Tạ Duy Anh, tiếng cười trên con đường khổ

Tru Sa

khuyet danh

Tru Sa

Tôi biết Tạ Duy Anh từ cuốn Thiên Thần Sám Hối nhàu nhĩ mượn được của một đàn anh trong trường đại học. Đấy là lần đầu tiên tôi đọc được một cuốn sách tử tế, không gây ngáp ngủ như những gì tôi buộc phải nuốt đầy họng suốt mười hai năm. Một lối viết kỳ quặc trong một hiện thực nhớp nháp, xù xì những gai nhọn, một thứ ngôn từ đơn giản, gây cười và cũng đau đớn bởi tiếng cười.

Lão này quái, tôi đã nói như thế với mình trong ngày hôm đó và tìm đọc thêm. Sau tên tiểu yêu tinh trong phòng sản là đến Bước qua lời nguyền và tạm dừng trước khi tìm đến Lão Khổ, một vài truyện ngắn lẻ tẻ trước khi bước vào cái Cổng Vòm khoái khẩu trong Đi Tìm Nhân Vật.

Tạ Duy Anh xuất thân từ một cậu bé chân đất, lớn lên trong giai đoạn khốn đốn nhất nhì lịch sử, chưa qua cơn quặn thắt với miếng ăn, ông đã phải nhập ngũ, đi lính, may mắn trở về còn nguyên vẹn hình hài cùng một ký ức hãi hùng trong môi trường quân đội, một rủi ro…có lẽ hoặc không phải, chỉ một bước ngoặt trong bàn tay quái vật của số phận.

Chịu ảnh hưởng từ lối viết hiện thực của Nam Cao, nối dài cùng chủ đề cái ác của Dostoievski, Tạ Duy Anh đứng một cõi riêng so với đại đa số những tay viết sinh ra trong thời loạn, bỏ súng và cầm bút nhưng vẫn nhớ súng. Trước khi viết Đi Tìm Nhân Vật, ông lang thang trên trục đường ngàn dấu chân, một quãng phiêu lưu lê thê trước khi tìm thấy đường hầm tăm tối, hun hút như vô tận, chẳng có kho báu nào trong lối đi chảy sâu như hầm ma, chỉ có những sự thật phũ phàng, một cuốn sách ước thỏa mãn mọi nguyện vọng cho đến khi trang cuối được đọc, châu báu sẽ hóa giòi bọ, những dấu son giai nhân chuyển độc và xé rách cuống họng người.

Viết, khó là một trách nhiệm, chỉ những người tự trao trách nhiệm cho mình thông qua việc viết, đấy là Tạ Duy Anh.

Vẻ ngoài của Tạ Duy Anh không bắt mắt và rất ấn tượng. Tôi còn nhớ lần gặp đầu tiên với ông là ở một khách sạn nhìn ra hồ Thuyền Quang. Ông đến trước, tôi đến sau cùng một bản thảo đã không còn dấu vết trong đời chữ của tôi. Ngồi xoay lưng, một cái đầu hói, tóc chải ngược phía sau cùng vẻ mặt như cau có, cái trán cao khiến tôi nghĩ đến một cái gáy sọ quay ngược, môi ông dày, những chiếc răng lộn xộn chồng chéo như bãi chông, ơn trời, tôi tìm thấy đôi mắt buồn giữa ngọn đồi chướng khí.

Đôi mắt Tạ Duy Anh là một ân sủng của Hóa Công, nếu mắt ông xếch thêm một chút, tròn trợn thêm một chút, đôi lông mày rộng và sắc thêm, tôi sẽ có hình mẫu về một nhân vật phản đẳng cấp trong tiểu thuyết. Đôi mắt nhỏ, đen đặc của ông giấu một nỗi buồn lê thê, ánh mắt này khiến khuôn mặt nhàu vết thời gian thêm tàn tạ trong nỗi thống khổ muôn đời.

Lúc đó, tôi lấp ló hiểu khuôn mặt này có thể bậy bạ nhưng quyết không làm ác. Giọng nói ông rất vang, tiếng cười rền tai như tiếng mèo cào cửa. Hầu hết những người có tên tuổi trong giới viết tôi từng tiếp cận, chứng kiến trực tiếp hoặc âm thầm một xó xỉnh tối nhất căn phòng, họ rất lười cười, tiếng cười ào từ buồng tim chứ không phải một cái miệng méo thành vầng trăng, nụ cười của họ gượng gạo, có vẻ ngại ngùng, lòa xòa, miễn cưỡng thậm chí còn rất đểu cáng.

Nhiều cá nhân đại diện cho đơn vị nhận bản thảo luôn hỏi tôi về các mối quan hệ hoặc đã từng in ấn, có giải này giải kia chưa, Tạ Duy Anh vò nhàu những điều đó và sổ toẹt gọn gàng trong một câu “Cháu đã đọc những gì, hay nghĩ về điều gì”. Tôi không nói, Tạ Duy Anh cũng im lặng, nhìn thẳng vào đôi mắt tôi đang nhìn ông chằm chằm rồi với tập bản thảo trên mặt bàn, nhìn dọc mục lục rồi lật từng trang, ông lật quá nhanh và đủ chậm để dò xem đâu là mìn chiến trường đâu là mìn chuồng trâu.

Tôi thả bản thảo ở Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn và không hứa hẹn, xỏ xin điều gì, ra về rồi quên luôn mình đã làm gì vào ngày hôm đấy.

Không biết vô tình hay hữu ý, tôi phải theo học trong một môi trường liên quan đến văn chương. Bốn năm đời giúp tôi hiểu rằng chuyện in ấn chỉ là sự khoa trương, một hình thức tự ca bắt người khác vỗ tay, nhiều khi mối quan hệ quan trọng hơn chất lượng tác phẩm, đấy là lý do các cuốn sách lèo phèo dễ dàng được thổi lớn chỉ sau một cuộc nhậu thả phanh.

Có thể tôi là kẻ tiếc của, sống khắc kỷ đến mức không nhập nổi vai Mr. Bean. Tôi không có khả năng ton hót người khác, tôi sẽ bị mẩn ngứa, thấy khó thở và phát ban ra bên ngoài bằng cái cau mày, bĩu môi, một hơi thở thật mạnh qua đường mũi, đây là cái tật bẩm sinh, tôi đã bị mẹ mình vả miệng không biết bao nhiêu lần mỗi khi ai đó hỏi tôi về cái này cái kia, bây giờ mẹ tôi biếng hơn, không vả mồm thằng bố láo nữa nhưng sự tật nguyền vẫn theo tôi đến lúc chết.

Gặp Tạ Duy Anh chỉ là một phút nông nổi của tôi, thậm chí bản thảo tôi gửi ông cũng là thứ chắp vá, ẩm ương của sự vô trách nhiệm. Tôi quá dè dặt và đầy ích kỷ, không muốn đem những gì tốt nhất trao cho người khác. Bản thảo trung bình bị bắn phá tả tơi vẫn tốt hơn và sẽ chẳng có sự xấu hổ hay hậm hực nào.

Nhiều ngày sau, Tạ Duy Anh chủ động liên hệ với tôi bàn về chuyện in ấn bản thảo. Số máy lạ tôi sẽ không nghe, không hiểu sao hôm đấy tôi mở máy. Loa volume số cực đại, một tiếng cười ha hả như vọng từ thăm thẳm hư vô làm tôi tỉnh ngủ, điện thoại suýt rơi.

Lại thêm một cuộc hẹn, tôi đến cùng sự im lặng, trừ những lúc bắt buộc như lời chào hỏi, cảm ơn. Tạ Duy Anh luôn là người nói và cười nhiều nhất, khoa nói của ông không dẻo như hàng lố các khuôn mặt tôi buộc phải gọi thầy trong trường đại học, khi đọc cái gì đó của ai, ông hiểu và tiết lộ sự hiểu ra ngoài một cách chân thành nhất, không khen phổng hay chê bai tới số, ông nói về tác phẩm, những ý kiến theo chủ quan của ông chứ ông không đàn áp người khác bằng mệnh lệnh tuyệt đối.

Bản thảo năm đó của tôi đã in và xếp xó, mặc ông có chào mời cuốn sách với người này người kia, giá trị của nó vẫn là xác chết, trước khi tôi hỏa táng nó bằng một nghi lễ linh đình trong tiếng ho sặc trong lần đầu tiên hút thuốc.

clip_image002

Là một người viết văn chuyên nghiệp, tiếng tăm, một nhà văn xứng đáng, Tạ Duy Anh giữ chức biên tập của Nhà Xuất bản hội Nhà Văn. Giữa thời gian công việc, ông đọc, nghĩ và viết, không có nhiều thì giờ cho các cuộc rượu dài ngày. Trừ những cuộc rượu nhỏ, mang tính hàn huyên với bạn bè hay bất đắc dĩ phải tiếp khách bởi đặc thù công việc, ông thấy mình bị thương tổn bởi thời gian và chữa trị bằng cách leo lên tầng ba, mở bút viết.

Ông từng nói với tôi về các vấn đề trầm trọng của đất nước, sự thối rữa, đổ nát và thụt lùi, căn bệnh sợ nước và ngại đóng thuyền của người Việt. Giữa tôi và ông có một điểm chung là rất sợ đám đông. “Mỗi lần tham dự vào đám đông, thấy mình rỗng ra, lạc lõng, trở về nhà lại thêm đau khổ. Nếu gặp phải trận bia rượu bạt mạng, phải mất hai ngày mới hồi phục.” – Ông nói với tôi không biết bao nhiêu lần, cho đến bây giờ.

Gặp ông, tôi không phải mệt nhọc nghĩ ngợi về chuyện sẽ quà cáp, cùng lắm là những đầu sách hay mà tôi tin rằng ông sẽ vần vò thành xương máu của mình. Nhiều lần tôi đến, tay không, tựa vào chiếc ghế trong phòng biên tập, ngồi thừ cả tiếng đồng hồ, đợi Tạ Duy Anh phá vỡ chiếc cũi câm bằng tiếng huýt sáo, tiếng gõ ngón tay lên mặt bàn, khi thì véo von theo nhịp bài hát Mùa xuân đầu tiên, rồi ông hỏi tôi “dạo này viết gì”, tôi có lý do để lên tiếng và lôi bản thảo trong chiếc ba lô nhẻm màu xác chuột ra ánh sáng.

Mọi cuộc gặp gỡ giữa tôi với người đi tìm nhân vật vẫn luôn là sách vở và bản thảo, những trải nghiệm của bản thân ông mỗi lần đi du lịch. Ông luôn chua xót với quá khứ, ký ức, dĩ vãng, những thiệt thòi của tuổi thơ. Khác với những ai luôn lầu bầu những từ ngữ tự an ủi mình kiểu giá như, ước gì…Tạ Duy Anh chấp nhận những gì mình đã trải qua, dù tiếc nuối, chán chường, thấy buồn, đau, như một lần ông kể đã bật khóc ở Hoa Kỳ khi chợt nghĩ về cha mình.

Ông không phủ nhận lịch sử của mình và chọn cách đối mặt với nó, bằng chứng của những cuộc giao tranh là các tác phẩm. Danh tiếng là miếng mồi ngon, lắm kẻ phải bỏ tiền mua để sau đó bòn rút ở nơi khác.

Tạ Duy Anh đứng ngoài câu chuyện về giải thưởng. Ông không màng đến sự tôn vinh của giải thưởng hay tiền, có chăng là một điều tốt khi ai đó đọc truyện của ông và thấy thôi buồn chán. Bởi thế, nhiều lần ông răn đe tôi phải biết dè chừng với bản thân, tránh xa các hội nhóm đông người, sự tung hứng của những kẻ phán tác phẩm qua tiểu dẫn, cần phải cô độc tuyệt đối nếu vẫn cầm bút.

“Chỉ khi viết, mình mới thực sự sống” – Ông nói thế, và cười cùng tôi.

Tiếng cười giòn tan và vẻ mặt phơi phới, nhe hết răng làm dễ chịu người đối diện. Tôi từng nghĩ Tạ Duy Anh là người lạc quan, chắc thế hoặc không hẳn, ông cũng không phải kẻ bi quan dù đã nuốt hàng ống mật khổng tước trong cõi đời. Người đàn ông này chơi vơi giữa Địa Đàng và Âm Phủ, hai tay với mãi không hết mây, chân đạp mãi không chạm đất quỷ.

Tác phẩm của ông là thứ bi hài lẫn lộn. Nhiều ý kiến, đánh giá, các bài vở viết về ông loanh quanh trong phạm trù hiện thực, quá khứ, ngằng ngẵng những lời tán hươi tán vượn về sự gai góc, không chùn tay, tính thô thiển, tăm tối, ác độc của con người. Với tôi, sáng tác của Tạ Duy Anh là sự thất bại của những kẻ tìm kiếm lối thoát cho con người.

Lịch sử là một ván bài gian lận từ lúc xào bài, con người nghĩ rằng đã chạy trốn hoặc thắng thế lịch sử, đấy là điều sai lầm, họ chỉ né tránh, tưởng rằng đang săn tìm nhưng bản thân mỗi người đang bị săn và không biết lúc nào thì đứt họng. Hiện tượng quái dị, gở ma gở quỷ, trần trụi đến tận xương trong tác phẩm ông không làm tôi giật mình, thấy lạnh ót gáy, bởi hiện thực đời sống còn tàn bạo gấp ngàn lần, quan trọng ai sẽ nhìn thấy và ai đủ can trường để viết xuống, tiên cảm cho một tương lai không hóc xương người.

Yếu tố gia đình, ruột thịt là một mạch ẩn của Tạ Duy Anh. Từ Lão Khổ đến Đi Tìm Nhân Vật, Thiên Thần Sám Hối, Giã Biệt Bóng Tối…, gia đình là nguồn cơn của hủy hoại hoặc cứu vớt, yếu tố gia đình trong không co ro trong mối quan hệ huyết thống bởi nó quá tủn mủn, người lãng du hướng về cái gia đình lớn, giữa người với người (mọi tác phẩm, tính cả các tập chuyện thiếu nhi tưởng chừng vô hại) và giữa người với thiên nhiên (Làng quê đang biến mất).

Đọc văn ông, tôi thấy gần gũi, tựa như một cuốn sách mở vào cuộc sống, tôi được hít thở những hương vị đã thất thoát, bị khai tử khỏi cội nguồn, có lúc tôi tìm thấy sự tương đồng, khi thì học thêm được cái gì đó trong kho kiến thức khổng lồ. Tạ Duy Anh là một khối cô đơn lớn, dĩ nhiên mọi nhà văn đã có ghế ngồi trong óc tôi luôn là những kẻ sống ngoài rìa xã hội, tìm nắng vàng dưới gót sắt, sẵn lòng cắt da mình để thấy máu còn tươi.

Chớ mong đến một nhà văn tử tế hạnh phúc, muôn đời nhà văn vẫn là người rửa lương tri cho người khác. Khổ sở của nhà văn không ai màng, chỉ bản thân y thấy hạnh phúc vì còn biết tim mình đau vì còn đập. Có lẽ, ngoài đời sống, gia đình Tạ Duy Anh rất ổn nhưng ông vẫn ngược dòng, trong quan hệ với đồng nghiệp và bạn bè thì khá hơn nhưng vẫn chẳng bõ.

Bạn bè ông bao nhiêu phần trăm thực sự hiểu tác phẩm của ông, dù hiểu thì họ có bao nhiêu cơ hội tìm thấy chìa khóa đi vào thế giới của ông, ừ, có đi nhưng họ sẽ mở khóa hay chỉ vặn vặn lấy được rồi mất hút như gánh hàng rong chạy công an. Một năm trước, 2017, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết Mối Chúa, với bút danh Đãng Khấu. Sách viết trong ba năm ròng, công bố chưa đầy tháng thì bị thu hồi, số tiền nhuận bút ông đều chuyển thành sách và đem tặng hết, nghĩa là trắng tay.

Cá nhân tôi không đánh giá cao về Mối Chúa, trừ sự ghi nhận đầy tâm huyết của ông với thời cuộc. Hay dở của một cuốn sách không phụ thuộc vào người viết hay người đọc, quyền năng tối thượng của nhà văn chỉ là viết những gì mình muốn nói còn độc giả không nghĩa lý gì ngoài việc ân huệ cho cuốn sách những lời mình nghĩ khi đã đọc.

Mối Chúa, là một cáo trạng về đời sống, trong một sự thật thẳng băng không che đậy. Nhìn hàng tá người đi đi về về chỗ ông xin chữ ký và sách, tôi thấy não nề. Ba năm gầy xác trong một cuốn sách, thế nhân vẫn quen ngược đãi nhà văn hơn là chiều chuộng và đấy là một chân lý, ngai vàng là thứ giết đời nghệ sỹ.

Tạ Duy Anh đến cuộc đời trong bầm dập và mang lại sự lạc quan cho người và cho mình. Chưa bàn đến chất lượng sáng tác hay công đức về lòng dũng cảm đã bảo hộ cho những cuốn sách khó được công khai hiện hữu, chỉ riêng cách sống tử tế của ông đã đáng để thu phục nhân tâm. Chẳng cần đến một tấm gương sáng để người khác noi theo và sao chép như cỗ máy, khi nhìn vào gương, bạn chỉ thấy bản mặt mình, và nếu có, tôi sẽ thọt dái lên cổ và bằng mọi giá tìm bằng được một ông thầy bắt ma cao tay về giúp mình.

Trong những tháng ngày nhàu rách, chẳng ai buồn động đến sách vở, sách giá trị thất thế, sách ẩu rêu nấm khắp nơi như bệnh dịch, ai ai cũng mải chè chén, lâu lâu chửi bới vài lời cho bõ tức, rồi cam chịu trong bàn rượu thì Tạ Duy Anh vẫn cặm cụi viết, âm thầm, một mình và cô độc, tìm kiếm sự tự do đang hấp hối.

                                                                                                                                17.7.2018

                                                                                                                                      Tr. S

Comments are closed.