“Bên trong vỏ kén vàng” – Một ngụ ngôn trong thăm thẳm sương mù

Phùng Thị Hạ Nguyên

image

Có những bộ phim tạo ra một khí quyển sống động đến mức khiến ta tan chậm trong thế giới ấy, khó thoát ra khỏi hiện thực ấy, về đến thực tại mà vẫn chóng chánh mơ hồ… “Bên trong vỏ kén vàng” chính là một bộ phim như thế.

1. Câu chuyện Trang Chu mộng thời hậu hiện đại

“Bên trong vỏ kén vàng” đánh thức trong tôi trùng trùng liên tưởng, trong đó có một liên tưởng mạnh mẽ đến điển tích tinh túy nhất của “Nam Hoa kinh” (Trang Tử). Đó chính là câu chuyện ngụ ngôn Trang Chu mộng (hay còn được gọi là “hồ điệp mộng”). Chuyện kể rằng có một hôm Trang Chu mơ thấy mình hóa thành một cánh bướm mỏng manh, thỏa thích bay phấp phới, tự do tự tại. Đến khi tỉnh mộng, Chu lại thấy mình trở lại với xác thân nặng nề, là Chu chứ không còn là bướm nữa. Khi giấc mộng đã khép, Trang Chu vẫn mãi băn khoăn không biết rằng liệu Chu chiêm bao hóa bướm, hay bướm đã chiêm bao ra Chu. Sở dĩ tôi cho rằng câu chuyện Trang Chu mộng này là điển tích tinh túy nhất của “Nam Hoa kinh” là vì tinh thần của câu chuyện đã thâu tóm nội dung cốt lõi của tư tưởng Trang Tử: cuộc đời chỉ là một giấc mộng vô thường, tất thảy đều đang đắm chìm trong một giấc phù sinh.

Câu chuyện mà Phạm Thiên Ân kể trong “Bên trong vỏ kén vàng” cũng là một Trang Chu mộng thời hậu hiện đại. Bộ phim bắt đầu bằng một cái chết đột ngột, nhưng lại mở ra một hành trình tìm kiếm ý nghĩa của sự sống. Cái chết của người chị dâu tên Hạnh đã “bứt” Thiện ra khỏi đời sống mệt nhoài, vô nghĩa của anh ở Sài Gòn để đi sâu vào tâm tưởng của mình. Như bao nhiêu người trẻ xuất thân tỉnh lẻ, Thiện rời một xóm đạo ở Di Linh, Lâm Đồng xuống Sài Gòn mưu sinh. Anh làm công việc quay phim đám cưới, ở trong một phòng trọ bức bối, và thỉnh thoảng tìm vui trong những cuộc nhậu huyên náo, những tiệm xông hơi, mát-xa tươi mát, bình dân. Hay tin chị dâu mất vì tai nạn giao thông, Thiện đến bệnh viện làm thủ tục nhận xác chị, và cưu mang đứa cháu trai chỉ đang tuổi mẫu giáo. Thiện phải đưa chị Hạnh về Di Linh làm đám tang, và phải đi tìm tung tích anh trai mình, kẻ đã đào tẩu khỏi chức phận làm cha, làm chồng, để sống một cuộc đời khác. Bề ngoài, hành trình của Thiện giống như một chuyến đi giải quyết “việc gia đình”: đưa tang chị dâu, gửi cháu trai vào trường mẫu giáo, đi tìm anh ruột để anh thực hiện trách nhiệm làm cha. Nhưng việc làm đám tang cho chị dâu, chăm sóc cháu trai và đi tìm anh ruột thực ra là một “thiết kế” của vũ trụ để giúp Thiện đối mặt trực diện với cuộc khủng hoảng hiện sinh kéo dài mà Thiện luôn né tránh. Thiện là người có đạo, lớn lên ở một xóm đạo bình yên, thậm chí anh trai Thiện còn muốn trở thành tu sĩ để phụng sự Chúa, nhưng càng sống, đức tin của Thiện càng hao mòn, mong manh. Anh sống như một kẻ vô thần điển hình, nhưng lại không nỡ “đoạn tuyệt” với khí quyển nhiệm màu của đức tin. Thiện chênh vênh giữa hai bờ thực – ảo, sống mòn mỏi, bơ vơ, không gia đình, không lí tưởng. Anh ngưỡng mộ những người thuần khiết, sống hạnh phúc với những “ơn gọi” của Chúa; nhưng chính anh lại khước từ cuộc sống ấy, vì có lẽ, không thể ở lâu mãi trong “vỏ kén vàng” … Trong chuyến đi tìm anh trai, Thiện chênh chao giữa giấc mộng và đời thực, có lúc tưởng như anh đang ở giữa một hiện thực sống động thì hóa ra đó chỉ là giấc mơ, có lúc chuyện trong mơ trộn lẫn với thực tế, không còn ranh giới rõ ràng nữa. Việc kể chuyện bằng thủ pháp cắt dán rất mượt của Phạm Thiên Ân đã biến Thiện thành một “Trang Chu” mới – một con người dấn thân vào tâm thức mình để tìm một thái độ sống giữa cuộc đời hỗn mang nhiễu loạn.

Chính chiều sâu tư tưởng ấy đã khiến câu chuyện của “Bên trong vỏ kén vàng” trở thành một câu chuyện phổ quát về con người. Dường như, khi sống đến một độ nào đấy, người ta đều sẽ ý thức được sự vô nghĩa lí của cuộc đời. Những người có đức tin, có tôn giáo, thánh thần, họ chấp nhận được an bài trong xếp đặt của đấng, của ngài. Còn những kẻ vô thần, thường “mắc kẹt” trong những suy tư, trăn trở; thường sẽ mất khá lâu để họ yên ổn thích nghi với sự vô nghĩa của đời sống. Hành trình của Thiện chính là sự mô tả đầy chi tiết và tinh tế, tỉ mỉ của Phạm Thiên Ân khi tái hiện nỗi loay hoay của con người trong cuộc vật lộn hiện sinh.

Cuối phim, đạo diễn vẫn không cho Thiện một giải pháp cụ thể nào cho tình thế của anh ta, ngoài một ẩn dụ về sự rửa tội khi Thiện nằm thả mình giữa dòng suối trong vắt. Có lẽ, cuộc hành trình vừa qua sẽ giúp Thiện được tái sinh. Rồi anh sẽ phải đối mặt với đứa cháu còn đang trứng nước mỏng manh, đứa bé sẽ dạy anh yêu thương, và yêu thương sẽ xóa nhòa những hoài nghi.

2. Những thước phim thôi miên dụ hoặc

“Bên trong vỏ kén vàng” đoạt giải Camera Vàng tại Liên hoan phim Cannes, nên sẽ thật thừa thãi nếu ngợi khen sự sáng tạo trong kĩ thuật quay phim. Tôi chỉ chia sẻ đôi chút cảm nhận của cá nhân mình về sự dẫn dụ của hình ảnh trong phim.

Nếu khán giả Việt đã bội thực với những bộ phim thoại còn nhiều hơi kịch nói, hình ảnh chỉ đóng vai trò minh họa cho lời thoại thì sẽ vô cũng mãn nhãn với những thước phim đậm đặc biểu tượng, ẩn dụ của “Bên trong vỏ kén vàng”. Vốn xuất thân là một người thợ chụp hình, quay phim đám cưới (như chính nhân vật Thiện trong phim), Phạm Thiên Ân đã “kể chuyện” ngay trong mỗi khung hình. Tiết tấu chậm khiến bộ phim giống như một triển lãm ảnh mà “bức ảnh” nào cũng đầy sức nặng tự sự. Phạm Thiên Ân đặc biệt yêu thích tỉ lệ khung hình 1:1 để khắc họa tình thế của các nhân vật: cảnh Thiện đối diện với Thảo – người yêu cũ, nay đã trở thành soeur trong nhà thờ, Thiện đứng sau cửa kính mờ đục u minh, còn Thảo đứng giữa khung cửa mở ra trong vắt bầu trời, như ẩn dụ cho đời sống tinh thần của cả hai. Hay cảnh Thiện ngồi đấu lưng lại với Trung, em trai ruột của Hạnh, Trung không mấy đau khổ sau cái chết của chị gái vì chấp nhận biến cố như một sự an bài của Chúa; còn Thiện cứ mãi băn khoăn rằng nếu có Chúa thật thì tại sao lại đến cơ sự này, sao ngài không che chở cho những con chiên của ngài… Chiều sâu của mỗi khung hình đã lấp đầy sự dàn trải của mạch phim, khiến người xem liên tục suy ngẫm, quán chiếu đời sống và quán chiếu chính mình, để việc xem phim trở thành một đối thoại liên tục, một tương tác đầy vang vọng.

Sự dịch chuyển góc quay từ cận cảnh đến viễn cảnh, từ bao quát núi rừng Bảo Lộc đến sát rạt khuôn mặt Thiện khiến người xem liên tục thay đổi điểm nhìn: có lúc đồng cảm, hóa thân thành Thiện; có lúc lại trở về làm tha nhân hồi hộp theo dõi hành trình huyền ảo của người đàn ông giữa mù sương.

Những cú máy chầm chậm, sâu thẳm giữa bốn bề rừng núi kết hợp với âm thanh xa vắng của cuộc viễn du đôi lúc xóa nhòa ranh giới giữa màn bạc và hiện thực, khiến người xem cũng từ từ tan vào cái không khí huyền ảo của phim. Rời rạp đã vài ngày, nhưng đôi lúc tôi vẫn thấy tâm trí mình vẫn hoài xa vắng, u u minh minh, chưa về hẳn với thực tại.

3. Kết

Trộn lẫn phong cách phim tài liệu với phim truyện; hòa quyện hiện thực với mộng ảo; kịch bản quen thuộc nhưng cũng đầy biến tấu; Phạm Thiên Ân đã vượt xa so với nhiều đạo diễn đương thời ở ngay chính bộ phim đầu tay. Sự xuất hiện của anh ngay tại thời điểm này khiến nhiều người yêu điện ảnh Việt thấy phấn khích và đầy hy vọng. Chúng ta có quyền tin rằng sẽ có thêm thật nhiều những sinh quyển điện ảnh xóa nhòa hiện thực, để nhắc nhở mỗi con người: cuộc đời là vô thường, hãy yêu thương và phụng hiến cho thỏa kiếp người.

Comments are closed.