Que diêm thứ Tám (kỳ 3)

Tiểu thuyết của Văn Biển

CHUYỆN ÔNG CHỦ TỊCH TỈNH

Ở ĐẬP THỦY ĐIỆN VÀ CÁC DẤU GẠCH NGANG

Sáng nay xe Thần Chết chở một người đàn ông tên Tư, ngoài 60. Khác với mọi người, ông khách này trông có vẻ thanh thản.

Hiếm có người nào ở chức vụ như ông, đứng đầu một tỉnh, có khác gì ông vua con, bao nhiêu quyền uy, lợi lộc mà ra đi cứ nhẹ thênh.

Tôi thôi giữ chức ấy từ hôm vô bệnh viện. Khi biết mình bị ung thư giai đoạn cuối thì coi như Thần Chết sắp tới hỏi thăm rồi.

Đáng lẽ ở cương vị của ông người ta phải buồn và tiếc lắm.

Ai mà không buồn, không tiếc khi phải ra đi trong lúc mọi việc còn dang dở. Đúng ra là có hơi sớm so với thời buổi bây giờ. Nhưng số mệnh mà. Với lại khi Thần Chết tới gõ cửa ai dám cưỡng lại.

Khi tôi tới bệnh viện, đứng bên giường ông, nghe các bác sĩ bàn nhau đã hết cách rồi.

Lúc chợt tỉnh lại tôi nhác thấy ông đứng ở cửa. Biết là xong rồi. Tôi tự trấn an một cách hài hước, “ừ, lão ta, xin ông đừng giận nhé, đã gọi thì mình đi, sợ gì ai”.

Có một lúc khá lâu giữa những cơn đau ông trông có vẻ thanh thản như không hề biết chỉ lát nữa mình sẽ ra đi. Xin hỏi lúc đó ông đang nghĩ gì.

Chắc là đang nhẩm mấy câu thơ một ông bạn nhà thơ tặng. Đúng nó như liều thuốc an thần hay một lời chúc trước lúc lên đường.

Ông còn nhớ không?

Ông Tư cười: Thần Chết mà cũng muốn nghe thơ quả là chuyện lạ.

Ông lầm đấy, ngày ngày tiếp xúc với cái chết, muôn vàn kiểu chết, ông bảo có là gỗ đá cũng không thể vô cảm.

Vâng, tôi đọc nếu ông muốn nghe:

Đêm nằm nghe đất lạnh thấm lưng.

Định mệnh mà, nào ai tránh được.

Nếu đã sống cuộc đời không vô ích

Khi ra đi

đôi cánh bỗng nhẹ nhàng…

Nếu đã bay hồn ơi đừng bay đi mất

Hãy quẩn quanh bên đất mẹ yêu thương

Hãy chắt lọc những gì thương xót nhất

Mảnh đất nghèo còn lắm quỷ nhiều ma

Ít tiếng cười mà quá nhiều nước mắt

“Ba trăm năm lệ chảy quanh thân Kiều (Tố Hữu) (1).

Bài thơ như liều thuốc an thần, giúp người lên đường thanh thản.

Như vẫn còn thòm thèm. Thần Chết hỏi vị khách, ông còn nhớ bài nào na ná loại đó không?

May có ông bạn tặng tôi mấy câu lúc cả hai còn khỏe mạnh. Tôi đọc nhé:

Rồi mai mốt cây đời tôi héo úa

Tôi xa bầy đi làm kẻ-nghìn-xưa

Thân thành đất sớm chiều hong nắng-lụa

Hồn lên trời thao thức giọt sao khuya (2)

Thần Chết vẻ ngậm ngùi. Ông có nghĩ người viết những câu vừa rồi sẽ thanh thản khi đối mặt với Thần Chết.

Vâng, hạnh phúc là lúc ra đi cảm thấy ung dung nhẹ nhàng. Nhưng không phải cứ ra đi là hết. “Hồn lên trời thao thức giọt sao khuya”.

Tôi cũng cảm thấy điều đó như ông. Thần Chết giọng bùi ngùi.

Ông có thể cho xe đi chậm lại một chút được không?

Ông còn bị mệt à?

Không, tôi muốn ngắm lại quang cảnh một chút. Tôi vừa chợt nhớ tới một câu thơ cổ: “Tráng sĩ hề một đi không trở lại”. Cảm thấy lòng nao nao…, chỗ này năm vừa rồi tôi có tới cùng bà con chống lũ. Chẳng biết năm nay lũ có về sớm hơn mọi năm không. Hôm đó vội quá quên dặn anh em thường xuyên kiểm tra các đê đập. Dạo này có nhiều Thủy điện gây hại cho bà con quá. Trước kia có thời người ta gọi Thủy lợi là Thủy hại. Bây giờ Thủy điện còn tai hại hơn gấp trăm lần. Ông có thể dừng xe lại một chút được không?

Ông có hẹn à?

Không. Tôi muốn xem lại vài chỗ vá dạo nọ. Có cần phải tu sửa gì không. Sắp tới mùa mưa rồi.

Xe dừng. Ông Tư xuống xe đi loanh quanh trên thân đập. Lúc thì nhìn khắp, lúc lại cúi xuống xem xét tỉ mỉ từng chỗ kè, chỗ vá. Ông đứng thẳng dậy nhìn phía trên đập. Hồ nước mênh mông loang loáng dưới ánh trời chiều. Cảnh đẹp như mơ. Đây đó vài người đang cất vó, đôi chiếc thuyền câu dập dềnh trên sóng nước lăn tăn… Trên nữa là bóng núi, rừng cây ngập trong tia nắng chiều sắp tắt. Tất cả như một bức tranh phong cảnh của Levitan. Họa sĩ thiên tài Nga. Rồi ông nhìn xuống lòng đập. Nhà cửa chỗ san sát, chỗ rải rác quanh rìa lòng hồ. Toàn những ngôi nhà tạm bằng tranh, tre, lá, nứa. Mùa này lòng hồ cạn. Bà con tranh thủ làm màu, những loại cây trồng, rau củ ngắn hạn. Ông ghé vô từng nhà. Có nhà vắng, người đi làm chưa về, nhưng cửa để ngỏ hoặc khép hờ. Có nhà bếp đỏ lửa. Ông vô bếp mở từng nồi cơm, nồi canh, trã cá kho. Cơm độn khoai sắn hoặc có nồi khoai sắn cõng lèo tèo mấy hột cơm. Ông thở dài, trong một đất nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Canh lõng bõng rau, ông lấy đũa khuấy. Không thấy thịt hoặc xương. Trã cá kho toàn tép hoặc cá con li ti. Ông đi sang nhà khác. Nhà đang ăn cơm ngoài sân tranh thủ ánh nắng chiều. Đập thủy điện mà không có nhà nào có điện. Quanh mâm cơm có mấy đứa nhỏ, vài người lớn. Một đứa nhìn mâm cơm hỏi: “Ủa mẹ, lúc trưa con thấy bố cất vó được một mớ cá lớn mà sao không ăn hả mẹ”. Một đứa khác nói: “Hay bố thả xuống hồ nuôi cho nó lớn, mai cất vó được con cá to hơn”. Bà mẹ cười như mếu: “Hồi chiều mẹ đổi gạo rồi các con ạ. Ăn tạm mai sẽ dành cá cho các con”. Ông lại sang mấy nhà khác. Nhà cửa, bữa cơm nào cũng giống nhau. Nhà trống huơ trống hoắc. Đồ điện tử chưa về tới đây. Bỗng trước mặt ông là trường tiểu học. Ông ngập ngừng một chút rồi bước vô một lớp cửa khép hờ. Giờ này trường đã nghỉ. Bàn ghế cái gãy chân, cái xộc xệch. Ông nhìn lên bảng, tấm bảng đen treo trên vách với hàng chữ viết ở góc nắn nót, ngay ngắn.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Ông nhìn dòng chữ quen thuộc đó rất lâu. Những chữ đó với ông thì có lạ gì. Ngày nào chẳng hàng chục lần đập vô mắt ông mỗi khi ngồi vào bàn làm việc. Sao lúc này nó như muốn giữ ông lại. Bỗng ông giật thót. Cái dấu vạch ngang giữa mỗi cụm từ bỗng mờ đi. Mỗi dấu gạch ngang bỗng biến thành chữ “trừ” rõ ràng, ngay ngắn, viết theo lối chân phương.

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập trừ Tự do trừ Hạnh phúc

Ông nhìn quanh không thấy ai. Ông bỗng nghe tiếng cười khẽ cạnh mình, giọng đàn ông: Những câu chữ loại đó ở cửa miệng nhân dân ta từ lâu rồi. Tôi tưởng đồng chí Chủ tịch phải biết chứ. Mà không biết chữ Độc lập cứ đà này liệu có còn không?

Ông Tư nhìn quanh quất: Nhưng ông là ai. Ông đang ở đâu?

Tôi đang đứng cạnh. Tôi theo từ lúc Chủ tịch xuống xe đi thăm đập thủy điện. Rồi theo ông đi vào từng nhà, thăm bếp núc, xem từng bữa cơm của bà con. Tôi thấy nhiều lần ông khóc. Và chẳng dấu gì, tôi cũng khóc theo ông. Có điều tôi khóc vì một lẽ khác. Tôi ước nếu đất nước ta vị lãnh đạo nào cũng biết đau khổ trước nỗi khổ của nhân dân như ông thì phúc cho đất nước này biết mấy. Tới lúc ông bước vô trường, vô lớp học, lúc ông chăm chú nhìn tấm bảng đen, nhìn hàng chữ quen thuộc mấy chục năm nay rồi nhìn các khẩu hiệu, tôi biết được những suy tư của ông và tôi nghĩ ra những ý định nghịch ngợm vừa rồi.

Không phải nghịch ngợm đâu anh bạn ạ. Chuyện nghiêm túc. Sáng tạo của người dân thật là lớn. Chỉ cần thay hai dấu gạch ngang nhỏ bằng hai chữ trừ mà thấy tất cả mọi chuyện nhỏ, chuyện lớn. Hiện lên nguyên trạng tình hình của Đất nước. Xin hỏi, tại sao ông có mặt nơi này, vào lúc này?

Tôi làm nghề dạy học. Mỗi lần cầm phấn viết lên bảng đen mấy chữ đó tự cảm thấy như mình tự lừa và lừa các em học sinh. Cho tới cái từ “Độc lập” thiêng liêng đến giờ chưa chắc đã còn giữ được. Mảnh đất hình chữ S bao nhiêu xương máu của ông cha dựng nên đang mất dần mất hồi dưới dạng này hoặc dạng khác. Chẳng biết Chủ tịch có cảm thấy điều đó không?

Anh bạn cứ nói đi. Tôi đang thích nghe.

Chương viết thêm:

SÁT THỦ KHÔNG CẦN GIẤU MẶT

Ông Chủ tịch có thấy nước ta chưa bao giờ có độc lập hoàn toàn, cả một thời gian dài khi thì ngả theo ông anh này, khi thì ngả theo ông anh nọ. Chưa lúc nào mình là mình cả. Độc lập kiểu gì vậy. Thật ra cả hai thằng anh, một thằng giáo điều, một thằng xét lại, đ.thằng nào đúng cả, vì bản thân Chủ nghĩa xã hội trước hết là không thể có, là cái không có thật. Nhưng nếu xét tới cùng thời kỳ đó thì thằng xét lại có phần đúng hơn, vì nó dám sửa lại những cái gì không đúng. Vậy mà ở ta thằng giáo điều thắng thế thẳng tay đàn áp dã man những người bị cho là theo Chủ nghĩa xét lại, sợ chiến tranh không dám chống lại Mỹ, chống lại công cuộc giải phóng miền Nam. Cộng với cái án dựng khống lên “âm mưu làm tay sai cho địch”. Khổ một nỗi, “địch” đây từng là đồng chí, là ông anh Cả. Rồi một chiến dịch lớn bắt đầu, hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn người từng theo Đảng mấy chục năm công trạng hiển hách phải vào tù, hoặc đi cải tạo, bắt không lý do, không được xét xử. Người bị bắt đến lúc còn sống ra tù cũng không biết mình tại sao bị bắt. Thời Trung cổ đen tối bên Châu Âu cũng chưa đến nỗi thế. Mấy chục năm sau, chính Nguyễn Trung Thành, người lập hồ sơ vụ án lớn này, lại chính là người lật lại vụ án xét lại, kết luận rằng vụ án xét lại chẳng có gì cả. Là người ta muốn dựng lên, đặt ra, lấy cớ để triệt nhau.

Chết, bị đi tù, đi cải tạo từ tướng tá tới nhà khoa học, nhà văn, con số lên tới hàng trăm, hàng ngàn người mà cứ như chuyện đùa. Cứ như không xảy ra chuyện gì cả. Thật là khủng khiếp.

Nội bộ Đảng cứ như một sới vật. Nhưng một sới vật không có luật chơi, không có trọng tài, không có khán giả hoặc có khán giả nhưng chỉ dám đứng nhìn từ xa. Toàn kiểu chơi ngầm, ra đòn ngầm, những sới vật có lẽ chỉ có ở Việt Nam, vài nước anh em khác, dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa.

Sáu Thọ trở thành người siêu quyền lực, lấn át cả Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng. Sáu Thọ chết. Nghe nói trên mộ ông ta ở nghĩa trang Mai Dịch sáng nào cũng có một bọc phân. Sau gia đình lén bốc mộ chuyển đi nơi khác. Dân gian có câu:

Dân yêu dân lập đền thờ

Dân ghét dân đái lên mồ thối xương (3)

Bố tôi phục vụ trong quân đội, không chết vì bom đạn mà chết vì đồng chí của mình. Tôi phải bỏ học, bỏ thi rút về đây làm nghề dạy học ẩn náu qua ngày. Tuy là nghề tạm bợ, nhưng mỗi lần đứng trước tấm bảng đen, lòng luôn tự nhắc: Bảng đen nhắc nhở – Đừng đen bạc. Mực đỏ dặn dò – Giữ tấc son (4).

Ông Tư buồn rầu: Bản thân mỗi chúng ta chỉ là con tốt trên bàn cờ thế sự. Cho tới cả dân tộc đất nước này cũng chỉ là con tốt đen trên bàn cờ thế giới. Bi kịch của một thời anh bạn ạ. Thấy anh bạn đứng lặng im. Ông Tư hỏi. Anh đang nghĩ gì thế?

Tôi đang nghĩ tiếp về Ông Sáu. Sáu Thọ còn có hỗn danh là Sáu Búa. Sát thủ máu lạnh số một trong toàn bộ giàn lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản. Nếu tình cờ có ai hỏi ông ta có nhớ giết, cầm tù bao nhiêu người không, chắc không thể nào nhớ nổi. Thú dữ chúng ăn thịt nhưng chỉ ăn thịt kẻ khác loài với mình khi nó đói. Còn Sáu Thọ say máu đồng chí mình vì một nhu cầu khác: khoái làm người khổ, khoái giết người. Khoái thấy cái uy quyền của mình, độc ác hơn cả thú dữ dữ nhất trên rừng.

Sáu Thọ nhiều khi giết người không cần giấu giếm mà muốn báo cho mọi người biết: chính tao giết thằng đó. Giết một người mà bao nhiêu kẻ khác phải sợ, chẳng biết bao giờ tới lượt mình.

Có điều người ta lấy làm lạ với chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhưng quyền uy ông ta bao trùm cả thiên hạ. Được mệnh danh là kẻ đẻ ra vua. Tài trí không hơn người, học vấn không hơn người, cũng không nắm quân đội, không nắm công an. Vậy ông ta đào đâu ra quyền uy vượt lên trên tất cả.

Người ta kể một hôm con rể Lê Duẩn là Hồ Ngọc Đại có việc, tới văn phòng gặp Sáu Thọ. Hai người đang nói chuyện, Đại trông thấy ông Giáp tới đang đứng chờ. Đại nhắc: “Có bác Giáp đang chờ”. Sáu Thọ bảo: “Tôi còn để cái đầu trên vai ông ta là may lắm rồi”. Một lát Thủ tướng Phạm Hùng tới. Sáu Thọ không mời khách mà bảo: “Hôm nay bận tiếp khách văn, hôm khác tới”. Đương kim Thủ tướng phải quay về. Lại còn chuyện này nữa mới ghê: Hôm đó Chủ tịch nước Lê Đức Anh sau khi chào tạm biệt Sáu Thọ phải đi lùi ra sân mới dám quay đít bước ra cổng. Thấy thế đủ biết uy ông ta bao trùm cả thiên hạ (5).

Chuyện này trong lịch sử chính trường Việt Nam từ xưa tới nay quả hiếm có. Vậy giải thích điều này như thế nào đây.

Có người nói các vị lãnh đạo cao cấp đều được bảo vệ vòng trong vòng ngoài. Những người bảo vệ đều được Ban Tổ chức Trung ương điều động sang. Người ta có thể nghĩ trong nhà riêng, nơi làm việc của các vị đều có gắn camera theo dõi. Ai cũng có một cách sống riêng, sở thích riêng, những việc không thể công khai… Và khi cần ông ta sử dụng con bài này. Cách hành xử đê tiện nhưng lại có hiệu quả lớn… Khó có mấy ai thoát khỏi trò chơi ma quỷ này.

Ngoài ra ông ta còn sử dụng những đòn ngầm kiểu xã hội đen khi cần thiết. Những cái chết tức tưởi của người em Đinh Đức Thiện, những vị tướng lĩnh Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái và nhiều người khác đều do bàn tay độc thủ của ông ta, một vết nhơ không thể xóa trong lịch sử của Đảng Cộng sản… Tên tuổi ông ta đến bây giờ may ra còn lại trên tấm biển gắn trên đường ở một vài thành phố.

Chương viết thêm:

BI KỊCH CỦA MỘT VỊ THÁNH SỐNG

Có bao giờ anh nghĩ tới bi kịch của cụ Hồ không?

Ngay từ những năm đầu Cách mạng, ông cụ đã nhận phong thánh sớm quá. Chưa kịp làm người đã vội làm thánh. Làm người khó hơn chứ. Hồi những năm đầu Cách mạng, Tố Hữu làm cả mấy chục bài thơ ca ngợi ông cụ như một vị cha già dân tộc lúc ông cụ mới ngoài năm mươi, như một vị thánh sống. Lẽ ra ông cụ gọi nhà thơ tới cảm ơn, nhưng nói chú hãy để cho bác làm người, sống một cuộc sống bình thường.

Tại sao lại cấm cụ làm con người bình thường. Lãnh tụ cũng là con người như ai. Bi kịch của cụ, trước hết là bi kịch của người chồng, người cha. Tại sao ông cụ không được có một gia đình bình thường. Có vợ, có chồng như tất cả mọi người. Nỗi đau của ông cụ là có vợ không được nhận, đau hơn có con cũng không được nhận là con. Tội nghiệp đứa bé. Không bằng đứa con của một người dân bình thường. Lúc cô Xuân có con yêu cầu ông cụ đưa chuyện mình ra công khai. Trong một cuộc họp Bộ Chính trị, ông cụ đưa vấn đề này ra. Lê Duẩn, Sáu Thọ và một số khác không tán thành. Lấy biểu quyết. Đa số theo ý Lê Duẩn, Sáu Thọ. Họ muốn đã là thánh, đã là lãnh tụ phải một lòng hy sinh cho dân tộc và cụ phải chấp nhận. Đứa con ra đời tên là Thành nhưng chưa bao giờ được công khai nhận mình là con ai. Cô Xuân sau khi nhiều lần bị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn hiếp dâm. Người đàn bà lẽ ra sẽ là phu nhân vị Chủ tịch nước bị “tai nạn” ô tô chết thảm ở Chèm (chuyện này lâu nay sách báo đã nói nhiều). Cô em và người bạn gái xuống Thủ đô ở cùng chị sau đó cũng bị chết theo người chị bất hạnh. Tại sao lại có chuyện đau lòng đó. Đó là bi kịch cá nhân. Với tư cách là lãnh đạo cách mạng, người sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, cụ đã phạm những sai lầm lớn. Trước hết là buộc phải nghe theo chỉ thị của Stalin, Mao Trạch Đông những tên giết người không ghê tay thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam. Cụ ở vào cái thế không vâng lời không được. Người ta không tin, lấy đâu ra vũ khí và lương thực tiếp tục công cuộc đánh Pháp. Thế là mở màn cuộc Cải cách ruộng đất đợt một… Có vô vàn chuyện đau lòng xảy ra. Như chuyện con đấu tố bố:

– Mày có biết tao là ai không?

Người đàn ông là cha nhìn cái cột đang chờ mình, run rẩy:

– Dạ, con là bố của bà ạ.

Dám cam đoan chuyện này chưa hề có trên hành tinh này kể từ ngày có con người. Ở đây chỉ nêu ra trường hợp điển hình sau đây…

Vật tế thần đầu tiên là người đàn bà yêu nước Nguyễn Thị Năm, người có nhiều cống hiến lớn cho Cách mạng còn non trẻ những năm đầu. Chuyện này thì nhiều người đã biết. Khi người ta vội vã về kinh báo với cụ, bà Năm bị tuyên án tử hình. Cụ lặng người đi một lúc rồi run run hỏi: Không tìm được người thay thế sao? Khi lời cụ được truyền tới tai bọn cố vấn Tàu. Chúng bảo: Hổ đực hay hổ cái đều ăn thịt người. Và cuối cùng bà Năm – người đàn bà yêu nước bị bắn chết.

Cũng trong vụ này còn có một dị bản (6). Có người kể. Hôm xử bắn bà Năm ở Đồng Bấm, cụ và Trường Chinh đi dự. Cụ cải trang che bộ râu, còn Trường Chinh mang kính đen. Có người làm bài thơ về việc này như sau:

GIỮA THƠ VÀ ĐỜI

Khi Bác ngụy trang thành kẻ khác

Đi xem vụ xử bắn người đàn bà yêu nước

Khi súng nổ và người đàn bà bất hạnh ngã xuống

Vẫn không biết vì sao mình bị giết

Không biết có giọt lệ nào,

chảy trong lòng Bác.

Khi người ta bỏ xác người đàn bà yêu nước vào cái hòm chật.

Có mấy người giẫm lên cho cái xác lọt vào trong.

Bác có nghe tiếng xương gãy vụn

vang lên thảng thốt.

Tiếng oan hồn than khóc,

“hỡi trời chẳng biết vì sao tôi bị giết”

Liệu đêm nay về Bác có ngủ yên không?

Câu Bác từng nói:

“Đừng bẻ dẫu một cành hoa

để đánh người đàn bà”(7).

Vậy giữa thơ và đời

có khoảng cách biệt rất xa…?

“Văn là người” chẳng lẽ một câu nói vu vơ.

Hôm sau có một bài trên báo của Đảng lên án tội ác của bà Nguyễn Thị Năm, lên án bọn địa chủ cường hào ác bá cần phải tiêu diệt. Bài báo ký tên CB. Chỉ có người trong tòa soạn mới biết tác giả là ai. CB là “của Bác”.

Cụ để lại di họa suốt mấy chục năm cả sau khi chết đi là cụ đã đưa chủ nghĩa Mác-Lê vào công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước. Người ta bảo sai một ly đi một dặm. Cái sai này đã đưa cả đất nước xuống hố. Cho tới bây giờ vẫn chưa thoát ra được. Trong công cuộc giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, người ta có thể so sánh cách làm của cụ với Gandhi ở Ấn Độ và Mandela ở Nam Phi. Sự so sánh nào cũng khập khiễng nhưng tất nhiên không vì thế mà người ta không nghĩ tới. Trước hết là họ thoát cho nhân dân các cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài mấy chục năm và thoát khỏi Chủ nghĩa xã hội bị áp đặt cho đất nước.

Hơn mười năm cuối đời của ông cụ là những trang bi kịch cho tới khi chết. Tập đoàn Lê Duẩn, Sáu Thọ phe chủ chiến thắng thế khi thông qua Nghị quyết 9. Nghị quyết về vấn đề Giải phóng miền Nam. Trong lúc đó ông cụ, Võ Nguyên Giáp và một số người nữa cho là chưa phải lúc. Biểu quyết trong hội nghị, phe chủ chiến thắng vì đa số là người do Sáu Thọ đưa vào. Mặc dầu ai cũng hiểu cái đa số nhiều khi không phải là cái đúng, là chân lý. Bi kịch của cụ là không nắm vững vai trò lãnh tụ của mình cho tới phút chót, để bọn đàn em sắt máu lấn lướt dẫn tới cuộc chiến huynh đệ tương tàn kéo dài suốt 20 năm. Nghị quyết 9 đã cho cụ “nghỉ hưu” một cách nhẹ nhàng. Và từ đó trở đi ông cụ không còn dự các cuộc họp Bộ Chính trị nữa. Trước đó có một hôm họp Bộ Chính trị, cụ định phát biểu, Sáu Thọ tới đứng một bên nhắc khéo: Theo cháu, lúc này Bác chỉ nên nghe, để anh em nói. Cái gì đã buộc người sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải vâng lời một thằng đàn em xấc láo? Để ra quân trong trận Mậu Thân (8) người ta đã đưa họ Hồ đi nghỉ ở Bắc Kinh và đưa họ Võ sang Hungari chữa bệnh.

Như trên đã nói, những năm cuối đời, ông cụ để bọn đàn em lấn lướt. Nhưng đau đớn là lúc chết người ta không làm theo di chúc của cụ mà lại xây cho cụ một cái lăng bề thế và tặng cụ một bài điếu văn thống thiết lại chính do Lê Duẩn đọc đến trời hôm đó cũng phải khóc. Đó là bi kịch của cụ, bi kịch của một vị thánh. Ông cụ đã khóc khi Stalin chết, người ta tin đó là những giọt nước mắt thật. Vậy có bao giờ ông cụ dành những giọt nước mắt khóc cho mình và cho chính dân tộc mình không.

Do môi trường hoạt động, ông cụ trong suốt đời mình phải đóng nhiều vai. Nghề “diễn” đã ngấm sâu vào trong máu thịt. Và đã vô tình trở thành một diễn viên có nghề, bất cứ ở vai nào cụ đóng cũng đạt. Cùng với sự thông minh, từng trải, lịch duyệt tưởng chừng cụ sẽ đạt được tất cả những gì cụ muốn. Nhưng không. Trong một bài báo gần đây, kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Ngọc Hoàng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã có phát biểu day dứt: “… Cách đây bốn, năm mươi năm, Việt Nam và Hàn Quốc có trình độ phát triển tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có khoảng 90.000 người sống tại Việt Nam và Việt Nam cũng có 90.000 người sống ở Hàn Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại Việt Nam làm ông chủ, làm quản lý, còn người Việt Nam ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm Oshin. Nghe mà xót lòng”. Ở cõi bên kia ông cụ liệu có biết được sự thật đau lòng này không. Trong di chúc để lại ông cụ có viết… Đất nước ta sẽ xây dựng to lớn đàng hoàng gấp mười lần hôm nay. Trong lúc đó báo chí tư bản có bao giờ đưa những “tin vui” như báo chí của ta: Năm nay Việt Nam “xuất khẩu” được mấy nghìn, mấy vạn người lao động sang các nước. Chẳng qua chỉ là một hình thức bán sức lao động thu ngoại tệ về.

Năm 1961 Park Chung Hy làm một cuộc đảo chính quân sự, lên làm Tổng thống Nam Hàn. Vị Tổng thống quân sự này từng khóc trước cảnh nghèo đói của người dân. Trong một buổi nói chuyện với mấy vạn sinh viên Seoul, ông tuyên bố quốc sách biến Nam Hàn nghèo nàn trở thành con cọp lớn: Trong 5 năm tất cả người dân Nam Hàn phải thắt lưng buộc bụng, cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Phải làm sao trong vòng 10 năm tới ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu Đông Á. Và 20 năm sau trở thành một cường quốc kinh tế trên thế giới. Sẽ có một số đồng bào không đồng ý với quốc sách của tôi. Xin các vị hãy hiểu cho rằng tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi sẽ ban hành một chính sách khắc khổ. Tôi tuyên bố sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của dân dầu chỉ một đồng. Tôi sẵn sàng chết cho lý tưởng đã đề ra.

Và chắc chủ tịch biết vị Tổng thống, nhà ái quốc vĩ đại đã làm được những điều mình nói.

Bây giờ tôi tạm giả sử, tất nhiên lịch sử không bao giờ có chuyện giả sử. Người Pháp có câu nói rất hay: Nếu chuyện giả sử có thể thực hiện được thì người ta có thể bỏ cả thành phố Paris vào trong chiếc lọ. Nhưng ta cứ giả sử nếu ngày đó Park Chung Hy hay một vị Tổng thống nào khác không mảy may động lòng trước cảnh nghèo đói cơ cực của người dân mà một mực ra sức rèn luyện quân đội, vác rá đi xin viện trợ của các nước anh em trong phe thay vì đưa Thanh niên sang các nước văn minh học tập cái hay cái tốt. Ông ta một mực quyết tâm xua hàng triệu quân vượt sông Áp Lục giải phóng Triều Tiên thu non sông về một mối như cách làm của ta, chắc chắn không thể nào có một Hàn Quốc có bộ mặt rạng rỡ đáng tự hào như hôm nay. Và càng không có chuyện 9 vạn người Hàn Quốc sang ta làm ông chủ, bà chủ như vị Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lúc nãy tôi đã nói. Ta giải phóng được Miền Nam nhưng 40 năm sau đó khoảng 9 vạn người dân sang bên đó làm Oshin. Đáp số của bài toán đúng sai quá rõ.

Ông chủ tịch có biết tôi gặp ông trong trường hợp nào không? Trong vụ lở đập năm nọ, lúc đó tôi đang loi ngoi trong cơn bão lũ cứu các em học sinh thì chợt thấy chủ tịch cũng ra chống lũ với bà con. Nhìn thấy vị chủ tịch cũng có mặt trong cơn nguy hiểm, lòng cũng được an ủi đôi chút. Vậy là không đến nỗi: “sống chết mặc bay”. Sau đó tôi “đi” luôn trong cơn lũ. Lúc nãy tôi vừa về chợt thấy chiếc xe Thần Chết chở ông, rồi xe dừng lại, ông lên mặt đập, tôi thốt lên: Người tốt thế sao lại ra đi sớm vậy? Thế là tôi bí mật theo ông… Tôi hỏi thật, trong nước mình có bao nhiêu vị lãnh đạo được như ông?

Cảm ơn ông bạn có lời khen. Chuyện này phải hỏi ban Kiểm tra, hoặc ban Tổ chức Trung ương. Nhưng thật ra cũng khó trả lời. Tốt, xấu thế nào cũng khó nói. Tới ông Truyền – Tổng Thanh tra Chính phủ lúc về hưu đã có mấy tòa dinh thự thì còn tin được ai. Ông bạn vừa rồi khen tôi, nhưng lúc đi thăm bếp núc, bữa cơm chiều mấy nhà, tới trường học tôi đã khóc. Tôi có xứng đáng nhận lời khen của ông không? Bữa cơm, đời sống của người dân đủ để trả lời.

Được như ông là quý quá rồi. Chỉ tiếc ông ra đi sớm dân mất nhờ. Chuyện cực khổ đói nghèo của dân còn do nhiều nguyên nhân lớn lao khác. Đâu phải chỉ mỗi chủ tịch giải quyết lo toan là được. Có là Thánh. Thôi, chủ tịch tới xe đi. Chắc ông lão đang sốt ruột chờ tưởng ông chủ tịch còn lưu luyến trần gian trốn ở lại.

Ông Tư cười. Thôi, chào anh bạn nhé. Hẹn gặp lại anh.

Chúc Chủ tịch thượng lộ bình an.

Ông Tư tới bên xe: Xin lỗi để ông chờ lâu. Xin hỏi thật. Ông có nghĩ tôi trốn ở lại không?

Ông nói đùa. Tôi thấy ông đi vô thăm từng nhà. Ít thấy ông quan nào thời nay như ông. Chết chưa phải là hết. Người ta nói không sai. Liệu ông có còn muốn ghé nơi nào nữa không?

Nếu được đi khắp thì phải mất cả tháng trời cũng chưa chắc đã hết. Mà cũng chẳng giải quyết được gì.

Ông có chịu được gió không, về chiều trời hơi lạnh. Tôi muốn cho xe chạy nhanh một tý.

Không sao. Tôi cảm thấy hơi khá hơn. Ông Tư chợt bật cười.

Có chuyện gì vui làm ông chủ tịch cười.

Nghĩ tới câu có người vừa rồi mới chúc tôi “thượng lộ bình an”. Nghĩ đã ngồi trên cỗ xe của Thần Chết mà còn bình an với không bình an nỗi gì.

Thế mà có đấy ông ạ. Có người chết rồi mà ngàn năm linh hồn vẫn không yên. Thôi ông nghỉ ngơi đi. Tôi cho xe chạy nhanh đây.

Chiếc xe phóng nhanh vào bóng hoàng hôn mờ ảo. Bỏ lại xóm làng yêu thương mịt mù tít tắp phía sau…

5.

MT CUC ĐI ĐU VÔ C GIA NGƯI ĐP HNG NGA

VÀ CHÀNG KỸ SƯ ĐẦU BÒ

Chẳng hiểu Khánh mang danh hiệu “Kỹ sư Đầu bò” từ thời còn ở trên kia hay lúc xuống dưới này: Ương bướng chỉ mới là một tính cách. Điều sau này còn lạ hơn. Chưa bao giờ thấy anh ta giao tiếp với đám phụ nữ. Lúc này ông cụ Thường trực đang ngồi với đống hồ sơ thì thấy Khánh từ ngoài hăm hở tiến tới bàn Thường trực.

Cụ Thường trực cau mày. Lại anh!

Con chỉ giúp cụ cải tiến cánh cửa. Cụ đỡ nhọc.

Mấy ngàn năm nay ta ngồi đây quen với nó rồi. Quen tới nỗi một ngày không đụng tới dây thừng cảm thấy nhớ như thiếu một cái gì đó. Với mọi người, kiểu như người trên đó nhớ thuốc lào. Đã chôn xuống đất lại đào nó lên.

Cụ ạ, cụ nói vậy cho vui thôi, chứ không có ai muốn quen với sự khổ cực cả. Bây giờ chỉ cần lắp một cái máy nhỏ, câu trộm chút điện trên dương thế, bấm nút là cánh cửa sẽ tự động đóng mở nhẹ nhàng, không mất một giọt mồ hôi.

Chỉ mỗi cái chuyện anh có ý định ăn trộm điện trên kia đã không hay ho gì rồi.

Gọi trộm là nói vậy cho vui cụ ạ, chứ trên kia hỗ trợ dưới này là chuyện bình thường. Các nước người ta còn hỗ trợ cho nhau trong chuyện làm ăn.

Anh không biết trên kia đang thiếu điện à. Thôi, xin anh để yên cho mọi người sống.

Nói như cụ thì con xin đầu hàng… vô điều kiện.

Hằng Nga từ nãy giờ ngồi im bỗng cười rũ ra.

Khánh quay lại lừ mắt, nhìn cô gái đang ngồi ở một góc. Rõ ràng anh chàng không một chút quan tâm gì tới vẻ đẹp hiếm có của nàng. Anh định phớt lờ nhưng tiếng cười của người đẹp cứ đuổi theo anh, anh bực mình quay lại: Này, cô cười cái gì hả?

Chẳng can gì tới anh.

Cô có biết như vậy là cười vào mũi người ta không?

Hằng Nga vẫn cười: Nhưng tôi thích vậy.

Đằng sau Hằng Nga bỗng xuất hiện một thanh niên vạm vỡ, trông vẻ dữ dằn.

Hằng Nga với người thanh niên mới xuất hiện: Đáng hả. Cậu khỏi lo. Anh ta không làm gì chị đâu.

Khánh nhìn Đáng. Hai người nhìn nhau có vẻ ngỡ ngàng một chút, hình như họ đã từng biết nhau rồi. Chà, cô có vệ sĩ hả. Với cụ Thường trực: Cháu nghĩ sẽ có cách làm cụ hài lòng. Thấy Hằng Nga lại cười, Khánh bỏ ra ngoài. Rõ ràng anh không thèm chấp.

V.B.

(Xem tiếp kỳ sau)


(1) Thơ viết dưới giàn lan (Văn Biển).

(2) Phạm Mộ Đức

(3) Tú Sóc

(4) Phạm Mộ Đức

(5) Theo Bên thắng cuộc (Huy Đức).

(6) Đèn cù (Trần Đỉnh).

(7) Một câu thơ của Pháp.

(8) Một chiến dịch lớn được đánh giá là thất bại thảm hại. Người ta kể trong một lần đi chơi ghé vào trại sáng tác của Hội nhà văn ở Quảng Bá, Lê Duẩn, tác giả chính của cuộc chiến đẫm máu này hỏi mấy ngưới viết đang có mặt ở trại: các anh đánh giá trận Mậu Thân như thế nào? Bùi Bình Thi mau miệng: Thưa, thất bại ạ. Lê Duẩn cau mày lắc đầu: các anh viết văn mà không hiểu chi cả… Rồi ông Ba bỏ ra mấy chục phút giải thích sự cần thiết phải có chiến dịch này… chắc trong đầu ông Ba cho số người chết dẫu bao nhiêu không cần phải suy nghĩ. Mấy nhà văn lúc đó sợ hãi im như thóc. Mãi mấy chục năm sau, trước lúc chết nhà thơ Chế Lan Viên để lại trong tập Di cảo mấy câu thơ về trận Mậu Thân đẫm máu (Xem chương: Ngọc Hoàng bên cỗ quan tài lạ. Trang……).

Comments are closed.