Văn học miền Nam 54-75 (467): Ngô Thế Vinh (1)

clip_image002

Ngô Thế Vinh trong quân ngũ 1969

Ngô Thế Vinh, cũng là bút hiệu, sinh năm 1941 tại Thanh Hoá. Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn 1968. Trong ban biên tập, chủ bút báo sinh viên Tình Thương trường Y khoa Sài Gòn từ 1964 tới 1967 [khi báo bị đình bản].

Nguyên y sĩ Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tu nghiệp Y khoa Phục hồi tại Letterman General Hospital San Francisco. Sau 1975, tù ba năm qua các trại tù cải tạo. Tới Mỹ cuối 1983, bác sĩ nội trú rồi thường trú các bệnh viện Đại học New York. Tốt nghiệp Nội khoa, bác sĩ điều trị và giảng huấn tại một bệnh viện miền nam California.

Tác Phẩm Tiếng Việt trước 1975:

Mây bão (truyện dài, 1963)

Bóng đêm (truyện dài, 1964)

Gió mùa (truyện dài, 1965)

Vòng đai xanh (truyện dài, 1970)

Mặt trận ở Sài Gòn (truyện ngắn, 1971)

Vòng Đai Xanh được Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc 1971.

Tiếng Việt sau 1975:

Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng (2000)

Mekong dòng sông nghẽn mạch (Ký sự, 2007)

Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá (2017)

Tiếng Anh:

The Green Belt (Ivy House, 2004)

The Battle of Saigon (XLibris, 2005)

Mekong, The Occluding River (iUniverse, 2010)

The Nine Dragons Drained Dry, The East Sea in Turmoil (Viet Ecology Press, 2016)

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ TÁC PHẨM CỦA NGÔ THẾ VINH

1/ Mây Bão, tiểu thuyết 1963 là tác phẩm đầu tay trong bộ ba/ trilogy: Mây Bão 63, Bóng Đêm 64, Gió Mùa 65. … Những sân ga, chỗ ghé những con tàu chợ, những chiếc cầu bị giật sập, những người lính ngày đêm vất vả gian truân, những người buôn thúng bán bưng nghèo lam lũ, cảnh đồng quê khô cằn và bất an: nhưng cuộc sống vẫn cứ ngang nhiên và kéo lê đi giữa súng đạn và những kẻ thù luôn luôn khuất mặt… Mây Bão là những đám mây báo hiệu thời tiết của những trận giông bão phũ phàng liên tiếp xảy ra trên quê hương trong suốt ba chục năm sau đó.

2/ Vòng Đai Xanh, tiểu thuyết 1970 viết về tranh chấp Kinh Thượng và can thiệp của người Mỹ, một cuộc chiến tranh bị lãng quên trong cuộc Chiến tranh Việt Nam. Giải Văn học Nghệ thuật 1971. Vòng Đai Xanh là một “lối nhìn Việt Nam” về vấn đề Cao nguyên, cùng với thực chất và huyền thoại De Oppresso Liber của những người lính Lực Lượng Đặc Biệt Mũ Xanh Hoa kỳ tự nhận là anh hùng giải phóng các dân tộc bị trị. Họ quan niệm đang làm một cuộc giải phóng cho những người Thượng bị áp bức ở Cao nguyên…

3/ Mặt Trận Ở Sài Gòn, là truyện ngắn của một tập truyện cùng tên, đăng trên tạp chí Trình Bày số 34, nói về người lính ý thức về những bất công trong xã hội và nhận ra rằng chiến trường đích thực của họ là ở Sài Gòn.

Tác giả truyện dài “Vòng Đai Xanh” vừa nhận được giải thưởng bộ môn Văn trong Giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc 1971 trước Tết, thì sau Tết lại nhận được trát gọi ra Tòa về bài “Mặt Trận Ở Sài gòn” có “luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội.”

ĐIỂM SÁCH VÒNG ĐAI XANH

[từ bản tiếng Anh: The Greeen Belt, Ivy House 2004]

_ GS TRẦN NGỌC NINH, Viện Việt Học, tác giả Tuyết Xưa

Ngô Thế Vinh bắt đầu viết văn khi đang còn là một sinh viên. Từ 1963, cùng với các bạn trong đại học Y khoa làm báo Tình Thương như một diễn đàn cho những ý tưởng nhân bản, hướng tới một xã hội lý tưởng và không mang nặng tính “chủ nghĩa”. Ngay khi còn là một nhà báo sinh viên, từ rất sớm, Ngô Thế Vinh đã quan tâm tới vấn đề người Thượng.

Sau khi tốt nghiệp Y khoa, là bác sĩ Mũ Xanh của một đơn vị Biệt Cách Dù chủ yếu hoạt động trong vùng núi rừng Cao nguyên Trung phần. Vòng Đai Xanh là bối cảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam trên vùng cao nguyên với cảnh thật, người thật, và “thật hơn nữa” là nỗi thống khổ của các sắc dân Thượng giữa cuộc chiến tranh và ngay sau cuộc chiến. Và chúng ta không thể nào quên là hòa bình bi thảm ra sao đối với phe bại trận tiếp theo sau một cuộc chiến tranh ý thức hệ.

Vòng Đai Xanh là một công trình của lương tâm và dấn thân can đảm. Ngay khi xuất bản lần đầu tiên, cuốn sách đã được giới trí thức miền Nam đón nhận rộng rãi và tán thưởng nhưng đồng thời cũng bị chính quyền miền Nam lên án là phá hoại.

Bây giờ đã 30 năm sau cuộc chiến tranh chấm dứt, một ấn bản tiếng Anh rất tuyệt của Nha Trang và Pensinger chắc chắn sẽ lại được đón nhận rộng rãi, bởi vì vấn đề sống còn của các sắc dân Thượng trên Cao nguyên Trung phần được đề cập tới trong Vòng Đai Xanh vẫn còn nguyên tính thời sự của hôm nay.

Đối với người Việt, thì thảm kịch của thời đại chúng ta là mọi cuộc chiến tranh hôm nay và cả trong tương lai đều mang mầm mống hủy hoại mà Vòng Đai Xanh như một điển hình đa diện và ở nhiều mức độ khác nhau. Những sắc dân Thượng ấy đã không có tiếng nói. Đên bao giờ thì “tiếng nói thầm lặng” của họ mới thực sự được lắng nghe?

_ GERALD C. HICKEY, tác giả Free in the Forest, Ethnohistory of the Vietnamese Central Highlands, 1954-1976

Tôi đọc Vòng Đai Xanh với nhiều quan tâm. Cuốn sách đã gợi lại ký ức về Cao Nguyên vào những năm 60 và cả những biến cố liên quan tới Phật giáo và sinh viên cũng trong giai đoạn bất an đó. Rõ ràng là tác giả Ngô Thế Vinh đã hiểu biết rất rõ về các sắc dân Thượng cùng với những nguyện vọng của họ giữa và sau cuộc chiến tranh. Những tin tức hiện nay mà tôi nhận được từ Cao Nguyên thật đáng buồn. Người Thượng đang phải đối đầu với những mối đe dọa tệ hại hơn bao giờ hết trên nếp sống của họ. Cũng như người Pháp trước đây, người Mỹ đã dùng người Thượng và sau đó đã lạnh lùng bỏ rơi họ. Điều mà người ta có thể làm là cố gắng tạo mối quan tâm từ các nhà lãnh đạo Mỹ ở Hoa Thịnh Đốn. Hy vọng và vẫn chỉ là hy vọng.

_ OSCAR SALEMINK, tác giả The Ethnography of Vietnam’s Central Highlanders

Tôi rất xúc cảm về những hiểu biết, tầm nhìn xa và mối từ tâm mà Ngô Thế Vinh đã dàn trải trong Vòng Đai Xanh, cuốn sách được viết từ hơn 30 năm trước. Mặc dầu là một tiểu thuyết nhưng nhiều biến cố mang dấu ấn lịch sử và một số nhân vật thì như là rất thật. Đối với những phe phái liên hệ, qua những biến động và nghịch cảnh, thì các sắc dân Thượng luôn luôn là hình ảnh nạn nhân của các chính sách và những cuộc tranh chấp.

_ JOSE QUIROGA, Giám Đốc Chương Trình Các Nạn Nhân Bị Tra Tấn, Los Angeles

“Các sử gia, nhà báo, chính trị gia, các nhà quân sự và tiểu thuyết gia đã viết nhiều sách về cuộc Chiến tranh Việt Nam. Vòng Đai Xanh là một tiểu thuyết mạnh mẽ, lôi cuốn và đặc sắc do một y sĩ nhà văn viết ra, về những tác hại của cuộc chiến tranh trên con người đặc biệt trên thiểu số những người Thượng sống trên các vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam và họ là nạn nhân của sự kỳ thị. Do vùng đất ấy vốn là địa bàn chiến lược trong cuộc chiến khiến cho cuộc sống vốn thanh bình của những người Thượng đã bị biến đổi vĩnh viễn. Các điều kiện nhân quyền của những nhóm người Thượng thiểu số cần được sự quan tâm của quốc tế.

ĐIỂM SÁCH MẶT TRẬN Ở SÀI GÒN

[từ bản tiếng Anh: The Battle of Saigon, XLibris 2005]

Ký giả Báo Anh Mark Frankland

Đọc Mặt Trận Ở Sài Gòn

Nguyên là phóng viên báo Anh, The Observer, từng hoạt động ở Đông Dương (trong chiến tranh Việt Nam), Đông Âu, Liên Xô và cả ở Hoa Kỳ. Là tác giả cuốn hồi ký về cuộc Chiến Tranh Lạnh ‘A Child of My Time – An Englishman’s Journey in A Divided World’ (Chatto 1999) đã đoạt giải Ackerley / PEN năm 2000 về thể văn tự truyện. The Patriots’ Revolution (Sinclair-Stevenson 1990) tường trình về sự xụp đổ khối cộng sản Đông Âu, đã được chọn vào chung kết giải NCR Award. Frankland còn là tác giả hai tiểu thuyết, riêng cuốn ‘Mother-of-Pearl Men’ được viết từ Việt Nam (John Murray 1985). Dưới đây là bài điểm sách ngắn nhưng cô đọng của Mark Frankland sau khi đọc ấn bản tiếng Anh ‘The Battle of Saigon’.

*

‘Mặt Trận Ở Sài Gòn’ sẽ tạo mối xúc động hay chú tâm cho những ai còn tha thiết tới số phận của Việt Nam. Nó cũng sẽ gây ngạc nhiên cho những ai ít hiểu biết về tâm trạng phức tạp của người dân miền Nam đối với cuộc chiến tranh mà cho đến nay vẫn còn để lại những hậu quả và ảnh hưởng trên số phận của họ.

Trong và cả sau chiến tranh, tiếng nói của người dân miền Nam thường bị lãng quên. Là một phóng viên ngoại quốc trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam, tôi có may mắn được nghe phần nào tiếng nói ấy qua phụ tá người Việt của tôi. Nhưng lúc đó thì anh ta đã ở tuổi trung niên với cả gánh nặng gia đình nên đã không thể theo sát tôi đi vào vùng có giao tranh để giúp tôi hiểu biết hơn về những người lính việt Nam Cộng Hòa, thay vì hiểu sai lạc.

Ngô Thế Vinh đã đặc biệt quan tâm tới tâm trạng của những người lính miền Nam. Trong ‘Mặt Trận Ở Sài Gòn’ những người lính ấy có cơ hội nói ra và kết quả là tác giả đã phác họa được một chân dung chính trực và nhân bản của những con người ấy giữa cuộc chiến tranh – điều mà lẽ ra phải được thế giới bên ngoài quan tâm thay vì quên lãng.

Đối với các cộng đồng người Việt đang sống lưu vong ở Bắc Mỹ, tác giả cũng đã đề cập tới những tình huống lưỡng nan / dilemmas cả về chánh trị lẫn đạo lý khi mà họ vẫn bị giằng co giữa tình tự yêu quê hương – một quê hương mà họ bị cưỡng bách phải xa rời, cùng với sự đối đầu một nhà nước cộng sản hành xử thô bạo ở trong nước, và rồi cả với sự khác biệt đến đau lòng về phong tục tập quán ngay trong bối cảnh một nền văn hóa xa lạ Tây phương mà họ đang phải sống với.

Cũng trong tác phẩm này, Ngô Thế Vinh vẫn sắc bén và biểu lộ sự cảm thông khi viết về những người cựu chiến binh Hoa Kỳ và cũng nhìn họ như nạn nhân của cuộc chiến tranh không khác gì người Việt.

Mặt Trận Ở Sài Gòn là một cuốn sách của xúc cảm và khoan dung.

Tim Page từ Úc Châu

Đọc Mặt Trận Ở Sài Gòn

Tim Page rời nước Anh năm 17 tuổi, đi vòng Âu Châu, qua Trung Đông, Ấn Độ và Nepal. Tới đất nước Lào khi đang diễn ra cuộc nội chiến. Tim trở thành phóng viên tự do / free lance cho hãng thông tấn UPI (United Press International). Từ Lào, Tim tới Sài Gòn, làm phóng viên tường trình trực tiếp về cuộc Chiến Tranh Việt Nam liên tục trong nhiều năm cho các hãng thông tấn UPI, AP (Associate Press) và cả các tờ báo lớn như Time-Life, Paris Match. Tim mau chóng trở thành phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng ‘mẫu mực’ trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Với 4 lần bị thương ngoài mặt trận, thêm một lần khác bị thương do ‘hỏa lực bạn’, Tim trở thành đề tài cho nhiều phim tài liệu. Tim còn là tác giả của 9 cuốn sách: Tim Page’s Nam, Ten Years After: Vietnam Today…Tim cũng là người sáng lập hội Indochina Media Memorial Foundation. Tim vẫn không ngừng hoạt động như một ký giả tự do, hiện sống ở Brisbane Úc Châu và là giáo sư về nhiếp ảnh truyền thông tại Đại học Griffith, Brisbane. Hai tấm ảnh trên mẫu bìa The Battle of Saigon là của Tim Page: một chụp trên đỉnh núi Chu Prong 1965, và một ở Sài Gòn 1968.

*

Vẫn liên tiếp xuất hiện những cuốn sách viết về Chiến Tranh Việt Nam, tuy nhiên có rất ít sách đề cập tới quan điểm từ miền Nam, từ góc cạnh của những người thất trận nhưng họ đã từng chiến đấu và tin tưởng ở một nền Cộng Hòa miền Nam mới khai sinh.

Ngô Thế Vinh qua kinh nghiệm của một y sĩ trong một đơn vị Biệt Cách thiện chiến đã đem tới cho chúng ta những lý giải và soi sáng về những tình huống lưỡng nan ngoài trận địa. Rồi ông cũng đề cập tới cuộc sống hỗn mang ban đầu của một người tỵ nạn tạo dựng lại cuộc đời trong sự xa lạ của một miền Nam California, với phấn đấu để trở lại nghiệp cũ giữa một cộng đồng di dân gồm cả nửa triệu thuyền nhân với những khuynh hướng chánh trị phân hóa đa dạng. Một bối cảnh như vậy hầu như hoàn toàn bị lãng quên trong văn học.

Người đọc sẽ thấy mình bị lôi cuốn vào tâm thức của một y sĩ tiền tuyến, của một tù nhân trong các trại tù Gulag và rồi đến một người tỵ nạn bị bật ra khỏi gốc rễ được giải thoát để hội nhập vào một tầng lớp trung lưu Mỹ mới vừa hình thành.

Đọc Mặt Trận Sài Gòn để cảm nhận lắng nghe nỗi bâng khuâng của một con người vẫn gắn bó với những cỗi rễ tinh thần của một quê hương Việt nam không thể tách rời.

thư học giả Hoàng Xuân Hãn

[Paris ngày 15 tháng 3 năm 1971]

gửi nhà văn ngô thế vinh

clip_image004clip_image006

LTS. Tiểu thuyết Vòng Đai Xanh của Ngô Thế Vinh xuất bản tại Sài gòn năm 1970 và cuốn sách được gửi tặng giáo sư Hoàng Xuân Hãn lúc đó ở Paris. Tuy rất ít đọc tiểu thuyết nhưng ông đã rất chú ý tới nội dung chủ đề của cuốn sách. Sau đây là bức thư riêng của của giáo sư Hoàng Xuân Hãn gửi cho tác giả Vòng Đai Xanh qua tập san Sử Địa.

Cho phổ biến nội dung bức thư như một bút tích của GS Hoàng Xuân Hãn đồng thời cũng để ghi lại chi tiết trao đổi giữa GS Hoàng Xuân Hãn và Giáo sư người Mỹ khi đề cập tới vấn đề người Thượng và Tây nguyên.

*

Paris ngày 15 tháng 3 năm 1971

Kính gửi ông Ngô Thế Vinh

Thưa ông

Tôi đã nhận tập tiểu thuyết VÒNG ĐAI XANH mà ông đã gửi cho tôi. Tôi rất cám ơn, nhất là hình như tôi chưa có nhịp quen ông, thế mà ông đã nghĩ đến tôi trong khi chọn độc giả biệt đãi.

Tôi không dám chắc nhưng tôi nghĩ rằng ông đã chờ đợi ở tôi một kẻ có thể thông cảm tâm tình và ý thức ông với vấn đề Tây nguyên và cử chỉ ngoại nhân đế quốc trong vấn đề ấy. Quả đúng như thế. Tuy rất ít đọc tiểu thuyết, nhưng tôi đã đọc sách ông đến cùng mà không khi nào không chú ý. Ấy là vì tôi mặc tưởng đó không phải chỉ là một tiểu thuyết mà chính là một thiên phóng sự trá hình, hoặc là một thiên phóng sự được tiểu thuyết hóa. Một điều tôi mong được ông cho hay là các sự kiện và biến cố trong sách có hoàn toàn thật không, và những nhân vật Mỹ Việt quả có không và tên thật là gì? Nếu không ngại lộ bí mật nhà nghề và nếu có nhịp thì xin ông cho biết những điều ấy.

clip_image008

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn [nguồn: BlogKhoahoc.net]

Riêng tôi ở Paris, cách đây chừng dăm năm, một giáo sư li-học Mỹ, đã từng qua dạy ở Sài gòn, đã lại thăm tôi trên đường về Mỹ. Ông ta là một người phái chiến, gay gắt với ta về mọi phương diện, nhưng có lòng thẳng thắn, muốn nghe ý kiến mọi người tuy là họ trái mình. Tôi đã quên tên ông ấy, nhưng tôi còn nhớ rằng ông ấy tới nhà tôi lúc 10 giờ khuya, trao đổi ý kiến khắt khe đến 1 giờ sáng. Lúc sắp đứng dậy ra về, ông ấy bảo: “Dẫu sao người Việt nam không có quyền áp bức người Thượng”. Tôi không xiết ngạc nhiên khi nghe câu ấy, nhất là từ trước hai bên không hề nói tới chuyện người Thượng. Nay đọc sách ông, tôi mới hiểu hết nghĩa câu người Mỹ ấy. Vì ngạc nhiên nên tôi cảm thấy khó chịu, tôi đã bỏ thái độ nhã nhặn mà tôi đã giữ từ đầu. Tôi trả lời ông ta rằng: “Khi đã biết người Mỹ đã đối với dân tộc Indien da đỏ thế nào, thì tôi lấy làm ngạc nhiên khi nghe ông dạy chúng tôi cách cư xử công bằng với người Thượng ở nước tôi”. Ông ta không biết nói gì, hơi bẽ mặt với một sinh viên Việt là người đã dẫn ông tới thăm tôi và nhất là đối với bà vợ trẻ cùng đi với ông ta. Ông ta phải cười gượng làm lành. Mong ông ta gẫm nghĩ kĩ bài học mà ông ta đã nhận trong khi ông muốn đi dạy người.

Nhân đọc sách ông, tôi có nhịp nhắc lại câu chuyện cá nhân ấy, tưởng nó cũng thêm vào hồ sơ của ông đối với câu chuyện phỏng vấn hay điều tra về Tây Nguyên.

Một lần nữa tôi xin cảm ơn ông và xin chúc ông mọi sự tốt lành và may mắn.

HOÀNG XUÂN HÃN

58 av.Th. Gautier Paris 16

T.B. Vì không có địa chỉ ông, cho nên tôi nhờ tạp chí Sử Địa chuyển thư.

Comments are closed.