Pleiku & Kontum cùng điều đó đã đến…

Gửi bạn bè tôi trên đó…

Nguyễn Phượng

*

PLEIKU ĐANG ĐI TỚI HIỆN ĐẠI

Xuống máy bay mấy phút đã có hai cô giáo xinh đẹp, thông minh trường chuyên Hùng Vương tự lái xe ra đón. Thay vì chạy về khách sạn các cô quay ô tô theo hướng ngược lại, nhằm biên giới Campuchia thẳng tiến. Bảo là "Món này từ Hàn Quốc về, được giá đây". Rồi Phạm Tâm lại bảo "Tiếc thầy vô không trúng mùa dã quỳ nhưng thôi, ngắm cảnh khác cũng được". Pleiku giờ đây không còn đại ngàn tất nhiên chỉ còn là vương quốc của chè, hồ tiêu và café. Trước kia ngày mình đến vào những năm 1980 vậy và giờ vẫn vậy nhưng diện tích đã hẹp đi khá nhiều. Ấn tượng nhất là những gốc chè lớn bằng người ôm, café thì bạt ngàn. Lớ ngớ như mình lạc vào vườn café chắc thôi tìm đường về. Sau khi ngắm chè và café thì đến "đường Hàn Quốc" ngắm hai dãy thông với tuổi đời hơn trăm năm. Quả thật là nó rất đẹp tựa như hai hàng cây ngân hạnh nổi tiếng trên đảo Namiseom từng là cảnh nền cho bộ phim "Bản tình ca mùa đông". Trước đây, đi đâu thường vào mạng hỏi GS Google trước về nơi sẽ đến, để ít nhất có chút khái niệm. Lần này không vì mười mấy năm trước từng đến rồi và ngoài ra lần này cũng muốn có chút ấn tượng lạ.

Rồi các cô đưa đến Biển Hồ.

Biển Hồ lần này đẹp hơn trước vì thông đã cao đủ tầm đẹp và thêm chòi nghinh phong xây ở vị trí cao nhất, đủ để ngắm toàn cảnh.

Ngắm cảnh chán chê, chụp ảnh lu bù rồi thì về.

Chu Văn Sơn hay mình vào đây đều được hưởng chế độ biệt nhãn. Tức là ở tầng gần cao nhất của Hotel và có balcon hướng về thành phố để ngắm toàn cảnh.

Khi còn lại một mình, mình ra balcon ngắm Pleiku vào đêm.

Thực sự choáng vì phố của rừng thông xưa đã không còn dấu vết. Thay vào đó là nhà cửa san sát, điện đóm xanh đỏ tím vàng thi nhau nhấp nháy. Trông thế thôi, sau 21 giờ, đường đã vắng tanh. Thỉnh thoảng mới có một vài xe máy hoặc taxi đưa khách xa đi chơi về muộn…

Cố để ý xem có quán café nào còn người hát "phố núi cao, phố núi mờ sương. Phố xá cây xanh…" nhưng không thấy.

Bây giờ mình mới hiểu vì sao trước khi cho hòa mình vào Pleiku BÂY GIỜ các cô giáo trường chuyên lại muốn cho mình ngắm Pleiku TRƯỚC ĐÂY đã. Để xóa cái ấn tượng Pleiku giờ đang đi tới hiện đại với ô tô nhiều không thua các thành phố dưới xuôi, quán ăn đông đúc, ồn ào không kém dưới xuôi và không biết cơ man nào là quán café sang chảnh, hiện đại không kém bất cứ quán café nào của các thành phố dưới xuôi.

*

KONTUM MUỐN TRỞ VỀ CỘI NGUỒN…

*

Kontum thì khác.

Anh Trung chồng Phạm Tâm thân hành lái xe đưa mình rời Pleiku đi Kontum vào sáng sớm. Đến Kontum thì rẽ vào quán ăn ngay cạnh Bảo tàng rồi vợ chồng Phạm Tâm chạy xe thẳng tới quán café Eva.

Trên đường tới quán Eva mắt luôn bị dán vào những công trình kiến trúc độc đáo pha trộn khéo léo hai phong cách gothique Pháp và nhà cổ Tây Nguyên nhưng chuyện đó để sau.

Nghe nói ngoài quán Eva còn có quán Adam nữa, mở sau, ý là phải có đủ đôi tổ loài người như thế để cho tương xứng và chuyện trước sau có thể còn có ý chỉnh lại bí tích trong Kinh Thánh rằng thực ra, Eva sinh trước Adam. Thượng đế đã thỏa thuận ngầm với Eva rồi, chẳng qua là để an ủi Adam tí thôi. Chứ Adam thì cũng như mọi đàn ông trên đời vốn ngốc nghếch mà cứ tưởng mình thế lọ thế chai.

Quán Adam nghe nói đang sửa. Cho dù nó đang sửa hay đã sửa xong rồi thì khách café vẫn thích đến quán Eva hơn.

Thấy chưa? Phụ nữ thì chỉ cần nghe tên thôi chưa tính tới chất lượng đã hấp dẫn hơn hẳn đờn ông rồi.

Ngay cổng vào quán Eva đã rất độc đáo ở lối tạo hình sinh thực khí phụ nữ. Xung quanh cỏ cây, dây leo um tùm, đầy ngụ ý.

Chủ quán là một họa sĩ tên Ẩn, gần đây đã trở nên khá nổi tiếng bởi triển lãm cá nhân có tên: "Chạm miền cảm xúc" được giải thưởng và cũng đang được truyền thông chăm sóc khá kĩ rồi mình khỏi nói nữa. Café thì ở Pleiku hay Kontum với mình đều rất ngon không như café hạt muồng trộn bắp xay ở Hanoi, nên rất dễ phân biệt.

Nhưng mình đặc biệt chú ý vườn tượng của Ẩn.

Có hai thể nghiệm rõ ràng:

Một là Ẩn học cách tạc tượng truyền thống kiểu tượng nhà mồ Tây Nguyên nhưng vì từng tốt nghiệp đại học mĩ thuật nên anh nhẹ nhàng cấy vào mỗi bức tượng, thường là tượng chuỗi một ít vừa Lucian Freud vừa Clemente Modigliani.

Tất cả đều được gói trong những thân gỗ.

Tuy nhiên, cũng có chút băn khoăn. Tượng nhà mồ Tây Nguyên đương nhiên gói trong gỗ. Ban đầu thô mộc, bí ẩn. Sau đó nhờ mưa nắng và thời gian mở ra dần dần.

Còn của Ẩn thì hơi vội.

Ngay từ đầu tượng của anh đã mở ra mọi trạng thái nhân thế với những cái mồm há hốc, những cái lưỡi thè ra, những cái mặt méo, những cái mũi vẹo, và mắt, ít khi che giấu vui buồn trong việc sống cùng thế gian mà thường trợn trừng với nhiều hoảng hốt hoặc một ít ngạc nhiên…

Cũng là được đi nhưng vẫn thấy hơi tiêng tiếc…

Thể nghiệm thứ hai hấp dẫn mình hơn. Đó là Ẩn dùng các loại mảnh bom, đạn rocket, dây thép gai… của thời chiến tranh, tái tạo lại thành những biểu tượng phục sinh của con người, đất đai, cỏ cây, tình yêu… nơi này.

Mảng này thì đẹp.

Và cũng ý nghĩa.

Tuy nhiên, ở Kontum, người để ấn tượng mạnh với mình hơn cả vẫn là A Biu.

A Biu người Bahnar ở làng PleiK’lêch.

Từ thành phố vào tới nhà A Biu khoảng 29km.

A Biu từng làm giáo viên tiểu học, dạy võ.

Năm 1972, thi thanh nhạc ở Phan Rang anh từng đoạt giải nhì chỉ đứng sau Chế Linh.

Sau anh xin về hưu non và chuyên tâm cho nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên.

Nhà của A Biu, vườn của A Biu thực sự là một bảo tàng tư nhân về những đặc sắc văn hóa Tây Nguyên kiểu như Hermitage ở Nga vậy.

Chiều hôm bọn mình vào với A Biu trời đang mưa chợt tạnh dần rồi nắng ráo. Mình hơi ngạc nhiên về sự lạ thường ấy của mùa mưa Tây Nguyên thì Thùy Tiên bảo theo cách nói riêng của cô ấy là: "Thầy được như vầy thì cũng do ăn ở cả mà thôi".

Nghe thật dễ chịu.

Tối hôm ấy mình được thực mục sở thị A Biu chỉnh chiêng như thế nào. Nghe bảo, ở Tây Nguyên số người có búa chỉnh chiêng và biết chỉnh chiêng do các cao nhân truyền dạy lại giờ chỉ còn một vài thôi.

Rồi mình được múa xoang theo tiếng cồng chiêng.

Rồi mình được nghe và thấy A Biu gõ cả dàn chiêng cho mọi người múa xoang.

Rồi mình được nghe A Biu vừa đàn vừa hát tiếng Bahnar, tiếng Pháp, tiếng Anh.

A Biu chỉ hơn mình dăm tuổi nên những bài hát tiếng Pháp một thời thế hệ mình thích như Aline, L’amour c’est pour rien, Sans elle, Je suir parti, Mal, Les amoureux qui passent… mình nhắc bài nào A Biu đều hát được cả. Mà hát hay, cả giọng hát và ngón đàn đều là plus passion. Vâng, đầy đam mê và hơn cả đam mê.

Nếu không vì buổi múa xoang và tiệc ngoài trời ở sân vườn nhà A Biu có sự tham gia của các cô giáo trường chuyên Nguyễn Tất Thành cần phải về kẻo khuya thì chắc chắn mình sẽ ở lại suốt đêm với A Biu rồi.

Nghe Thùy Tiên giới thiệu mới biết thêm A Biu là cậu của Siu Blach.

Nhưng A Biu không xông ra thi thố với đời.

Cao trào Đổi mới mở ra tiềm năng phát triển kinh tế. Nhà nước mở đường, phá đá, khai mỏ, xây đập thủy điện Yaly, nước ngập tới tận nhà, tận rẫy A Biu. A Biu mang làng Plei Klêch chạy sang bên này. Chứ làng Plei K’lếch này không phải đất quê.

Tuổi trẻ từng một thời vang bóng nhưng rồi chính A Biu quyết định lùi sâu vào rừng, sống cuộc đời của kẻ ở ẩn và, lặng lẽ bán tất cả tài sản mình có để mua bằng được những bộ chiêng cổ nhất. Rồi anh mua đá quý về xây hang dựng lại không gian huyền thoại Tây Nguyên trong các câu chuyện cổ.

A Biu cứ thế làm không cần ai biết và đặc biệt xa lánh truyền thông.

Có ai biết mà đến thăm thì A Biu đón tiếp nhiệt thành, tử tế. Mình để ý khi giới thiệu bộ cồng chiêng, bộ ché cổ, mắt A Biu rực sáng.

Mắt của Đam Săn xưa cũng chỉ sáng đến như thế là cùng.

Nhưng cậu em tên Trương Phi Dũng lái xe taxi khi chở mình và Thùy Tiên đến bùng binh đứng ngẩn ngơ nhớ cụm cây dông cổ thụ nằm ở cửa ngõ vào Kontum đã bị đốn sạch để làm cái vòng kim cô to tướng lèo tèo mấy khóm hoa nghe nói là để cho Lễ kỷ niệm 100 năm Kontum có nhận xét rất tinh tế rằng anh ta thấy khi giới thiệu nghệ thuật cồng chiêng, khi sắp đặt mọi người đứng theo vòng để gõ chiêng, múa xoang… A Biu cứ tồi tội thế nào, vội vàng, cuống quýt thế nào…

Những người như A Biu giờ sợ nhất không có truyền nhân.

Họ cô đơn quá.

Còn cồng chiêng theo kiểu lửa trại hôm mới vào mình có tham gia ở Konk’tu thì đúng là nghệ thuật cồng chiêng XHCN. Hời hợt. Nông cạn. Váy đẹp, dáng đẹp, múa cũng đẹp nữa nhưng chiếu lệ và mặt thì thờ ơ, vô cảm…

Thì múa mà làm gì?

P/S: Thùy Tiên vừa than: "Không biết nghe ai xúi, A Biu định đi Saigon đặt bộ ghế tre theo kiểu Tây Nguyên". Thùy Tiên phải ngăn mãi, cuối cùng A Biu cũng đồng ý. Con người từng bán hết đất đai, ruộng rẫy để tự tạo một không gian cồng chiêng riêng nhằm giữ lại hồn thiêng Tây Nguyên không để nó tha hóa bởi những kêu gọi phát triển nghệ thuật cồng chiêng theo mode "đậm đà bản sắc" rồi bảo với vợ: "Anh bán rồi, anh làm cái này, giờ muốn làm gì anh thì làm!" chắc đã mệt mỏi lắm rồi.

Ôi A Biu. A Biu…

Pleiku – Kontum – Hanoi 2016

PS: Chuyện mấy ngày nay làm tôi thêm cồn cào âu lo và thương nhớ Tây Nguyên…

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image008

clip_image010

clip_image012

clip_image014

clip_image016

Comments are closed.