ cấu mang tính hình thức. Các đảng viên cộng sản mới là những người nắm thực quyền. Từ lâu, Khúc Kiệt có mối quan hệ khá thân thiết với Đỗ Kim. Mỗi lần từ huyện về ông ta lại ra đình Cả hoặc cưỡi ngựa sang Cao Đôi bàn công việc với Chủ tịch xã. Thực ra, Khúc Kiệt đề cử Đỗ Kim vào chức Chủ tịch không phải anh ta có tài cán gì mà cái chính là để trả ơn một lần cứu mạng. Dịp ấy, ông khoá bị mật thám theo dõi trong một lần giả làm người đóng cối đến nhà cai Kíu ở Cao Thượng lấy tin tức. Cai Kíu từ lâu đã là cơ sở của huyện bộ Việt Minh. Cách đấy ít lâu cai Kíu bị Nhật bắt đã khai ra tất cả những gì mà hắn biết. Bọn Nhật đón lõng tóm được hầu hết cán bộ chủ chốt của huyện tống vào cellule. Thấy ông thợ cối lảng vảng quanh mấy ngõ xóm, bọn cảnh binh và đám trương tuần sinh nghi đuổi theo. Khoá Kiệt quẳng đồ nghề chạy bán sống bán chết. Vòng vèo qua vài ngõ, ông khoá nhìn thấy một ngôi nhà gạch liền đánh liều lách cổng vào. Hoá ra đấy là một đám xóc đĩa. Các con bạc đều là dân Ba Tổng, quen mặt nhau cả. Nhìn thấy Khúc Kiệt hớt hơ hớt hải, Đỗ Kim hỏi khẽ:

– Ông bị mật thám đuổi phải không?

Khoá Kiệt lấm lét nhìn trước nhìn sau chưa biết trả lời ra sao thì Đỗ Kim bảo tay chủ nhà đồng thời là chủ gá bạc:

– Phiền bác vào nhà lấy cho mượn bộ quần áo với chiếc khăn xếp.

Chủ nhà hiểu ý, kéo Khúc Kiệt vào buồng. Mấy phút sau, ông ta bước ra trong bộ trang phục mới, dáng dấp giống hệt một tay cờ bạc chuyên nghiệp. Bọn mật thám, cảnh binh ập vào khám xét không thấy kẻ lạ mặt măc quần nái đen áo cánh nâu chít khăn đầu rìu nên bỏ sang nhà khác. Mãi đến trưa hôm sau khoá Kiệt mới dám ra khỏi làng. Trước khi đi khoá Kiệt hết lời cảm ơn Đỗ Kim. Anh ta bảo:

– Ông làm việc vì dân vì nước, chúng tôi thật sự kính phục, chỉ mong rằng sau này đất nước độc lập, chính quyền mới để cho dân cờ bạc có chỗ làm ăn.

Nắm được chức Chủ tịch rồi, Đỗ Kim dần dần bộc lộ bản chất lưu manh của mình. Việc đầu tiên là anh ta nhờ bà đồng Chắt sang hỏi cô Mùi con gái ông TrươngThép. Ông này bị bất ngờ liền tìm cách hoãn binh. Sở dĩ Đỗ Kim phải đi hỏi vợ thiên hạ là vì dân Cao Đôi không muốn gả con gái mình cho một gã chuyên cờ bạc, ăn chơi bạt mạng và nợ nần chồng chất. Sau một tuần, thấy vợ chồng ông Trương Thép không tỏ thái độ gì, tay Chủ tịch liền sắm hai gánh lễ vật sang làng Cùa. Lần này, Trương Thép ra mặt từ chối, Đỗ Kim tức lắm, ra đến cổng, quẳng đồ sính lễ xuống ao, nhổ bọt thề độc:

– Chuyến này mà không lột truồng được con Mùi ra ta quyết không làm giống người.

Ba hôm sau, một tối cô Mùi vừa ra đóng cổng thì bị mấy tên trùm mặt nạ đen, chỉ hở hai con mắt túm lấy, nhét giẻ vào mồm rồi cho vào bao tải vác đi. Chừng canh ba bọn chúng đến Cao Thượng. Khi lũ tay chân đi khỏi, Đỗ Kim lôi cô gái vào buồng lúc này vẫn còn đang ngất xỉu vì sợ.

Ông bà Trương Thép ra đình Cả trình báo với thường trực Uỷ ban Trần Quang Đắc và nhờ mấy anh cháu đi tìm kiếm khắp vùng Ba Tổng. Trần Quang Đắc vốn là học sinh trung học, Việt Minh cướp chính quyền, đang học lớp đệ ngũ, trường đóng cửa, bỏ về nhà nằm khàn đọc tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, được nửa tháng, buồn quá, nhận làm chân Thư ký xã. Đắc chẳng ưa gì tay Chủ tịch cũng như chính quyền mới, vì bọn họ gặp thời chứ thật ra đều là một lũ chân đất mắt toét và vô học. Nghe ông Trương vừa kể vừa sụt sịt vì cái sự con gái bỗng nhiên mất tích, Đắc bảo:

– Tôi nói khí không phải, có khi cô nàng đi theo trai rồi làm như thế để đánh lừa ông bà.

Bà vợ mếu máo:

– Từ trước đến nay nó là đứa nết na, biết nghe lời bố mẹ chả lẽ tự nhiên lại bỏ nhà đi.

– Chưa biết đâu mà nói chắc. – Vị uỷ viên Thư ký khoát tay – Bây giờ nam nữ bình quyền, các bậc cha mẹ không bắt ne bắt nét con cái như thời đế quốc, phong kiến được đâu. Có thể ngày một ngày hai cô ấy về thôi.

Bà mẹ vẫn tức tưởi khóc:

– Đúng là con tôi bị bọn xấu bắt cóc chứ không phải nó theo trai. Thôi thì trăm sự nhờ chính quyền, mong các ông cứu cháu.

– Cách mạng mới thành công, chính quyền còn phải lo bao nhiêu chuyện quốc kế dân sinh, việc của gia đình ông bà chỉ là việc nhỏ, nhưng thôi được, ông bà cứ về đi, chốc nữa tôi sẽ xuống Cao Đôi báo cáo ông Chủ tịch.

Nghe tin con gái ông Trương Thép bị bắt cóc, Khúc Văn liền cử một số anh em thân tín bí mật điều tra. Chùa Từ Vân là nơi khá yên tĩnh, ngay cả thời Nhật chiếm đóng chúng cũng không dám vào quấy nhiễu. Chính quyền mới bước đầu tỏ ra tôn trọng tự do tín ngưỡng nên tổ chức Hội dân cày của anh ta hoạt động khá thuận lợi. Sau mấy năm lang thang khắp các xứ đông đoài, học được khá nhiều điều, anh ta đã có thời kỳ nghiên cứu chủ nghĩa Marx và xuýt gia nhập đảng Cộng sản. Tuy nhiên, qua mắt thấy tai nghe và nhất là những dịp tiếp xúc với các nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, chàng trai trẻ đã ngộ ra một điều chủ nghĩa cộng sản chỉ là một thứ ảo tưởng. Ở một nước thuần tuý nông nghiệp, đói nghèo và lạc hậu vào bậc nhất thế giới này, không thể có cái gọi là giai cấp vô sản đúng như ông Karl Marx và ông Lenin định danh trong học thuyết của họ. Muốn đất nước thoát khỏi tình cảnh trì trệ hiện nay, trước hết phải làm cuộc cách mạng nông dân, phải có một tổ chức thực sự của nông dân. Ý tưởng ấy cứ nung nấu trong lòng làm Khúc Văn quyết chí thuyết phục bạn bè thành lập Trung ương Hội dân cày để phát động hơn hai chục triệu bần cố nông đứng lên đấu tranh giành độc lập, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đồng thời cải thiện bộ mặt xã hội đang ốm yếu cả về thể xác lẫn tinh thần từ hàng trăm năm nay. Trong nhận thức của mình, Khúc Văn luôn xem toàn bộ sự nghiệp cách mạng mà Việt Minh đã làm chỉ là sự ăn may cho dù trước mắt họ đã giành được chính quyền. Thực chất, lực lượng của đảng cộng sản lúc ấy rất mỏng, nhưng họ khôn ngoan chớp lấy thời cơ quân đội Nhật Hoàng thua trận trước khi các đảng phái chính trị khác kịp ra tay.

Những thành viên trong Hội dân cày cứ một tháng vài lần tập trung về chùa Từ Vân học “Nghị quyết” và võ thuật. Không biết Khúc Văn tuyên truyền thế nào mà cả sư thầy trụ trì và mấy chú tiểu đều gia nhập tổ chức này. Trong cuộc họp Ban cán sự, một uỷ viên người tổng Cao Đôi nêu ra hiện tượng đáng chú ý. Nhà Chủ tịch xã thời gian gần đây, cứ tầm chiều tối lại xuất hiện những kẻ lạ mặt hành tung có vẻ mờ ám.

Khúc Văn nhận định:

– Tay này vốn dĩ là dân xóc đĩa thành thần, có thể hắn lợi dụng cái ghế Chủ tịch để mở sòng bạc.

– Liệu bọn này có liên quan đến việc con gái ông Trương Thép mất tích?

– Tôn chỉ, mục đích của chúng ta tuy không giống với Việt Minh nhưng đây rõ ràng là hành vi phạm pháp. Tôi nghĩ, cần phải báo ngay cho Chủ tịch Lê Văn Vận hoặc Trưởng ban An ninh huyện để họ xử lý.

Khúc Văn xua tay:

-Thế là các chiến hữu chưa hiểu gì về ông bố tôi. Ông ấy với Đỗ Kim trước đây đã từng đi lại với nhau…

Hoàng Thị Tịnh, cháu gái lý trưởng Đậu Khê đã mấy lần bị Đỗ Kim cợt nhả, đưa ra ý kiến:

– Tôi đồ rằng, có thể chính Đỗ Kim đã cho người bắt cô Mùi. Các anh cứ thử kết nối các sự kiện lại mà xem. Từ lúc tay Kim sang dạm hỏi đến khi cô ta mất tích là mấy ngày? Tại sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế?

– Không có lẽ … – Khúc Văn lẩm bẩm rồi hỏi – Gia cảnh Đỗ Kim hiện nay thế nào?

Phạm Cửu, người tổng An Điền báo cáo:

– Bố mẹ Đỗ Kim đã chết. Mấy năm trước, hắn là một tay cờ bạc khét tiếng, đã từng kết bè đảng với bọn anh chị trên phố Phủ, sau dính vào đảng cướp, bị án bảy năm. Hắn trốn ra được là nhờ cánh chính trị phạm tổ chức vượt ngục. Từ khi làm Chủ tịch đến giờ nhà Đỗ Kim luôn kín cổng cao tường, bên ngoài lúc nào cũng có đàn em canh gác.

– Theo tôi, việc này cứ để các ngài Việt Minh giải quyết. – Hoàng Thị Tịnh bảo – Tội gì ta nhúng tay vào, chẳng may thất lợi họ lại quy kết là phản cách mạng.

Khúc Văn lắc đầu bảo:

– Cô Tịnh nói sai rồi. Hội của ta làm việc là vì dân chứ đâu phải vì chính quyền Việt Minh. Nên nhớ rằng, hiện nay họ đang lúng túng trước những diễn biến phức tạp của thời cuộc. Ta phải tranh thủ cơ hội khẳng định uy tín của mình bằng hành động cụ thể.

– Anh Khúc Văn nói có lý. – Phạm Cửu gật đầu tán thành – Ngay đêm nay tôi cùng một số anh em về Cao Đôi tiếp tục thăm dò, sự việc thế nào sẽ báo cáo Ban cán sự.

Khúc Văn dặn:

– Tôi nhắc lại, việc này phải rất thận trọng, không được hở ra với ai kể cả người thân trong gia đình.

Trưa hôm sau, Phạm Cửu trong vai người quăng chài đến chùa Từ Vân thông báo một tin quan trọng. Không phải chỉ một cô Mùi mà trong thời gian qua, vùng Ba Tổng có đến ba cô gái bị mất tích. Mấy hôm trước, dân vạn chài nhìn thấy một xác chết nổi lập lờ ở đoạn bến Trại sông Lăng. Sau khi tử thi được vớt lên, phải khó lắm người ta mới nhận ra đấy là Lê Thị Vượng con bà Bẩy Cừ ở Ngân Đôi. Cô gái bị trói hai tay, nhét giẻ vào miệng, trên người không một mảnh vải.

– Hừ! Bọn này không còn là giống người nữa. – Khúc Văn nghiến răng bảo – Bên công an huyện đã cử người về điều tra chưa?

– Báo cáo! Ông khoá có dẫn hai đội viên đến khám nghiệm xác chết qua loa rồi cho chôn cất sau đó kéo nhau sang nhà Đỗ Kim uống rượu đến chiều mới về.

Khúc Văn cười gằn:

– Ông bố chuyên chính vô sản của tôi bị tay trùm xóc đĩa lừa rồi. Thôi được, tối mai anh cùng anh Chương, anh Khả và anh Tuyến đi với tôi.

Đầu canh hai hôm sau, Khúc Văn gặp bốn hội viên ở miếu Cây Si. Người nào cũng giắt súng ngắn hoặc dao găm trong bụng, dáng dấp như những tay cờ bạc chuyên nghiệp, đi tắt lối Mạc Xá sang Cao Đôi. Nhà Đỗ Kim ở cuối xóm, vị trí khá hẻo lánh rất thuận lợi cho cánh đệ tử của thần đổ bác[2] hành nghề. Phía trước là dãy tường cao ngang đầu trên cắm mảnh chai, phía sau tiếp giáp với ao sâu, bờ ao trồng tre gai dày, rậm rạp như một bức luỹ tự nhiên. Lại Văn Chương và Lê Khả lảng vảng quan sát vòng ngoài. Khúc Văn, Phạm Cửu cùng Lương Văn Tuyến thản nhiên đẩy cổng vào, phong cách giống hệt dân đỏ đen. Một bàn tay cứng như sắt bất chợt chộp lấy vai Phạm Cửu quát khẽ:

– Đi đâu?

– Đi khai hội. – Phạm Cửu nói đúng mật khẩu của đám xóc đĩa. – Người anh em quên tớ rồi à?

– Đừng có cợt nhả! – Tay gác cổng vốn là thuộc hạ thân tín của Đỗ Kim hỏi dồn – Còn những người này?

– Anh em nhà vệ Khòa bên Cao Xá, đều là dân chịu chơi đấy.

– Vậy à? – Tên vệ sĩ đảo cặp mắt nhìn Khúc Văn và Lương Văn Tuyến – có đủ ngân không ?

Khúc Văn vỗ vỗ vào bụng, nơi giấu khẩu súng ngắn bị phồng cộm lên, nheo mắt cười nhạt:

– Bọn này từ trước nay chưa ăn quỵt của ai bao giờ.

– Vào đi, nhớ cửa bên trái.

Dưới ánh đèn toạ đăng có chiếc thông phong rất dài, sáu bẩy tay cờ bạc đang sát phạt nhau. Đỗ Kim cầm cái, Thấy bọn Phạm Cửu chỉ khẽ gật đầu rồi hất hàm ra ý ngồi sang chiếu bên cạnh chờ. Trong buồng có tiếng động lạch cạch. Khúc Văn áp tai nghe nhưng không thấy gì khả nghi, có lẽ là chuột chạy. Dù sao cũng đã đến lúc phải hành động. Cả ba người nhất loạt rút súng ngắn ra quát:

– Nhân danh chính quyền cách mạng, chúng tôi bắt các anh vì tội đánh bạc.

– Cái gì? – Đỗ Kim giật nảy người quay ngoắt lại. – Các anh là ai mà dám…?

– Đội An ninh của huyện. – Khúc Văn chĩa nòng khẩu Cotl đã lên đạn vào gáy tay Chủ tịch – tất cả nằm úp mặt xuống chiếu. Kẻ nào chống lại là ăn đạn.

Phạm Cửu, Lê Tuyến rút cuộn dây gai trói quặt cánh tay từng tên một rồi lột chiếc áo của một tên trong bọn xé ra nhét vào mồm chúng. Phía bên ngoài, Lại Văn Chương, Lê Khả nghe ám hiệu, biết là công việc đã xong liền xuống tay hạ gục tên gác cổng. Phải mất một lúc họ mới phá được chiếc khoá đồng to quá khổ vốn là thứ chỉ dùng để khoá cổng làng. Trong buồng không có gì ngoài chiếc giường gỗ lim cũ và mấy thứ đồ dùng lặt vặt không đáng giá.

– Chẳng lẽ mình đoán nhầm đối tượng? – Khúc Văn thầm nghĩ. – Tội cờ bạc cùng lắm chỉ bị cách chức, phạt giam mấy ngày là cùng, vậy phải báo anh em rút ngay trước khi bọn chúng phát hiện ra.

Nghĩ vậy nhưng Khúc Văn vẫn cảm thấy trong gian buồng này có điều gì khác thường. Đó là loại mùi rất đặc trưng của đàn bà. Nó kia. Một chiếc áo cánh gụ được vắt trên con sào nứa. Như chợt nhớ ra, anh ta ghé tai Phạm Cửu thì thầm:

– Cậu tìm dưới gầm giường xem có gì không?

Phạm Cửu chui vào một lúc lại thò đầu ra bảo:

– Hình như bên dưới có hầm.

Chiếc giường lập tức được chuyển sang một bên để lộ ra một nắp hầm kích cỡ khoảng năm mươi phân. Khúc Văn nhìn thấy cây đèn chai treo góc buồng liền châm lửa đưa cho Lương Văn Tuyến:

– Khi nào tôi xuống đến nơi cậu phải thả đèn để soi.

Vừa chạm đáy hầm anh ta đã đụng phải một vật mềm mềm như da thịt người. Đúng là một phụ nữ. Cô ta chỉ mặc mỗi chiếc váy thâm, nửa trên bị lột trần, mái tóc sõng sượt che gần hết khuôn mặt hốc hác.

– Cô là con gái ông Trương Thép phải không?

Nạn nhân ú ớ chắc là sợ quá không nói được nên lời. Khúc Văn hỏi lại:

– Cô là Mùi ở làng Cùa phải không?

– Mùi… đây, các bác cứu em…

Đến quá nửa đêm, khi dân trong xóm đã hoàn toàn yên giấc Khúc Văn mới cho anh em ra khỏi Cao Thượng. Phạm Cửu là chàng trai có dáng dấp như võ sĩ đấm bốc, cõng cô Mùi. Khúc Văn đi giữa giong Đỗ Kim. Lương Văn Tuyến và Lại Văn Chương cảnh giới phía sau. Chừng nửa giờ cả bọn đến bãi chuối xóm chài Cự Tân. Khúc Văn kéo Đỗ Kim đến gò đất cao, trước vốn là chỗ cắm lều của lão lái Quých, nhưng sau cái đêm bị mấy ông An ninh lôi dậy, gí súng vào tai, bắt phải chở đò sang sông thì hốt quá liền đốt lều, bỏ nghề, chuyển sang đánh giậm kiếm ăn. Đỗ Kim sợ hết hồn nhưng miệng bị tống giẻ nên chỉ ú ớ không nói được. Phạm Cửu lấy ra con dao găm và mảnh giấy đã viết sẵn mấy chữ đưa cho Lê Khả. Khúc Văn kéo ông Chủ tịch lại gần ghé tai nói dằn từng tiếng :

– Nhân danh công lý, chúng ta xử tử ngươi vì tội bắt cóc, cưỡng hiếp con gái nhà lành.

Khúc Văn vừa tuyên án xong thì Lê Khả thọc ngay mũi dao nhọn vào yết hầu Đỗ Kim. Trong bóng đêm chỉ nghe thấy tay Chủ tịch ặc ặc ở cổ họng như nồi cơm sôi sắp cạn nước, co giật liền mấy cái rồi đờ ra. Trên trời cao những ngôi sao xanh đang nhấp nháy. Dòng sông vẫn chảy và gió từ trên triền đê vẫn rì rào thổi qua hàng tre chắn sóng.

Nghe tin Chủ tịch xã Đoàn Kết bị ám sát, Trưởng ban An ninh huyện vội đem người về Cao Thượng truy tìm thủ phạm. Người đầu tiên bị lôi ra đình thẩm vấn là con gái ông Trương Thép.

– Cô có nhận mặt được những kẻ đã đột nhập vào nhà Chủ tịch Kim không?

– Trời tối, lại tắt hết đèn đóm nên cháu không nhìn thấy mặt họ.

– Có đúng Đỗ Kim đã cho người bắt cô hay là có kẻ nào xui vu khống nhà chức trách? – Khúc Kiệt gằn giọng răn đe.

– Chính hắn đã bắt cháu hôm mười bẩy tháng một. Hắn và bọn cờ bạc thay nhau hãm hiếp rồi quẳng cháu xuống hầm. Tội của hắn chết là đáng đời. – Mùi chợt khóc nức lên – Cái hầm có nắp đậy vẫn còn ở trong buồng nhà hắn, các ông đến đấy mà khám.

– Khi bọn người lạ mặt giết Đỗ Kim chúng nói những gì?

– Họ bảo nhân danh công lý.

– Quái nhỉ, vậy thì chúng thuộc cánh nào? Việt Quốc hay Việt Cách? – Khúc Kiệt lẩm bẩm – Chúng làm vố này là muốn bỉ mặt mình đây.

Chiều hôm sau Khúc Kiệt về huyện, Lê Văn Vận đưa cho ông ta mấy lá đơn của dân Cao Xá, Mạc Điền và Đậu Khê yêu cầu tìm ra thủ phạm bắt cóc con gái họ. Khúc Kiệt lo lắm. Chính ông ta đề cử Đỗ Kim vào chức Chủ tịch, giờ xảy ra vụ bê bối lớn thế này biết tính làm sao?

– Đây là vụ án nghiêm trọng mà thủ phạm chính lại là một tên lưu manh được chú đứng ra bảo lãnh. Qua việc này có thể thấy, lực lượng công an của chú không thể đảm bảo được trật tự an ninh xã hội. Nguy hiểm hơn nữa là trên địa bàn huyện ta, ngoài Mặt trận Việt Minh ra còn có những tổ chức phản động khác đang hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau mà mục đích chính của chúng là quấy rối chính quyền cách mạng, tranh giành ảnh hưởng với ta. Phải công nhận bọn này là những tay có bản lĩnh làm được những việc mà nhân viên công an của chú bó tay. Tôi yêu cầu phải tiếp tục thẩm vấn bọn cờ bạc ở nhà Đỗ Kim để làm rõ hành vi phạm pháp của hắn trong mấy tháng qua, nếu cần, cứ nện thật mạnh vào.

– Có nên đưa ra xử bắn một thằng để răn đe bọn cờ bạc, trộm cướp và lũ lưu manh trong huyện không?

– Nên quá đi chứ, nhưng không phải một mà là tất cả những tên đã tham gia cưỡng hiếp cô Mùi. Còn nữa, trong vòng một tháng chú phải bắt cho bằng được những kẻ giết Đỗ Kim. Nếu thất bại chú nên tự làm đơn rút khỏi ngành Công an trước khi có quyết định cách chức.

Sau buổi làm việc khá căng thẳng với Chủ tịch huyện, Khúc Kiệt quyết định về làng Cùa, phân phát người của mình đi khắp nơi trong huyện nắm tình hình.Và cũng đến lúc này ông ta mới biết Khúc Văn đang ở chùa Từ Vân. Các mũi trinh sát đều không có kết quả, riêng nhóm ở làng Cùa cho biết, mấy tháng nay, chùa Từ Vân có một nhóm thanh niên thường xuyên đến tập võ. Thấy sự việc có vẻ khác thường Khúc Kiệt liền cho người đến bắt sư trụ trì về đình Cả. Nhà sư là người hiền lành, mộ đạo, hơi bị nặng tai, nghe câu được câu chăng, trả lời ấm ớ bị đánh một trận thừa sống thiếu chết. Khúc Văn tức lắm, nửa đêm cùng Lại Văn Chương, Lê Khả đột nhập vào đình, nện gẫy xương sườn tay gác cửa, cứu sư Tuệ Văn đưa sang bên kia sông Lăng.

Ngày hôm sau Khúc Kiệt cho các đội viên An ninh bao vây chùa. Khúc Văn bàn với các bạn:

– Chúng ta có đủ đạn để cầm cự đến tối, nếu thấy đứa nào vượt tường vào thì cứ nổ súng, nhớ phải nhắm cho chính xác.

Phạm Cửu băn khoăn:

– Tôi sợ ông khoá kéo thêm người đến thì nguy mất, hay là chúng ta ra hàng?

– Cậu là thằng nhát gan. – Khúc Văn cười nhạt – Nghe nói quân đội Pháp đã đánh đến Ba Hàng và An Lĩnh. Chính quyền Việt Minh sắp đi đời rồi. Nhân đà này ta phải chiếm lấy vùng Ba Tổng làm căn cứ.

Lương Văn Tuyến ngập ngừng:

– Nếu ông khoá đích thân xông vào thì có bắn không?

Khúc văn phẩy tay:

– Tôi đã nói rồi, không có bất cứ ngoại lệ nào.

Khúc Văn vừa nói xong thì thoáng thấy hai bóng đen thập thò ngoài bờ rào cạnh cây mít mật liền nổ một phát mousqueton. Phía cổng chính, Khúc kiệt chõ miệng loa sắt tây vào chùa cất giọng khàn khàn:

– Anh em đừng nghe luận điệu lừa phỉnh của thằng Khúc Văn, hãy ra đầu hàng, chính quyền cách mạng sẽ mở lượng khoan hồng.

Tiếng loa ậm oẹ nhắc đi nhắc lại mấy lần nghe rất chối tai. Lê Khả bảo Khúc Văn:

– Bắn cảnh cáo nhé.

– Bắn đi.

Lê Khả vốn là tay thiện xạ. Anh ta kê nòng súng lên chạc cây dâu da nhằm khoá Kiệt nổ một phát. Viên đạn xuyên thủng chiếc loa làm ông Trưởng công an hết hồn. Trong vòng mấy giờ đồng hồ, quân của Khúc Kiệt không đột nhập được vì hoả lực khá mạnh từ trong bắn ra. Vũ khí của đội An ninh toàn súng Joffre với mousqueton. Có mỗi khẩu tiểu liên Nhật thì lại hóc, sau một hồi tháo ra lắp vào bị gãy kim hoả, Khúc Kiệt cáu tiết chửi:

– Mẹ kiếp, súng với ống chết tiệt. Bây giờ anh nào bắt sống được thằng Khúc Văn ta thưởng hẳn ba mươi đồng.

Quá năm giờ chiều, thế trận vẫn bất phân thắng bại. Tháng mười, gió bấc chạy ào ào. Trời u ám. Thoáng một cái đêm đã ập xuống. Lúc này Khúc Kiệt đã có thêm mấy tự vệ tăng viện cùng khẩu tiểu liên cóc gặm chẳng biết do nước nào sản xuất, cứ bắn đỏ nòng là đạn rơi ngay trước mặt. Lợi dụng màn đêm, từng nhóm vài ba người một, luồn hàng rào tre, nhảy qua tường tiếp cận mục tiêu. Thấy hoả lực của đối phương thưa thớt dần, ông Trưởng công an cho rằng cánh phản loạn đã hết đạn liền phá cổng chính xả súng vào những chỗ nghi có quân bắn tỉa. Đạn lửa bay loằng ngoằng. Lửa bén từ dẫy nhà Tổ sang mái Tam quan bốc lên cao kèm theo những tiếng nổ lốp bốp như pháo đùng. Tàn lửa đỏ rực được những trận gió mùa ràn rạt đẩy ra cánh đồng lúa đang kỳ thu hoạch. Vô vàn là lưỡi lửa với đủ hình thù kỳ dị liếm lem lém vào bất cứ thứ gì nơi nó đi qua. Cả một cánh đồng vàng óng mênh mông những lúa là lúa bỗng chốc biến thành biển lửa. Trong làng, dân chúng nháo nhào xách thùng, chậu, gầu tát nước rầm rập chạy ra đồng nhưng đành bất lực trước đám cháy lan nhanh với tốc độ khủng khiếp. Đồng điền vào ngày đông giá tất cả đều khô nỏ. Không còn một đám ruộng nào còn sót lại khi hoả thần chạy qua. Bà cả Huê xót của, nghiến răng nghiến lợi gọi bố con Khúc Kiệt là quân trời đánh thánh vật. Thường Rỗ khóc hu hu còn Lý Quỳnh mặt nặng chình chịch bảo Phó lý Kiền:

– Còn chữa chạy gì nữa, chuyến này thì cả làng xách bị đi ăn mày.


Comments are closed.