Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 23)

Hoàng Tuấn Công


○ “mũi cong như mũi lợn Ý chế người mũi cong”.

Mũi lợn chỉ hếch chứ đâu có cong? Không biết GS Nguyễn Lân lấy đâu ra “thành ngữ” này? Nếu thực tế đúng có câu này, thì nghĩa là con lợn háu ăn, đến bữa hai lỗ mũi mở rộng, cong hếch lên để đánh mùi rau cám. Như vậy, GS Nguyễn Lân giải nghĩa mà như không giải.

○ “mũi dòm mồm Chế người mũi cong”.

Phép xem tướng dân gian cho rằng những người “Mũi dòm mồm” tham lam, ăn tiêu, đánh chén vô độ, chứ không phải “chế người mũi cong.” Thực tế, “mũi dòm mồm” không hề cong, mà nhọn dài xuống dưới mồm, hai lỗ mũi như hai con mắt tròn, thao láo ngó xuống cái mồm mình, đó là tướng người ham ăn, háu ăn, hoang ăn. Thế nên, trong Đất l quê thói của Nhất Thanh mới có đoạn: Vốn dĩ người mình hiếu khách, lại rất xu xoà, đã quen thuộc mà đến chơi hay có việc, gần đến bữa ăn là mời nhau ăn cơm, nhiu khi ngay lúc bắt đầu bữa cơm mà có bà con bạn bè đến, cũng thường mời ngồi vào ăn cùng, chỉ là thêm đũa thêm bát, không như lối sống của người Âu Tây, mỗi suất ăn cho một người, chẳng tiện và cũng chẳng thể chia sẻ, ngay cả đối với cha mẹ ở xa đến thăm hay tìm kiếm con có việc bất thần. Ta cho rằng họ coi trọng miếng ăn quá đỗi, và sở dĩ như vậy là tại họ có tướng mũi dòm mồm.” (HTC nhấn mạnh).

○ “muốn ăn gắp bỏ cho người Phê phán kẻ không thực thà, tuy muốn hưởng điều gì, lại nói rằng đó là ý muốn của người khác”.

Không chính xác. “Muốn ăn gắp bỏ cho người” không mang nghĩa xấu đến thế, cũng không lộ liễu như vậy. Sách Thành ngữ Việt Nam giải thích đúng: “Muốn ăn gắp bỏ cho người Không dám nói thật lòng v điu mình mong muốn, nên tìm cách gán ghép cho người khác để họ nói lại, gán ghép hoặc mang lại cho mình, ví như trong mâm cơm (cỗ) mình muốn ăn miếng nào thì thường gắp bỏ vào bát người xung quanh để rồi sau đó được người ta gắp lại cho, hoặc mình có thể gắp ăn một cách tự nhiên hơn”.

○ “muốn tu chùa ngói, bụt vàng, chùa tranh, bụt đất ở làng thiếu chi Nói cái tâm lý ham chuộng những cái mới lạ và coi thường những gì đã quen thuộc”.

Không đúng. “Chùa ngói, bụt vàng” là chùa lớn, thường ở nơi trung tâm, dân cư đông đúc, no ấm, có điều kiện cúng dường, lễ bái chu đáo. Còn “chùa tranh, bụt đất” là chùa nhỏ, dân tình nghèo đói thì cũng chẳng có điều kiện dâng cúng nhà chùa. Đó là hai “đẳng cấp” hoàn toàn khác biệt, không phải chỉ là “cái mới lạ” và “những gì đã quen thuộc”. Nghĩa bóng: đã có ước mơ, hoài bão thì phải hướng đến những cái cao đẹp hơn hẳn, chứ không nên quanh quẩn với những điều tầm thường, vốn sẵn có. Thế nên, Tục ngữ Hán cũng có câu “Trạch phúc nghi trọng – 擇福宜重 – Khi lựa chọn cái tốt, thì hãy chọn cái nào tốt nhất”; Tục ngữ Tày: “Vần lẻ vần quan bố quan án bố hất vần tang nạn khẩu suôn. Nghĩa: Nên thì nên quan bố chính, quan án sát; làm không nên chẳng khác chi con nai lạc vào vườn. Là nhận xét về sự phấn đấu thi cử đỗ đạt chiếm bảng vàng, lo đường công danh. Làm quan to thì to hẳn. Làm quan nhỏ hay tay sai ra vào lơ láo chốn công đường khác gì con nai lạc vào vườn”.

○ “mưa không qua ngọ, gió không qua mùi (Giờ ngọ và giờ mùi là vào buổi trưa) Đây là kinh nghiệm của nhân dân trong các trận bão, nhưng không hoàn toàn đúng”.

Thứ nhất: giờ Ngọ là từ 11 giờ đến 13 giờ, đúng là “vào buổi trưa”; tuy nhiên, giờ Mùi từ 13 giờ đến 15 giờ, đã sang nửa chiều, sao còn còn gọi là “buổi trưa”? Thứ hai: đây không phải kinh nghiệm về “các trận bão”, mà là nhận định về quy luật mưa gió thông thường trong một ngày. Vế một: nếu cơn mưa bắt đầu từ buổi sáng thì thường không kéo dài quá trưa (Dị bản: “Mưa không qua Ngọ, gió chẳng qua Mùi”. Tục ngữ gần nghĩa: Sáng ướt áo, trưa ráo thóc; Sáng mưa, trưa tạnh; Sáng mưa, trưa nắng; Mưa sáng mai, mài rựa đi rú. Câu nói quen thuộc trên các bản tin dự báo thời tiết “trưa chiều giảm mây trời nắng” chính là phản ánh quy luật của những cơn mưa sáng). Tục ngữ Tày: “Mưa sớm thì ở nhà giặt chăn” [Phân dạu giú rườn rắc và]; “Mưa buổi sớm thì thóc đổ ra phơi ở dàn.” [Phân dạu khẩu thác dàn], đều có nghĩa: mưa buổi sáng thì trưa sang chiều sẽ tạnh nắng, nên vẫn còn thời gian phơi chăn, phơi thóc. Tục ngữ Việt gốc Hán: “Vũ bất quá Ngọ – 雨不過午 – Mưa thường không kéo dài quá giờ Ngọ”.

Vế hai: gió không qua Mùi”, thì “gió” đây không phải “các trận bão (bão tan phụ thuộc vào tốc độ di chuyển và thời điểm “đổ bộ” vào đất liền chứ không căn cứ vào giờ nào, sáng hay chiều), mà là gió mùa đông bắc: sáng sớm gió thổi mạnh hun hút qua buổi trưa, nhưng đến nửa chiều thì sẽ lặng (Có câu Bấc lặng hôm, nồm lặng mai; Quy luật của gió mùa: Gió đông nồm chiều hôm thổi lại” – Đại Nam Quấc âm). Như vậy, “gió” và “mưa” trong câu tục ngữ hoàn toàn không phải “kinh nghiệm dự đoán thời tiết trong các trận bão như GS Nguyễn Lân giảng.

○ “mừng củi trên rừng, mừng cá dưới sông Câu nói mỉa mai là làm một việc thừa”.

Không phải “việc thừa”, mà là việc hão huyn. Vì nghĩa đen: củi trên rừng và cá dưới sông tuy nhiều, nhưng đâu phải đã là của mình? Giải thích “làm một việc thừa”, hoá ra “củi trên rừng và “cá dưới sông” đã là của mình rồi, cần gì phải “mừng” nữa? Nghĩa bóng: không thiết thực, trông chờ, mong đợi, hy vọng vào một điều vu vơ, quá xa vời, không gì đảm bảo sẽ có kết quả. Câu gần nghĩa Đếm cua trong lỗ; Tính cá dưới ao, tính sao trên trời.

○ “mừng mặt, bắt tay Tả cảnh vui mừng khi gặp người bạn thân lâu ngày mới thấy”.

Chỉ có Tay bắt mặt mừng (Tay thì bắt, mặt thì mừng: cả cử chỉ lẫn nét mặt đều rất niềm nở, vồn vã, thể hiện rõ vẻ vui mừng, quý trọng, thường là lâu ngày mới gặp mặt), làm gì có “Mừng mặt, bắt tay” trúc trắc, vô nghĩa như vậy?

○ “mười hũ vàng chôn không bằng cái trôn con heo núi (TT) Ca tụng sự chăn nuôi gia súc đem lại cái lợi trước mắt”.

Heo NÁI” in thành “heo NÚI” (Đối chiếu thấy bản NXB Văn học – 2015, 2016 in là “heo nái”, nên trường hợp này chúng tôi xếp vào lỗi in sai).

Tục ngữ nói về kinh nghiệm lựa chọn con nuôi (cụ thể là lợn nái), nên không thể giải nghĩa chung chung như vậy. Ví như mười hũ vàng tuy quý, nhưng khi chôn giấu dưới đất thì chẳng thể sinh sôi được, trong khi con lợn nái có thể sinh lời theo từng lứa đẻ. Đây cũng không phải “cái lợi trước mắt”. Nghĩa là: Chăn nuôi lợn nái đem lại nhiu lợi nhuận. [Dị bản: Giàu lợn nái, hại gà con (hoặc lãi gà con)]. Tục ngữ Hán: “Dục tốc phú, súc ngũ tự – 欲速富畜五牸 – Muốn nhanh giàu, hãy nuôi năm thứ gia súc cái”. (“Ngũ tự”: Trâu bò cái, ngựa cái, lừa cái, dê cừu cái, heo cái).

○ “mượn đầu voi nấu cháo Cười kẻ hay nói khoác”.

Chính xác phải là “Mượn đầu HEO nấu cháo”. Dân gian ám chỉ kẻ khôn lỏi, lợi dụng người khác một cách tinh vi, chứ không dính dáng gì đến “kẻ hay nói khoác”. Từ điển Vũ DungMượn đầu heo nấu cháo (mượn đầu lợn nấu cháo rồi đem trả lại nguyên lành, nhưng thực ra đã dùng chất nước bổ béo) Giả dối, tìm cách bòn rút, lợi dụng một cách khôn khéo.”; Từ điển thành ngữ Việt Nam: Mượn đầu heo nấu cháo Giả dối, tìm cách bòn rút lợi lộc của người khác một cách tinh vi, ví như kẻ mượn thủ lợn v nấu cháo rồi trả lại nguyên cả thu, nhưng thực chất đã rút hết chất béo”.

Tham khảo: Ở làng tôi, lưu truyền câu chuyện tương tự “Mượn đầu heo nấu cháo”, xin kể hầu bạn đọc: Có cặp vợ chồng ông V.L ở chung một nhà, nhưng ăn riêng. Con cái đói nghèo nên đi kiếm ăn xa, không có tiền gửi về cho cha mẹ. Có lần, ông V.L vay con cá rô của vợ nấu canh, sau vớt cá ra trả lại cho vợ, vẫn còn nguyên con. Vợ ông tức, nhưng không làm gì được. Mùng một Tết (hàng xóm kiêng không cho ai xin lửa), nhân khi ông V.L không có lửa nhóm bếp, bà vợ mới bắt mua lại que diêm, giá 1 que bằng tiền cả bao để trả đũa việc vay cá.

○ “mướp non nấu với gà đồng (Gà đồng tức là thịt ếch) Câu nói đùa khen món ếch nấu với mướp non là đúng vị và ngon”.

Trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân đã giải nghĩa: “Gà đồng. Từ dùng đùa để chỉ con ếch”. Có lẽ chính bởi cách nghĩ ấy, nên câu “Mướp non nấu với gà đồng” GS cũng cho là dân gian nói đùa chăng? Nếu đây là một câu tục ngữ, và ếch nấu với mướp non “đúng vị và ngon”, thì chẳng có gì là đùa cả. Có lẽ “thành ngữ”, hay “tục ngữ” này được GS Nguyễn Lân cắt ra từ câu ca dao: “Mướp non nấu với gà đồng, Chơi nhau một trận xem chồng về ai”?

Tham khảo: Con ếch có tên chữ là đin kê 田雞 (Gà đồng), hiện vẫn là cách gọi phổ thông của người Trung Quốc. Với người Việt, “Gà đồng” là cách gọi món thịt ếch, ý chỉ thịt ếch thơm ngon như thịt gà, chứ không phải gọi đùa. Từ điển Vietlexgà đồng d. [khẩu ngữ] ếch, nói về mặt thịt ăn được và ngon.”

○ “nàng Bân may áo cho chồng (Nàng Bân theo truyền thuyết là người phụ nữ nghèo muốn may áo cho chồng, nhưng may xong áo thì đã hết rét, nên Trời(!) đã kéo dài mùa rét đến tháng ba, gọi là rét nàng Bân) nói người vợ nghèo nhưng rất yêu thương chồng”.

Có hai điểm chưa chính xác. Thứ nhất: Nàng Bân không phải “người phụ nữ nghèo”, mà là con gái Ngọc Hoàng. Thứ hai, nghĩa bóng dân gian còn ám chỉ người vụng v chậm chạp, làm mãi không xong được một việc, chứ không phải chỉ “nói người vợ nghèo nhưng rất yêu thương chồng”.

Tham khảo: Truyện cổ tích “Nàng Bân may áo cho chồng”: Trong số mấy chị em trên tiên giới, nàng Bân là người hiền lành, nhưng chậm chạp, vụng về. Ngọc Hoàng thương con, nên mới kén chồng cho nàng để nàng tập làm quen với công việc nội trợ, vá may. Nàng Bân rất mực yêu thương chồng, nên thấy mùa rét đến thì bắt tay vào may cho chồng chiếc áo rét. Nhưng vì vụng về, chậm chạp nên may từ đầu mùa rét, mà khi xong áo thì trời cũng hết rét. Bị nhiều người chế giễu, nàng Bân rất buồn rầu. Ngọc Hoàng biết chuyện, cảm động và thương con nên mới làm cho trời rét lại vào tháng Ba, để chồng nàng thử áo. Từ đó, hàng năm vào khoảng tháng Ba trời ấm áp, nhưng vẫn có một đợt rét cuối cùng gọi là Rét nàng Bân [Tục ngữ: Tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc, tháng Ba rét nàng Bân]. Có câu ca chế giễu: Nàng Bân may áo cho chồng, May ba tháng ròng còn thiếu (mới được) cái tay.

Comments are closed.