Thiếu Khanh: Trả lời phỏng vấn về cuốn sách Việt Nam Thời Dựng Nước (*)

Người phỏng vấn: Ký giả Lam Điền

HỎI: Đọc Việt Nam thời dựng nước của K. W. Taylor, thấy có vẻ buổi đầu lịch sử thành văn của nước ta chưa được đào sâu khảo cứu kỹ. Với công việc của người dịch quyển này, lại là người quan tâm về đề tài này, ông nhận thấy tác giả K.W. Taylor có những lợi thế gì khi viết quyển The Birth of Vietnam?

Thiếu Khanh: Thú thật, khi dịch cuốn sách tôi không lưu ý điểm này. Theo lời tác giả, cuốn sách là kết quả của việc ông phát triển luận án Tiến sĩ sử học của mình dựa trên một số tư liệu bổ sung. Nếu tác giả có lợi thế nào đó, có lẽ là về mặt Nguồn tư liệu tham khảo, và khả năng ngoại ngữ giúp ông tiếp cận tư liệu từ các học giả có cùng nghiên cứu bằng nhiều ngôn ngữ khác. Danh mục tư liệu tham khảo của ông gồm “Nguồn Tham Khảo Chính” với 33 tác phẩm Hán Văn, trong đó có 5 tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt,

Ngoài ra, Nguồn Tham Khảo Thứ cấp có 174 tác phẩm và bài báo bằng các ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh và Nhật.

Số tác phẩm tham khảo như thế không thể nói là ít, nhưng chưa phải là nhiều lắm. Cuốn Lịch Sử Việt Nam từ Khởi thủy đến Thế kỷ X trong bộ sách Lịch Sử Việt Nam đồ sộ 15 tập, dày khoảng 10.000 trang của Viện Sử học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam, do Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Duy Mền chủ biên, mục lục tham khảo đã gồm đến 412 tác phẩm và bài viết, chủ yếu là tiếng Việt, chỉ có 39 tác phẩm chữ Hán. Phần tác phẩm tham khảo của các tác giả viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp của sách này chỉ có khoảng 4 hay năm người, mà tác phẩm của họ cũng đã được dịch ra tiếng Việt. (Đặc biệt, cuốn sách The Birth of Vietnam của Tiến sĩ Keith Weller Taylor cũng được liệt kê, nhưng chỉ là một bài điểm sách đăng tên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử). Cuốn sách Lịch Sử Việt Nam tập 1 do Tiến sĩ Vũ Huy Mền chủ biên ra mắt vào năm 2017, sau cuốn The Birth of Vietnam của Tiến sĩ K.W. Taylor 34 năm. Như vậy, nguồn tham khảo của Tiến sĩ Taylor tuy rộng hơn về mặt ngôn ngữ, nhưng tôi không nghĩ đó là lợi thế tuyệt đối.

Tuy cuốn sách của Tiến sĩ Taylor ra đời vào năm 1983 là gần 60 năm sau thời gian phát hiện Văn hóa khảo cổ Đông Sơn, nhưng từ năm 1958 VNDCCH đã có bộ sách Lịch Sử Việt Nam Tập 1: Từ Nguồn Gốc đến Thế Kỷ X của học giả Đào Duy Anh, và VNCH cũng có Việt Nam Thời Khai Sinh của Giáo sư Linh mục Nguyễn Phương của Đại học Huế, nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này. Trừ việc người đi sau có thể “đứng trên vai người đi trước,” có lẽ Tiến sĩ Taylor không có lợi thế đặc biệt nào.

Tuy nhiên, không loại trừ việc tôi chỉ là một dịch giả, không phải là người nghiên cứu sử học nên không nhận ra giữa khoảng thời gian nhiều thập niên “im lặng” của giới sử học Việt Nam (từ sau cuốn sách của học giả Đào Duy Anh xuất hiện sau thời kỳ CCRĐ cho đến bộ sử của Tiến sĩ Vũ Duy Mền ra đời vào năm 2017, cũng gần 60 năm!), mà sự xuất hiện của The Birth of Vietnam là do tác giả của nó có được lợi thế nào đó, như không bị ràng buộc hay hạn chế về tư tưởng chính trị, chẳng hạn?

HỎI: Cùng với những tư liệu, tình tiết lịch sử được Taylor đề cập một cách thú vị, như vai trò của Mã Viện: “cuộc chinh phục của Mã Viện không hề làm cho nước Việt cổ bị tan rã hay băng hoại hoàn toàn; nhưng vẫn tiếp tục tồn tại như một xã hội có tổ chức…”, hay thông tin “có bằng chứng cho thấy hai bà Trưng được thờ cúng ở nhiều vùng bên Trung Hoa trong các thế kỷ về sau”, với ông, quyển sách của K. W. Taylor mang lại những soi sáng hay thay đổi nhận thức nào đáng kể nơi ông?

Thiếu Khanh: Câu hỏi này có hai ý: Ý đầu về hậu quả mà cuộc chinh phục của Mã Viện gây ra trong xã hội Việt Nam thời đó; và ý thứ hai về việc thờ cúng Hai Bà Trưng tại nhiều nơi bên Trung Quốc, “Cuộc chinh phục của Mã Viện không hề làm cho nước Việt cổ bị tan rã hay băng hoại hoàn toàn; nhưng [đất nước] vẫn tiếp tục tồn tại như một xã hội có tổ chức…” không phải là một nhận xét “hay ho” hoặc “đặc biệt” gì cả. Quân Tàu nhiều phen “tận diệt” nước Lâm Ấp bên cạnh ta, sát hại hàng vạn người quân và dân, vơ vét hết của cải của nhân dân, ngay cả các bài vị (bằng vàng) thờ các tiên vương của nuớc này, và chở hết về Tàu, khủng khiếp hơn Mã Viện đánh phá Việt Nam, mà Lâm Ấp đâu có bị tiêu diệt! Trái lại sau vài thế kỷ, họ trở thành nước Champa hùng mạnh một thời. Trong thế chiến 2, nước Pháp bị Đức chiếm đóng và dựng một chính phủ tay sai để cai trị mà nước Pháp có “tan rã” gì đâu?

Bản thân cuộc chiến tranh Việt Nam hết sức khốc liệt vừa qua, đâu có làm cho Việt Nam tan rã! (Tình trạng đất nước ruỗng nát vì tham nhũng hiện nay không thể đỗ lỗi cho cuộc chiến tranh). Mặc dù Mã Viện tàn sát hàng vạn người Việt và vơ vét cướp đoạt tài sản của nhân dân cả nước, kể cả cướp đoạt một “đặc tính” văn minh của người Việt là trống đồng), thì đất nước và nhân dân Việt Nam vẫn còn để gây dựng lại. Vậy, ý thứ nhất là nhận xét của tác giả cuốn sách không cần phân tích hay giải thích gì thêm.

Về ý thứ hai, vài thập niên trước đây, có lần tôi đọc thấy thông tin nhà văn, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Đại Sỹ, viện phó viện Pháp-Hoa, giáo sư Trường Y khoa Arma (Paris) có nhiều năm làm việc cho Ủy ban trao đổi y học Pháp-Á, cho biết trong thời gian ông làm việc bên Tàu, ông có gặp và tiếp xúc một cộng đồng người Việt vài trăm người sống ở đó từ thời Hai Bà Trưng. Họ xưng là hậu duệ của binh sĩ của Hai Bà. Họ nói tiếng Việt cổ, còn giữ một số phong tục Việt và có đền thờ Hai Bà Trưng cùng các nữ tướng của hai bà. Gần đây có lúc “cư dân mạng” ở Việt Nam cũng thấy trên mạng Internet giới thiệu một nhóm người gọi là “Dân tộc Kinh,” được cho là người Việt cổ thời Hai Bà Trưng còn sinh sống bên Trung Quốc. (Thông tin này có thể nằm trong kế hoạch tuyên truyền nào đó của Đảng Cộng sản Trung Quốc?). Nếu trong sách The Birth of Vietnam cũng đề cập thông tin này mà không phải tham khảo từ Tiến sĩ Trần Đại Sỹ (không có tên trong nguồn tư liệu tham khảo) có lẽ tác giả đã tham khảo từ một tư liệu độc lập nào khác. Điều này càng xác nhận sức mạnh sinh tồn của dân tộc Việt Nam, và xác nhận thêm sự đúng đắn lời phát biểu của tác giả ghi trong sách: “Di dân người Hán bị Việt Nam hóa dễ hơn so với chiều ngược lại.” (Việt Nam Thời Dựng Nước, trang 94)

HỎI: Với một khởi đầu như ta thấy trong Việt Nam thời dựng nước, liệu khái niệm “thoát Trung” (đang được nhiều người nhắc đến) có thể hiểu theo nghĩa nào, và theo ông, “thoát” theo cách nào là tiện nhất?

Thiếu Khanh: Dường như hiện nay hoặc là nhiều người không hiểu mình nói gì với hai từ “Thoát Trung” hoặc là họ nghĩ “Thoát Trung” chỉ đơn giản là thoát khỏi sự lệ thuộc về chính trị, thoát khỏi sự kềm hãm nhiều mặt mà Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt lên Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam.

Chỉ thoát khỏi tình trạng đó là khó rồi. Nhưng chừng đó vẫn chưa thoát ra khỏi cái vòng kim cô của văn hóa Trung Quốc đang bóp chặt lấy đầu óc của nhiều người Việt Nam. Vòng kim cô đó là gì? Trước hết, đó là sự tự ti về văn hóa. Ta không tin mình từng có một nền văn hóa độc lập trong tinh thần Vương đạo; nhiều người cứ luôn luôn tin chắc mình lệ thuộc văn hoá Trung Quốc đến nỗi mặc định tất cả tinh thần ta là sản phẩm của văn hóa Trung Quốc. Ta bị “nhồi sọ” rằng người Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hóa của Tàu, rằng cái gì của ta cũng do vay mượn từ Tàu mà có.

Ta tưởng một mình mình là “con nợ” vay mượn, mà không ngờ Tàu cũng vay mượn của ta, hoặc họ và ta cùng chia chung những giá trị văn hóa.

Vào khoảng giữa thế kỷ trước, giáo sư linh mục Kim Định xây dựng một triết thuyết Việt Nho, hay triết thuyết An vi, bị một số người tỏ ra rẻ rúng, coi như tất cả Nho giáo là của Tàu.

Cho đến nay có lẽ không mấy người tin rằng một nền văn hóa Vương đạo rực rỡ mà vài ngàn năm trước hầu hết người Tàu có tri thức đều ngưỡng mộ và đánh giá rất cao, là của giống người Lạc Việt, chớ không phải của Tàu. Người Tàu coi trọng Vương đạo đến nỗi họ vẽ riêng một chữ Quốc để chỉ riêng đất nước của người Việt – có nền Vương đạo đó. Đó là chữ Quốc với một hình vuông có chữ Vương ở giữa.

clip_image002Chúng ta chỉ có thể thực sự ngẩng cao đầu Thoát Trung khi nhận thức rõ giá trị tinh thần của dân tộc mình. Một dân tộc có các vị Hùng Vương và có tinh thần Vương đạo.

(Xem thêm: Thiếu Khanh – The Birth of Vietnam – Dich và ngẫm nghĩ: http://www.art2all.net/tho/tho_tk/TheBirthOfVietnam_DichVaNgamnghi.htm

————————-

(*) Việt Nam Thời Dựng Nước, bản dịch của Thiếu Khanh, từ The Birth of Vietnam của Tiến sĩ giáo sư sử học, K. W. Taylor, do công ty Văn hóa Truyền Thông Nhã Nam xuất bản, 2021.

Comments are closed.