Thụy Khuê
Chương 11: Faure và Aubaret
1- Alexis Faure và cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine
Năm 1891, Alexis Faure, bí thư của Bộ trưởng Hải quân Pháp Chasseloup-Laubat, xuất bản ở Paris cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine évêque d’Adran, (Đức Giám Mục Bá Đa Lộc) (sẽ dẫn là Faure, Bá Đa Lộc) Augustin Challamel, Paris, 1891.
Vì làm việc dưới quyền Bộ trưởng, nên Faure có điều kiện tham khảo các tài liệu chính trị, quân sự, ngoại giao. Ông đã viết lại cuộc đời giám mục Bá Đa Lộc, nhờ một số tư liệu lưu trữ trong bộ ngoại giao và quốc phòng, đáng chú ý là những văn bản sau đây:
1- Bản ghi chép những điều Bá Đa Lộc tâu vua Louis XVI, với hai yếu tố chính:
– Về những lợi ích mang lại cho nước Pháp nếu đem quân “giúp” Nguyễn Ánh: ngoài sự giàu có về sản vật của nước Nam, Pháp còn chặn đứng sự bành trướng của đế quốc Anh ở Á Châu.
– Tình trạng “tồi tệ” của quân Tây Sơn: nếu đánh là được ngay. Điểm này Bá Đa Lộc hoàn toàn khai man, vì lúc đó Nguyễn Ánh đã bị Nguyễn Huệ đuổi đến bốn lần ra khỏi lãnh thổ. Và có lẽ chính vì điểm man trá này, nên khi biết rõ sự thực, Louis XVI đã bãi bỏ hiệp ước Versailles, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi viết về Bá Đa Lộc.
2 – Bản ghi buổi “khẩu cung” ở Pondichéry, Conway buộc Bá Đa Lộc phải trả lời trước “bộ tư lệnh” về những điểm chiến lược khi đem quân vào Nam Hà: phải tấn công ở đâu, như thế nào, nhưng vị giám mục ú ớ, không trả lời được.
Hai tài liệu này rất quan trọng cho việc tìm hiểu Bá Đa Lộc. Faure “hồn nhiên” đưa ra, nhưng Maybon không thích, cho nên ông chỉ trích Faure không đề xuất xứ các tài liệu, thực ra là có.
3- Faure tìm được danh sách 369 (có chỗ ông ghi 359, nhưng đếm thì đúng 369) người lính đào ngũ, trên các tàu Pháp có dịch vụ ở biển Đông từ 1785 đến 1789, trong số đó chỉ có một sĩ quan, và viên sĩ quan này không đến Việt Nam. Nhờ tư liệu này, chúng ta có thể biết rõ học lực và cấp bậc của những người lính đào ngũ như Puymanel, Lebrun, v.v. Nhưng cái tệ là Faure lại vơ cả con số 369 này vào thành 369 người đến giúp Nguyễn Ánh, một lập luận hết sức sai lầm không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ mổ xẻ vấn đề này trong chương Con số những người lính Pháp đến giúp Gia Long.
Đó là ba điểm hữu ích mà cuốn sách của Faure có thể giúp chúng ta rọi sâu vào sự nghiệp Bá Đa Lộc và những người lính Pháp.
Nhưng sách của Faure còn có những khía cạnh xuyên tạc lịch sử trầm trọng mà chúng ta cần biết:
1- Faure đã đọc bài Introduction của Sainte-Croix trong Archives des Affaires étrangères, fonds Indes Orientales (Văn khố Ngoại giao, đề tài Đông Ấn) trước Maybon gần 30 năm. Faure sẽ dùng hoàn toàn luận điệu của Ste-Croix (kẻ nhầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh) và tô điểm thêm để vẽ chân dung Bá Đa Lộc, như người thầy của Nguyễn Ánh, tôn Bá lên thành Richelieu của Gia Long.
2- Faure tìm thấy trong Archives des Affaires étrangères, fonds Indes Orientales, những bản báo cáo của de Guignes, một nhân viên hay điệp viên (nguyên tiếng Pháp là agent) ngoại giao của Pháp tại Quảng Đông, gửi về Bộ Ngoại Giao Pháp; nhưng ông nâng cấp cho de Guignes thành lãnh sự (consul). De Guignes được Faure giới thiệu là người “hiểu rõ tình hình Nam Hà”. Nếu đọc những bản báo cáo này, ta thấy Guignes cũng chỉ cung cấp những tài liệu “giá trị” kiểu Ste-Croix, nếu làm điệp viên cho chính phủ Pháp, thì chỉ là một điệp viên tồi. Nhưng một số “thông tin” của de Guignes sẽ là nền tảng cho câu chuyện “Le Brun là nhà thiết kế đô thị đầu tiên và Puymanel là kiến trúc sư xây tất cả những thành trì Vauban ở Việt Nam”. Đó là hai tác hại chính trong cuốn sách Bá Đa Lộc của Alexis Faure.
Khởi thuỷ của việc Le Brun và Puymanel trở thành “kỹ sư và kiến trúc sư” xây dựng thành trì
Trong số những báo cáo của nhân viên hay điệp viên de Guignes gửi về Bộ Ngoại Giao Pháp, bản viết ngày 29/12/1791, có câu: “Các ông Olivier và Le Brun, sĩ quan Pháp, đã cho ông ta [Nguyễn Vương] một cái bản đồ thành đài. (Chúng tôi nhấn mạnh) (MM Olivier et Lebrun, officiers francais, lui donnèrent un plan de ville fortifiée). Câu này là khởi thuỷ của tất cả những xác định: Le Brun và Olivier xây thành Gia Định, Olivier xây thành Diên Khánh, từ Trương Vĩnh Ký đến Nguyễn Đình Đầu.
Trương Vĩnh Ký, tiếp nhận những “thông tin” trong sách của Faure, đưa vào cuốn Biên tích đức thầy, Pinho Quận Công, Sài Gòn, 1897.
Taboulet chép lại bản báo cáo của agent de Guignes trong bộ sách La geste francaise en Indochine, (1955) và biến nó thành một tài liệu chính thức, với cái tít: Ông Lãnh Sự Pháp ở Quảng Đông gửi ông Bộ trưởng Ngoại Giao, (Taboulet, I, t. 242) và thêm thắt vào để chính thức hoá bản báo cáo này thành một “tư liệu lịch sử”.
Tạ Chí Đại Trường, chép lại Taboulet, chính thức hoá thêm một lần nữa “sự kiện” Olivier de Puymanel và Lebrun “xây” thành Gia Định, biện hộ cho lập luận của Pháp và xác định luôn rằng Puymanel xây cả thành Diên Khánh.
Nguyễn Đình Đầu, dựa theo các sách của Trương Vĩnh Ký, Taboulet và Tạ Chí Đại Trường để xác nhận Lebrun là “kỹ sư thiết kế đô thị đầu tiên” của Việt Nam.
Chúng tôi sẽ khai triển những vấn đề này trong chương 12: Ai xây các thành Gia Định và Diên Khánh.
Tóm lại, Faure, năm 1891 đã dùng tài liệu của Ste-Croix và de Guignes rồi thổi phồng lên để kết luận: Bá Đa Lộc là Richelieu của Gia Long và Puymanel và Le Brun là thuỷ tổ việc xây thành quách ở Việt Nam.
Tiến trình Puymanel từ binh nhì, thành sĩ quan, rồi tham mưu trưởng quân đội Nam Hà
Faure là người “hồn nhiên”, ông không mưu tính sâu sắc như học giả Maybon, vì vậy, những thông tin ông đưa ra, có cái thật, có cái ông tưởng là thật, có cái ông thổi phồng quá lố vì thiếu tế nhị, nên chúng ta phải cẩn thận khi dùng tài liệu của ông.
Trước hết, cấp bậc của Oliver de Puymanel và Le Brun trước khi đào ngũ, chính Faure đưa ra, vì ông chép lại trong hồ sơ của bộ quốc phòng, thì không thể sai được.
Về Olivier de Puymanel, Faure viết:
– “La Dryade tới đảo Côn Lôn ngày 15/9/1788, để lại đây cha Paul Nghị [Hồ Văn Nghị], người thân cận của Bá Đa Lộc và 10 lính thuỷ Nam Hà được đưa [từ Pondichéry] về xứ. Tàu cũng để lại một ngàn súng được mua từ Pháp cho vua Nam Hà. Tàu mất ở đây một lính tình nguyện binh nhì, ông Olivier de Puymanel đào ngũ cùng vài thủy thủ bắn pháo. Người lính tình nguyện trốn thoát ngày (19/9/1788) ở Côn Lôn, chẳng bao lâu sẽ nổi tiếng ở Nam Hà, sẽ trở thành Vệ uý Olivier de Puymanel.
Olivier de Puymanel lúc đó 20 tuổi, sinh tại Carpentras tháng 4/1768, con của Augustin Raymon và Francoise-Louise Vitalis. Người ta không biết thêm gì nữa về tình trạng hộ tịch và gia đình của anh. Chỉ chắc chắn rằng, Giám mục Bá Đa Lộc đã tất nhiên chú ý và thích anh trong chuyến vượt biển trên tàu La Dryade [đi từ Orient đến Pondichéry, khi Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh từ Pháp về năm 1788] bởi vì người không ngần ngại trao cho anh chức Tham mưu trưởng quân đội Nam Hà (Chef d’Etat Major de l’Armée Cochinchinoise) và anh đã thực thi nhiệm vụ một cách cao cả tới chết, tại Malacca, nơi anh đi công vụ, ngày 23/3/1799”. (Faure, Bá Đa Lộc, Chương 17, t. 199-200).
Chúng ta thấy ngay, trong chỉ có mấy hàng cách nhau, mà Faure đã tăng chức cho Puymanel từ binh nhì lên “Tham Mưu Trưởng quân đội Nam Hà” vì được Đức Cha Bá Đa Lộc chú ý đến! Trừ việc ấy, những điều khác đều dùng được.
Bức chân dung này sẽ được người ta chép lại, trích dẫn, sửa đổi, theo nhu cầu. Ví dụ: người ta hoàn toàn “quên” xuất xứ binh nhì, đào ngũ, của Puymanel, chỉ giữ lại chức “Tham mưu trưởng quân đội Nam Hà”. Một ngàn khẩu súng Gia Long mua, sẽ biến thành “1000 khẩu súng do Bá Đa Lộc mua về giúp Gia Long”, v.v. trong sách của các sử gia Pháp Việt. Riêng việc Puymanel làm “Tham mưu trưởng quân đội Nam Hà”, sẽ được tô vẽ đủ kiểu, tùy theo tác giả, từ Trương Vĩnh Ký, Cosserat, Maybon, Cadière, Taboulet, đến Tạ Chí Đại Trường…
Tiến trình Le Brun từ binh nhất lên “kỹ sư thiết kế đô thị đầu tiên của Việt Nam”
Về Le Brun, Faure viết những đoạn sau đây:
1- “Le Brun (Théodore), lính tình nguyện binh nhì (cấp bậc ngày 8/2/1788) lên tàu La Méduse ngày 19/6/1788”. (Faure, Pièces justificatives, t. 241).
2- “Tên những lính thuỷ đào ngũ, hoặc bị đuổi trong hành trình, là: “Le Brun (Théodore), lính tình nguyện binh nhất (cấp bậc ngày 1/1/1789), vào bệnh viện Pondichéry ngày 28/6/1788, ra ngày 28/8/1788. Ngày 13/1/1790, xuống Macao và ở lại; nợ ông Nicolas Lolier 45 piastres à 5, 8 (?), tính là 243 livres…” (Faure, Pièces justificatives, t. 243).
3- “Brun (Théodore), lính tình nguyện binh nhất (cấp bậc ngày 1/1/1789), lên bờ ở Macao ngày 13/1 và ở lại đây. Lính tình nguyện Le Brun chẳng bao lâu sẽ sang Nam Hà với bạn là Olivier de Puymanel” (Faure, chương 17, t. 205-206).
4- “Chắc chắn rằng người lính tình nguyện binh nhất Le Brun không ở lại Nam Hà quá 15 tháng. Le Brun bỏ đi, không phải vì vua tiến binh chậm quá [như de Guignes nói] mà bởi vì anh thấy vua trả lương ít quá, và nhất là anh không chịu làm việc dưới quyền Olivier, chỉ là lính tình nguyện binh nhì, mà nay trở thành Tham mưu trưởng quân đội Nam Hà, điều khiển anh” (Faure, chương 18, Note số 2, t. 215).
Theo những ngày tháng trên đây, ta có thể tóm tắt rằng: ngày 13/1/1770, Le Brun đến Macao rồi ở lại. Sau đó tìm cách sang Việt Nam. Le Brun phải đến Gia Định trước ngày 27/6/1790, là ngày được nhận chức cai đội. Trên văn bằng thấy ghi như sau:
“Hoàng thượng thấy tài trí và khả năng của Theodore Le Brun, quốc tịch Pháp, ân sủng cho bằng văn bằng này, cấp kỹ sư, danh nghiã Khâm sai cai đội thanh oai hầu. Hoàng thượng giao cho việc bố phòng đồn luỹ trong nước và lệnh cho lấy tất cả mọi phương tiện để bảo đảm an toàn. Nếu vì bất cẩn, không thi hành nhiệm vụ, sẽ bị trừng trị theo đúng pháp luật.” Ngày thứ 15, tuần trăng thứ năm, Cảnh Hưng thứ 51 (27/6/1790) (Louvet, La Cochinchine religieuse, Ernest Leroux, Paris 1885, Pièces justificatives, t. 531).
Như vậy khi Le Brun đến Gia Định, thành Gia Định đã làm xong. Thực Lục, ghi ngày Kỷ Sửu [9/3 Canh Tuất, tức 22/4/1790], Trịnh Hoài Đức ghi ngày 4/2/ Canh Tuất [tức 19/3/1790], đắp thành đất Gia Định. Chỉ có 10 ngày đắp xong. Vậy Le Brun nhập vào hàng ngũ quân đội của Nguyễn Ánh lúc nào? Và vẽ bản đồ thành Gia Định lúc nào? Mà trong hầu hết sách Tây, ta đều thi nhau chép Le Brun là người vễ bản đồ thành Gia Định?
Nếu Le Brun chỉ ở không đầy 15 tháng như Faure viết, thì y bỏ đi vào khoảng giữa năm 1771. Theo Faure, vì chê lương ít, và vì phải làm dưới quyền của Puymanel. Nhưng có lẽ còn có một lý do nữa, nếu đọc văn bằng trên đây, ta thấy ghi “kỹ sư”, vì vậy vua giao cho việc bố phòng đồn lũy. Như hầu hết các lính đào ngũ này, khi đến Việt Nam đều khai man là sĩ quan và có bằng cấp, nên vua cho chức cai đội, tương đương với capitaine, nhưng ít lâu sau, có thể Le Brun không có khả năng làm công việc của mình, bị đuổi, hoặc tự ý bỏ đi.
Điều mà chúng ta thấy rõ nhất ở đây: không phải chỉ có lính đào ngũ khai man với vua để nhận chức cai đội, mà những người viết sử thực dân, đã dựa vào sự khai man, tự tiện thăng chức cho những người này, bất kể lô-gích, rồi người Việt cứ thế chép lại, không mảy may kiểm chứng.
Chúng tôi đã chứng minh Ste-Croix, dựa vào lời kể bịa đặt của Dayot để tự thăng chức cho mình và Puymanel trong chương 10 viết về Ste-Croix, ở đây Faure cũng biạ đặt trắng trợn không kém:
Ở chương 18, Note số 2, t. 215, Faure viết: Le Brun là binh nhất, Olivier là binh nhì, thì trước đó 5 trang, ở chương 17, trang 210, ông đã viết:
“… số lính thuỷ Pháp bỏ tàu trong khi thi hành nhiệm vụ, lên tới 359 tên, mà hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả đều đầu quân cho vua Nam Hà, và trở thành linh hồn của bộ binh và thủy binh xứ này. Trong số đó, có những sĩ quan, những sinh viên sĩ quan, đủ khả năng chỉ huy như các ông Olivier de Puymanel, Le Brun, Guillon, Magon de Médine, Tardivet, Malespine, Dayot, những người này, dưới tay Giám Mục Bá Đa Lộc, mỗi người, với khả năng của họ, sẽ góp phần xây dựng lại vương quốc Nam Hà, mau chóng khôi phục sức chiến đấu của nước này đến thắng lợi và chẳng bao lâu nghiền nát cuộc nổi loạn vũ bão do anh em Tây sơn khởi xướng và cầm đầu.” (Faure, Chương 17, t. 210).
Từ con số 359 [có chỗ ghi 369] người lính Pháp đào ngũ ở vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương mà Faure kiếm ra (trong số đó chỉ có một sĩ quan, không đến Nam Hà) mà ông dám quả quyết “tất cả” những người này đều đầu quân theo Nguyễn Ánh, như thể cả vùng Châu Á Thái Bình Dương chỉ có mình Nguyễn Ánh mộ quân! Sau đó, ông thăng chức cho họ từ “binh nhì, binh nhất”, lên hàng “sĩ quan” có khả năng chỉ huy, lãnh đạo, rồi trở thành “linh hồn của bộ binh và thuỷ binh của xứ này”; sau cùng, ông kết luận: chính những người này đã “góp phần xây dựng lại vương quốc Nam Hà, nghiền nát Tây Sơn”! Tất cả chỉ trong có 8 dòng chữ. Thực chưa từng thấy hiện tượng binh nhất, binh nhì nào mà tiến nhanh như thế, trong lịch sử quân đội loài người.
Faure phong thánh cho giám mục Bá Đa Lộc
Sau Ste-Croix, Faure với những “thông tin” như vậy đã tạo thành một cuốn sách phong thánh linh mục Bá Đa Lộc và đưa Puymanel, Dayot lên tột đỉnh. Theo Faure, thì vị Giám Mục đã giữ địa vị thống soái quân đội Nam Hà ngay từ 1779-1780:
“Sự phòng thủ Sài Gòn do Giám Mục điều khiển, người đã ứng chiến làm Bộ trưởng Chiến tranh. Dưới sức xung động mạnh mẽ của người, [bộ này] đã được phát triển trong vài năm yên tĩnh vừa qua” (Chương 3, t. 41). Câu này hoàn toàn “sáng tác”, dựa theo những lời tưởng tượng của Ste-Croix.
Tiếp đó, Faure hùng hồn mô tả các trận đánh do vị giám mục cầm quân, có trận chết như rạ, nhưng thiên tài của vị giám mục bao giờ cũng sáng tỏ. Vua đi theo “người” trong tất cả hành trình sôi nổi này và công trình lớn nhất là “người” đã cứu vua thoát chết, đã đem hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, Faure viết:
“… Như đức Hồng y giáo chủ Richelieu [đối với vua Louis XIII], đức giám mục Bá Đa Lộc trực tiếp thương lượng với các cường quốc bên ngoài, tổ chức các hạm đội và quân đội, lãnh đạo hoặc chỉ huy những đoàn quân lớn, có thể tính đến 50.000 người mà không sợ nói quá. Cũng như đức Hồng y Richelieu, đức giám mục Bá Đa Lộc có đoàn vệ binh riêng, có cờ lệnh riêng bằng lụa đỏ (những khâm sai của giáo hoàng kế nhiệm ông ở nước Nam, đã giữ gìn lá cờ cẩn thận, nhưng có lẽ, do lệnh trên, không cho ai xem), ông đi tiên phong ra trận; lá cờ lệnh được treo cùng với cờ trắng của vua trên các chiếm hạm. Theo ông Bissachère, trong những hội đồng chiến tranh và các buổi họp khác, đức cha luôn luôn ngồi cạnh và ngang hàng với vua. Vậy ta có thể nói, đức giám mục Bá Đa Lộc là vị giáo chủ chiến tranh cuối cùng của lịch sử chúng ta” (Chương 18, t. 220-221).
Faure lầm đấy, không phải Bissachère viết câu: “đức cha luôn luôn ngồi cạnh và ngang hàng với vua” mà là Ste-Croix, y viết câu này vì lầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh!
Vẫn theo Faure: “Đức giám mục thấy vấn đề quân sự là cốt yếu nhất và khẩn thiết nhất, nên người cho Dayot làm tư lệnh hải quân với chức vụ hải quân đại tá”. (Chương 18, t. 217).
Lại lầm nữa: Dayot, bị kết án tử hình vì tội làm đắm tàu, phải trốn đi, đã tự phong chức cho mình và kể lại với Ste-Croix.
Faure viết tiếp: “Sau thủy binh, Đức giám mục Bá Đa Lộc để tâm tổ chức bộ binh, hồi đó chỉ là những băng đảng. Người thanh niên Olivier de Puymanel trở thành đại diện đặc trách nhận lệnh trực tiếp của Đức Cha, nói cách khác Olivier là Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội dưới quyền điều khiển của Đức Cha.” (Chương 18, t. 221).
Từ Tham mưu trưởng (Chef d’etat major) lại được thăng Tổng Tham Mưu Trưởng (Chef d’état major général) !
Rồi ông tưởng nhớ Puymanel: “Người sĩ quan chết ở tuổi 31 này, đã hoàn tất ở Nam Hà một công trình đồ sộ, những ai biết rõ bao nhiêu thành trì Vauban mà ông đã xây trong thời kỳ 10 năm, đều ngưỡng mộ, kính phục” (Chương 17, t. 200-201).
Lời hoang tưởng vô bằng cớ này: bao nhiêu thành trì Vauban mà Puymanel đã xây trong 10 năm, của Faure sẽ được người ta chép lại, đặc biệt học giả Cadière.
Sau đây, ông hăng hái kể tiếp câu chuyện giám mục Bá Đa Lộc lập “trường võ bị”:
“… Phải tạm thời hạn chế, thành lập một đội quân 3000 người, do những người lính thuỷ mà Đức Giám Mục đem về, thường trực tập luyện cho họ. Người nghĩ rằng số quân đội nòng cốt này chưa đủ, [tuy vậy] trong khi chờ đợi, nó phải là một trường quân sự cho lính và nhất là cho sĩ quan bản xứ, tuyệt đối không biết gì về thuật đánh giặc.
Để khai tâm cho chúng về thuật này, chính người đã dịch và chú thích những sách Pháp thích hợp sang chữ nôm (idiome cochinchinois); những cuốn sách này nhiều bản còn rải rác đâu đó, người ta đã lầm khi giấu đi, như đã từng giấu lá cờ lệnh vinh hiển của đức cha. Olivier de Puymanel lại hân hạnh được đức cha chọn điều khiển trường võ bị tổng hợp này, ở đó phát xuất những sĩ quan và hạ sĩ quan người bản xứ, đã học về quy luật trận địa, họ sẽ thể hiện giá trị và kinh nghiệm ấy trên chiến trường” (Faure, Chương 18, t.221-222).
Cả đoạn này sẽ biến thành “các sĩ quan Pháp huấn luyện và cải tổ quân đội Nguyễn Ánh theo lối Tây phương” mà ta có thể đọc được ở hầu hết mọi tác giả Việt Pháp!
Chưa hết, Faure còn kể tiếp: hai vị tướng nổi tiếng Kaô-Kôun [chưa biết là ai, có thể ông muốn chỉ Nguyễn Văn Thành] và Taô-Koun [chắc là Võ Tánh, vì đoạn sau nói đến việc tử tiết trong thành Qui Nhơn] cũng xuất thân từ trường võ bị của GM Bá Đa Lộc, do Puymanel điều khiển! Vẫn theo Faure, cạnh trường võ bị, còn có trại Mộ binh, do Laurent Barisy chỉ huy! (Faure, chương 18, t. 222-223)
Và sau đây là “sự kiện” Bá Đa Lộc xây thành Sài Gòn và quyết định xây các thành Vauban:
“Trong khi tổ chức quân đội và thủy quân, Giám Mục Bá Đa Lộc không bỏ quên sự củng cố các thành đài trong hệ thống phòng thủ. Thành cũ Sài Gòn xây dưới sự điều khiển của người mười năm trước, được sửa chữa và mở rộng lớn lao thêm theo những bản đồ mới. Người cũng quyết định chương trình kiến thiết các thành Vauban, sẽ được xây ngay ở Vĩnh Long, Hà Tiên, Châu Đốc, Mỹ Tho, Biên Hoà, v.v… để che chở cho những vị trí chính yếu của cả xứ, tránh những xúc phạm của quân thù, đến từ Tây hay Đông, từ Xiêm La hay Bắc Hà.” (Faure, chương 18, t. 224).
Đọc một số trích đoạn trên đây đã quá đủ để thấy rõ “tinh thần” tác giả:
Toàn thể quân đội thủy bộ của Nguyễn Ánh đều do đức GM Bá Đa Lộc tạo ra! Những “sĩ quan”, “kỹ sư”, “kiến trúc sư” Le Brun, Puymanel, Dayot, Barisy… là nòng cốt xây dựng nên quân đội Nguyễn Ánh! Tiếc rằng các sách đức giám mục dịch ra, không biết kẻ nào giấu đi, khiến nay không còn vết tích! Chúng giấu sách dịch của đức cha cũng như chúng giấu cờ hiệu xông trận của đức cha vậy!
Những “sáng tác” về “công ơn trời biển” của Bá Đa Lộc và các “sĩ quan” Pháp, xuất phát từ cuốn Bá Đa Lộc của Faure mà ra, sẽ được nhiều người chép lại, xé lẻ, tô điểm thêm rải rác khắp nơi, trở thành những “sự thật”.
Tạ Chí Đại Trường: Bá Đa Lộc dạy Đỗ Thanh Nhơn dùng lựu đạn
Tạ Chí Đại Trường là người không những chấp nhận vai trò “lãnh đạo” của Bá Đa Lộc, thầy của Nguyễn Ánh, thông qua Faure, Taboulet, mà ông còn đưa thêm những tin “inédit” rất lạ như: nửa đêm Nguyễn Ánh đi tìm Bá Đa Lộc để “hỏi ý kiến” về việc giết Đỗ Thanh Nhơn, mà chúng tôi đã nói trong chương trước.
Ở đây, ta thử xem Tạ Chí Đại Trường kể lại chuyện Bá Đa Lộc xoay được hai chiếc tàu Bồ cho Nguyễn Ánh và dạy Đỗ Thanh Nhơn dùng lựu đạn như thế nào.
Trong chương tựa đề “Kỹ thuật Tây phương rụt rè bước vào chiến tranh Nam Hà” (Lịch sử Nội chiến Việt Nam, t. 106-115), có đoạn văn sau đây mô tả Bá Đa Lộc “phân trần” về hành động can dự vào chiến cuộc Đại Việt như thế nào:
“Trong khi phân trần về hành động đã can dự vào chính trị Đại Việt, Giám mục D’Adran chứng minh cho ta thấy xác nhận trên trong bức thư đề ngày 26-7-1779: “Hai chiếc tàu từ Macao đến Bassac trong năm nay để buôn bán… Một người Trung Hoa đưa ý kiến với ông lớn của xứ Cochinchine cho ông ta biết rằng tàu chứa đầy đại bác, diêm tiêu, lưu hoàng và các thứ khí giới, đạn dược khác. Ông quan mà tôi rất quen đó đương hết sức cần các thứ hoàng hoá này, vội vã bắt tôi viết thư cho các quan coi tàu yêu cầu họ bán cho ông hết hay một phần. Hay nếu có thể, họ đem tàu giúp xứ Cochinchine; đổi lại, họ được hưởng quyền ghé bến và những quyền lợi khác nữa”. (TCĐT chú thích: Ông quan lớn này là Đỗ Thanh Nhân)
Tuy các vị chủ tàu có phàn nàn về thái độ tham dự của Bá Đa Lộc, cách giao thiệp này cũng đưa tới kết quả là vào khoảng tháng hè 1781 trong cuộc duyệt binh tháng 5 Tân Sửu với không dưới 3 vạn quân, 80 thuyền đi biển, 3 đại chiến thuyền, sử quan ghi rõ có hai chiếc tàu tây (Tây dương thuyền).
Thực ra, Bá-đa-lộc và các LM giòng Franciscain ghi nhận tới 3 chiếc tàu Bồ đào nha chở đầy binh lính, khí giới, súng đạn và lương thực. Chính Bá-đa-lộc, “bằng cách nói chuyện chơi” cũng đã du nhập kiến thức, kỹ thuật mới vào Gia định khi ông dạy Đỗ thanh Nhân lối dùng lựu đạn, làm giúp một thước đo góc đạc điền, một rapporteur, một ống loa, một dụng cụ thiên văn (?) và những dụng cụ toán học khác… Hơn nữa, ông còn cho người giúp việc của ông, Mãn-noài, Emmanuel… một tay lính thuỷ breton, sang phụ tá Nguyễn Ánh, điều khiển một chiếc tàu Bồ.” (Lịch sử Nội chiến Việt Nam, t. 106-107).
Đoạn văn trên có vẻ quan trọng nhưng hơi khó hiểu. Chúng tôi xin tóm tắt mấy ý chính:
Có hai tàu buôn vũ khí ở Macao đến Nam Hà. Đỗ Thanh Nhơn muốn mua, nhờ Bá Đa Lộc viết thư cho thuyền trưởng, đề nghị họ bán cả tàu hoặc một phần cho ông, hoặc đem “cả tàu về giúp” Nam Hà thì sẽ được quyền vào cảng không phải đóng thuế. (?)
Các chủ tàu phàn nàn về “thái độ tham dự” (?) của Bá Đa Lộc.
Cách “giao thiệp” này đưa đến kết quả là cuộc duyệt binh năm hè năm 1781 (?).
Bá Đa Lộc ghi nhận không phải hai mà ba tàu Bồ Đào Nha “chở đầy binh lính khí giới và lương thực” (?).
Chính “Bá Đa Lộc “bằng cách nói chuyện chơi” đã du nhập kiến thức kỹ thuật mới của Tây phương, “dạy Đỗ Thanh Nhơn dùng lựu đạn”, v.v.
Tuy đã tóm tắt lại, nhưng những chỗ đánh dấu hỏi vẫn còn khó hiểu, chúng tôi phải tìm lại lá thư của Bá Đa Lộc, xem ông viết gì. Sau đây xin dịch nguyên văn lá thư này:
“26/7/1779
Pierre-Joseph-Georges, giám mục Adran, Đại lý giáo hoàng ở Nam Hà, Cao Mên và Chàm, gửi tới tất cả những ai cần biết, lời chào.
Năm nay [1779] có hai tàu buôn [Bồ] từ Macao đến Bassac [Cà Mau], một người Hoa báo ngay cho quan đại thần Nam Hà biết tàu chở đại bác, salpêtre, lưu huỳnh và nhiều quân nhu khác. Vị quan này, rất thân với tôi, đang cần đến tất cả những hàng hoá này, khẩn khoản nhờ tôi viết thư cho các thuyền trưởng, đề nghị họ bán cho ông một phần hay tất cả, hoặc cứ đem tàu ghé thẳng vào Nam Hà, sẽ được miễn các thứ thuế nhập khẩu. Tôi làm giúp và hai vị thuyền trưởng này, lúc từ Cao Mên trở lại, đã gửi ngay những người lái tàu sang điều đình với ông quan, xong việc, cả hai hoa tiêu đều bằng lòng, một người quay về Bassac một người ở lại đây. Còn tôi, sau khi làm xong việc giới thiệu các thuyền trưởng với ông quan, tôi đi thăm một phần giáo phận của tôi, vì các tu sĩ và giáo dân đang đợi từ một tháng nay.
Những vị thuyền trưởng khi đến đây cùng với tàu của họ lại tưởng rằng tôi cốt ý tránh và than phiền thái độ của tôi đối với họ. Lại được một giáo sĩ, có ác cảm với tôi, phụ hoạ, họ bảo rằng:1- Họ nghi tôi muốn cướp quyền tự do của tàu [Bồ] ở Macao đến buôn bán ở đây. 2- Họ than phiền tôi làm vài việc xấu với vua Cao Mên. 3- Họ buộc tội tôi dạy người Nam Hà cách đúc đại bác, làm bom và những khí giới khác…”[1] (Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Launay, III, t. 75).
Lá thư này được Launay in lại và được trình bày dưới tựa đề: “Vụ tàu Bồ Đào Nha, tuyên bố của đức GM Bá Đa Lộc (Affaires des vaisseaux portugais, Déclaration de Mgr Pigneaux)”.
Lời tuyên bố Ba Đa Lộc trên đây là để phản bác và trình bày cho mọi người biết sự thể đã xẩy ra, về ba “tội” mà vị giám mục bị người Bồ tố cáo, là:
1- Họ nghi ông cướp quyền tự do của tàu [Bồ] ở Macao đến buôn bán tại Nam Hà.
2- Họ than ông làm những việc xấu với vua Cao Mên.
3- Họ buộc tội ông dạy người Nam Hà cách đúc đại bác, làm bom và những khí giới khác.
Vì vậy, Bá Đa Lộc phải viết bản tuyên ngôn này để bảo vệ danh dự thầy tu, đại lý giáo hoàng.
Tuy ông không nói rõ địa danh “ở đây” là đâu, nhưng ta có thể đoán đó là Hà Tiên, vì Hà Tiên ở trên đường biển từ Macao đến Cao Mên và ở cạnh Cà Mâu; và câu “một người Hoa báo ngay cho quan đại thần” thì chắc là người Minh hương ở Hà Tiên báo cho quan trấn thủ.
Không hiểu tại sao một lá thư viết khá rõ ràng, rành mạch như vậy, lại được Tạ Chí Đại Trường hiểu và viết lại như trên kia. Lối viết sử như thế này thật đáng ngại:
1- Vì ông hiểu sai câu chữ (xem bản tiếng Pháp ở chú thích), ví dụ câu “hoặc có thể đưa tàu ghé vào Nam Hà, sẽ được miễn các thứ thuế nhập khẩu” lại được ông hiểu thành: “đem tàu giúp xứ Cochinchine; đổi lại, họ được hưởng quyền ghé bến và những quyền lợi khác nữa”. Hai thuyền trưởng làm sao có thể đem tàu “giúp” xứ Cochinchine được, họ có phải là chủ tàu đâu, và “biếu” tàu rồi cũng chỉ được quyền ghé bến và những quyền lợi khác là gì? Ai lại đem cho không tàu, để đổi lấy quyền “ghé bến”?
2- Ông tiếp tục hiểu sai nữa, khi viết: “Tuy các vị chủ tàu có phàn nàn về thái độ tham dự của Bá Đa Lộc”. Hai thuyền trưởng này (họ không phải là chủ tàu) chẳng hề phàn nàn về “thái độ tham dự” nào của Bá Đa Lộc cả, họ phàn nàn vì ông Bá không ở lại Hà Tiên (hay Gia Định, vì trong văn bản, Bá không nói rõ nơi) để đón họ mà lại đi mất.
3- Từ cái sai trên, Tạ Chí Đại Trường còn móc nối thêm nữa: ông cho rằng “cách giao thiệp này” (được hiểu là nhờ cách giao thiệp với tàu Bồ, khiến họ “nộp không” hai chiếc tàu “giúp” Nam Hà, để “lấy quyền vào cửa miễn thuế”) đã đưa đến kết quả là cuộc duyệt binh năm 1781 với “3 vạn quân, 80 thuyền đi biển, 3 đại chiến thuyền, sử quan ghi rõ có hai chiếc tàu tây (Tây dương thuyền)”… Nói khác đi, nhờ Bá Đa Lộc “khéo giao thiệp” nên được hai chiếc tàu Bồ cho không, vì thế Nguyễn Ánh mới tổ chức được cuộc duyệt binh năm 1781 với hai tàu Tây Dương! Và không phải chỉ có hai, “thực ra, Bá-đa-lộc và các LM dòng Franciscain ghi nhận tới 3 chiếc tàu Bồ đào nha chở đầy binh lính, khí giới, súng đạn và lương thực”. Một sự suy diễn như thế này thì thực là đáng ngại.
4- Nhưng đoạn sau cùng còn tệ hơn nữa:
“Chính Bá-đa-lộc, “bằng cách nói chuyện chơi” cũng đã du nhập kiến thức, kỹ thuật mới vào Gia định khi ông dạy Đỗ thanh Nhân lối dùng lựu đạn, làm giúp một thước do góc đạc điền, một rapporteur, một ống loa, một dụng cụ thiên văn (?) và những dụng cụ toán học khác… Hơn nữa, ông còn cho người giúp việc của ông, Mãn-noài, Emmanuel… một tay lính thuỷ breton, sang phụ tá Nguyễn Ánh, điều khiển một chiếc tàu Bồ.”
Muốn hiểu rõ cái sai của đoạn này, chúng ta cần nhìn lại lịch sử trước đó:
Kể từ tháng 6/1775, Bá Đa Lộc được Mạc Thiên Tứ cho chính thức lập trụ sở tại Hòn Đất (Hà Tiên). Vị đại thần mà Bá Đa Lộc nói đến ở đây, chỉ có thể là Mạc Thiên Tứ (1718-1780), quan trấn thủ Hà Tiên, công thần nhà Nguyễn, là ân nhân của Bá Đa Lộc, đã cho phép ông lập trụ sở và giảng đạo khắp Hà Tiên. Không thể là Đỗ Thanh Nhơn như Tạ Chí Đại Trường tưởng, bởi vì không có gì chắc là Bá Đa Lộc lại rất thân với Đỗ Thanh Nhơn, một ông tướng có công, có tài, nhưng tàn ác giết người như ngoé mà tác giả Sử Ký Đại Nam Việt gọi là “tướng cướp”, nên Nguyễn Ánh mới phải giết đi.
Bá Đa Lộc dùng chữ rất chính xác, ông viết rõ “grand mandarin” (quan đại thần), chứ không viết “grand général” (đại tướng).
Bá Đa Lộc trình bày rõ ràng: ông chẳng làm gì trở ngại cho việc buôn bán khí giới của tàu Bồ với Nam Hà cả, ông chỉ giúp vị quan đại thần liên lạc với họ mà thôi; xong việc, ông đi thăm con chiên của ông. Nên khi đến Hà Tiên (hay Gia Định) hai vị thuyền trưởng Bồ đã hiểu lầm, tưởng ông trốn không muốn tiếp họ. Hai vị này lại gặp một giáo sĩ vốn ghét ông, nên cả ba về hùa, thêu dệt, tố cáo ông ba điều đã nói ở trên.
Sở dĩ có những tranh chấp, tố cáo này vì thời đó, Pháp và Bồ cạnh tranh kịch liệt trên địa hạt tôn giáo cũng như buôn bán.
Trong bài tuyên bố này, chủ đích của Bá Đa Lộc là phản bác ba điều bị người Bồ lên án, điều thứ nhất vừa nói; điều thứ nhì liên quan tới vua Cao Mên, không cần dịch, về điều thứ ba, xin trình bầy tiếp theo đây, ông viết:
“Còn về điều thứ ba, tôi không bao giờ làm và giúp ai làm bom, làm đại bác, hay bất cứ khí giới nào khác. Tôi biết quá rõ việc này không phù hợp với tình trạng [thầy tu] của tôi. Một điều có thể dẫn đến những nghi ngờ này, là việc ông quan hỏi tôi về cách nạp một quả lựu đạn ông có từ Cao Mên, và vài thứ vụn vặt khác về loại này, tôi giải thích cho ông trong lúc trò chuyện. Tôi cũng chia độ một graphomètre, một phần tư vòng tròn, một thước đo góc cho ông và đặt làm cho ông một loa phóng, một vành thiên văn và vài dụng cụ toán học khác. Đó là những gì tôi thấy có bổn phận phải ghi ra để ngăn chặn hậu quả những vu cáo và báo cáo của những kẻ có ý xấu.” [2] (Launay III, t. 76).
Bá Đa Lộc viết rõ ràng: mọi sự đồn đại chỉ vì ông quan (le mandarin) hỏi ông cách nạp một quả lựu đạn ông có từ Cao Mên (charger une grenade qu’il avait eue du Camboge). Trong bối cảnh của câu này, ta chỉ có thể hiểu: le mandarin vẫn là Mạc Thiên Tứ, quan trấn thủ Hà Tiên, một nhà văn học và khoa học, không biết dùng lựu đạn, cần những dụng cụ thiên văn, đo lường… người đó không thể là Đỗ Thanh Nhơn. Và Bá Đa Lộc cũng như một số thầy tu uyên bác, đều rành về thiên văn và khoa học, nên đã giúp Mạc Thiên Tứ những việc đó.
Tạ Chí Đại Trường đưa tên Đỗ Thanh Nhơn vào, rồi liên kết với việc Mạn Hoè (Manuel), để vinh thăng Bá Đa Lộc:
– Đã tiến cử Mạn Hoè, một anh hùng chống Tây Sơn đến chết.
– Đã xoay xở cho Nguyễn Ánh có được 2, 3 tàu Tây phương của Bồ Đào Nha.
– Đã du nhập kiến thức mới vào Gia Định bàng cách “dạy” Đỗ Thanh Nhơn, một vị tướng tinh thạo khí giới, biết đóng tàu… cách dùng lựu đạn!
Lời tuyên bố của Bá Đa Lộc trên đây, đã bác bỏ tất cả những “thông tin” cho rằng ông có dính líu xa gần đến chiến tranh. Ông xác định mình chỉ là thầy tu, lo chuyện đạo. Trong số những người bị Bá Đa Lộc gián tiếp đào thải, có Alexis Faure, người đã tôn ông lên hàng “nguyên soái” cầm đầu quân đội Nguyễn Ánh, rồi trở thành Bộ trưởng bộ chiến tranh, từ 1780, và sau trở thành Richelieu của Gia Long!
2- Gabriel Aubaret dịch Gia Định Thành Thông Chí
Năm 1862, ngoài Bắc có loạn Tạ Văn Phụng, tự xưng dòng dõi nhà Lê. Phụng có học đạo và theo Charner về đánh Quảng Nam. Khi y nổi lên đánh phá, được Pháp, Y Pha Nho và giới thừa sai giúp đỡ, với chủ ý xây dựng một nhà nước công giáo. Phụng đã chiếm được nhiều tỉnh miền Bắc.
Vua Tự Đức, muốn yên mặt Nam để có thể sai Nguyễn Tri Phương ra Bắc dẹp loạn này, đành phải ký hoà ước Nhâm Tuất, nhượng cho Pháp ba tỉnh Biên Hoà, Gia Định và Định Tường. Nhưng sau đó, vua hết sức muốn chuộc lại, bèn sai Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình. Napoléon III còn lưỡng lự, phái trung tá hải quân Gabriel Aubaret sang Việt Nam xem xét tình hình. Aubaret tỏ ra ôn hoà, được nhiều sử gia Việt có cảm tình. Trần Trọng Kim, Phan Khoang đều cho rằng sở dĩ việc không thành vì vua Tự Đức không dứt khoát, cố tình kéo dài việc thương thuyết để hy vọng sẽ chiến thắng, hoặc quân Pháp thấy đánh bất lợi sẽ tự rút lui. Nhưng Thực Lục cho biết chính phía Pháp cố tình kéo dài thương thuyết và một mặt vẫn tấn công.
Ta có thể hiểu là Aubaret được lệnh “giả vờ” thương thuyết để chứng tỏ thực tâm của nước Pháp. Về mặt Pháp, bộ trưởng Hải quân và Thuộc điạ Chasseloup Laubat, năm 1864, đã dâng sớ tâu vua không cho chuộc ba tỉnh Nam kỳ. Sự kiện này có thể liên hệ tới cuốn sách tựa đề:
(Gia-Đinh-Thung-Chi) Histoire et description de la Basse Cochinchine (Pays de Gia Định) traduites pour la première fois, d’après le texte chinois original, par G. Aubaret, capitaine de frégate, publiées par ordre de s. exc. le comte de Chasseloup-Laubat, ministre de la Marine et des Colonies. Paris, Imprimerie Impériale, 1864.
(Gia Định Tùng Chi) Lịch sử và miêu tả miền nam nước Nam (Vùng Gia Định), do G. Aubaret, hải quân trung tá, dịch lần đầu, theo bản gốc chữ Hán, ấn hành theo lệnh của Ngài Bá Tước de Chasseloup-Laubat, bộ trưởng Hải quân và Thuộc điạ. Paris, nhà in Hoàng gia, 1864.
Trên cái tựa rất dài này, có hai điểm đánh chú ý:
1- Biến tên đích thực của cuốn sách Gia Định thành thông chí (Ghi chép thông suốt về thành Gia Định) thành Gia Định Tùng chi (Gia Định, nhiều chi họp lại) và bỏ hẳn chữ thành. Chúng ta sẽ hiểu rõ, tại sao, ở dưới.
2- Không đề tên tác giả Trịnh Hoài Đức, chỉ ghi mơ hồ: dịch theo bản gốc chữ Hán. Để độc giả có thể nhầm là sách của người Trung Hoa. Một sự miệt thị và gian dối của dịch giả.
Bài Introduction (Nhập đề) còn đi xa hơn nữa, Aubaret viết:
“Độc giả sẽ kinh ngạc khi thấy sự vong ân bội nghiã của sử gia [chỉ Trịnh Hoài Đức]; không những không nói gì đến Giám mục Bá Đa Lộc mà cũng không nhắc nhở gì đến những sĩ quan lỗi lạc của Pháp mà Gia Long đã hoàn toàn dựa vào để khôi phục lại ngai vàng. Nhưng độc giả cũng đừng quên rằng cuốn sách này được viết dưới triều Minh Mạng, ông hoàng bẩm sanh có tánh vô ơn, cho nên nếu viết theo đúng cảm tưởng của mình thì có thể rất nguy hiểm. Tuy nhiên chữ “Pháp” được thấy nhiều lần trong sách, và người ta còn ca tụng một người lính thủy gốc Breton [Mạn Hoè] sau khi chết được thần thánh hoá ở Nam Kỳ” (t. IV).
Giọng điệu lạ lùng của một dịch giả nói về tác giả của cuốn sách mà mình dịch, chưa kể sự suy diễn có tính bệnh hoạn của dịch giả về một ông vua “bẩm sanh có tánh vô ơn”.
Nhân nói qua về thành Gia Định, Aubaret không quên nhấn mạnh:
“Ngày nay [1864] người ta còn gọi là thành Phan Yên, khi nói đến công cuộc vĩ đại do đại tá Pháp Olivier thực hiện” (t. VII)”.
Và cuối cùng, ông cho biết mục đích của mình khi dịch cuốn sách này:
“Mục đích của chúng tôi, khi dịch sách này, trước hết là thực tiễn và muốn giới thiệu một xứ đáng chú ý trên nhiều bình diện, về địa thế cũng như về sự giầu có của đất đai, có thể trở nên nguồn lợi tức quan trọng đối với nước Pháp, đồng thời Pháp có thể truyền bá ảnh hưởng tinh thần một cách chính đáng trong vùng viễn đông, nơi những thế lực thương mại Âu châu hôm nay đang nhòm ngó. Paris ngày 1/7/1863” (t. XIII).
Chúng ta có thể hình dung câu chuyện như thế này: sách dịch xong ngày 1/7/1863, Aubaret trình cho bộ trưởng Chasseloup-Laubat. Sau khi tham khảo kỹ càng cuốn sách, bởi đây là cuốn sách toàn thư về miền Nam, có thể so sánh với bộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú về miền Bắc. Năm sau, 1864, ông bộ trưởng tâu lên Pháp hoàng: một xứ cực kỳ giầu có về tài nguyên như vậy, ta không thể không chiếm cho được.
Nhưng mục đích của sự dịch không chỉ ngừng ở đó, Aubaret còn muối mặt bỏ hẳn chương quan trọng nhất là Thành trì chí, Trịnh Hoài Đức viết về thành Gia Định và các thành đồn khác được xây dựng dưới thời Gia Long. Không những Trịnh Hoài Đức mô tả thành Gia Định rõ ràng và tường tận, và ông còn mô tả những thành khác xây theo lối bát giác như thành Gia Định. Nếu độc giả đọc chương Thành trì chí này, thì không thể coi thành Gia Định là một thành Tây do người Tây xây.
Tại sao? Bởi vì trong chương này, Trịnh Hoài Đức, ngoài việc mô tả thành phố Gia Định, từng nét, từng nét, rõ ràng. Ông còn kê khai vị trí các địa điểm đáng chú ý:
Công binh xưởng (Cục Chế Tạo) ở trong thành sau đường Cấn Chỉ và Đoài Duyệt. Kho bạc ở phiá phải đường Càn Nguyên và Khảm Hiểm. Kho thổ sản ở bên trái đường Càn Khảm. Trại đúc súng ở phiá trước, bên trái Cục chế tạo, đúc các loại súng lớn bằng đồng, bằng sắt, và súng hoả xa trụ. Kho thuốc súng ở mặt sau nội thành. Xưởng thuyền chiến ở phiá đông, cách thành một dặm, trên sông Tân Bình, xưởng dài 3 dặm, làm thuyển hải đạo, chiến hạm, ghe chiến cụ… Xưởng voi, Xuởng thuốc súng, Khám đường, Sứ quán, Trường học, Trường Diễn võ … ở đâu, ở đâu, Trịnh Hoài Đức đều nói rõ cả.
Nhất là ông còn cho biết về các đồn luỹ xây cùng thời ấy: Đồn Giác Ngư (tức đồn Cá Trê) (xây ngày 1/4/1789) và đồn Thảo Câu (trấn Biên Hoà), đối diện nhau trên 2 bên bờ sông Tân Bình. Lũy Hoa Phong ở Bình Dương, do Tống suất trưởng cơ Nguyễn Lễ, bình định Cao Miên rồi đắp năm 1700. Luỹ Bán Bích ở địa phận Bình Dương và Tân Long, do đốc chiến Nguyễn Đàm xây, hình giống mặt trăng xếp, sau khi thắng quân Xiêm năm 1772 [Luỹ Bán Bích sẽ là khởi thuỷ của thành Gia Định]. Đồn Tân Châu, do trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Xuân đắp năm 1818. Đồn Mỹ Tho, hình vuông, đắp năm 1792. Đồn trấn Vĩnh Thanh (Vĩnh Long và An Giang), bát giác, do trấn thủ Lưu Phước Tường xây năm 1813. Đồn Châu Đốc, bát giác, Lưu Phước Tường xây 1815. Đồn Châu Giang, bát giác, Nguyễn Văn Xuân xây năm 1818, v.v. Luỹ Bán Bích, là nền móng chính của thành Gia Định sau này, và Nguyễn Đàm hay Nguyễn Cửu Đàm là tác giả đầu tiên xây dựng nền móng thành Gia Định.
Tất cả những công trình này đều do người Việt xây, không thấy có dấu vết Vauban nào cả và cũng không thấy Trịnh Hoài Đức nói đến công lao của một ông Le Brun hay ông Olivier de Puymanel nào. Đó là lý do khiến Aubaret đã bỏ hẳn chương sáu: Thành trì chí của Trịnh Hoài Đức, không dịch. Và sau này Cadière có thể nhận vơ tất cả những công trình này là do Puymanel xây, hoặc dạy dân ta xây, mà không sợ chứng cớ rành rành, đã nằm trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức.
(Còn tiếp)
Kỳ tới: Chương 12: Ai xây thành Gia Định và Diên Khánh
Xem các kỳ trước:
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-12/
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-11/
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-10/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_55.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-9/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_11.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-8/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/05/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-7/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_27.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-6/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html#more
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-5/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-nhung-nguoi-phap.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-4/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/04/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-3/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_30.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long-2/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi_22.html
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/khao-st-cng-trang-cua-nhung-nguoi-php-gip-vua-gia-long/
http://vandoanviet.blogspot.com/2015/03/khao-sat-cong-trang-cua-nhung-nguoi.html
[1] Nguyên văn tiếng Pháp:
“26/7/1779
Pierre-Joseph-Georges, évêque d’Adran, Vicaire apostolique de Cochinchine, Camboge et Ciampa, à tous ceux à qui besoin sera, salut.
“Deux vaisseaux étant venus cette année de Macao à Bassac, pour y faire le commerce, un Chinois en donna aussitôt avis au grand mandarin de Cochinchine, et lui annonca que les vaisseaux étaient chargés de canons, de salpêtre, soufre, et autres munitions de guerre. Le mandarin, avec qui je suis fort lié, se trouvant dans un grand besoin de toutes ces marchandises, me pressa vivement d’en écrire aux capitaines et de les prier, de sa part, de les lui vendre tout ou en partie, ou même de passer en Cochinchine avec leurs vaisseaux si cela était possible, remettant à cet effet tout droit d’encrage et autres. Je fis sa commission et les capitaines, au retour du Cambodge, envoyèrent tout de suite leurs pilotes pour s’arranger avec lui. Les arrangements pris, et les pilotes contents, l’un retourna à Bassac, l’autre demeura ici. Pour moi, après avoir recommandé les capitaines au mandarin, je partis pour aller faire la visite d’une partie de mon Vicariat, où les missionnaires et les chrétiens m’attendaient depuis plus d’un mois.
Les capitaines arrivés ici avec leurs vaisseaux s’imaginèrent que je m’étais éloigné à dessein, et se plaignirent de ma conduite à leur égard. Confirmés dans leur opinion par un religieux missionnaire, qui, de son côté, n’a pas tout lieu d’être content de moi, on dit que: 1- ils me soupconnèrent de vouloir ôter aux vaisseaux de Macao la liberté de venir faire le commerce ici; 2- ils se plaignirent que j’avais quelques mauvaises affaires avec le roi du Camboge; 3- ils m’accusèrent d’avoir enseigné aux Cochinchinois la manière de fondre des canons, de faire des bombes et autres armes…”
[2] Nguyên văn tiếng Pháp: “Quant au troisième article, je n’ai jamais fait ni aidé à faire aucune bombe, canon ou autre arme quelconque. Je sais trop que cela ne convient en aucune manière à mon état. Ce qui a pu donner lieu à ces soupçons, c’est que le mandarin m’ayant interrogé sur la manière de charger une grenade qu’il avait eu du Camboge, et autres bagatelles en ce genre, je le lui avais dit par manière de conversation. Je lui graduai un graphomètre, quart de cercle, un rapporteur et lui fis faire un porte-voix, un anneau astronomique, et autres instruments de mathématique. Voilà ce que j’ai cru devoir remarquer pour empêcher les effets que pourraient causer les calomnies et les rapports de personnes mal intentionnés”