Nhưng không hề có cuộc chia ly

Hà Nhật

Đó là tên một chương trình trên đài truyền hình VTV cả một thời (không biết bây giờ còn không).

Nhưng đó là một câu thơ của một người bạn tôi: NGUYỄN MỸ.

Tôi nhớ không rõ mùa hè năm ấy là năm nào, hình như là năm 1968, tôi từ đất Quảng Bình “toé lửa” đạp xe ra họp Hà Nội.

Ngày nghỉ, tôi đến chơi với Nguyễn Mỹ tại nơi nó làm việc là Nhà xuất bản Phổ thông.

Mỹ có người anh là nhạc sĩ Nhật Lai, tác giả ca khúc nổi tiếng ngày đó: Hà Tây quê lụa.

Riêng Nguyễn Mỹ thì vừa đăng trên báo Văn Nghệ một bài thơ được bạn bè và rất nhiều người đọc khen ngợi. Riêng cái tên bài thơ đã bất ngờ: CUỘC CHIA LY MÀU ĐỎ.

Màu đỏ, bởi đây là một cuộc chia ly, nhưng không buồn, càng không bi lụy như thói thường. Bắt đầu từ một tứ thơ như thế, Nguyễn Mỹ đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng rồi.

Lâu rồi, tôi không nhớ hết bài thơ, nhưng nhớ những câu đầu:

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đã bừng trên nét mặt
– Một rạng đông với màu hồng ngọc –
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai.

 

Và người chồng ấy đã ra đi

 

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly

Tôi nhớ trong buổi sáng hôm ấy, Mỹ cho tôi biết anh đã nhận được quyết định “đi Bê”, và đang chờ ngày lên đường. Ngồi cạnh chúng tôi còn có một cô gái Vân Kiều từ Trường Sơn vừa ra. Cô có khuôn mặt rất đẹp, một dáng người đẹp một vẻ đẹp khỏe mạnh.

Lâu lắm tôi không nhớ lúc ấy hai đứa tranh luận một vấn đề gì đó, khá sôi nổi. Rồi Mỹ bảo:

– Thôi, tôi hẹn ông, chúng mình sẽ tranh luận chuyện này ở Sài Gòn.

Tháng 8/1975, tôi vào Sài Gòn.

Trong niềm vui tưng bừng, tôi có một nỗi đau riêng: lẽ ra, như một sự công bằng của cuộc sống, không phải tôi, mà là Nguyễn Mỹ, đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất này.

Nguyễn Mỹ không thể gặp tôi được, bởi anh đã ngã xuống bởi một trận phục kích trên một đoạn đường  ở Quảng Nam!

Tôi nhớ, tôi từng viết một bài thơ, có đăng lên tờ Sài Gòn Giải phóng, sau đó còn in vào một tuyển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Rồi trong hơn mười buổi bình thơ cho đài HTV, tôi đã dành một buổi cho Nguyễn Mỹ và bài thơ này.

Coi như chút kỷ niệm về một người bạn!

Comments are closed.